Trung Luận (Chánh Tấn Tuệ)
PHÁ LUC TÌNH (Phẩm 3)
16/04/2017Phá LỤC TÌNH
Phẩm 3
Mắt tai và mũi lưỡi
Thân ý và sáu tình
Nhãn ấy và sáu tình
Theo sắc và sáu trần (1)
Sáu căn [1] được gọi là sáu tình khi nó chạy theo sáu trần [2] làm sanh ra bốn pháp [3] và bốn thủ [4]. Nói cách khác, do sáu căn duyên hợp với sáu trần làm phát sanh ra sáu tình. Sáu tình vốn không thật có.
Trước hết chúng ta hãy xem trường hợp của con mắt.
Nhãn ấy thì không thể
Tự thấy sắc của nó
Nếu không thể tự thấy
Làm sao thấy vật ngoài (2)
Nhiều người vẫn cho rằng con mắt thấy được sắc trần. Điều này không đúng, vì con mắt không thể thấy chính nó – con mắt cũng là một sắc trần và là sắc trần gần gũi nhất – thì làm sao thấy được cái khác?
Hỏi: Giống như đối với lửa. Lửa có thể đốt cái khác nhưng không đốt được chính nó (lửa không đốt được lửa). Con mắt có thể thấy cái khác mà vẫn không thấy được chính nó.
Đáp:
Dụ lửa ắt không thể
Chứng thành cho mắt thấy
Đi chưa đi đang đi
Đã tổng đáp việc này (3)
Dùng lửa dụ cho con mắt là không thể được. Trong phẩm “Phá khứ lai” đã chứng minh ba thời không thể “có đi”. Thấy cũng là một hành tác như đi, nên ba thời cũng không thể “có thấy”. Con mắt nếu thấy thì nó thấy vào lúc nào?
Lại nữa, con mắt nếu thấy được sắc trần thì một người đang ngủ, dù mở mắt sao không thấy? Một người chết, mắt vẫn còn sao không thấy?
“Thấy” là kết quả duyên hợp của nhiều yếu tố trong đó có con mắt. Vì vậy, với con mắt không thôi, không thể tạo ra cái thấy, nên nói mắt thấy là không hợp lý.
Hiện nay, chúng ta biết được rằng con mắt có cấu tạo như một cái máy ảnh. Nó chỉ có khả năng thâu nạp hình ảnh, chứ không có khả năng nhận thức phân biệt được hình ảnh. Vì lý do này không ai nói máy ảnh thấy hình ảnh cả.
Thấy nếu khi chưa thấy
Thì không gọi là thấy
Mà nói thấy hay thấy
Điều ấy thì không đúng (4)
Sắc trần là một yếu tố không thể thiếu khi nói “thấy”. Khi căn không tiếp xúc với trần thì không thể cho là thấy. Vì thế “thấy” không phải là một pháp vốn tồn tại một cách độc lập (vì nó phụ thuộc vào căn, trần, sự tiếp xúc giữa căn và trần). Nếu nói thấy hay thấy – tức cho “thấy” là pháp tự có, thường trụ - thì không đúng.
Ví dụ: Người đang ngủ, dù mắt mở vẫn không thể cho là thấy.
Thấy không thể có thấy
Không thấy cũng không thấy
Nếu đã phá cái thấy
Ắt là phá người thấy (5)
. Ngay khi “đang thấy” cũng không thể cho là “có thấy”, nếu không sẽ dư ra một cái thấy. Đã chứng minh ở phẩm “Phá khứ lai”.
. Nếu chẳng thấy cũng không thể cho là “có thấy”.
Cái thấy đã chẳng thực có thì người thấy cũng chẳng thực có được. Cảm tưởng về một cái “Ta đang thấy” chỉ là một cảm giác hư ngụy.
Lìa thấy chẳng lìa thấy
Người thấy không thể được
Vì không có người thấy
Sao có thấy bị thấy (6)
Ngay cái thấy hay ngoài cái thấy đều không thể lập người thấy. Người thấy nếu không thì năng thấy, sở thấy cũng không. Mọi nhận thức hiện có của chúng ta đểu ở trong vòng năng sở, luôn có chủ thể năng kiến và đối tượng sở kiến. Năng sở chỉ là những sản phẩm hư giả của vô minh. Một nhận thức như thật thì ở bên ngoài mọi nhiễm ô của năng, sở.
Vì thấy bị thấy không
Thức cùng bốn pháp không
Bốn thủ và các duyên
Làm sao lại có được (7)
Năng thấy, sở thấy đã không (khi tâm đã vượt sự ràng buộc của năng, sở) thì mắt không còn chạy theo sắc nên không phát sanh ra các phân biệt (thức), không có xúc, thọ, ái, không có bốn thủ, không có các duyên. Các duyên nếu không thì các căn trở về bản vị của nó. Sáu tình chẳng có chỗ nương để tiếp tục sanh khởi.
“Thấy” vốn tự đầy đủ không thừa không thiếu. Nếu thêm vào “có thấy” sẽ có người thấy, cái bị thấy, do đây mà phát sanh ra các tình thức ràng buộc.
Sự dựng lập như thế chỉ là hư giả (vì không thể “có thấy” được). Sáu tình vì dựa trên hư vọng mà lập nên cũng chỉ là hư vọng. Những tình thức hư vọng là tướng của vô minh, nó ngăn trở không cho chúng ta nhận ra chân tâm, bản tánh của chính mình. Mọi sai lầm bắt đầu từ “có thấy”.
Hỏi: Thấy nếu thêm “có thấy” thì có lỗi gì?
Đáp: Đầu thêm đầu.
Hỏi: Thêm đầu thì sao?
Đáp: Mất đầu (quên tánh), chỉ còn lại những nhận thức hư vọng mà thôi.
Tai mũi lưỡi thân ý
Thanh, người nghe v.v...
Cũng biết nghĩa như vậy
Đều đồng với thuyết trên (8)
Cũng như với mắt và sắc trần, các căn và trần khác cũng đồng một nghĩa như trên.
(1) Sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
(2) Sáu trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
(3) Bốn pháp: Thức, xúc, thọ, ái.
(4) Bốn thủ: Dục thủ, ngã ngữ thủ, kiến thủ, giới cấm thủ.
Các tin khác
-
» LỜI NÓI ĐẦU (16/04)
-
» PHÁ NHÂN DUYÊN (Phẩm 1) (16/04)
-
» PHÁ ĐI ĐẾN (Phẩm 2) (16/04)
-
» PHÁ NGŨ ẤM (Phẩm 4) (16/04)
-
» PHÁ LỤC CHỦNG (Phẩm 5) (16/04)
-
» PHÁ TAM TƯỚNG (Phẩm 7) (16/04)
-
» PHÁ BỔN TẾ (Phẩm 11) (15/04)
-
» PHÁ HÀNH (Phẩm 13) (15/04)
-
» PHÁ HIỆP (Phẩm 14) (15/04)
-
» PHÁ CÓ KHÔNG (Phẩm 15) (15/04)