Thánh ngôn
BÀI KINH ĐOẠN GỈẢM
Đây là một bài kinh rất lợi ích cho việc tu hành, được trích ra từ kinh Trung Bộ I, giúp người tu phân biệt rõ những gì cần thực hiện trong việc tu hành của mình.
22/06/2017Tôi nghe như vầy...
Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Lúc bấy giờ, Tôn giả Maha Cunda, vào buổi chiều từ chỗ độc cư Thiền tịnh đứng dậy, đến tại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên.
Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Maha Cunda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn! có những loại sở kiến này khởi lên trong đời, hoặc liên hệ đến ngã luận, hoặc liên hệ đến thế giới luận. Bạch Thế Tôn! Đối với một Tỷ-kheo, có tác ý ngay từ ban đầu, thời có thể đoạn trừ những sở kiến ấy hay không? Có thể xả ly những sở kiến ấy hay không?
- Này Cunda, những loại sở kiến này khởi lên trong đời, hoặc liên hệ đến ngã luận, hoặc liên hệ đến thế giới luận, chỗ nào những sở kiến này tiềm ẩn và chỗ nào những sở kiến này hiện hành, chỉ có cách như thật quán sát chúng với trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cài này không phải tự ngã của tôi", có vậy thời có sự đoạn trừ những sở kiến ấy, có sự xả ly những sở kiến ấy.
Tứ thiền Tứ không không phải là Đoạn giảm
Này Cunda, sự kiện này xảy ra khi ở đây một Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ. Vị ấy có thể nghĩ: "Ta đang sống với hạnh Đoạn giảm". Này Cunda! Các quả chứng ấy không gọi là đoạn giảm trong giới luật của bậc Thánh. Chúng được gọi là “Hiện tại lạc trú” trong giới luật của bậc Thánh.
Này Cunda! sự kiện này xảy ra khi ở đây, một Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm. Vị ấy có thể nghĩ: "Ta đang sống với hạnh đoạn giảm". Này Cunda, các quả chứng ấy không gọi là Đoạn giảm trong giới luật của bậc Thánh. Chúng được gọi là “hiện tại lạc trú” trong giới luật của bậc Thánh.
Này Cunda! Sự kiện này xảy ra khi ở đây, một Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Vị ấy có thể nghĩ "Ta đang sống với hạnh Đoạn giảm". Này Cunda, các quả chứng ấy không gọi là Đoạn giảm trong giới luật của bậc Thánh. Chúng được gọi là “Hiện tại lạc trú” trong giới luật của bậc Thánh.
Này Cunda! Sự kiện này xảy ra, khi một Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy có thể nghĩ: "Ta đang sống với hạnh đoạn giảm". Này Cunda! các quả chứng ấy không gọi là Đoạn giảm trong giới luật của bậc Thánh. Chúng được gọi là “Hiện tại lạc trú” trong giới luật của bậc Thánh.
Này Cunda! Sự kiện này xảy ra, khi một Tỷ-kheo vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng. Tỷ-kheo nghĩ rằng: "Hư không là vô biên", chứng và trú Không vô biên xứ. Vị ấy có thể tự nghĩ: "Ta đang sống với hạnh Đoạn giảm". Này Cunda, các (quả chứng) ấy không gọi là đoạn giảm trong giới luật của bậc Thánh. Chúng được gọi là “Tịch tịnh trú” trong giới luật của bậc Thánh.
Này Cunda! Sự kiện này xảy ra, khi một Tỷ-kheo vượt lên mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng: "Thức là vô biên", chứng và trú Thức vô biên xứ. Vị ấy có thể nghĩ: "Ta đang sống với hạnh đoạn giảm". Này Cunda! Các quả chứng ấy không gọi là đoạn giảm trong giới luật của bậc Thánh. Chúng được gọi là “Tịch tịnh trú trong giới luật của bậc Thánh.
