Tản mạn đời thường
THỌ BỒ TÁT GIỚI
26/03/2017
Khánh thành thiền viện Chánh Giác rất đông. Đi đứng đã khó khăn huống là ngủ nghỉ. Nhưng nhìn thấy mọi người rất vui.
Ngoài thành phần quen thuộc, tức những thành viên bình thường đã có mặt tu tập ở các thiền viện vào những ngày thường, còn lại là những vị chỉ xuất hiện khi có lễ lạc, ăn uống, công quả. Cũng là việc rất tốt vào thời mạt pháp này. Bởi Địa Tạng Vương có một lời nguyện. Chỉ cần chúng sinh nào gieo được một duyên lành với Phật pháp, là ngài đã có thể phân thân giáo hóa, giúp đỡ chúng sinh ấy cho đến ngày thành Phật.
Vì thế rủ ai đến chùa làm công quả được thì cứ rủ.
Rủ đến để chơi và ăn thôi cũng cứ rủ. Bởi đó là duyên lành của họ mà cũng là duyên lành của mình. Là đang giúp người ta gieo duyên lành với Phật pháp.
Trong lễ khánh thành kỳ này có lễ thọ giới Bồ-tát cho Phật tử tại gia.
Nghe nói đăng ký chỉ có hai trăm mấy mà sau khi nghe Thầy truyền luật giải thích, số Phật tử thọ giới đã tăng vọt lên năm trăm mấy. Thầy đã giải thích: “Tất cả các giới đều có thể mở rộng. Chỉ riêng giới dâm của Tì kheo là cố định” v.v… Nhờ Thầy truyền giới biết phát huy mặt tùy duyên của pháp, biết pháp nào có thể tùy điều kiện xã hội, điều kiện của người thọ giới mà có thể gia giảm chút đỉnh (nhưng vẫn không đánh mất tinh thần giới đã thọ). Cũng biết giới nào không thể thay đổi dù chỉ trên mặt hình tướng (Vì tướng thay đổi thì thể cũng mất), như giới dâm của Tì-kheo. Đó là lý do số Phật tử thọ giới tăng vọt.
Có nhóc thọ giới rồi, đang loay hoay với việc không biết làm sao có thể thực hiện 6 ngày Bát quan trai. Tôi cũng thấy e ngại vấn đề đó cho Phật tử tại gia khi chỉ có 4 ngày chủ nhật. Nhưng rồi cậu nhóc cũng tự tìm ra phương hướng thực hành của mình. Cậu tự ấn định và thực hành Bát quan trai cho chính mình, không cần phải tới chùa mới gọi là thọ Bát quan trai. Cậu có thể thực hiện việc đó trong điều kiện sinh hoạt của mình. Làm sao để có thể thực hành nó theo tinh thần đầy đủ nhất, không nhất thiết phải có sự chứng mình của Tăng Ni hay đến chùa mới làm được. Chỉ cần ngày đó cậu thu xếp sao để có thể thực hành đầy đủ 8 điều đó là được, dù đang ở nhà hay đang làm việc. Đó là một ý kiến rất sáng tạo và rất hay. Để trong điều kiện bận bịu hiện tại, vẫn có thể làm tốt việc thọ giới Bồ-tát của mình. Xứng đáng với tinh thần Bồ-tát trong thời mạt pháp này.
Có nhóc lúc đầu không muốn thọ Bồ-tát giới tại gia vì muốn đi tu. Sau cũng đã thọ giới nhưng vẫn e ngại sau này, việc gia đình có thể làm chướng ngại giới mình đã thọ. Hỏi ra mới biết, vì cô còn cha mẹ. Cha mẹ lại là người không ăn chay được. Cha lại sắp mổ, mà cô là người phải lo cho cha mẹ mình ăn uống. Cô không muốn mình thọ giới Bồ-tát rồi, miệng niệm A-di-đà-phật mà tay bầm thịt. Việc e ngại của con bé là điều rất tốt. Nó nói lên tinh thần giữ giới nghiêm túc của con bé, nhưng việc đó cũng cho thấy mình chỉ mới hiểu nghĩa Bồ-tát theo việc thọ giới chớ không theo đúng tinh thần của Bồ-tát giới.
Chúng ta thọ trì giới luật dù chỉ là ngũ giới của người tại gia thì việc quan yếu là để chúng ta có được một đời sống hạnh phúc cho bản thân lẫn người chung quanh. Nhưng đó chỉ mới là bước đầu của người học Phật. Bởi hạnh phúc chúng ta có được đó vẫn bị chi phối bởi vô thường. Chưa thoát được thế đối đãi giữa khổ đau và hạnh phúc. Phật giáo muốn đưa chúng ta tiến lên một mức hạnh phúc cao hơn, nếu chúng ta muốn, đó là làm sao khai thị để ngộ nhập lại Phật tánh của chính mình. Nếu sống lại được với cái tánh Phật ấy thì chúng ta sống trong đời mà không còn phải khổ sở vì những thứ được, mất, vô thường chi phối.
