Pháp đàm

GIẢI TRỪ SÂN HẬN (Pháp đàm)

Nếu không nợ trong quá khứ thì đời này họ không lợi đụng được, cho dù tâm con tốt hay không tốt. Bây giờ tại sao họ lợi dụng được? Vì quá khứ mình đã có những việc làm không tốt, chẳng qua là họ tới họ đòi nợ...

24/03/2017

PHÁP ĐÀM LẦN I

Tiêu đề (5) :
LÀM SAO ĐỂ TRÁNH TÌNH TRẠNG LÀM THIỆN MÀ BỊ LỢI DỤNG VÀ TRỊ SÂN HẬN.

Pt Chánh Thông Giác:
Thưa với cô chú cùng toàn thể quý Phật tử, một bạn trẻ mới bắt đầu tham gia đạo tràng mình có hai câu hỏi rất hay và dễ thương. Con nghĩ cô chú cũng nên từ bi trả lời cho em thỏa mãn.
 
Câu hỏi thứ nhất: Thưa Cô Chú cho con hỏi, riêng bản thân con, để áp dụng đạo trong đời rất khó, bởi khi hiểu đạo mình muốn làm việc tốt, muốn giúp đỡ người khác. Một số người biết điều đó nên họ lợi dụng mình, thành ra con cảm thấy áp dụng đạo vào đời không thiết thực cho mình lắm, vì như vậy con giống như người ngu ngốc, còn khi con tính toán thì người ta lại nói là con “điếm”, nhưng như vậy, con lại thấy mình bảo vệ được bản thân, Cô Chú cho con hỏi mình phải làm như thế nào?

Câu hỏi thứ hai: Cô Chú cho con hỏi, khi nổi sân thì mình phải làm như thế nào, con rất sân, và khi sân lên thì con hay làm những việc hơi bậy một chút, con hay bất chấp hậu quả, xin cô chú chỉ dạy giúp con hai câu hỏi, con xin chân thành cảm ơn cô chú.

Chú Chánh Tấn Tuệ:
Câu hỏi thứ nhất là việc ứng dụng đạo vào đời khó, mình muốn làm việc tốt cho người khác nhưng họ cứ muốn lợi dụng tâm tốt của mình, mình làm việc tốt mà trước mắt mình bị tổn hại, không được lợi ích gì. Bây giờ trong trường hợp đó thì như thế nào?

Chú trả lời thế này: Tất cả đều có nhân duyên, mình có cái tâm tốt đó là nhân, nhưng cái tâm tốt là cái nhân này không thể cho liền quả tốt. Thật ra với cái nhân, cái ý niệm tốt đó cũng là mình mới bắt đầu làm việc tốt thôi, là gieo cái nhân, thật sự đến khi nó cho ra cái quả tốt thì còn mất thời gian nữa. Trong khi đó với cái tâm tốt, mình gặp những người mà quá khứ mình đã không tốt, nên bây giờ họ đến đòi nợ.

Thật ra, nếu không nợ trong quá khứ thì đời này họ không lợi đụng được, cho dù tâm con tốt hay không tốt. Bây giờ tại sao họ lợi dụng được? Vì quá khứ mình đã có những việc làm không tốt, chẳng qua là họ tới họ đòi nợ. Hiểu như vậy để mình rút ra thế này: Cho dù người ta có tốt hay không tốt, có lợi dụng hay không lợi dụng, việc gì mình làm tốt thì mình cứ nên làm, vì đây là gieo nhân tốt.
Hiện tại khi làm việc tốt, gặp những chuyện bức xúc, những chuyện xâm phạm, thì cứ hiểu rằng đây là cái quả của quá khứ, hiểu như vậy thì mới thay đổi được cuộc đời mình. Nếu không, mình cứ nghĩ rằng người ta tốt thì mình mới tốt, người ta không tốt thì mình không tốt thì mình cứ chìm đắm trong con đường thế gian, mà con đường này càng ngày càng xấu.

Chú trả lời như thế này là vì chú muốn nói đến lý Nhân quả. Hãy kệ những điều không như ý đó, họ lợi dụng được gì thì họ cứ lợi dụng. Nói như vậy, không phải là con không có cách để đối phó, con đừng sợ rằng mình có lòng tốt, chỉ sợ rằng mình không dám kiên trì với những ý niệm tốt của mình thôi. Khi làm tốt thì trước mắt mình phải quên bớt mình đi, phải bỏ ra, nếu cảm thấy bị thiệt hại thì cũng nên chấp nhận, làm tốt thì không thể đòi hỏi ngay việc không bị tổn hại, không bỏ ra cái gì. Hiểu như vậy mình mới có cái nhìn nhất quán về việc làm tốt.

