Bài Chánh Tấn Tuệ
CON NGƯỜI TỪ ĐÂU SINH RA? (P.1)
Viết cho Báo Nguyệt san giác ngộ số 269 (PL2563)
14/08/2018
Thế giới quanh ta thật phong phú, đa dạng và luôn thay đổi.
Xét riêng về loài người, dù hiện nay dân số thế giới đã hơn 8 tỷ, vẫn không thể tìm thấy hai người hoàn toàn giống nhau. Vì sao cùng một loài mà lại có nhiều sai biệt như vậy?Là do chúng ta không chỉ khác nhau về thân tướng mà còn khác nhau về tâm tính vàvận số của mỗi người.
. Thân tướng: Có người nam, người nữ, người cao, người lùn, người mập, người ốm, người trắng, người đen, người đẹp, người xấu…
. Tâm tính:Có người hướng ngoại[1], người hướng nội, người cảm giác, người trực giác, người tình cảm, người suy tưởng…Người hướng ngoại thì năng lực được dành để hướng ra ngoài.Họ thích đi đây đi đó, giao tiếp với xã hội.Người hướng nội lại ngại giao tiếp với bên ngoài, tách rời xã hội để sống với chính mình.Người cảm giác, chỉ tin vào các giác quan của mình. Mọi sự vật phải được thấy tận mắt, nghe tận tai, sờ tận tay mới được tin là thật. Người trực giác lại cảm nhận ngoại giới bằng linh giác trực tiếp, không thông qua suy luận cảm giác. Người tình cảm thì phán xét sự vật thông qua tình cảm. Thứ gì họ thấy thích hay hợp mới cho là tốt, là phải. Thứ gì không hợp hay không thích thường cho là xấu, là sai. Người suy tưởng thì thường suy nghĩ thấu đáo mới có kết luận.
Nói ở mặt ưa thích, có người thích văn chương, có người thích toán học v.v...
Nói ở mặt nghề nghiệp, có người thích làm thầy giáo, có người thích mua bán,có người thích làm văn phòng, có người thích công việc đi đây đi đó, có người thích sống ở đời,có người thích xuất gia.
. Vận số: Người thì sinh ra trong cảnh giàu sang, người lại sinh ra trong cảnh nghèo khó. Có người giàu cả đời. Có người đến chết vẫn chưa hết nghèo. Có người lúc trẻ giàu có, về già khó khăn. Có người lúc trẻ khó khăn, về già lại thong thả. Người thì công danh sự nghiệp phất sớm. Người thì công danh đến trễ. Người thì sự nghiệp lên mau, xuống cũng mau. Người, sự nghiệp đã có thì rất bền vững. Người, công danh trồi lên trụt xuống như sóng nước. Người thì bình bình suốt cả cuộc đời... Nơi mỗi cá nhân, cuộc đời của họ là một dòng chuyển biến không dừng, từ lúc sinh ra cho đến lúc già chết, lúc hanh thông, lúc trắc trở, lúc lạc quan, lúc bi quan, lúc khỏe mạnh, lúc đau ốm, lúc thương người này, lúc thương người khác...
Những điều vừa nói giải thích vì sao dù cùng là người mà không thể tìm thấy hai người hoàn toàn giống nhau.
Đến đây có một câu hỏi: Nguyên do nào đã làm xuất hiện loài người với vô vàn sai biệt như thế?
Để giải quyết câu hỏi này, đây sẽ nêu ra ba quan niệm để chúng ta tiện so sánh đối chiếu:
1/Quan niệm cổ điển, vì đã từng được nhiều người tin tưởng và chấp nhận trong quá khứ.
2/Quan niệm hiện đại,vì mới hoàn bị ở thế kỷ 20, và ngày càng được nhiều người chấp nhận thay thế dần quan niệmcũ.
3/Quan niệm Phật giáo, vì được hình thành từ giáo lý đức Phật đã dạy.
I. QUAN NIỆM CỔ ĐIỂN
Quan niệm cổ điển cho rằng chính Thượng đế toàn năng đã tạo ra con người và thế giới. Con người chỉ là vật thụ tạo, hữu hạn. Muốn vươn lên, con người phải lấy bản tánh của Thượng đế làm bản tánh của mình. Bản tánh của Thượng đế là chân, thiện, mỹ. Con người phải hướng về chân, thiện, mỹ để tự hoàn thiện, để trở nên hoàn hảo như Thượng đế.