Muốn khai mở Phật tri kiến thì đầu tiên phải phát Bồ-đề tâm. Bồ-đề tâm là nhân, cũng là quả của con đường Phật đạo, mà Bồ-tát hạnh là phương tiện để thực hành những việc đó. Đó là lý do chúng ta thọ giới Bồ-tát. Thọ giới Bồ-tát nghĩa là chúng ta đã phát Bồ-đề tâm. Chính là cái nhân giúp ta hoàn thành con đường Phât đạo.
Chủ yếu của Bồ-tát hạnh là khai mở sự giác ngộ cho mình và cho những người hữu duyên. Thiền sư Sessan nói: “Điều quan trọng là sau khi đã chứng ngộ, chúng ta phải nhận ra được sự bất đồng trên hình tướng một lần nữa. Và phát nguyện cứu độ tất cả. Cứu cánh là tỉnh thức và sau đó khởi hoạt dụng. Đây là điểm quan trọng đặc biệt thường bị hiểu sai lệch. Nếu tu tập thiền để giác ngộ cho riêng mình thoát khỏi đau khổ của tử và sanh, của đúng và sai, thì không phải là thiền của Đại thừa. Cứu cánh là phải vượt lên trên sự giác ngộ, nói theo thiền ngữ là nhảy thêm một bước nữa qua đầu sào trăm trượng và trở lại thế gian mở rộng vòng tay, từ bi tế độ chúng sinh”[1]. Tế độ chúng sinh, là giúp những người hữu duyên với mình hiện tại hoặc tương lai cũng giác ngộ như mình.
Nói gì nói, dù công phu và trí tuệ mình chưa nhiều thì việc chịu thọ giới Bồ-tát đã nói lên ý nghĩa giác ngộ của mình. Nhưng cần nhớ việc thọ giới chỉ là để chúng ta có điều kiện làm tốt hơn mọi việc cho tha nhân không phải vì nó mà chúng ta trở thành những kẻ cô lập với gia đình và xã hội.
Nếu biết nhân quả chi phối thế giới này, ăn mặn là không tốt, bầm thịt là không tốt, nhưng vì việc đó đang cần thiết cho cha mẹ (là một chúng hữu tình có duyên với Bồ-tát) và có thể do nhân duyên phục vụ đó, chúng ta tạo được lời nguyện để sau này để tất cả đều thành Phật đạo, thì dù bản thân có phải chịu một cái quả nào đó… chúng ta vẫn vui vẻ thực hành. Xác định được tinh thần đó rồi. Tâm niệm A-di-đà thì hãy cứ niệm. Tay bầm thịt thì cứ bầm. Nguyện do nhân duyên phục vụ này, cha mẹ từ từ chuyển tâm, tương lai chay trường, cùng phát bồ-đề tâm, cùng con hoàn thành con đường Phật đạo của mình. Phát rồi thì cứ yên tâm mà phục vụ cha mẹ cho được tốt nhất. Vui vẻ nhất. Làm như thế mới gọi là thực hiện được tinh thần Bồ-tát hạnh của mình. Đừng vì chấp vào hình thức giới tướng mà quên mất tinh thần của Bồ-tát giới. Rồi trở thành vị thánh cô lập ở trần gian.
Đạo chưa bao giờ lìa khỏi dòng đời. Thấy Đạo cách Đời là do chúng ta suy nghĩ không chính xác mà thôi. Hãy nhớ, chúng ta thọ Bồ-tát giới, thực hành Bồ-tát đạo là để phục vụ mọi người được tốt hơn trong điều kiệu và khả năng mình đang có, không phải để trở thành một bức tượng thánh chỉ có tác dụng để ngắm nhìn.
Các tin khác
-
» ƠN ĐỜI ƠN NGƯỜI (Liên Trí) (23/03)
-
» CHIM SỔ LỒNG (05/11)
-
» MĂNG TRONG RỪNG TRÚC (27/10)
-
» BIẾT SỐNG (M.Khoa) (13/06)
-
» SAO CỨ TẠO NGHỊCH LÝ CHO MÌNH? (25/04)
-
» SUY GẪM VỀ GIÀU CÓ (03/04)
-
» CÁI KHÔNG HOÀN CHỈNH VỚI TƯ KIẾN CỦA MÌNH (26/03)
-
» MỘT NỬA MỘT NỬA (26/03)
-
» CUỐI NĂM... (26/03)
-
» KHÔNG NÊN THẢO LUẬN PHẬT PHÁP TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO? (26/03)