Thánh ngôn
CHÂN TÂM HIỆN TIỀN
Thiền Sư Phổ Chiếu - Thích Đắc Pháp dịch
25/03/2017
Hỏi: Trên đã nói cách biết vọng nhưng chưa biết chỉ ngồi tập, hay thông cả bốn oai nghi?
Đáp: Các kinh luận phần nhiều nói ngồi tập, vì ngồi dễ thành công hơn, nhưng cũng thông cả 4 oai nghi, tập dần rồi từ từ được thuần thục.
Luận Khởi Tín nói:” Người tu chỉ, nên ở chỗ tịnh ngồi ngay thẳng, giữ ý chân chánh, chẳng nương tựa vào hơi chẳng nương tựa vào hình sắc, chẳng nương vào không, chẳng nương vào đất, bước ,gió lửa, cho đến chẳng nương vòa thấy nghe hiểu biết. Tất cả các tưởng tùy niệm đều trừ, cũng nên dẹp luôn cái tưởng trừ. Vì tất cả pháp xưa nay vốn vô tưởng, niệm niệm chẳng sanh, niệm niệm chẳng diệt. Cũng chẳng được tùy tâm niệm cảnh giới bên ngoài, sau rốt lấy tâm trừ tâm. Tâm nếu chạy rong liền kéo về trụ nơi chánh niệm. Chánh niệm là chỉ có tâm chớ không có cảnh giới bên ngoài. Lại tâm này cũng không có tự tướng, niệm niệm không thật có. Nếu từ ngồi, đứng, đi lại, tới lui… tất cả động tác thi vi, trong tất cả thói thường nhớ phương tiện tùy thuộc mà quán sát. Tập lâu ngày được thuần thục thì tâm ấy được an trụ. Do tâm an trụ nên lần lần bén nhạy. Thuận theo đó mà được nhập vào chân như tâm muội. Dẹp sạch phiền não, lòng tin tăng trưởng, mau thành quả bất thối. Chỉ trừ những hạng người nghi hoặc chẳng tin, bài báng, tội nặng, nghiệp chướng, ngã mạn, giải đãi. Những hạng người này chẳng đặng vào”. Theo đây mà xét thì thông cả bốn oai nghi.
Kinh Viên Giác nói: “Trước nương theo hạnh Xa-ma-tha (chỉ) của Như-Lai, kiên trì cấm giới, yên ở trong đồ chúng, yên ngồi trong tịnh thất”. Đây là mới tập.
Vĩnh Gia nói “ Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền. Nói nín động tịnh thể an nhiên”. Đây là thông cả bốn oai nghi.
Tuy vậy, dùng sức ngồi còn chẳng thể dứt được tâm, huống là đi đứng v.v… há hay vào đạo ư?
Nếu là người dụng tâm thuần thục thì ngàn thánh đi đến còn chẳng đứng dậy. Muôn loài ma kéo lại còn chẳng thèm nhìn. Huống là trong đi, đứng… chẳng hay hành công phu sao? Như oán thù kẻ khác, nhẫn đến đi đứng, ngồi nằm, ăn uống… trong tất cả thời còn không thể quên được. Sự thương mến kẻ khác cũng lại như thế. Vả lại việc yêu ghét là việc hữu tâm, còn ở trong hữu tâm hiện tiền được. Nay hành công phu là việc vô tâm, lại nghi gì trong bốn oai nghi chẳng thường hiện tiền ư? Chỉ sợ chẳng tin chẳng làm, nếu làm nếu tin, thì trong bốn oai nghi đạo ắt hiện tiền.
Hỏi: Dứt vọng tâm thì chơn tâm hiện. Nói thế thì thể dụng của chơn tâm nay ở chỗ nào?
Đáp: Diệu thể của chơn tâm khắp tất cả chỗ. Vĩnh Gia nói: ”Chẳng rời hiện tại thường lặng lẽ, còn tìm tức biết anh chưa thấy”. Kinh nói: ”Tánh như hư không thường chẳng động, trong Như Lai Tạng chẳng khởi chẳng hiện”. Đại Pháp Nhãn nói: “Nơi nơi đường bồ đề, chốn chốn rừng công đức”. Đấy là chỗ của thể.
