Đại thừa khởi tín luận trực giải (Hám Sơn)
ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (6)
HIỂN THỊ CHÁNH NGHĨA (2) - Nói về nghĩa huân tập - Sở kiến của hai loại Bồ-tát - Hội tướng vào thật - Hiển động tĩnh chẳng hai.
29/04/2021
QUYỂN HẠ
PHẦN GIẢI THÍCH
I. HIỂN THỊ CHÁNH NGHĨA (2)
Đây là phần giải thích nhiễm tịnh hỗ trợ qua lại.
Lại nữa, nghĩa huân tập có 4 thứ pháp nên nhiễm pháp và tịnh pháp khởi chẳng dứt. Thế nào là 4?
1. Tịnh pháp, tên là chân như.
2. Tất cả nhân nhiễm ô, gọi là vô minh.
3. Vọng tâm, gọi là nghiệp thức.
4. Cảnh giới hư vọng, đó là 6 trần.
Phần này nêu ra 4 tên. Dưới hiển bày nghĩa huân tập.
Nghĩa HUÂN TẬP là, như ở thế gian áo quần thật không hương, nếu người dùng hương huân tập thì thật có mùi hương. Đây cũng vậy, chân như tịnh pháp thật không ô nhiễm, chỉ do vô minh huân tập mà có tướng nhiễm. Vô minh nhiễm pháp thật không có nghiệp thanh tịnh, chỉ do chân như huân tập mà có dụng thanh tịnh.
Trên đã hiển bày sanh diệt của nhiễm tịnh sanh tất cả pháp. Đây làm rõ nhiễm tịnh cùng huân để hiển tất cả tịnh pháp khởi chẳng đoạn dứt. Trước đã nói “Thức Alaida hay sanh tất cả pháp hay nhiếp tất cả pháp”, song toàn văn trên chỉ mới hiển bày qua một lần tướng sanh diệt của nhiễm tịnh, chưa làm rõ nghĩa thánh, phàm, nhân, quả tương tục chẳng dứt. Nên đây riêng nói về chân vọng cùng nhau huân tập qua lại, dẫn đến nhân quả tương tục trường kiếp chẳng dứt.
Đầu tiên liệt kê 4 tên chân, vọng, tâm, cảnh. Kế, ví dụ để làm rõ nghĩa huân tập. Pháp hợp với chân vọng cùng làm nhân duyên. Kinh nói “Như Lai Tạng là chỗ huân của ác tập”. Chân như làm nhân, bị duyên vô minh huân, biến thành kiến, tướng, tâm, cảnh trong thức Alaida. Lại, Alaida làm nhân, cảnh giới làm duyên huân trở lại tâm thể thành tướng nhiễm 6 trần. Do đây nên có sanh tử lưu chuyển chẳng dứt. Nếu lấy chân như huân vô minh, diệt các nhân nhiễm thì có dụng thanh tịnh, thành 42 vị tiến tu, được quả bồ đề niết bàn thường trụ. Lực huân biến chẳng thể nghĩ bàn này rất là lớn lao nên đây riêng chỉ bày.
Dưới, đầu tiên chỉ rõ nhiễm huân.
Vì trong môn sanh diệt nên làm rõ vô minh huân chân như trước.
Vì trong môn sanh diệt nên làm rõ vô minh huân chân như trước.
Đây hỏi để rõ vấn đề. Huân tập tóm tắt có 2 nghĩa. Thứ nhất là tập huân. Thứ hai là tư huân. Căn bản vô minh huân chân như là tập huân. Nghiệp thức huân trở lại vô minh làm nó tăng hoài chẳng dứt gọi là tư huân. Lại, tâm cảnh hiện hành cùng các hoặc huân với nhau cũng gọi là tư huân.
Nghĩa là, do nương pháp chân như mà có vô minh
là nói vô minh nương chân mà khởi.
Vì có vô minh nhiễm pháp làm nhân liền huân tập chân như
là lấy chân như làm nhân, vô minh là duyên, liền huân trở lại chân như.
Do huân tập nên có vọng tâm.Vì có vọng tâm liền huân tập vô minh
Là vô minh huân chân như biến thành thức Alaida. Xảy ra với vô minh nên đây hiển bày vô minh có lực, huân chân như thành nghiệp thức. Như vậy, vô minh thì nương nghiệp thức, còn nghiệp thức thì huân tập vô minh, làm nó tăng hoài chẳng dứt nên nói:
Chẳng rõ được pháp chân như, bất giác niệm khởi
Chân như vốn tự vô niệm, vì vô minh huân chân như, huân hoài chẳng dứt nên nói “bất giác niệm khởi”. Chỗ này tương đương với Chuyển Tướng.
Hiện cảnh giới hư vọng
Đây tương đương với Hiện Tướng.
Do có cảnh giới hư vọng, nhiễm pháp làm duyên liền huân tập vọng tâm
Đầu tiên là do huân chân như thành nghiệp thức, từ đó nghiệp thức huân trở lại vô minh khiến nó tăng trưởng. Đây là vô minh và nghiệp thức hòa hợp thành một, làm nhân khởi 2 tướng Chuyển và Hiện mà có cảnh giới.Có cảnh giới, liền huân trở lại nghiệp thức, sanh khởi 6 thô nên nói cảnh giới làm duyên tăng trưởng 6 thô.
Khiến tâm ấy niệm trước
Là 4 cái thô đầu là Trí Tướng …
Tạo mọi thứ nghiệp, thọ tất cả khổ của thân lẫn tâm
Đây là 2 cái thô sau.
Đây hiển rõ, vô minh làm duyên huân tập chân như, biến khởi 3 tế, 6 thô, sanh tử nhiễm pháp chẳng dứt. Nói VÔ MINH là, chẳng rõ pháp chân như toàn nhất, hốt nhiên niệm khởi nên gọi là vô minh. Kinh nói “Vô minh này chẳng phải thật có tự thể, chỉ nương chân mà khởi”, tức lực huân tập của nhất niệm này làm ngăn chướng bản minh, thành mất chân minh ấy mà biến chân như làm nghiệp thức, nên nói là vọng tâm. Đây là chỗ khởi khó biết, tối cực vi tế, chỉ có Phật mới thấu đến được.
Đại khái là, do nhất niệm làm sanh nhân mà chân như bị huân đã biến làm nghiệp thức. Nhất niệm vô minh này là chỗ y chỉ để nghiệp thức huân trở lại vô minh, làm nó tăng hoài chẳng dứt, nên thành Chuyển và Hiện, 3 tế rõ ràng, tâm cảnh nhơn đó mà lập, nên nói “Bất giác niệm khởi hiện cảnh giới hư vọng”. Từ đó, cảnh giới tư huân biển tâm khởi bảy sóng trước mà thành 6 thô, tạo nghiệp thọ khổ. Cho nên, sanh tử chẳng dứt thật do đây vậy.
Trong 6 thô, 2 cái đầu là NIỆM, 2 cái kế là TRƯỚC. Trên đã làm rõ do vô minh huân chân như biến khởi 3 tế, 6 thô. Dưới biệt rõ, do nhất cảnh giới tư huân vọng tâm thành tướng 6 thô, nên sanh tử chẳng dứt.
Nghĩa CẢNH GIỚI HƯ VỌNG HUÂN TẬP ấy có 2 thứ. Thế nào là hai?