Quan niệm này được nhiều tôn giáo đề cao, lấy đó làm cơ sở chỉ dạy con người sống sao cho phù hợp với bản tính người. Ưu điểm của quan niệm này là đơn giản.Chỉ cần có niềm tin vào Thượng đế là người ta có thể vâng phục theo sự chỉ dạy của tôn giáo. Mục tiêu trước mắt của tôn giáo là dạy con người sống cho nên người. Muốn nên người phải hạn chế phần “con”, phát huy phần “người”. Hạn chế phần “con” bằng cách giảm thiểu sự hưởng thụ các khoái lạc thân xác, không tìm cầu các thú vui vật chất. Phát triển phần “người” bằng cách đề cao việc tìm kiếm các thú vui tinh thần, đề cao việc phát triển trí tuệ, để sống một cách có lý trí, giảm thiểu tính vị kỷ, tăng cường tính vị tha, sống trung thực, công bình, bác ái v.v…, sống hòa điệu với thiên nhiên, tôn trọng và bảo tồn thiên nhiên. Vì sao phải như vậy? Vì việc phát triển tính người là điều kiện xây dựng một xã hội “người” ổn định và phát triển. Xã hội ổn định lại giúp phát triển tính người nơi mỗi cá nhân, thông qua giáo dục, văn hóa, pháp luật… Sự tương tác qua lại trong việc phát triển tính người và xã hội người đã mang lại cho con người một trình độ tri thức, một cuộc sống vượt hẳn các loài khác có mặt trên trái đất.
Quan niệm này không chỉ được chấp nhận ở phương Tâymà cả phương Đông. Như ở Việt Nam nhiều người vẫn cho rằng do ông Trời mà mình sinh ra là nam hay nữ, là thông minh hay ngu dốt v.v… Nói chung, Thượng đế hay ông Trời đóng vai trò rất lớn trong việc tạo ra thân tướng, tâm tính, vận số của một con người.Việc tin Thượng đế có quyền năng thưởng phạt như thế là điều dễ hiểu. Vì lúc đócuộc sống con người phụ thuộc rất lớn vào nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp thời đó phụ thuộc vào thiên nhiên và thời tiết, màcon người thì không có khả năng điều khiển thời tiết, đó là quyền năng của Thượng đế.Vì thế, no hay đói, an ổn hay hoạn nạn đều do Thượng đế quyết định.
Đến thời Phục hưng, xuất hiện niềm tin cho rằng thế giới quanh ta có cơ cấu phù hợp với lý tính [2], cộng với sự đề cao việc tìm hiểu về “lý tính thuần tùy” [3] đã có từ trước, là điều kiện cho sự phát triển các tri thức khoa học, kỹ thuật. Con người ngày càng hiểu rõ hơn về thiên nhiên, việc sản xuất ngày càng ít lệ thuộc vào thời tiết, sản lượng vật chất do con người tạo ra ngày càng lớn,đủ đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng của con người. Tri thức và năng lực ấy đã làm xuất hiện những chất vấn về sự hiện hữu và sáng tạo của Thượng đế, về vai trò tôn giáo trong đời sống của con người: Có hay không có Thượng đế? Nếu có, vì sao Thượng đế vốnthường, vốn một, lại có thể tạo ra rất nhiều con người với vô vàn sai biệt và luôn vô thường?Vì sao một vị Thượng đế vốn chân, thiện, mỹ, lại tạo ra những con người xấu tốt khác nhau?Vì sao cuộc đời này lại có vô vàn những xấu ác? Phải chăng sự sáng tạo là đặc quyền của Thượng đế,còn con người không có quyền sáng tạo? Phải chăng con người hoàn toàn không thể làm chủ con người và đời sống của chính mình?
Ngoài ra, do lượng vật chất con người có được trước đây không nhiều, chỉ một ít người là có đầy đủ, nên việc yêu cầu đại chúng không chạy theo các ham muốn vật chất dễ được chấp nhận.Nhưng hiện nay với việc tạo ra một lượng vật chất khổng lồ, đủ thỏa mãn các nhu cầu đa đạng của con người thìnhiều câu hỏi lại được đặt thêm: Vì sao con người phải sống “khổ hạnh”?Vì sao con người không thể hưởng thụ cuộc sống đầy đủ và sung túckhi với họ đó là hạnh phúc?Vì sao phải tiếp tục hạn chế việc hưởng thụ các khoái lạc vật chất?Vì sao phảichờ đến đời sau khi tái sinh ở thiên đường mới hưởng thụ cuộc sống,khi thiên đường ấy chưa biết có thật không?
Sự chất vấn nói trên đã làm bộc lộ một số yếu điểm của Quan niệm cổ điển, mở đường cho quan niệm đối lập xuất hiện,Quan niệm hiện đại. Quan niệm này đượcgieo mầm ở thế kỷ 15, phát triển mạnh ở thế kỷ 18 và 19, kết trái ở thế kỷ 20.
II. QUAN NIỆM HIỆN ĐẠI
Quan niệm hiện đại xuất hiện ở phương Tây. Đây là quan điểm đối lập với Quan niệm cổ điển. Sự đối lập này đã manh nha từ thế kỷ 15 với Copernic [4], Galileo [5], Francis Bacon [6], R. Descartes [7]…phát triển mạnh ở thế kỷ 18 và 19 với Immanuel Kant [8], Schopenhauer [9], F. Nietzsche [10] … Bùng nổ ở thế kỷ 20, với sự xuất hiện của dòng triết học Hiện sinh, trong đó triết Hiện sinh vô thần của J.P. Satre là đỉnh cao của sự đối lập này, nên bài viết sẽ sử dụng một số tư tưởng của Satre để trình bàyvề Quan niệm hiện đại.
