Trung Luận (Chánh Tấn Tuệ)

LỜI NÓI ĐẦU

16/04/2017


LỜI NÓI ĐẦU


Nếu sự khám pháp ra “số không” là một khám phá vĩ đại của toán học, thì việc hiểu được “tánh không” cũng là một khám phá vì nó giải quyết được sự bế tắc của triết học.

Đọc Trung Luận, cũng giống như đọc chuyện khó tin mà có thật. Trung Luận lại càng khó tin hơn, khi nó chứng minh rằng: Những gì vẫn được chúng ta chấp nhận một cách hiển nhiên, chỉ là những nhận thức sai lầm về thực tế.

Nhiều người vẫn cho rằng, Bát-nhã nói chung, Trung luận nói riêng phá hết tất cả, phủ định mọi thứ và… chỉ thế mà thôi!

Hiểu như vậy thật oan cho Trung luận – “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan”. Trung Luận phá đi những kiến chấp sai lầm để hiển bày thực lý. Thực lý được hiển bày theo hai cách sau:

1/ Giúp người đọc ngộ được “tánh không”, từ đó thấy được lý Duyên khởi.

2/ Hiểu được lý Duyên khởi, lấy đó làm chánh kiến để tu hành. Nhờ vậy ngộ được “tánh không”. Ngộ được “tánh không” tức hiểu được thực lý Duyên khởi.

Ai thấy được lý Duyên khởi, người ấy thấy được pháp. Ai thấy được pháp người ấy thấy được lý Duyên khởi”. [1]

“Pháp” có nghĩa là thực pháp, cũng có nghĩa là “tánh không”, cũng có nghĩa là Đạo.

Trong tập sách này, chúng tôi luôn cố hiển bày lý Duyên khởi ở những nơi có thể. Để dễ nắm bắt được Trung Luận, các bạn có thể đọc phần tổng kết ở cuối sách trước, để nắm tổng quát. Nhờ vậy, khi đi vào từng phẩm sẽ dễ dàng hơn.

Trung Luận là bộ luận có tánh luận lý cao. Luận lý của Trung Luận có cùng bản chất với các phương pháp luận lý ở các ngành khoa học hiện đại. Tuy nhiên, ở các ngành khoa học, người ta đưa ra nhiều khái niệm để đơn giản hóa vấn đề như khái niệm về điểm, chất điểm v.v... nhờ vậy, dễ luận lý và dễ học hiểu hơn.

Với Trung Luận, khi luận lý các sự kiện được giữ nguyên như chính nó có trong thực tế. Vì vậy, luận lý ở đây sẽ tinh tế hơn, sự tổng hợp cũng phức tạp hơn. Do đó sự học hiểu Trung luận cũng khó hơn.

Muốn hiểu được Trung Luận, chúng ta cần một sự chuyên chú, tập trung và quan trọng hơn cả là tinh thần sẵn sàng chấp nhận sự thật (sự thật bao giờ cũng phù hợp với luận lý và thực tế) dù sự thật đó trái với những tư kiến sẵn có trong tâm thức của chúng ta.

Ghi chú:

Trong cuốn Trung Luận được xuất bản, ngoài những phẩm có phần giải thích, chúng tôi vẫn ghi đủ các phẩm không giải thích. Trong phạm vi trang web, chúng tôi đã lược bớt các phẩm không có phần giải thích này.  


[1] Kinh Trung Bộ tập 1, trang 420, H.T Minh Châu dịch.