1. Huân tập tăng trưởng niệm.
2. Huân tập tăng trưởng thủ.
Trên đã làm rõ vô minh huân nghiệp thức nên hiện cảnh giới. Đây là từ cảnh giới tư huân nghiệp thức, khiến tăng trưởng 4 tướng trên của 6 thô.
1. TĂNG TRƯỞNG NIỆM là, từ vô minh nghiệp thức, do lực tư huân của cảnh giới làm tăng trưởng Trí Tướng và Tương Tục Tướng thuộc ý thức, là niệm phân biệt pháp chấp.
2. TĂNG TRƯỞNG THỦ là, tăng trưởng Chấp Thủ và Kế Danh Tự Tướng trong sự thức, là nhân ngã kiến ái phiền não.
A. Nghĩa VỌNG TÂM HUÂN TẬP có 2. Thế nào là hai?
1. Nghiệp thức căn bản huân tập : khiến cho A La Hán, Bích Chi Phật và tất cả Bồ tát phải chịu cái khổ sanh tử.
Đây là cái khổ của biến dịch sanh tử.
2. Tăng trưởng phân biệt sự thức huân tập : khiến cho phàm phu phải chịu cái khổ do nghiệp trói buộc.
Đây là cái khổ của phần đoạn sanh tử.
Đoạn này làm rõ vọng tâm tư huân vô minh, tạo nên 2 cái khổ sanh tử. Một là, nghiệp thức tư huân căn bản vô minh, chẳng thể ly niệm, chỗ chấp pháp tướng chẳng quên nên khiến Tam thừa chịu cái khổ của biến dịch sanh tử. Hai là, do tăng trưởng phân biệt sự thức tư huân vô minh kiến và ái. Bởi chẳng rõ cảnh giới không thật, phân biệt chấp thủ, khởi hoặc tạo nghiệp, nên khiến phàm phu chịu cái khổ của phần đoạn sanh tử thô.
B. Nghĩa VÔ MINH HUÂN TẬP có 2. Thế nào là hai?
1. Căn bản huân tập : vì hay thành tựu nghĩa nghiệp thức.
2. Khởi kiến và ái huân tập : vì hay thành tựu nghĩa phân biệt sự thức.
Trước vô minh huân chân như nên có vọng tâm v.v… là ước về vô minh nương chân mà khởi thành tướng chung là 3 tế 6 thô. Còn đây, vô minh huân chân như thành nghiệp thức là ước về chỗ sai biệt. Nghiệp thức này đủ 5 ý nên căn bản vô minh huân chân như thành 5 ý. Chỗ khởi kiến và ái là chi mạt vô minh huân vọng tâm thành “phân biệt sự thức”, tức trước nói cảnh giới huân vọng tâm thành NIỆM TRƯỚC trong 6 thô. Đây là nói vô minh huân chân như nên chẳng đồng.
Trên là nhiễm huân, dưới là tịnh huân.
Là, vì có pháp chân như nên hay huân tập vô minh.
Do lực nhân duyên huân tập, khiến vọng tâm chán sanh tử khổ, thích cầu niết bàn.
Vì vọng tâm ấy có nhân duyên chán và cầu nên liền huân tập chân như.
Đây làm rõ chân như nội huân vô minh, phát tâm tu hành, khiến thành tịnh nghiệp, là BẢN HUÂN. Cái nhân tịnh này huân trở lại chân như tăng trưởng thế lực là MỚI HUÂN.
Tự tin tánh mình
tương đương với Thập Tín
Biết tâm vọng động, không có cảnh giới trước mắt
tương đương với Thập Giải.
Tu pháp xa lìa tương
đương với Hạnh Hướng.
Vì như thật biết không có cảnh giới trước mắt
tương đương với Sơ Địa,
Mỗi mỗi phương tiện
Nhị Địa đến Cửu Địa
Khởi hạnh tùy thuận, không thủ không niệm, cho đến lâu xa
tương đương với Thập Địa…
Bởi lực huân tập
do thứ lớp nhân hạnh ngược dòng ở trên nên vô minh diệt.
Kế sẽ làm rõ cái quả của thứ lớp tu chứng.
Do vô minh diệt nên tâm không khởi
diệt 3 cái nhiễm đầu.
Do không có khởi, cảnh giới diệt theo
diệt 3 cái nhiễm sau.
Do nhân duyên đều diệt nên tướng của tâm đều hết, gọi là đắc niết bàn thành nghiệp tự nhiên.
Đây làm rõ thứ lớp nhân quả đoạn diệt do tịnh huân. Trong phần nhân hạnh, BIẾT TÂM VỌNG ĐỘNG là giải, TU XA LÌA là hạnh. Y giải thành hạnh, tu duy thức, tầm, tứ v.v.. tỷ quán biết như thật thì đăng địa. Mỗi mỗi đều thấy lý như thật. Trải qua các vị của Thập Địa rộng tu vạn hạnh. Không thủ thì sở thủ vô tướng. Không niệm thì năng niệm chẳng sanh. LÂU XA là, trải qua ba a tăng kỳ huân tu.
Căn bản vô minh ở quả tức là 2 thức nghiệp và chuyển, nên nói TÂM KHÔNG KHỞI. Vì không có 2 cái nhiễm này làm năng huân nên cảnh giới diệt theo.
NHÂN tức là vô minh. DUYÊN tức là vọng giới. TƯỚNG CỦA TÂM tức là 6 nhiễm. Vô minh diệt tức 3 bất tương ưng nhiễm đầu hết. Cảnh giới diệt thì 3 tương ưng nhiễm sau hết. Tất cả tướng của tâm đều không ra ngoài 6 nhiễm nên nói ĐỀU HẾT. Chuyển bỏ vọng tâm vọng cảnh nên ĐẮC NIẾT BÀN, vì 6 nhiễm toàn là phiền não ngại. Chuyển bỏ vô minh thì thành nghiệp tự nhiên, vì vô minh là trí ngại.
Trên đã thông suốt nhân quả nhiễm tịnh, dưới biệt rõ hạng quán hạnh.
A. Nghĩa VỌNG TÂM HUÂN TẬP có 2. Thế nào là hai?
1. Phân biệt sự thức huân tập : Phàm phu và Nhị thừa chán cái khổ sanh tử, tùy sức tu tập, từ từ hướng về đạo vô thượng.
2. Ý huân tập : Chư vị Bồ tát phát tâm dũng mãnh. Chóng đạt niết bàn.
Đây giải thích riêng về vọng tâm bị chân như huân, thô tế hoàn tịnh ước vào người để rõ đốn tiệm.
Hỏi : Vọng tâm huân tập thì phải thành nhiễm pháp, vì sao nói ngược dòng trở thành tịnh hạnh? Vả lại, luận nêu vọng tâm huân tập mà giải thích chân huân là sao?
Đáp : Ý này cực kỳ vi tế. Xưa nay người hiểu chỉ ở khoảng bậc quán hạnh, nên cái ý vọng tâm huân tập chưa được phát minh, vì vậy chưa thấy được cái hay của tác giả mà thôi.
Chương này nêu rõ chân như huân tập mà đây lại nói vọng tâm huân là do : trên nói “Vì có pháp chân như hay huân tập vô minh, khiến vọng tâm chán cái khổ sanh tử, thích cầu niết bàn” là làm rõ bên trong lấy chân như làm nhân, tức BẢN HUÂN. Kế nói “Vọng tâm có nhân duyên chán và cầu liền huân tập chân như” là MỚI HUÂN. Đây là quán hạnh.
