Tản mạn đời thường

CÁI KHÔNG HOÀN CHỈNH VỚI TƯ KIẾN CỦA MÌNH

Cái không hoàn chỉnh đó trở thảnh hoàn chỉnh với người biết phản quan tự kỷ. Lợi ích hơn nhiều so với những cái chúng ta cho là hoàn chỉnh.

26/03/2017



Một người đọc sách Hòa thượng xong nói với tôi: “HT Trúc lâm chưa được chỗ rốt ráo, thành thấy mấy bài viết không nói đến chỗ tâm chứng, chỉ nói mấy chuyện "nhàn nhàn" quanh quanh”. Tôi hơi lạ vì suy nghĩ đó.

Tâm chứng mà đúng với chỗ triệt ngộ thì "tuyệt đường ngôn ngữ bặt dầu tâm hành" có thề dùng ngôn từ nói sao?

Lại, viết ra là vì lợi ích chúng sinh, không phải viết ra để trình kiến giải của mình. Mà chúng sinh thì nhiều căn cơ thể loại. Người chưa vô được thì phài nói ngũ giới, nhân quả, người vô được rồi thì nói thiền, nói tánh.

 Bản thân tôi thôi, những điểu tôi viết trên facebook không có gì cao siêu, nhưng có nguoi nhắn tin "Chị ơi, chị viết cái gì dễ hiểu cho em đọc với". Đương nhiên tôi phải đáp ứng ít nhiều. Thành facebook tôi đủ thứ kiến giải...

Những gì Hóa thượng viết ra hay nói ra, là do ứng duyên với chúng sinh mà nói. Kinh luận và chỗ tâm chứng là nền tảng. Không phải đó chính là chỗ tâm chứng của ngài để vin vào đó mà đánh giá. Chỉ là dụng của tâm chân như, do ứng cơ mà có...

Thành đọc gì, chủ yếu của người tu thiền là coi xem mình nhận được gì trong đó, phù hợp với việc tu hành của mình không. Không thì biết không phải duyên của mình. Tìm cái khác mà đọc. Khởi tâm có khi rước tổn hại vào thân.

Hồi mới đến Thường Chiếu, tôi thấy có một thương gia giàu có đến cúng dường cho Hòa thượng Thường Chiếu. Ông ta không lễ, đứng và đặt bì thơ trước mặt ngài. Tôi thấy Hòa thượng hất chiếc đĩa qua một bên... Không phải chỉ người thương gia ngỡ ngàng mà tôi cũng giựt mình vì thái độ (mà với cái nhìn của người đời là khiếm nhã). Tôi đã khởi liền cái niệm "Có cần mạnh tay quá zậy hok". May là tôi tỉnh kịp, tự buông cái niệm sai trái ấy. Nói sai trái vì tôi đang học cái gọi là phản quan. Hướng ngoại thấy đúng thấy sai… Đó không phải là bổn phận của mình lúc mình còn đang trên đường tu học.

Cái mà tôi nhận được sau đó là thấy vị ẩy với thân tướng xuất gia luẩn quẩn ở thất thầy. Nghe nói ông giao lại công ty cho vợ con, xin xuất gia...

Cái nhìn của mình có gì đúng? Thái độ mình cho là khiếm nhã đó chính là thuốc trị căn bệnh "giám đốc" của ông ta. Pháp với hình tướng nào không quan trọng. Quan trọng là dùng đúng duyên, trị đúng bệnh.

Cho nên, phải coi chừng cái khởi tâm của mình. Cái nhìn của mình đối với thế giới này không phải là cái nhìn chính xác, nó lệ thuộc hoàn toàn vào sở tri của mình.

Sở tri của mình là sản phẩm của vô minh. Tốt lắm thì nó cũng chỉ là những kiến giải dùng đề đối trị tâm bệnh của người hay của mình. Cái gì còn thuộc đối trị thì không phải thật pháp. Không phải thật pháp thì không thể dùng nó làm tiêu chuẩn để qui hướng mọi vấn đề phải theo nó. Đủ duyên thì hiện, hết duyên liền không. Chúng sinh không hiểu được đều này. Lấy sở tri của mình làm nền tảng hướng ra ngoài ấn định đúng sai cho mọi trường hợp hay hoàn cảnh. Phải thế này mới đúng, làm thế kia là không được.

Nếu mẹ tôi là một người hoàn chỉnh thì tôi không do đâu biết được pháp nào nên dùng, pháp nào không nên dùng... để trong cái duyên đó mọi việc được lợi ích nhất. Khi thừa hưởng được duyên ấy rồi, tôi không còn tâm trách cứ hay mong muốn mẹ được hoàn chỉnh. Tôi cám ơn bà về sự không hoàn chỉnh của bà. Bà như hiện thân của một vị Bồ-tát. Cái không hoàn chỉnh đó trở thảnh hoàn chỉnh với người biết phản quan tự kỷ. Lợi ích hơn nhiều so với những cái chúng ta cho là hoàn chỉnh.

Nếu Sư phụ tôi khi nào cũng trang nghiêm theo kiểu chúng sinh mong muốn, chưa chắc ông giám đốc kia dám bỏ gia sản, cạo đầu. Và tôi cũng chắng bao giờ hiểu được cái mà kinh luận gọi là "vô phân biệt làm lợi ích cho chúng sính". Cũng không hiều được tác hại của việc hướng ngoại phê bình, khi tâm mình còn chất đầy sở tri phân biệt.