Tản mạn đời thường

BIẾT SỐNG (M.Khoa)

Trần Minh Khoa

15/06/2017


Bài viết sau là của bạn Nguyễn Minh Khoa.
Nhà bạn, gốc là Đạo Tin Lành nhưng bạn lại rất thích Đạo tràng Phú-lâu-na qua các chuyến thiện nguyện. Chưa tham gia nhiều với Đạo tràng thì bạn lại có vợ. Vợ cũng theo Đạo Tin Lành.

Trong chuyến tham gia chương trình “Sinh Hoạt Phật Pháp Tại Gia kỳ 28” tổ chức tại Ninh Thuận, những lời phát biểu lý thú của bạn đã khiến thính giả vô cùng hoan hỉ. Và giờ, bạn đã thể hiện nó bằng "văn bản" như một cách thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã giúp bạn có được một chuyến đi đầy ý nghĩa...

Bài viết cho thấy, nếu chúng ta biết cách sống với nhau, biết nghĩ về nhau… thì không có hố phân hóa nào chia cách được những con người dù là khác Đạo. Nó đòi hỏi một sự hiểu biết tường tận đi kèm với một tâm vị tha.
 

Chuyến đi Ninh Thuận cùng với Đạo tràng vừa qua đã hoàn thành…

Nó đã mang lại cho tôi cảm giác khác với những chuyến đi trước.

Thực ra, ban đầu đã chốt lại là không đi. Nếu tôi chưa lập gia đình thì chắc hẳn ngay từ đầu tôi đã đăng ký đi rồi. Cũng biết rằng nếu lập gia đình, tôi sẽ bị hạn chế đi hơn so với khi còn độc thân. Đằng này vợ còn là người của đạo Tin Lành. Những ngày sau khi cưới cũng đã hứa với vợ là không để vợ ở nhà một mình. Lời hứa đã được đưa ra, thế nhưng mọi việc đã có sự thay đổi. Không hiểu sao cái hôm đó, cứ có cảm giác kỳ lạ hối thúc tôi phải đi. Cuối cùng, mọi việc đã như lòng mình mong muốn. Bằng sự thể hiện chân tình, vợ và mẹ ruột lẫn mẹ vợ đã đồng ý cho tôi tham gia chuyến đi này.
Nhớ lại buổi sáng ngày 26 tháng 5. Như mọi khi, rảnh thì xem facebook, nhưng hôm đó cảm giác thật là buồn. Vì đọc được dòng tin từ bạn Cơ trên messenger với nội dung “Danh sách nhóm đăng ký đi Ninh Thuận đầy đủ, chỉ còn thiếu mỗi anh Khoa”. Đọc xong, bản thân như thấy mình ngồi trên chiếc máy bay, từ từ cất cánh rời một nơi quen thuộc, nơi có những anh chị em được gọi là huynh đệ Đạo tràng Phú-lâu-na.

Nếu như chưa lập gia đình, trước đó tôi đã nhận lời đi không chút đắn đo. Nay đã có gia đình, đúng là việc tham gia sinh hoạt cũng có chút hạn chế. Cũng bình thường thôi, vì mình đã có vợ mà vợ mình là con cái của Chúa.

Xem xong dòng tin của Cơ, lại thấy dòng tin nối tiếp của anh Chánh Thông Giác thông báo với nội dung: Sinh hoạt Phật pháp tại gia kỳ 28 về thôn Phú Thạnh, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Đây là quê hương của ba vị Phật tử trong Đạo tràng: Anh Chánh Thuận Tâm, xuất gia tại TVTL Phụng Hoàng viện Tăng, pháp hiệu là Thích Trúc Bổn Phước. Chị Chơn Tịnh Quang, xuất gia tại TVTL Phụng Hoàng viện Ni, pháp hiệu là Thích Nữ Lâm Huyền Tắc, cả hai xuất gia cùng ngày 6/12 năm Bính Thân. Và chị Chơn Diệu Vân, hiện nay đang là người của Ban hướng dẫn Đạo tràng Phật tử Phú-lâu-na…. Đọc xong dòng thông báo, tự dưng những kỷ niệm xưa giữa tôi với cô Thích nữ ùa về.

Trước, tôi chỉ được biết cô với cái tên là Diệu Nhã hay Nguyễn Thị Bảo Quy. Lần đầu là trong chuyến đi thiền viện Thường Chiếu ngày 26/3/2016. Khi đó, tôi chỉ biết cô với tên là Diệu Nhã. Lần hai là đi hành hương và tu học 9 ngày ở miền Bắc cùng Đạo tràng, với cái tên Nguyễn Thị Bảo Quy.

