Tản mạn đời thường

TÙY DUYÊN TRONG VẤN ĐỀ CÚNG GIỖ

26/03/2017



Cậu ta đến chùa học pháp, tin và hiểu nhân quả thế gian, nhưng gia đình bố mẹ không ai biết gì về Phật pháp, vẫn sống theo thói thường của người đời: Giỗ hay tết, vẫn đốt giấy tiền vàng bạc và giết gà giết vịt giỗ cúng ông bà, mời bà con giòng họ.

Là con trai trưởng, cậu bắt đầu được giao trọng trách thay cha mẹ cúng giỗ. Đó là nỗi khó của người làm con khi đã hiểu biết chánh pháp, khi đã được học không nên đốt giấy tiền vàng bạc, không nên sát sinh và nên cúng chay cho thân nhân đã mất.

Thật ra việc đó không khó giải quyết khi chúng ta nắm vững vấn đề.

1/ Giới của người tại gia là không sát sinh, không phải là không được ăn mặn

Chúng ta cần ý thức rõ rằng, sát hại sinh vật và ăn mặn là hai vấn đề khác nhau, mặc dù chúng cũng có nhân duyên ít nhiều với nhau.

Ăn mặn mà phạm giới sát, khi chúng ta giết sinh vật mà ăn, bảo người khác giết cho mình ăn và con vật đó vì mình mà bị giết. Nếu ăn mặn mà mua những thứ có sẵn về chế biến thì không phạm vào giới sát.

Dù rằng có người ăn mới có người giết, nhưng bản thân mình không phải là kẻ trực tiếp để họ vì mình mà giết. Họ giết vì có phần lợi nhuận của họ trong đó, họ giết đại trà, mà mình chỉ là một nhân duyên không cố định. Vì thế, nếu chúng ta ăn mặn mà không phạm vào ba điều trên thì không phạm vào giới sát mà một Phật tử đã thọ.

Nếu chúng ta ăn mặn mà không phạm vào giới sát thì chúng ta vẫn có thể cúng mặn mà không phạm vào giới sát. Đương nhiên cúng mặn thì không thể có phước như cúng chay. Nhưng trong một số trường hợp không thể cúng chay thì vẫn có thể cúng mặn. Chỉ là làm sao tránh được việc sát là tốt. Để khỏi oan oan tương báo về sau.  

2/ Đốt giấy tiền vàng bạc

Tục đốt giấy tiền vàng bạc là tục của người Trung hoa, kinh điển Phật giáo không hề nói tới việc đốt giấy tiền vàng bạc. Nghĩa là việc đốt giấy tiền vàng bạc không mang ý nghĩa lợi ích cho người chết. Nếu có Phật đã nói trong kinh. Vì thế việc đốt giấy tiền vàng bạc, trên mặt sự là “vô thưởng vô phạt”. Đốt cũng được, không đốt cũng được. Có nguy hại chăng là ở mặt tư tưởng. Tin nó cũng có nghĩa là chúng ta đã phá đi cái nhìn có chánh kiến của mình. Vì đã nhìn một cái “không có” thành “có”. Song vấn đề ở đây là, không phải chính bản thân mình có cái nhìn lầm lẫn mà là cha mẹ mình chưa có đủ niềm tin đối với Phật pháp. Vì thế chúng ta phải tùy thuận. Bởi xét cho cùng, trên sự nó vẫn vô thưởng vô phạt, nên vẫn có thể tùy thuận. Tùy thuận để có một sự chuyển hóa ở tương lai, không phải tùy thuận vì tin tưởng nó đúng là như thế.

Xét ra, cúng giỗ trong cái duyên hiện tại của cậu ta, việc đốt giấy tiền vàng bạc và việc cúng mặn vẫn có thể theo được, để làm vui lòng cha mẹ mà không phạm vào giới mà người tại gia đã thọ.

3/ Tu là tùy thuận để chuyển hóa, không phải đối nghịch.

Thường thì khi chúng ta hiểu biết Phật pháp rồi, chúng ta thường bắt người khác cũng phải có cái nhìn như mình. Nhưng thực tế không phải ai cũng có thể làm được việc đó. Vì tư tưởng quan điểm là những gì đã được huân tập sâu trong tiềm thức từ đời này qua đời khác. Không phải nói bỏ hay nói thay đổi là có thể thay đổi liền được. Chúng ta đến với Phật pháp mà có thể tin liền được những điều Phật nói, vì chúng ta đã từng huân nó nhiều đời. Giờ có duyên thì trổi dậy.

