Thánh ngôn

TƯỚNG CỦA VÔ TƯỚNG

Trích Bạch Ẩn Thiền Định Ca - Amakuki Sessan – Hạnh Huệ & Thuần Bạch

25/03/2017

Trong tướng thấy được vô tướng
Đi về vẫn thường an trụ
Trong niệm thấy được vô niệm
Ca múa đều là Đạo âm

Giống như những vần thơ trước, ở đây mô tả trạng thái giác ngộ.

Có thể sẽ không khó lắm để đạt đến một cách tương đối trạng thái mà nhân và quả là một. Sự giác ngộ về tính bình đẳng của vạn pháp xuất phát từ sự hiểu biết này. Nhưng điều quan trọng là tiếp tục từ đó và qua sự hiểu biết khác, sau khi đã chứng ngộ. Chúng ta cần phải thấy tính sai biệt một lần nữa trên hình tướng và phát nguyện cứu độ tất cả. Đây không phải chỉ đơn thuần là vấn đề chứng ngộ và thức tỉnh khỏi cơn mê.

Cứu cánh là tỉnh thức và sau đó khởi hoạt dụng.

Đây là điểm quan trọng thường bị hiểu sai lệch. Nếu tu tập thiền để giác ngộ cho riêng mình thoát khỏi đau khổ của tử và sinh, của đúng và sai, sẽ không phải là thiền của Đại thừa. Cứu cánh là phải vượt qua giác ngộ. Hoặc theo thiền ngữ, nhảy thêm bước nữa, qua khỏi đầu sào trăm trượng, và trở lại thế gian mở rộng vòng tay từ bi tế độ chúng sinh.

Theo truyền thống, sau khi chứng ngộ, sự tu tập vẫn luôn luôn được chú trọng, gọi là trưởng dưỡng thánh thai. Theo nghĩa này, con đường thượng cầu Phật đạo là phương tiện thù thăng của thiền, còn con đường hạ hóa chúng sinh là cứu cánh.

Tông Tịnh độ cũng quan niệm như vậy. Người đã vào cõi Tịnh độ mà hy sinh công đức vô lượng để trở lại sinh trong loài người, hầu cứu độ kẻ khác cũng về Tịnh độ, sẽ cao quí hơn người ở luôn trong Tịnh độ.

Nhiều người trên thế gian cho rằng, mục đích của đời người rất đơn giản, chỉ cần thành công và tạo được tiếng tăm. Đó là sai lầm lớn. Còn làm gì nữa sau khi đạt được tiếng tăm? Vấn đề là tìm một mục đích tối hậu cho đời người. Với người theo đuổi sự thành công hết mình, và còn hơn nữa, đối với người gần đến sự thành đạt, lúc hưng thịnh nhất, tôi muốn nói rằng: “Nếu sự thành đạt là mục đích của cuộc đời, sau đấy bạn sẽ chịu sự buồn phiền không tránh được lúc suy vi, bạn sẽ tính sao?”.

Không nên quá kiêu hãnh!
Vầng trăng tuy tròn
Nhưng chỉ được một đêm thôi.

Chúng ta phải thâm nhập điều đó đến tận thâm tâm. Mục đích đời người không phải là điều mà thế gian gọi là thành công. Nếu ta dùng sức lực và tài đức, mà sự thành công ở thế gian đã cho ta vào mục tiêu xuất thế, ta có thể đạt đến bất tử. Mục đích đời sống chỉ đáng được theo đuổi theo đường lối này.

Cốt tủy trong sự giải thoát tối thượng của thiền đạo tu tập là Du hí tam muội.

Sau khi cổng giác ngộ mở, nhân và quả là một, nắm được thực tướng – tướng của vô tướng – và qua lại không đâu không là nhà mình, trước hết vọng tưởng phân biệt được buông bỏ để tiến tới thực tại bình đẳng. Nhưng nếu trong tính bình đẳng đó, ta lại rơi vào chỗ không thấy nhân quả thì bình đẳng rốt cuộc trở thành ảo tưởng. Thức ăn và phân bón giống nhau. Ta trở thành một thiền quái nuốt hết trời đất. Nhưng nếu tiếp tục trong sự tu tập thể cứu bản lai diện mục, ta sẽ không bị nguy hiểm rơi vào bình đẳng lầm lẫn. Ta có thể tiến một bước nữa, từ bình đẳng tánh trí đến trí sai biệt như chánh văn nói: “Nhận được thực tướng, tướng của vô tướng”.