Trước nói chân như huân vọng tâm là thông cả 5 ý, tự có sâu cạn. Nhưng trên chỉ mới nói rõ nhân quả từ đầu chí cuối mà chưa phân đốn tiệm. Nay vì vọng tâm chịu sự huân, huân trở lại chân như thì vọng tâm năng huân này tự có 2 nghĩa thô tế để rõ đốn tiệm sai biệt. Nếu cái nhân chịu sự huân là sự thức mà phát tâm thì thành căn cơ Nhị thừa. Nếu cái nhân chịu sự huân là 5 ý mà phát tâm thì thành căn cơ Tam Hiền, Thập Thánh. Song khi nêu vọng tâm là đã nhận chân như huân vọng tâm. Nay khởi quán hạnh huân ngược trở lại chân như thì chắc rằng chẳng phải vô minh huân vọng tâm vậy. Diệu thay!
Trên đã làm rõ vọng tâm huân chân như, thô tế chẳng đồng. Dưới làm rõ chân như huân vô minh thể dụng chẳng đồng.
B. Nghĩa CHÂN NHƯ HUÂN TẬP có 2. Thế nào là hai?
1. TƯỚNG TỰ THỂ HUÂN TẬP : từ vô thủy đến nay, đầy đủ pháp vô lậu, có đủ nghiệp chẳng thể nghĩ bàn làm tánh cảnh giới. Y nơi 2 nghĩa ấy thường hằng huân tập. Bởi có lực nên hay khiến chúng sanh chán cái khổ sanh tử, thích cầu niết bàn, tự tin thân mình có pháp chân như, phát tâm tu hành.
Đây làm rõ chân như trong ngoài huân tập có 2 nghĩa thể và dụng.
THỂ là pháp tánh vô lậu (vốn đầy đủ từ vô thủy đến nay) của chúng sanh, là bản hữu chánh nhân Phật tánh, tức bản thể.
TƯỚNG là tướng của thể, là tướng đầy đủ công đức vô lậu, là vô lượng công đức xứng hợp với tánh.
CÓ ĐỦ NGHIỆP ... là, thể và tướng này có đủ nghiệp dụng chẳng thể nghĩ bàn. Ngoài, thì hay cùng với tất cả vô tình làm tánh của cảnh giới gọi là pháp tánh, nên pháp pháp đều chân, đó là ngoại cảnh. Trong, chính là trí thể làm cảnh sở quán, tức Bồ tát đăng địa dùng quán hữu tướng vô tướng, đó là nội cảnh. Vì có đủ lực tác dụng chẳng thể nghĩ bàn của thể và tướng thường hằng huân tập nên hay khiến chúng sanh phát tâm, chán sanh tử, thích niết bàn. Biết bản hữu chân thật chẳng mượn ở ngoài mà cầu nên phát tâm tu hành. Ý là, nếu chẳng nhờ lực chân như sẵn có này thì chúng sanh không bao giờ có cơ hội biết phát tâm.
Hỏi : Nếu nghĩa đúng như vậy thì tất cả chúng sanh đều có chân như, đều cùng huân tập, vì sao “có tin và không tin”, trước sau vô lượng sai biệt? Đều nên đồng thời tự biết có pháp chân như, siêng tu phương tiện, cùng nhập niết bàn.
Đây đặt câu hỏi, chúng sanh cùng đầy đủ chân như nhưng phát tâm tu chứng chẳng đồng. Ý hỏi này bao hàm 2 thứ sai biệt chẳng đồng.
1. Nghi chúng sanh đã đồng sẵn một tánh chân như bình đẳng, vì sao có lợi, độn, tà, chánh, tin cùng chẳng tin v.v… vô lượng sai biệt chẳng đồng.
2. Nghi chúng sanh đồng nhờ chân như nội huân mà phát tâm thì phải đồng thời đồng tin, đồng tu, đồng chứng niết bàn, vì sao có trước, sau, mau, chậm … vô lượng sai biệt chẳng đồng?
Tuy chữ SAI BIỆT đặt ở giữa, nhưng nghĩa lại bao gồm cả câu trước lẫn câu sau. Chỗ này giải thích cần phải khéo.
Đáp : Chân như vốn một mà có vô lượng vô biên vô minh – từ xưa đến nay – tự tánh sai biệt dày mỏng chẳng đồng. Vô lượng thượng phiền não nương vô minh khởi sai biệt. Phiền não ngã kiến và ái nhiễm nương vô minh khởi sai biệt. Như vậy tất cả phiền não nương nơi vô minh mà khởi, trước sau vô lượng sai biệt. Duy chỉ có Như Lai hay biết mà thôi.
Ý đáp đây cũng có 2 thứ sai biệt chẳng đồng.
1. Chúng sanh vốn là sẵn đồng một tánh chân như nhưng vì căn bản vô minh nội huân dày mỏng chẳng đồng, nên có căn cơ lợi, độn, tà, chánh, tin cùng chẳng tin … sai biệt.
2. Tuy là cùng đồng vô minh huân tập bên trong, nhưng chỗ huân thành của nó là phiền não, thô tế chẳng đồng nên tu chứng có mau chậm sai biệt.
VÔ LƯỢNG THƯỢNG PHIỀN NÃO là sở tri chướng, tế mà khó đoạn nên thủ chứng chậm. NGÃ KIẾN ÁI NHIỄM là phiền não chướng, thô mà dễ đoạn nên thủ chứng mau. Đây là tin cùng chẳng tin, lợi, độn, chậm, mau sai biệt … là lỗi của vô minh hoặc nhiễm chẳng phải chân như có sai biệt.
Trên là tóm tắt chân như huân tập chẳng đồng. Dưới là nói về ngoại duyên chẳng đồng.
Lại pháp của chư Phật có nhân có duyên. Nhân duyên đầy đủ thì pháp mới được thành. Như tánh lửa trong cây là nhân chánh của lửa, nếu người không biết, chẳng mượn phương tiện mà cho là cây tự cháy thì không có chuyện này.
Đây nói về duyên đủ và thiếu để rõ chẳng đồng. Phật tánh có 3 : chánh nhân, duyên nhân và liễu nhân. Chân như vốn tự đầy đủ, là CHÁNH NHÂN Phật tánh. Thiện tri thức giúp khai phát là DUYÊN NHÂN. Nhân duyên đầy đủ mới được khai ngộ là LIỄU NHÂN. Như nhân duyên khoan cây lấy lửa. Lửa trong cây dụ cho chánh nhân. Nhân lực, khoan, lấy v.v… là dụ cho duyên nhân. Lửa ra cây cháy là dụ cho đoạn chứng, tức liễu nhân.
Chúng sanh cũng vậy. Tuy có lực huân tập của chánh nhân, nếu chẳng gặp chư Phật, Bồ tát và các bậc thiện tri thức lấy đó làm duyên, mà có thể tự đoạn phiền não, nhập niết bàn thì không có việc ấy. Nếu, tuy có lực của ngoại duyên mà trong chưa có lực huân tập của tịnh pháp thì cũng chẳng đến mức có thể chán cái khổ sanh tử thích cầu niết bàn.
Chúng sanh vốn đủ Phật tánh là chánh nhân. Phật, Bồ tát, thiện tri thức thuyết về chân như, giáo pháp được lưu truyền, là ngoại duyên. Được các duyên trong ngoài này huân lẫn nhau thì việc đoạn hoặc chứng chân mới dễ. Nếu thiếu một thì chẳng thể chán sanh tử khổ, thích cầu niết bàn.
