Thánh ngôn

BA CẢNH GIỚI LIÊN TIẾP CỦA THIỀN ĐỊNH

Thiền đạo tu tập - Chang-chen-chi - Kinh thi

25/03/2017


Cảnh giới thứ nhất

Điều đầu tiên mà hành giả thể nghiệm là những vọng niệm không ngớt sinh khởi. Hành giả khám phá ra rằng, tâm tính bất trị đến nỗi khó mà chế phục được nó dù chỉ trong tích tắc. Vọng niệm trôi chảy liên tục như một thác nước, không ngừng lấy một khoảnh khắc. Người sơ học cảm thấy mình có nhiều vọng niệm hơn bất cứ lúc nào. Tu định có phần làm vọng niệm gia tăng hơn là giảm thiểu.

Nhiều người mới khởi công bị cản trở nghiêm trọng và thối chí vì cái kinh nghiệm sơ khởi này. Trong cơn thất vọng họ bắt đầu hoài nghi về tính hữu hiệu của pháp tu mà họ đang áp dụng. Và trở nên hoài nghi ngay cả khả năng nhập định. Có người thay đổi kỹ thuật tu định của họ từ pháp môn này sang pháp môn khác. Và kết quả là tuyệt vọng hoàn toàn. Cuối cùng bỏ rơi luôn việc tu tập.

Sự thật thì những vọng niệm không bao giờ gia tăng vì tu định. Tu định chỉ làm ta ý thức nhiều hơn về chúng. Chỉ một cái TÂM TĨNH mới có thể ý thức được dòng vọng tưởng cho đến nay vẫn luôn trôi chảy mà không được biết đến. Do đó, kinh nghiệm tu định này là một dấu hiệu tiến bộ chứ không phải là thối bộ trong việc tu định của mình. Hành giả có thể thể nghiệm nhiều tư tưởng đến và đi trong vòng một sat-na. Sự kiện này đã được chính đức Phật xác nhận trong kinh Giải Thâm Mật.

Thức A-đà-na rất thâm tế
Tất cả chủng tử như bộc lưu
Ta vì phàm ngu không khai diễn
Sợ họ phân biệt chấp làm ngã

Theo triết lý của Duy thức, dòng tư tưởng không ngớt sinh khởi mà hành giả thể nghiệm trong khi tu định chỉ là sự hiện hành của các chủng tử huân tập trong tàng thức cho đến nay vẫn không được biết. Những chủng tử này nhiều vô số, bao la vô hạn, và được duy trì trong kho chứa Alaida, là nền tảng chủ yếu cấu tạo nên tâm thức con người. Toàn thể phạm vi của “luân hồi” được duy trì bởi thức A-lai-da.

Dụng công tu định, trước tiên là nhận ra tác động của những chủng tử (tự thể hiện như những dòng tư tưởng). Thứ đến, ngưng sự hiện hành của chủng tử. Và cuối cùng là, chuyển hóa hay thăng hoa chúng thành khả năng vô hạn của Phật. Do đó ta không được thối chí vì khám phá ra dòng tư tưởng bất trị này. Cần phải tiếp tục tu định cho đến khi nhập định.

Cảnh giới thứ hai

Nếu hành giả coi thường nỗi khó khăn sơ khởi của việc chế phục những vọng niệm và kiên tâm tu định, dần dần hành giả thấy dòng tư tưởng giảm thiểu. Và thấy dễ chế phục nó hơn trước.

Thoạt đầu những vọng niệm luôn trào như thác lũ. Nhưng sau đó dòng tư tưởng bắt đầu chảy chậm như những gợn sóng li ti trên một dòng sông rộng, êm ả. Khi đạt đến cảnh giới này, hành giả gặp nhiều kinh nghiệm kỳ lạ. Hành giả sẽ thấy những cảnh tượng lạ lùng, nghe những âm thanh thần tiên, ngửi những hương vị ngọt ngào…. Đại loại là như vậy. Theo sự phân tích của Mật tông, hầu hết những ảnh tượng này phát sinh vì những prana (khí) kích thích các trung khu thần kinh khác nhau. Đa số chúng có tinh chất huyễn ảo. Hành giả được Guru (đạo sư) không ngớt cảnh giác rằng không được để ý đến chúng. Nếu không, hành giả sẽ bị dụ và đi lạc đường. Câu chuyện tôi thuật dưới đây là một tiêu biểu mà ta dễ mắc phải trong loại cảnh giới thiền định thứ hai này.