Diệu dụng của chơn tâm, tùy cảm tùy hiện, như vang theo bóng. Pháp Đăng nói:”Xưa nay theo chẳng rời. Rõ ràng nơi trước mặt. Cụm mây xanh hang tối. Cô hạc đáp trời xa”.
Trong Hoa Nghiêm sớ của Ngụy Phủ Nguyên nói:”Phật Pháp ở chỗ việc hàng ngày, chỗ đi đứng ngồi nằm, chỗ ăn cơm uống nước, chỗ nói năng hỏi đáp, các hành động ấy mà khởi tâm động niệm thì không phải”.
Cho nên, thể thì biến khắp mọi nơi, trọn hay khởi dụng. Chỉ vì nhân duyên có – không chẳng nhất định, cho nên diệu dụng cũng chẳng định, chớ chẳng phải không diệu dụng. Người tu tâm muốn vào biển vô vi, độ các sanh tử, chớ có lầm thể dụng chơn tâm.
Hỏi: Thường nghe người Kiến Tánh ra khỏi sinh tử, nhưng từ xưa chư Tổ là người kiến tánh, sao đều có sinh tử?
Nay hiện thấy người tu trong đời đều có chết sống, thế sao nói rằng ra khỏi sanh tử?
Đáp: Sinh tử vốn không, do vọng nên thấy có. Như người đau mắt thấy trong hư không có hoa đốm. Người không đau thấy trong hư không không có hoa. Người đau mắt không tin. Nếu mắt hết đau thì cái thấy hoa trong hư không cũng tự hết. Lúc ấy mới tin rằng hoa đốm vốn không. Lúc hoa chưa diệt, hoa kia cũng ko. Chỉ người bệnh vọng chấp là hoa, chớ chẳng phải thể nó thật có.
Như người vọng nhận sinh tử là có thật. Nếu người không sinh tử bảo rằng:” vốn không sinh tử, một mai vọng dứt, sinh tử tự trừ”. Mới biết việc sinh tử xưa nay vốn là không. Ngay lúc sinh tử chưa dứt cũng chẳng phải thật có. Do vọng nên nhận có sinh tử thôi.
Kinh nói:” Thiện nam tử, tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay điên đảo nhiều lớp. Như người mê bốn hướng, đổi chỗ. Vọng nhận tứ đại làm tướng của tự thân, sáu trần duyên bóng làm tướng của tự tâm. Ví như người đau mắt thấy hoa giữa hư không. Cho đến các hoa đốm ấy diệt trong hư không, không thể nói quyết rằng có chỗ diệt.Vì sao? Vì là không chỗ sinh vậy. Tất cả chúng sinh nơi vô sinh vọng thấy có sinh diệt. Cho nên gọi là luân chuyển sanh tử”.
Cú theo kinh này tin biết rằng đạt ngộ chơn tâm vốn không sinh tử. Nay biết không sinh tử mà không thoát khỏi sinh tử, vì công phu không đến vậy. Cho nên trong kinh nói: “Am bà nữ hỏi Văn Thù rằng “Rõ biết sinh là pháp chẳng sinh, vì sao lại bị sinh tử trôi đi”. Văn Thù đáp: “Vì sức kia chưa đầy đủ””.
Sau nay Tiến Sơn chủ hỏi Tu Sơn chủ rằng: “Rõ biết sinh là pháp chẳng sinh, vì sao lại bị sinh tử trôi đi? Tu đáp: “Măng trọn thành tre. Như nay khiến làm phên được.” Thế nên BIẾT KHÔNG SINH TỬ chẳng như THỂ KHÔNG SINH TỬ. THỂ KHÔNG SINH TỬ chẳng như KHẾ KHÔNG SINH TỬ. KHẾ KHÔNG SINH TỬ chẳng như DỤNG KHÔNG SINH TỬ. Người nay còn chẳng biết không sinh tử, huống là thể không sinh tử, khế không sanh tử, dụng không sanh tử ư? Người nhận sanh tử không tin pháp không sinh tử cũng vậy.