Trong chương Bất Nhị của kinh Duy-ma, Bồ-tát Thiện Kiến giải thích tướng và vô tướng từ cái thấy tột cùng. Khá nhiều người nghĩ rằng những sự phát biểu “Mọi vật là nhất tướng” và “mọi vật là vô tướng” là hoàn toàn đối nghịch, nhưng sự thật thì tất cả hiện tượng không có tự tánh cố định, được sinh và diệt theo đúng với sự tương quan nhân quả. Và vì thế trên nền tảng là không, mọi vật không hình tướng và cũng có hình tướng. Có tướng bởi vì không tướng, không tướng bởi vì có tưởng. Theo cách này ngài giải thích thuyết vô tướng và vô lượng.

Trong bài có nói về tướng của vô tướng. Thông thường, trong Phật giáo, chữ tướng có nghĩa là tất cả sắc tướng, mọi sự vật nhận thức được, và chúng ta được cảnh giác rằng, đó là sự biểu thị tạm thời của vọng tâm. Tất cả được phân loại theo bốn thời kỳ sanh, trụ, dị, diệt hoặc theo ngôn ngữ thương tình là sanh, lão, bệnh, tử. Thế giới và vạn vật, trong đó ban đầu sinh ra, tồn tại trong một thời gian nào đó, rồi biến đổi và cuối cùng là diệt vong. Như thế mọi vật đều trải qua bốn giai đoạn từ đầu đến cuối. Đối với con người, trước hết được sinh ra, rồi già đi, rơi vào bệnh tật, rồi chết. Thế là trải qua sanh, lão, bệnh, tử. Bốn giai đoạn này được gọi là tướng. Mọi sự đều từ quan điểm phân biệt, và khi bước vào giai đoạn thực chứng, chúng ta đi đến để thấy rằng tất cả đều bình đẳng, nói cách khác là vô tướng. Ở đây tướng tức vô tướng. Nhưng nếu chúng ta bám vào đó cho thật là vô tướng thì chắc chắn có cái gì hư vọng về hình tướng. Một người chứng ngộ bám víu vào sự chứng ngộ của mình cũng chỉ là một loại ảo tưởng. Tiến thêm một bước, tướng lại hiện ra trong cái vô tướng. Tướng là vô tướng, vô tướng là tướng. Đó không phải là giác ngộ về bình đẳng tuyệt đối. Bằng sự tu tập thiền định, chúng ta có thể đi từ tướng đến vô tướng và rồi từ vô tướng đến tướng.

Triệt ngộ là trạng thái vô tướng, nơi tất cả là không và nhất như, đồng thời phải là trạng thái có tướng rõ rệt khác nhau, chỗ có núi và có sông. Tuy vậy chúng ta lại không bị lừa dối bởi hình tướng khác nhau này. Những dòng: “Trong đó không có một vật lại là kho tàng vô tận có hoa nở, có trăng sáng và tháp cao” là nói đến tướng của vô tướng.

Ở trạng thái này, dòng suối trong thung lũng là tướng lưỡi rộng dài (của Phật), màu sắc núi non là thân thanh tịnh như Tô Đông Pha đã diễn tả trong thơ. Khi liễu ngộ rằng đi và đến vẫn luôn an trụ tại nhà thì không có địa ngục để sợ hãi hoặc thiên đường để đạt tới. Núi sông, cỏ cây, toàn thể trái đất như chúng đang hiện hữu là tịnh độ sáng ngời. Khóc hay cười cả hai đều là pháp âm. Sự an bình đó của tâm không thể nói. Đó là trạng thái của duy tâm tịnh độ.

Nắm vững câu “Tướng của vô tướng”, ta có thể hiểu cũng như vậy về “Niệm của vô niệm”. Niệm ở đây có nghĩa là tất cả sự phân biệt hão huyền, nói cách khác là vọng tưởng. Khi vọng tưởng được buông bỏ, đó là chánh niệm – bước thứ sáu trong Bát chánh đạo. Chánh niệm là thanh tịnh không có tạp loạn, vì thế cũng được gọi là vô niệm. Từ vô niệm chúng ta phải tiến vào niệm, nhưng bây giờ đã thoát khỏi mê vọng. Người ta nghĩ rằng vô niệm giống như một cây chết, hoàn toàn không có hoạt động của trí tuệ. Nhưng đó là điều hết sức lầm lẫn. Vô niệm không có nghĩa là trở thành một cục đá mà là ở trong chánh niệm. Trong chánh niệm, khi những tư tưởng sai khác nổi lên, hoa xuân, trăng thu, gió hạ, tuyết đông, nếu tâm an tịnh không dính mắc, mọi mùa đều tốt đẹp. Đó là giải thoát và an lạc, ca và múa đều là pháp âm. Đó là Du hí tam muội. Chữ “du hí” theo nghĩa đen là giải trí hay vui chơi, đúng nghĩa ở đây là trong trò chơi, chúng ta hành theo ý muốn, không gò bó tâm trí, vì thế tam muội này là hồn nhiên trong tự tại.

