Duyên khởi
TỨ SINH VÀ TỨ ĐẾ
Viết cho Nguyệt san giác ngộ tháng 04/ 2018 số 265 (PL 2561)
20/04/2018TỨ SINH
Tứ sinh là thai sinh, noãn sinh, thấp sinh và hóa sinh.
Loài hữu tình sinh ra đều thông qua bốn cách này.
Sinh, là trước không nay có, ngay khi có gọi là sinh.
Đã gọi là chúng sinh thì đều phải sinh ra, nhưng cách sinh ra không đồng nhất mà theo bốn cách trên.
Thai sinh, như loài người ở trong thai mẹ, thành tựu hình thể trong đó rồi sinh ra [1]. Kinh Tăng nhất a-hàm I, phẩm Tứ đế, trang 548 [2] ghi: “Người và súc sinh, cho đến loài hai chân, gọi là thai sinh”. Nói chung, người hay vật, khi sinh ra thấy có đầy đủ hình thể rồi thì thuộc thai sinh.
Noãn sinh, như gà, chim, quạ, bồ câu, rắn, cá, kiến… [3]. Khi sinh ra ở dạng trứng, thành tựu hình thể trong trứng rồi sinh ra, gọi là noãn sinh.
Thấp sinh, chỉ cho trùng trong thịt thúi, trong cầu tiêu, trong thây chết… [4]. Đây chỉ cho các sinh vật dựa vào chỗ ẩm thấp mới thụ hình được. Kinh Thập nhị nhân duyên gọi loại thấp sinh này là hàn nhiệt hòa hợp sinh. Nghĩa là, loài nào cần phải có chỗ ẩm thấp làm duyên mới xuất hiện và tồn tại được thì gọi là thấp sinh.
Hóa sinh, như chư thiên, đại địa ngục, ngạ quỷ, và chúng sinh thuở kiếp sơ [5]. Gọi là hóa sinh, vì loại này có khả năng sinh hiện tức thời với đầy đủ các bộ phận cùng các căn mà không cần đến bào thai, tinh huyết [6].
Theo luận Câu-xá [7] thì …
- Người và bàng sinh có đủ cả bốn cách sinh.
Người sinh từ thai như tất cả loài người hiện nay.
Người sinh từ trứng như Thế-la (Saila) và Ô-ba-thế-la (Upásaila) sinh ra từ trứng chim hạt v.v... Tích này được lấy từ luận Bà-sa: Xưa có một thương nhân vào biển bắt được một con hạt mái. Hạt sinh ra hai trứng. Trứng từ từ hấp thụ hơi nóng sinh ra hai đồng tử thông minh, đẹp đẽ. Đứa lớn tên là Thế-la. Đứa nhỏ tên Ô-ba-thế-la. Lớn lên cả hai đều xuất gia và chứng quả A-la-hán [8].
Người sinh ra từ sự ẩm thấp như Mạn-đà-la, Già-lô v.v…
Người sinh ra do hóa sinh, như loài người thuở kiếp sơ.
Với loài vật thì ba loại đầu đều đã thấy. Riêng hóa sinh thì có Rồng (Nāga) và Yết-lộ-trà (Garuda).
- Chư thiên, địa ngục và trung hữu chỉ có hóa sinh.
- Quỷ thì theo hai loại sinh là thai sinh và hóa sinh. Nói thai sinh là lấy từ tích một quỷ cái nói với ngài Mục-kiền-liên rằng: “Ban đêm ta sinh được 5 đứa con trai, sinh được đứa nào ta liền ăn đứa đó. Ban ngày cũng sinh được 5 đứa, cũng ăn hết, nhưng vẫn không no” [9].
Chỉ là duyên quyết định xuất hiện
Theo cách diễn giải đó thì tứ sinh là duyên giúp chúng sinh xuất hiện, không phải là nhân tạo tác ra chúng sinh. Nhân tạo ra chúng sinh chính là nghiệp tập nơi mỗi chúng sinh ấy. Luận Thành duy thức ghi: “Các nghiệp hữu lậu thiện và bất thiện, do thế lực của phiền não chướng làm duyên trợ giúp mà chiêu cảm ra quả Dị thục thô phù trong ba cõi với thân mạng sống lâu hay chết yểu. Do sức nhân duyên mà có sự hạn định đó nên gọi là Phần đoạn sinh tử” [10]. Các nghiệp hữu lậu này cũng quyết định chúng sinh sinh theo cách nào.
