Tản mạn đời thường
SAO CỨ TẠO NGHỊCH LÝ CHO MÌNH?
25/04/2017
Nghịch lý nói đây, là muốn nói đến cách suy nghĩ của mình cũng như người đời thường xảy ra nghịch lý. Không phải là thế gian này vốn nghịch lý.
Mọi thứ bản chất là không, chỉ theo nhân quả hiện hình - một cái nhân như thế đủ duyên sinh một cái quả như thế - thì không thể rơi vào nghịch lý. Chỉ là chúng ta không thấy thủng được phần nhân đã sinh ra quả đó, nên nghĩ thế gian này nghịch lý và không công bằng. Mọi thứ đều công bằng theo luật nhân quả. Theo nhân quả nên có khi trở thành mất công bằng với những ai không thấu được nhân quả.
Tôi nói nghịch lý là suy nghĩ và hành động của mình có khi tự mâu thuẫn với nhau mà mình không biết. Chính cái mâu thuẫn đó khiến cuộc sống của mình không vui, những thứ mình làm, mình tưởng để đạt được mục đích của mình, thì hoàn toàn đi trở ngược.
Cô con gái đang du học ở Mỹ bỗng nhiên bức hết tóc tai đòi về để vào chùa. Nhắc đến chùa là mặt con bé sáng rỡ lên. Đó không phải là một việc xấu khi con trẻ biết hướng thiện. Vấn đề là chúng ta làm thể nào để việc hướng thiện của nó không ảnh hưởng đến sinh hoạt của nó trong hiện tại, không phải là những ham muốn nhất thời khiến việc học của nó bị bê trễ, cuộc đời của nó thành dỡ dang.
Nhưng cha mẹ là người không biết Đạo, không thích chùa chiền…
Không làm gì được với con bé, ông bà xây cho nó một cái thất ngay trong chùa, gắn máy lạnh, có người hầu… để con gái không phải khổ khi đi tu.
Nghịch lý xuất hiện...
Cuộc sống ở thế giới Sa-bà này, ít nhiều gì phải có kham nhẫn mới sống được. Trong chùa cũng vậy. Chùa chỉ là thế giới thu nhỏ của một xã hội ngoài đời. Có thể cuộc sống ở đó thánh thiện hơn ngoài đời, thánh thiện hơn nghĩa là so với phàm phu mà nói, không phải chư vị đã là những ông thánh. Có người thánh thiện, có người vẫn rặt chất phàm phu, thậm chí còn phàm phu hơn cả người ngoài đời.
Bạn sẽ hỏi sao phàm phu như vậy mà lại để họ ở trong chùa? Bởi chùa chiền là nơi giúp con người thay đổi từ phàm thành thánh. Thánh rồi chắc không cần ở chùa nữa. Phàm mới cần ở chùa để thanh lọc thành thánh. Mình đòi hỏi họ thánh liền là mình đang rơi vào nghịch lý… Trước sau gì họ cũng thành thánh. Chỉ là giai đoạn họ chưa thành thánh thì chùa cũng y như đời, vẫn có đụng chạm, hơn thua, ganh ghét, thậm chí còn có cả trộm cắp. Không để cho cô gái cưng tiếp xúc với mặt trái đó thì biết bao giờ cô ta mới tỉnh ngộ với sự ham thích nhất thời của mình? Tôi nói nghịch lý là đó. Mình muốn lôi con ra khỏi đó nhưng lại tạo điều kiện cho con được sung sướng ngay tại đó.
Nếu trong gian khổ, con gái có thể bình thường được với mọi thứ thì nên để nó trong chùa. Vì đó là định nghiệp của nó. Lôi nó ra chỉ khiến nó gặp chuyện không hay.
Thứ gì mình cũng muốn theo ý mình mà ít khi tự hỏi theo ý mình có thật tốt hay không?
