Đại thừa khởi tín luận trực giải (Hám Sơn)

ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (4)

NÓI VỀ PHẦN LẬP NGHĨA

26/04/2021


QUYỂN THƯỢNG
PHẦN LẬP NGHĨA

Đại thừa nói tổng quát có 2 thứ. Thế nào là 2? Một là pháp, hai là nghĩa.

I. PHÁP : gọi là pháp ấy, là tâm chúng sanh. Tâm này nhiếp tất cả pháp thế gian và xuất thế gian. Y nơi tâm này hiển thị nghĩa Đại thừa. Vì cớ sao? Vì tướng chân như của tâm ấy tức chỉ cái thể của Đại thừa, tướng nhân duyên sanh diệt của tâm ấy tức chỉ tự thể, tướng và dụng của Đại thừa.

Trong phần Lập Nghĩa này, đầu tiên nêu ra tông thể nhất tâm để hiển danh nghĩa Đại thừa. Nói PHÁP là, thể của “Nhất chân pháp giới đại tổng tướng pháp môn”, tức chân tâm thanh tịnh Như Lai Tạng. Tâm này, thể tuyệt thánh phàm, vốn không mê ngộ, tự tánh thanh tịnh, chẳng chút vọng nhiễm, lìa danh lìa tướng, tuyệt các đối đãi, chỉ là một cội nguồn chân thật, không có hai pháp.

Sao lại có tên Đại thừa? Kinh Lăng Già nói “Đại thừa chẳng phải thừa”. Nay nói Đại thừa, là bởi y nơi tâm chúng sanh mà lập tên ấy. Nghĩa là, tổng nhiếp pháp thế gian và xuất thế gian.

Kinh nói “Như Lai Tạng chuyển ba mươi hai tướng vào trong tất cả thân chúng sanh”. Đây là mê Như Lai Tạng mà thành thức tạng, là tâm chúng sanh. Tâm này do chẳng sanh chẳng diệt cùng sanh diệt hòa hợp mà thành, gọi là thức Alaida. Thức này thể nó nguyên là chân như, cũng gọi là bản giác, vốn không sanh diệt. Nay nhơn vô minh làm động tâm tịnh ấy mà có sanh diệt, nên thành nghiệp thức. Vì tâm này vốn là chân như nên nhiếp pháp tứ thánh xuất thế gian. Vì y nơi nghiệp thức mà có sanh tử nên nhiếp pháp lục phàm. Vì vậy ở đây nói “Tâm này NHIẾP TẤT CẢ pháp thế gian và xuất thế gian”. 

“Y TÂM NÀY hiển thị nghĩa Đại thừa” là, vì pháp giới nhất tâm có đủ hai nghĩa lớn là thể, tướng và dụng. Nay y nhất tâm này, khai thị 2 môn sanh diệt và chân như.

Ước về môn CHÂN NHƯ mà nói thì, lìa tất cả tướng, danh ngôn cả hai đều dứt, chỉ hiển cái thể của nó, chẳng hiển tướng dụng, nên nói “tức chỉ cái THỂ của Đại thừa”.

Ước về môn SANH DIỆT mà nói thì, vọng nương chân mà khởi, tức hiển tướng và dụng. Vì vậy trong môn sanh diệt, hiển bày đầy đủ 3 nghĩa lớn là thể, tướng và dụng, nên gọi là ĐẠI. Nương nơi 2 pháp chân vọng này lại nói có 2 chuyển y nên gọi là THỪA. Do đó nói “y tâm chúng sanh hiển thị nghĩa Đại thừa”. Đây là nguyên nhân tổng quát sanh ra tên Đại thừa.

Trên đã chỉ ra chân vọng tâm pháp, làm rõ pháp thể Đại thừa. Dưới chỉ ra 3 nghĩa ĐẠI.

II. NGHĨA : có 3 thứ. Thế nào là 3?

1. THỂ đại: Vì là chân như bình đẳng chẳng tăng chẳng giảm của tất cả pháp.

2. TƯỚNG đại: Vì Như Lai Tạng đầy đủ vô lượng tánh công đức.

3. DỤNG đại: Vì hay sanh tất cả thiện nhân quả của thế gian và xuất thế gian.

Đây là chỗ nương gốc của tất cả chư Phật. Tất cả Bồ tát đều nương nơi pháp này mà đến đất Như Lai.

Đây là nêu bày môn NGHĨA để rõ do đâu được tên Đại thừa, là nền tảng mở rộng phần Chánh Nghĩa sau.

Nói NGHĨA là, tên y nơi nghĩa mà lập. Do nghĩa gì mà lập tên Đại thừa? Vì có 3 nghĩa lớn nên được tên là ĐẠI. Vì có hai nghĩa vận chuyển nên gọi là THỪA. Tên và nghĩa ấy vốn nhơn nơi 2 pháp chân vọng hòa hợp mà có, nên nói “Y tâm chúng sanh hiển thị nghĩa Đại thừa”.

Nếu nói THỂ của Đại thừa thì chỉ là nhất chân như, bình đẳng không hai, chẳng tăng chẳng giảm, nên chỉ gọi là THỂ. Nay y nơi Như Lai Tạng tùy duyên nhiễm tịnh : Nếu theo duyên tịnh thì đầy đủ vô lượng tự tánh công đức, thành nhân quả xuất thế gian. Nếu theo duyên nhiễm thì biến tự tánh công đức làm vô lượng phiền não, thành nhân quả thế gian. Do đây TƯỚNG và DỤNG mới hiển bày. Vì 3 cái ĐẠI này, nơi nhiễm tịnh chẳng giảm, nơi sanh diệt chẳng đổi, nên gọi là ĐẠI. Chư Phật, Bồ tát đều nương tâm này nên gọi là THỪA. Yếu chỉ của toàn luận chỉ giải thích nghĩa ấy nên lấy đó làm tông bổn.

Đã nói phần Lập Nghĩa, kế là phần Giải Thích.     

Đây là gút lại phần trước, đưa ra phần sau.