Các loài thấp sinh là trùng trong cầu tiêu hay trong thây chết, nay gọi là giòi, thì chỗ ẩm thấp dơ bẩn là duyên quyết định giúp chúng xuất hiện, không có duyên ấy thì chúng không xuất hiện và tồn tại được, nên nói thấp sinh. Có bạn khi nghe nói giòi thuộc thấp sinh, do rác rưới, thây chết phân hủy v.v… sinh ra, đã lắc đầu không chấp nhận. Vì “khoa học đã chứng minh giòi là do trứng ruồi sinh ra, do mầm trứng này có điều kiện ẩm thấp trợ duyên mà giòi xuất hiện, không phải do ẩm thấp rác rưới tạo ra. Nếu không có mầm trứng này thì dù ẩm thấp bao nhiêu, giòi cũng không xuất hiện được, nên nói giòi từ các thứ ẩm thấp như rác rưới, thây chết phân hủy tạo thành là phản khoa học” [11]. Luận như vậy hoàn toàn chính xác. Nhưng nếu hiểu về duyên khởi thì sẽ thấy lời Phật dạy không trái với khoa học, cũng không hề mâu thuẫn với lập luận đó. Nhân tạo ra giòi là trứng ruồi, nhưng không có điều kiện ẩm thấp như phân dơ, thây chết phân hủy v.v… thì mầm trứng ấy không thể nẩy sinh thành giòi. Tuy chỉ là duyên nhưng nó lại là duyên quyết định để chúng sinh ấy xuất hiện, nên giòi tuy được sinh từ trứng ruồi, vẫn không được liệt vào noãn sinh mà liệt vào thấp sinh. Nói thấp sinh là nói cách thức sinh của một sinh vật có tên là giòi, không nói ruồi. Đó là lý do vì sao giòi tuy là một giai đoạn trong quá trình tiến hóa của ruồi, nhưng không nói tam sinh mà nói tứ sinh, và sự ẩm thấp dơ bẩn được nhấn mạnh như một cái nhân tạo ra giòi. Đây cần nên hiểu, khi nói đến thấp sinh là đang nói về cái duyên quyết định việc xuất hiện của một chúng hữu tình, nhấn mạnh sự xuất hiện này tồn tại trong một giai đoạn nào đó, không phải nói hết thảy quá trình tiến hóa hay luân hồi của chúng sinh ấy.
Cách sinh chiếm ưu thế
Theo luận Câu-xá, trong Tứ sinh, hóa sinh là cách sinh tối thắng nhất, cũng là cách có nhiều chúng sinh nhất. Vì nó bao gồm toàn bộ địa ngục, toàn bộ các cõi trời, tất cả trung hữu, cộng thêm một phần các cõi khác.
Hậu thân Bồ-tát, vốn có lực tự tại đối với sinh tử, vào lần sinh cuối cùng, có thể sinh ra theo cách hóa thân, nhưng chư vị chọn thai sinh, là vì lợi ích cho chúng sinh ở thế gian. Luận Câu-xá ghi: “Bởi Bồ-tát nhìn thấy được lợi ích lớn: Nhờ có liên hệ thân thuộc với Bồ-tát nên dòng tộc Thích-ca mới có thể nhập vào chánh pháp. Nhờ biết được Bồ-tát sinh từ dòng tộc Chuyển luân thánh vương nên mọi người sinh tâm kính mộ. Nhờ thấy rằng Bồ-tát dù là người vẫn đã chứng đắc viên mãn nên chúng sinh phát khởi tâm tăng thượng…” [12].
