Tản mạn đời thường
MĂNG TRONG RỪNG TRÚC
29/10/2017
Tôi ra Hà Nội hai lần…
Một lần, về thăm quê hương của người bạn nhỏ, cũng là thăm những bạn trẻ ở Hà Nội. Một lần, đi dự lễ “Tọa đàm kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam & Tập huấn hoằng pháp viên cho cư sĩ Phật tử”. Hai lần đều được quí Thầy ở Sùng Phúc cho giao lưu với các em nhỏ của Đoàn Trần Thái Tông.
Thời buổi vật chất như hiện nay, trẻ người mà chịu tới chùa và học Phật pháp phải nói là khó. Vậy mà tôi đã gặp điều đó ở Đoàn Trần Thái Tông. Đáng nói là việc này không phải chỉ mới đây, đã có một quá trình khá dài. 10 năm.
Các em khá đông, thiếu nhi và thiếu niên như cái tên đang hiển thị. Nhìn các em chỉnh tề trong Pháp đường, những khuôn mặt ngơ ngác chăm chú, tôi thấy lòng vui. Vì nhiều thứ…
Cả tuần đi học chỉ nghỉ được ngày chủ nhật, vậy mà chủ nhật không rong chơi, lại tập trung về đây sinh hoạt. Một ngày ở thiền viện thế này, dù chỉ chơi thôi cũng để lại trong tạng thức chúng ta những dấu ấn tốt đẹp, nói là tu. Tôi từng rong ruỗi ở những miệt chùa miền quê như thay đổi một nơi vui chơi trong chốn phồn hoa đô hộ ở tuổi học trò. Khoảng lặng yên hòa với những tượng Phật cổ, mùi hoa sứ thoang thoảng… là những gì còn đọng lại khi tôi bước chân vào đời với những bất như ý. Nó hiện lên trong những phút mệt mỏi chán chường. Một nơi chốn muốn tìm về. Thảnh thơi không phiền muộn.
Biết đạo rồi, mình hiểu một chốn an bình không thể khiến mình an bình khi tâm chưa chịu an bình. Nhưng nếu tâm an bình thì dù nơi chốn phồn hoa xốc nhiễu, mình vẫn thấy an bình. Cảnh tịnh không quyết định được sự an tĩnh cho mình, nhưng nó là điều kiện tốt giúp chúng ta điều phục tâm và lấy lại sự an bình. Nhớ lại và tìm về là mốc đầu tiên để thay đổi. Phải nói nhân duyên hiện tại của các em rất tốt. Không chỉ tới chùa để chơi mà còn được học và ngồi thiền. Mở đầu cho con đường thành Phật trong tương lai. Có thể con đường ấy không được liên tục, chưa thể phẳng bằng, nhưng nó là những dấu chấm đầu tiên đảo ngược con đường chúng sinh, giúp các em tiến dần về Đạo vô thượng.
Các em đến thiền viện cũng có nghĩa là trong gia đình đã có người biết Đạo. Một người biết Đạo có nghĩa là con đường đá sỏi chong chênh ở thế gian đã có những phiến sỏi bằng, giúp người đi qua yên ả. Một người bình an là nhân duyên để những người khác bình an. Gia đình có những con người bình an, gia đình đó bình an. Xã hội có những gia đình bình an, xã hội đó bình an. Bình an là một trong các điều kiện giúp đất nước giàu có và vững mạnh.
Thật vui!
Ai cũng thấy ấm lòng về những điều được nhìn thấy khi con đường mình đi là Bồ-tát đạo.
Có em đã nói với tôi “Tụi con chỉ biết phụ quí Thầy làm thiện sự, do làm nhiều thành quen, chứ tu thì dỡ ẹt”. Một câu nói rất chân thành, vì các em thấy mình chẳng tu gì hết.
Hì…
Chủ nhật nào cũng tập trung ngồi thiền, nghe pháp, sinh hoạt vòng tròn… mà vẫn không thấy mình đang tu. Có nghĩa các em không thấy việc đó là bó buộc, đến Đạo tràng không thấy tiếc thời gian, ngồi thiền không thấy đó là việc mệt nhọc. Đạo tràng trở thành nơi sinh hoạt ưa thích, là một cái nhân rất quí cho những cái quả sau này.
