Đại thừa khởi tín luận trực giải (Hám Sơn)

ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (3)

NÓI VỀ PHẦN NHÂN DUYÊN

26/04/2021



QUYỂN THƯỢNG

PHẦN NHÂN DUYÊN

Đầu tiên nói về phần Nhân Duyên

Hỏi : Do nhân duyên gì mà tạo luận này?

Đáp : Nhân duyên ấy có 8. Thế nào là tám?

1. Tổng tướng của nhân duyên. Đó là để chúng sanh lìa tất cả khổ, được cái lạc rốt ráo, chứ chẳng phải vì cầu danh lợi và sự cung kính ở thế gian.

Tổng tướng này là nguyên nhân thứ nhất trong tám nhân duyên làm phát khởi toàn luận. Vì phàm phu và ngoại đạo mê nhất tâm này đã chiêu khổ khổ, hoại khổ, hành khổ, phần đoạn sanh tử khổ. Nhị thừa và Bồ tát còn có biến dịch sanh tử vi tế khổ. Nay khai thị tâm này, khiến y đây mà tu thì chứng được bồ đề, biết được pháp lạc, cái lạc của niết bàn tịch diệt. Chỉ là cầu làm cho chúng sanh lìa khổ được lạc, chẳng phải cầu danh lợi và sự cung kính ở thế gian.

2. Vì muốn giải thích nghĩa căn bản của Như Lai để chúng sanh nhận hiểu được chân chánh không lầm.

Đây đều trong phần Lập Nghĩa và Giải Thích. “Hiển thị chánh nghĩa” và “đối trị tà chấp” là nhân duyên làm phát khởi việc tạo luận. Bởi chúng sanh không có sự nhận hiểu chân chánh, khởi nhiều tà kiến, chẳng đạt được nghĩa căn bản của Như Lai, nên nay trong phần Lập Nghĩa, nhất tâm 2 môn, 3 nghĩa đại là căn bản của Như Lai sẽ được giải thích rộng, khiến chúng sanh có cái hiểu chân chánh không lầm.

3. Vì muốn khiến chúng sanh căn lành thành thục có thể kham nhận pháp Đại thừa, chẳng thối mất niềm tin.
Đây là nhân duyên Phân Biệt Tướng Phát Tâm Vào Đạo ở dưới, vì văn đây nói “khiến người lợi căn phát niềm tin chắc chắn tiến đến đạo lớn, kham nhận và trụ nơi vị bất thối”. Đây phải là mãn tâm Thập Tín nên nói THÀNH THỤC. Nhập Thập Trụ “chánh định tụ” nên nói CHẲNG THỐI.

4. Vì muốn khiến chúng sanh có căn lành ít ỏi tu tập tín tâm.
Đây chính là phần Tu Hành Tín Tâm ở dưới. Đó là vì muốn khiến chúng sanh có căn lành ít ỏi phát 4 thứ tâm, tu 5 loại hạnh để thiện căn dần dần thành thục. Vì lòng tin chưa đầy đủ nên nói ÍT ỎI. Khiến tiến đến đầy đủ nên nói TU HÀNH TÍN TÂM.

5. Vì chỉ bày phương tiện tiêu trừ các chướng của ác nghiệp, khéo giữ tâm mình, xa lìa si mạn, ra khỏi lưới tà.
Đây là hạng căn cơ thấp kém dễ thối chuyển ở dưới. Phải nương nhờ vào nhiều phương tiện nên có 4 điều. Trong 4 điều ấy thì 3 điều trước là hạ, trung, thượng. Còn điều sau là khuyên tu.

Đây tương đương với hạ phẩm, là vì người hoặc nhiều nghiệp nặng, thiện căn khó phát mà nói đến phương tiện lễ bái sám hối để làm tiêu đi các chướng của ác nghiệp, xa lìa si mạn, ra khỏi lưới tà.

6. Vì chỉ bày tu tập Chỉ Quán, đối trị tâm sai lầm của phàm phu và Nhị thừa.
Đây ứng với trung phẩm. Trong phần tu tập môn Chỉ - Quán ở văn dưới, Chỉ - Quán cùng thông, trừ bỏ hai chấp của phàm và Tiểu, nên nói ĐỐI TRỊ.

7. Vì chỉ bày phương tiện “chuyên niệm” để sanh về trước Phật, nhất định chẳng còn thối chuyển tín tâm.
Đây ứng với thượng phẩm. Là phần “Khuyên tu Tịnh Độ” ở cuối phần Tu Tập Tín Tâm. Vì những chúng sanh căn tánh thấp yếu, sợ hậu báo duyên sai biệt mà thối lui, nên khiến họ vãng sanh Tịnh Độ để được bất thối.