TỨ ĐẾ
Nói đến Tứ đế khi nói về Tứ sinh, vì trong kinh Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo! Muốn xa lìa bốn thứ sinh này, hãy tìm phương tiện thành tựu pháp Tứ đế. Như thế, này các Tỷ-kheo, hãy học điều này” [13]. Muốn liễu thoát sinh tử, tức thoát bốn cách sinh thì cần tìm phương tiện thành tựu pháp Tứ đế này.
Tứ đế là khổ, tập, diệt, đạo.
Tùy tâm chúng sinh mà cùng là khổ, tập, diệt, đạo mà có thô tế không đồng.
Gọi là đế vì nó có ở thế gian này, thật có, không hư dối, là lời của Thế Tôn, nên gọi là đế [14]. Nói “thật có” là trong cái duyên ở thế gian. Đã nói trong duyên thì Tứ đế là pháp nhân duyên, tức “thật có” là ứng với với cái duyên chúng sinh thế gian mà hiện. Không có duyên đó thì cái “thật có” ấy cũng mất. Cho nên nói “thật có” mà không nên chấp vào “thật có”. Nếu chấp thì Tứ đế thành có tánh. Song pháp nhân duyên thì không tánh. Vì thế Trung luận Phá Tứ đế, là phá tướng Tứ đế để hiển tánh của Tứ đế, chính là tánh không, tánh của tất cả vạn pháp, cũng gọi là Phật tánh mà Phật và chúng sinh đồng sở hữu.
Khổ đế
Cùng là khổ, nhưng tùy tâm chúng sinh [15] mà có thô tế không đồng. Có cái khổ của Phần đoạn sinh tử. Có cái khổ của Biến dịch sinh tử. Phần đoạn sinh tử là cái khổ của phàm phu. Biến dịch sinh tử là cái khổ của A-la-hán, Bích chi Phật và Bồ-tát ý sinh thân[16]. Thánh nhân mà nói khổ, là so với cái lạc rốt ráo của chân thể thanh tịnh mà nói. Chư vị vẫn còn chịu sự biến dịch vi tế của dòng chủng tử, quả chẳng lìa nhân [17], nên nói khổ. Không phải khổ có định tánh. Trong phạm vi bài này, chỉ khai triển cái khổ của phàm phu.
Khổ của phàm phu là sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, lo buồn khổ, oán ghét gặp gỡ khổ, thương yêu xa lìa khổ, cầu không được khổ, ngũ ấm bất hòa khổ. Nói chung, thứ gì ở thế gian này cũng dễ dẫn đến khổ nếu tâm chưa hết dính mắc. Bởi khổ duyên khởi với sướng. Tìm cầu sướng thì khổ khó thoát. Thành sinh khóc, tử khóc. Sinh không khóc cũng đập cho khóc, cho thích ứng với cái khổ ở thế gian này. Nói khổ đế, vì thật có những cái khổ đó ở thế gian, nhất là với thế giới Sa-bà. Cõi trời, tuy mọi thứ đều được như ý nhưng cũng không thoát được tử. Đó là khổ. Chưa kể cái như ý ấy lại là đầu mối của những khổ nạn sau này. Vì tâm chúng sinh, mọi thứ khi đã như ý thì đa phần ít nghĩ đến thiện nghiệp, cũng không có điều kiện để tạo thiện nghiệp. Sướng quá thì khi khổ, khổ thành gấp bội. Như ý quá, nhẫn thành không lực. Mọi thứ đều được lưu giữ trong tạng thức. Khi hết phước cõi trời, thọ sinh vào nhân gian, có bất như ý xảy ra dù chỉ một chút, tâm cũng dễ sinh bất mãn hay sân hận. Sướng và khổ ở thế gian duyên khởi với nhau như thế, nên một khi chưa tự thoát khỏi thế đối đãi ấy thì khó mà không khổ, nên nói khổ đế.