Này Cunda! Sự kiện này xảy ra, khi một Tỷ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: "Không có vật gì", chứng và trú Vô sở hữu xứ. Vị ấy có thể nghĩ: "Ta đang sống với hạnh đoạn giảm". Này Cunda! các quả chứng ấy không gọi là Đoạn giảm trong giới luật của bậc Thánh. Chúng được gọi là tịch tịnh trú trong giới luật của bậc Thánh.
Này Cunda! Sự kiện này xảy ra, khi một Tỷ-kheo vượt lên mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy có thể nghĩ: "Ta đang sống với hạnh đoạn giảm". Này Cunda, các quả chứng ấy không gọi là đoạn giảm trong giới luật của bậc Thánh. Chúng được gọi là “Tịch tịnh trú” trong giới luật của bậc Thánh.
Thế nào là Đoạn giảm?
Này Cunda, ở đây Đoạn giảm được các Người thực hiện khi các Người nghĩ:
(1) “Những kẻ khác có thể là những người làm hại, chúng ta ở đây không thể là những người làm hại". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(2) Những kẻ khác có thể sát sanh, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ sát sanh". Như vậy đoạn giảm được thực hiện.
(3) "Những kẻ khác có thể lấy của không cho, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ lấy của không cho". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(4) "Những kẻ khác có thể không phạm hạnh, chúng ta ở đây sẽ sống phạm hạnh". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(5) "Những kẻ khác có thể nói láo, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ nói láo". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(6) "Những kẻ khác có thể nói hai lưỡi, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ nói hai lưỡi". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(7) "Những kẻ khác có thể nói lời độc ác", chúng ta ở đây sẽ từ bỏ nói lời độc ác". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(8) "Những kẻ khác có thể nói lời phù phiếm, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ nói lời phù phiếm". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(9) "Những kẻ khác có thể tham dục, chúng ta ở đây không tham dục". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(10) "Những kẻ khác có thể có sân tâm, chúng ta ở đây sẽ không có sân tâm". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(11) "Những kẻ khác có thể có tà kiến, chúng ta ở đây sẽ có chánh kiến”. Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(12) "Những kẻ khác có thể có tà tư duy, chúng ta ở đây sẽ có chánh tư duy". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(13) "Những kẻ khác có thể có tà ngữ, chúng ta ở đây sẽ có chánh ngữ"Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(14) "Những kẻ khác có thể có tà nghiệp, chúng ta ở đây sẽ có chánh nghiệp". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(15) "Những kẻ khác có thể có tà mạng, chúng ta ở đây sẽ có chánh mạng". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(16) "Những kẻ khác có thể có tà tinh tấn, chúng ta ở đây sẽ có chánh tinh tấn". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(17) "Những kẻ khác có thể có tà niệm, chúng ta ở đây sẽ có chánh niệm". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(18) "Những kẻ khác có thể có tà định, chúng ta ở đây sẽ có chánh định". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(19) "Những kẻ khác có thể có tà trí, chúng ta ở đây sẽ có chánh trí". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(20) "Những kẻ khác có thể có tà giải thoát, chúng ta ở đây sẽ có chánh giải thoát". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(21) "Những kẻ khác có thể bị hôn trầm thụy miên chi phối, chúng ta ở đây sẽ không có hôn trầm thụy miên chi phối". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(22) "Những kẻ khác có thể có trạo hối, chúng ta ở đây sẽ không có trạo hối". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(23) "Những kẻ khác có thể nghi hoặc, chúng ta ở đây sẽ trừ diệt nghi hoặc". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(24) "Những kẻ khác có thể phẫn nộ, chúng ta ở đây sẽ không có phẫn nộ". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(25) "Những kẻ khác có thể oán hận, chúng ta ở đây sẽ không có oán hận". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(26) "Những kẻ khác có thể hư ngụy, chúng ta ở đây sẽ không hư ngụy". