Pháp đàm

NÊN HAY KHÔNG NÊN ĐẾN VỚI TÌNH YÊU VÀ HÔN NHÂN (Pháp đàm)

Quan trọng trong đời sống tình yêu hoặc hôn nhân là bản thân mình có phước hay không, mình có tu hay không? Nếu bản thân mình có phước, có tu thì sẽ gặp được người làm cho mình như ý nhiều hơn là bất như ý.

24/03/2017

PHÁP ĐÀM LẦN I
Đạo trong đời -  ngày 29/11/2016

Tiêu đề (3):
TUỔI TRẺ HIỂU ĐẠO RỒI
NÊN HAY KHÔNG NÊN ĐẾN VỚI TÌNH YÊU VÀ HÔN NHÂN

Pt Chánh Thành Ngọc:
Kính thưa Cô Chú và quý Phật tử!

Trong Đạo tràng Phú-lâu-na có rất nhiều Phật tử trẻ, nên con muốn hỏi một câu mang tính cá nhân : Những người trẻ như con ở ngoài đời, lớn lện sẽ có khuynh hướng là có một công việc ổn định rồi lập gia đình, sinh con. Đó là những cái trước mắt.

Trong quá trình đi chùa, con gặp những cô chú lớn tuổi, họ luôn có một sự tiếc nuối về tuổi trẻ. Họ bảo rằng, nếu quay trở lại con đường trai trẻ, họ sẽ đi một con đường khác. Họ không muốn lập gia đình. Họ cảm thấy ràng buộc nhiều quá. Nhưng ở lứa tuổi của tụi con thì việc lập gia đình là một việc ưa thích. Nếu mình không có gia đình thì về già mình sẽ rất cô đơn. Mình cũng không biết mình sẽ như thế nào, sẽ không có ai chăm sóc cho mình. Con muốn hỏi Cô Chú và luôn các vị Phật tử đang ở đây, đã có gia đình cũng như chưa có gia đình, như chị Diệu Thạnh, Anh Tuân, Anh Phước v.v… Con muốn nghe ý kiến của mọi người về vấn đề tình ái. Những người đi trước đã có một giai đoạn trải qua trong cuộc sống rồi, con muốn nghe ý kiến của mọi người về vấn đề này như thế nào. Những ý kiến thực tế. Con xin hết.

Pt Chánh Thông Giác:
Câu hỏi này rất hay. Con xin cô chú nhường cho mấy vị ở dưới do con chỉ định trước. Đầu tiên là những vị đã có gia đình.

Pt Minh Ngọc:
Dạ thưa Cô Chú và các Cô Chú Anh Chị ngồi đây, thực ra đến bây giờ con cũng không biết là con có yêu chồng con hay không.

Khi con đi học thì có một mình con, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hồi xưa ba ép phải vô học ở học viện kỹ thuật quân sự, điểm số của trường cao, hồi đó không có điều kiện đi học thêm. Con có khiếu về khối C nhưng phải thi học ở khối A. Vì gia đình khó khăn nên gia đình bắt phải thi vào trường đó để gia đình khỏi phải lo.

Khi con thi rớt thì bị ba la và mẹ tìm mọi cách đẩy con lên thành phố học. Một mình bơ vơ, con học Trung cấp bên trường Kinh tế. Khi đó, con mặc cảm vì bạn bè học Đại học mình học Trung cấp. Sau này ra trường sẽ như thế nào. Khi gặp một thầy tư vấn là không nhất thiết phải vô Đại học, nhà nước mở liên thông… thì con an phận.

Con quen chồng qua một người anh họ. Sau đó chồng theo đuổi và về quê thăm nhà. Lúc đó con chỉ xét về tính cách của ảnh là hiền lành chịu khó, con không tìm hiểu về gia đình. Mình cũng đang hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chấp nhận lấy luôn.

Khi về sống chung thì thực sự là cuộc sống gia đình không đơn giản. Ngoài vợ chồng hiểu nhau thì còn có các mối quan hệ khác như gia đình chồng, những người họ hàng xung quanh v.v… Nói chung, tụi con nhiều lần đã đi đến li dị. Thậm chí là ghi đơn và ký đơn rồi. Nhưng lúc đó mẹ ruột nói “Chuyện lấy chồng là do con tự quyết định. Bây giờ làm gì làm thì cũng đã có con rồi, phải nghĩ cho con mà cố gắng sống tốt hơn. Phải biết cảm hóa nhau, chớ đừng vì những lỗi lầm nho nhỏ hay những thành kiến chung quanh mà làm gia đình đổ vỡ thì uổng.

Cũng may mắn là con được đi chùa, gặp được các cô chú lớn. Cô chú cũng chia sẻ và khuyên lơn. Rồi con được gặp Cô Chú thì tụi con cũng hiểu. Dần dần khi có chuyện xảy ra, tính cố chấp, ích kỷ hay nhiều khi nổi sân thì những lúc như vậy, con nghe những bài pháp, hoặc niệm Phật, hoặc đi bộ một mình hoặc làm những việc khác mà con có thể giải tỏa ngay lúc đấy.

Lúc đầu thì con ghi thư cho chồng con, con tâm sự. Sau một thời gian ghi thư, con cảm thấy không ổn. Nên lúc nóng, con thường không nói gì hết. Lúc bình thường thì con nói một hai câu. Hoặc con chờ chồng về ăn cơm xong, hai vợ chồng sẽ nói chuyện với nhau khoảng 15’ hay 20’. Dần dần con cảm thấy gia đình ổn, anh chị em trong gia đình sống chung cũng hiểu nhau hơn, lời con nói ra ba mẹ chồng cũng nghe và ủng hộ, không như ngày xưa nói tới nói lui. Nhờ ứng dụng Phật pháp, con thấy tình hình gia đình đỡ hơn.

Chính khi cuộc sống khá hơn thì cả hai bên gia đình năn nỉ có thêm bé nữa. Giờ con cảm thấy con đã lỡ vô cuộc sống này thì tùy theo hoàn cảnh. Như Châu nói nếu có thể quay lại con sẽ không chọn con đường chong gai và khó đi như hiện nay.

Pt Chánh Thành Hiền:
Kính thưa Cô Chú và các huynh đệ trong Đạo tràng!

Con chỉ nói về kinh nghiệm của bản thân, chớ không nói đúng hay sai. Con cảm nhận được gì thì con nói cái đó.
Cuộc sống sau khi có gia đình và một thời gian đi chùa thì con có ba ý:

1/ Sau khi lập gia đình rồi thì con rất thất vọng về cuộc sống hôn nhân. Chẳng hạn khi mình quen, mình thương yêu nhau thì tối ngủ chung cũng một người đó, nhưng khi vui thì nói lời ngon ngọt, còn khi giận thì cũng chính người đó nói những câu rất đau lòng. Con thất vọng. Cuộc sống xấu xa tốt đẹp cũng từ con người mà ra.
 
