Tản mạn đời thường

MỘT NỬA MỘT NỬA

Đại sư Tinh Vân – Ns Hạnh Đoan dịch

26/03/2017



Chúng ta thường thấy báo chí hay đăng trên thế giới này, các quốc gia thường phân hai: Tự do dân chủ và chuyên chế độc tài. Thực ra không riêng gì chính trị mới phân như vậy. Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy trong thế giới luôn có chuyện phân hai tương tự: ngày và đêm; đất liền và biển sông; người tốt, người xấu; bần cùng và giàu sang v.v…

Sự phân hai này tùy theo thế giới mà thay đổi, mặc dù hỗ tương tăng giảm, nhưng bên này vô phương thống trị hoàn toàn bên kia, và chính vì vậy, nhân sinh mới có vô hạn hi vọng.

Nhớ lại hồi tôi 19 tuổi, thầy giáo dạy Phật học viện đề cử tôi vào học trường Giáo Dục Quốc Gia, hơn nữa còn đăng ký ghi tên dùm tôi. Thế nhưng do Sư phụ tôi không đồng ý nên việc này đành hủy bỏ.

Mấy năm sau, một quyển trước tác kinh của tôi được Ban thẩm định tiến sĩ thuộc viện Nghiên cứu văn học đại học Đại Chính bên Nhật thông duyệt và mời tôi qua học. Mặc dù tôi đã lo liệu xong thủ tục nhập học, nhưng do nhiều nguyên nhân khác mà việc sang nhập học không thành. Tôi mất đi cơ hội học thuật và “địa vị lóa mắt” bên thế tục. Nhưng nhờ vậy mà bên Phật môn tôi khai mở được khoảng trời rộng bao la, trở thành sứ giả đắc lực thay Phật tuyên dương chân lý. Nên nói: “ Mất thửa ruộng, được nương dâu” là nghĩa này. Được cái này thì phải mất cái kia. Thế gian vốn luôn phân hai, có nửa này nửa nọ, chúng ta không cần gò ép, buộc bản thân mình phải xuất sắc, vượt hẳn mọi người. Phải hiểu là tại nơi lãnh vực khác vẫn còn một khoảng trời riêng đang chờ chúng ta khai mở.

Do có nhận thức như thế, nên tôi luôn vui vì mình sinh ra tuy có những vụng về, chẳng hạn như chữ viết không được tốt và cũng chẳng có tài ăn nói lưu loát. Nếu như tôi có tài để tung hoành, viết khéo, nói hay, có lẽ bản thân tôi sẽ ỷ lại, chỉ biết tiếp tục hưởng phần thiên phú đó, tiếp tục sử dụng công năng tốt sẵn có mà thôi.

Cùng lắm, tôi chỉ là một Hòa thượng hưởng được tiếng khen về thư pháp hay khoa ăn nói, nhưng về phương diện khác tôi sẽ không biết nỗ lực làm lợi ích rộng lớn cho chúng sinh.

Nếu như tôi được trời phú cho sở trường phi thường đặc biệt, có đầy đủ ngữ ngôn tam muội, có tài giảng thuyết trên đài nhưng không phát triển tiềm năng tính toán sáng tạo, hoặc chỉ nương vào từ ngữ thao thao , đi khắp nơi hoằng pháp, nhưng đối với nghĩa lý sâu xa chỉ thể hội qua loa … Nếu giảng mà không thể rút ra từ kinh nghiệm thâm nhập thực tế, thì hiệu quả giúp ích người sẽ không nhiều. Vì vậy mới nói: “ Trời ghét anh tài, hồng nhan bạc mệch”(8). Nửa này nửa nọ của thế giới thoạt nhìn tợ như không viên mãn, nhưng thực ra chính là “Hiến lễ tối mỹ hảo của nhân gian”.

Chúng ta cần phải giữ tâm hoan hỉ để nhìn và tiếp đãi. Bởi vì, nếu biết mình chỉ có một nửa, thì mới có được sự khiêm cung nhún nhường và chịu nỗ lực tinh tấn. Tự biết mình có một nửa thì mới chịu cố gắng tiến bước, vượt lên đầu sào tram trượng.

Tôi từng học Nhật văn bốn lần, cũng trau giồi Anh ngữ, nhưng đều không thành. May là tôi còn chút sở học căn bản về ngữ văn Trung Quốc, nhờ vậy mà có thể giảng kinh viết lách, độ nhiều đệ tử tại gia, xuất gia. Hiện nay tôi đi các nước trên thế giới hoằng pháp, đồ chúng đều tranh nhau giúp tôi dịch lời thoại. Cả đến các sáng tác của tôi cũng được dịch thành nhiều thứ tiếng trên thế giới, lưu hành toàn cầu.

Vì vậy, chúng ta không cần ngưỡng mộ khát khao một nửa mà người khác có. Quan trọng là chúng ta phải biết trân tiếc, lo chuẩn bị, phát huy thật tốt một nửa những gì mình đang có và biến chúng thành sở trường, đại dụng. Nhờ chịu nỗ lực, dụng tâm cố gắng, tự nhiên sẽ đạt đến thành quả tốt.

Linh mục Đinh Tùng Quân bên Thiên chúa giáo từng nói với tôi: Nếu như ngài sinh trưởng tại Tây phương, nhất định sẽ làm Đức cha. Nếu như tôi sinh trưởng tại Đông phương, hẳn sẽ làm Hòa thượng. Nhân loại mặc dù về chủng tộc, chức nghiệp có chỗ khác nhau, nhưng chỉ cần chúng ta chịu tùy thuận nhân duyên, tại nơi một nửa của bản thân, nỗ lực phụng hiến hết tâm sức, thì đối với nhân loại đều có những cống hiến giống nhau.

Tôi sinh trưởng tại miền Nam Trung Quốc, quen dùng cơm rau, nhưng cũng có sở thích giống người miền Bắc là ưa bún, mì.

Thời niên thiếu tham học tại các tự viện tùng lâm, tôi thường lội bộ cả trăm dặm đường núi, đi khắp nơi tất bật với Phật sự. Ai dè mấy mươi năm sau, tôi xử dụng đủ các phương tiện giao thông: lục, hải, không – ngồi suốt mấy mươi tiếng đồng hồ trên phi cơ, bôn ba khắp các nước giảng kinh hoằng pháp – Do kinh nghiệm trải qua từ nửa bên này, nửa bên kia, bất luận là tôi đi đến đâu, đều có thể thoải mái tự tại, không bị trói buộc, lệ thuộc bởi một bên.