Nếu nhân duyên đầy đủ. Nghĩa là, tự có cái lực huân tập, lại được cái nguyện từ bi của chư Phật và các vị Bồ tát hộ trì thì hay khởi cái tâm chán khổ, tin có niết bàn, tu tập thiện căn. Bởi tu thiện căn thành thục nên được gặp chư Phật và Bồ tát chỉ dạy lợi hỉ, mới có thể tiến thẳng đến đạo niết bàn.
Đây làm rõ, nhân duyên đầy đủ nên thành tựu đạo quả dễ dàng. TU HÀNH là, bên trong nhờ lực huân tập của chân như làm thắng nhân, bên ngoài có lực trợ phát của chư Phật và Bồ tát làm thắng duyên, nên khiến mau tiến đến niết bàn. CHỈ DẠY LỢI HỈ là được khai thị chỉ bảo một cách lợi ích và hoan hỉ . Đây là cái hay của trợ duyên.
Trên làm rõ cái dụng của tự tánh. Dưới làm rõ cái dụng của chân như.
2. DỤNG HUÂN TẬP : Chính là lực ngoại duyên của chúng sanh. Như vậy, ngoại duyên có vô lượng nghĩa, lược nói có 2 thứ.
Thế nào là hai? Một là duyên sai biệt, hai là duyên bình đẳng.
Hai thứ duyên này là chư Phật và Bồ tát đã chứng pháp thân, tự nhiên có nghiệp dụng chẳng thể nghĩ bàn, cảm ứng theo tâm chúng sanh mà ứng hiện. Do lực bi nguyện nên tạo mọi thứ thân hình, sự nghiệp thành tựu căn cơ chúng sanh, làm trợ duyên bên ngoài cho những chúng sanh phát tâm cầu đạo. Đây là dụng của pháp thân nên là dụng của chân như. Vì tâm thể bản giác vốn đủ của chúng sanh chính là pháp thân bình đẳng của chư Phật, thể đồng mà dụng cũng đồng, nên chúng sanh có dụng phát tâm thì cảm ứng với dụng thành tựu của chư Phật.
Nói SAI BIỆT hay BÌNH ĐẲNG là ở căn cơ phát tâm cảm ứng chẳng đồng, nên ứng hiện có sai biệt bình đẳng chẳng đồng. Nếu từ phân biệt sự thức phát tâm thì tùy loài mà hiện mọi thứ hóa thân làm duyên sai biệt. Nếu từ nghiệp thức phát tâm thì hiện báo thân làm duyên bình đẳng, tùy chỗ cảm ứng của nó mà ứng hiện.
2a. Duyên sai biệt : Người ấy, trong khoảng thời gian từ khi mới phát tâm cầu đạo cho đến khi thành Phật, đều nương nơi chư Phật và các vị Bồ tát. Trong đó, hoặc thấy, hoặc niệm, hoặc làm quyến thuộc, cha mẹ, người thân, hoặc làm người giúp việc, hoặc làm bạn hữu, hoặc làm oan gia, hoặc khởi tứ nhiếp…
Đây là chỉ bày sơ lược các tướng của duyên sai biệt. Sai biệt tuy nhiều nhưng không ra ngoài việc dùng từ ái mà nhiếp thọ, ở chỗ thấp hèn để hành sự, đồng loài để mà lợi ích, oan gia để mà quay về, tứ nhiếp để mà nhiếp phục. Năm thứ mà thôi! Nên hoặc thấy thân ấy, hoặc niệm đến đức ấy cũng trong năm thứ ấy mà thôi.
… cho đến tất cả việc làm với vô lượng duyên hạnh. Bởi do lực huân tập đại bi phát khởi nên hay khiến chúng sanh tăng trưởng thiện căn, nếu thấy nếu nghe đều được lợi ích.
Đây hiển bày chư Phật và Bồ tát tạo ra ngoại duyên để thành tựu chúng sanh. Không gì ngoài lực huân tập vô tác đại bi thì chắc rằng chẳng phải hữu tâm mà làm được. Đây là nói về dụng sai biệt của hóa thân.
Duyên ấy có 2 loại. Một là duyên gần nên chóng được độ. Hai là duyên xa nên lâu xa mới được độ.
Hai duyên xa và gần này, phân biệt lại có 2 loại. Thế nào là hai? Một duyên tăng trưởng hạnh, hai là duyên thọ đạo.
Đây là làm rõ về năng lực giáo hóa sai biệt xa và gần. Hai thứ duyên này thông từ nhân đến quả nên nói xa và gần. Như Phật là đệ tử ở thời Phật Đại Thông Trí Thắng, gieo chủng duyên nhất thừa sau mới thành thục, mỗi người đều được thọ ký, là DUYÊN XA. Rồi khi Phật còn tại thế, những căn cơ do Phật giáo hóa ở Linh Sơn, thấy Phật mới phát tâm là DUYÊN GẦN. Lại là nhân duyên theo độ ở tương lai. Đây là ước chung về thời gian mà nói.
Kinh nói Phật nói “Ta ra đời khai thị cho tất cả chúng sanh, khiến chưa tin thì tin, tin rồi thì tăng trưởng” là DUYÊN TĂNG TRƯỞNG. Lại nói “Mỗi người đều được sanh trưởng” là DUYÊN THỌ ĐẠO. Nếu ước về địa vị xa gần thì tăng trưởng của Nhị thừa và Tam Hiền là gần còn Thập Địa và thành tựu Phật quả là xa. Tổng tóm hết các ý chính thì tự mình có thể hiểu lấy.
2b. Duyên bình đẳng : Tất cả chư Phật và Bồ tát đều nguyện độ thoát hết thảy chúng sanh, tự nhiên huân tập, thường hằng chẳng bỏ. Bởi cùng lực trí thể nên tùy theo thấy nghe cảm ứng mà hiện làm các nghiệp. Nghĩa là, chúng sanh nương nơi tam muội đều bình đẳng được thấy chư Phật.
Đây làm rõ duyên bình đẳng. Chư Phật và Bồ tát đều có bản nguyện độ thoát tất cả chúng sanh, nên hằng thường huân tập đồng thể bi trí chẳng bỏ. Vì chúng sanh là chúng sanh trong tâm của chư Phật, nên niệm niệm huân tập, chưa từng một niệm tạm bỏ. Chúng sanh chỉ cần có năng lực nhập tam muội, tùy theo sự huân tập thấy nghe từ trước thì trong tam muội ấy, các ngài hiện thân thuyết pháp khiến họ được thành tựu. Như hiện thân của Phổ Hiền, tùy ứng của Quan Âm đều là duyên bình đẳng.
Thể dụng huân tập ấy, phân biệt lại có 2. Thế nào là 2?
(1+2) a. Huân chưa tương ưng : Phàm phu, Nhị thừa và các vị Bồ tát sơ phát tâm do ý, ý thức huân tập, nương nơi tín lực mà tu hành, chưa được tâm vô phân biệt cùng thể tương ưng, chưa được nghiệp tu hành tự tại cùng dụng tương ưng.