Câu hỏi thứ hai, là về cái sân. thật sự mà nói, sân là bệnh rất khó trị, thứ nhất là nó khó trị, thứ hai là nó bộc phát rất nhanh. Nhiều khi mình nghĩ rằng đi chùa thì mình sẽ không sân nữa, nhưng vừa nói xong cái là sân liền, đụng chuyện chưa gì hết là đã sân, nên trong đạo Phật mới dùng từ “lửa sân”.

Sân diễn biến nhanh lắm, vừa bộc phát là đã thiêu hết rồi, nếu hiểu được tính chất của nó thì mình mới có sách lược để đối phó.

Cũng khá đơn giản, bây giờ cứ một lần sân thì mình biết là mình sân, dù là mình đã sân rồi, thông thường mình biết là đã sân, miệng đã nói, tay chân đã quơ lên quơ xuống rồi, bây giờ mình bắt đầu tập biết, khi mình đang sân mình biết mình đang sân, đó là việc đầu tiên mình cần phải làm. Việc thứ hai là dù bây giờ sân mình nói thế này thế kia, cứ để miệng nói tay làm, nhưng mình biết rằng mình đang có lỗi, chưa ngăn cản được gì nó hết.

Thứ nhất là biết mình sân, thứ hai là mình biết rằng mình có lỗi, bằng cách thức đó dần dần mình sẽ nhận ra sớm hơn và làm chủ được nó.

Thông thường, mình có cái bệnh là khi sân lên mình hay biện hộ cho cái sân của mình.Ví dụ: “Nói như vậy mà tôi không sân thì không được, tại người ta”. Bây giờ mình không như vậy nữa, mình chỉ biết rằng mình sân là mình có lỗi, còn người ta như thế nào thì kệ họ, mình không biện minh nữa, về sau dần dần cái chánh cái kiến của mình mới thay đổi. Mình phải hiểu rằng cứ sân là có lỗi, cứ sân là không tốt, thì dần dần mình sẽ làm chủ được, phải hình thành một cái chánh kiến, một cái quan điểm rằng sân là có lỗi, bằng cách đó dần dần mình mới làm chủ được cái sân, mỗi ngày mình biết sớm hơn, mình làm chủ được hơn.

Điểm thứ hai là khi sân thì mình dễ làm bậy, mà dễ làm bậy là do cái duyên bên ngoài đưa tới, nên những lúc mình cảm thấy sân và không muốn làm bậy thì cố gắng tránh hết mọi người, tránh hết mọi duyên. Nếu không thì nhiều khi đang ghét cô người yêu, vừa nói chuyện xong tức quá, vô nhà gặp thằng em đá nó một cái cho hả giận… Bây giờ mình cố gắng tránh hết, đi đến một chỗ nào vắng, khi cái sân dịu xuống rồi mình mới tiếp duyên trở lại. Những lúc sân thì mình cố gắng tránh hết những tiếp xúc bên ngoài, để cái sân không có điều kiện nương vào đó mà phát triển mạnh.

Thêm nữa là khi sân, mình hay khởi lên những ý niệm làm cái này làm cái kia, những lúc như vậy mình phải biết nói khoan, từ từ đã, khi nào hết sân thì mới làm, đây là cách để dằn mình lại không không cho bản thân làm những việc xấu. Khi sân thì người ta không còn lý trí nữa, tâm trí rất mê mờ, nên những lúc sân mình phải biết dừng, khoan hãy làm điều gì.

Như vậy, tóm lại có hai điều, thứ nhất là tránh bớt duyên, thứ hai là khoan hành động, khi nào bớt giận thì làm. Biết lỗi, tránh duyên và tạm dừng các hành động, đó là những phương cách để hạn chế và dần dần tiến tới việc làm chủ cái sân.

Cô Chân Hiền Tâm:
Mình làm thiện thì con nhớ là để có cái quả báo tốt, nên ai nói gì thì nói, đó là chuyện của họ. Vấn đề là họ nói có đúng hay không? Nếu họ nói đúng thì mình phải sửa, nếu họ nói không đúng thì mình vẫn cứ làm, đó là điều thứ nhất.

Thứ hai, đối với người khi mình làm thiện mà họ lợi dụng mình, thì thôi đừng làm nữa, vì bây giờ năng lực của mình còn yếu, mình chưa thể nào thấy người ta lợi dụng mình và mình không nổi sân được, nên trước mắt, mình không làm nữa. Mình đi chỗ khác, nơi người ta không lợi dụng mình, mình giúp người ta, đơn giản vậy thôi.

