Trung Luận (Chánh Tấn Tuệ)

PHÁ LỤC CHỦNG (Phẩm 5)

16/04/2017

Phá LỤC CHỦNG

Phẩm 5

Tướng là tất cả những gì mà các căn của ta ghi nhận được từ pháp. Tướng có thể là kích cở, hình dáng, màu sắc, mùi vị, tính cách, quy luật v.v...

Tướng có thể là tổng trạng của một pháp, cũng có thể là từng nét riêng của pháp.

Biệt tướng là tướng riêng của pháp.

Năng tướng là, nhờ vào tướng mà chúng ta biết được pháp, tướng đóng vai trò năng tạo cho sự nhận biết được pháp, nên gọi là năng tướng.

Sở tướng là tướng chung của pháp, còn được gọi là tổng tướng. Nhờ có tổng tướng mà ta phân  biệt được pháp này với pháp kia.

Ví dụ: Nhà có nhiều loại, nhà tranh, nhà ngói, biệt thự... nhưng tất cả đều có tướng chung là nhà. Tướng chung này gọi là sở tướng. Nhờ tướng chung này mà ta phân biệt được giữa nhà với cây, đá v.v...

Một cái nhà có nhiều thành phần như nền, tường, cột... các thứ này gọi là biệt tướng của nhà.

Lục chủng là đất, nước, gió, lửa, thức và không. Sáu thứ này bao trùm khắp pháp giới nên còn gọi là lục đại. Đây là thành phần căn bản tạo ra muôn pháp. Chúng chỉ là những sản phẩm nhân duyên không thực có, như trường hợp của hư không.

Tướng không khi chưa có

Ắt không pháp hư không

Nếu trước có hư không

Tức hư không không tướng (1)

Ở chỗ không có sắc, hay nơi sắc diệt, chúng ta cho đó là tướng hư không. Nhận thức được tướng hư không chúng ta biết được pháp hư không. Rõ ràng nhờ sắc mới biết được hư không.

 

Hỏi: Không đúng! Dù sắc có hay không, hư không vẫn tồn tại. Hư không là pháp thực có, dù không có sắc nó vẫn tồn tại.

Đáp: Nếu hư không là pháp tự có, tồn tại không phụ thuộc vào sắc, thì khi sắc chưa có, mà hư không vẫn tồn tại, thì hư không là pháp không tướng.

Với pháp không tướng ấy
Tất cả chỗ không có
Trong pháp không tướng ấy
Tướng ắt không sở tướng (2)
Với một pháp không tướng thì ở mọi chỗ, không thể tìm thấy tướng của nó. Nếu không thể tìm thấy tướng của hư không, làm sao biết thực có hư không (sở tướng)?


Hỏi : Dù hư không không có tướng, nhưng chỗ nào có hư không sẽ có tướng hiện ra để xác minh cho sự hiện hữu của hư không. Như ở các chỗ trống, ở đó có tướng “trống không” xác minh cho sự hiện diện của hư không.

Đáp:

Trong có tướng không tướng

Tướng ắt không chỗ trụ

Lìa có tướng không tướng

Chỗ khác cũng không trụ (3)

Trên  thực tế, để nhận biết được một pháp, tâm thức của chúng ta vận hành theo qui tắc sau: Nhờ vào các tướng, chúng ta biết được sở tướng, đồng thời nhờ biết sở tướng, chúng ta mới xác minh được các tướng trên là tướng của sở tướng đó.

Ví dụ: Như voi có hai ngà, một vòi, đầu có ba cái u, bốn chân to tròn v.v...

Nhờ vào các tướng hai ngà, một vòi v.v... mà ta nhận ra sở tướng là voi. Do có sẵn nhận thức về sở tướng là voi, nên xác định được rẳng các tướng trên là tướng của voi.

Ở chỗ có tướng, tướng không có sở tướng: Nếu cho rằng tướng là thật có, tức tướng này vốn tồn tại độc lập không phải phụ thuộc vào một sở tướng, không cần có một sở tướng để xác minh cho nó. Điều này dẫn đến các lỗi sau:

1/ Tướng đó đã tự xác định là tướng của pháp, trước khi có sự xuất hiện của sở tướng. Điều này không phù hợp với thực tế.

Với ví dụ trên, các tướng như hai ngà, vòi... được xác định là tướng của voi sau khi có voi xuất hiện. Nếu voi chưa xuất hiện, chúng ta không thể xác định đó là tướng của pháp gì. (Nếu voi chưa có, các tướng trên không có chỗ trụ).

2/ Nếu các tướng trên đã có, tức nó đã tồn tại một cách độc lập và tự đầy đủ, thì sở tướng có xuất hiện hay không, cũng không ảnh hưởng gì đến các tướng đó. Trong trường hợp này, sở tướng không cần dùng để xác minh cho tướng. Điều này không phù hợp với thực tế. Trên thực tế, khi nào chúng ta cũng phải nương vào sở tướng, mới xác minh được tướng đó là tướng của pháp gì. Như biết voi rồi, thì các tướng như ngà, vòi, tai... mới biết là tướng của voi.

