Tản mạn đời thường

PHÁP GIỚI NÀY CÓ NHIỀU THỨ ĐỂ HỌC

Trong trạng thái đó, mọi thứ được nhìn thấy vẫn rõ ràng không lẫn lộn, nhưng tâm không hề khởi niệm, tâm ở trạng thái như thế gọi là tâm hiện lượng.

26/03/2017



Cách đây mấy chục năm, khi đang còn là kẻ ngồi nghe pháp, đang còn chập chững tập ngồi thiền, tôi đã được nghe một vị giáo thọ của thiền viện Thường Chiếu nói: “Bồ-tát là Bồ-tát của chúng sinh. Chúng sinh là Bồ-tát của Bồ-tát”. Đại khái là, không phải chỉ có Bồ-tát (người đang đứng ở cương vị giảng dạy, truyền thừa Phật pháp) mới là giáo thọ của chúng sinh (kẻ đang được giảng dạy và truyền thừa Phật pháp). Mà chúng sinh cũng là giáo thọ của Bồ-tát. Nói theo khái niệm chuyên môn của nhà Phật là “Năng giáo hóa và Sở giáo hóa là một cặp duyên khởi bình đẳng truyền bá Phật pháp cho nhau”.

Các bạn sẽ lấy làm lạ hỏi rằng, chúng sinh là kẻ đang học làm sao có đủ kiến thức để truyền bá Phật pháp cho kẻ đã đứng ở cương vị truyền thừa giảng dạy? Xin thưa, chúng sinh không truyền bá Phật pháp trên mặt kiến thức như Bồ-tát đối với chúng sinh, mà chính là giúp Bồ-tát mở rộng hiểu biết về những gì đức Phật đã nói trong kinh luận, giúp Bồ-tát khai mở trí tuệ, giúp Bồ-tát thêm nhiều phương tiện khai hóa chúng sinh (trong tâm cũng như ngoài tâm). Nói cách khác, chúng sinh giúp Bồ-tát củng cố cái nhìn của mình được sâu sắc hơn. Một việc rất quan trọng đối với con đường Bồ-tát đạo và thành tựu Phật quả.

Phân chúng sinh và Bồ-tát là để hiểu vấn đề được dễ dàng hơn. Còn bản chất thì khi chúng ta tìm đến với đạo, tìm đến giáo lý của đức Phật giảng dạy v.v… là chúng ta đã bắt đầu trở về với cội gốc của mình. Nếu hiểu ý nghĩa của Bồ-tát đơn thuần là “giác hữu tình”, thì tuy chưa phát bồ-đề tâm, chúng ta vẫn là Bồ-tát. Bồ-tát cấp thấp. Bởi phải có ít nhiều tỉnh thức (giác) chúng ta mới thấy giáo pháp của đức Phật là hay, mới thích đọc nó. Không có phần “giác” này thì mọi thời gian chỉ dành cho những câu chuyện tình yêu nóng bỏng và những việc không liên quan gì đến đạo.

Có lẽ những điều tôi thừa hưởng được từ lời dạy trên cũng chỉ đúng với những ai quen “phản quan tự kỷ bổn phận sự”. Bởi phải quen với thái độ thấy người nhìn lại mình và không hướng tâm ra ngoài phê phán, thì mới có thể nhận được những điều bổ ích từ những gì xảy ra quanh mình. Quan trọng hơn nữa, là dù đứng ở cương vị truyền pháp, mình cũng không chấp vào việc mình đang làm đó, như Triệu Châu từng nói: “Con nít 3 tuổi hơn ta, ta học nó. Ông già 80 thua ta, ta dạy họ”. Ai cũng có cái để mình học hỏi. Bồ-tát Long Thọ nói: “Tất cả pháp đều là Phật pháp”. Tổ Hoa Nghiêm nói: “Tất cả ngữ ngôn âm thanh của chúng sinh đều nhập pháp luân”. Không có gì không phải là pháp luân. Phật vẫn đang chuyển bánh xe pháp đó thôi. Vấn đề là chúng ta nhận được bao nhiêu ở pháp giới này. Cho nên, ngay cả kẻ không biết gì về Phật pháp, kẻ ngỗ nghịch vô đạo v.v… vẫn có thể là những bậc thầy vĩ đại qua cái nhìn Duyên khởi, như đức Phật thường nói về Đề-bà-đạt-đa trong kinh Pháp Hoa[1]: “Do nhờ thiện tri thức Đề-bà-đạt-đa mà ta đầy đủ 6 pháp Ba-la-mật, 4 vô lượng tâm (từ, bi, hỉ, xả), 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, thân sắc vàng tía, 10 trí lực, 4 vô sở úy, 4 nhiếp pháp, 18 món bất cộng, thần thông đạo lực, thành bậc Đẳng chánh giác độ chúng sinh. Tất cả công đức đó đều nhân nơi thiện tri thức Đề-bà-đạt-đa”. Đề-bà-đạt-đa không chỉ có hình thức truyền pháp “tàn độc” đối với đức Phật như trong các bộ kinh thuộc hệ A-hàm đã nói, mà từng là một vị tiên nhân đã theo độ và truyền pháp cho đức Phật. Đức Phật đã trải qua cả ngàn năm “siêng năng, cung cấp, hầu hạ tiên nhân không thiếu thốn”.