Còn về bệnh sân, cô cũng thấy nó không phải là bệnh dễ trị, vì cô là con ma sân đây. Cô tu mấy chục năm rồi mà bây giờ lửa sân vẫn còn, nhiều khi đọc cái gì thấy trái trái là lửa sân vẫn còn hừng hừng ở bên trong, nhưng được một cái là bây giờ cô làm chủ được, cô thấy được, cô dừng được, nên không làm bậy.

Lúc trước chỉ cần nghe một câu, không biết đúng hay sai, chưa biết người ta nói mình đúng hay sai là đã nổi sân, nổi ta bà các thứ lên rồi, không còn nhớ hay biết gì nữa, thậm chí giết người cũng dám làm.

Con nói như vậy cô rất thông cảm, cái chỗ là lúc lửa sân nổi lên rồi thì không còn biết gì nữa, điều đó đúng, bất chấp hết tất cả mọi thứ. Bây giờ muốn trị được bệnh này thì mình phải có lòng từ thì mới trị được, muốn có lòng từ thì mình phải huân tập và phải có thời gian. Đi tu học ở các thiền viện, nương nhờ được lực của Tam Bảo, trong đó có lực của Tăng Ni. Tăng Ni họ thường sống tập thể, được như vậy lửa sân của họ ít, họ không có cái điều kiện để phát ra, mình nương vào cái lực đó hoặc lực của Đạo tràng, rồi nó sẽ giải từ từ.

Chỉ khi nào mình nhìn thế giới này bằng cái tâm từ, nắm chắc được lý Nhân quả là người ta đối với mình thế nào đều là từ trong mình mà ra, không do ai hết. Mình biết cảnh giới mà mình gặp đây, những người tốt xấu, tất cả đều là quả mà mình đã gieo nhân trong quá khứ. Hiểu như vậy, nhưng trên thực tế ứng dụng được nhân quả vào trong cuộc sống thì rất khó. Thành bây giờ mình huân tập từ từ. Việc mà mình tránh được là gì? Là khi mình thấy cơn giận của mình nổi lên thì lập tức phải rời khỏi địa điểm đó, đi đâu đó không cần biết, nhưng phải rời xa cái nhân tố gây cho mình cái sân đó, đó là một cách tránh duyên.

Thời gian sau này, khi cô đã tu rồi, tu mười mấy năm, vậy mà khi cô tức lên là cô phải vào phòng tắm, đóng cửa lại và hét lên ở trong đó, nói vậy để con biết cái sân không phải dễ trị, cái tham rất dễ trị nhưng cái sân nó đi liền với cái ta của mình, thành ra rất là khó trị.
Bây giờ trước hết mình phải tránh duyên, khi thấy đối tượng hay làm mình sân thì mình phải chuẩn bị tránh né trước, không bao giờ gặp để cho cái sân của mình tiêu lần đi, đồng thời phải đi học kinh luận, đi làm việc phước thiện nhiều để xả bớt cái ngã, thì cái sân mới bớt được.

Việc này đòi hỏi thời gian rất lâu, bậc thánh mà vẫn còn cái sân chứ không phải không, thánh mà chưa được A La Hán thì người ta vẫn còn cái sân, vì cái sân nó đi liền với cái tôi của người ta. Con đọc hành trạng của các vị Tổ, thấy các vị thiền sư tham học, ông thầy chỉ nói một câu thôi mà nổi sân.

Cái sân rất là khó trị, việc của mình bây giờ là gì? Là phải tránh duyên, người nào hay làm cho mình sân thì mình tránh đi, đừng đôi co với họ, trong sự việc nếu thấy sân thì mình đứng dậy đi liền, từ từ nó sẽ giảm, giảm lực của cái sân trước. Đó là một cách để tạo cho mình cái định, bên cạnh đó, mình học kinh luận để huân thêm, để có cái tâm từ.

Khi nào mình có tâm từ với tất cả mọi người, cho dù người ta làm gì thì mình cũng thấy thương người ta, lúc đó mình mới tránh sân được, còn không thì cái sân sẽ còn mãi, đó là lý do mình phải tránh duyên.

Chánh Thông Giác:
Đạt thấy Cô Chú trả lời như vậy có thấy rõ được vấn đề của mình không? Chắc cũng rõ đúng không?

