Thánh ngôn
ĐỊA VỊ CHỨNG NHẬP
Thư trả lời cư sĩ ở Vĩnh Gia - Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao - Như Hòa dịch.
25/03/2017
Những gì được dạy trong kinh Kim Luân Chú Pháp là nhân quả ba đời. Làm thợ săn hay làm thầy tăng đều là do nhân quả đời trước. Nay được làm người, nếu phước hết sẽ đọa. Đây là ước theo người mê không tu mà dạy “nhân trước quả sau”. Niệm Phật, tụng kinh, ngộ lý Nhị không (ngã không - pháp không), chứng pháp thực tướng, là luận theo người tỉnh ngộ tu trì mà dạy “hiện nhân, hậu quả”, chớ có buông tuồng mặc ý cho rằng đời này sẽ lại được như thế.
Trong đời này, người chứng được thực tướng không phải không có ai, chỉ e ông bạn chưa có được thiện căn ấy. Nếu chẳng trình bày rõ nguyên do, e sẽ hư vọng mong mỏi chứng thánh. Chí cao mà hạnh không thấu, lâu ngày chày tháng, ắt đến nỗi tán tâm cuồng dại, chưa đắc nói đã đắc, chưa chứng nói đã chứng, cầu thăng lại đọa, hóa khéo thành vụng. Xét đến kết quả, khó tránh khỏi vĩnh viễn chìm đắm trong đường ác. Chẳng những mai một linh tánh của chính mình mà còn cô phụ ân Phật.
Cái lý Nhị không, nếu chỉ nói về ngộ thì phàm phu lợi căn có thể làm được. Như những người thuộc về địa vị Danh tự trong Viên giáo, tuy ngũ trụ phiền não chưa phục đoạn mảy may, nhưng sở ngộ đã bằng với chư Phật không hai, không khác. Nếu nói theo nhà thiền thì gọi là đại triệt hay đại ngộ. Còn nói theo giáo thì gọi là đại khai viên giải.
Đại triệt đại ngộ hay đại khai viên giải không phải là lờ mờ phản phất, dường như hiểu rõ. Phải như Bàng Cư Sĩ nghe Mã Tổ nói: “Đợi khi nào ông một hơi uống cạn nước Tây Giang sẽ bảo cho ông biết”. Ngay khi đó Bàng cư sĩ bèn quên nhân ngã, thấu hiểu lẽ huyền. Hoặc như ngài Đại Huệ Cảo nghe ngài Viên Ngộ nói: “Gió nồm từ phương Nam thổi đến, điện gác đều mát mẻ” cũng thế. Hoặc như đại sư Trí Giả tụng Pháp Hoa đến câu: “Là chân tinh tấn, gọi là pháp cúng dường Như Lai chân thật” trong phẩm Dược Vương Bổn Sư, bèn hoát nhiên đại ngộ, lặng lẻ nhập định, thấy Hội Linh Sơn nghiễm nhiên chưa tan. Ngộ được như thế mới gọi là đại triệt, đại ngộ, đại khai viên giải.
Nếu nói đến việc chứng pháp thật tướng, thì không phải là chuyện hạng phàm phu sát đất có thể làm được.
. Đại thiền sư Nam Nhạc Tư, là thầy đắc pháp của ngài Trí Giải, có đại trí tuệ, có đại thần thông, lâm chung có người hỏi đến chỗ chứng, bèn nói: “Thoạt đầu ta mong được Đổng luân, nhưng vì lãnh chúng quá sớm, chỉ chứng được Thiết luân mà thôi”. Đổng luân, là địa vị Thập trụ, phá vô minh chứng thực tướng, vừa dự vào thật báo, phần chứng Tịch quang”. Bậc Sơ trụ có thể thị hiện làm thân Phật trong. Tam thiên đại thiên thế giới, giáo hóa chúng sinh”. Bậc Nhị trụ có thể hiện trong một ngàn tam thiên đại thiên thế giới. Tam trụ thì một vạn… Địa vị càng cao, con số càng tăng lên gấp mười. Đâu thể tiểu căn mà làm được. Thiết luân, là địa vị Thập tín. Sơ tín đoạn kiến hoặc, Thất tín đoạn tư hoặc. Bát, Cửu, Thập tín phá trần sa hoặc, khuất phục vô minh. Ngài Nam Nhạc thị hiện vào địa vị Thập tín, còn chưa chứng được pháp thực tướng. Nếu phá một phần vô minh, liền dự vào hàng Sơ trụ. Mới có thể nói là viên chứng pháp thực tướng.