Giờ muốn thoát khổ thì phải tìm ra nguyên nhân của khổ, giải quyết cái gốc ấy thì khổ mới dứt. Như đau bụng thì phải tìm ra nguyên nhân do đâu đau bụng. Do trúng thực mà đau bụng hay do sán lãi mà đau bụng. Nhân tương ưng với quả phải được tìm thấy chính xác thì bệnh trị mới lành, khổ theo đó mới dứt. Phàm phu khổ nhưng do không nắm được chính xác nhân duyên khiến mình khổ nên chạy từ khổ này sang khổ kia, khổ này nối tiếp khổ khác.
Tập đế
Phật nói Khổ là do Tập, và gọi là Khổ tập đế. Đó là “ái và dục tương ưng, tâm thường nhiễm trước” [18]. Tập trong phạm vi bài này được nhấn mạnh ở mặt ái dục và thường nhiễm trước. Đây là nói về tập của phàm phu, nhân duyên đưa đến cái khổ Phần đoạn sinh tử của chúng sinh.
Tập, nghĩa của nó là tích tụ. Mọi nhân duyên đều được tích tụ lại trong tạng thức. Mọi hành vi, lời nói, tạo tác… một khi được huân tập hoài sẽ thành có lực, có thể dẫn chúng sinh luân hồi trong sinh tử. Tức các tạo tác ấy nếu được lặp đi lặp lại thành thói quen hoặc được trợ duyên bằng các lời nguyện thì sẽ xuất hiện thế giới và chúng hữu tình. Nguyện là một hình thức khác của dục. Dục là mong muốn. Khi dục đi liền với ái thì những dục ấy có liên quan đến ái, mang tính chất của ái nghiệp. Hành dâm là một trong các hình thức của dục khi dục đi liền với ái.
Ái, là yêu thương, mà mặt duyên khởi của nó là ghét. Vì thế nói đến yêu thương cũng là nói đến ghét. Khi đã nói đến thương hay ghét, tức đã có sự nhiễm trước. Thương ghét nói đây, không phải chỉ nói ở đối tượng là con người mà đối với lục trần còn lại [19] (trong đó có ngũ dục) [20]. Còn thương ghét là còn nhiễm trước. Còn nhiễm trước thì còn sinh tử.
Phần đoạn sinh tử của chúng sinh là do nghiệp hữu lậu làm nhân, phiền não chướng làm duyên mà thành hình. Nghiệp hữu lậu là các nghiệp thiện và bất thiện được tạo tác thông qua ba nghiệp thân, khẩu, ý. Phiền não chướng là tham, sân, si. Tham và sân đều do ái mà có. Thương thích thì sinh tham, muốn nắm giữ. Ghét bỏ mà cận kề thì sinh sân, muốn đẩy đi. Nhiều việc đáng tiếc xảy ra là do thương và ghét. Thương mà không thỏa mãn cũng giết. Ghét mà phải thân cận cũng giết. Nên vợ giết chồng, hàng xóm láng giềng giết nhau. Với lục trần còn lại cũng vậy. Nghe một tiếng không vừa lòng liền sinh tâm oán hận, giết toàn bộ gia đình gia chủ. Thích tiền bạc, nhà lầu, xe hơi, ăn ngon, mặc đẹp, nên sinh cửa quyền, tham ô, trộm cướp, hàng gian, hàng giả, nẩy sinh bao điều đáng tiếc. Đều do dục ái và nhiễm trước mà ra. Biết bao cái khổ hiện khởi khi ái là nhân duyên, dục ái là nhân duyên.
Ái cũng là một chi trong Thập nhị duyên sinh. Do Vô minh mà có Ái, do Ái mà sinh Thủ, do Thủ mà sinh Hữu, từ đó có sinh, lão, bệnh, tử. Trong gia đoạn sinh tử ấy, đối duyên tiếp cảnh, như ý và không như ý xuất hiện mà tạo nghiệp vô vàn.
Kinh Thắng-man phu nhân hội, phân phiền não chướng thành hai là Trụ địa phiền não và Biến khởi phiền não. Gọi là Trụ địa vì nó là nền tảng để Biến khởi phiền não xuất hiện. Biến khởi phiền não là những phiền não hiện hành mà chúng ta có thể cảm nhận được như vui, buồn, khổ, lo v.v… Từ những biến khởi đó mà ta tạo nghiệp thiện hay bất thiện.
