Đại thừa khởi tín luận trực giải (Hám Sơn)

ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (2)

GIẢI THÍCH đề tựa và kệ mở đầu - GIỚI THIỆU SƠ VỀ LUẬN

30/04/2021



QUYỂN THƯỢNG

GIẢI THÍCH ĐỀ TỰA & KỆ MỞ ĐẦU
GIỚI THIỆU SƠ VỀ LUẬN 
Đề tựa của luận là cương lĩnh chính của toàn luận.
Đại thừa khởi tín là, vì muốn làm phát khởi niềm tin chân chánh đối với Đại thừa.
Đại thừa là sở tin, chính là pháp thể.
Pháp là tâm chúng sanh. Tâm này nhiếp tất cả pháp thế gian và xuất thế gian. Có đủ 3 nghĩa lớn là thể, tướng và dụng, nên nói là Đại.
Thừa là nghĩa chuyên chở xoay vần của nhất tâm này. Vì chư Phật nương đây mà chứng bồ đề niết bàn. Bồ tát y đây mà rộng tu vạn hạnh, dưới thì giáo hóa chúng sanh, trên thì cầu quả Phật. Chúng sanh nương đây mà luân chuyển sanh tử.
Vì nhất tâm này là tổng tướng của tất cả thánh, phàm, mê, ngộ, nhân, quả nên văn dưới nói “Chính là thể của nhất pháp giới đại tổng tướng pháp môn”. Nay vì muốn khiến chúng sanh tin chắc tâm này tức là Đại thừa, hiểu đúng đắn chẳng lầm, ý cần phát khởi niềm tin chân chánh đối với Đại thừa, nên nói Đại thừa khởi tín. Như vậy, năng tín là người, Đại thừa chính là pháp sở tín. Nghĩa bao gồm cả người và pháp, vì pháp được lập ra là tùy cơ của chúng sanh mà lập. Luận này được làm trong khoảng 600 năm sau khi Phật nhập diệt. Người Tiểu thừa thì chẳng tin duy tâm, ngoài tâm thủ pháp, khởi nhiều tranh luận. Ngoại đạo thì tà chấp, phá hoại chánh pháp. Nên Luận chủ khởi lòng thương xót riêng tạo luận này. Vì vậy phần Nhân Duyên dưới nói “Vì muốn trừ nghi, bỏ tà chấp”. Vì nghi trái với tin, nên tin tâm này thì nghi tự trừ vậy.
Luận này vốn y cứ theo trăm bộ kinh Đại thừa như Lăng Già, Tư Ích v.v… mà làm ra, phát minh ý chỉ duy tâm duy thức, tóm qui về nhất tâm. Nó là cương yếu chính của hai tông tánh tướng, thâm cùng cội nguồn của mê ngộ, chỉ bày yếu chỉ thẳng tắt của việc tu hành. Đó là tổng nhiếp nghĩa lý rộng sâu mà Như Lai đã nói. Thật là cương lĩnh chính yếu của Đại giáo, ý chỉ đích thực của Thiền tông.
Luận là, quyết trạch đúng sai, phát minh chánh lý, giản trạch những thứ chẳng phải là kinh luận, dùng luận để minh chứng. Bản sớ giải của ngài Hiền Thủ tinh tường, song phần phân đoạn lại ít. Trước, tôi đã lọc bỏ lược bớt gọi là Sớ Lược, nhưng trong sớ ấy, văn nghĩa thiếu lại chẳng hay, nên nay dựa vào nghĩa của bản sớ chính, theo đó mà trực giải, để tiện cho kẻ sơ học, chẳng dám lấy ý riêng nói xằn bậy. Không gì vui mừng bằng người xem quên lời, chịu tin ở bản tâm. Đây là điều mong muốn của tôi vậy.
Bồ tát Mã Minh tạo, là người tạo luận.
Mã Minh là vị Bồ tát, khi vừa sinh ra đã cảm đến bầy ngựa, khiến chúng kêu lên bi thiết, nên lấy đó làm tên. Rồi khi ngài thuyết pháp, bầy ngựa cũng lại kêu lên bi thiết. Kinh Sớ Dẫn Ma Ha Ma Da nói “Sau khi Như Lai diệt độ 600 năm, tà kiến của các ngoại đạo hưng thịnh, hủy diệt Phật pháp. Có một tỳ kheo tên là Mã Minh, khéo thuyết pháp yếu, hàng phục hết thảy các hàng ngoại đạo”.
Tam tạng Chân Đế dịch, đây là tên người dịch. Luận có hai người dịch :
1. Sa môn Ba La Mạt Đà, người nước Ưu Thiền Ni ở Tây Ấn Độ, đây gọi là Chân Đế, vào thời vua Thừa Thánh năm thứ ba đầu nhà Lương, ở chùa Kiến Hưng, Hoành Châu, dịch thành một quyển 24 tờ.
2. Sa môn Thật Xoa Nan Đà, nước Vu Điền, đây gọi là Hỉ Học, vào thời Võ Tắc Thiên – Đại Chu, ở chùa Phật Thọ Ký, Đông Đô, dịch thành hai quyển cũng 24 tờ.
Nay lấy theo bản dịch của người trước.