2/ Cuộc sống vợ chồng, riêng con con nghĩ nó giống như miếng mật trên đầu lưỡi dao, ai thấy ngon ngọt nhào vô, vừa chạm vào miếng ngọt thì đứt lưỡi liền, cái ngọt thì ít mà cái đau thì nó kéo dài, dai dẳng.

Sau khi đi chùa con cảm nhận được cái tình cảm cái hạnh phúc trong Đạo. Nó rất sau xa, so với hạnh phúc gia đình thì hạnh phúc gia đình tầm thường quá. Nếu có con đường nào con chui ra được mà không ảnh hưởng gì tới ai, không làm ai đau khổ thì bằng bất cứ giá nào con cũng chui ra và sẽ không chui vào nữa.

Đó là ba kinh nghiệm của bản thân con. Huynh đệ nào muốn chui vô thì kiếm con con chỉ cho, đường vào đau khổ thì dễ lắm nhưng để thoát được ra con vẫn chưa tìm được đường ra.

Pt Chánh Thông Giác:
Có nhiều người lý luận rằng do con đưa micro cho những người đau khổ trong tình yêu nên nghe toàn chuyện bi đát. Giờ con xin chuyển micro cho những gia đình hạnh phúc hơn. Với cái nhìn của con, con đến nhà anh Lực Khang thì cảm nhận rằng anh chị rất là hạnh phúc. Con muốn nghe anh chị trao đổi thêm về quan điểm này như thế nào, để các bạn trẻ có cái nhìn sâu sắc hơn về cái quan điểm này

Pt Anh Lực Khang (chị):
Thưa Anh Chị và các huynh đệ trong đạo tràng

Gia đình tụi em cũng mới tham gia được với Đạo tràng PLN, gia đình may mắn có duyên đến với Đạo tràng là từ em mà ra.
Chánh Thành Ngọc hỏi là có gia đình thì nên hay không nên?

Nếu khi mình đến với Phật pháp mà mình cũng hướng được bạn đời của mình và con mình đến với Phật pháp luôn thì không sao, còn như bạn Thành Hiền thì hơi bất ổn chút.

Khi mình đã đi rồi thì mình hướng chồng hướng con mình đi theo, cả gia đình đi chung một con đường. Theo mình nghĩ đạo Phật không phải là một tôn giáo mà là một con đường, mình đi cùng một con đường thì tất cả mọi người trong nhà đều hướng đến một điểm đi chung hết. Mình nghĩ hạnh phúc hay không là do từ mình mà ra.

Pt Lực Khang (anh):
Mình xin chào mọi người, hôn nhân gia đình đối với mình nó rất là suông sẻ, không có chông gai. Từ lúc cưới vợ cho đến thời điểm hiện tại mọi thứ vẫn đều đều như vậy. Hai vợ chồng không bao giờ gây với nhau, nên mình nghĩ các bạn cứ đi kiếm vợ lấy đi.

Pt Chánh Thông Giác:
Ở đây có rất nhiều người có gia đình, chúng ta sẽ lấy xác suất có bao nhiêu gia đình hạnh phúc, bao nhiêu không hạnh phúc và Cô Chú sẽ gút lại vì sao không hạnh phúc vì sao không hạnh phúc.

Pt Chơn Như Phúc:
Kính thưa Cô Chú và các bạn đồng tu.

Con gặp chồng con là vì gia đình. Hai bên gia đình đồng cảm với nhau. Cả hai đều không yêu nhau, nhưng đều thấy gia đình đối phương tốt. Gia đình con nói nếu con có hiếu thì nghe lời gia đình lấy ảnh để trả hiếu. một năm sau thì có một bé đầu. Ba  năm sau đứa thứ hai. Gia đình chồng quay về đạo rất thương con. Chồng cũng thương nhưng con không chấp nhận, vì con thấy vô thường, bệnh đến với con, con cảm thấy sinh tử đến rất là gần. Một cơn cảm thôi con cũng cảm thấy là mình sắp chết, con thấy vậy nên bắt đầu con quay về đạo. Con nghe pháp thì thấy nghe pháp rất hay và có lợi cho bản thân con.

Lúc đầu về làm dâu con rất phiền não, vì trong nhà có một mình con. Nhưng từ ngày quay về đạo, những cảnh đó vẫn như vậy nhưng con càng ngày càng vui ra. Con có hai bé gái, chồng thương con, nhưng con không nhận vì cảm thấy không thật, giờ con muốn hướng cho hai đứa con gái con đều không có gia đình. Con nói với hai con là nếu tụi con ở vậy mẹ ở vậy, nếu tụi con lấy chồng mẹ sẽ đi xuất gia. Hai đứa con con cũng ngoan nên cũng nghe lời. Cuộc sống của con thì rất suông sẻ, nhưng từ khi biết đạo, con thấy điều đó không có thực, và con tìm thấy được niềm vui trong đạo.

(Phần kế tiếp đây là phần hỏi của Pt Chánh Hùng Lực. Hỏi về vấn đề "Trực giác". Vì phần này không nằm trong phạm vi tình yêu và hôn nhân nên nó được tách riêng để Độc giả dễ theo dõi. Xin xem tại đây)

Pt Đồng Thể:
Với vấn đề tình yêu, thật sự thì con cũng đã thua. Con lấy vợ cách đây 5 năm và có một đứa con gái được 3 tuổi. Năm nay con 36 tuổi rồi.

Về câu hỏi của Châu, bây giờ khi đã bước vào trong cuộc sống gia đình thì có điều gì để khuyên các bạn trẻ không? Thật ra cuộc sống gia đình con cũng giống một số anh chị, không có vấn đề gì quá khó khăn hoặc khổ sở, để xem hôn nhân là địa ngục hay điều gì đó không nên đi vào. Nhưng con nhìn nhận đó là sự thua cuộc của mình, lúc đó con đã không thắng được ái dục, con không thể vượt qua được. Như lời Phật dạy, nếu ở thế gian này có một điều gì đó nặng như ái dục, thì Phật không thể nào độ chúng sinh được. Và con, đã không thắng được điều đó.

Bây giờ, mỗi lần con đến gần và thấy được Hòa thượng Trúc Lâm, thật sự con vẫn rơi nước mắt. Con khóc vì cảm thấy tại sao mình có phước duyên mà không bám lấy, để tới bây giờ con càng ngày càng xa Sư ông. Tuổi của Sư ông càng ngày càng cao, sợ rằng tới lúc Sư ông viên tròn công đức rồi thì con vẫn chưa có đủ duyên để xuất gia theo Ngài.

Con đi sinh hoạt ở thiền viện Tuệ Quang từ năm 2003. Tới bây giờ đã có rất nhiều vị đi xuất gia. Trên Trúc Lâm Phụng Hoàng và Trúc Lâm Chánh Giác đều có. Các vị đó giờ con gặp phải gọi là thầy.

Ở đâu mà con nghe có bạn trẻ xuất gia thì thật sự trong lòng con rất ganh tỵ, ganh tỵ vì mình không làm được như vậy. Nhưng con biết đó cũng là do mình, con không oán trách cuộc sống gia đình khổ sở, tại sao mình lại chui vô, tất cả là do mình.