Đây làm rõ, năng huân là chân như thì thể dụng bình đẳng mà sở huân là căn cơ thì có sai biệt. Phàm phu, Nhị thừa, Bồ tát sơ phát tâm chỉ y nơi ý thức huân tập, chỗ phát tâm cạn, chỉ nhờ tín lực mà tu hành, chưa thể thâm nhập chân như tam muội nên chưa được tâm vô phân biệt cùng thể tương ưng, chưa được trí nghiệp tự tại cùng dụng tương ưng. Sự sai biệt này là tại căn cơ.
(1+2) b. Huân đã tương ưng : Pháp thân Bồ tát được tâm vô phân biệt cùng với trí dụng của chư Phật tương ưng, chỉ nương nơi pháp lực, tự nhiên tu hành, huân tập chân như, diệt trừ vô minh.
Đây làm rõ thể dụng bình đẳng, là Bồ tát đăng địa đã chứng chân như, được tâm vô phân biệt, nên được cùng thể và dụng của chân như tương ưng. Vì nương nơi pháp lực nhậm vận tiến tu nên được cùng với thể dụng của chân như tương ưng. Bởi chân trí chiếu lý nên nói PHÁP LỰC. Nhậm vận không công nên nói TỰ NHIÊN. Do trí hạnh này huân tập chân như nên diệt được vô minh hoặc mà cùng với thể dụng chư Phật tương ưng : Sơ Địa đến Thất Địa cùng thể tương ưng. Bát Địa trở về sau cùng dụng tương ưng. Nhị thừa, Tam Hiền y nơi thức thứ sáu tỷ quán nên chưa được tương ưng.
Trên, trong phần nhiễm tịnh hỗ trợ qua lại đã làm rõ nhiễm tịnh huân tập xong. Dưới, làm rõ nghĩa tận và bất tận của việc huân tập nhiễm tịnh.
Lại nữa, nhiễm pháp từ vô thủy đến nay huân tập chẳng dứt, đến khi thành Phật sau mới đoạn dứt. Tịnh pháp huân tập thì không có đoạn, tận đến vị lai. Nghĩa này thế nào? Vì pháp chân như thường hằng huân tập nên vọng tâm diệt, pháp thân hiển hiện, khởi dụng huân tập nên không có đoạn.
Đây là tổng kết nghĩa đoạn và chẳng đoạn của việc huân tập nhiễm tịnh. Nhiễm pháp không chỗ bắt đầu mà có cùng tận. Tịnh pháp thuộc chân như thì không chỗ bắt đầu cũng không chỗ cùng tận. Nhân vô minh ô nhiễm nương chân mà khởi thì chân như là cái không chỗ bắt đầu của cái không chỗ bắt đầu ấy. Đến khi chân như huân tập đoạn hết vô minh thành Phật là lúc vô minh diệt tận, pháp thân hiển hiện, có đại dụng chẳng thể nghĩ bàn, vô cùng vô tận, nên nhiễm pháp có tận mà tịnh pháp thì vô tận.
Trên, trong môn sanh diệt đã giải thích xong tướng nhân duyên sanh diệt của tâm này. Dưới giải thích 3 cái đại thể, tướng và dụng. Vì trước đã nêu ra “Tướng nhân duyên sanh diệt của tâm này hay chỉ ra tự thể, tướng và dụng của Đại thừa”, đến đây là giải thích.
Lại nữa, tướng tự thể chân như của tất cả Phàm phu, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, chư Phật không có tăng giảm, chẳng phải mé trước sanh, chẳng phải mé sau diệt, rốt ráo thường hằng. Từ xưa đến nay, tự tánh đầy đủ tất cả công đức.
Đây nói tướng của mười pháp giới đều lấy chân như làm tự thể chính là nói “Thể của nhất pháp giới đại tổng tướng pháp môn”. Vì là cái thánh phàm sẵn đồng, chẳng thuộc mê ngộ nên KHÔNG TĂNG GIẢM. Vốn tự chân thường, không sanh không diệt, bao hàm quảng bác, nhiễm tịnh dung thông, nên nói ĐẦY ĐỦ TẤT CẢ CÔNG ĐỨC.
Nghĩa là có :
Nghĩa đại trí tuệ quang minh
Dưới nói tánh chân công đức, thường chiếu rực rỡ, vô minh hoặc nhiễm u ám chẳng thể làm mờ, nên nói tự thể có đại trí tuệ quang minh, chính là pháp thân chân thể Tỳ Lô Giá Na.
Nghĩa chiếu khắp pháp giới
Thật trí chiếu lý, lý không gì là không triệt. Quyền trí soi vật, vật không gì là không cùng.
Nghĩa chân thật hiểu biết.
Vì viên chiếu quên duyên, lìa các căn lượng nên nói CHÂN THẬT HIỂU BIẾT.
Nghĩa tâm tự tánh thanh tịnh.
Là tánh Như Lai Tạng lìa hẳn hoặc nhiễm nên nói TỰ TÁNH THANH TỊNH.
Nghĩa thường lạc ngã tịnh.
Cùng tận ba thời mà chẳng đổi nên nói là THƯỜNG. Tại các khổ mà chẳng can hệ nên nói là LẠC. Ở trong sanh tử mà chẳng bị câu thúc nên nói là NGÃ. Trải qua 9 tướng mà chẳng nhiễm nên nói TỊNH.
Nghĩa thanh lương bất biến tự tại,
lìa hẳn nhiệt não nên nói THANH LƯƠNG. Tứ tướng chẳng đổi nên nói BẤT BIẾN. Nghiệp chẳng thể trói buộc nên nói TỰ TẠI.
Như vậy có đầy đủ vô lượng Phật pháp chẳng lìa, chẳng đoạn, chẳng khác, chẳng thể nghĩ bàn, cho đến đầy đủ không thiếu một nghĩa nào, gọi là Như Lai Tạng, cũng gọi là pháp thân Như Lai.
Vô lượng tướng công đức chẳng khác chân thể nên nói CHẲNG LÌA. Không chỗ bắt đầu mà lại tương tục nên nói CHẲNG ĐOẠN. Cùng đồng một vị nên nói CHẲNG KHÁC. Vì tánh tướng dung thông, một nhiều không chướng ngại, lý sự giao triệt, nhiễm tịnh không hai nên nói CHẲNG THỂ NGHĨ BÀN. Pháp thân vốn đủ, chỉ Phật chứng được tận cùng nên nói PHẬT PHÁP. Vì không pháp nào mà chẳng bao trùm, không một chỗ thiếu khuyết nên nói ĐẦY ĐỦ. Vì hay hàm nhiếp vô lượng tánh đức nên nói NHƯ LAI TẠNG cũng gọi là PHÁP THÂN NHƯ LAI. Trước đã nói về thể của đại tổng tướng pháp môn nên ở đây kết qui về tâm Như Lai Tạng.
Hỏi : Trên nói thể chân như bình đẳng, ly tất cả tướng. Vì sao lại nói thể có mọi thứ công đức như vậy?
Đây là cái chấp thắc mắc về thể và nạn vấn về tướng.
Đáp : Tuy thật có các nghĩa công đức ấy nhưng không có tướng sai biệt, cùng đồng một vị chân như duy nhất. Nghĩa ấy thế nào? Bởi do không phân biệt, lìa tướng phân biệt, cho nên không hai.
Đây đáp để thấy, tức thể là tướng, tướng chẳng khác thể nên KHÔNG PHÂN BIỆT. Như nước biển khơi cùng đồng một vị, vì cùng đồng chân. Có sự sai biệt là bởi tâm phân biệt. Chân như lìa hẳn năng sở phân biệt nên KHÔNG HAI vậy.