Biến khởi phiền não thì dễ nhận nhưng Trụ địa phiền não thì khó biết.
Trụ địa phiền não có bốn: 1/ Kiến nhất xứ trụ địa. 2/ Dục ái trụ địa. 3/ Sắc ái trụ địa. 4/ Hữu ái trụ địa.
. Kiến nhất xứ trụ địa, chỉ cho kiến hoặc trong tam giới. Tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới (Hữu giới). Đó là những định kiến hay quan điểm được lưu giữ trong tạng thức qua bao đời do kinh nghiệm, học hỏi, tu chứng v.v… Kiến nhất xứ trụ địa là kim chỉ nam dẫn đường cho Ái trụ địa thuộc ba cõi sinh khởi.
. Dục ái trụ địa là nói đến tư hoặc ở Dục giới. Ở cõi Dục thì dục ái là nặng nên nói Dục ái trụ địa. Chính là phần dục ái Phật đã nói trên. Do phần huân tập lưu giữ này mà nẩy sinh sự nhiễm trước khi căn tiếp xúc với trần. Như người miền Bắc có gu ăn uống khác người miền Nam. Cái gu đó là thứ được huân tập thành thói quen của từng miền. Người miền Nam khi ra Bắc sống, nếu thấy chướng ngại trong việc ăn uống, là do bị phần Dục ái trụ địa này chi phối, thói quen được huân tập đã có lực, nên gặp duyên không đồng, liền sinh chướng nghịch. Đi đâu xa trở về quê hương, thấy trong lòng như có cái gì thân thương quen thuộc, đều là hình thức của Biến khởi phiền não mà Dục ái trụ địa là nền tảng.
. Sắc ái trụ địa và Hữu ái trụ địa là Ái trụ địa thuộc Sắc giới và Vô sắc giới.
Kiến hoặc thì dễ trừ mà tư hoặc thì không thể một lần dứt diệt. Cho nên, trong hai loại kiến và ái nói đây, kiến dù thay đổi rồi thì ái có khi vẫn chưa giải quyết xong. Tức lý thông rồi, trên sự vẫn còn vướng. Là do phần Dục ái trụ địa này. Tu hành rồi, thông được thế gian là vô thường, có sinh là có tử, mạng sống chỉ tính trên từng hơi thở… nhưng đối diện với cái chết của người thân hay bạn bè, vẫn nẩy sinh việc đau lòng là do kiến hoặc thì thông mà tư hoặc thì chưa giải quyết được. Dục ái trụ địa vẫn còn nên Biến khởi phiền não như đau buồn, thương xót xuất hiện. Việc này có liên quan ít nhiều đến những mối nhân duyên đã tích tụ trong tạng thức. Cho nên, có cái chết không làm ta đau xót mà cũng có cái chết làm ta đau xót. Đều do Dục ái trụ địa phiền não này trợ lực.
Như vậy, muốn liễu thoát sinh tử, muốn không còn sinh thì trước hết phải hiểu từ đâu có sinh. Đó là do Tập, chính là Tứ trụ địa phiền não nói trong kinh Thắng-man. Tứ trụ địa phiền não còn thì khi đủ duyên Biến khởi phiền não sinh khởi. Biến khởi phiền não sinh khởi thì biết cái gốc Tứ trụ địa phiền não chưa giải quyết xong. Tất cả đều lấy Căn bản vô minh làm chỗ y chỉ. Căn bản vô minh này y nơi chân thể thanh tịnh mà có. Do chân thể không tánh, bất giác huân thành vô minh mà tâm biến thành thức, Tam tế và Lục thô hiện khởi [21]. Do việc y chỉ đó, diệt Ngũ trụ địa thì thể nhập lại nguồn cội chân thể của chính mình, không rơi vào ngoan không.
Cần phải hiểu về Tập, về nguồn gốc của Tập, về sinh khởi của Tập thì mới biết mà diệt Tập. Diệt được tập thì khổ mới hết, Tứ sinh mới dứt. Đó là lý do nói đến Diệt đế.