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(27) "Những kẻ khác có thể não hại, chúng ta ở đây sẽ không não hại". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(28) "Những kẻ khác có thể tật đố, chúng ta ở đây sẽ không tật đố". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(29) "Những kẻ khác có thể xan tham, chúng ta ở đây sẽ không xan tham". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(30) "Những kẻ khác có thể man trá, chúng ta ở đây sẽ không man trá”. Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(31) "Những kẻ khác có thể khi cuống, chúng ta ở đây sẽ không khi cuống". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(32) "Những kẻ khác có thể ngoan cố, chúng ta ở đây không thể ngoan cố". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(33) "Những kẻ khác có thể cấp tháo, chúng ta ở đây không thể cấp tháo". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(34) "Những kẻ khác có thể khó nói (nan thuyết), chúng ta ở đây sẽ dễ nói". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(35) "Những kẻ khác có thể là ác hữu, chúng ta ở đây sẽ là thiện hữu". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(36) "Những kẻ khác có thể phóng dật, chúng ta ở đây sẽ không phóng dật". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(37) "Những kẻ khác có thể là bất tín, chúng ta ở đây sẽ có tín tâm". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(38) "Những kẻ khác có thể không xấu hổ, chúng ta ở đây sẽ có xấu hổ". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(39) "Những kẻ khác có thể không sợ hãi, chúng ta ở đây sẽ có sợ hãi". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(40) "Những kẻ khác có thể nghe ít, chúng ta ở đây sẽ nghe nhiều". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(41) "Những kẻ khác có thể biếng nhác, chúng ta ở đây sẽ siêng năng". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(42) "Những kẻ khác có thể thất niệm, chúng ta ở đây sẽ an trú niệm". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(43) "Những kẻ khác có thể liệt tuệ, chúng ta ở đây thành tựu tuệ". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
(44) "Những kẻ khác có thể nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả, chúng ta ở đây sẽ không nhiễm thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả". Như vậy Đoạn giảm được thực hiện.
Khởi tâm
Này Cunda! Ta nói rằng sự khởi tâm rất có lợi ích cho các thiện pháp, huống là thân nghiệp, khẩu nghiệp phù hợp với tâm ý ấy. Do vậy, này Cunda:
(1) "Những kẻ khác có thể làm hại, chúng ta ở đây sẽ không làm hại". Cần phải khởi tâm như vậy.
(2) "Những kẻ khác có thể sát sanh, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ sát sanh". Cần phải khởi tâm như vậy
v.v…
(44) "Những kẻ khác có thể nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả, chúng ta ở đây sẽ không nhiễm thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả". Cần phải khởi tâm như vậy.
(44) "Những kẻ khác có thể nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả, chúng ta ở đây sẽ không nhiễm thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả". Cần phải khởi tâm như vậy.
Đối trị
Này Cunda! Như một con đường không bằng phẳng, có một con đường bằng phẳng khác đối trị. Này Cunda, giống như một bến nước không bằng phẳng, có một bến nước bằng phẳng khác đối trị. Cũng vậy này Cunda:
(1) Đối với người làm hại thì có sự không làm hại đối trị.
(2) Đối với người sát sanh thì có từ bỏ sát sanh đối trị.
v.v…
(44) Đối với người nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả, thì có không nhiễm thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả đối trị đối trị.
Hướng thượng
Này Cunda! Ví như các bất thiện pháp, tất cả đều hướng hạ. Còn các thiện pháp tất cả đều hướng thượng. Cũng vậy, này Cunda:
(1) Người không làm hại thì hướng thượng đối với người làm hại.
(2) Người từ bỏ sát sanh thì hướng thượng đối với người sát sanh.
v.v…
(44) Người không nhiễm thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả, thì hướng thượng đối với người nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả.
Giải thoát
Này Cunda! Con người tự mình bị rơi vào bùn lầy có thể kéo lên một người bị rơi vào bùn lầy. Sự tình ấy không thể xảy ra. Này Cunda! Con người tự mình không rơi vào bùn lầy, có thể kéo lên một người bị rơi vào bùn lầy. Sự tình ấy có thể xảy ra.