Đối lập với Quan niệm cổ điển
Triết học của Satre mô tả con người và thế giới của mỗi người (Le monde pour moi) phù hợp với hiện thực hơn nhiều so với Quan niệm cổ điển. Điều ấy được trình bày qua các lập luận rất tinh vi nên cũng khá phức tạp. Để dễ dàng nắm được tinh thần của quan niệm này, cần biết qua một số điểm đối lập giữa hai quan niệm.
Quan niệm cổ điển |
Quan niệm hiện đại |
. Có Thượng đế (hữu thần) |
. Không có Thượng đế (vô thần) |
. Thượng đế là nguyên do sinh ra con người |
. Không tìm thấy nguyên do sinh ra con người |
. Con người sinh ra với bản tính người, vì có bản tính người nên có sự hiện diện của con người. Ở đây, bản tính có trước (hoặc được ưu tiên hơn), hiện hữu có sau (hoặc ít được ưu tiên hơn) |
. Con người sinh ra không có sẵn bản tính. Mỗi người phải tự tạo lấy bản tính cho chính mình. Muốn thế “con người trước hết phải tồn tại rồi mới thế này hay thế kia”. Ở đây hiện hữu có trước, yếu tính có sau. |
. Vì là vật thụ tạo của Thượng đế, hữu hạn, nên con người chỉ có một phần tự do. |
. Con người có toàn phần tự do lựa chọn lấy chính mình. Yếu tính con người là tự do. |
. Bản chất cuộc đời là hợp lý. |
. Đời là phi lý. |
. Luôn có sự cảm thông giữa tôi và tha nhân. |
. Không thể có sự cảm thông giữa tôi và tha nhân. “Tha nhânlà địa ngục cho tôi” (Satre) |
. Con người có một mục tiêu lâu dài. Đó là tiến đến Thượng đế. |
. Con người không có mục tiêu lâu dài, chỉ là luôn vượt qua hiện hữu để “hiện sinh”, thể hiện đầy đủ yếu tính tự do của chính mình… |
Nội dung của Quan niệm hiện đại
Chúng ta đi vào Quan niệm hiện đại qua câu nói của Satre “Con người sinh ra không có nguyên do, kéo lê cuộc đời vì nhu nhược và chết một cách ngẫu nhiên”. Đó là vì không chấp nhận có Thượng đế,nên không thể tìm thấy nguyên do sinh ra con người như trong Quan niệm cổ điển. Quan niệm này cho rằng con người khác với con vật, khác với cây cỏ, vì yếu tính con người là tự do. Con người trong thực tế, ít ai nhận thức được tính cách cao quý của chính mình, nên chỉ sống một cách ù lỳ. “Sống êm êm, ăn, ngủ, đi làm kiếm tiền, mua sắm đồ đạc, thỏa mãn các dục lạc” và chỉ thế mà thôi. Đó chỉ mới là đời sống sinh lý, là sinh tồn. Sống như thế chẳng khác nào con vật, cái cây hay vũng nước [11], sống thế là sống “thừa”. Nhiều người vì nhu nhược, chưa dám đảm nhận lấy chính mình, cứ kéo lê cuộc đời từ ngày này sang ngày khác, theo cách sống trên, cho đến khi cái chết xuất hiện chấm dứt tất cả.Cái chết thì ngẫu nhiên. Vìcái chết xuất hiện không cần lý do. Có người sống hiền mà chết sớm. Có người tạo ác mà sống lâu. Có người già mới chết. Có người còn trẻ đã được thần chết rước đi v.v…Cái chết thì ngẫu nhiên, không dự trù dự phóng gì được. Do đó con người cầnsống hiện sinh trung thực. Muốn sống một cách trung thực, muốn “hiện sinh trung thực” thì phải làm sao? “Người nào tự mình tự do lựa chọn, tự mình tạo nên mình, tự mình là thành quả của chính mình, người ấy mới thực sự hiện hữu (hiện sinh) [12].
Đặc điểm của triết Hiện sinh vô thần là sự đề cao “chủ thể tính” và “tự do tính” của con người. Với Satre, “tự do tính” được đề cao đến tột mức. Con người luôn có được toàn phần tự do lựa chọn lấy mình. Chẳng hạn, quá khứ tôi là người ăn chơi trụy lạc, điều này không thể thay đổi, nhưng hiện tại tôi vẫn có đầy đủ quyền tự do lựa chọn, tiếp tục sống như thế hoặc quay trở lại sống như một người bình thường, không bê tha trụy lạc.Một khi đã lựa chọn, tôi tiến hành thực hiện những điều cần thiết để làm nên con người mình và cuối cùng “Ta là con người mà Ta đã lựa chọn” (là thành quả của chính mình). Câu nói trên nhằm chỉ ra rằng, con người có toàn quyền tạo ra chính mình. Không dừng lại ở đó, với việc đề cao tự do tính đến tột mức, con người còn có toàn quyền tạo ra thế giới của chính mình(Le monde pour moi), toàn quyền tạo ra cuộc đời của chính mình.