Diệt đế
Diệt đế, còn gọi là Khổ diệt đế. Kinh nói: “Diệt đế là dục ái diệt hẳn không còn và không tạo lại nữa. Đó là Khổ diệt đế”. Khi Dục ái được diệt tận, không còn duyên để sinh khởi tạo tác thì hành giả đạt được thứ gọi là liễu thoát sinh tử. Đó là quả chứng tối cùng của hàng Thanh văn và Duyên giác.
Với hàng Bồ-tát, do thấu được tánh vạn pháp là không, ta và người cùng thể không hai, khởi đại bi hành Bồ-tát đạo, diệt ái là do trí hiện mà ái thành bi, nên lòng thương xót đối với chúng sinh thì còn mà không nhiễm trước dính mắc. Do đó, liễu thoát sinh tử của Bồ-tát là không bỏ sinh tử mà cầu Niết-bàn, lưu hoặc dùng nguyện độ sinh, ngay khi sinh mà vẫn không sinh. Luận Thành Duy thức nói: “Niết-bàn vô trụ xứ là chân như thoát cả sở tri chướng, có đại bi và Bát-nhã thường phụ giúp. Do đó không trụ sinh tử cũng không trụ Niết-bàn, lợi lạc hữu tình tột cùng đời vị lai. Tuy ứng dụng mà thường tịch lặng, nên gọi là Niết-bàn” [22]. Muốn được Niết-bàn này, chúng ta phải chứng cho được cái nhân Phật tánh, nhà thiền gọi là kiến tánh. Kinh Lăng-già nói: “Phật tánh là nhân. Niết-bàn là quả”. Cũng nói: “Tướng tự giác thánh trí cứu cánh, là ở tất cả chỗ, chứng được cảnh giới tự tâm hiện lượng, đạt tất cả pháp không ngăn ngại, được thân như huyễn, viên mãn Phật địa” [23].
Muốn thành tựu Diệt đế thì phải có phương tiện giúp chuyển diệt dục ái và nhiễm trước. Đó là lý do nói đến Đạo đế.
Đạo đế
Đạo là phương cách giúp hành giả diệt Tập, còn có tên là Khổ xuất yếu đế. Trong phạm vi bài viết này, Đạo được nói đến là Bát chánh đạo. Đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Thực hiện được chánh kiến, chánh tư duy, chánh niệm, chánh định thì thanh tịnh được ý nghiệp.
Thực hiện được chánh ngữ thì thanh tịnh được khẩu nghiệp.
Thực hiện được chánh mạng, chánh nghiệp thì thanh tịnh được thân nghiệp.
Chánh tin tấn thì thông cả ba nghiệp. Không có phần chánh tinh tấn này, khó mà thanh tịnh được tam nghiệp. Bởi nghiệp sinh tử huân tập đã lâu, lực dẫn đã mạnh, không có chánh tinh tấn khó mà ngược dòng hoàn tịnh, tiêu trừ ái dục nhiễm trước.
Nêu chánh kiến đầu vì ý nghiệp là chủ trong ba nghiệp. Thiền sư Huyền Giác nói: “Tà niệm làm nhân duyên hay sinh ra muôn điều ác. Nhờ chánh quán làm nhân duyên hay khởi lên vạn điều thiện” [24]. Thiện này, không trụ ở nghiệp sinh tử mà giúp giải thoát khỏi tam giới, nên nội dung của chánh kiến, chánh tư duy v.v… cũng tập trung cho phần tu giải thoát.
Chánh kiến, là cái thấy chân chánh. Cái thấy nào phù hợp với lý thật ở thế gian thì cái thấy ấy được gọi là chánh kiến. Chánh kiến nói đây không chỉ dừng trụ ở phước báu trời người mà để liễu thoát sinh tử, nên nó phải được y chỉ trên viễn ly, vô dục, diệt và hướng đến xả [25]. Tin nhân duyên, nhân quả, tin có các quả vị tu chứng, tin hiểu Tứ đế, Thập nhị duyên sinh v.v… đều gọi là có cái thấy chân chánh.