8. Vì chỉ bày sự lợi ích và khuyên tu hành.
Đây là phần Lợi Ích Khuyên Tu dưới. Vì những chúng sanh giải đãi kiêu mạn nên đưa ra sự thiệt hơn khuyên nhủ khiến họ tu tập. Tóm chung thành các hạnh trước.

Vì các nhân duyên như vậy mà tạo luận.
Đây là tổng kết nhân duyên tạo luận. Bởi bản ý của Bồ tát là độ chúng sanh, nên vì chúng sanh phát khởi nhân duyên tạo luận. Trong 8 nhân duyên này, duyên đầu là nói chung, 7 biệt duyên còn lại là bao quát toàn luận. Sẽ nói lại đầy đủ ở văn dưới.

Hỏi : Tudala đã có đủ pháp ấy, sao còn lập lại?

Đáp : Trong Tudala tuy có pháp ấy, nhưng do chúng sanh căn hạnh chẳng đồng, nên nhân duyên nhận hiểu có khác. Nghĩa là, khi Như Lai còn tại thế, chúng sanh thì căn tánh lanh lợi, người thuyết thì nghiệp của thân tâm thù thắng, viên âm một khi nói ra, mọi loài khác nhau đều cùng nhận hiểu nên chẳng cần tạo luận.

Phần này hỏi để làm rõ cái ý do đâu tạo luận. 

Hỏi : Chỉ ra tất cả những pháp môn trên, trong Khế Kinh Phật đã thuyết đủ, sao còn nhàn rỗi mà luận lại?

Đáp : Vì chúng sanh căn có lợi độn, duyên thọ giáo chẳng đồng nên có kinh luận khác nhau.

NGHĨA LÀ …, là giải thích căn cơ chẳng đồng, nhận hiểu đều khác, nên có kinh luận lược rộng chẳng đồng nhất. Bởi Như Lai khi còn tại thế, chúng sanh căn thì lợi, cơ thì thắng. Tự thân thấy được thân Phật, tức 3 nghiệp thù thắng. Tự thân nghe được viên âm, tức duyên thù thắng. Như đây thì một lời nói ra mọi loài đều hiểu. Vì thế còn chẳng mượn đến việc kết tập kinh, hà huống là cần đến luận ư?

Nhưng sau khi Như Lai nhập diệt, hoặc có chúng sanh lấy việc tự lực nghe nhiều mà nhận hiểu.
Đây là nói, sau khi Như Lai nhập diệt, căn cơ chúng sanh chẳng đồng nhất, nhân duyên mỗi mỗi sai biệt, nhận hiểu chẳng đồng, nên đối với kinh với luận cũng có rộng lược chẳng đồng. Lại, sau khi Như Lai diệt độ, đang còn thời chánh pháp, cách Phật chẳng xa, chúng sanh căn tánh lanh lợi, tự có trí lực, nên có thể rộng nghe nhiều kinh luận mà nhận hiểu.

Hoặc có chúng sanh cũng lấy việc tự lực, nghe ít mà hiểu nhiều.
Đây cũng là chúng sanh lợi căn, tự có trí lực, chẳng mượn nghe nhiều. Hoặc dưới một lời tâm địa khai thông. Trong một cuốn nghĩa đà sáng tỏ.

Như hai loại căn cơ trên thì chẳng cần đến luận.

Hoặc có chúng sanh không tự tâm lực, phải nhờ vào những bộ luận rộng mới nhận hiểu được.
Đây là loại cơ thấp căn độn, không tự trí lực. Đối với kinh chẳng thể hiểu nghĩa thậm thâm nên cần mượn những bộ luận rộng, nghe nhiều mà được nhận hiểu.

Cũng có chúng sanh lại thấy việc “luận rộng văn nhiều” là phiền phức, tâm muốn thâu tóm “văn ít mà nhiếp nhiều nghĩa” để có thể nhận hiểu.
Nói đơn giản đây là loại căn cơ đầy dẫy phiền não. Nên loại luận giản lược chẳng thể chẳng làm. Chính là nhân duyên của luận này.

Luận này là như vậy. Vì muốn tổng nhiếp pháp thâm sâu rộng lớn vô biên nghĩa của Như Lai nên nói luận này.
Cái kết đây là ý của việc tạo luận. Luận này trước sau hơn một vạn một ngàn chữ. Trong ấy đã tổng nhiếp hết pháp thâm sâu rộng lớn vô biên diệu nghĩa của Như Lai. Có thể nói, văn rất gọn mà nghĩa rất rộng. Nghĩa là, gom hết nghĩa sâu xa của trăm bộ Đại thừa một cách bao quát vô biên. Mở rộng pháp giới nhất tâm như nhìn thấy trái cây trong lòng bàn tay. Thật là huyền môn để nhập lý, diệu chỉ để tu hành! Người học há chẳng hết lòng ư?

Đã nói phần Nhân Duyên.
Kế nói phần Lập Nghĩa.