Trung Luận (Chánh Tấn Tuệ)

PHÁ ĐI ĐẾN (Phẩm 2)

17/04/2017



Phá ĐI VÀ ĐẾN

Phẩm 2

 

Vạn vật ở thế gian được cho là thực có, vì thấy có sự sanh khởi và vận hành.

Ở phẩm “Phá Nhân duyên”, Bồ tát Long Thọ đã giúp chúng ta nhận ra rằng: không hề có một tướng sanh nào tồn tại, để pháp thực có sanh khởi như chúng ta tưởng. Ở phẩm này, Ngài sẽ dùng luận lý giúp chúng ta thấy sự vận hành của pháp cũng chỉ là một sản phẩm của tâm thức, không thực có cũng không thực không.

Lấy sự đi và đến đại diện cho sự vận hành của các pháp.

Đã đi không có đi

Chưa đi không  có đi

Ngoài đã đi chưa đi

Đang đi cũng không đi (1)

. Đã đi, không còn sự kiện đi nữa, nên không đi.

. Chưa đi, sự kiện chưa xảy ra, cũng không đi.

. Ngoài đã và chưa ra, đang đi cũng không đi.


Hỏi
:

Chỗ động ắt có đi

Trong ấy có đang đi

Không đã đi chưa đi

Nhưng đang đi có đi (2)

Khi một người đang cử động - tức đang bước đi – thì có sự kiện đi. Do có sự chuyển động mà biết có thời điểm đang đi.

 “Đã đi” thì sự chuyển động đã diệt. “Chưa đi” thì không có sự chuyển động. Nhưng “đang đi” do có sự chuyển động, nên đang đi là có đi.

 

Trước hết chúng ta phải xác minh lại từ “Có”. Để làm việc này chúng ta xem ba ví dụ sau:

Ví dụ 1: Khi nói rằng “trên đĩa trái cam” thì :

1/ Phải tìm thấy trái cam ở trên đĩa.

2/ Trái cam và cái đĩa là hai thực thể khác nhau. Tách lìa nhau, chúng vẫn tồn tại.

Ví dụ 2: Nếu nói rằng “Có một viên bi đen ở trong đống bi” thì:

1/ Phải tìm thấy được một viên bi hoàn toàn đen trong đống bi đó. Nếu chỉ tìm thấy những viên bi vừa đen vừa lẫn với màu khác, thì sự khẳng định trên không có giá trị.

2/ Có thể tách rời viên bi đen ra khỏi đống bi còn lại. Tức nó vẫn hiện hữu khi đứng riêng một mình.

3/ Sự hiện hữu của viên bi đen là độc lập, không phụ thuộc vào số lượng, màu sắc của các viên bi khác.

Ví dụ 3: Nếu khẳng định “Trong dung dịch A có muối” thì:

1/ Chúng ta có thể tách muối ra khỏi dung dịch A.

2/ Sự tồn tại của muối là độc lập, không bị phụ thuộc vào các chất khác cùng có mặt trong dung dịch A.

Nếu chúng ta chỉ căn cứ vào vị mặn để kết luận sự hiện hữu của muối, mà hoàn toàn không có một phương cách nào để có thể tách muối ra khỏi dung dịch A, thì kết luận trên ẩn chứa nhiều sai lầm. Chỉ căn cứ vào vị mặn để kết luận có muối, thì chúng ta đã chấp nhận cùng lúc hai tiền đề:

. Tất cả mọi dung dịch có vị mặn đều có muối.

. Và tất cả mọi dung dịch không có vị mặn đều không có muối.

Rõ ràng, hai tiền đề trên không đủ độ tin cậy để chúng ta vận dụng nó trong thực tế.

Từ các ví dụ trên, chúng ta tổng kết : Chỉ có thể khẳng định là “Có A” khi:

1/ Có thể tách A ra khỏi những cái không phải là A.

2/ Sự tồn tại của A là độc lập. A có thể tồn tại một mình.

3/ A phải có một đặc tính riêng (có tự tánh), để chúng ta nhận ra nó, phân biệt được nó với các cái khác.

