Tản mạn đời thường

PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO

26/03/2017



Muốn hoàn thành đạo vô thượng Bồ-đề, phải hoàn tất hai con đường. Một là cầu Phật đạo. Hai là giáo hóa chúng sinh, nói cách khác là làm lợi ích cho chúng sinh.

Trong việc làm lợi ích cho chúng sinh thì phương tiện thiện xảo là thứ không thể thiếu trong việc giáo hóa tha nhân. Mọi hạnh nguyện của Bồ-tát đều xoay quanh vấn đề này. Phát nguyện có định, có tuệ, có tâm bình đẳng đều vì việc lợi ích tha nhân được rộng lớn hơn.

Phương tiện thiện xảo là gì?

Là những gì mà một Phật tử phải dùng trong quá trình làm lợi ích tha nhân. Gọi thiện xảo vì nhờ nó mà tha nhân bước vào đường thiện, hoàn thành được con đường Phật đạo của mình. Gọi thiện xảo, vì nó tinh tế, thần diệu, có khi “nghịch với Phật pháp” mà vẫn đưa con người đến với Phật pháp.

Sâu xa hơn, là những ứng hóa thân, tùy hạnh nguyện cũng như thiện căn của chúng sinh mà ứng cảm. Như luận Đại thừa Khởi Tín nói: “Người ấy, trong khoảng thời gian từ khi mới phát tâm cầu đạo cho đến khi thành Phật, đều nương nơi chư Phật và Bồ-tát mà có khi thấy, có khi niệm, có khi làm quyến thuộc cha mẹ, có khi làm bạn hữu, có khi làm oan gia, có khi khởi Tứ nhiếp pháp v.v… với vô lượng duyên hạnh như thế. Bởi do lực huân tập Đại bi phát khởi nên chúng sinh nếu thấy, nếu nghe đều được lợi ích”. Ứng hóa thân này có khi là người thân yêu, có khi là kẻ oan gia. Chỉ tùy căn nghiệp của chúng sinh mà hiện khởi. Nếu ái ngữ giúp chúng sinh làm thiện nghiệp thì ứng hiện người thân bạn bè với các loại ái ngữ. Nếu khổ não mới có thể khiến chúng sinh từ bỏ tham ái, hy cầu Phật đạo, thì hiện tướng oan gia.          

Phương tiện thiện xảo là như vậy.

Với những phương tiện thiện xảo thuận duyên, nghĩa là trong cái duyên ấy chỉ cần những hình tướng thuận đạo là đã có thể dẫn đạo, thì không có gì để bàn. Nhưng trong những nghịch duyên, là cái duyên có khi phải đòi hỏi những pháp ngược với “những gì Phật giáo đã dạy cho hàng căn cơ mới vào đạo” như hiện tướng oan gia, lời nói không nhu nhuyến nhẹ nhàng v.v… thì không phải là điều dễ dàng với một người đang hành hạnh Bồ-tát, không tránh được những cái nhìn phỉ báng. Nếu không đủ định lực cũng như bi tâm thì khó mà hoàn thành tốt công việc của mình.

Tôi học Phật, phát tâm Bồ-đề, mục đích tới của tôi là hoàn thành Phật đạo, đương nhiên không thể thiếu các phương tiện thiện xảo để làm tốt công việc lợi ích chúng sinh của mình.

Trong quá trình làm lợi ích cho tha nhân, thuận duyên tôi gặp cũng nhiều mà nghịch duyên gặp không phải ít.

Nói nghịch duyên, nhưng tôi không phải là nạn nhân bị bủa vây trong đó. Phước báu của tôi hiên tại không khiến tôi phải rơi vào nghịch duyên mà không có sự chọn lựa. Tôi vẫn có một phần chọn lựa, hoặc nhận hay không nhận phần nghịch duyên đó. Vì nó không thuộc về gia đình tôi. Đó là nói trên mặt hiện tượng. Nói sâu xa hơn, có thể vẫn có một dây ràng buộc để khiến sự chọn lựa của tôi nghiêng về phía nghịch duyên. Nhưng dù là bị ràng buộc hay không bị ràng buộc, có thể do nghiệp lực cũng có thể do nguyện lực, thì chính sự tự nguyện của bản thân cũng khiến tôi có tâm định tỉnh hơn khi đối phó với nghịch duyên. Bởi chính tôi đã tự chọn việc này.