Cuộc sống gia đình con cũng có những lúc khó khăn. Mỗi lần như vậy, con nghe theo lời dạy của Hòa thượng, của Tổ và của Phật. Những điều đó là do nhân duyên của mình, mình phải tự quán xét và chuyển hóa. Với con cuộc sống gia đình không phải là địa ngục trần gian mà mình không nên đi vào. Đó là câu chuyện của con.

Còn với Châu thì anh thấy như thế này: Do mình, bây giờ em đang dự định điều gì? Xuất trần hay ở thế tục? Nếu là xuất trần thì hãy cố gắng vượt qua ái dục. Nếu chiến thắng thì mình sẽ đến được con đường đó. Đạo Phật thật sự rất hay, phải nói là Phật pháp nhiệm mầu, rất nhiệm mầu!

Đó là phần chia sẻ của con, con xin hết.

Pt Chánh Thông Giác:
Xin cảm ơn ý kiến của anh Đồng Thể, những điều anh Đồng Thể nói rớt vào tâm con, rất sâu sắc, xin mời ý kiến của bạn khác. Mời bạn Phú Xuân.

Pt Huỳnh Phú Xuân:
Dạ, em thấy mình thích thì mình làm, mình yêu thì mình cưới, đâu có gì. Vấn đề khổ đau không xuất phát từ ngoại cảnh bên ngoài, mà xuất phát từ bên trong. Em nghĩ mình yêu ai thì mình cưới người đó, nhưng phải phân biệt rõ giữa các chuyện với nhau, như chú nói: “Sở thích khởi nguồn từ ái và kiến”, đau khổ cũng xuất phát từ hai điều này: Cái ái và cái kiến của mình. Nếu mình chịu quán xét lại, thì cũng có thể yêu được tới cuối đời.

Có khi em thấy, mình khổ nhiều khi rõ được sự vô thường, nhưng cũng nhờ đó mà sức tu của mình mạnh mẽ hơn. Các thầy ở trong chùa có phước tránh được duyên, còn mình, thấy khổ nhiều quá thì sức của mình cũng sẽ tăng lên thôi chứ không có gì hết. Em thấy khổ cũng là một cách để mình tu, tu tốt hơn, có khi chịu tu còn hơn mấy thầy.

Điển hình là gia đình ngài Bàng-long-uẩn, em nghĩ là để có được cái phước tu như vậy, thì các cụ cũng phải huân tập từ nhiều đời rồi mới có, chớ không phải muốn là làm được. Nhưng mà thích thì làm được, còn đôi khi mình muốn thì chưa chắc làm được.

Em nghĩ là nếu bớt được cái ái và cái kiến của mình lại thì sẽ ít dẫn đến sự xung đột và cãi vả. Tôi đúng còn anh sai, điều đó dễ dẫn đến sự đau khổ. Khi yêu mình nên buông bớt một chút, để có thể trung hòa được mối quan hệ của mình với mọi người. Vậy thôi, yêu thì cứ yêu.

Pt Chánh Thông Giác:
Cảm ơn bạn Xuân rất nhiều, xin mời chị Chơn Thiện Minh (Ngọc) có thêm ý kiến.

Pt Chơn Thiện Minh :
Con xin phép được bổ sung, cũng là theo ý kiến của một số anh chị, cuộc sống hôn nhân gia đình không hoàn toàn là sự lầm lỡ. Ở đây không phải là than khổ hay điều gì tương tự, nhưng cuộc sống gia đình thật sự có những ràng buộc nhất định. Khi muốn làm một điều gì đó cao cả và rộng lớn, mình thường hay bị hạn chế và trói buộc vào cuộc sống gia đình. Điều này thật sự chỉ có người trong cuộc mới hiểu được.

Cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng suôn sẻ, cũng không phải lúc nào cũng đau khổ, có những lúc rất hạnh phúc. Một số anh chị chưa có gia đình và con cái có thể không hiểu, nhưng khi có con thì em cảm thấy hạnh phúc hơn. Những lúc mệt mỏi nghe con thủ thỉ, được con thoa dầu hoặc lấy cho ly nước là những điều tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng mang lại niềm hạnh phúc to lớn.

Đôi khi muốn được đi lại tự do và làm những điều mình thích, nhưng phải luôn nghĩ lại là những điều đó có ảnh hưởng tới mọi người xung quanh không? Có gây đau khổ cho người ta hay làm cản trợ cuộc sống không? Em cảm thấy mình bị thu hẹp lại trong đó.

Chuyện lập gia đình hay không là nhân duyên của mỗi người, không thể trách một ai đó đã chọn con đường này, vì muốn bỏ cũng không bỏ được. Phải là một người thật sự có định lực và quyết tâm, thì con nghĩ mới có thể dứt được, nếu không thì không thể nào tránh được nghiệp duyên hay những gì từ quá khứ.

Con cũng có một điều đã ấp ủ từ lâu, nhưng chưa thể nêu lên do mỗi lần sinh hoạt tại gia thời gian thường hạn hẹp. Con rất ngưỡng mộ Cô Chú. Sẵn hôm nay có các anh chị và các bạn trẻ, con mong cô chú cho tụi con những lời khuyên, để ai đã lỡ lập gia đình hoặc chưa, cũng có được sự định hướng tốt nhất về tương lai của mình. Con xin hết.

Pt Chánh Thông Giác:
Trước khi Cô Chú có kết luận để vấn đề toàn diện hơn, con xin hỏi thêm các bạn trẻ, những người đang ở độ tuổi tình yêu, xem các bạn nghĩ thế nào về điều này. Ở đây có rất nhiều bạn trẻ như Mầm Non, Chơn Thiện Mỹ, Chánh Nghiêm Hòa, Chánh Quán Hải, Chánh Quán Nghiêm … xin mời các bạn nêu lên quan điểm của mình. Con đang đứng ở phía này, vậy con mời Chơn Thiện Mỹ trước, qua bên kia là Chánh Quán Hải.

Pt Chơn Thiện Mỹ:
Con kính chào Cô Chú và các anh chị.

Câu hỏi của bạn Châu là một điều rất đáng quan tâm của tuổi trẻ tụi con. Con thấy nhân duyên của mỗi người mỗi khác. Có nhiều người đi vào duyên của chuyện này, nhưng không vướng mắc. Có một số người thì đi đến đâu cũng bị vướng mắc. Con là một người ở trong hoàn cảnh này, nên đã từng hỏi cô làm cách nào để cắt lìa được chuyện ái dục và đi sâu vào con đường Phật Pháp. Cô đã nói đó là do nhân duyên của con, cho nên việc của con là muốn hay không muốn, tránh hay không tránh.

Suy nghĩ nhiều về câu nói của cô, đến thời điểm hiện tại, con thấy điều đó thật sự đúng là nhân duyên của mỗi người. Yêu thương và có đến được với nhau không là nhân duyên từ kiếp trước. Trong kinh Phật cũng có nói điều này. Biết như vậy, con thường hay tự mình quán xét trường hợp của mình, khi gặp một trường hợp nào đó ở bên ngoài, con cũng tự quay lại và quán xét bản thân.