Lại do nghĩa gì mà nói sai biệt? Bởi y nơi tướng nghiệp thức sanh diệt mà nói.
Đã nói thể và tướng của chân như không hai, vậy do nghĩa gì mà nói có như vậy sai biệt? Vì nương nghiệp thức sanh diệt mà có đủ vô lượng nhiễm pháp. Nên biết, chuyển nhiễm trở thành tịnh thì có vô lượng tướng công đức thanh tịnh sai biệt.
Vì sao nói vậy? Bởi tất cả pháp vốn chỉ là tâm, thật không có niệm. Mà có vọng tâm, bất giác niệm khởi, thấy các cảnh giới, nên nói vô minh. Tâm tánh chẳng khởi tức là nghĩa đại trí tuệ quang minh. Nếu tâm khởi thấy thì có tướng chẳng thấy. Tâm tánh lìa thấy tức là nghĩa chiếu khắp pháp giới
Vì nương vô minh vọng tâm nên nhiễm pháp nghịch lại với tịnh. Vì thế mà biết chân như có nghĩa đại trí tuệ quang minh.
Nếu tâm có động thì chẳng phải là cái hiểu biết chân thật, không có tự tánh
Vì động liền vọng tưởng. Vọng tức chẳng phải chân. Vọng không có tự tánh. Động thì theo nhiễm duyên. Vì thế mà biết, bất động là hiểu biết chân thật, lìa nhiễm là chân tịnh.
Chẳng phải thường, chẳng phải lạc, chẳng phải ngã, chẳng phải tịnh, nhiệt não suy biến thì chẳng tự tại
ngược lại với nhiễm pháp thì biết là trí chân như có các nghĩa chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh.
Cho đến có đủ vô lượng nghĩa vọng nhiễm. Đối lại với nghĩa ấy là tâm tánh bất động, thì có vô lượng các tướng công đức thanh tịnh thị hiện.
Đây hỏi VÌ SAO … là để hiển thị rộng nghĩa chân như vốn tự bất động, không có tướng sai biệt. Do đâu mà biết? chỉ do đối chiếu với tâm động. Như đây thì có vô lượng tướng vọng nhiễm. Ngược với đây là bất động, thì biết có đủ vô lượng các công đức thanh tịnh.
Nếu tâm khởi, lại thấy các pháp được niệm hiện trước thì có chỗ “thiếu”. Như vậy tịnh pháp vô lượng công đức tức là nhất tâm, lại không có chỗ niệm cho nên đầy đủ, gọi là pháp thân Như Lai Tạng.
Đây làm rõ nghĩa ĐẦY ĐỦ của tịnh pháp. Nếu tâm khởi thì vô minh nhiễm pháp chưa dứt, tâm thanh tịnh chưa tròn, nên ngoài tâm còn có chỗ niệm, tức là chỗ thiếu. Nay, vì nhất tâm tròn đầy, các vọng hoàn toàn thanh tịnh thì vô lượng công đức thanh tịnh tức là nhất tâm. Ngoài tâm không có chỗ niệm, tánh tự đầy đủ. Đây gọi là pháp thân Như Lai Tạng, hàm nhiếp vô lượng công đức thanh tịnh. Vì mê mà làm thức tạng nên hàm nhiếp vô lượng nhiễm pháp. Nay phản vọng hoàn nguyên nên thành vô lượng công đức thanh tịnh vậy.
Trên giải thích 2 cái đại thể và tướng xong. Dưới giải thích đại dụng.
Lại nữa, dụng chân như là, chư Phật Như Lai khi còn ở tại nhân địa, phát đại từ bi, tu các ba la mật nhiếp hóa chúng sanh, lập đại thệ nguyện muốn độ hết thảy chúng sanh trong các cõi, chẳng giới hạn kiếp số, đến cùng tận vị lai. Bởi vì coi hết thảy chúng sanh như thân mình mà chẳng nắm giữ tướng chúng sanh.
Đây nêu đại nguyện chính là tâm độ thoát rộng lớn và tâm lâu dài, là nêu ra bi trí đại phương tiện. Như thân mình là lòng bi thâm sâu. Chẳng nắm giữ tướng là trí thâm sâu. Đủ cả hai thứ trên thì chẳng phải là tâm điên đảo.
Nghĩa ấy thế nào? Vì là, thật biết tất cả chúng sanh cùng với thân mình, chân như bình đẳng không có sai khác.
Đây là đối quả mà bày nhân để rõ gốc của đại dụng. Chư Phật khi còn tại nhân, vì thấy tất cả chúng sanh cùng mình đồng một pháp thân chân như, thương xót sự trầm mê của họ nên khởi đồng thể đại bi nguyện độ tất cả, thề độ hết chúng sanh trong các cõi, chẳng kể kiếp số. Nhơn đây tu hành lục độ lấy làm chánh hạnh, giáo hóa chúng sanh không chán mỏi. Đây là tâm quảng đại, tâm lâu dài.
Sở dĩ chẳng thối là bởi coi tất cả chúng sanh như thân mình mà lại chẳng thấy có tướng chúng sanh. Chúng sanh như thân mình là bi thâm sâu. Chẳng chấp giữ tướng là trí thâm sâu. Hai cái này chẳng phải là tâm điên đảo.
Vì sao chẳng nắm giữ tướng chúng sanh? Vì như thật biết chúng sanh và mình cùng một chân như bình đẳng. Đây là tâm bậc nhất. Nên luận nói “Quảng đại là đứng đầu, tâm ấy chẳng điên đảo”.
Đây là tâm của chư Phật khi còn tại nhân địa.
Vì có trí đại phương tiện như vậy, trừ diệt vô minh, thấy pháp thân mình mà tự nhiên có mọi thứ dụng của bất tư nghì nghiệp. Tức cùng chân như đồng khắp tất cả chỗ. Lại cũng không có tướng dụng có thể được.
Đây làm rõ, nhờ trí diệt hoặc, pháp thân hiển hiện, tự nhiên mà có nghiệp dụng chẳng thể nghĩ bàn. Đây là đại dụng mà pháp thân vốn đủ, chỉ do trước đây bị vô minh ngăn che nên chẳng hiển. Nay nhờ trí phá hoặc nên mới được hiển mà cùng chân như đồng biến khắp cả chỗ. Vì chân như lìa tướng nên dụng cũng không có tướng có thể được.
Vì sao? Vì chư Phật Như Lai chỉ là thân trí tướng pháp thân đệ nhất nghĩa đế, không có cảnh giới thế đế, lìa hành tác, chỉ là tùy sự thấy nghe của chúng sanh mà được lợi ích, nên nói là dụng.
Đây hỏi, tại sao dụng không tướng dụng? Đã không có tướng dụng, sao có thể làm lợi ích chúng sanh?
Đáp rằng, vì chư Phật Như Lai chỉ là thân trí tướng pháp thân, lìa tất cả hành tác nên không có tướng dụng. Chỉ tùy cơ cảm của chúng sanh, tùy sự thấy nghe của họ mà được lợi ích nên nói là dụng. Đây gọi là pháp thân thanh tịnh như hư không, ứng vật hiện hình như trăng dưới nước. Nước tâm của chúng sanh thanh tịnh thì bóng bồ đề hiện trong ấy, nên nói DỤNG KHÔNG TƯỚNG DỤNG. Trái lại, nếu không có cơ cảm thì chỉ là một diệu lý bản trí, hoàn toàn không có tướng thế đế sanh diệt.