. Đại sư Trí Giả là hóa thân của Phật Thích Ca, lâm chung có người hỏi: “Chưa rõ đại sư chứng nhập địa vị nào?”. Bèn đáp: “Nếu ta không lãnh chúng ắt tịnh được sáu căn. Do tổn mình lợi người nên chỉ chứng được Ngũ phẩm”. Tịnh được sáu căn, thuộc địa vị Thập tín, sáu căn đều tịnh, như đã thuyết minh trong phẩm Công Đức Pháp Sư của kinh Pháp Hoa. Ngũ phẩm, là Quán hạnh vị, đã khuất phục được hoàn toàn phiền não nhưng chưa đoạn trừ được kiến hoặc.
. Đại sư Ngẫu Ích khi lâm chung để lại bài kệ: “Danh tự vi trung chân Phật nhãn/ Vị tri tất cánh phó hà nhân?”. Nghĩa là, chân Phật nhãn trong địa vị danh tự còn chưa biết rốt ráo, giao phó cho ai đây?
Người thuộc địa vị Danh tự, đã viên ngộ Tạng tánh, ngang với chư Phật, nhưng kiến tư còn chưa khuất phục được, huống chi là đoạn? Những người đại triệt đại ngộ trong đời mạt pháp đây đa phần mang thân phận này. Ngũ Tổ Giới làm thân Tô Đông Pha, Thảo Đường Thanh trở thành Lỗ Công, còn là bực thượng. Kế đến như Hải Ấn Tín làm con gái Châu Phòng Ngự. Kém hơn nữa là như vị tăng ở Nhạn Đãng, trở thành con nhà họ Tần, mang tên Cối. Rõ ràng là vì Lý tuy đã đốn ngộ nhưng hoặc chưa phuất phục được,trải qua một phen thọ sinh, rất có thể bị mê mất. tạng tánh chính là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh, tức là tên khác của thực tướng.
Đại sư Ngẫu Ích thị hiện thuộc địa vị Danh tự. Trí giả thị hiện thuộc địa vị Ngũ phẩm. Nam Nhạc thị hiện chứng địa vị Thập tín. Nhưng nói về bổn địa của ba vị thì không thể lường được. Các ngài thị hiện ba địa vị Danh tự, Quán hạnh, Tương tợ cho thấy thực tướng không dễ chứng. Hàng hậu tấn khó có thể vượt lên. Quả thật các ngài sợ rằng hậu nhân chưa chứng đã nói chứng, nên bèn hiện thân thuyết pháp khiến cho họ biết hổ thẹn, chẳng dám làm xằng. Ân thị hiện sau cùng của ba vị Đại sư, chúng ta dẫu nát xương tan thân cũng không báo đáp được. Ông hãy tự suy nghĩ xem, mình có thể trội hơn ba vị Đại sư ấy chăng? Nếu nói niệm Phật duyệt kinh hòng vun bồi thiện căn, sau khi vãng sinh, thường hầu Di Đà, cao dự hải hội, tùy theo công hạnh sâu hay cạn, ắt sẽ chứng thật tướng sớm hay muộn thì đấy là lời quyết định không nghi, hết thảy người vãng sinh cùng được chứng đắc.
Các tin khác
-
» MỘT LỜI NGUYỀN TRONG BA ĐỜI (09/11)
-
» ĐIỀU KIỆN CHÁNH PHÁP TRỤ LÂU Ở ĐỜI (06/10)
-
» BÀI KINH ĐOẠN GỈẢM (19/06)
-
» PHÂN BIỆT GIÁO (25/03)
-
» MỘT CÁCH GIÚP AN LÀNH (25/03)
-
» TƯỚNG CỦA VÔ TƯỚNG (25/03)
-
» TU THIỀN ĐỊNH BẰNG CÁCH CHUYÊN TÂM VÀO MỘT ĐIỂM (25/03)
-
» THỰC TẾ LÀ ... (25/03)
-
» CHÂN TÂM HIỆN TIỀN (25/03)
-
» CHỈ CHÚ TRỌNG PHẬT TÁNH (25/03)