Thánh ngôn
PHÂN BIỆT GIÁO
Trích trong Yếu Chỉ Hoa Nghiêm tập 2 - Chương Hoa Nghiêm Phát Bồ-đề Tâm - Tổ Pháp Tạng viết – Thích Nguyên Chơn dịch và chú
25/03/2017
Hỏi: Chúng sinh tu hành cần phải thọ trì thánh giáo mới thành lập được chánh hạnh hay xả bỏ pháp tu của thánh giáo, mới thành lập chánh hạnh?
Đáp: Luận chung về nghĩa này, trước tiên nêu ra 10 loại chúng sinh.
1/ Có những chúng sinh xa lìa lời thánh, tuân theo vọng tâm của chính mình, hoặc theo bạn xấu tu hành, trái giáo pháp mà cho là tâm yếu, bên ngoài hiện đủ oai nghi, nhưng bên trong biếng nhác, vô công, dối trá, lừa gạt. Hạng người này là bè đảng với ma. Là người cực xấu.
2/ Có những chúng sinh cũng trái thánh giáo, không xem kinh điển, chỉ vì nghe theo lời những kẻ dối trá nói trên, cho đó là con đường cốt yếu thoát sinh tử, rồi siêng năng gian khổ tu tập, nhưng rốt cuộc không được gì… Hạng người này tuy tốt hơn hạng thứ nhất nhưng cũng chẳng phải là người tốt.
Hai hạng này đều bỏ thánh giáo, không hiểu nghĩa lý.
3/ Có những chúng sinh nghe nói hai hạng người trên trái với Thánh giáo, bị tổn hại, liền chỉ đọc tụng lời Phật, nhưng không hiểu nghĩa, không biết tu hành, chỉ dùng tâm dối trá nương theo Thánh giáo, cầu danh cầu lợi, trái với những lời mình đã tụng đọc, thuận vọng trái chân. Hạng người này tuy không bỏ Thánh giáo nhưng không phải là người tốt.
4/ Có những chúng sinh tuy đọc tụng kinh điển, nhưng chỉ chạy theo ngôn từ, không hiểu nghĩa lý, không biết pháp tu, chỉ dùng tâm chất phát lấy việc tụng đọc làm sự nghiệp tu tập. Hạng người này tuy không dối trá, khá hơn ba hạng trên, nhưng cũng chưa hoàn toàn tốt.
Hai hạng người trên, tuy không bỏ thánh giáo nhưng cũng không hiểu nghĩa lý.
5/ Có những chúng sinh đọc tụng Thánh giáo, hiểu được ít phần giải hạnh, tùy khả năng mà tu hành, nhưng đọc tụng thì nhiều mà tu tập thì ít. Hạng người này tuy được gọi là người tốt, nhưng vẫn chưa thật hoàn hảo.
6/ Có những chúng sinh nghiên cứu rộng thánh giáo, biết hết giải hạnh, dần dần lượt bỏ lời thánh, thuận giáo hành trì, nắm lấy ý chỉ mà chuyên tu, không đọc tụng nhiều. Hạng này tuy tốt hơn hạn trên nhưng chưa phải là rốt ráo.
7/ Có những chúng sinh thọ trì Thánh giáo, thể hội sâu nghĩa lý, được ý quên lời, chỉ chuyên tu hành, không chạy theo ngôn từ. Hạng người này tuy đã bỏ giáo thuyên[1], nhưng chưa phải rốt ráo.
8/ Có những chúng sinh nghiên cứu Thánh giáo, thể hội chỉ thú, biết tất cả pháp đều xứng tánh, nên cũng không xả bỏ giáo pháp văn tự mà giữ lấy loại giáo tùy thuận xứng tánh này làm chánh hạnh. Hạng người này tuy không xả giáo mà được chân, nhưng cũng chưa rốt ráo.
9/ Có những chúng sinh thường thọ trì giáo xứng tánh, bèn ngộ được lời, chẳng xả bỏ, chẳng chấp trước ngôn từ, lại hằng quán chân lý tuyệt ngôn, bèn được yếu chỉ, cũng chẳng xả bỏ, cũng chắng chấp trước. Từ lý mà khởi hai hạnh. Kinh ghi “Thánh thuyết pháp. Thánh im lặng” chính là việc này. Người tu pháp này tuy được lý sự vô ngại, nhưng hai hạnh cùng khởi nên cũng chưa được rốt ráo.
10/ Có những chúng sinh nghiên cứu giáo mà được chân lý, tỏ ngộ được lý và giáo vô ngại, thường quán lý mà chẳng ngại thọ trì giáo, hằng tụng đọc mà chẳng ngại quán không, nên kinh ghi: “Thành tựu ngôn giáo Đệ nhất nghĩa đế, như thuyết mà tu hành, như tu hành mà giảng thuyết, cho đến học chư Phật ba đời không thuyết hai lời, tùy thuận Nhất thiết trí của Như Lai”. Đây chính là lý giáo đều dung thông, hợp thành nhất quán mới là rốt ráo.
Trích trong Yếu Chỉ Hoa Nghiêm tập 2 - Chương Hoa Nghiêm Phát Bồ-đề Tâm
Tổ Pháp Tạng viết – Thích Nguyên Chơn dịch và chú
Các tin khác
-
» MỘT LỜI NGUYỀN TRONG BA ĐỜI (09/11)
-
» ĐIỀU KIỆN CHÁNH PHÁP TRỤ LÂU Ở ĐỜI (06/10)
-
» BÀI KINH ĐOẠN GỈẢM (19/06)
-
» MỘT CÁCH GIÚP AN LÀNH (25/03)
-
» TƯỚNG CỦA VÔ TƯỚNG (25/03)
-
» TU THIỀN ĐỊNH BẰNG CÁCH CHUYÊN TÂM VÀO MỘT ĐIỂM (25/03)
-
» THỰC TẾ LÀ ... (25/03)
-
» CHÂN TÂM HIỆN TIỀN (25/03)
-
» CHỈ CHÚ TRỌNG PHẬT TÁNH (25/03)
-
» ĐỊA VỊ CHỨNG NHẬP (25/03)