Con quan sát và nghe kinh nghiệm từ những người đi trước, có người thì hạnh phúc đến cuối đời, có người thì đau khổ đến đổ vỡ. Hiện tại con cũng đã thấy được nhân duyên của mình, hạnh phúc hay khổ đau cũng là do mình, do các pháp đối đãi với nhau. Giữa hai người đã có tình cảm, biết chuyện đó đến và không thể tránh.

Đã đến với nhau, nếu có đau khổ thì phải quán xét bản thân thật kỹ. Mình là người học Phật, học Phật để có trí tuệ thì chắc chắn không thể sống trong sự đau khổ đó mà phải sống với sự hạnh phúc và vui vẻ. Dù đến với nhau được hay không, có hạnh phúc thì mới tiếp tục lâu dài, còn không thì nên vĩ hòa di quý để nhẹ nhàng thoát ra.

Tới thời điểm hiện tại, con vẫn không kẹt giữa hai bên, tùy vào nhân duyên của mỗi người. Con rất ngưỡng mộ các bạn đã có đủ phước đức để xuất gia, con nghĩ khi đã chọn con đường này thì cần phải xác định mục đích rõ ràng, còn sự vướng bận hay không, nếu đi xuất gia theo phong trào hoặc một sở thích nhất thời thì không thể mang lại niềm vui lâu dài trong Chánh pháp. Hòa nhập với các vị tăng sĩ tu hành là điều mình chưa từng trải nghiệm, do đó thật sự phải có đủ vững chải thì mới đi theo con đường này lâu dài được.

Nếu nhân duyên của mình lúc này là gặp một người thương yêu thì mình vẫn có thể tiếp tục, ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống của hai người để hạnh phúc đó lâu dài. Nếu cả hai cũng đi trên con đường đạo thì điều đó quá tốt đẹp.

Con cảm thấy hạnh phúc hay khổ đau cũng từ chính mình mà ra, trong hoàn cảnh nào cũng biết ứng dụng được Phật pháp thì điều đó thật sự tuyệt vời. Con xin hết.

Pt Chánh Thông Giác:
Đó cũng là một ý kiến, và bây giờ, để dành thời gian cho cô chú trả lời và vài câu hỏi của một bạn nữa, con muốn tranh thủ mời anh Chánh Quán Hải có ý kiến về vấn đề này như thế nào?

Pt Chánh Quán Hải:
Con chào cô chú và quý Phật tử. Quan điểm của con trong tình yêu không có gì phức tạp. Khi yêu một ai đó, con nghĩ mình yêu cô ấy vì mục đích gì và cô ấy yêu con vì mục đích gì? Nếu như xét thấy mục đích đó hướng vào sự vô thường sanh diệt thì con nghĩ tình yêu đó nên dừng lại, còn nếu mục đích đó đi sâu vào nội tâm của hai người thì con nghĩ nên tiếp tục. Con xin hết.

Pt Chánh Thông Giác:
Xin mời anh Chánh Quán Nghiêm.

Pt Chánh Quán Nghiêm:
Chào Cô chú và mọi người.

Hôm nay con nói cũng hơi nhiều, sẵn thì con cũng chia sẻ luôn.

Thứ nhất là vấn đề xuất gia và ý chí xuất gia. Con xin nói ở khía cạnh những bạn trẻ trong đạo tràng Phú Lâu Na của mình.

Con không biết nói ra điều này ra có quá lời hay không, nhưng con cũng xin phép được nói thẳng. Nếu ngày trước cha mẹ Đức Phật khố sở, buôn gánh bán bưng cực khổ thì chưa chắc bây giờ đã có danh hiệu Đức Phật Bổn Sư Thích Ca, nên chúng ta phải suy nghĩ về việc này cho kỹ.

Việc đi tu của những người trẻ tuổi trong đạo tràng, chưa chắc là tốt với họ và cũng chưa chắc là tốt với mình, phải suy nghĩ kỹ là khi mình đi tu thì gia đình đã đủ điều kiện chưa? Đã lo được cho cha mẹ viên tròn chưa? Hay là cha mẹ phải buôn gánh bán bưng cực khổ còn mình thì bỏ đi tu, có phải là bất hiếu không? Mà bất hiếu là tội lớn nhất trong đạo Phật.

Đây không phải là bài xích mà là nói thẳng vấn đề như vậy. Đừng cho rằng cái tốt của người ta sẽ là cái tốt với mình. Không phải như vậy đâu. Mình phải suy xét cho thật kỹ, chuyện xuất gia quan trọng lắm, một khi mình đã có ý xuất gia thì mình cứ để trong lòng và đủ duyên thì đi. Thứ hai đi xuất gia thì chủ Nhật hãy cho hay. Đừng có nói từ thứ hai tới thứ Sáu, thứ bảy lại nói thôi tôi có người yêu rồi, như vậy thì mất oai danh của một người Phật tử tại gia, đồng thời cũng mất luôn uy tín ở ngoài đời, thật sự không hay.

Thứ hai là vấn đề tình duyên. Người ta nói rằng tình duyên khổ đau các thứ, bây giờ hỏi rằng nếu không có tình duyên thì ở đâu ra những vị đi tu? Cái quan trọng ở đây, giống như bạn Xuân nói, là mình yêu thì cứ yêu, giống như bài viết của Kim Hải, có bên trái thì mới biết bên phải, có đau khổ thì mới biết hạnh phúc, chớ bây giờ cứ xông xông một bên thì nó đâu có cân bằng, như vậy hoàn toàn là cái nhìn sai lệch. Cho nên thích thì cứ làm nhưng mà mình phải có trách nhiệm trong vấn đề đó.

Quan trọng là thái độ của mình khi sự việc vỡ lở rẽ đường khác, mình phải giải quyết như thế nào cho nó viên tròn, có ứng dụng được Phật Pháp vào hay không, đó mới là hay. Riêng bản thân con, lớp năm là đã biết yêu rồi, yêu cho tới đại học, thậm chí sau này cũng không thành, nhiều vấn đề xảy ra, rất nhiều gian truân khổ sở, đã cố hàn gắng năn nỉ các thứ mấy năm trời, mà cuối cùng người ta cũng đã có con, giờ em đã là vợ người ta.

Hiện nay, vấn đề yêu trong đạo tràng, con xin đính chính là không có. Nó rất là phức tạp. Cô chú nói rất đúng. Nhiều người đồn thổi là con có một mối tình đang đơm hoa nảy trái với một vị nào đó trong đạo tràng, xin khẳng định từ bây giờ là hoàn toàn không có. Có chăng là tình huynh đệ, mình cảm ứng được với người ta và người ta cảm ứng được với mình, là sự đồng cảm, thích hợp nào đó. Mình thích thì mình có tình huynh đệ với nhau, không nên đồn thổi để sau này mọi việc vỡ lẽ… lúc nào hậu quả cũng lớn gấp cả trăm ngàn lần cái ban đầu, cho nên xin khẳng định lại là như vậy.