Tóm lại nếu khẳng định “có tướng” thì tướng này không thể có sở tướng.

Thật ra tướng và sở tướng là một cặp tương đãi duyên khởi không tánh, như người đi và sự đi (nói ở phần “lý Duyên khởi”). Các cặp này nếu khẳng định pháp này sẽ dẫn đến phủ định pháp kia... Điều này không phù hợp với sự hiện hành của các pháp trong thực tế.

Ở chỗ không tướng, tướng không sở tướng: Nếu lìa ngoài các tướng như đầu, ngà, vòi... thì cũng không có voi. Do đó không thể tìm được một tướng nào là tướng của voi.

Tóm lại, ở chỗ có tướng hay không tướng đều không thể xác định một tướng có sở tướng được.

Lìa chỗ có tướng không tướng, cũng không tướng nào có sở tướng: Ngoài các trường hợp trên, không có một trường hợp thứ ba nào có thể tìm thấy tướng của pháp.

Vì pháp tướng không có

Pháp khả tướng cũng không

Vì pháp khả tướng không

Nên pháp tướng cũng không (4)

Theo nhận thức thông thường, tướng chính là năng tướng và khả tướng chính là sở tướng. Ở đây tướng đóng vai trò nhân, sở tướng là quả. Theo cái nhìn của duyên khởi thì sở tướng không chỉ là quả, mà cùng lúc đó nó cũng đóng vai trò là nhân, để xác định các tướng là tướng của pháp.

Luận chủ dùng chữ “khả tướng” vì sợ chúng ta chấp cứng vào chữ “sở tướng” mà cho rằng sở tướng chỉ có thể là quả mà thôi.

Vì tướng pháp không có nên sở tướng cũng không. Vì sở tướng không nên tướng pháp cũng không.

Thế nên nay không tướng

Cũng không có khả tướng

Do lìa tướng khả tướng

Lại cũng không có vật (5)

Như thế, với trường hợp của pháp hư không không tướng, chúng ta cũng không thể tìm thấy có một tướng để có khả tướng. Khả tướng nếu không, thì tướng cũng không. Ngoài tướng và khả tướng ra, không có gì để xác định được là có pháp. Tóm lại pháp hư không không thể có.


Hỏi
: Nếu hư không đã không thể có thì nó là không chăng?

Đáp:

Nếu như không cái có

Làm sao có cái không

Có không đã là không

Biết có không là ai (6)

Nếu không “có” thì cũng không “không. “Có” nhờ “không” mà lập, “không” nhờ “có” mà thành. Chúng không tồn tại độc lập ngoài nhau được. Cũng vậy, “Sắc” và “Không” không thể tách lìa ngoài nhau riêng tồn tại được. Sắc và Không cũng là những sản phẩm duyên hợp không tánh. Nghĩa là cả hai “chẳng phải có cũng chẳng phải không”. Như một thanh nam châm, chẳng bao giờ ta có thể tách lìa đầu nam ra khỏi đầu bắc, dù có chia thành một triệu mảnh. Mảnh thứ một triệu vẫn có đẩy đủ hai đầu nam, bắc.

Trên mặt ý thức, khi chúng ta nhận thức được cái “Có”, thì cùng lúc đó không nhận thức được cái “Không”. Mặc dù thế, cái “Không” vẫn hiện diện trong vô thức, để ý thức cái “Có” được hình thành. Nếu một bề chấp thủ vào ý thức của mình – cho rằng chỉ những gì chúng ta ý thức được mới đang tin cậy – thì tâm thức của chúng ta đã bị chia chẻ bởi sự phân biệt nhị biên, và do đó trở thành một thiên kiến, không được viên mãn và không thể nhận thức thực tại y như chính nó nữa.

“Có – không” đều không được thì cũng không thể tồn tại một người biết “có – không”. Người đó chỉ là một sản phẩm hư dỗi mà thôi (ngã không thể có được).

Thế nên biết hư không

Chẳng có cũng chẳng không

Chẳng tướng chẳng khả tướng

Năm kia đồng hư không (7)

Thế nên biết hư không “chẳng phải có cũng chẳng phải không”. Hư không không hình không tướng còn phá được, thì 5 chủng còn lại cũng dễ dàng chứng minh chúng cũng “chẳng phải có chẳng phải không”, “Chẳng tướng chẳng sở tướng”.

Thiển trí thấy các pháp

Hoặc có hoặc không tướng

Ấy là không thể thấy

Pháp diệt kiến an ổn (8)

Nhận thức, nếu vẫn bị chi phối bởi “có tướng”, bởi “không tướng” thì nhận thức ấy còn rất thiển cận, chưa thấu suốt được thực pháp. Thực pháp chỉ hiển bày khi mọi kiến chấp nhị biên được loại trừ. Lúc đó chúng ta mới thực sự an ổn trong tâm.