Khi cô chưa xuất gia, có lần tôi đã nói với cô “khi nào có dịp thì về nhà cô”. Đến khi cô xuất gia, trong lòng lại nghĩ “không có duyên nào để về nhà cô nữa”. Vậy mà lần này, Đạo tràng lại về nơi đó. Nhưng mình lại quyết định không đi. Không biết đến bao giờ mới được đi?

Ngày chia tay cô, mà mãi sau này tôi mới biết đó là tiệc Đạo tràng làm tiễn cô, cũng là ngày tiễn chị Bảo Tâm về Bắc, cô cùng Hằng và tôi vẫn còn đi mua kem, trông cô vẫn thích đùa giỡn và rất nhí nhảnh, tôi chẳng hề nghĩ cô sắp xuất gia, vậy mà … cuối chuyến thiện nguyện vừa rồi, tôi lại được dự lễ xuất gia của cô. Cũng có vài điều mong ước nhỏ, không ngờ lại thành sự thật. Thấy nhân duyên với cô cũng thuận.

Số là tôi đã thầm mong được nhìn thấy cô vào lúc thiêng liêng nhất, khi những lọn tóc của cô rơi xuống. Nhưng người đông quá, tôi lại không quen chen lấn, nên chỉ còn cách thụt lùi. Không ngờ khi thụt lùi, lại thấy cô xuất hiện trước mặt. Đó là lúc không phải chỉ có thể nhìn được cô trực tiếp mà tôi còn là người rọi đèn để các Sư xuống tóc cho cô.

Khoảng hồi tưởng ấy khiến tôi nhận ra mình đang lạc lõng, đúng là xa hẳn huynh đệ từ sau ngày cưới. Tôi thấy mình cần phải bày tỏ ý định này với vợ và gia đình để vợ hiểu tình cảm của tôi mà đồng ý cho tôi đi trong sự hòa thuận vui vẻ.

Sau buổi nói chuyện, vợ và gia đình đồng ý cho đi. Đổi lại, tôi hứa sẽ từ bỏ nhậu nhẹt và các thói quen xấu, tôi sẽ quan tâm đến gia đình nhiều hơn nữa.

Quyết định đi, là vì cảm xúc thân thương với huynh đệ đang dâng trào, cũng là muốn về lại quê hương cô bạn nhỏ, nhưng đi rồi mới biết quyết định đi của mình là đúng đắn. Không đi được lần này, bản thân sẽ hối tiếc vô cùng.

Trước chuyến đi một ngày, tôi được biết Phật tử Chơn Diệu Vân đã có quyết định tu học và tiến đến xuất gia. Lòng thấy mừng, vì mình đã tham gia chuyến đi này. Xem như nhân duyên được về nhà bạn và được chia tay với bạn khi bạn thực hiện con đường tu học của mình.

Nhân duyên thứ hai tôi muốn nói đến là bài giảng của cô. Nói về những thói quen không tốt diễn ra lâu dần trong sinh hoạt của mình với hai từ “huân tập”. Bài giảng gợi lên hình ảnh của tôi trước kia, khoảng thởi gian trước khi đến với Đạo tràng. Tôi từng đã có những tiệc tùng thâu đêm. Quen đến nỗi mỗi ngày chỉ chờ đêm xuống là đi. Không tụ nhóm này thì tụ nhóm khác, miễn là có đi. Tôi đã từ bỏ việc này từ tháng 8 năm ngoái, không phải giờ nghe bài giảng mới chịu bỏ, nhưng bài giảng của cô giúp tôi ý thức hơn về những gì mình đã làm, nên thấy nó hay và có ý nghĩa.

Cũng vừa hiểu ra rằng, khi đã huân tập mạnh một thứ gì đó không tốt, thì khi bỏ nó đột ngột, tinh thần và thể chất của mình đều bị ảnh hưởng. Điều này giúp tôi hiểu hơn về ba. Người đã tạo cho mình những thói quen không tốt như hút thuốc, uống rượu, nói tục. Những thói quen đã được ba huân tập từ lúc 14 tuổi. Đó là những thói quen khiến ba và tôi không thể gần nhau. Tôi đã nghĩ chẳng thể nào gần ba vì những tật xấu đó cho đến khi nào ông chịu từ bỏ. Nhưng giờ nghe giảng, hiểu là bắt ba bỏ những thói quen đó không phải là việc dễ dàng khi ba đã già.

Tôi nói việc đó ra, vì nó liên quan đến lời giao hẹn giữa vợ và tôi. Số là khi đám cưới, tôi đã tặng cho cô 4 cái card giấy trắng một mặt, để vợ ghi lên những gì vợ muốn nói. Tôi sẽ thực thi dù muốn hay không muốn. Tôi muốn tránh tình trạng đã nhìn thấy trong cái xóm nhỏ quanh mình: Chồng lấn quyền vợ và ý kiến của vợ không bao giờ được thực hiện. Tặng vậy nhưng tôi vẫn mong vợ mình không phải sử dụng một tấm card nào. Vậy mà trước khi đi Ninh Thuận, vợ đã viết lên một tấm card như vầy: “Em mong sau chuyến đi này, anh về nói chuyện với ba nhiều hơn và không được bày tỏ thái độ khó chịu mỗi khi thấy ba hút thuốc hay nói tục”. Đương nhiên, tôi phải cảm ơn sau khi đã đồng ý.

