Tản mạn đời thường

SUY GẪM VỀ GIÀU CÓ

Đại sư Tinh Vân - Hải Triều dịch

04/04/2017


Nếu quần áo, giày dép, đồ dùng quá nhiều, nơi ở sẽ biến thành nhà kho.

Đất đai quá nhiều, đông một mảnh, tây một mảnh, mình quản lý không hết, người khác xử lý không xong, tạo ra nỗi phiền muộn khó dứt.

Nhà cửa quá nhiều, nam một tòa, bắc một tòa, rốt cuộc không biết phải ở đâu mới tốt?

Con cái quá nhiều, rất có phúc, rất giàu có, điều đó hiển nhiên là tốt, nhưng đừng quá tự phụ mà mất đi hạnh phúc.

Giàu có không được quá xa xỉ, xa xỉ sẽ gây tai họa.

Một Phật tử muốn tặng tôi hai mươi bốn chiếc bình trà, mỗi chiếc đều khắc Tâm kinh và đều có dáng vẻ độc đáo riêng. Ông ta không biết rằng, thường ngày khi uống trà, tôi chỉ cần một chiếc là đủ.

Khi ăn cơm, một Phật tử luôn ở bên cạnh gắp thức ăn cho tôi và nói:

- Thưa thầy, thầy không cần ăn cơm, ăn nhiều thức ăn đi ạ!

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Không ăn cơm sao no chứ?

Phật tử đó trả lời:

- Ối dào, con đã từng hai ba tháng không ăn cơm, chỉ ăn thức ăn.

Tôi nói với anh ta:

- Anh muốn thành tiên nên không cần ăn cơm, còn tôi muốn thành đạo nên phải ăn cơm.

Giàu không phải là chuyện xấu, nhưng giàu mà vẫn biết trân trọng phúc đức thì sẽ tốt hơn.

Phước báo của một người giống như tài khoản trong ngân hàng, phải tích trữ mới có để chi ra. Biết trân trọng tài nguyên, cần cù tiết kiệm là hành động tu phước cụ thể nhất.

Nhiều năm trước, Phật Quang Sơn có phát động phong trào “Thu gom giấy vụn”. Bản thân tôi ngay từ khi mới xuất gia đã tiết kiệm từng tờ giấy viết rồi. Một tờ giấy không chỉ có thể sử dụng hai mặt, ngay cả khoảng trắng giữa các hàng chữ cũng có thể viết thêm vào, có khi còn dùng bút màu vẽ lên giấy viết rồi, cho đến lúc không thể phân biệt rõ nữa mới bỏ tờ giấy đi.

Phật Quang Sơn có hơn hai nghìn vị tu sĩ thường trú và có thể tiếp đón hơn năm nghìn khách. Mọi kế hoạch xây dựng ban đầu đều do tôi nghĩ ra, không kiến trúc sư hoặc nhà thiết kế nào giúp cả. Còn nhớ, khi làm con đường Thành Phật Đại Đạo trước Đại Hùng Bảo Điện, lúc kinh tế khó khăn nhất, tôi liền dẫn đầu tín chúng, dùng tay mài từng viên đá, lót nên con đường này, tuy nhiên chúng vẫn còn hơi thô tháp. Những viên gạch đỏ trước thắng cảnh Linh Sơn cũng là do chúng tôi tự lát lấy. Người ở Phật Quang có một niềm vui là “Việc mà bản thân không thể làm thì đừng mong người khác làm cho”.

Đến nay, tôi vẫn nhớ kỹ những cách để tiết kiệm phước báo:

Một, mỗi chữ phải tiếc, là gốc sang quý.

Hai, mỗi hạt gạo phải quý, là nguồn giàu có.

Ba, mỗi lời nói phải cẩn thận, là gốc của phúc.

Bốn, mỗi sinh mệnh nhỏ bé phải bảo vệ, là gốc của trường thọ.

Ngày nay, mọi việc đều dùng máy móc thay con người. Đây là sự tiến bộ hay là sự thoái hóa về nhân lực?

Người hiện đại thường không cần cù, luôn dựa vào máy móc, mất đi niềm vui làm việc. Lẽ nào đó không phải là một tổn thất?

Máy móc vạn năng, con người điều khiển máy móc, máy móc làm việc của người, người trở thành sinh vật sống thao tác máy móc. Đây là điều chúng ta mong muốn ư?

Một tài xế taxi lái chiếc xe của mình đến chục năm, trong khi đó người khác lái năm năm thì đã bỏ xe cũ mua xe mới. Người ta khi gặp đèn đỏ luôn chờ đến gần mới thắng mạnh xe lại, còn anh biết giảm tốc độ từ xa, khi gần đến đèn đỏ thì từ từ dừng xe, giảm số lần thắng gấp, bảo trì được tính năng và kéo dài tuổi thọ cho xe. Đây là một đức tốt về tiết kiệm và cũng là một trí tuệ sống.