Này Cunda! Con người tự mình không được nhiếp phục, không được huấn luyện, không được hoàn toàn giải thoát, tự mình có thể nhiếp phục, huấn luyện và hoàn toàn giải thoát người khác. Sự tình ấy không xảy ra. Một người được nhiếp phục, được huấn luyện, được hoàn toàn giải thoát, tự mình có thể nhiếp phục, huấn luyện, hoàn toàn giải thoát người khác, sự tình ấy xảy ra. Cũng vậy, này Cunda:
(1) Đối với người làm hại thì không làm hại đưa đến hoàn toàn giải thoát.
(2) Đối với người sát sanh thì từ bỏ sát sanh đưa đến hoàn toàn giải thoát.
v.v…
(44) Đối với người nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả thì không nhiễm thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả đưa đến hoàn toàn giải thoát.
Kết luận
Này Cunda! Như vậy Ta đã giảng pháp môn Đoạn giảm, đã giảng pháp môn Khởi tâm, đã giảng pháp môn Đối trị, đã giảng pháp môn Hướng thượng, đã giảng pháp môn Giải thoát hoàn toàn.
Này Cunda! Những gì bậc Đạo Sư phải làm, vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đệ tử, những việc ấy Ta đã làm, vì lòng thương tưởng các Người.
Này Cunda! Đây là những gốc cây. Đây là những nhà Tịnh không.
Này Cunda! hãy Thiền định, chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về sau.
Đó là lời giáo huấn của Ta cho các Người.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Maha Cunda hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.
(Các tiêu để nhỏ được ghi vào để làm nổi bật Đại ý từng đoạn, giúp dễ theo dỏi phần nội dung)
Ghi chú
Bài kinh này Đức Phật phân tích cho thấy sự khác biệt giữa pháp Đoạn giảm và tám quả chứng là Tứ thiền và Tứ không. Khác biệt là vì:
1/ Đoạn giảm đang là pháp đối trị. Trong khi Tứ thiền Tứ không là quả chứng. Đoạn giảm được phần nào đó rồi thì mới có quả chứng. Khi đang trú trong Tứ thiền hay Tứ không thì lúc đó không phải là Đoạn giảm.
Như vậy, trú được ở Tứ thiền là kết quả của một phần Đoạn giảm. Và muốn trừ bỏ phiền não được pháp giải thoát thì không chỉ nương vào Tứ thiền mà được. Không phải có Tứ thiền rồi thì đối với các bất thiện pháp, chúng ta buông lung, không cần khởi tâm đối trị nữa. Điển hình là Đề-bà-đạt-đa, Thiện Tinh đều đã có Tứ thiền, nhưng vì không dùng pháp Đoạn giảm nên đối với bất thiện pháp vẫn vướng. Cần phải dùng đến Đoạn giảm để đối trị.
2/ Quả chứng đó nếu không có phần quán "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cài này không phải tự ngã của tôi" thì quả giải thoát không có. Vì vậy dù có một phần của quá trình Đoạn giảm mới có Tứ thiền Tứ không, Nhưng Tứ thiền Tứ không không phải là pháp giúp giải quyết tận gốc phiền não. Mà phải dùng pháp Đoạn giảm đoạn các bất thiện pháp từ thô đến tế thì mới có giải thoát. Và phải có phần quán vô ngã mới được giải thoát.
Các tin khác
-
» MỘT LỜI NGUYỀN TRONG BA ĐỜI (09/11)
-
» ĐIỀU KIỆN CHÁNH PHÁP TRỤ LÂU Ở ĐỜI (06/10)
-
» PHÂN BIỆT GIÁO (25/03)
-
» MỘT CÁCH GIÚP AN LÀNH (25/03)
-
» TƯỚNG CỦA VÔ TƯỚNG (25/03)
-
» TU THIỀN ĐỊNH BẰNG CÁCH CHUYÊN TÂM VÀO MỘT ĐIỂM (25/03)
-
» THỰC TẾ LÀ ... (25/03)
-
» CHÂN TÂM HIỆN TIỀN (25/03)
-
» CHỈ CHÚ TRỌNG PHẬT TÁNH (25/03)
-
» ĐỊA VỊ CHỨNG NHẬP (25/03)