Hỏi: Khi nói “đang đi có đi” là muốn nhấn mạnh đến việc “cái đi” thực sự hiện hữu. Nếu phân tích chữ Có để luận giải cho phần sau, thì dù cho sự luận lý chính xác đến đâu, cũng chỉ là việc căn cứ trên ngôn ngữ mà giải thích, không giải thích được ý người muốn hỏi. Nếu không nói “đang đi là có đi” mà nói “đang đi là thực đi” thì lấy đâu ra chữ Có để phân tích luận giải ?

Đáp: Do không hiểu thấu vấn đề mới nói như vậy. Khi phân tích chữ Có cũng không ngoài việc nêu lên cái thật hiện hữu. Khi chúng ta nói “có pháp” tức chúng ta đã chấp nhận rằng pháp ấy thực sự hiện hữu. Cũng như khi chúng ta thấy pháp thật sự hiện hữu, chúng ta mới nói pháp ấy có. Nếu pháp thực sự hiện hữu thì phải xác định được pháp ấy. Ba ví dụ trên chỉ nhầm làm cho vấn đề được dễ hiểu. Để tìm được các kết quả trên, chúng ta cũng có thể dùng phương pháp suy diễn như sau:

Trên thực tế, chúng ta dựa vào các đặc tính riêng để xác minh một pháp. Để có được các đặc tính riêng của một pháp, chúng ta phải tách riêng pháp ấy ra để nghiên cứu. Như vậy chúng ta đã chấp nhận rằng pháp ấy có thể tồn tại một cách độc lập, và có thể tìm được các đặc tính riêng của nó.

Đáp:

Trả lời tiếp câu hỏi” đang đi có đi” đã hỏi trên.

Làm sao nói đang đi

Mà có sự kiện đi

Nếu lìa sự kiện đi

Đang đi không thể được (3)

Nếu nói đang đi đi

Nói như vậy là sai

Lìa đi có đang đi

Đang đi đi một mình (4)

Quay lại vấn đề “đang đi có đi” của chúng ta. Khi nói “đang đi có đi” là chúng ta đã chấp nhận “sự kiện đi” vốn tồn tại một cách độc lập ở bên ngoài “đang đi”. Đang đi và sự kiện đi là hai sự kiện độc lập, tách biệt nhau như trái cây trên đĩa, bi đen trong đống bi... điều này dẫn đến các sai lầm sau:

. Sai lầm 1:

Thời hiện tại biểu thị bằng từ “đang” không có một ý nghĩa nào cả, vì nó hoàn toàn bất định. Ở thời hiện tại, nếu quan sát một người đi chúng ta có “đang đi”. Quan sát một người đứng, ta có “đang đứng”... Đang đi, đang đứng là thời hiện tại gắn liền với sự kiện đi, sự kiện đứng. Trong các trường hợp này, thời gian mới có một ý nghĩa nào đó để có thể vận dụng.

Tách lìa sự kiện đi thì đang đi không thể có. Nếu tách lìa sự kiện đi mà đang đi vẫn có, thì đang ngồi đang đứng... cũng tách lìa sự kiện đi, sao không gọi đang ngồi, đang đứng... là đang đi? (Phần 3)

. Sai lầm 2:

Nếu đang đi có đi

Ắt có hai thứ đi

Một là cái đang đi

Hai, đi của đang đi (5)

Nếu có hai sự đi

Thì có hai người đi

Vì lìa người đi ra

Sự đi không thể được (6)

Khi nói “đang đi có đi” là ta đã chấp nhận “sự kiện đi” vốn tồn tại đồng thời và độc lập ngoài “đang đi”. Như thế chúng ta đã chấp nhận có hai thứ đi, một là “cái đang đi”, hai là nơi cái đang đi có một sự đi khác. Ta cũng biết, mọi sự kiện hay hành động đều phải gắn liền với chủ thể tạo ra nó (tác giả). Ở đây, với hai sự kiện độc lập tồn tại là “đang đi” và “sự kiện đi” thì cũng phải có hai chủ thể là hai người đi thực hiện.