Bây giờ, con cũng đang kiếm một tình yêu mới, nhưng mà từng bước đi rất thận trọng, xét về ba phương diện. Thứ nhất là về đạo đức. Thứ hai là quan điểm. Và cuối cùng để cho trời quyết định, là duyên số. Cho nên bây giờ đi bước nào là chắc bước đó, cũng già rồi, không dám nói là sau này mình đi tu, cũng không dám nói là tôi không đi tu, tôi muốn lập gia đình. Cái gì cũng là do bản thân mình, tùy nhân duyên, cái tốt của người ta chưa chắc là cái tốt của mình. Con xin hết.

Pt Chánh Thông Giác:
Xin hỏi là có ý kiến nào để cùng trao đổi  nữa không, trước khi Cô Chú chốt lại vấn đề?

Pt Chánh Thành Hiền:
Em xin được nói thêm, những vị quen biết em từ lâu nay, nếu nhìn em thì không thể nào nói em đau khổ được, vì em rất vui vẻ và tự tại trong cuộc sống, ít người nào biết em đau khổ. Tại vì sao? Vì em hiểu về đạo Phật, em hiểu nhân quả, cho nên em không có đau khổ, mà sự đau khổ của em ở đây là làm cho người bạn đời của mình không được vui vẻ, không hướng được người bạn đời của mình đi vào con đường mình đang đi.

Hai người đến được với nhau bởi một trong hai điều, hoặc là duyên thuận hoặc duyên nghịch. Nếu là duyên thuận thì cuộc sống bình yên, không có gì để nói. Nếu là duyên nghịch thì chỉ những người nào ở trong hoàn cảnh này rồi, mới có thể hiểu và nói được.
Thật sự để hiểu và dung hòa được điều này, em nghĩ nói không chưa đủ, phải trải nghiệm rồi mới hiểu được, cái lý nó không giống cái sự, em xin trao đổi như vậy.

Pt Chánh Thông Giác:
Xin mời anh Duy (Chánh Tuệ Quang) chia sẻ ý kiến của mình về vấn đề này.

Pt Chánh Tuệ Quang:
Kính chào Cô Chú và quý vị Phật tử.

Con mới đến nên cũng nghe được loáng thoáng, chắc chủ đề đang bàn là về tình yêu, nếu đúng thì con cũng xin chia sẻ chút ít, cũng không nhiều lắm.

Con mới theo sinh hoạt cùng Đạo tràng được khoảng 3 tháng, cũng mới bắt đầu tìm hiểu giáo lý, lời dạy của đức Phật và các bậc Thầy Tổ.

Người ta nói yêu nhau là khổ, không yêu nhau để tiến tới đạo thì sẽ đỡ khổ hơn. Ở vị trí một người đã có gia đình, con nhìn thấy được sự tự tại của những vị đã xuất gia, những huynh đệ chưa có gia đình, họ tự do và thoải mái, muốn đi chùa lúc nào cũng được, không phải bận rộn con cái, con bây giờ muốn đi chùa phải xem lại hôm nay gia đình mình đã sắp xếp mọi chuyện ổn chưa? Đó cũng là một chướng duyên …

Con nghĩ yêu thương và đến được với nhau là do duyên. Mọi thứ đều có cái duyên của nó, mọi người đến với nhau là do duyên, huynh đệ đến với nhau cũng là do duyên. Người ta có chút nợ với nhau mà cũng thành vợ thành chồng. Nếu mình ở chỗ này mà cứ ngó chỗ khác thấy người ta hạnh phúc thì mình không thể nào ổn được, thấy lúc nào cũng bất ổn. Nên tôi đang ở vị trí này thì tôi cố gắng tự tại được trong điều kiện của tôi, cố gắng làm những việc trong khả năng của tôi mà tôi thấy vui, tôi thấy có lợi ích cho bản thân và mọi người, như vậy là được rồi.

Nếu mình đang ở vị trí của một người nào đó, mình sẽ lại nhìn tiếp vị trí của người khác nữa, nên cứ nhìn qua người khác thì không bao giờ mình thấy được những gì mình đang có, nên thôi hãy quý những gì ở hiện tại.

Mình áp dụng và nương theo lời dạy của đức Phật và các bậc Thầy, để tự mình thay đổi. Đối với con, trong cuộc sống hôn nhân lâu lâu cũng có những trục trặc, con cũng đang tự chuyển hóa chính mình trước, thay vì hy vọng người ta sẽ chuyển. Con xin hết.

Pt Chánh Thông Giác:
Xin cảm ơn anh Duy rất nhiều, xin hỏi lại là còn ai có ý kiến gì nữa không?

Con cũng thưa với Cô Chú và toàn thể Phật tử là chúng ta rất là vui, trong buổi pháp đàm này có các cô trong xóm này cũng xuống đây nghe với mình. Xin mời chị Liên Thủy cho ý kiến.

Pt Liên Thủy:
Kính thưa cô chú, kính thưa đại gia đình Phú-lâu-na thân thương.

Đến với buổi Pháp đàm hôm nay, trước khi quay lại chủ đề chính, con xin góp ý kiến của con trong câu hỏi của bạn Châu là như thế này.
Nãy giờ trong tất cả những ý kiến, cũng thấy mọi người nhận thức được tất cả đều là do nhân duyên, cộng thêm còn có căn cơ, người xuất gia và người tại gia đều có những căn cơ và chủng tử riêng khác nhau, chớ không phải tất cả đồng như nhau.

Thêm nữa, Phật dạy là tứ chúng đồng tu, chúng ta cũng yên tâm, nếu nhân duyên của chúng ta tới, nhân duyên của chúng ta có sự ràng buộc thì chúng ta cũng không thể né tránh được, thực tế chúng ta thấy trong các thiền viện và chùa chiền, có những bậc đã xuất gia rồi mà cái nhân duyên họ vẫn còn, vẫn có thể quay ra được.

Còn chúng ta ở tại gia, trước mắt thấy Cô Chú vẫn có sự ràng buộc, nhưng vẫn có sự tu tập rất tinh tấn và tiến bộ, cũng đạt được một mức độ nào đó gọi là giải thoát, bớt được tham sân si, bớt những tập nghiệp của mình.

Nếu phân tích kỹ ra, chúng ta nói kết duyên vợ chồng hay người yêu với nhau là rất khổ, tại sao vậy? Trước tiên là cái ngã của mình muốn rồi đó, nếu không muốn thì chúng ta đâu nghĩ đến việc có người yêu, tại mình thích nên đó là cái bản ngã. Trước tiên là thích, rồi yêu, rồi muốn lấy, muốn sở hữu, đó là tới cái ngã sở. Từ cái ngã đến cái ngã sở để mình gìn giữ, duy trì nó bình yên thì rất là khó.
Thôi thì nhân duyên chúng ta tới đâu thì tính tới đó. Chúng ta cùng nhau giải quyết. Quan trọng là cùng hướng về đạo, cùng nhau tu, tứ chúng đồng tu, ở tại gia chúng ta tu vẫn tốt chớ không có vấn đề gì để lo, chúng ta cũng đừng băn khoăn quá, vấn đề này con xin thưa tới đây.