Với hàng Bồ-tát tịnh tu thánh đạo thì chánh kiến còn là sự tin nhận chúng sinh và Phật đồng một tánh thể, thấy mình và người không khác, sắc và tâm không hai, Bồ-đề phiền não bản tánh không khác, sinh tử Niết-bàn bình đẳng nhất chiếu [26]. Cũng thấy “Diệu tướng thì bặt danh. Chân danh thì chẳng phải tự. Vô vi tịch diệu vi diệu tột cùng bặt tướng lìa danh, đường tâm ngôn dứt…” [27]. Cũng thấy “Ba cõi không có pháp riêng, chỉ do một tâm tạo tác. Tâm là căn bản của vạn pháp, lìa ngã, ngã sở…” v.v… Tin hay quán thấy vậy, gọi là chánh kiến.
Chánh tư duy, là chỉ cho những tư duy phù hợp với chánh lý. Tư duy, là đối với cảnh trước mắt, y lý mà suy xét nhận định cho thấu đáo. Đối với việc nghe pháp hay đọc kinh thì nên suy xét và chọn lọc những điều đã đọc và nghe, sao cho phù hợp với căn cơ của mình để còn ứng dụng. Vì pháp thế gian là pháp Duyên khởi. Pháp môn hay kinh luận là do ứng cơ với chúng sinh mà lập. Nên tuy kinh luận là vô số, pháp môn là vô lượng, nhưng không phải thứ nào cũng ứng dụng được. Muốn có lợi ích, đòi hỏi phải có sự suy xét chọn lọc các pháp phù hợp với căn cơ của mình. Dụng pháp sai cơ, vừa không có lợi ích, có khi còn sinh bệnh. Chẳng hạn, thiền sư Huyền Giác nói: “Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân/ Chẳng trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân” [28]. Nếu không tư duy kỹ càng, kẻ sơ cơ cứ theo pháp ấy mà dụng, thì vọng chẳng trừ, nghiệp thế gian cứ thế mà tương tục, nhưng vẫn cho mình đang công phu. Đến khi đối duyên tiếp cảnh, nội lực chẳng có, sự sinh rồi sinh sự, dễ mất niềm tin vào chánh pháp mà đọa lạc. Cho nên, phần Chánh tư duy này được lập thành một chi trong Bát chánh đạo và quan trọng không kém phần Chánh kiến. Tư duy ở đây là phải thấy cái duyên đi kèm với việc “chẳng trừ vọng tưởng” chính là “Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân”. Nên pháp ấy không phải dành cho kẻ sơ cơ mà dành cho hàng đạo nhân tuyệt học, là hàng mà vọng tưởng hiện hành không còn tương tục.
Chánh tư duy được thì chánh niệm, chánh ngữ v.v… hình thành.
Chánh ngữ, là lời nói phù hợp với chánh lý. Phù hợp với chánh lý thì không thể bỏ qua mặt Duyên khởi của pháp, chính là mặt tùy duyên của pháp.
Lời nói chánh lý là lời nói được sử dụng đúng thời, đúng đối tượng, mang lại lợi ích cho người hữu duyên. Vì thế, trong phần “Thế nào là tịnh tu khẩu nghiệp?”, tuy ngài Huyền Giác dạy bốn pháp chánh là lời ngay thẳng, lời dịu dàng, lời hòa hợp, lời đúng như thật, nhưng trên sự, chúng ta vẫn thấy chư vị thiền sư la, hét, đánh, mắng. Đó là do ứng với duyên của chúng sinh mà có pháp, không phải dạy một đường làm một nẻo. Chỉ là tùy duyên mà dụng pháp sao cho chúng sinh được lợi ích nhất. Khi đang còn trong duyên tu hành thì cần dụng pháp đối trị tập bệnh của bản thân. Khi tập bệnh hết, trong cái duyên là giáo hóa thì tùy căn cơ chúng sinh mà có pháp. Pháp nào mang lại kết quả tốt, pháp ấy được dùng, chẳng kể là nghịch hay thuận. Nên hiện thân của bi từ có thể là Quán Thế Âm, cũng có thể là Tiêu Diệm đại sỉ (Ông ác được thờ trong các chùa).