Như vậy, từ sự cử động của một người, mà ta gọi là sự đi, do khẳng định “đang đi có đi” mà dẫn đến có hai sự đi do hai người thực hiện. Điều này thật vô lý, nên “đang đi” không thể “có đi” được.

 

Hỏi: Nếu không có sự đi trong ba thời, thì người đi có hay không?

Đáp:

Nếu lìa người đi ra

Cái đi chẳng thể được

Vì không sự kiện đi

Làm gì có người đi (7)

Người đi và sự đi là hai sự kiện không thể tách lìa khỏi nhau được. Nếu không tìm thấy CÓ sự đi trong ba thời, thì cũng không thể tìm thấy CÓ người đi trong ba thời.

Hỏi: Không có sự đi trong ba thời nhưng phải tìm thấy sự đi nơi người đi chứ?

Đáp:

Người đi thì không đi

Người không đi không đi

Lìa người đi, không đi

Không người đi thứ ba (8)

Muốn tìm sự kiện đi nơi người đi, chúng ta chỉ có hai trường hợp để tìm: Nơi người không đi và nơi người đi. Ngoài ra không có trường hợp thứ ba.

. Nơi người không đi thì không thể tìm thấy “Có đi”, vì đi và không đi trái nhau.

. Nơi người đi cũng không tìm thấy “Có đi” vì:

Nếu nói người đi đi

Làm sao có nghĩa này

Nếu lìa sự kiện đi

Người đi không thể được (9)

Nếu “người đi có đi” thì sự kiện đi vốn tồn tại độc lập bên ngoài Người đi. Trong trường hợp này Người đi không thể tồn tại. Tách lìa khỏi cái đi, chỉ còn lại Người. Người này có thể đứng, ngồi không hẳn là đi. Do đó nơi người đi cũng không tìm thấy có đi.

Nếu người đi có đi

Thì có hai sự đi

Một là người đi đi

Hai là cái đi đi (10)


Nếu nói người đi đi

Người ấy ắt có sai

Lìa đi có người đi

Nói người đi có đi (11)

Nếu vẫn cho rằng “người đi có đi” thì có hai thứ đi khác nhau: Người đi đi và sự đi đi.

Chúng ta xem trường hợp của “người đi” trước: Chúng ta hiểu rằng người là một thực thể vốn sẵn có, khi người vận dụng đến pháp đi, ta sẽ có người đi.

Cũng thế, khi nói “người đi đi” thì chúng ta đã thừa nhận “người đi” là một thực thể sẵn có, nên hẳn có thể vận dụng đến sự đi để thành người đi đi.

Trên thực tế, nếu lìa sự đi ra người đi chưa thể có. Vì người đi chưa thể có, nên không có người đi để vận dụng được pháp đi, do đó câu nói người đi đi là không hợp lý.

Đã đi không cất bước

Chưa đi không cất bước

Đang đi không cất bước

Cất bước vào lúc nào (12)

Lại nữa, nếu sự đi là có thực thì ta phải tìm thấy sự khởi đầu (cất bước) của nó. Sự kiện đi chỉ được xác định là Có, kể từ thời điểm khởi đầu trở về sau. Tuy nhiên trong ba thời không thể tìm thấy sự khởi đầu vì:

. Đã đi: Sự kiện đã xảy ra nên không thể tìm thấy sự khởi đầu nữa.

. Đang đi: Sự kiện đang diễn biến nên cũng không thể tìm thấy sự khởi đầu.

. Chưa đi: Vì sự kiện chưa xảy ra nên cũng không thể tìm thấy sự khởi đầu.

Ở đây, lý luận của Luận Chủ không phải là ngụy biện, không phải là chơi chữ. Chúng ta có thể lấy thực tế khoa học để chứng minh về thời điểm khởi đầu của sự đi.

Rõ ràng, thời điểm của sự xuất phát hay khởi đầu không được quá sớm (trước khi có sự kiện tức chưa đi), cũng không được quá trễ (sự kiện đã xảy ra tức đã đi).