Dụng ấy có 2, thế nào là hai?
1. Sở kiến của tâm phàm phu và Nhị thừa, là y nơi phân biệt sự thức, gọi là ứng thân. Vì chẳng biết là chuyển thức hiện, thấy từ ngoài đến, nhận lấy phần tề của sắc nên chẳng thể biết hết.
Đây là ngay nhân mà rõ quả để hiển tướng và dụng chẳng đồng. Phàm phu và Nhị thừa chẳng biết duy thức, hướng ngoại trần so đo là thức phân biệt thứ sáu, nên thấy thân Phật cũng từ ngoài đến. Vì chẳng biết tướng sở hiện tế của thức thứ bảy nên chỉ thấy tướng ứng thân thô, tức ứng thân 32 tướng của Phật. Đó là tướng biến ra từ sở kiến quán không, một trong 3 loại phân thân của Phật. Sở dĩ chẳng thấy được tướng tế là do chẳng biết chuyển thức hiện. Báo thân ở dưới là sở hiện của chuyển thức.
Nói “nương thức thấy Phật” là, vì chân pháp thân Phật là bản giác chân như Phật tánh của chúng sanh. Nay do lực của nhân nội huân, chúng sanh phát tâm chán khổ cầu Phật. Chịu sự huân là thức thứ sáu, thức thô thì huân cạn nên tướng Phật cũng thô. Đây thấy Phật là ước về bản huân mà nói, chẳng phải không nhân mà hiện.
Nói “tướng tế nương chuyển thức hiện” là, vô minh tuy là mê chân như mà thành nghiệp thức, song chỉ là một niệm bất giác còn chưa lìa chân. Vì chưa hòa hợp nên chưa phân năng sở. Đến Chuyển Tướng thì sanh diệt cùng chẳng sanh diệt hòa hợp, liền biến pháp thân chân trí thành cái thấy hư vọng, biến chân lý thành các tướng hư vọng, là chỗ khởi thủy của chúng sanh vọng thấy cảnh giới. Nay phản vọng về chân, từ thô đến tế, đoạn đến chuyển thức thì bản trí hiện tiền, pháp thân hiển lộ. Vì trí chiếu lý, nên tự tánh công đức trong Như Lai Tạng nhất thời hiển hiện. Sở kiến là tướng Phật thân vi tế diệu kỳ. Mới biết, đều là duy tâm sở hiện, chẳng từ ngoài đến. Đây là sở hiện từ bản huân là nghiệp thức, nên nói CHUYỂN THỨC HIỆN.
2. Sở kiến của tâm Bồ tát từ sơ phát tâm đến cứu cánh địa, y nơi nghiệp thức, gọi là báo thân.
Đây làm rõ, nương chuyển thức hiện báo thân. Bồ tát từ sơ tâm Thập Giải, lấy bản huân là nghiệp thức, hành duy thức quán, trải qua Tam Hiền, Thập Địa, cuối cùng trong tâm được tam muội thì sở kiến Phật thân là tướng tế báo thân, đúng là chỉ từ tâm mà hiện, chẳng từ ngoài đến. Mà nói dụng là, dụng của tự thể chân như bản giác, chẳng phải dụng của hiện thân Phật bên ngoài. Phật do tạo tác tùy cơ mà hiện thì chẳng phải nghĩa này, vì ý trong đây chính là ước về dụng huân biến. Suốt từ trên xuống dưới, ý văn lấy Phật tùy cơ hiện là theo đây.
Thân có vô lượng sắc, sắc có vô lượng tướng. Tướng có vô lượng tướng tốt. Chỗ trụ y nơi quả cũng có vô lượng mọi thứ trang nghiêm, tùy chỗ mà thị hiện, không có bờ mé, chẳng thể cùng tận, lìa tướng phần hạn, tùy chỗ cảm ứng, thường hay trụ trì, chẳng hủy, chẳng mất.
Đây đưa ra 2 báo là y báo và chánh báo để hiển bày toàn bộ tướng tế. Đây là Hoa Nghiêm Lô Xá Na Phật, thân độ tự tha không chướng không ngại, đẳng đồng pháp giới nên lìa phân ranh, chỉ là một báo cảnh chân thật. Nghĩa là, bị lửa lớn thiêu đốt, độ này vẫn an ổn, nên nói chẳng hủy chẳng mất.
Các công đức như thế, đều nhơn nơi các hạnh vô lậu ba la mật huân tập và sự huân tập chẳng thể nghĩ bàn mà được thành tựu, đầy đủ vô lượng tướng lạc nên nói là báo thân.
Phần kết từ nhân có quả này là giải thích do đâu được tên báo thân. Như vậy 2 báo chánh và y đều do thập độ hạnh huân cùng công nội huân chẳng thể nghĩ bàn của bản giác. Kết quả này dùng để hiển bày nghĩa nhân huân tập.
Lại sở kiến của phàm phu là sắc thô. Tùy trong lục đạo mà mỗi cái thấy chẳng đồng, mọi loài khác nhau, chẳng phải là tướng thọ lạc nên nói là ứng thân..
Đây riêng giải thích ứng thân chẳng phải một, do tùy loài nên sở kiến chẳng đồng. Vì ở lục đạo thấy Phật tùy thuộc vào nghiệp cảm nên tướng chẳng đồng. Vì thấy đồng loài nên nói CHẲNG PHẢI TƯỚNG THỌ LẠC.
Lại nữa, sở kiến của các bậc Bồ tát sơ phát tâm là do tin sâu pháp chân như nên hiểu được ít phần. Biết sắc tướng và các sự trang nghiêm này không đến không đi, lìa hẳn phần tề, chỉ y tâm hiện, chẳng lìa chân như, nhưng các vị Bồ tát ấy còn tự phân biệt, bởi chưa nhập được vị pháp thân.
Đây riêng giải thích sở kiến của Tam Hiền, chẳng đồng với Bồ tát đăng địa. Trước nói “Y nghiệp thức từ sơ phát tâm đến cứu cánh địa” là nói chung sở kiến đều là tướng báo thân. Song trong ấy cũng có cạn sâu chẳng phải là không phân đầy đủ, nên đây chú trọng làm rõ.
Đây nói Tam Hiền phát tâm muốn đoạn vô minh, tin sâu chân như, nhưng chỉ là nương thức thứ sáu phân biệt tỷ quán, chỉ là “tương tợ giác”, nên nói HIỂU ĐƯỢC ÍT PHẦN. Vì phân biệt chưa quên, chưa chứng chân như, chẳng đồng đăng địa nên nói CHƯA NHẬP PHÁP THÂN.
Nếu đạt được tâm thanh tịnh thì sở kiến vi diệu, dụng của nó trở nên thù thắng, cho đến Bồ tát địa tận thấy được cứu cánh.
Đây làm rõ báo thân là sở kiến của Bồ tát đăng địa, viên mãn từ từ đến kim cang hậu tâm thì chân cùng hoặc tận nên nói THẤY ĐƯỢC CỨU CÁNH.
Nếu lìa nghiệp thức thì không Kiến Tướng. Vì pháp thân của chư Phật không có sắc tướng đây kia đắp đổi qua lại cùng thấy.