Trở lại vấn đề trọng tâm hôm nay của buổi Pháp đàm, chủ đề: Phật tử tại gia - đạo trong đời.

Con xin quay trở lại nhân duyên của buổi Pháp đàm này. Một lần trong buổi lễ an vị Phật tại nhà một vị Phật tử, bạn Kim Hải có đưa ra ý kiến là mong Cô Chú và các huynh đệ – những vị đã có kinh nghiệm trong công phu tu tập, chia sẻ kinh nghiệm của mình, để các bạn trẻ nương theo đó mà tu tập, có được sự lợi lạc cho bản thân mình.

Sau khi nghe câu nói đó, con có trao đổi với huynh Phước, con nói là nghe Kim Hải nói như vậy thì rất là thương và băn khoăn, vì lẽ thường trong cuộc sống là chạy theo ngũ dục lục trần, chúng ta dễ trôi lăn trong cám dỗ của sự ăn chơi và đua đòi, cái ngã của mình sẽ tăng lên rất nhiều, mình ăn chơi và làm những việc không có lợi ích cho mình, cho gia đình và cho xã hội.

Kim Hải đặt câu hỏi như vậy rất hay, con thấy mình có phần trách nhiệm nếu như thật sự đang bước đi trên con đường học đạo.

Con cũng xin thưa riêng với Kim Hải để không phải băn khoăn nữa. Trong vấn đề kinh nghiệm công phu tu tập, cái lý của những người đi trước có thể nhiều hơn, nhưng có trường hợp căn cơ của những Phật tử mặc dù đi sau nhưng chủng tử sâu dày hơn, thì sự tu tập của họ cũng có những lợi lạc riêng, chớ không nói là người đi trước có kinh nghiệm và công phu sâu sát hơn.

Con xin thưa Cô Chú, thưa cả nhà, thưa với bạn Kim Hải, nếu như nói về kinh nghiệm và công phu tu tập của riêng bản thân con, trước tiên con thấy mình đang sống trong gia đình với nhiều gia duyên bận rộn, mình nên đối xử với những người thân trong gia đình, hoặc những người xung quanh mình bằng tất cả tấm chân tình thì nó sẽ có sự tương ưng. Đối với người ngoài, mình đối xử với họ bằng sự chân thành thì họ sẽ đối xử với mình bằng cả tấm lòng của họ. Mình tập sự cho và nhận, giữa người lớn và người nhỏ, giữa người thân và người xa.

Với những đứa trẻ trong nhà, không thể nghĩ một phía là mình muốn cho nó một cái gì đó, mình lo cho nó vì trách nhiệm là xong. Muốn cho nó ăn một cái gì, cứ nghĩ là mình làm, mình nấu nướng cho nó đầy đủ thì là đủ rồi, mình phải quan tâm là nó thích ăn cái gì. Hay khi mình mua quà cáp về cho nó, không phải mua về là đủ, mình phải biết cái sở thích của nó. Ngược lại, nó cũng muốn thể hiện tình cảm của nó, đó là một câu hỏi thăm hay sự chia sẻ, thấy cha mẹ làm việc thì nó cũng muốn phụ lau nhà rửa chén, mình cũng cần phải đón nhận. Những chương trình ti vi v.v… mình thích, nhưng mình không nên áp đặt, mình muốn nhưng mình cũng phải để ý là nó có thích hay không, hay nó có sự thể hiện được sự chia sẻ của nó không, đơn giản là như vậy.

Thứ hai, nếu chúng ta là một Phật tử học đạo thì ít nhiều chúng ta phải học giáo lý, có giáo lý thì chúng ta mới có cái để quán chiếu và học hỏi. Lúc đó mới có sự chuyển hóa trong thân và tâm của mình, đó là sự lợi lạc rất cần thiết, là phương tiện đưa đến cứu cánh.

Bây giờ nếu nói tu rốt ráo không còn nghĩ tới giáo lý nữa thì thật sự đến lúc đó còn rất xa, trước tiên cái ở bước sơ cơ chúng ta phải có một cái căn bản nào đó thì tùy theo căn cơ của mỗi người. Con xin thưa với cả nhà như thế này, có những cuốn sách, những cuốn luận của những bậc Tôn túc soạn ra theo trình độ của những người mới vào đạo, chúng ta có thể tìm đọc, như là ‘Bước đầu học Phật’ của Hòa thượng Tôn sư, hoặc là bộ ‘Phật học Phổ thông’, trong đó sẽ có những điều rất cần thiết cho những Phật tử mới đi vào con đường đạo, chúng ta sẽ lấy sự căn bản này để nương theo đó mà tu học.

Về sự công phu tu tập hằng ngày, con thấy mình đã sống nhiều đời nhiều kiếp rồi, vô tình hay cố ý đã tạo ra nhiều sai lầm cho những chúng sinh của mình. Phật dạy trong đạo Phật, nhân quả là chính, nên con thấy việc lạy sám hối rất hay và tốt, mỗi ngày con vẫn lạy sám hối. Đó là cái kinh nghiệm của con, con xin chia sẻ riêng với bạn Hải tại vì bạn muốn biết về công phu hay kinh nghiệm tu tập.

Cuối cùng con thấy nếu mình ham tu, ham học đạo thì trong hoàn cảnh nào mình cũng tu được, chứ không phải là lên bồ đoàn tọa cụ thì mới là tu, thật ra bộ đoàn tọa cũ vẫn rất cần thiết để chúng ta có những thời gian thật sự thanh tịnh, để chúng ta quán chiếu thân tâm và tri vọng thì rất hay. Nhưng nếu chúng ta không đủ thời gian để ngồi thiền và quán chiếu, thì chúng ta vẫn có thể tu được trong tứ oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi.

Tu là khi mình giữ được tâm ý thanh tịnh, làm việc với sự ứng dụng của Phật Pháp vào trong đó. Nói những lời nói ái ngữ là biết mình đang chánh niệm và chánh ngữ. Làm việc thiện là biết mình đang tăng trưởng nghiệp thiện. Đối với những việc không nên làm, mình dừng lại thì biết là mình đã không tạo thêm nghiệp. Đó cũng là tu chứ không cần thiết mình phải lên bồ đoàn tọa cụ, nhưng bồ đoàn tọa cụ vẫn là cần thiết, tùy theo hoàn cảnh của bản thân mình và việc sắp xếp được thời gian để tu.

Thưa với Cô Chú và cả nhà, theo con tất cả là do nhân duyên và quả báo của mình. Có nhân ra quả thì phải có duyên, mình cần quán chiếu những điều thấy được trong cuộc sống. Chẳng hạn, khi thấy một người bị nạn, trước tiên nghĩ rằng đó có thể là cái nhân không tốt họ đã gieo trong đời trước, nhưng xin thưa, nhân quả đủ duyên thì nó tới, nhưng cũng có những trường hợp khác, có khi là mình trả quả do nhân đã tạo, có khi là người khác gieo nhân với mình, không hoàn toàn là việc trả quả.