Với cái nhìn bình thường, khi quan sát một người từ chỗ chưa đi sang trạng thái đi, chúng ta cho rằng: Sẽ dễ dàng xác định được thời điểm khởi đầu đó. Thực tế không phải như vậy. Như khi một người vừa dỡ chân lên để đi, thì dỡ chân lên cách mặt đất 10 cm là khởi đầu? Hay cách 1/10 cm là khởi đầu.....? Chúng ta có thể xác định được không? Giả sử như khi chân nằm trên mặt đất khoảng cách là 0,0000.....1, thì có bao nhiêu con số 0 ở giữa để ta có thể xác định chính xác lúc khởi đầu của bước chân để đi? Tương tự với thời gian cũng vậy, không thể nào xác định chính xác thực sự thời điểm khởi đầu của sự cất bước.

Nếu nhìn vấn đề trên theo quan điểm của thuyết Tương đối, thì sự kiện đi là một sự kiện ở trong “không-thời gian”. Muốn hiểu đúng sự kiện đi, phải khảo sát nó trong hệ tọa độ “không–thời gian” bốn chiều. Trong trường hợp này, câu hỏi “có tìm thấy sự khởi đầu của sự kiện đi hay không?” sẽ là câu hỏi vô nghĩa vì:

. Sự khởi đầu được xác định ở trong không gian hoặc thời gian. Trong trường hợp của thuyết Tương đối, không gian và thời gian không thể tách lìa nhau, nên chúng ta không có căn cứ để xác định cho sự khởi đầu nữa.

. Nếu xác định sự khởi đầu bằng một quan sát viên đứng bên ngoài sự kiện, thì lại phụ thuộc vào vị trí của quan sát viên ấy, nên cũng không thể khẳng định được điều gì cả. (xem thêm ở phần kết thúc).

Tóm lại, nhận thức vấn để theo cách thông thường: Chia thời gian và không gian thành hai thực thể tách biệt, hay nhìn vấn đề theo thuyết Tương đối, chúng ta đều không thể xác định được khởi đầu của sự đi – như Ngài Long Thọ đã nói.

Chưa cất bước không đi

Cũng không có đã đi

Hai sự ấy nên cất

Chưa đi sao cất bước         (13)


Không đã đi chưa đi

Cũng là không đang đi

Tất cả không cất bước

Tại sao lại phân biệt (14)

Không tìm được sự khởi phát của đi, thì không thể có đã đi và đang đi. Với chưa đi thì sự kiện đi chưa xảy ra nên cũng là không. Nếu không thể xác định được sự đi trong ba thời, thì căn cứ vào đâu để khẳng định sự đi là Có?

Với trình độ khoa học hiện nay, chúng ta hiểu rằng thời gian là một sự kiện tương đối. Một sự kiện nào đó đối với hệ thống này là hiện tại, thì đối hệ thống kia là quá khứ hoặc có thể là tương lai. Trong các hệ thống nói trên, không có việc hệ thống này đúng, hệ thống kia sai. Chúng vốn bình đẳng. Do đó mọi hiện tượng ghi nhận được từ thực tế, cũng chỉ có giá trị tương đối: Nó có thể phù hợp với hệ thống này mà không phù hợp với hệ thống kia. Vì vậy thái độ khẳng định về một kết quả, do ghi nhận ở một hệ thống nào đó quả là chủ quan và phiến diện, vì sẽ dẫn đến sự phủ định các kết quả ghi được ở các hệ thống khác.

Luận lý ở bộ luận này rất chặt chẽ và sắc bén. Do bộ luận dẫn đến những kết luận trái với các định kiến đã được mọi người chấp nhận, nên có vẻ khó tin, khó hiểu. Chúng tôi xin dùng một vài thành quả của môn chuyển động học trong ngành Vật lý hiện đại để minh chứng cho sự đúng đắn của các lập luận trên.

Sự kiện đi được hiểu là sự chuyển động. Lý thuyết của môn chuyển động học chỉ ra rằng: Chuyển động là một hiện tượng tương đối. Nó phụ thuộc vào vị trí của người quan sát (nói một cách tổng quát là phụ thuộc vào hệ quy chiếu được dùng để khảo sát sự chuyển động) và đối tượng quan sát.