Xuất phát từ khám phá của Schopenhauer “Thế giới là ý nghĩ của tôi” [13], Satre cho rằng vật trong tự thân (en-soi) vốn không là gì cả. Do có sự truy nhận của một chủ thể ý thức mà vật trở thành thế này hay thế kia. Thế này hay thế kia là những ý nghĩa mà ta đã gán lên cho vật, không phải vật có ý nghĩa như vậy, nhưng ta lạiđang sống và hành xử theo các ý nghĩa đó. Cũng lànửa trái đào của người cung phi mà ý nghĩa mỗi lúc mỗi khác. Khi còn được say mê thì vua sung sướng cầm lấy nửa trái đào và khen “Thật chí tình!Một trái đào cũng cắn đôi, không quên trẫm”. Khi tình yêu đã phai, nhan sắc đã nhạt, vua thịnh nộ quát “Quân vô lễ và phạm thượng, dám cho trẫm ăn thừa”.
Mở rộng ra, thế giới quanh ta có ý nghĩa thế này hay thế khác là do những ý nghĩa của ta. Cuộc đời của ta cũng thế, nó không có ý nghĩa nào cả. Nó chỉ có ý nghĩa mà ta gán cho nó. Theo Satre, nếu ta lựa chọn một cách hoàn toàn tự do thì Ta chính là người tạo ra Ta, Ta chính là người tạo ra thế giới. Mọi ý nghĩa của thế giới do Ta ban tặng, vì thế không thật có thiện ác. Thiện ác do Ta mà có. “Không phải vì sự vật tốt mà Ta chọn nó nhưng vì ta chọn nó mà nó tốt” (Satre).
Nếu như thế thì cái Ta, chủ thể của ý thức, trong triết Hiện sinh vô thần của Satre không khác gì vị Thượng đế trongQuan niệm hiện đại. Cái Ta của mỗi người trong yếu tính tự do của nó chính là Thượng đế.Nhưng đó chỉ mới là một phần của Thượng đế.Vì ngoài việc tạo ra con người và thế giới, Thượng đế còn là vô cùng. Điều mà cái Ta chưa có được. Với khiếm khuyết này, việc đề cao hết mức cái Ta sẽ đưa đến đâu?
Để giải quyết câu hỏi này, cần tìm hiểu thêm những quan điểm của Satre qua triết lý của ông
Satre định nghĩa con người là ý thức. Ý thức vốn rỗng nên nó có thể tiếp nhận được mọi sự vật. Như khi nhìn chiếc máy bay, ý thức ta là chiếc máy bay. Nhìn qua cái nhà, ý thức ta là cái nhà…Ý thức có thể tiếp nhận hết sự vật này đến sự vật khác như thế, vì bản thân nó là trống,rỗng. Cũng vì rỗng mà ý thức hết chạy theo sự vật này đến sự vật khác để lấp đầy chỗ trống của nó. Chạy theo cái gì? Chạy theo cái mà Ta thấy thiếu. Như thấy Ta cần một chiếc xe mà xe chưa có, ý thức sẽ theo đuổi việc làm thế nào để có được chiếc xe. Thiếu điện thoại di động, ý thức sẽ hướng về việc làm sao có được chiếc điện thoại. Có rồi, lại muốn có chiếc điện thoại nhiều chức năng hơn, tối tân hơn, hợp thời hơn.
Theo cái nhìn của Satre, trong sâu xa ai cũng muốn có tất cả, con người suốt ngày chạy từ cái này đến cái kiavì muốn lấp đầy sự thiếu trong Ta. Đây là điều không thể. “Làm người là muốn làm Thượng đế” [14]. Đây là điều phi lýnhưng con người không thể từ bỏ nó, thế nên “Con người là một đam mê vô ích” [15] suốt ngày chạy theo các ảo vọng, không bao giờ mãn nguyện. Cuối cùng “con người sẽ chết đi trong thất vọng, chán ngán” [16].
Thật bi hài! Sau khi tích cực hạ bệ Thượng đế trong Quan điểm cổ điển và thay bằng cái Ta, triết Hiện sinh vô thần lại đưa con người đến chỗ đối mặt với hư vô. Hình như các triết gia Hiện sinh muốn chỉ ra rằng:Con người đến từ hư vô, nên rồi cũng trở về với hư vô. Cuộc đời thật phi lý, vô vọng. Cuộc nhân sinh thật đáng phải bi quan. Songvì sao việc đưa cái Ta lên làm Thượng đế, lại khiến chúng ta phải đối mặt với hư vô? Câu hỏi này sẽ được làm rõ trong phần Tổng kết của bài viết.
Tháo dỡ rào cản của tôn giáo
Ở phương Tây, quá trình phát triển khoa học kỹ thuật đi liền với sự tháo dỡ các rào cản đối với tư tưởng, tình cảm, hành vi của con người mà tôn giáo đã dựng lên. Vì sao?
