Tản mạn đời thường

BẠN MUỐN LÀM HẠNG NGƯỜI NÀO

Đại sư Tinh Vân

26/03/2017



Có một loại người suốt đời rất thích (trên, giữa, trước). Ăn cơm thì thích ngồi trên. Chụp hình thì thích ngồi giữa. Đi đường thì thích đi trước. Gặp khó khăn thì thích cúi thấp đầu. Lúc nguy hiểm thì trốn phía sau.

Bạn bè bên cạnh bạn có người giống như vậy không?

Ăn cơm ngồi trên đầu thể hiện địa vị của mình, nhưng phải biết sự tu dưỡng của mình có đủ để mọi người “chúng tinh chầu nguyệt” không?

Chụp hình ngồi ở giữa, cũng không phải là không thể, có điều là người khác có vui vẻ tán thành không?

Đi đường đi phía trước, phải chăng ai cũng “cam tâm tình nguyện” đi theo bạn?

Nếu không phải như vậy thì nên cân nhắc lại.

Nếu ngồi không đúng chỗ, không chỉ như có kim dưới ghế, nhấp nhỏm không yên, mà sau đó bạn phải mất điểm với người khác.

Chụp hình không nên ngồi ở giữa, vì như thế bạn không kính trọng người khác, không khiêm tốn, đánh mất sự ủng hộ của họ.

Đi đường đi phía trước là tự cao tự đại, không biết kính trọng người già người trên, không biết khiêm tốn nhường đường. Đặc biết là tuổi trẻ đắc chí, không nhìn thấy hầm hố và mối nguy phía trước, chúng có thể làm cho bạn mất mạng bất cứ lúc nào.

Làm người phải không nên bắt đầu từ “trên, giữa, trước” mà nên đi từ thấp lên cao, từ bên ngoài vào giữa, từ sau ra trước. Nền tảng bên dưới chưa dày dặn, bạn không thể lên trên, lên cao, vì chỗ cao là nơi lạnh lẽo. Bạn không bắt đầu từ phía ngoài mà trong chốc lát đã chen vào giữa. Muốn soi rọi ra chung quanh ư, bạn đã tích đủ điện quang chưa? Tư lương phía sau đầy đủ, chuẩn bị hậu cần chu đáo, chúng ta mới có thể từ từ đi về phía trước.

Thiền sư Qui Sơn tuy là một thiền sư, khai tông lập phái, nhưng luôn có tinh thần “ở dưới như mặt đất”, thậm chí ngài luôn phát nguyện làm thân trâu ngựa để phục vụ chúng sinh. Có thể thấy, một người cần tích lụy ngàn vạn công đức mới trở thành bậc Bồ-tát hàng đầu.

Lập thân xử thế, xây dựng sự nghiệp đều phải như vậy. Đầu tiên, chúng ta phải ở phía sau, tu dưỡng để biểu hiện của mình dần được mọi người khẳng định. Đến lúc đó, cho dù bạn không muốn ra phía trước, người khác cũng sẽ đẩy bạn ra, đưa bạn lên chỗ “trên, giữa, trước”.

Chỗ cao luôn là chỗ khó đứng, vì nó là tiêu điểm mọi người trông vào. Nếu không có đạo đức cao vời, không có trí tuệ uyên thâm và lý tưởng lớn lao, dù ở chỗ cao bạn cũng sẽ bị người khác kéo xuống.

Con người luôn muốn tìm kiếm kiến thức, tư tưởng, tình cảm cao cả, muốn nhìn xa “tận nghìn dặm” thì phải có dũng khí chịu được giá lạnh và sự cô độc ở trên cao. Thực vật trên núi cao đều là những loài chịu được giá rét.

Người hàm dưỡng năng lực đủ, không những có thể “đứng trên đỉnh cao” mà còn có thể “lặng xuống biển sâu”. Họ cao được, thấp cũng được ; lớn được, nhỏ cũng được ; có thể quán xuyên mọi thứ triệt để trong thế gian.