Đại thừa khởi tín luận trực giải (Hám Sơn)
ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (1)
LỜI GIỚI THIỆU (của ngài Từ Vân Quán Đỉnh, Cư sĩ Dương Văn Hội và Đại sư Hám Sơn) - PHÁP GIỚI DUYÊN KHỞI TÔNG HOA NGHIÊM
26/04/2021Trong phần giải thích giáo nghĩa của luận Khởi Tín đã giải thích kỹ bức họa đồ về pháp tướng chân vọng sanh diệt. Xem bức họa ấy, cần đọc kỹ văn luận, nghiền ngẫm nghĩa lý để tự được ý chỉ.
Chỉ riêng một môn sanh diệt mà xét : Nếu bối giác hợp trần thì lật tịnh làm nhiễm. Nếu đoạn hoặc chứng chân thì chuyển phàm thành thánh. Chung luôn môn chân như mà xét thì : Nếu nương chân khởi vọng thì pháp tánh tùy duyên. Nếu hội duyên về thật thì vô minh thể không, tức môn sanh diệt thành môn chân như. Còn viên dung hết thảy mà xét thì nhiễm tịnh vọng chân tất cả chẳng lìa tạng tâm pháp giới vậy. Như vậy, lưu biến tam điệp thuận nghịch mà xét thì hoặc mê, hoặc ngộ, hoặc Phật hoặc chúng sanh. Nhìn lại người đương thời dụng tâm như thế nào? Há có một pháp nhất định ư? Người phát đạo tâm, nên suy nghĩ kỹ!
Hành giả nối pháp viết
Từ Vân Quán Đỉnh
Lời của cư sĩ Dương Văn Hội [1]
Đại sĩ Mã Minh soạn luận Khởi Tín, quán thông cả Tông và Giáo, là bực thang đầu của người học Phật. Nếu chẳng hiểu nghĩa ấy thì chỗ sâu xa trong kinh không do đâu thông đạt. Quốc sư Hiền Thủ riêng vì đó tạo sớ, gởi gấm Đại thừa chung giáo, bởi dưới thì tiếp Tiểu thừa thủy giáo, trên thì thông đốn viên. Pháp sư Từ Vân Quán Đỉnh tổng hợp nghĩa của luận, tạo thành một bức họa đồ, các pháp chân vọng rạch ròi như chỉ giữa bàn tay. Cư sĩ Trường Sa Tào Hiển Tông lại đính thêm vào, khiến giáo võng mạch lạc, hào ly cũng không bỏ sót. Có thể nói, tinh tường càng cầu tinh tường, chọn lọc mà lại chọn lọc vậy. Vì thế, tôi cho khắc kèm với phần sớ luận sau để truyền bá rộng rãi.
[1] Dương Văn Hội tự là Nhân Sơn, người huyện Thạch Lệ, tỉnh An Huy đời Thanh. Bình sinh rất ham đọc sách, thông hiểu tất cả các loại âm vận, lịch toán, Trang, Tử v.v… . Năm 27 tuổi, kiếm được một cuốn Đại Thừa Khởi Tín Luận nhưng không thể hiểu. Từ đó dốc một lòng học Phật. Ngoài việc tự tay khắc in các bản kinh, ông còn tụng kinh, niệm Phật và tĩnh tọa quán xét. Ông cho rằng thời mạt pháp này chỉ cần khắc in truyền bá lưu thông kinh điển để cứu vớt chúng sanh. Năm Giáp Ngọ, ông cùng một người Anh dịch bộ Đại Thừa Khởi Tín Luận ra tiếng Anh mong Phật giáo được truyền bá sang Tây phương. Cư sĩ hoằng dương Phật pháp hơn 40 năm, khắc in truyền bá kinh điển hơn 100 vạn quyển, tranh tượng Phật hơn 10 vạn trang và biên soạn nhiều tác phẩm có giá trị.
LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN, Đại sư Mã Minh vì phá cái nhìn thiên lệch của Tiểu thừa và ngoại đạo, đã y cứ hàng trăm bộ kinh Đại thừa mà tạo ra, để làm phát khởi chánh tín. Ngài lập luận tông “pháp giới nhất tâm”, khai thị 2 môn chân vọng, thấu triệt cái gốc của sanh diệt, tận cùng cội nguồn của mê ngộ, chỉ ra con đường tu hành chân chánh, lập bày môn chỉ quán thần diệu, gồm hơn một vạn một ngàn chữ, lý thì không gì không tận, sự thì không gì không đủ. Vì văn ít mà nghĩa rộng sâu, khó thấu được đến cùng, nên có thể nói “Luận này là chìa khóa mở cửa của Đại giáo, là kim chỉ nam của Thiền tông”.