Nhờ hỏi mà hiểu thấu  

Tôi từng nghiền ngẫm về hai từ “hiện lượng” của Duy thức học. Cũng ít nhiều hiểu nó bằng công phu của chính mình. Đơn giản là, nhìn thấy các pháp mà không khởi tâm động niệm, cũng không do "giữ tâm không" mà có, gọi là tâm hiện lượng. Đó là trạng thái “bình thường” của tâm khi tâm không dính mắc với các pháp. Trong trạng thái đó, mọi thứ được nhìn thấy vẫn rõ ràng không lẫn lộn, nhưng tâm không hề khởi niệm, tâm ở trạng thái như thế gọi là tâm hiện lượng.

Với cái nhìn như vậy, khi có ai hỏi tôi về hai từ “hiện lượng”, tôi đã diễn tả lại như những gì mình đã trải qua, đúng như kinh luận đã nói. Mình nghĩ trả lời như vậy là quá rõ ràng. Nhưng không. Khi có một vị hỏi tôi: “Dù tâm không khởi niệm, nhưng khi mọi thứ được nhìn thấy rõ ràng, không lẫn lộn… thì trong đầu ta cũng đã có khái niệm đây là cái bàn, kia là cái ghế mới không lẫn lộn từ thứ này qua thứ kia. Nếu vậy thì ta đang bị “tri kiến lập tri", tri kiến lập trì thì "vô minh bổn”, sao có thể gọi là tâm hiện lượng?”. Câu hỏi là của một phụ nữ lớn tuổi. Bác chưa hề trải qua trạng thái hiện lượng là thế nào. Nếu trảỉ qua, bác đã không hỏi như thế. Tuy chưa trải qua nhưng câu hỏi của bác lại soi thấu vào chỗ giúp mình hiểu rõ hơn về những gì mình đã trải qua, giúp mình củng cố cái nhìn của mình đối với cái gọi là tâm hiện lượng, để có thể phân tích diễn giải lại cho mọi người được dễ hiểu hơn.

Đúng là mọi thứ đều được phân biệt rõ ràng không nhầm lẫn khi các pháp được nhìn với tâm hiện lượng, nhưng không vì thế mà chúng ta gọi đây là cái bàn, kia là cái ghế v.v... Trong trạng thái hiện lượng của tâm, mọi thứ vẫn rõ ràng, nhưng tất cả đều không có tên để gọi. Chúng chỉ là những hình ảnh không có tên như chúng ta chưa hề biết tên của chúng. Vì thế dù mọi thứ được phân biệt rõ ràng không lẫn lộn nhưng vẫn không bị tình trạng “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn”. Chỉ khi chúng ta bắt đầu khởi niệm đặt tên cái này là “cái bàn”, cái kia là "cái ghế"... thì tâm mới không còn ở trạng thái hiện lượng, đã rơi vào phần hạn của “tưởng ấm”. Vì chức năng của “tưởng ấm” là khu biệt các sự vật và đặt tên cho các sự vật ấy[2].

Bài học tôi vừa nhận được đó, không phải từ Hòa thượng Ân sư hay từ Sư phụ Thường Chiếu mà từ chính một người, xét về mặt tu học, không hẳn đã hơn tôi về kiến thức Phật học, cũng không thể hơn tôi về công phu tu hành. Nhưng chính nhờ bác, tôi đã hiểu rõ hơn về những gì mình đã trải qua. Phải nói, pháp giới này đâu đâu cũng có pháp để học.

Từ đó, tôi không còn cảm thấy cách ngại khi phải tiếp xúc với mọi người. Chỉ thấy thích thú khi được hỏi tới. Vì dù trả lời không được, việc đó cũng giúp mình tự tìm tòi nghiên cứu thêm. Đó là việc khiến trí tuệ của mình được củng cố nhiều hơn.