Hỏi: Như trước đã nói dứt vọng thì chân tâm hiện tiền. Khi vọng chưa dứt thì chỉ hành công phu vô tâm để biết vọng. Lại còn có pháp nào khác có thể đối trị các vọng không?
Đáp: Có chánh tu và trợ tu sai khác nhau. Lấy vô tâm dứt vọng làm chánh, lấy các hành động lành làm trợ. Ví như gương sáng bị bụi che lấp, lấy sức lau chùi, nhưng cũng cần thêm thuốc để chùi thì ánh sáng mới dễ hiện. Bụi nhỏ là phiền não. Sức tay là vô tâm. Thuốc là các việc lành. Ánh sáng của gương là chơn tâm.
Trong luận Khởi Tín nói : « Lại nữa, có người do lòng tin thành tựu mà phát tâm, lại phát tâm gì ? Lược có ba loại : Một, Trực tâm là pháp chánh niệm chơn như. Hai, Thâm tâm là gồm các việc lành. Ba, Đại bi tâm là muốn nhổ tất cả khổ não cho chúng sinh.
Hỏi: Trên đã nói pháp giới một tướng, Phật thể không hai, cớ sao không chỉ một niệm chân như, mà lại nhờ cầu học các việc lành nữa ?
Đáp: Ví như có hạt ma ni báu lớn, sáng trong mà có lẫn quặng nhơ. Như người tuy biết nó có tánh quí, mà chẳng dùng phương tiện để mài dũa, trọn không thể trong sáng được, Vì nhơ vô lượng khắp tất cả pháp, nên tu tất cả hạnh lành. Cũng như vậy, pháp chơn như thể tánh nó vốn không-lặng mà có vô lượng phiền não nhiễm nhơ. Nếu người tuy niệm chơn như, mà chẳng dùng phương tiện để huân tập, cũng không được định. Vì nhơ vô lượng khắp tất cả pháp, nên tu tất cả các thiện hạnh để đối trị. Nếu người tu, hành tất cả các pháp lành, thì tự nhiên qui thuận pháp chơn như ».
Theo đây mà xét, lấy thôi hết vọng tâm làm chánh, tu các pháp lành làm trợ. Khi tu thiện nên cùng với vô tâm khế hợp nhau, chẳng chấp trước nhân quả, nếu chấp trước nhân quả bèn rơi vào phàm phu, trong phước báo nhơn thiên, khó chứng chân như, chẳng thoát sinh tử. Nếu cùng vô tâm tương ưng ấy là chứng chơn như.Đây là thuật khéo,làm phương tiện thoát sinh tử, lại gồm phước đức rộng rãi.
Trong kinh Kim-Cang bát-nhã nói : « Tu Bồ Đề, Bồ-Tát không trụ tướng bố thí,thì phước vị ấy không thể nghĩ lường được. »
Nay thấy người đời có tham thiền học đạo vừa biết được cái bổn lai Phật tánh bèn tự thị nơi thiên chơn chẳng tập làm các việc lành . Như vậy, đâu chỉ chẳng đạt chơn tâm, mà trở thành giải đãi , đường ác còn chẳng khỏi huống là thoát sanh tử? Cái chấp này rất lầm to.
Hỏi: Hữu tâm tu nhơn công đức chẳng còn nghi. Vô tâm tu nhơn công đức từ đâu đến?
Đáp: Hữu tâm tu nhân được quả hữu vi, vô tâm tu nhân được công đức hiển tánh. Các công đức này xưa nay tự đầy đủ, do vọng che cho nên không hiện, nay vọng đã trừ công đức hiện tiền. Cho nên Vĩnh- Gia nói : «Ba thân bốn trí tròn trong thể. Tám giải sáu thông ấn đất tâm». Thế là trong thể nó tự đầy đủ tánh công đức. Trong cổ tụng có câu «Nếu tĩnh tọa một chút thôi, hơn tạo hằng sa tháp bảy báu, tháp báu rốt cuộc hóa vi trần, một niệm tịnh tâm thành chánh giác». Cho nên vô tâm công đức lớn hơn hữu tâm.