Kinh Đường Tây, Chùa Thái Nguyên, Sa môn Pháp Tạng tạo sớ.
Núi Minh Khuông, chùa Pháp Vân, Sa môn Đức Thanh trực giải.
 
KỆ MỞ ĐẦU
Qui mạng tận mười phương
Nghiệp tối thắng biết khắp
Thân vô ngại tự tại
Đấng cứu thế đại bi
Với thể tướng thân này
Biển pháp tánh chân như
Kho vô lượng công đức
Bậc như thật tu hành
Vì muốn khiến chúng sanh
Trừ nghi bỏ tà chấp
Khởi chánh tín Đại thừa
Chủng Phật chẳng đoạn mất
Khi sắp soạn thảo luận văn, trước cần qui kính Tam Bảo thỉnh cầu gia bị. Sau mới chép rõ văn luận.
Qui mạng tận mười phương
Khi sắp tạo luận, trước cần qui mạng Tam Bảo, thỉnh cầu gia bị. Sở dĩ phải vậy, vì tạo luận dịch kinh, kinh là lời Phật nói, trí Phật thậm thâm, chẳng thể dùng tình thức mà suy lường được, nên thỉnh uy lực của Tam Bảo gia bị nhiếp thọ, khiến nghĩa của luận ấn hợp với Phật tâm, vừa chỉ bày pháp có sở tông, vì Tam Bảo là chỗ y chỉ.
Nay nói QUI MẠNG là tỏ rõ cái qui về là tâm. Muốn nhập pháp tánh trước phải quên ngã tướng. Song MẠNG thì bao gồm 6 căn. Nay lấy mạng qui thì thân tâm đều quên mới có thể qui đến.
MƯỜI PHƯƠNG là bờ mé để qui về. Ý là, chỗ mà nghĩa của luận dựa vào là chủ của mười pháp giới, nên cần qui mạng Tam bảo tận mười phương. Vì tâm không có phần hạn nên cảnh cũng không có hạn lượng. Ý là, qui về Tam bảo vô tận trong mười phương pháp giới Đế võng sát.
Nghiệp tối thắng biết khắp, thân vô ngại tự tại, đấng cứu thế đại bi.
Đây là qui Phật bảo. Phật dùng tam luân ứng vật. Nay chỗ qui về là tam luân đều rất thù thắng. Ý hiển bày, chỗ này chẳng phải là ứng hóa thân cho đến ngay cả giáp ranh giữa báo và pháp thân cũng chẳng phải.
BIẾT KHẮP, vì ý nghiệp tối thắng. Phàm phu chẳng biết, ngoại đạo biết không đúng, Nhị thừa biết thiên lệch, Bồ tát biết từng phần, chỉ có Phật là biết khắp. Bởi thật trí chứng lý, lý không gì mà không thấu suốt. Quyền trí soi cơ, cơ không gì mà không ứng hợp. Cho đến trong pháp giới, những tâm niệm ưa thích mong muốn của chúng sanh, không gì mà không biết hết, nên nói là KHẮP.
THÂN VÔ NGẠI TỰ TẠI, vì thân nghiệp tối thắng. Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật có vô lượng tướng, tướng có vô lượng tướng tốt, căn căn viên dung, khắp giáp tự tại, mười thân rõ khắp, không hoại không tạp lẫn, nên nói VÔ NGẠI.
CỨU THẾ ĐẠI BI, vì ngữ nghiệp tối thắng. Phật dùng âm thanh luân ứng cơ mà thuyết pháp, một lời nói ra mọi loài đều hiểu, nên nói TỐI THẮNG.
THẾ là chúng sanh thế gian, tức sở cứu. ĐẠI BI là tâm năng cứu. Như Lai chỉ dùng đại bi làm lực chỉ dạy người.
Với thể tướng thân này, biển pháp tánh chân như, kho vô lượng công đức.
Đây là qui Pháp bảo.
VỚI, nghĩa là chẳng phải chỉ qui y Phật mà còn qui y Pháp nữa.
THÂN NÀY, chỉ cho thân Phật ở trên. Phật lấy Pháp làm thân, nên từ chân như, giáo pháp được lưu xuất, chính là pháp thân thường trụ. Vì trong ấy đã có toàn thân Như Lai nên ý hiển bày Pháp ấy, tức thể và tướng của Phật, vốn không hai.
PHÁP TÁNH CHÂN NHƯ, chính là chỉ cho pháp thể. Pháp tánh chân như tức là chân thể pháp thân. Pháp thân ấy tại hữu tình là Phật tánh, tại vô tình là pháp tánh, vì nó là thể tánh của tất cả pháp nhiễm tịnh. Vì tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên, nên dụ như BIỂN. Gặp gió khởi các sóng lớn nhỏ mà tánh ướt không hai, nên nói là TƯỚNG.
Trong Như Lai Tạng hàm nhiếp các công đức nên nói là KHO CÔNG ĐỨC.
Bậc như thật tu hành
Đây là qui y Tăng bảo. Tăng thì thông cả thánh, phàm, lớn, nhỏ. Nay nói NHƯ THẬT TU HÀNH là chỉ cho các vị Bồ tát đăng địa. Cứ Hậu diễn dịch là “Vô biên đức tạng tăng, người siêng cầu chánh giác”: Câu đầu là tán thán đức, người hay nhiếp đức gọi là “tạng”.
Phần dưới là bày tỏ ý tạo luận.
Vì muốn khiến chúng sanh, trừ nghi bỏ tà chấp, khởi chánh tín Đại thừa, chủng Phật chẳng đoạn mất.
Đây là bày tỏ ý tạo luận. Pháp chẳng phải vô cớ mà lập, nhất định có chỗ dùng. Nay có 4 ý :
1. Vì Nhị thừa chẳng tin duy tâm, nên hiển thị chánh nghĩa nhất tâm, khiến trừ nghi hoặc.
2. Vì những tà chấp của ngoại đạo mà đối trị những tà chấp ấy, khiến họ bỏ đi tà kiến.
3. Vì những người tu hành chưa khởi chánh hạnh nên phân biệt tướng phát tâm vào đạo khiến họ khởi chánh tín, lấy đó làm bản hạnh.
4. Vì để lòng tin thành tựu, nhập và trụ ở vị bất thối, có thể nhận được Phật quả, nên nói CHỦNG PHẬT CHẲNG ĐOẠN MẤT.
Vì những ý như vậy mà tạo luận.