Nên chúng ta nhìn thấy một sự việc, biết vậy thôi, không nên khởi tâm rằng một người gặp nạn nhiều thì quá khứ họ đã gieo nhiều nhân xấu, thật sự có cái quả nhưng vẫn có cái nhân của tác động khác gieo cho mình nữa. Hiểu được như vậy để dễ chia sẻ và cảm thông với nhau hơn. Chứ đừng thấy như vậy mà mình xa lánh, mình nói người đó như thế nào đó nên có cái hậu quả như vậy thì không nên.
Đó là những hiểu biết cạn cợt của con, thì con xin thưa với cô chú và cả nhà, nếu như có điều gì sai thì mong cô chú và cả nhà góp ý, để chúng ta cùng nhau sửa đổi và nhau tu tập.

Con xin thưa một vấn đề nữa, nếu đúng theo tế nhị thì con sẽ nói riêng với bạn Kim Hải hay những bạn khác, nhưng không biết khi nào mình có thể khởi lên được, vì điều này rất quan trọng, con nghĩ là do chúng ta quên hay do chúng ta chưa hiểu hết.

Con được nhắc nhở thế này: trước một pháp hội hay một đạo tràng, chúng ta có thể dùng từ “Kính thưa Đạo tràng” hay “Kính thưa quý Phật tử”, không nên dùng cái từ “Kính thưa đại chúng”.

Nhân duyên của việc này như sau: ngày cúng thất 21 ngày của thân phụ chị Huyền Lê, trong bài tác bạch cúng dường, có đoạn người thân đọc “Thưa quý thầy, chư Tăng chư Ni cùng đại chúng”. Sau đó con có duyên vào thất của thầy Đạo Tâm, thầy mới nhắc tụi con là Phật tử không nên dùng từ “đại chúng” trước mọi người như vậy, từ “đại chúng” là do một người thầy nói trong Pháp hội, chứ chúng ta không nên dùng.

Việc này con có thể tế nhỉ nói riêng với bạn Kim Hải hay những bạn khác, nhưng thật ra con sợ mình không đủ thời gian và cơ hội để nói với từng vị. Chỉ sợ một duyên nào đó chúng ta lại dùng tiếp từ này thì lại không hay. Con cũng xin lỗi vì đã nói thẳng vấn đề này, mong bạn Kim Hải hoặc ai đó dùng từ này cũng hoan hỷ bỏ qua, đây là ý kiến thật lòng con xin đóng góp, mong là mình né tránh được cái sai để học hỏi thêm. Trên đây là ý kiến của con, con xin hết.

Chú Chánh Tấn Tuệ:
Vì lý do chúng ta cũng không còn nhiều thời gian, một số người phải đi Hà Nội tối nay. Nhưng ở đây có câu hỏi: Những bạn trẻ nên hay không nên đến với hôn nhân? Nên đi thẳng vào đạo hay không? Là một câu hỏi rất hay, để trả lời cho hết thì sẽ mất khá nhiều thời gian, nên chú xin hẹn lại vì chúng ta không còn nhiều thời gian. Hôm nay chỉ để Cô trả lời ngắn rồi chúng ta còn hai câu hỏi nữa, bây giờ để cô trả lời ngắn gọn chỗ này, nhưng chỉ là nói chung tổng quát, chúng ta còn bữa sau để trả lời nữa.

Cô Chân Hiền Tâm:
Vấn đề vừa rồi đưa ra tham khảo, chúng ta thấy cuộc sống vợ chồng không hẳn không có hạnh phúc, đúng không ạ? Ngay cả những gia đình thường xuyên khổ, nhưng chỉ cần vui vài phút là quên ngay cái khổ, đó là thực tế đúng không? Hòa rồi cũng sống với nhau, khổ vì gây lộn nhau, rồi lại hòa nhau nữa.

Các bạn trẻ như Xuân thì bảo cứ yêu đi, còn các bạn khác thì cũng vẫn còn đề cập đến tình yêu. Giờ Cô trả lời chung:

- Thứ nhất, nếu muốn có hạnh phúc, điều quan trọng giống như chú nói là phải chú trọng đến cái ái và cái kiến. Một gia đình hạnh phúc được, là nhờ có tình thương và tình yêu. Nhờ đó, người ta có thể bỏ qua cho nhau những lỗi lầm.

- Thứ hai, đồng quan điểm thì sẽ hạnh phúc, không phải chống đối nhau. Nếu như tư kiến quá khác biệt quá thì sẽ dẫn đến những mâu thuẩn. Chẳng hạn, người chồng cho rằng đi chùa thì sẽ có phước, nhưng người vợ lại nói “không đi chùa, ở nhà làm việc giúp tôi là có phước rồi”. Chỉ cần chừng đó thôi là vợ chồng đã hụt hặt với nhau rồi.

Có một thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận, là khó để tìm được một người vừa yêu được mà vừa đồng quan điểm được với mình. Rất là khó. Nhưng không phải không có. Vì thế giới này là thế giới tương đối, có cái này thì có cái kia đối lại. Thế nào cũng có, chỉ là ít hay nhiều mà thôi.

Vấn đề này, rút lại từ lời của các bạn trẻ, cũng như là kinh nghiệm của bản thân tôi, nói đến nhân duyên vợ chồng, thật ra có cái định nghiệp nữa, ví dụ như vị thầy nào nói với Đồng Thể, nghiệp của anh chàng này là chưa đi tu được, kiếp này phải có vợ, có cái định nghiệp chứ không phải không. Nhưng cũng có những nghiệp không phải là định nghiệp, nghĩa là bên này cũng được, bên kia cũng được. Quan trọng là ý chí của mình đi bên nào, nó thuộc về bất định nghiệp. Một vị thầy nhìn một người và thấy rằng vị này không đi tu được, việc đó là có, nhưng thường người ta không nói thẳng ra mà vẫn khuyến khích...

Đối với vấn đề vợ chồng, mình phải thấy rõ rằng nó có cái nhân duyên từ kiếp quá khứ. Nếu nó là một loại định nghiệp thì mình không tránh được. Loại nghiệp đó sẽ thắng mình, mặc dù mình vẫn thấy rằng vấn đề xuất gia là tốt.

Với cái nhìn của cô thì có vợ chồng cũng được, không có vợ chồng cũng được.

Vấn đề là gì? Là mình có tu hay không, mình có phước hay không? Nếu mình có tu, mình có phước, thì gia đình của mình sẽ hạnh phúc.

Đơn giản như Cô với Chú, thật tình mà nói chú là một người rất tốt, nói thật là không thể kiếm được người thứ hai như chú, để tụi con biết rằng đối với chú, cô đã có một suy nghĩ như thế nào, nhưng mà cô lấy chú thì cô rất khổ. Chính vì khổ mà cô mới đến với đạo. Nếu không khổ thì cô không đến với đạo.

Vì sao vậy? Vì bản thân mình, cái chướng ngại trong mình rất nhiều, chẳng hạn mình luôn luôn muốn hơn chồng, hoặc mình luôn luôn muốn ăn hiếp chồng.