Thực ra, không phải vì đổi chát chuyến đi này mà tôi làm vậy với vợ. Khi tham gia Đạo tràng, tôi cũng đã có ý định từ bỏ thái độ này, nhưng có lẽ chưa đủ duyên để thực hiện nên nó vẫn cứ đâu vào đó. Nay vợ đã nói lên ý kiến thì việc này chắc chắn phải được thực hiện. Hiểu về sự huân tập, hiểu về nổi khó khăn khi bỏ các thói quen v.v... là trợ duyên giúp tôi thấy rõ không nên duy trì thái độ cũ của mình. Vừa tránh sự huân tập cho bản thân, vừa thông cảm được nỗi khó khăn của ba. Tôi nhất định phải cởi mở và nói chuyện lại với ba. Việc đó chắc sẽ dễ hơn với tôi rất nhiều. Vì tôi đã hiểu tường tận nguyên do, không bắt ba phải thế này hay thế kia tôi mới chịu gần gũi. Thấy tôi nói lời cảm ơn về việc đó, vợ cũng nói: “Em đã đồng ý cho anh đi từ những hôm trước. Vì em biết anh chìu ý em thì anh sẽ không đi, nhưng lòng dạ anh thì rất muốn đi. Anh đi làm việc tốt, làm sao em lại cản? Em chỉ muốn nói anh đừng bỏ em quá 5 đêm trong một năm”.

Sau chuyến đi, tôi đã thấy bình thường với những gì xảy ra quanh mình. Tôi thấy tinh thần yên ổn, không còn cảm giác khó chịu và vướng bận nữa.

Chuyến đi đã để lại nhiều ấn tượng trong tôi. Từ tình cảm gia đình bạn Cơ dành cho Đạo tràng, từ những người hàng xóm hiền hòa, từ mẹ và nội của thầy Thích Trúc Bổn Phước, từ mẹ và cha của cô Lâm Huyền Tắc. Những món quà được trao tặng cho những cụ già nghèo khồ với tấm lòng qúi kính, những ly đậu nành được nấu từ lúc ba bốn giờ sáng, những mâm thức ăn thật bắt mắt ... Nó chứa trong đó biết bao tình cảm thân thương mọi người dành cho nhau. Tình cảm huynh đệ trong Đạo tràng càng thêm khắn khích qua các trò chơi ở biển. Ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh huynh đệ xếp hàng dự buổi buffet sáng với bánh ướt chay tại nhà Cơ.

Tôi đã trải qua nhiều chuyến đi đầy cảm xúc như Chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh (2002, 2003), Chương trình trung thu về Đại Ngàn (Đắk Nông và Đắk Lắc năm 2004, 2005, 2006), Chương trình tình nguyện nhân ái khám và phát thuốc nhân đạo…. nhưng đây là chuyến đi để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất. Có lẽ vì chuyến đi bắt nguồn từ những con người có tinh thần thiện nguyện mà tu học là nền tảng, nên đầy tình cảm hơn.

Qua chuyến đi, tôi không còn thấy những gì mình làm là quan trọng. Tôi thấy trân trọng những gì người khác đã mang đến cho tôi.

Chân thành cảm ơn gia đình đã thuận lòng để tôi tham gia chuyến đi này. Cảm ơn Cô, Chú và toàn thể anh em trong Đạo tràng Phú-lâu-na đã trợ duyên cho tôi tham gia một chuyến đi đầy ý nghĩa. Cảm ơn gia đình bạn Cơ và những bà con ở thôn Phú Thạnh, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Và người mà tôi cảm ơn nhất đó là bà xã của tôi. Một người rất có tình, dễ gần và cũng dễ thông cảm. Tuy bã xã tôi là người có đức tin nơi Chúa nhưng lại không có sự phân biệt. Những gì tốt thì bà xã cũng đồng tình. Tuy khác về niềm tin nhưng tôi và bà xã không đi tìm những khác biệt để phân hóa mà chỉ tìm những điểm chung để hòa hợp.

Thời gian tới, tôi nhất định phải sắp xếp lại thời gian, từ bỏ những việc không quan trọng, để có thể quan tâm đến gia đình và cùng tham gia tu học với Đạo tràng tốt hơn.

“Trồng cây thì không thể thiếu ánh sáng. Tâm tình thiện nguyện và tu học không chỉ bởi chút ít nhiệt tâm, mà phải tràn đầy và dư dã… ”.