Câu sinh ngã chấp

Cháu ngoại tôi gần 3 tuổi. Con bé thông minh và thâu nạp kiến thức cũng như lời nói của người lớn khá nhanh chóng.

Khi nó nghịch cánh cửa phòng tắm, tiếng động phát ra khá ồn. Tôi nói vọng vào:

- Con đừng nghịch cửa phòng tắm nữa Minh An. Ồn lắm !

Tôi nghe tiếng nó vang vang trong phòng tắm:

- Bà ra khỏi nhà đi!

Rồi cũng tiếng của chính nó nói với nó:

- Nói vậy là hổn nghe chưa!

Đó là lời mẹ nó dạy khi nó bực tức và muốn tống một ai đó ra khỏi nhà, dù nhà không phải là của nó mà nó lại nhỏ nhất nhà. Không ai dạy nó câu nói hổn hào kia. Phim hoạt hình nó xem thì toàn tiếng Anh. Cũng không tiếp xúc với người ngoài. Trong nhà cũng không xảy ra việc gì để người lớn to tiếng với nhau theo kiểu hết tình hết nghĩa như vậy. Nhưng con bé đã phát ra lời nói đó rất thuần thục. Chưa kể cái âm điệu bắc quê quê của nó đang sử dụng hiện tại nữa. Không biết xuất phát từ đâu, khi trong nhà chỉ toàn người nói giọng Nam pha Trung. Một vài lúc tôi có sử dụng giọng Bắc thì cũng là Bắc pha Nam. Rất nhiều thứ không ai dạy mà lại hiện hữu một cách thuần thục nơi con bé.

Điều đó nói cho mình hiểu thêm về những gì đức Phật đã nói: Mọi người đều có những chủng tử (tập khí) đã huân tập từ quá khứ. Có những phần huân tập khi sinh ra đã có đủ. Đức Phật gọi nó là “Câu sinh tập khí”. Câu sinh, là cùng sinh. Khi sinh ra, “nó” cùng có với mình, nên gọi là “câu sinh tập khí”. Ai cũng có phần “Câu sinh tập khí” này.

Những thứ gia đình không có, cũng không tiếp xúc bên ngoài để bắt chước, mà nó tự có như thế thì biết những phần đó là phần “câu sinh tập khí” của nó. Không phải là những gì mới huân tập trong hiện tại (phân biệt ngã chấp) mà đã có từ quá khứ lâu xa. Chỗ này, nó giúp chúng ta nắm rõ vấn đề hơn trong việc giáo dục con trẻ. Những cái “câu sinh” đó, chúng có lực khá mạnh, vì đã được huân tập lâu. Nếu không được giáo dục kỹ, nó sẽ có lực làm chủ dẫn con bé đi vào đường xấu. Vì vậy, phải dạy dỗ ngăn ngừa nó ngay từ bây giờ, như người đời thường nói: “Dạy con từ thuở lên ba…”. Có vậy, mới có thể làm giảm các thói xấu của nó. Nếu thấy thích thú với những điều đó, cứ nghĩ đơn giản nó còn con nít, thấy dễ thương v.v… là mình đang tạo điều kiện để những thói xấu của nó có cơ phát triển mạnh. Lớn lên khó mà dạy dỗ con bé nữa.

Những thói xấu một khi đã phát triển mạnh thì cũng có nghĩa các thói xấu đó đang được huân sâu và chặt vào tâm thức con bé. Nó sẽ làm chủ hành vi của con bé trong tương lai. Nó cũng là chủng tử chủ lực dẫn con bé vào những đường xấu sau khi chết.

Vì là “câu sinh tập khí”, nên dù nhớ lại lời mẹ dặn, con bé vẫn chạy ra chỉ thẳng vào mặt bà với một câu đuổi nhẹ nhàng hơn: “Bà đi ra ngoài kia đi!”. Chỉ là ra khỏi chỗ nó chơi, không còn ra khỏi nhà như trước. “Kiến hoặc” (3) đã trừ mà “tư hoặc” (4) chưa xong nên có biểu hiện như thế. Nói rồi, nó chạy loanh quanh trong phòng cho đả tức. Tham-sân-si là loại “câu sinh ngã chấp" mà chúng sinh đều có đủ. Chỉ tùy sự huân tập ít nhiều mà mức độ ở mỗi người có khác nhau. Người này thì tham nhiều, sân ít. Người kia tham ít, sân nhiều v.v…

Tôi ngoắc nó lại:

- Minh An tới bà ôm chút coi!