Chúng ta muốn con cái trưởng thành nhưng lại bọc nó trong nhung lụa, tạo mọi điều kiện để nó được thuận tiện và sung sướng.
Muốn làm giàu, theo lý Nhân quả là phải bố thí cúng dường, nói chung là mở lòng cho ra, đó là nhân chính để chúng ta có sự sung túc cho tương lai, thì mình lại đi thu gom, ven vét… có thể giàu được một khoảng thời gian trong hiện tại [1] nhưng là đang tạo cái nhân khó khăn cho tương lai.
Muốn nổi bật thay vì phải “bình thường” hóa mình đi, thì lại phô trương cho nhiều. Càng phô trương càng hạ thấp giá trị của mình.
Đó là những hành vi nghịch lý mà mình đã làm cho cuộc sống của mình trở thành nghịch ý. Rồi phiền não với những nghịch ý đó.
Mọi thứ ở thế gian là vô thường, nhưng những gì mình thích mình luôn muốn nó thường. Không hiểu rằng có khi chính cái thường đó làm mình chán và mình là kẻ phá vỡ cái thường đó trước.
Muốn một người chồng dành nhiều thời gian cho mình, nhưng cũng muốn luôn một người chồng giàu có, nổi tiếng v.v…
Muốn một người tình ướt át lãng mạn nhưng đồng thời muốn luôn một sự chung thủy.
Muốn một cô con dâu có địa vị bằng cấp trong xã hội, nhưng cũng muốn cô phục vụ chuyện gia đình cho tốt. Đến khi cô không thể phục vụ tốt cho gia đình thì lại bực bội ghét bỏ.
Đó là những ý muốn nghịch lý mang đến phiền não cho mình. Một người đàn ông thành đạt đa phần đều là người của công chúng. Thời gian cho gia đình khó mà nhiều. Cũng như một người phụ nữ có địa vị trong xã hội, công việc của cô đủ để làm cô mệt mỏi, nói là thêm việc chợ búa, gia đình và con cái. Chúng ta thường có những ý muốn nghịch lý để rồi tự khổ với những nghịch lý đó.
Tôi nhìn thấy một dây leo, bám vào cây chuối vươn lên, lên được đọt chuối, nó cuốn đọt chuối cho chết để hưởng hết phần ánh sáng nó đã tìm thấy. Nó không ngờ, do tánh tham ấy, nó đã đánh mất luôn nơi mình đang nương tựa mà từ đó có thể vươn lên và sống sót.
Chúng ta có như những dây leo kia? Có đó. Tham nhũng, hàng gian, hàng giả v.v… là những việc làm giết người mà cũng chính là đang giết chính mình, nhưng mình vẫn rất thích thú với những việc như thế.
Biết đủ, là một phần giúp ta bớt đi những nghịch lý để hạnh phúc xuất hiện. Cũng như hạnh phúc, chúng ta nghĩ nắm giữ được những gì mình thích là hạnh phúc nhưng thực ra không nắm giữ mới mang đến hạnh phúc lâu dài cho mình và người.
Trí tuệ luôn là thứ cần thiết trong cuộc đời này phải không ạ?
Rất cần thiết.
[1] Do cái nhân bố thí trong quá khứ.
Các tin khác
-
» ƠN ĐỜI ƠN NGƯỜI (Liên Trí) (23/03)
-
» CHIM SỔ LỒNG (05/11)
-
» MĂNG TRONG RỪNG TRÚC (27/10)
-
» BIẾT SỐNG (M.Khoa) (13/06)
-
» SUY GẪM VỀ GIÀU CÓ (03/04)
-
» CÁI KHÔNG HOÀN CHỈNH VỚI TƯ KIẾN CỦA MÌNH (26/03)
-
» MỘT NỬA MỘT NỬA (26/03)
-
» CUỐI NĂM... (26/03)
-
» KHÔNG NÊN THẢO LUẬN PHẬT PHÁP TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO? (26/03)
-
» PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO (26/03)