Nhưng người ta ai cũng có một mức chịu đựng vừa phải, nếu quá mức ấy thì người hiền lành cách mấy cũng không chịu được. Thành ra bản thân mỗi người mình phải tu và tu cho đúng. Dù mình có gia đình hay không có gia đình thì mình vẫn sống được và sống hạnh phúc. Mình có đạo thì mình cùng nhau tiến về đạo, phát Bồ-đề tâm để cùng nhau hoàn thành Phật đạo trong tương lai.

Quan trọng trong đời sống tình yêu hoặc hôn nhân là bản thân mình có phước hay không, mình có tu hay không? Nếu bản thân mình có phước, có tu thì sẽ gặp được người làm cho mình như ý nhiều hơn là bất như ý. Đó là vấn đề bản thân mình phải tu.

còn có những cái duyên biết rằng là khổ đó nhưng vẫn đi vào. Đó là do điều gì? Là do nghiệp của mình, mình biết là khổ nhưng mình vẫn đi vào, lấy về rồi khổ, do nghiệp của mình quá mạnh và mình thấy như vậy. Giờ cũng chỉ có tu thôi, tu để chuyển nghiệp, và muốn tu để chuyển nghiệp thì bản thân mình phải tu chớ không phải là bắt người ta tu. Mình tu trong bản thân mình chớ không phải là bắt người bạn đời phải tu. Khi mình tu được thì người bạn đời sẽ chuyển. Cảnh ở ngoài là do tâm của mình ứng hiện ra. Nếu mình tu được và tu đúng thì người bạn đời sẽ chuyển.

Trường hợp của Chánh Thành Hiền, tôi gặp vợ cậu rồi. Tôi nghe diễn tả thì vợ cậu rất dữ, nhưng mà tôi gặp con bé đó thì tôi rất thương. Tôi thấy là những hành động mà cậu cho là dữ đó, chẳng qua là thể hiện sự yếu đuối mà thôi. Nó chỉ biết thể hiện những điều mà nó không vừa lòng theo cách đó. Nó không có trí tuệ. Thành ra nó rất là tội và tôi rất thương nó. Tôi chỉ nói với nó một câu thế này: “Nếu như con cảm thấy mình không có hạnh phúc thì con hãy điện thoại cho cô, cô sẽ la Chánh Thành Hiền”. Tôi không hề nói với nó là con phải thế này phải thế kia. Tôi không hề nói vậy. Tôi chỉ nói là có cái gì thì con điện thoại cho cô, cô sẽ bảo Chánh Thành Hiền.

Chánh Thành Hiền là một con người rất tốt, nhưng tại sao cô ta vẫn khổ, chắc vì cậu này giống ông xã tôi. Tốt quá, nhưng những nhu cầu của một người phụ nữ cậu ấy không làm được. Nhiều khi chuyện đó rất nhỏ nhưng họ không biết, vì tâm của họ tu lâu, đã quen như vậy rồi, họ sống trong đời thấy như vậy là tốt, nhưng thật ra người phụ nữ cần những cái khác hơn nữa, như là sự âu yếm v.v… Những điều này họ không có, trong khi người phụ nữ lại cần.

Thành ra Chánh Thành Hiền có gia đình như vậy, bản thân cậu ấy không khổ nhưng mà người vợ cậu ấy khổ, và cậu cũng cảm thấy điều này. Tôi nhìn con bé đó tôi rất thương. Nó khổ thật sự. Bây giờ giai đoạn này mình phải làm sao kéo nó để cho nó xả bớt. Như bản thân tôi, sau này tôi hạnh phúc. Vì sao? Không phải là do ông chồng tôi thay đổi. Từ trước đến giờ ổng vẫn vậy. không tham, không sân. Ông này được một cái đó, nhiều khi tôi cầm cái bàn ủi tôi quăng vô mặt ổng, ổng vẫn bình thường. Thành bản thân người vợ phải chuyển đổi,  phải xả bớt ra, thì tự nhiên mình thấy hạnh phúc thôi.

Ngược lại cũng vậy, người đàn ông trong gia đình đòi hỏi vợ cái này cái kia, bây giờ phải xả bớt ra, tự nhiên mình thấy hạnh phúc thôi.
Thành ra đối với tôi thì tôi không hoàn toàn bác bỏ chuyện có gia đình, vì cái gì cũng có giá trị của nó. Bây giờ nếu cho tôi trở lại ngày xưa, hỏi có lấy chồng hay không mặc dù đã khổ như vậy, tôi nói tôi vẫn lấy, tôi không hề luyến tiếc gì cái thời gian tôi khổ. Vì sao vậy? Nếu như tôi không khổ thì tôi không đến với đạo. Nếu tôi không khổ thì tôi không hiểu rằng mình phải làm gì để hết khổ. Thành ra những người trẻ hỏi tôi rằng giờ con muốn có vợ, nếu tôi nhìn tôi thấy được rằng cái đó là cái nghiệp của nó thì tôi gật đầu.

Về vấn đề gia đình, thật ra đến bây giờ tôi không luyến tiếc vì đã lấy một người chồng như vậy, vì ông ta quá tốt. Việc tôi khổ là do tôi chớ không phải do chồng. Cho nên bây giờ mình chỉ có tu và mình làm sao để bản thân mình tự chuyển hóa, để mình gặp một nhân duyên tốt hơn.

Cái quan trọng ở đây, với tụi con cô không bảo rằng có gia đình hay không gia đình, mà tụi con dù có gia đình thì cũng không nên rời Đạo tràng. Đó là cái điều quan trọng. Vì Đạo tràng là nơi để tụi con tìm phước, tụi con có hạnh phúc.

Ngoài ra chính sự tu tập, nghe giáo lý, nghe Hòa thượng Thường Chiếu hoặc Ni sư Hạnh Chiếu giảng, tất cả những việc đó đều mang lại lợi ích cho gia đình tụi con, giúp tụi con xả cái ngã ra để hạnh phúc. Cho nên, yêu cũng được mà không yêu cũng được, đi tu cũng được mà không đi tu cũng được. Nhưng tất cả đều phải tu. Đó mới là điều quan trọng. Tu và làm phước. Đó là ý kiến của cô.

Chú Chánh Tấn Tuệ:
Đây là câu hỏi lớn, và vì chúng ta hết thời gian, nên kỳ tới nếu có dịp thì chúng ta tiếp tục giải quyết câu hỏi này. Với người chưa lập gia đình, thì nên hay không nên lập gia đình. Với người đã lập gia đình rồi thì nên hay không nên chui ra, hay tiếp tục ở lại dù là hạnh phúc hay khổ đau.

Thật ra, đặt hai hướng chính như vậy, nhưng đi vào chi tiết nó sẽ có nhiều trường hợp khác nhau, nên sẽ mất rất nhiều thì giờ để giải quyết. Hôm nay vì hết thời gian, nên chú xin dời lại, hẹn lại vấn đề này. Bây giờ còn câu hỏi nào?

Phần thảo luận kế tiếp xin xem mục : GIẢI TRỪ SÂN HẬN.