Phật pháp không cần học nhiều. Nói vậy, không có nghĩa là chúng ta không học Phật pháp nữa. Học chứ. Học đến khi nào thành Phật mới thôi. Chỉ là học phải đi đôi với hành. Không cần phải biết nhiều đến những thiền pháp sâu xa mà chỉ dừng ở sách vở hay mồm miệng. Đó là thiền chết, không lợi ích gì cho ai, chỉ khiến tăng thêm ngã tướng. Cần học vừa sức để còn ứng dụng vào đời sống thường nhật của mình.
Cái khó nhất của tuổi trẻ là gì? Tĩnh.
Vì tuổi trẻ hợp với động. Nhưng “Có động là có khổ, vì quả chẳng lìa nhân”. Luận Đại thừa khởi tín nói vậy. Mọi thứ chúng ta hiện có đây, đều bắt nguồn từ một cái động đầu tiên. Do bất giác mà tâm động, chân thể thanh tịnh liền biến thành thức. Thường và lạc biến thành vô thường và khổ.
Học pháp, ngồi thiền là để chúng ta chuyển động thành tĩnh, dần dần từ từ, không thể gấp gáp. Là cái nhân giúp ta lìa khổ được lạc sau này. Phước báu là chúng ta đã tập cái tĩnh này từ những ngày còn nhỏ và trẻ, thời gian huân tập được nhiều trong kiếp sống của mình.
Thiện nguyện cùng quí Thầy, là để đưa dần những cái động bất thiện về những cái động thiện. Một giai đoạn chuyển tiếp vô cùng quí báu.
Dù duyên nghiệp chúng ta sau này là tại gia hay xuất gia, con đường chúng ta đi chưa nhắm thẳng vào việc hoàn thành Phật đạo, thì cái tĩnh này luôn cần thiết cho mình. Nó là nền tảng của cái gọi là định tĩnh. Định tĩnh giúp chúng ta học hành dễ có kết quả, giúp chúng ta nhìn vấn đề được chính xác hơn, giúp chúng ta hoàn thiện cũng như tiến hành công việc được tốt đẹp. Định tỉnh được thì sân não không xuất hiện khi gặp việc bất như ý. Định tĩnh mang lại lợi ích cho mình và người rất nhiều trong cuộc sống này.
Sự định tĩnh mà chúng ta học lại được đặt nền tảng trên thiện nghiệp. Yêu kính Tam bảo, hiếu hạnh, yêu thương tha nhân, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Còn gì bằng!
Cho nên, cha mẹ cho chúng ta tham gia các buổi sinh hoạt thế này, là đang giúp chúng ta định hình nhân cách của mình, giúp chúng ta tạo dần hạnh phúc và phước báu cho hiện tại và tương lai, không chỉ kiếp này mà cho cả những kiếp về sau.
Chúng ta không cần học nhiều hay phải tu cật lực để rồi bỏ cuộc nửa chừng. Tu vừa sức để luôn thấy hứng thú với việc tu hành. Chơi vừa đủ để không thấy việc đến với Đạo tràng là bó buộc hay căng thẳng. Chỉ mong Đoàn càng ngày càng lớn mạnh, người trẻ hướng thiện ngày càng nhiều, việc thu nhiếp cũng như phương cách tu hành của người trên đặt ra luôn đúng đắn.
10 năm…
Không phải ngắn cũng không phải dài, nhưng đủ để chúng ta huân tập khá nhiều các thiện nghiệp, đủ để yêu thương được qui tụ và trang trải.
Mong các em biết trân trọng phước báu mình đang có.
Trân trọng, giữ gìn và sẻ chia.
Nối tiếp mãi con đường Phật Tổ đã truyền trao.
Các tin khác
-
» ƠN ĐỜI ƠN NGƯỜI (Liên Trí) (23/03)
-
» CHIM SỔ LỒNG (05/11)
-
» BIẾT SỐNG (M.Khoa) (13/06)
-
» SAO CỨ TẠO NGHỊCH LÝ CHO MÌNH? (25/04)
-
» SUY GẪM VỀ GIÀU CÓ (03/04)
-
» CÁI KHÔNG HOÀN CHỈNH VỚI TƯ KIẾN CỦA MÌNH (26/03)
-
» MỘT NỬA MỘT NỬA (26/03)
-
» CUỐI NĂM... (26/03)
-
» KHÔNG NÊN THẢO LUẬN PHẬT PHÁP TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO? (26/03)
-
» PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO (26/03)