Có những việc mà người “vô sự” không nhảy vào, tôi lại thích nhảy vào. Việc thiên hạ chê, tôi lại thấy thích. Để thấy…

Trong cái hữu sự vẫn tồn tại một cái vô sự, để có công đức nhiều hơn mà hồi hướng cho tha nhân, bởi lực hồi hướng nếu đủ thì có thể được Tam bảo và Long thần hộ pháp trợ lực, khiến việc lợi ích tha nhân của mình có kết quả mau chóng, tạo điều kiện cho việc lợi ích được thành công và mở rộng.

Để con đường tâm linh của mình tiến triển tốt hơn. Không phải trong cảnh tịnh mới tìm thấy tịnh. Phải tịnh được trong cảnh động. Chỉ khi định tỉnh được trong cảnh động và trong khó khăn, mình mới có thể vào ma đạo mà hành Phật đạo. Một con đường mà kẻ học Phật nào cũng phải bước qua. Không trở thành kẻ ương yếu do muốn tránh động lâu ngày.

Đương nhiên, không phải việc nào tôi cũng nhảy vào. Việc nào thấy quá sức thì rút lui. Việc nào đã chọn thì kết quả thường khá tươm tất.

LÝ thì không. Mà SỰ thì không phải không. Bởi trong SỰ còn có sự ràng buộc của duyên. Thành có khi việc rất đơn giản mà vào SỰ thì không thể y sự đơn giản ở LÝ mà giải quyết. Tuy không đơn giản, nhưng phải giải quyết SỰ làm sao để tương ưng được với LÝ, để LÝ SỰ VIÊN DUNG, là cái nhân của SỰ SỰ VIÊN DUNG.

Chẳng hạn…

Sư ông Trúc Lâm dạy: “Tâm không động thì đầy đủ tất cả công đức” ([1]). Đó là lời của Sư ông Trúc Lâm dạy. Ai cũng biết, nhưng vì sao Tăng chúng cũng như Phật tử không chỉ tọa thiền để được việc ấy mà phải hành thêm phước thiện? Là vì căn cơ của chúng sinh không thể chỉ làm được việc ấy. Phải dùng phước thiện để chuyển dần về chỗ không động.

Nhớ ngày tôi đi làm Phật sự ở Chánh Thiện. Ngày ấy tôi đã xung phong đi làm việc ấy. Giải quyết chuyện Thị-Phi. Việc mà một hành giả tu thiền không ai đút đầu vào. Vậy mà tôi đã xin Hòa thượng Thường Chiếu đi giải quyết việc ấy. Ngài ừ. Tôi làm. Chồng là người trợ lực.

Chủ trương của tôi từ xưa đến giờ là khi đối đầu với những bất như ý do người khác mang lại, chỉ có cái “không” là bảo vệ mình và hoàn cảnh mình đang gặp là tốt nhất.

Cũng từ bài học thực tế của một đứa em và câu chuyện của một vị thiền sư.

Ngài vào rừng tu hành nhưng ma quỉ quấy phá mãi. Ngài dùng thần thông chống lại vẫn không thể thắng. Sau ngài nhập vào không. Không còn dấu vết. Từ đó về sau, ma quỉ không còn quấy phá nữa.

Trong cuộc sống của tôi, tôi thấy việc đó là tuyệt vời.

Tôi cũng ứng dụng điều đó cho những vị ở Chánh Thiện.

Thiên hạ chọc tức bao nhiêu, tôi cũng chỉ có một việc cho chư vị. Đó là im lặng. Thiên hạ chửi bao nhiêu cũng không được trả lời. Cho đến khi Hòa thượng Trúc Lâm ban cho Chánh Thiện.