Với một người đứng trên bờ, thấy thuyền đi trên sông. Với một người ngồi trên thuyền thì thấy thuyền không đi mà người trên bờ đi giật lùi. Về chiếc thuyền dù nó có đi hay không, nó cũng không hề di chuyển với chính nó.

Ở phẩm này, hệ qui chiếu được chọn là Người đi (người nhất quán với hành động đi) để khảo sát lại sự chuyển động của chính người đi. Trong trường hợp này không thể tìm thấy sự đi nào cả. Nếu vẫn cho rằng “người đi có đi” thì cái đi này phải do một pháp đi thứ hai nào đó tạo ra. Điều này hoàn toàn không hợp lý. Đối với sự cất bước cũng thế, với hệ qui chiếu là “người đi”, chúng ta chẳng thể tìm thấy được sự cất bước nào. (phần 8).


Hỏi
: Nếu không có sự đi vậy có thể tìm thấy sự đứng (dừng) chăng?

Đáp:

Người đi thì chẳng đứng

Người không đi chẳng đứng

Ngoài người đi không đi

Người thứ ba nào đứng (15)


Người đi nếu là đứng

Làm sao có nghĩa này

Nếu lìa sự kiện đi

Người đi chẳng thể được (16)

Đứng ở đây chỉ cho sự dừng lại của đi.

Sự kiện đứng cũng chỉ tìm thấy trong hai trường hợp: Nơi người đi và nơi người không đi.

. Nơi người không đi thì không thể cho là có sự kiện đứng. Do sự đi bị đinh chỉ mà gọi là đứng. Không có sự đi thì chẳng có cơ sở khi kết luận là có sự đứng trong trường hợp này. Thật ra chuyển động vốn tương đối nên không thể khẳng định là có đi hay có đứng vì tùy thuộc vào hệ qui chiếu.

. Nơi người đi cũng không thể tìm thấy sự đứng, vì người đi không thể lìa sự đi riêng tồn tại. Nếu người đi có đứng, thì đi và đứng là hai sự kiện trái nhau, lại cùng ở một nơi. Điều này không hợp lý.

Tóm lại…

Đã, chưa đi không đứng

Đang đi cũng không đứng

Mọi biến hành đình chỉ

Đều cùng nghĩa sự đi (17)

. Chưa đi thì sự kiện đi chưa diễn ra thành không thể nói đứng lại.

. Đã đi thì sự đi còn không tìm thấy, huống là đứng lại.

. Đang đi thì hành động đang tiếp diễn thành cũng không đứng.

Tóm lại trong ba thời đều không thể tìm thấy sự đứng.

Luận lý trên cũng vận dụng cho mọi hành tác và sự đình chỉ có trên thế gian này...


Hỏi
: Sự đi và người đi là hai sự kiện không thể tách lìa nhau để riêng tồn tại, nhưng chúng vẫn thực tồn tại là do sự kết hợp giữa hai pháp để đồng thành, đồng có?

Đáp:

Sự đi tức người đi

Điều ấy thị không đúng

Sự đi khác người đi

Điều ấy cũng chẳng đúng (18)


Nếu nói sự kiện đi

Cũng tức là người đi

Tác giả và tác nghiệp

Việc ấy ắt là một (19)


Nếu nói sự kiện đi

Có khác với người đi

Lìa người đi có đi

Lìa đi có người đi (20)

Muốn kết luận do có sự kết hợp mà thành tựu hai sự kiện người đi và sự đi, chúng ta hãy xét hai pháp này kết hợp với nhau trong trưởng hợp nào.

1/ Sự đi và người đi là một : Sự đi là hành vi tạo tác (tác nghiệp), người đi là kẻ tạo tác (tác giả). Tác giả và tác nghiệp không thể là một.

Lại nữa, nếu sự đi và người đi là một thì khi nào chúng cũng phải đồng nhất. Trên thực tế, khi pháp đi không được dùng đến nữa thì nơi sự đi hoàn toàn không còn. Nơi người đi, người đi cũng không nhưng vẫn còn người. Do đó sự đi và người đi không thể là một được. (Phần 19)

2/ Người và sự đi là khác: Nếu người đi và sự đi khác nhau, thì lìa người đi vẫn có sự đi, lìa sự đi vẫn có người đi, nhưng điều này không thể được. (Phần 20)

Tóm lại:

Đi người đi là hai

Nếu một khác được thành

Hai món đều không thành

Làm sao lại có thành (21)

Người đi và sự đi là một không thể được, là khác cũng không thể được. Vậy nếu do sự kết hợp, thì chúng kết hợp trong trường hợp nào và vào lúc nào?