Trong quá trình tu học, nếu em thấy còn thắc mắc vấn đề gì, em có thể gặp riêng Cô Chú để hỏi thêm. Ngoài ra, còn có những huynh đệ đồng tu với mình. Như cô đã nói, em cố gắng sắp xếp thời gian, một tháng cũng ít nhất một lần đi cùng với huynh đệ để tu học, như vậy mình sẽ có cơ hội tiếp cận các bạn cùng lứa với mình, để mình học hỏi và giao lưu thì từ từ mình sẽ tiến bộ.

Bây giờ cũng đã gần 5 giờ, trước khi kết thúc, Chánh Thông Giác muốn hỏi ý kiến mọi người là việc làm Pháp đàm này nó có lợi ích hay không? Có cần thiết hay không? Có nên tổ chức liên tục không? Để lần sau mình có thể tiếp tục tìm duyên khác để làm. Xin ý kiến mọi người, vì đây là lần đầu tiên Đạo tràng mình tổ chức Pháp đàm. Đó là việc thứ nhất.

Thứ hai, buổi Pháp đàm khác với buổi sinh hoạt tại gia, cho nên Pháp đàm phải ngồi hình chữ U thế này, nhìn qua nhìn lại, nhìn tới nhìn lui để quan sát, mình cùng trao đổi thì mới có sự trực diện. Còn khi cô chú giảng ở buổi sinh hoạt tại gia, cô chú giảng ở trên, mình ngồi ở dưới nghe, chỉ mang tính chất là nhìn qua nhìn lại chứ không có tính chất giao lưu thế này.

Vậy nên, để có một buổi Pháp đàm thì phải hội đủ rất là nhiều duyên, trong đó cái duyên rất lớn là tinh thần tu học, tinh thần ham học của toàn thể Phật tử, xuất phát từ ý tưởng của các bạn trẻ, đầu tiên là anh Hải Thông, từ đó mới hiện khởi nên chuyện như thế này, coi như đây là cái duyên đầu tiên. Kế đến là Cô Chú cũng từ bi, mặc dù rất nhiều việc nhưng Cô Chú vẫn sắp xếp thời gian và quyết định phải làm. Chú nói thế này: “Phải làm, làm đi con, rất lợi ích!

Thứ ba là khi làm bất cứ một việc gì mới thì thường sẽ gặp nhiều trở ngại, trở ngại về mặt quan điểm là chủ yếu, nhưng đến ngày hôm nay quan điểm đó đã được giải tỏa, mình đã giải quyết được vấn đề đó. Một cái duyên nữa là phải có địa điểm, hôm nay mình tổ chức được ở đây phải nhờ công rất lớn chỗ anh Duy và chị Ngân, thứ nhất là mặt bằng, thứ hai là mấy hôm nay anh Duy chị Ngân rất cực, cực từ tháng trước. Anh chị rất nôn muốn làm nhưng thấy chưa đủ duyên nên mình phải từ từ, làm công tác tư tưởng và tuyên truyền từng bước một, con người thông rồi thì mình làm sẽ thuận lợi hơn, cho nên mới kéo dài đến ngày hôm nay. Và lần sau, chắc chắn mình sẽ làm tốt hơn. Thay mặt Đạo tràng, xin cảm niệm công đức của anh Duy và chị Ngân.

Hai ngày nay là cực nhất, cái phông này là do chị Ngân thiết kế, nên thấy rất chu đáo, tuy cực nhưng được một cái là anh chị rất vui, anh chị nói lần sau có làm nữa cũng được, anh chị rất vui, đây là cái phước rất lớn mà anh chị đã làm cho Phật tử và cho Đạo tràng, lại hoan hỷ như vậy thì rất tốt.

Hy vọng rằng nếu có lần sau thì anh Duy tiếp tục hỗ trợ, nhưng chắc cũng lâu lâu, xem đây như là chỗ sơ cua, đi vòng vòng chỗ khác chứ làm ở đây mãi thì cũng cực cho anh chị.

Thêm một điều là khi mình làm ở đây, bà con lối xóm người ta đến đây nghe nhiều, cho thấy rằng chắc cũng có Long Thần Hộ Pháp ủng hộ, đó là cái thứ nhất. Thứ hai là mình không bị mất của dù người ta có lòng tham, cho nên toàn bộ những duyên lành này mình cần cố gắng gìn giữ.

Cuối cùng, thay thế toàn bộ quý Phật tử, xin cảm ơn quý vị đã đến đây, góp phần làm cho buổi Pháp đàm được thành công.

Con cũng xin đại diện cho toàn thể quý Phật tử ở đây, cảm ơn Cô Chú rất nhiều, hy vọng là những lần sau, Cô Chú sẽ theo và giúp chúng con tốt hơn nữa.