Thật ra, sự mở đầu của khoa học chỉ là nhu cầu phát triển các tri thức về thiên nhiên. Con người đòi hỏi có quyền tìm hiểu về thế giới một cách hợp lý, cho dù điều ấy có thể dẫn đến những kết quả trái với những điều đang được thần học chấp nhận, như trường hợp của Copernic, Galileo, Bruno [17]. Nhu cầu đó đã dẫn đến sự xuất hiện của khoa học. Để khoa học có thể phát triển, con người cần có những quan niệm mới về thực tại, về hữu thể. Cái nhìn về thực tại không còn gói gọn trong tôn giáo, đã xuất hiện nhiều quan niệm khác, trong đó có nhiều quan niệm trái với quan niệm của tôn giáo. Với những quan niệm mới, tri thức khoa học đã được phát triển mạnh mẽ và được sử dụng để phục vụ cho đời sống con người.
Tiến xa hơn, con người muốn cải tạo thế giới cho phù hợp với ý mình để có thể làm chủ thế giới, làm chủ chính mình, tự do hưởng thụ các thành quả mà khoa học kỹ thuật đã tạo ra. Tất cả các điều này dù vô tình hay hữu ý đều hướng đến một mục tiêu “Con người muốn nghĩ và muốn sống theo ý mình”. Nhưng đây là điều các tôn giáo lớn khuyên con người phải thận trọng. Như với Thiên chúa giáo thìcon người không được tự tử [18],“Yêu mến Chúa là tuân giữ các điều răn của Ngài…” [19]. Với Phật giáo, con người cũng không nên tự tử và không nên tin vào ý mình trừ khi đã chứng A-la-hán. Do việc đối nghịch đó mà sự tiến hóa của khoa học vô tình phá vỡ đi những rào cản của tôn giáo đã dựng lên cho con người.
Hệ quả là …
Với triết Hiện sinh vô thần, con người đã có cơ sở triết lý để toàn quyền sống theo ý mình. Con người tự do sử dụng tâm trí, trí tưởng tượng tạo ra nhiều học thuyết triết học mới, tạo ra nhiều ngành khoa học mới, nhiều kỹ thuật mới. Con người cũng tạo ra nhiều nhu cầu mới.Khoa học kỹ thuật là chiếc đủa thần tạo ra nhiều hình thức vật chất mới với số lượng lớn, đủ đáp ứng mọi nhu cầu ngày càng đa dạng của con người. Vật chất được coi trọng. Con người mặc tình tìm kiếm các thú vui vật chất. Thân xác được tôn vinh. Con người tự do hưởng thụ các dục lạc thân xác. Tinh thần suy giảm, niềm tin tôn giáo ngày càng phai mờ. Bản ngã cá nhân được đề cao. Sự ganh đua giữa người với người ngày càng gia tăng. Sự cảm thông với tha nhân trở nên quý hiếm. Tính vị kỷ tăng cao. Lòng vị tha suy yếu. Luân lý đạo đức bị xem thường…
Hiện nay, do nhu cầu sử dụng vật chất ngày mỗi tăng cao, đòi hỏi phải khai thác nhiều hơn các tài nguyên có trên trái đất để đáp ứng. Lòng ham muốn của con người dường như không có giới hạn trong khi tài nguyên của trái đất thì hữu hạn. Thêm vào đó, các chất thải từ việc sản xuất đến tiêu dùng của con người đang làm trái đất ô nhiễm nặng,đe dọa sự mất căng bằng sinh thái,đe dọa sự tồn sinh của nhiều giống loài trong đó có con người. Có lẽ con người đang tiêu xài quá mức chịu đựng của trái đất và của nhiều giống loài khác? Với việc tự do sống theo ý mình, con người đang phát triển phần con, thu hẹp phần người?Phải chăng con người đang hủy hoại sự sống trên trái đất một cách rất “khoa học” và đang phá hoại thế giới người?Trong thời đại khoa học kỹ thuật, con người vẫn cần đến tôn giáo nhằm hạn chế lòng ham muốn để có thể bảo tồn “thế giới người” cho con cháu của mình?Tôn giáo không thểchỉ ngừng lạiở chỗ chỉ dạy một cách đơn giản và dễ hiểu như xưa, mà cần phải khai triển thêm phần sâu kín của giáo lý để thích ứng với tâm trí của con người hiện đại?
Dù có vẻ kỳ lạ nhưng Quan niệm hiện đạilại cho những diễn giải khá phù hợp với tâm lý con người, đáp ứng những mong cầu của con người trong thời đại khoa học kỹ thuật, nên ngày càng có nhiều người chấp nhận và ủng hộ. Hiện nay, dù có am hiểu triết học hay không, nhiều người vẫn đang sống theo quan niệm này. Trước mắt, trong tâm thức con người, việc thay dầnQuan niệm cổ điển bằng quan niệm này là xu thế chưa thể cưỡng lại, nên bài viết này gọi đây là Quan niệm hiện đại.