Tóm lại người đi và sự đi không thể do kết hợp mà thành.


Hỏi
: Nếu Người đi và sự đi không cho là Có, không do kết hợp mà thành. Vậy lý giải thế nào về hai sự kiện này cho hợp lý?

Đáp:

Nhân đi biết người đi

Không thể dùng đi ấy

Trước không có cái đi

Nên không người đi đi (22)


Nhân đi biết người đi

Không thể dùng đi khác

Vì trong một người đi

Không được hai sự đi (23)

Cách lý giải phù hợp là:

Nhân đi biết người đi: Nhờ vào sự kiện đi mà ta biết người đi... Vì sao?

Nếu trước chưa dùng đến sự đi thì không thể có người đi. Lúc này hoàn toàn không có gì làm căn cứ để chúng ta nhận biết người đi.

Sự kiện đi là nguyên nhân và điều kiện để biết về người đi. Người đi và sự đi đồng hiện trong quan hệ nhân duyên, nên không một pháp nào là thực có. Nếu nói Có sự đi, sẽ dẫn đến “một người đi có hai sự đi” (đã chứng minh ở trên). Điều này không hợp lý.

Người đi quyết định có

Không dùng ba sự đi

Người đi quyết định không

Cũng không ba sự đi (24)


Sự đi định không định

Người đi chẳng dùng ba

Nên sự đi người đi

Chỗ đi đến đều không (25)

. Nếu quyết định người đi là thực có, nghĩa là nó tồn tại một cách độc lập dù không dùng đến ba sự đi (đã đi, chưa đi, đang đi). Trong trường hợp này sự đi sẽ bị phủ định hoàn toàn. Nếu sự đi đã bị phủ định thì không có người đã đi, chưa đi, đang đi. Do đó cũng chẳng có căn cứ gì để biết về người đi. Nói cách khác, một sự khẳng định sẽ dẫn đến một sự phủ định.

. Nếu người đi là thật không, thì sự đi cũng hoàn toàn không có.

. Nếu quyết định sự đi là thực có, thì sự đi vốn tồn tại bên ngoài người đi. Tức người đi bị phủ định. Người đi bị phủ định thì cũng không thể có sự đi. Không tác giả làm sao có hành động?

. Nếu người đi thực không thì không có người đi, vì “nhân đi biết người đi”.

Từ bốn trường hợp trên, chúng ta thấy rằng: Muốn nhận thức về sự đi và người đi phù hợp với thực tế, thì nhận thức ấy phải không rơi vào “Có – Không”. Nói cách khác, sự đi và người đi hay tất cả mọi biến hành đình chỉ trên thực tế là những sự kiện không ở trong phạm trù “có – không”. Các phân biệt nhị biên như có–không, thành–hoại, một–khác... không phù hợp với thực tế. Trong thực tế, các pháp nói trên không có một tính chất thực nào để chúng ta có thể nắm bắt, có thể phân biệt, có thể dựng lập, như cách mà chúng ta vẫn đang ứng xử đối với các pháp. Người đi và sự đi hoàn toàn “không tánh”.

Kết thúc…

Đến đây vẫn còn một vấn đề để nêu ra.


Hỏi:
Đồng ý rằng người đi, sự đi, đang đi là những sự kiện không tồn tại một cách riêng lẻ, chỉ đồng hiện trong quan hệ nhân duyên. Tuy vậy các sự kiện vẫn thực có, vì sao? Vì hiện nay, chúng ta có thể xác định được một sự chuyển động nhờ vào các yếu tố vận tốc, gia tốc, quỹ đạo... của nó. Nhờ đó chúng ta phân biệt được pháp đi này với pháp đi kia. Phân biệt được pháp đi với các pháp khác. Vì xác định được các đặc tính riêng của một sự đi, nên sự đi là một sự kiện có thực, nó vẫn ở trong phạm trù “có – không”.

