Tản mạn đời thường
CHIM SỔ LỒNG
05/11/2017
Mấy bữa nay cứ như chim sổ lồng
Thư thả và yên lắng
Như cái ngày vừa được nghỉ việc ở chợ
Ngày đó không tiền, hai vợ chồng phải bươn chải kiếm ăn bằng nghề bán vàng chui. Đi sớm về khuya, ăn không ngon, ngủ không yên, khi nào cũng đối diện với sợ hãi. Cho đến khi thứ mà thiên hạ gọi là vô phước đến – bà chị chồng bị bắt – hai vợ chồng mới ngưng đi sớm về khuya, có thời gian ngắm trời một chút. Chăm non cái thân một chút. Bệnh hết cả người mà không có thời gian để coi sóc. Cứ cắm đầu cắm cổ như con thiêu thân, không biết mệt mỏi, không có tự do.
Cảm giác bây giờ cũng vậy.
Không phải việc gì to lớn. Chỉ là thoát ra được cái gọi là Phật sự. Không phải là sự giảng dạy hay giám thiền, mà những thứ gọi là thiện nguyện, công quả, và thêm các thứ linh tinh phục vụ cho cái gọi là Phật sự ấy. Mỗi ngày mỗi nhiều. Bắt đầu chiếm hết công sức và thời gian cho cái gọi là tu tập định tuệ. Đợt này thoát ra, không nhờ ai bị bắt mà chính là nhờ con bệnh của mình.
Nhờ nó, mình mới có thời gian nhìn lại những thứ mình tưởng như trợ cho việc tu hành, trợ cho việc tự lợi thêm tròn đầy. Không phải, nó đang lấn dần sang cái gọi là tu hành của thiên hạ và xâm chiếm hết cái tâm tĩnh lặng của mình. Dù không lo lắng, không phiền não thì động tâm coi ngó hay theo dõi cũng khiến tâm mình không còn tĩnh lặng. Đầu mối của bệnh tật.
May là nhờ có bệnh và nhờ cái ngã của thiên hạ vung ra kịp thời mà mình dừng được.
Công quả…
Ngoài trừ một số rất ít, đến chùa chỉ để thanh lọc thân tâm, tìm chút yên lắng cho bản thân, thì đa phần còn lại đều thích công quả, nhất là người trẻ. Vì nó thuận với cái động. Ngoại trừ khi có những đụng chạm, còn lại công quả cũng giúp người ta vui vẻ. Và càng vui hơn khi được ca ngợi tán thán. Nên giới trẻ có khuynh hướng thích công quả hơn là tu học. Phải nói có những em tham gia đạo tràng không phải vì tu tập mà vì công quả là chính. Vì thế cũng không thể bắt các em tu tập khi các em chưa muốn.
Tôi không chủ trương lấy công quả làm việc chính của mình. Vì tôi không có sức khỏe nhiều để làm việc đó. Tôi cần sự tĩnh lặng để phát triển định tĩnh và trí tuệ. Việc vừa phải thì còn có thời gian điều phục thân tâm. Việc nhiều quá thì tuy nói tĩnh lặng, nói định tuệ … thật ra chỉ toàn dựa trên phước báu là chính.
Thiếu định tuệ thì dù là một vị Hòa thượng, nhận định vấn đề vẫn sai lệch. Mọi thứ chỉ trên phước báu mà lan tỏa.
Thiếu định tuệ thì ngồi ở cương vị giảng dạy, kinh luận sẽ được giải bày lệch lạc. Nói việc thấp thấp đời thường thì còn được. Vào chỗ sâu xa liền lẫn lộn. Cái không chân nói chân, cái không chánh nói chánh… Chỉ cần đưa kinh luận ra là đã chứng minh được sai cái gì. Khó mà dạy người ta tu hành đúng đắn. Người ngu thì không phân biệt được. Kẻ trí làm sao qua mặt? Đâu phải đời này ai cũng ngu.
Vì thế chủ trương của tôi, khi làm bất cứ gì, gốc chính của tôi vẫn là làm sao qui hướng định tuệ. Việc lợi tha cũng như vậy. Không qui hướng định tuệ thì đường đi đã lệch. Càng đi càng xa...
Phí phạm thời gian vô cùng.
Các tin khác
-
» ƠN ĐỜI ƠN NGƯỜI (Liên Trí) (23/03)
-
» MĂNG TRONG RỪNG TRÚC (27/10)
-
» BIẾT SỐNG (M.Khoa) (13/06)
-
» SAO CỨ TẠO NGHỊCH LÝ CHO MÌNH? (25/04)
-
» SUY GẪM VỀ GIÀU CÓ (03/04)
-
» CÁI KHÔNG HOÀN CHỈNH VỚI TƯ KIẾN CỦA MÌNH (26/03)
-
» MỘT NỬA MỘT NỬA (26/03)
-
» CUỐI NĂM... (26/03)
-
» KHÔNG NÊN THẢO LUẬN PHẬT PHÁP TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO? (26/03)
-
» PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO (26/03)