Đã đến lúc cần đặt ra các câu hỏi sau.
Phải chăng trong thực tế con người có toàn phần tự do lựa chọn và tạo ra chính mình?
Phải chăng sự sáng tạo luôn mang lại lợi ích cho con người hay vẫn có nhiều sáng tạo mang lại tổn hại cho con người?
Phải chăng sự sáng tạo dùmang lại nhiều lợi ích trong hiện tại,nhưng vẫn ngầm chứa những nhân tố làm hủy diệt con người trong tương lai?
Đâu là chỗ được, chỗ chưa được,đâu là mặt tích cực và mặt tiêu cực của Quan điểm hiện đại?
Để trả lời câu hỏi này một cách rõ ràng và khách quan, trước hết cần tìm hiểu về Quan niệm nhà Phật, để có một cái nhìn thật phù hợp với tâm lý và hành vi của con người trong hiện thực.
III. QUAN NIỆM PHẬT GIÁO
Theo Quan niệm Phật giáo, con người sinh ra do nghiệp. Chúng ta có thể tìm thấy được nhân duyên (nguyên nhân và điều kiện) sinh ra con người. Nguyên nhân sinh ra con người là nghiệp. Nghiệp, hiểu theo cách phổ thông hiện nay là sự tạo tác nơi thân, khẩu và ý. Tạo tác nơi thân gọi là thân nghiệp, nơi khẩu gọi là khẩu nghiệp, nơi ý gọi là ý nghiệp.
Trong ba quan niệm,quan niệm này có tính khoa học nhất, vì có thể kiểm chứng các phát biểu của quan niệm này thông qua các kinh nghiệm có được trong thực tế. Cụ thể như:
Quan niệm cổ điển chủ yếu xây dựng dựa trên niềm tin. Còn trong thực tế, không thể kiểm chứng được việc “Thượng đế sinh ra con người”.
Quan niệm hiện đại, cho rằng con người sinh ra không có nguyên do, không thể tìm thấy lý do sinh ra con người. Nói như vậy cũng có nghĩa con người được sinh ra một cách tình cờ ngẫu nhiên. Điều này dẫn đến các vấn nạn sau:
. Con người vốn đa dạng, mỗi người mỗi khác, không ai giống ai, nhưng vì sao tất cả đều là người? Nguyên do gì khiến một tập thể gồm rất nhiều cá thể sai khác lại có một điểm chung là người? Đây là câu hỏi không thể trả lời. Vì quan niệm này cho rằng con người sinh ra không có nguyên do.
. Con người dù đa dạng nhưng người nào ra người đó với tính cách cá nhân riêng,không phải là những cá thể vô tính cách, vô định hình, vô định tướng…vậy do đâu mà có hiện tượng này?
Khác với hai quan niệm trên, chúng ta dễ dàng kiểm chứng các phát biểu về nghiệp bằng cách đối chiếu với thực tế.
Do huân tập mà thành nghiệp: Bất kỳ một tư tưởng, tình cảm hay hành vi nào được lặp đi lặp lại nhiều lần, gọi là huân tập. Do huân tập mà có hiện tượng “thành nghiệp”. Sự thành nghiệp này cũng được gọi là thói quen. Những gì thuộc thói quen, nó sẽ bắt chúng ta thực hiện những hành vi đã quen làm trong quá khứ.
Thỉnh thoảng uống vài ly rượu thì không có gì xảy ra. Nhưng nếu việc đó được lặp đi lặp lại mỗi ngày trong thời gian dài, sẽ dẫn đến hiện tượng ghiền rượn, còn gọi là thành nghiệp uống rượu. Nghiệp một khi đã thành, nó có năng lực bắt thân tâm mình phải nghĩ và thực hiện nghiệp ấy. Nếu không, bản thân phải chịu nhiều phiền não. Như người ghiền rượu, ngày nào không uống, thân tâm sẽ chịu nhiều vật vã, bức xúc, khó chịu. Nói cách khác, nghiệp khi đã thành, nó có năng lực trói buộc, bắt Ta vận hành theo nó.
Hiện tượng thành nghiệp này xuất hiện là do ai cũng có thức thứ tám, có khả năng lưu trữ các hiện tượng tâm lý đã diễn ra trong quá khứ. Trong trường hợp của nghiệp, việc lặp đi lặp lại nhiều lần (huân tập)đã dẫn đến việc hình thành các chủng tử nghiệp lưu trữ trong thức thứ tám. Khi chủng tử nghiệp đủ duyên, sẽ sinh khởi,và lôi kéo thân tâm con người nghĩ và làm theo nghiệp đã được huân tập đó.
Người tạo ra nghiệp, nghiệp sinh ra người: Do việc huân tập thành chủng tử mang tính cá nhân, nên chủng tử nghiệp của người nào phải do chính người đó tạo ra. Nghiệp không do người khác tạo ra cho Ta, không do một đấng thần linh nào ban tặng hay ép buộc Ta phải có. Vì thế, luận nói: “Nghiệp do người tạo. Người do nghiệp sinh”[20]. Người tạo ra nghiệp nhưng nghiệp lại sinh ra người theo nghiệp.
