Trung Luận (Chánh Tấn Tuệ)

PHÁ NGŨ ẤM (Phẩm 4)

16/04/2017


Phá NGŨ ẤM

Phẩm 4

 

Con người chúng ta gộp chung cả thể chất lẫn tinh thần có năm phần: Sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và thức ấm. Ai cũng cho rằng ta là thực có, nên thân xác, cảm thọ, suy nghĩ của chúng ta là thực có.

Thực ra các ấm chỉ là nhân duyên hòa hợp. Chúng không thực có hay thực không, như trường hợp của sắc ấm.

Nếu lìa sắc nhân ra

Sắc ắt không thể được

Nếu lìa sắc quả ra

Sắc nhân không thể được (1)

Sắc nhân, là tứ đại. “Vật chất” được xem là từ tương đương với tứ đại [1].

Sắc pháp, là các pháp thuộc về vật chất như thân xác của chúng ta, vải, nước, đất...

Trên thực tế, tất cả các sắc pháp đều nương nhờ vào tứ đại mới thành tựu được.

Ví dụ: Thân xác của chúng ta (sắc ấm) không thể thiếu phần vật chất của nó như thịt, da, xương... mà thành.

Ghế (gỗ), ghế - hay sắc pháp – không thể thiếu gỗ (tứ đại hay phần vật chất của ghế) mà thành. [2]

Các trường hợp trên cho thấy sắc pháp không thể lìa sắc nhân mà tồn tại được. Như ngoài gỗ không có ghế, ngoài thịt, da, xương... không có sắc ấm.

Ngược lại, sắc nhân cũng không tồn tại ngoài sắc pháp. Như ngoài ghế không thể tìm thấy phần gỗ đã tạo ra ghế ấy.

Tóm lại, sắc nhân sắc pháp không thể tách lìa khỏi nhau để riêng tồn tại.

Hỏi: Tại sao? Nếu không nhân mà có sắc thì sao?

Đáp:

Lìa sắc nhân có sắc

Sắc ấy ắt không nhân

Không nhân mà có sắc

Sự ấy ắt không đúng (2)

Nếu ngoài sắc nhân mà có sắc pháp thì sắc này không nhân. Trên thực tế, không có một sắc pháp nào không có nhân mà thành.

Như ghế gỗ, ghế không lìa ngoài gỗ mà có được. Gỗ là sắc nhân, ghế gỗ là sắc pháp hay sắc quả.

Thân xác của ta không thể lìa ngoài các thứ vật chất tạo ra thân xác này mà có được.

Lại nữa, nếu không nhân mà có pháp thì pháp ắt phải thường. Trên thực tế không có pháp nào tồn tại mãi. Ghế gỗ hay thân xác ta đều có lúc phải hủy hoại.


Hỏi
: Còn nếu không sắc mà có nhân thì sao?

Đáp:

Nếu lìa sắc có nhân

Ắt là nhân không quả

Nếu nói nhân không quả

Ắt không có việc ấy (3)

Cũng vậy, do tạo ra quả là sắc pháp mà được gọi là sắc nhân, nên sắc nhân cũng chẳng thể lìa sắc quả mà tồn tại được.

Ví dụ: Do tạo ra vải mà sợi được gọi là nhân của vải. Nếu không có vải, thì sợi chỉ là sợi không thể gọi là nhân của vải.

Nếu đã có sắc quả

Ắt chẳng dùng sắc nhân

Nếu không có sắc quả

Cũng chẳng dùng sắc nhân (4)


Không nhân mà có sắc

Sự ấy là không đúng

Thế nên người có trí

Không nên phân biệt sắc (5)

. Khi chúng ta cho sắc pháp là có thì sắc pháp này phải tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào sắc nhân.

. Nếu sắc pháp hoàn toàn không có thì nó cũng chẳng cần gì đến sắc nhân.

Như vậy trong cả hai trường hợp “sắc pháp là không”, “sắc pháp là có” đều loại trừ sắc nhân ra khỏi sắc pháp. Trên thực tế, không có sắc pháp nào tồn tại mà tách lìa ngoài sắc nhân được. Do đó, sắc pháp không thể là có hay là không.

Đây là kết luận khá bất ngờ đối với nhiều người.

Giống như trường hợp “người đi – sự đi”, sắc nhân và sắc pháp là những pháp không tồn tại một cách riêng lẻ được. Chúng chỉ tồn tại trong quan hệ nhân duyên, nên không thực có hay thực không. Trên thực tế, từ một sắc chúng ta sẽ ghi nhận được nhiều kết quả khác nhau, từ những điều kiện (duyên) quan sát khác nhau.

Ví dụ: Chúng ta vẫn thường xác định một sắc nhờ vào các yếu tố như hình dáng, khối lượng, chiều dài v. v…

Với một vật đang đứng yên, chúng ta đo được chiều dài là 1, một khối lượng là M.

Nếu vật ấy di chuyển với một vận tốc cực lớn, thì chúng ta sẽ có kết quả khác đi. Vật ấy sẽ có một chiều dài nhỏ hơn 1 và một khối lượng lớn hơn M (thuyết Tương đối). Ở đây những kết quả ghi nhận được từ một sắc, vẫn phụ thuộc vào hệ qui chiếu mà từ đó chúng ta quan sát về vật. Trên thực tế có vô số hệ qui chiếu như vậy.