LUẬN rằng, có pháp có thể làm phát khởi tín căn Ma-ha-diễn cho nên phải nói.
Đây là tổng hiển bày tông bổn của luận.
PHÁP là, tức là chỗ mà tông bổn của luận y chỉ, là một tâm pháp đủ 2 môn, 3 nghĩa lớn. Chính là chỉ cho sở tông.
MA HA DIỄN, đây gọi là Đại thừa. Sở tông tâm pháp tức là Đại thừa. Hay tin tâm này tức là căn bản của Đại thừa. Có những lợi ích thù thắng như thế cho nên phải nói.

Nói có 5 phần. Thế nào là năm?
Đây là nêu lên qui chế tạo luận, là cửa mở đầu của một bài văn. Phân chương là để biết chỗ chuyên yếu của nghĩa. Nên văn của toàn luận, thứ lớp lập thành 5 phần.
Pháp chẳng tự khởi, tất có nguyên nhân, nên đầu tiên lập bày NHÂN DUYÊN.
Suy cùng nguyên nhân đã rõ rệt, tất có tông bổn, nên kế đến là LẬP NGHĨA.
Tông bổn sâu xa, chẳng giải thích tuyệt không thể hiểu, nên kế là GIẢI THÍCH.
Đã hiểu nghĩa của pháp, chẳng thực hành tuyệt không thể bước vào, nên kế là TU HÀNH TÍN TÂM.
Giải hạnh tuy đã chỉ bày, kẻ độn căn lại hay giải đãi nên kế là KHUYẾN TU.
Đây là trình tự của toàn luận. Phàm kinh có 3 phần. Nhân duyên tức là tựa. Ba phần giữa là chánh tông. Khuyên tu là phần lưu thông.
Sau đây là giải thích phần Nhân Duyên.