Đáp: Thật ra các yếu tố như vận tốc, gia tốc, quỹ đạo... không phải là đặc tính riêng của sự chuyển động, vì chúng còn phụ thuộc vào một điều kiện khác nữa. Đó là hệ tọa độ được dùng để khảo sát sự đi. Cùng một sự chuyển động, nếu chọn các hệ tọa độ khác nhau thì vận tốc, gia tốc... ghi được từ sự chuyển động đó sẽ khác nhau. Do đó, không thể xem các yếu tố này là đặc tính riêng của sự chuyển động.

Trên  thực tế, có vô số hệ tọa độ cho chúng ta lựa chọn. Các hệ tọa độ đó có thể được chia làm hai loại chính:

1/ Các hệ tọa độ có sự chuyển động đồng bộ với sự chuyển động của người đi.

2/ Các hệ tọa độ không có sự chuyển động đồng bộ với sự chuyển động của người đi.

Ở trường hợp 1: Các yếu tố như vận tốc, gia tốc... luôn luôn bằng 0, nghĩa là không ghi nhận được một sự kiện đi nào cả.

Ở trường hợp 2: Các yếu tố như vận tốc, gia tốc... khác 0, nghĩa là ghi nhận được sự đi. Với hai hệ tọa độ khác nhau, chúng ta sẽ ghi nhận được hai sự đi khác nhau.

Đến đây chúng ta có những nhận xét sau:

. Nếu chọn hệ tọa độ thuộc loại 1, thì không ghi nhận được một sự đi nào cả. Trong trường hợp này, nếu kết luận sự đi là không có, thì chúng ta đã phủ nhận kết quả ghi nhận được ở các hệ tọa độ thuộc loại 2.

. Nếu chọn một hệ tọa độ thuộc loại 2, thì sẽ ghi nhận được một sự đi. Nếu kết luận là có sự đi thì chúng ta đã phủ nhận kết quả ghi nhận được ở các hệ tọa độ loại 1.

. Nếu cho rằng kết quả ghi nhận được ở một hệ tọa độ nào đó là đúng, thì chúng ta đã cho rằng kết quả ghi nhận từ các hệ tọa độ khác là sai.

Việc lựa chọn một hệ tọa độ nào đó là một việc làm hoàn toàn chủ quan. Việc phủ nhận các kết quả ghi nhận được từ các hệ tọa độ khác cũng là một việc làm chủ quan.

Muốn nhận thức được khách quan, chúng ta không được cho kết quả ghi nhận được trong hệ tọa độ là có hay là không, là đúng hay là sai. Nếu nhận thức của chúng ta rơi vào có–không, đúng–sai, thì chúng ta đã lấy một trường hợp và bỏ đi vô vàn các trường hợp khác có trong thực tế.

Tóm lại, cả trong trường hợp này, nhận thức về sự đi và người đi chỉ phù hợp với thực tế, khi chúng không rơi vào khẳng định hay phủ định (có – không).


Hỏi:
Tại sao trong thực tế, chúng ta lại có thể ghi nhận được nhiều kết quả khác nhau từ cùng một sự kiện, mà không một kết quả nào được xem là có hay là không, là đúng hay là sai?

Đáp: Do vì nhận thức hiện có trong mỗi chúng ta chỉ ghi nhận được những cái bóng của thực tại mà thôi.

Từ một vật thể ba chiều, khi chiếu lên một mặt phẳng chúng ta có một cái bóng. Tính chất của bóng sẽ thay đổi tùy theo góc độ chiếu soi và tùy theo vị trí của mặt phẳng. Cũng thế, cái mà chúng ta đang nhận thức được, chỉ là một khía cạnh của sự kiện. Do đó, tùy theo điều kiện quan sát khác nhau mà kết quả ghi nhận có khác nhau. Những kết quả ghi nhận được chỉ là những cái bóng của thực tướng, chứ không phải là chính thực tướng. (Xin xem kỹ phần “Lý Duyên khởi” thuộc phần Tổng kết cuối cuốn luận).