Trên nói, y nghiệp thức mà thấy là báo thân, vẫn còn có sở kiến, vì chưa thấy pháp thân. Nay làm rõ nếu lìa nghiệp thức thì thấy được pháp thân. Vì chân thể pháp thân chỉ là nhất chân tâm, tuyệt các đối đãi, hoàn toàn không có sắc tướng năng sở nên nói “không có đây kia đắp đổi qua lại cùng thấy”. Sở kiến này tuy là vi tế diệu kỳ, nhưng do tu mà hiển, đi từ mê trở lại ngộ, nên chưa lìa năng sở sắc tướng. Chân thể pháp thân là nhất tâm chân nguyên, chẳng thuộc mê ngộ, chẳng mượn duyên sanh. Chính cái thiên chân này là chánh nhân Phật tánh, nên ý tóm kết đây là chuẩn mực để hiểu về chỗ rốt ráo vậy.
Hỏi : Nếu pháp thân của chư Phật lìa sắc tướng, vì sao hay hiện sắc tướng?
Đây hỏi để rõ, pháp thân lìa tướng mà chẳng ngại hiện tướng.
Đáp : Pháp thân ấy chính là thể của sắc nên hay hiện sắc. Nghĩa là, từ xưa đến nay, sắc và tâm chẳng phải hai. Bởi sắc tánh chính là trí nên thể của sắc không hình, gọi là trí thân. Bởi trí tánh tức là sắc nên gọi là pháp thân khắp giáp tất cả chỗ. Sắc sở hiện ấy không có phần tề, tùy tâm hay hiện mười phương thế giới, vô lượng Bồ tát, vô lượng báo thân, vô lượng trang nghiêm, mỗi mỗi sai biệt, đều không có phần tề mà chẳng ngăn ngại lẫn nhau. Đó chẳng phải là chỗ thức tâm phân biệt có thể biết, vì nó là dụng của chân như tự tại.
Ý đáp này để rõ chỗ thâm sâu của báo thân và pháp thân là một, sắc và tâm chẳng phải hai, hiển bày nhất chân pháp giới không chướng ngại, để qui về cứu cánh là cội nguồn chân thật nhất tâm. Pháp thân là tên khác của nhất tâm. Vì tâm là cội nguồn của vạn pháp nên nói là pháp thân, là thể của sắc nên hay hiện sắc. Thí như hư không chẳng phải sắc mà hay xuất sanh sắc tướng nên nói “TỪ XƯA đến nay sắc và tâm chẳng phải hai”.
Vì sự thấu lý thành, toàn không thành sắc nên nói “sắc tánh tức là trí tánh”. Vì sắc thể vốn không nên nói là TRÍ THÂN. Nghĩa là, sắc tức là không.
Vì toàn lý thành sự nên sự tức là lý. Thí như hư không trùm hết tất cả chỗ sắc và phi sắc. Nghĩa là, không tức là sắc.
Bởi lý sự chẳng hai nên sắc tùy không mà khắp cả, không có phần tề.
Bởi không hai, không phân ranh nên thân tự độ tha không chướng không ngại. Mười phương thế giới là báo thân của vô lượng Bồ tát. Các quốc độ trang nghiêm (y báo) ấy mỗi mỗi sai biệt, đều không có phần tề mà chẳng ngăn ngại lẫn nhau. Sở dĩ trong biển Hoa Nghiêm, các độ duyên khởi trùng trùng vô tận, mỗi mỗi giao kết với nhau, là do lý sự vô ngại nên được sự sự vô ngại. Đây chẳng phải là chỗ biết của thức tâm. Đều là đại dụng của chân như tự tại. Thật là, thể đồng thì dụng khắp, đều là dụng của nhất tâm chân như vậy.
Luận lấy nhất tâm làm thể của “Nhất pháp giới đại tổng tướng pháp môn” nên giải thích chánh nghĩa, kết qui về đây. Nghĩa là, không có gì mà không từ nơi pháp giới này lưu xuất, cũng không có gì mà không trở về pháp giới này. Nên trong môn sanh diệt, cuối cùng hiển bày nhất tâm là chuẩn đích tối cùng.
Như vậy, Hiển Thị Chánh Nghĩa được chia làm 2 phần. Đầu tiên, hiển động tĩnh chẳng phải một, từ nhất tâm chân như khởi thành 2 môn phân biệt đã xong. Giờ, hội tướng vào thật, hiển động tĩnh chẳng hai.
HỘI TƯỚNG VÀO THẬT- HIỂN ĐỘNG TĨNH CHẲNG HAI
Lại nữa, hiển thị từ môn sanh diệt, ngay đó mà nhập môn chân như.
Đây là dạy quán “sanh vốn vô sanh” thì ngay sanh diệt mà nhập môn chân như.
Nghĩa là, tìm cầu 5 ấm, sắc và tâm, cảnh giới 6 trần rốt ráo đều vô niệm. Vì tâm không hình tướng, tìm khắp mười phương chẳng thể được. Như người mê nên cho đông là tây mà phương hướng thật chẳng dời đổi. Chúng sanh cũng vậy. Bởi vô minh mê nên cho tâm là niệm. Tâm thật chẳng động. Nếu hay quán xét biết tâm vô niệm thì được tùy thuận vào môn chân như.
Đây chỉ bày chánh quán là đốn ngộ nhất tâm vi diệu. Đó là nhất chân pháp giới vốn không có sắc tâm, sao có 5 ấm là chúng sanh? Thật do nhất niệm tối sơ bất giác là vô minh. Vì lực của vô minh liền biến nhất tâm làm nghiệp thức. Y nơi nghiệp thức mà Kiến Tướng phân hai, sắc tâm hòa hợp nên có 5 ấm là chúng sanh. Như vậy 5 ấm của chúng sanh đều nhơn nơi nhất niệm mà có. Nay bất tất phải so đo chúng sanh là chân hay là ngụy? Chỉ cần quán chỗ khởi của nhất niệm vốn tự vô niệm, vô niệm tức vô sanh, vô sanh thì chúng sanh vốn không, lại hỏi có sắc tâm cùng các pháp ư?
Sở dĩ dạy quán thẳng vô niệm là vì quán vô niệm là đốn ngộ ngay môn chân như vậy. Một cái thuật quán vô niệm này là yếu chỉ tu hành bí truyền đích thực của Phật Tổ. Nên Tổ Đạt Ma từ Tây sang dạy Nhị Tổ “Đem tâm ra ta an cho!”. Nhị Tổ trả lời “Con tìm tâm hoàn toàn chẳng thể được”. Lục Tổ cũng nói “Xưa nay không một vật”. Các Tổ về sau không gì là không chỉ rõ cảnh giới ly niệm. Nên nay tham thiền, chẳng biết ý chỉ vô niệm, lại khởi mọi thứ tư lương huyền diệu, há là ý của Tổ Sư từ Tây sang ư?
Chẳng phải chỉ có một luận này mà ngay cả toàn bộ Đại Tạng 1700 tắc cũng đều qui về một câu vô niệm, không có pháp nào khác. Học giả nên ghi nhớ điều này.
Trên đã xong phần Hiển Thị Chánh Nghĩa.
Dưới là phần Đối Trị Tà Chấp.
Các tin khác
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (1) (31/03)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (2) (31/03)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (3) (31/03)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (4) (31/03)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (5) (31/03)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (7) (31/03)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (8) (31/03)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (9) (31/03)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (10) (31/03)