Thí dụ:
. Sinh ra không ai là bợm rượu. Lớn lên, theo bạn bè tập uống rượu, lâu ngày thành bợm rượu. Cái Ta bợm rượu trước đây không có, bây giờ có. Trước không nay có, gọi là sinh.
. Vào lúc 6 tuổi, bắt đầu đi học. Do thích toán nên đã bỏ ra nhiều thời gian để học toán. Ở tuổi 30, thành mộtnhàtoán học. Việc xuất hiện một Ta toán học là do thành tựu nghiệp học toán mà có.
Thừa hưởng nghiệp quá khứ: Con người hiện tại là kẻ thừa hưởng tất cả các nghiệp mà người ấy đã tạo ra trong quá khứ.NhưTa toán học ở thí dụ trên,là kẻ thừa hưởng nghiệp học toán mà Ta đã thực hiện trong quá khứ. Ta quá khứ, Ta hiện tại được nối kết với nhau bằng nghiệp. Ta vị lai cũng thế.Với người đã am hiểu về nghiệp, nhìn một người trong trạng thái hiện tại, có thể biết được quá khứ và vị lai của người đó.
Theo Phật giáo, việc Ta xuất hiện trong đời là do những nghiệp mà Ta đã tạo ra trong quá khứ. Ở hiện đời, Ta vừa thừa hưởng các nghiệp trong quá khứ vừa tạo ra các nghiệp mới.Gộp hai điều trên, sẽ sinh ra con người vị lai của ta. Nhìn một cách thấu đáo sẽ thấy:Nghiệp đang sinh ra ta trong từng thời điểm, sinh ra những tính cách của ta trong từng giây phút và những nghiệp ấy lại do chính ta tạo ra. Điều này tương đồng với chủ trương của quan niệm hiện đại “con người tự mình tạo ra chính mình”. Ở đây, Quan niệm hiện đại tỏ ra phù hợp với thực tế hơn chủ trương Thượng đế sinh ra con người của Quan niệm cổ điển.
Xét qua vấn đề tự do, vì con người tạo ra chính mình thông qua nghiệp, mà nghiệp thì có tính cách trói buộc nên trong thực tế, con người không còn đầy đủ tự do với những gì mình đã tạo thành thói quen cho mình. Việc huân tập thành nghiệp có thể dễ nhưng việc chống lại nghiệp đã huân thì không dễ. Như Ta có thể làm cho Ta bình thường trở thành Ta bợm rượu. Nhưng khi Ta bợm rượu xuất hiện rồi, muốn trở lại Ta bình thường thìphải không uống rượu. Việc bỏ rượu là một quá trình vất vả, tâm chịu nhiều phiền não, thân chịu nhiều vật vã, người thiếu ý chí không thể vượt qua. Trên thực tế, con người thường lựa chọn việc thuận theo nghiệp hơn là việc trái với nghiệp để tránh các phiền não. Việc lựa chọn vì thế đã bị hạn cuộc.
Có ý kiến cho rằng, trong lãnh vực tâm linh, con người có “hoàn toàn tự do lựa chọn lấy mình” thì điều nàydù không trái với thực lý, trên thực tế lại không có tác dụng, vì chịu sự ngăn trở của nghiệp. Nghiệp không chỉ chi phối thân xác và hành vi của con người mà còn chi phối tâm ý của con người, chi phối sự lựa chọn của con người. Muốn có được sự tự do hoàn toàn, trước hếtconngười phải cải tạo tâm thức hiện có một cách triệt để, phải làm chủ các lực nghiệp đang tiềm chứa trong thức thứ tám. Nói theo cách của người phương Tâylà, phải làm chủ được các động lực tinh thần đang ẩn chứa trong vô thức. Đây là việc ít người làm được. Nếu chưa làm được thì tự do vẫn chưa đầy đủ. Ta tưởng rằng Ta tự mình tự do lựa chọn nhưng thật ra Ta đang lựa chọn theo nghiệp. Ta không hoàn toàn tự do lựa chọn như Ta nghĩ, vì Ta chưa ý thức được hết các động lực sâu kín đang tiềm ẩn trong vô thức.
Như vậy, nói về tự do,việc cho rằng con người vì hữu hạn nên chỉ có một phần tự do của Quan niệm cổ điển phù hợp với thực tế hơn việc cho rằng con người có toàn phần tự do của Quan niệm hiện đại.
So sánh trên đây cho thấy, dù Quan niệm cổ điển có một số khuyết điểm nhưng không phải tất cả các phát biểu của quan niệm này đều sai (không phù hợp với thực tế). Do đó, nếu việc chỉ ra các khuyết điểm của Quan niệm cổ điển chính là ưu điểm của Quan niệm hiện đạithì việc phủ định các phát biểu đúng của Quan niệm cổ điển lại là khuyết điểm của Quan niệm hiện đại.