Đông bộ Tây Tạng có một tự viện nhỏ, ở đó có 36 vị Lạt Ma đã nguyện tu định trong 3 năm, 3 tháng, 3 ngày mà không ra khỏi tự viện. Ngoài trừ khi ngủ và nói chuyện với các bạn đồng tu trong một giới hạn nhất định nào đó, còn lại là một sự yên lăng trùm khắp. Giới luật được tôn trọng nghiêm ngặt.

Hết thời hạn đó, một lễ tốt nghiệp được tổ chức. Và cứ thế tiếp tục một khóa mới...

Năm 1937, tôi đã học ở đó một thời gian dài.

Có một vị Lạt Ma kể với tôi như vầy:

Một lần trong khi đang thiền định, một con nhện xuất hiện cách mũi tôi vài tấc. Lúc ấy tôi không hề chú ý đến nó. Song con nhện không chịu đi mà ngày nào cũng xuất hiện và càng lại sát mặt tôi. Tôi rất bực mình và tìm cách thoát khỏi nó. Thoạt tiên tôi quán Từ bi. Gởi tất cả thiện quán của tôi đến nó. Nhưng con nhện không chịu đi. Đoạn tôi cầu cứu đến Sư phó. Rồi niệm chú mãnh liệt của ngài mong trừ yểm nó, nhưng cũng không có hiệu lực. Rồi tôi cố quán về sự hư huyễn của tất cả pháp, để thấy con nhện này không có thực mà chỉ là một huyễn ảnh do chính tôi tưởng tượng. Dù vậy, cũng không có ích gì.

Thêm vài tuần nữa trôi qua…

Con nhện ngày càng lớn và càng đến gần mũi tôi hơn. Cuối cùng nó trở nên quá lớn và quá gần. Tôi sợ đến nỗi không còn thiền định được nữa. Tôi bèn tường trình tất cả kinh nghiệm mình đã trải qua cho thầy biết.

Thầy hỏi giờ tôi sẽ làm gì sau khi đã dùng hết mọi phương cách như thế?

Tôi thưa là tôi chỉ còn cách giết nó. Nếu không tôi không thiền định được mà con nhện thì không có lợi gì cho tôi. “Dù sát sinh là việc đức Phật cấm chỉ. Nhưng hiện tại nó làm cản trở sự giác ngộ của con. Nếu con giết nó, sự trở ngại sẽ hết. Con sẽ có cơ hội để giác ngộ. Chắc chắn là sẽ đem lại chân phúc cho tất cả”.

Thầy tôi trả lời: “Đừng vội. Đừng giết con nhện hôm nay. Hôm nay cứ tiếp tục thiền định. Nếu con nhện xuất hiện, hãy lấy phấn đánh một dấu thập vào bụng nó. Rồi trở lại đây gặp ta”.

Tuân theo chỉ thị của ngài, khi con nhện hiện ra, tôi đánh dấu vào bụng nó, sau đó trở lại gặp ngài. Ngài bảo tôi cởi yếm ra. Tôi sửng sốt khi thấy dấu thập nằm nơi bụng của mình. Điều đó cho thấy nếu giết cái mà tôi cho là con nhện, chính là tôi đã giết tôi.

Cảnh giới thứ ba

Như thế nếu hành giả không để tâm đến các vọng niệm, đến những khó chịu ở thể xác, những huyễn cảnh, những hình thức cản trở khác mà kiên trì thiền định thì cuối cùng hành giả sẽ thành tựu được thành tích mà mình vẫn mong mỏi và đạt được cảnh giới định. Từ đó, người ấy có thể khởi công tu tập Bát-nhã ba-la-mật-da cao thâm hơn và đặt chân trên cuộc hành trình dẫn đến Phật quả.