Hòa thượng Thủy Lạo ở Hồng Châu đến tham vấn Mã Tổ: «Ý chỉ Tổ sư từ Ấn sang như thế nào ?». Hỏi xong bị Tổ tống cho 1 đạp ngã nhào, hoắc nhiên đại ngộ, đứng dậy vỗ tay cười lớn nói rằng: «Lạ thay! Trăm ngàn tam muội vô lượng diệu nghĩa chỉ trên đầu một mảy lông». Liền một lúc hiểu được căn nguyên, bèn làm lễ rồi lui. Cứ theo đây thì công đức không từ ngoài đến mà nó vốn tự đầy đủ.
Tứ Tổ bảo thiền sư Lại Dung rằng : «Phàm trăm ngàn pháp môn chỉ đồng về trong gang tấc, công đức như hà sa gồm lại nơi nguồn tâm. Tất cả môn giới định tuệ thần thông biến hóa, trọn tự đủ chẳng lìa tâm ông» Cứ theo lời Tổ sư thì vô tâm công đức rất nhiều. Chỉ có người thích công đức nơi sự tướng, đối với công đức vô tâm họ không tự tin.
Hỏi: Chơn Tâm hiện tiền, thế nào biết chơn tâm được thành thục vô ngại?
Đáp: Người học đạo khi đã được chân tâm hiện tiền nhưng tập khí chưa trừ, nếu gặp cảnh quen thuộc, có lúc thất niệm. Như chăm trâu, tuy điều phục và dẫn dắt nó đến chỗ như ý rồi, mà còn chẳng dám buông giàm và roi. Đợi đến khi nó thuần thục, bước đi ổn thỏa, dù chạy vào lúa mạ, cũng không hại đến lúa mạ, lúc ấy mới dám buông tay. Đến lúc này chú mục đồng không còn dùng dây giàm và roi nữa, tự nhiên con trâu không hại đến lúa mạ.
Như đạo nhân, sau khi được chân tâm trước phải dụng công bảo dưỡng đến khi có lực dụng lớn, mới có thể lợi sinh. Nếu muốn kinh nghiệm chân tâm này, thì trước đem những cảnh bình thường mình yêu thích luôn tưởng ở trước mặt. Nếu y cảnh đó mà khởi tâm yêu ghét thì tâm đạo chưa thuần thục. Nếu chẳng khởi tâm yêu ghét thì tâm đạo đã thuần thục, tuy nhiên được thuần thục như vậy mà còn chưa phải tự nhiên chẳng khởi yêu ghét. Lại phải kinh nghiệm 1 lần nữa, như khi gặp cảnh yêu ghét lúc ấy khởi tâm yêu ghét và khiến thủ cảnh yêu ghét ấy, nếu tâm chẳng khởi là tâm vô ngại. Như trâu trắng nằm sờ sờ chẳng tổn hại lúa mạ.
Xưa có vị mắng Phật mạ Tổ, là cùng tâm này tương ưng. Nay thấy có người mới vào tông môn này, chưa biết đạo gần hay xa, liền mắng Phật mạ Tổ.
Các tin khác
-
» MỘT LỜI NGUYỀN TRONG BA ĐỜI (09/11)
-
» ĐIỀU KIỆN CHÁNH PHÁP TRỤ LÂU Ở ĐỜI (06/10)
-
» BÀI KINH ĐOẠN GỈẢM (19/06)
-
» PHÂN BIỆT GIÁO (25/03)
-
» MỘT CÁCH GIÚP AN LÀNH (25/03)
-
» TƯỚNG CỦA VÔ TƯỚNG (25/03)
-
» TU THIỀN ĐỊNH BẰNG CÁCH CHUYÊN TÂM VÀO MỘT ĐIỂM (25/03)
-
» THỰC TẾ LÀ ... (25/03)
-
» CHỈ CHÚ TRỌNG PHẬT TÁNH (25/03)
-
» ĐỊA VỊ CHỨNG NHẬP (25/03)