Việc cha mẹ giết hại sinh vật cúng giỗ là tập tục của người đời, mang tính cha truyền con nối. Nếu cha mẹ là người từng được huân tập chủng Phật pháp trong tâm, thì chỉ cần nghe lại một thời pháp, có thể thay đổi tư kiến nhanh chóng. Nhưng nếu là người chưa từng huân được chủng tử Phật pháp hay huân quá ít… thì lời Phật nói không có giá trị với chư vị. Muốn chư vị cởi bỏ một tư kiến, cần phải có thời gian và nương vào lực hộ trì của Tam bảo. Nó dính líu đến công đức tu tập và công sức “phục vụ” của mình. Nương công đức đó hồi hướng để cha mẹ chuyển tâm. Đó là việc chúng ta cần nắm vững.

Việc thứ hai, chúng ta tu Phật là để tùy thuận mà chuyển hóa người thân, không phải để đối đầu. Nếu đối đầu dù chỉ trên mặt tư tưởng, mình sẽ tạo cho người thân cái cảm giác “chính đạo Phật là thứ khiến gia đình mình xào xáo”. Nếu tư tưởng đó xuất hiện thì không những những gì mình muốn thực hiện cho gia đình không thực hiện được mà việc tu học của mình sẽ gặp cản trở. Gia đình đang yên vui, do việc học Phật của mình trở thành chướng ngại v.v… không phải là điều đức Phật dạy mình, cũng không phải là điều Phật mong muốn. Nó chỉ biểu hiện sự thất bại đầu tiên trong việc học Phật của mình. Chỉ vì mình học pháp mà không biết tùy duyên trong vấn đề truyền pháp.

Cha mẹ là hai vị Phật trong nhà. Tùy thuận được cha mẹ, khiến cha mẹ vui là việc chúng ta nên làm và phải làm. Nếu chúng ta làm được điều đó, chúng ta có công đức. Có công đức rồi, chúng ta nguyện hồi hướng công đức đó để cha mẹ từ từ chuyển tâm. Lực là từ Tam bảo và từ công đức mà mình đã tạo, nhưng trên mặt hiện tượng, cha mẹ sẽ tự chuyển tâm, yêu thích con cái, nghe lời con cái hướng về đạo Phật.

4/ Công đức hồi hướng

Đây là phần âm đức, tuy không hiển thị ra ngoài bằng các việc làm thiết thực nhưng dụng của nó khá lớn. Nếu chúng ta có công đức phát tâm Bồ-đề, công đức từ việc tu tập, cộng với công đức làm lợi ích cho chúng hữu tình thì việc hồi hướng mang lại kết quả khá khả quan và mau chóng.

Nếu thấy việc hồi hướng không mang lại kết quả nhiều là do công đức chúng ta không nhiều, lực phát tâm của chúng ta yếu. Cần tạo công đức tu tập và lợi ích chúng hữu tình cho nhiều.

Kết luận

Tóm lại, nếu chúng ta gặp trường hợp như cậu nhóc này thì có những việc mình phải làm trong hiện tại là:

1/ Tùy thuận cha mẹ bằng cách vẫn làm giỗ mặn, cúng giấy tiền vàng bạc cho ông bà và mời bà con tới dự.

2/ Hiếu hạnh phụng dưỡng cha mẹ.

3/ Thay vì giết gà vịt như ông bà đã làm thì viện cớ bệnh tật v.v…. vào siêu thị mua thịt về nấu, để tránh việc sát.

4/ Tăng cường sự tu tập cho bản thân và tham gia các việc thiện ích để tạo công đức.

5/ Hồi hướng tất cả công đức có được để cha mẹ chuyển tâm, qui y Tam bảo, biết tin chánh pháp mà dừng các việc làm không có lợi cho bản thân và chúng hữu tình. Lời hồi hướng này rất quan trọng. Không có nó thì việc làm của mình không mang lại kết quả tốt đẹp.

Tính tùy duyên trong Phật pháp là vậy. Nghĩa là, nếu chúng ta rơi vào trường hợp như cậu nhóc, không thể làm khác được, thì chúng ta cần có phương cách như vậy để đạo và đời không cách nhau. Nếu thuận hợp rồi thì không cần dùng pháp này. Vì chánh kiến từ tư tưởng cho đến việc làm là quan trọng cho những đời sau.

Pháp nói trên chỉ được sử dụng trong cái duyên là như thế. Không mang tính cố định và có giá trị phổ quát. Đó là mặc tùy duyên của pháp.