Việc so sánh đối chiếu giữa ba quan niệm sẽ được trình bày đẩy đủ hơn ở phần Tổng kết. Trước mắt, cần phải có sự am hiểu đầy đủ hơn về nghiệp. Vậy nghiệp là gì?
(còn tiếp)
[1] Tạm mượn cách phân loại tính tình của C.Jung – nhà phân tâm học nổi tiếng nửa đầu thế kỷ 20.
[2] Thế giới quanh ta là sản phẩm của Thượng đế, bản tính của Thượng đế vốn “chân” nên thế giới có cơ cấu phù hợp với lý tính.
[3] Đây là những tri thức không đến qua giác quan mà biệt lập với kinh nghiệm giác quan. Các tri thức này thuộc về chúng ta, do bản chất và cơ cấu nội tại của tâm thức.
[4] Nicolas Copernic(1473-1543), người Ba Lan, tác giả thuyết “Nhật tâm”, đối lập với thuyết “Địa tâm” đang được thần học thời đó ủng hộ.
[5]Galileo Galilei(1564-1642), người mở đầu cho sự phát triển của khoa học thực nghiệm.
[6]Francis Bacon(1561-1626), người đề cao phương pháp quy nạp.
[7] R. Descartes(1569-1650), người đặt nền tảng phương pháp luận cho sự phát triển khoa học.
[8] Immanuel Kant(1724-1804), người nhấn mạnh đến việc xem con người là chủ thể hoạt động nói chung chứ không chỉ là hoạt động nhận thức, là người đưa ra sự phân biệt giữa hiện tượng với vật tự thân. Nhận thức kinh nghiệm thông qua lý tính chỉ nhận thức được các hiện tượng, chứ không thể nhận thức được vật tự thân.
[9] Schopenhauer (1788-1860), với các câu nói “Thế giới là cái nhìn của tôi”, “Thế giới là ý nghĩa của tôi”.
[10]F. Nietzsche (1844-1900), với câu nói nổi tiếng “Thượng đế đã chết rồi”.
[11]Đây là chỗ tương đồng hiếm hoi giữa hai quan niệm. Quan niệm cổ điển cũng chê bai cách sống này.
[12]Lời của Heidegger và J.P.Satre,ghi trong cuốn Chủ nghĩa hiện sinh - P. Foulquié - Thụ Nhân dịch.
[13] Câu chuyện triêt học – chương 7 – Will Durant – Bửu đích và Trí Hải dịch.
[14]Lời của Satre, trích trong Triết học hiện sinh của Trần Thái Đỉnh. Điều này cũng được các tôn giáo lớn đề cập đến như Thiên chúa giáo cho rằng con người có bản tánh thần linh, Phật giáo cho rằng con người ai cũng có Phật tánh,tánh Phật thì trùm khắp.
[15]Lời của Satre, trích trong Triết học hiện sinh của Trần Thái Đỉnh.
[16]Lời của Satre, trích trong Triết học hiện sinh của Trần Thái Đỉnh.
[17]G. Bruno (1548 -1600) là nhà triết học đồng thời là nhà khoa học tự nhiên vĩ đại ở Italia. Ông đồng nhất Thượng đế với tự nhiên. Điều này trái với thần học, nên tòa án giáo hội đã thiêu sống ông.
[18]Sách Giáo lý số 2280 - Điều răn V: “Chớ giết người”. http://ductinjesus.com/tai-sao-nguoi-cong-giao-khong-duoc-tu-tu/
[19] Lời Kinh Thánh. http://hddmvn.net/bai-32-song-theo-y-chua/
[20]Sáu cửa vào động thiếu thất, chương V : Ngộ Tánh Luận - Tổ Bồ-đề Đạt-ma - HT Thích Thanh Từ dịch và giảng.
Các tin khác
-
» TÌM HIỂU VỀ NGHIỆP - CTT. (18/04)
-
» MỘT CÁI NHÌN VỀ TỔ SƯ THIỀN (14/04)
-
» CHỖ LẬP TÔNG VÀ PHÁP HÀNH CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ (23/03)
-
» KHẢO VỀ TÁM THỨC VÀ TÂM LÝ HỌC HIỆN ĐẠI - CHỦNG TỬ DANH NGÔN (08/03)
-
» KHẢO VỀ TÁM THỨC VÀ TÂM LÝ HỌC HIỆN ĐẠI - THỨC THỨ TÁM (08/03)
-
» KHẢO VỀ TÁM THỨC VÀ TÂM LÝ HỌC HIỆN ĐẠI - THỨC THỨ BẢY (08/03)
-
» KHẢO VỀ TÁM THỨC VÀ TÂM LÝ HỌC HIỆN ĐẠI - SÁU THỨC NGOÀI (08/03)
-
» KHẢO VỀ DUY THỨC HỌC VÀ TÂM LÝ HỌC HIỆN ĐẠI (12/12)
-
» Ý THỨC LÀ GI? (30/11)
-
» THỨC ALAIDA VỚI VÔ THỨC TẬP THỂ (22/11)