Nó chạy lại xà vào lòng tôi. Tôi ôm và hôn nó, rồi nói:

- Bà thương Minh An lắm.

Tôi hỏi tiếp:

- Lúc nãy con nói gì bà zậy hả?

Nó bẽn lẽn trả lời:

- Con nói lộn.

Đúng là từ bi xóa được sân hận. Nếu lúc đó nghe nó nói mà nổi sân, cho nó một bạt tai thì nhất định nó sẽ khóc thét lên và ghim việc đó vào lòng như từng ghi nhận mọi hành vi và lời nói của mẹ nó vậy. Sẽ rất khó dạy khi đã có những ghi nhận không thuận chiều trong lòng.

Có những việc không cần nói nhiều. Chỉ cần một hành động đơn giản như thế là có thể khỏa lấp mọi sân hận chướng ngại. Nhưng không phải ai mình cũng có thể làm việc đó một cách dễ dàng. Ôm một chàng trai vào lòng - khi mình và người đó không có quan hệ huyết thống - không phải là điều có thể làm, khi mình chưa đủ năng lực coi thường mọi thứ ở thế gian này. Nhờ đó, tôi hiểu hơn về hai chữ “Đồng sự” mà đức Phật đã dạy. Cần phải có một mối liên hệ, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn cho vấn đề lợi ích tha nhân. Liên hệ về huyết thống. Liên hệ về công việc. Liên hệ về ý thích. Liên hệ về thói xấu. v.v… và v.v… Mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng khi chúng ta có một mặt đồng sự nào đó với tha nhân. Chẳng hạn, đồng sự trên mặt thói xấu sẽ giúp mình có sự hiểu biết và thông cảm nhiều hơn đối với người hữu duyên. Tình thương sẽ dàn trải hơn. Đồng sự trên mặt tình thân, sẽ giúp mình dễ dàng hơn trong việc cảm hóa v.v… rất nhiều cách để chúng ta có thể lợi mình lợi người khi chúng ta có mặt đồng sự với người. Nhưng thường thì mình hay bực bội về những mối quan hệ không thuận chiều. Mình đã không nhận ra để tự chuyển mình và người về đúng vị trí của nó. Thường, mình chỉ thấy bực bội vì sao quanh mình chỉ toàn là người như thế. Quên mất vai trò của mình khi học Phật.

Nó cũng giúp tôi nhận ra tác dụng của ái ngữ.

Ái ngữ, thường được hiểu là lời nói nhẹ nhàng, êm ái. Sự nhẹ nhàng êm ái có mặt tích cực nhất định của nó. Người đời vẫn nói: “Mật ngọt chết ruồi” là vậy. Song với tôi, ái ngữ không hẳn chỉ là lời nói êm ái nhẹ nhàng mà phải được xuất phát từ tình thương thật sự. Đứng trên mặt Duyên khởi mà nói, khi nền tảng là tình thương thật sự, loại tình thương phát xuất từ trí tuệ và được dùng đúng duyên, thì dù là lời nhẹ nhàng hay không nhẹ nhàng, nó đều mang lại kết quả tốt đẹp, không nhất thiết chỉ có lời êm ái dịu dàng mới có tác dụng tốt đẹp, để gọi là ái ngữ. Song đa phần chúng sinh đều còn là người chấp tướng, vì thế lời nói dịu dàng vẫn có tác dụng nhiều hơn. Người hành pháp cũng chưa hẳn là người đã hết tham-sân-si, nên biểu hiện của tình thương thường là sự êm ái nhẹ nhàng. Khi chúng ta yêu thương, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng, không chướng ngại.

Pháp giới này có rất nhiều thứ để học. Học và học mãi cho đến ngày thành đạo.

 


[1] Kinh Pháp Hoa, phẩm Đề-bà-đạt-đa thứ 12.

[2] Thành Duy Thức Học – HT Thiện Siêu dịch và chú thích.

(3) Kiến hoặc : Những lầm lẫn nằm ở quan niệm. Lầm lẫn này có thể thay đổi được liền khi nhận ra vấn đề. Như Minh An nhớ lại lời mẹ, biết nói vậy là hổn. Nhưng trên hành vi vẫn không dừng được hành động của mình, vì sân giận đã được huân tập khá sâu trong quá khứ. Thói quen do sân rồi phát ngôn bừa bãi đó gọi là tư hoặc (4).