Bản sớ cũ của ngài Hiền Thủ, phần giải thích rất là tinh tường, phần ghi chú lại mênh mông bát ngát. Người học đụng phải cái mênh mông này thì mờ mịt chẳng thể thấu nỗi. Tôi từng theo bản sớ, lược bớt những chỗ chi tiết, đặt tên cho nó là Sớ Lược, đã cho khắc ở Song Kính. Nói chung cũng được nhiều sự tôn sùng.
Chợt nghĩ đến tình trạng pháp môn suy vi, đạo tràng giảng pháp không nhiều, người mới học đã không có bậc Long Tượng để nương tựa, mắt mình lại chẳng sáng, nếu chẳng nương vào luận này thì không nhơn đâu vào được Đại thừa sanh chánh tín. Vả lại, sợ để lâu thất truyền nên đang khi nhàn rỗi ở núi, vui thú với thiền, tôi nương bản sớ cũ của Tổ, theo ý đó mà làm trực giải. Quí ở chỗ nhất quán, chẳng phải nương vào những lời dẫn giải mênh mang mà nghĩa chân, vọng, mê, ngộ của nhất tâm đều hiện rõ ràng như thấy trắng với đen. Đủ để làm phương tiện cho người mới học. Chẳng dám khoe bày sự hiểu biết đối với bậc cao minh.
Đệ tử Siêu Dật theo học với tôi đã lâu, ông nghiền ngẫm nghĩa lý của luận rất kỹ, dường như được ý chỉ, nay đem bản thảo về đất Việt, chí muốn khắc để làm pháp thí. Tôi tuy không có địa vị gì trong Phật pháp, song kẻ hậu học có chí tham cứu đại pháp lại phải lấy chú giải này mà giải tan mối nghi. Nếu được ý quên lời, trực nhập duy tâm hiện lượng thì đó là do mắt trí của người ấy vậy.
PHÁP GIỚI DUYÊN KHỞI TÔNG HOA NGHIÊM
Trong bảy vị Tổ của tông Hoa Nghiêm, Mã Minh là Sơ Tổ. Song trong luận này chưa đề cập đến yếu chỉ VIÊN DUNG. Vì sao? Vì trước đây chưa có người biết về thuyết này, còn kẻ hậu học thì lại mù mờ chẳng thể phân biện, nên tôi hoàn toàn chẳng thêm ý nào. Lại, cổ nhân kiến lập Tông chỉ đâu cần phải nói đầy đủ rõ ràng hết với người đời. Nên nay tôi chỉ lược nói về những chỗ then chốt để người biết tông chỉ của nó.
Tông Hoa Nghiêm viên giáo lấy nhất chân pháp giới gồm thâu BỐN PHÁP GIỚI. Y bốn pháp giới lập MƯỜI HUYỀN MÔN. Tuy là bốn giới mười huyền nhưng đều nhơn LỤC TƯỚNG mà lập. Vì thế lục tướng trở thành mấu chốt của VIÊN DUNG vô ngại. Luận này nói rõ toàn bộ lục tướng là bao quát hết lý thú của bốn giới, mười huyền. Vì lục tướng là giềng mối của VIÊN DUNG nên luận này nhiếp pháp giới vô tận vậy. Vì thế, đầu tiên nêu ra nhất tâm chân như là THỂ của “Đại tổng tướng pháp môn”.
Lại, luận này y cứ hàng trăm bộ Đại thừa mà làm ra, song trăm bộ Đại thừa là do hóa thân Phật kiến lập, tức thật là quyền. Nay luận này tổng nhiếp quyền thừa qui về một cái thật, chủ ý là hiển tức quyền là thật, dẫn qui về biển quả VIÊN DUNG tột cùng. Trong luận tuy chưa hiển rõ về ý chỉ VIÊN DUNG, song tam thừa, năm tánh, đốn tiệm, tu chứng đều gom về cội nguồn biển quả nhất tâm, mà viên dung công đức đầy đủ đều là sự vi diệu của nhất tâm. Đã nói đầy đủ trong tông Hoa Nghiêm nên đây chẳng nói. Chỉ là nhiếp dẫn qui về biển tánh, nên trong luận, chỗ qui về đầu tiên là báo thân Phật, cho đến sở kiến của người đoạn hoặc cũng là báo thân Phật.