Có người mới thực hành chút ít (đặc biệt là đua đòi theo thiền), và trước khi đạt đến một ánh sáng tâm linh nào đó, đã nhảy ào vào cái “không suy nghĩ gì cả”, sau đó phát ra ngôn cú to lớn đẹp đẽ nhưng rỗng toét. Họ tham gia mọi thứ kỳ quái, để tỏ rằng họ khác thường thế nào. Họ nghĩ rằng sự vô ý vô tâm và không thực tế là tâm giải thoát. Việc coi thường mọi sự thì họ cho là tỉnh giác. Sự phù phiếm thì họ cho là hạnh xả ly. Họ nói năng lập dị và hành động như kẻ điên. Những tên hề này không thể được xem là cùng hội cùng thuyền với những người tỉnh giác “đã đạt chánh niệm, niệm của vô niệm”.

Trung Hoa thời xưa, có một người đua đòi học thiền, đến gặp tọa chủ Kisen để trình kiến giải. Y đã chơi chữ trên cái tên của tọa chủ, có nghĩa là bột.

Y hỏi: “Đó là bột mì hay bột gạo?”.

Tọa chủ bình thản trả lời: “Thử đi rồi biết”.

Y hét lên một tiếng, bắt chước cách hành xử của các thiền sư, nhưng tọa chủ chỉ nói: “Đừng ho đừng ho” và vỗ vào lưng y. Ngày nay cũng có nhiều người non nớt loại này.

Thiền sư Lâm Tế bảo rằng thần lực có nghĩa là có khả năng bước vào thế giới hình tướng, nhưng không bị huyễn tướng chinh phục và cũng như thế với mùi, vị và ngủ nghỉ. Khi biết mọi thứ đó hoàn toàn trống rỗng thì không thể bị trói buộc. Ngài lại giải thích rằng như người vào lửa không bị cháy, vào nước không bị ướt, và nếu vào địa ngục cũng như dạo chơi vườn cảnh, ca hát và múa nhảy, đứng hay ngồi luôn luôn phù hợp với lẻ phải. Đó là tâm thái thực ngộ.

Con vịt trời trên đường bay không để lại dấu vết

Nhưng nó không bao giờ quên đường

Đó là Du hí tam muội hay Na-già thường tại định. Tất cả đời sống thực sự thánh thiện phải hoàn toàn hài hòa, thoát khỏi mọi trói buộc. Và hành động vô ngã sẽ chan chứa lòng bi mẫn.

Một tấm gương điển hình là cuộc đời của Bạch Ẩn. Người mà trong 84 năm đã ngự trị thế giới tâm linh. Với diễn văn và bài viết, ông đã thỏng tay vào chợ trong Du-hí tam muội. Là một giảng sư không có chỗ đứng trong văn học, nhưng rất giàu ngôn từ và nhiều tác phẩm văn chương. Đặc biết là trong lãnh vực đại chúng hóa Thiền tông. Dĩ nhiên ông bỏ qua nhiều việc làm có tính cách chuyên môn, thuyết pháp, thi ca... nhưng đồng thời ông nói về đạo qua dân ca bằng những buổi nói chuyện thông thường, những bài viết dùng ngôn ngữ thông tục, bài thiền định lao động, đạo ca và cuồng ca.

Trong những bài viết dùng ngôn ngữ bình dân, chính bài thiền định là kiệt tác của thời bấy giờ và cho đến ngày nay.

Tranh của ông nhiều vô kể. Nhiều bức độc đáo nhưng không một chút gì chế nhạo tục lệ và ngày nay được cất kỹ như của báu trong nhiều gia đình.

Trong cách tập luyện môn đệ, ông rất tuyệt diệu. Từ khắp nơi họ đến tu tập theo ông.

Quanh ngôi mộ của ông ở chùa Tùng Âm Tự có các ngôi mộ của môn đệ đã đến đây, bị bệnh và từ trần trước khi hoàn tất việc tu tập. Đã có nhiều người xuất sắc trong họ. Trong số nhiều pháp đăng do ông đào tạo, có tọa chủ Zui-O (Túy Ông Nguyên Lư) và Torei (Đông Lãnh Viên Từ). Có thể nói đó là hai vị thánh cột trụ của ngài. Cả hai đều đạt Du hí tam muội, sống tỉnh giác. Đi đâu họ đều luôn luôn sống tại nhà.      

Trích Bạch Ẩn thiền định ca