. Xét về mặt thời gian: Hiện nay chúng ta đã biết các sắc pháp luôn luôn chuyển biến. Do đó, những đặc điểm ghi nhận được từ sắc pháp sẽ phụ thuộc vào yếu tố thời gian. Ở hai thời điểm khác nhau sẽ có hai kết quả khác nhau.

. Xét về sự tương quan: Một sắc pháp bất kỳ luôn luôn chịu ảnh hưởng của môi trường chung quanh nó. Nếu điều kiện chung quanh thay đổi, thì các đặc tính của nó cũng thay đổi theo.

Ví dụ: Trong điều kiện bình thường, một chiếc nhẫn vàng sẽ có một hình thể, một độ bền và các đặc tính về mặt hóa học, vật lý, cơ học... ứng với điều kiện đó. Tuy nhiên các tính chất trên sẽ thay đổi, khi ta đặt chiếc nhẫn trong điều kiện nhiệt độ cực cao. Rõ ràng nếu điều kiện chung quanh thay đổi, thì các tính chất của sắc pháp cũng sẽ thay đổi.

Tinh chất của một sắc pháp bị thay đổi tùy theo điều kiện tương quan, điều kiện thời gian, tùy theo vị trí tương đối của người quan sát với sắc pháp. Nói theo từ chuyên môn của nhà Phật là tùy duyên. Trên thực tế có vô số duyên. Các duyên khác lại luôn thay đổi, nên không bao giờ chúng ta có thể khẳng định một đặc tính nào đó là đặc tính riêng của sắc pháp. Vì không có đặc tính riêng (tự tánh) nên sắc pháp không thể cho là có. Vì hiện tướng trước mắt nên không thể nói là không. Các tướng của sắc pháp mà chúng đang nhận thức được chỉ là những giả tướng, không phải là thực tướng của pháp.

Vì sắc pháp không thuộc phạm trù “có – không”, nên mọi phân biệt đối vời pháp sẽ trở nên vô nghĩa. Giống như phạm trù “một – khác” sau đây:

Nếu quả giống với nhân

Sự ấy thì không đúng

Quả nếu không giống nhân

Sự ấy cũng không đúng (6)

. Sắc quả giống sắc nhân thì không đúng. Như nguyên tố vàng không phải là cục vàng. Vải không phải là sợi.

. Sắc quả khác sắc nhân cũng không đúng. Nếu quả khác nhân thì chúng ta có thể tách lìa nhân khỏi quả, mà quả vẫn tồn tại. Tuy nhiên ngoài sắc nhân không có sắc quả. Như ngoài sợi hay các chất liệu tạo ra vải thì không thể có vải.

Tóm lại, vì không thuộc về phạm trù “có – không”, nên các phạm trù phân biệt như “một – khác”, “lớn nhỏ”... cũng không có chỗ đặt chân. Vì thế, một người có trí không nên khởi lên các phân biệt về sắc. Mọi phân biệt chỉ dẫn đến những hí luận vô ích mà thôi. (P5)

Do không thể khẳng định được đặc tính nào là đặc tính thật của pháp nên sắc pháp là pháp không tánh.

Thọ ấm và tưởng ấm

Hành ấm và thức ấm

Ngoài ra tất cả pháp

Đều đồng như sắc ấm (7)

Bốn ấm còn lại và tất cả các pháp đều đồng một nghĩa như trên.


Kết luận

Nếu người có đến hỏi

Lìa không mà muốn đáp

Ấy là chẳng thành đáp

Đều đồng với nghi kia (8)


Nếu người có nạn vấn

Lìa không mà chỉ trích

Ấy chẳng thành nạn vấn

Đều đồng với nghi kia (9)

Như trên đã nói, thực tánh của các pháp là không. Vì thế khi ứng đáp hay khi bị nạn vấn, chúng ta không được lìa “tánh không” mà đối đáp. Nếu lìa “tánh không” mà đối đáp tức đã lìa khỏi thực chất của các pháp mà đối đáp, nên sự ứng đáp sẽ không có giá trị. Đối với sự phản bác cũng vậy. Rốt cuộc chỉ dẫn người ta đi từ sai lầm này đến sai lầm khác mà không thể giải quyết mối nghi một cách rốt ráo được

Một trong các cách ứng đáp “không lìa tánh không” là 36 pháp đối của Lục Tổ đã chỉ dạy đệ tử, được ghi rõ trong kinh Pháp Bảo Đàn.



[1] Trong thực tế, vật chất hết sức sinh động, không hề trơ lì và thụ động như chúng ta vẫn lầm tưởng. Vì thế người Ấn Độ phải dùng đến 4 yếu tố là đất, nước, gió, lửa, để chỉ cho vật chất. Với trình độ hiện nay, chúng ta phải kết hợp cả ba thuyết là thuyết Trường, thuyết Tương đối, thuyết Lượng tử mới cho một cái nhìn về vật chất tương đương với “tứ đại”.

[2]