Tản mạn đời thường
KHÔNG NÊN THẢO LUẬN PHẬT PHÁP TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO?
Nếu người, khi được hỏi một câu mà lại mắng chửi, đánh đập, nhạo báng, chụp lấy chỗ sơ hở. Nếu là người như vậy thì không có khả năng thảo luận
26/03/2017
Trong đời hành pháp của tôi, có người tôi tiếp chuyện, có người tôi không tiếp chuyện, có người hỏi tôi trả lời, có người hỏi tôi không trả lời. Không phải do tâm tôi phân biệt hay chọn lựa. Chỉ là tùy duyên mà có pháp. Tôi chỉ theo lời Phật đã dạy trong kinh Tăng Chi Bộ mà làm. Đó là bài kinh “67. Các vấn đề được nói đến. Phẩm Lớn – Chương Ba Pháp – kinh Tăng Chi Bộ”.
Trong việc thảo luận, dù ở lãnh vực nào trong Phật pháp, cũng đều có thể thảo luận. Nhưng phải xác định rõ thời mốc khi mang ra thảo luận. Là việc quá khứ, hiện tại hay vị lai.
“Này các Tỷ-kheo, có ba vấn đề này được nói đến. Thế nào là ba? Có thể nói về quá khứ, này các Tỷ-kheo, nói rằng: "Như vầy đã xảy ra trong thời quá khứ”. Có thể nói về tương lai, này các Tỷ-kheo, nói rằng: "Như vầy sẽ xảy ra trong thời tương lai". Có thể nói về hiện tại, này các Tỷ-kheo, nói rằng: "Như vầy đang xảy ra trong thời hiện tại".
Để vấn đề thảo luận được tốt đẹp thì người thảo luận phải có khả năng thảo luận. Tiêu chuẩn ấy được Phật dạy như sau:
“Với sự thảo luận, nếu người nào khi được hỏi một câu… mà không trả lời một cách dứt khoát một câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát, không trả lời một cách phân tích một câu hỏi cần trả lời một cách phân tích, không trả lời một câu hỏi ngược lại với một câu hỏi cần phải trả lời với một câu hỏi ngược lại, không gạt qua một bên một câu hỏi cần phải gạt qua một bên. Một người như vậy không có khả năng để thảo luận”.
Hoặc:
“Nếu một người, khi được hỏi một câu… mà không xác nhận là đúng hay không đúng, không xác nhận là một giả thuyết, không xác nhận là quan điểm của bậc trí, không xác nhận là sở hành thường làm. Như vậy, người ấy không có khả năng thảo luận”.
Hoặc:
“Nếu một người, khi được hỏi một câu … mà tránh câu hỏi ấy với một câu hỏi khác, hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, bày tỏ sự phẫn nộ, sân, hận, bất mãn. Nếu như vậy, người này không có khả năng thảo luận”.
Hoặc:
“Nếu người, khi được hỏi một câu mà lại mắng chửi, đánh đập, nhạo báng, chụp lấy chỗ sơ hở. Nếu là người như vậy thì không có khả năng thảo luận”.
Đó là những tiêu chí mà một cuộc thảo luận không nên tồn tại. Vì nó không mang đến kết quả tốt cho người thảo luận. Bởi thảo luận là để vấn đề được rõ ràng, tâm người thảo luận được hưởng pháp lạc nhờ đả thông được chỗ bế tắt.
Nếu cuộc thảo luận đã xảy ra những biểu hiện trên, có nghĩa là người thảo luận không có tâm học hỏi, chỉ có tâm hơn thua, cố chấp với những suy nghĩ của mình, cũng không có khả năng hiểu biết chính xác để cuộc thảo luận đưa đến kết quả tốt. Chỉ khiến người thêm sân hận. Vì thế không nên thảo luận.
Tổng kết: Phật đưa ra cái gọi là duyên để biết có nên thảo luận với nhau không?
“Với sự thảo luận, để biết một người có duyên hay không có duyên để thảo luận là: Không có lắng tai là không có duyên. Có lắng tai là có duyên. Người có duyên thì thắng tri một pháp, biến tri một pháp, từ bỏ một pháp, chứng đắc một pháp. Do thắng tri một pháp, liễu tri một pháp, từ bỏ một pháp, chứng đắc một pháp, vị ấy cảm thấy chánh giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là lợi ích của thảo luận, như vậy là lợi ích của đàm luận, như vậy là lợi ích có duyên, như vậy là lợi ích nghe lời khuyên, tức là tâm giải thoát không có chấp thủ”. Người có tâm thảo luận là người lắng tâm nghe đối phương nói với lòng nhiệt tình. Sau đó, biết rõ hơn về vấn đề dược mang ra thảo luận. Giữ lại những gì đúng pháp. Từ bỏ những gì không đúng pháp. Từ sự hiểu biết đúng pháp, thực hành để chứng nghiệm những gì đã hiểu biết đó. Sau cùng là nhận được an lạc và giải thoát.
Phật có làm bài kệ
Nói chuyện với hiềm thù
Thiên chấp và kiêu mạn
Nghịch lại đức bậc Thánh
Bới móc lỗi lầm nhau
Thích nghe nói xấu người
Người lầm, người bối rối
Người bị thua, bị hại
Bậc Thánh không làm vậy
Nếu muốn cùng đàm luận
Bậc hiền biết thời gian
Câu chuyện của bậc Thánh
Liên hệ pháp, pháp nghĩa
Người có trí nói chuyện
Không hiềm thù kiêu mạn
Với tâm không chấp trước
Không hiềm hận độc đoán
Không để tâm lơ đãng
Nói lên với chánh trí
Hoan hỷ lời khéo nói
Không vui lời vụng về
Không học cách chỉ trích
Không chụp sơ hở người
Không nhiếc mắng đánh đập
Không nói lời vu vơ
Lời nói của bậc Thánh
Vừa dạy vừa hoan hỷ
Như vầy bậc Thánh nói
Là bậc Thánh luận đàm
Bậc trí biết rõ vậy
Nói lời thật khiêm tốn
Các tin khác
-
» ƠN ĐỜI ƠN NGƯỜI (Liên Trí) (23/03)
-
» CHIM SỔ LỒNG (05/11)
-
» MĂNG TRONG RỪNG TRÚC (27/10)
-
» BIẾT SỐNG (M.Khoa) (13/06)
-
» SAO CỨ TẠO NGHỊCH LÝ CHO MÌNH? (25/04)
-
» SUY GẪM VỀ GIÀU CÓ (03/04)
-
» CÁI KHÔNG HOÀN CHỈNH VỚI TƯ KIẾN CỦA MÌNH (26/03)
-
» MỘT NỬA MỘT NỬA (26/03)
-
» CUỐI NĂM... (26/03)
-
» PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO (26/03)