Nghĩa của luận đã nói đầy đủ nhiễm tịnh (cùng đồng một chân) là tướng dụng của nhất tâm. Bởi nhất niệm làm duyên khởi cho nhiễm tịnh nên hoàn toàn giống như trong Hoa Nghiêm lấy “pháp giới duyên khởi” làm tông, mà Thập nhị duyên sanh tức là Như Lai Phổ Quang Minh Trí. Thì biết, yếu chỉ nhập pháp giới của tông Hoa Nghiêm ắt hẳn lấy luận này làm cửa nhập pháp giới vậy.
Lục tướng
Là các tướng tổng, biệt, đồng, dị, thành, hoại.
1. TƯỚNG TỔNG : chính là nhất tâm chân như, là thể của “Pháp giới đại tổng tướng pháp môn”.
2. TƯỚNG BIỆT: là nhất tâm, 2 môn, 3 tế, 6 thô, 5 ý, 6 nhiễm, tu đoạn sai biệt.
3. TƯỚNG ĐỒNG : là thánh, phàm, nhiễm, tịnh, nhân, quả, tánh, tướng đồng một chân như. Dụ như đồ gốm cùng đồng vi trần.
4. TƯỚNG DỊ: là các pháp nhiễm tịnh, mỗi mỗi sai biệt, chẳng một chẳng khác. Dụ như các loại đồ gốm đều từ vi trần mà có, nhưng chẳng phải là một.
5. TƯỚNG THÀNH : là các pháp nhiễm tịnh, đều từ một niệm duyên khởi mà thành.
6. TƯỚNG HOẠI: là tức các pháp nhiễm tịnh, mỗi thứ đều trụ ở chỗ của nó, nhưng mỗi mỗi không tánh, không thể tự dựng lập.
Bốn pháp giới
Bốn pháp giới là lý pháp giới, sự pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới, sự sự vô ngại pháp giới.
1. LÝ PHÁP GIỚI: là nhất tâm chân như không có pháp sai biệt, một chân lý toàn nhất.
2. SỰ PHÁP GIỚI: là tất cả thánh phàm nhiễm tịnh y nơi chánh nhân quả, các sự pháp sai biệt.
3. LÝ SỰ VÔ NGẠI PHÁP GIỚI: Do LÝ SỰ ở trên cùng thành, cộng lại có 10 môn. Vì SỰ thấu LÝ thành nên toàn LÝ thành SỰ. Bởi LÝ thành SỰ nên toàn SỰ tức LÝ. Bởi LÝ hay thành SỰ, nên SỰ chẳng ngại LÝ mà hay hiển LÝ. Vì SỰ thấu LÝ thành, nên LÝ chẳng ngại SỰ mà hay dung SỰ. LÝ hay thành SỰ nên toàn SỰ tức LÝ. SỰ hay hiển LÝ nên toàn LÝ tức SỰ. Vì LÝ SỰ tương tức nên được LÝ SỰ dung hòa vô ngại. Trong Thập Môn của Pháp Giới Quán phân biệt rất là rõ rệt, đây chỉ lược nêu yếu chỉ của nó.
4. SỰ SỰ VÔ NGẠI PHÁP GIỚI, vì LÝ SỰ vô ngại, nay toàn LÝ thành SỰ nên bất tất lại nói lý của nó. Vì toàn SỰ toàn LÝ nên sự sự dung nhiếp, không chướng không ngại. Chỉ vì LỤC TƯỚNG thâu gom tất cả sự pháp thì pháp pháp viên dung nên thành 10 tầng huyền môn. Vì hiển bày đại dụng của pháp giới nên nghĩa của luận này hội lục tướng là đã nhiếp tông sự sự vô ngại viên dung đầy đủ công đức. Nghĩa của mười huyền môn đã nói đầy đủ trong Hoa Nghiêm Huyền Đàm. Nay chỉ kể tên.
Mười huyền môn
1/ Đồng thời cụ túc tương ưng môn
2/ Quảng hiệp tự tại vô ngại môn
3/ Nhất đa tương dung bất đồng môn
4/ Chư pháp tương tức tự tại môn
5/ Ẩn mật liễu hiển câu thành môn
6/ Vi tế tương dung an lập môn
7/ Nhân đà la võng cảnh giới môn
8/ Thác sự hiển pháp sanh giải môn
9/ Thập thế cách pháp cộng thành môn
10/ Chủ bạn viên dung cụ đức môn
Nghĩa của mười huyền môn này được nói rõ trong Pháp Giới Quán và Huyền Đàm.
Các tin khác
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (2) (31/03)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (3) (31/03)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (4) (31/03)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (5) (31/03)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (6) (31/03)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (7) (31/03)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (8) (31/03)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (9) (31/03)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN TRỰC GIẢI (10) (31/03)