Song không phải cái lý im lặng đó được áp dụng đúng như ý mình muốn.

Bởi còn dư luận, còn những sự vu khống lan tỏa, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và cái nhìn của những người có liên quan đến những người trong cuộc. Vì thế, cái LÝ KHÔNG trong cái duyên lúc ấy không được “không làm gì cả” mà phải có tiếng nói để ổn định. Bởi với cái nhìn của người đời, im lặng cũng có nghĩa là đồng lõa, là chấp nhận những lời vu khống kia là thật. Người trong cuộc có thể bỏ qua, nhưng thân nhân của các vị sẽ đánh một dấu hỏi “Tại sao lại im lặng” nếu mình không làm những việc như thế? Thành ra muốn cái KHÔNG đó đúng là CÁI KHÔNG BẤT BIẾN MÀ TÙY DUYÊN, không rơi vào ngoan không của ngoại đạo, thì tôi phải lên tiếng. Không phải những người trong cuộc lên tiếng mà tôi lên tiếng. Để giữ hòa khí cho gia đình họ, cho thân nhân họ không có những niệm xấu đối với Phật pháp.

Cuộc chiến tàn.

Chánh Thiện ra đời.

Nếu đối phương không tự tạo những duyên chửi bới ồ ạt, thì có lẽ chẳng ai biết đã có một cuộc đấu tranh xảy ra.

Chánh Thiện sau đó còn nhiều gian nan vô kể. Nhưng đó là duyên của quí Thầy. Tôi chỉ có nhiệm vụ cùng bạn bè trong giai đoạn đó.

Cũng sắp đến ngày an vị Phật.

Một khoảng thời gian, mười năm.

Haizzz…

Có vào cuộc rồi mới biết thương và hiểu những người trong cuộc.

Không phải cứ LÝ như thế là yên ổn đưa vào SỰ như thế. Vì tâm con người chất đầy thị phi, phân biệt...

Đường trở về rất đơn giản, nhưng đức Phật không thể dạy thẳng mà phải phương tiện thành Tam thừa, thậm chí đến Ngũ thừa để dẫn đạo chúng sinh, vì tâm chúng sinh quanh co. Vì thế gian này không phải nói một, nó liền thành một. Chính cái quanh co đó mà có khi việc rất đơn giản, chúng ta cũng không thể giải quyết nó đơn giản, vì còn nhiều mối liên hệ chung quanh. Kẻ ngoài cuộc rất dễ phê bình và đưa ra một giải pháp tối ưu. Nhưng thực tế thì cái tối ưu đó không thể giải quyết được sự việc hoàn chỉnh trong cái duyên như thế. Phật, nếu đưa lý Nhất thừa vào thẳng thế gian thì bao nhiêu người có thể đón nhận Phật pháp như hiện nay? Chắc không có ai. Phương tiện thế rồi mà người theo còn ít, kẻ chê vẫn nhiều, huống là đưa thẳng.  

Haizzz…

Không làm thì không lỗi. Làm thì muôn thứ thị phi đổ lên đầu.

Chuyện không phải của mình, nhưng rất nhiệt tình chuyển tải cả những điều không có thật để bàn tán xôn xao, như thỏa mãn cái gì đó chất chứa bấy lâu trong lòng. Chính những thứ xôn xao đó khiến sự việc đơn giản thành phức tạp. Người đời ngu muội ưa thích thị phi, việc đó không tránh được. Kẻ học đạo, nếu không ý thức mà cứ để cho tập nghiệp dẫn lôi, không làm chủ được ý nghiệp và khẩu nghiệp của mình, thì việc học đạo trở thành vô ích. 

Kẻ trong cuộc, nếu không vững tâm thì con đường Bồ-tát đạo của mình phải bỏ cuộc nửa chừng.

Một chữ Phú-lâu-na, xin nguyện khắc ghi trong đầu.

Không ngại gian khó, thị phi, xấu xa, chỉ là vừa sức liền làm, không tránh bỏ.