Bốn pháp chánh dùng để đối trị bốn pháp tà là:
1/ Lời ngay thẳng, là lời nói đúng pháp khiến người nghe tin hiểu rõ ràng, nói đúng lý kiến người nghe trừ hết nghi lầm. Dùng để trừ lời thêu dệt.
2/ Lời dịu dàng, là lời an ủi khiến người nghe vui vẻ gần gũi, lời thanh nhã khiến người nghe yêu thích tu tập. Dùng để trừ lời hung ác.
3/ Lời hòa hợp, là thấy người đấu tranh thì can gián khuyên nên xả bỏ, thấy người thối tâm Bồ-đề thì khéo nói việc mê ngộ cho người hiểu. Dùng để trừ nghiệp hai lưỡi.
4/ Lời đúng như thật, là có thì nói có, không thì nói không, phải thì nói phải, quấy thì nói quấy, cần nói đúng thời. Dùng để trừ lời nói dối.
Thực hiện được bốn pháp ấy thì có chánh ngữ.
Chánh nghiệp, là lìa sát, đạo, dâm, thường tu hạnh thanh tịnh. Ngày đêm chuyên cần hành đạo lễ bái. Tiết kiệm thân miệng không sinh sự xa hoa thái quá. Ít muốn, biết đủ. Thân mặc y phục như che ghẻ lở. Miệng ăn thức ăn ngon như dùng thuốc trị bệnh, không theo sự mà tham đắm. Quí pháp khinh thân. Siêng năng cầu pháp tối thượng. Đó gọi là chánh nghiệp. Tại gia hay xuất gia, muốn tự tại với sinh tử đều phải y đó mà hành.
Chánh mạng, là thuận theo chánh pháp mà nuôi thân mạng, chẳng cầu nghiệp bất chánh để nuôi thân mạng. Với hàng Sa-môn, vì để trị bệnh mà nhận bốn sự cúng dường, không vì tham đắm chất chứa, không dùng chú thuật bùa ngãi mà nuôi thân, chất chứa tài vật.
Chánh niệm, kinh Tương ưng bộ ghi: “Ở đây, này các Tỷ-kheo! Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, với mục đích điều phục tham ưu ở đời. Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời. Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời. Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh niệm” [29]. Đây là ứng dụng bài kinh Tứ niệm xứ trong tu tập hằng ngày để có chánh niệm, lấy đó làm chánh niệm.
Ngài Huyền Giác nói, người mới phát tâm chẳng nên có ba thứ ác, thiện và vô ký. Đó là không nghĩ tưởng đến các nhân duyên như ngũ dục thế gian, cũng không nghĩ đến các việc tạp thiện ở thế gian, cũng không rơi vào hôn trầm [30]. Cũng nói, hành giả lúc mới tọa thiền, chẳng nên nghĩ đến việc thiện ác ở thế gian, cũng không rơi vào vô ký. Dụng công ngay chỗ này, gọi là tức tịnh. Một niệm tức tịnh là thuốc, dùng đó trị các niệm cố khởi, quán tập, tiếp tục và biệt sinh. Cố khởi, là khởi tâm nghĩ đến ngũ dục thế gian và các việc tạp thiện. Quán tập, là vô tâm chợt nghĩ các việc thế gian. Tiếp tục, là tập quán chợt khởi, thấy tâm dong ruổi tán loạn mà chẳng chế ngự cho dừng lại, vẫn nghĩ tưởng theo các niệm trước [31]. Giờ dùng niệm tức tịnh trị bốn niệm kia. Hành được, ấy là chánh niệm. Có thể y đó mà hiểu chánh niệm và thực hành chánh niệm.
Chánh định, với kinh Tương ưng bộ là trạng thái tâm khi hành giả an trú Sơ thiền cho đến Tứ thiền. Với cái nhìn của Đại sư Hiền Thủ, Tổ thứ ba tông Hoa Nghiêm thì “Tham, sân, si dần nhạt mỏng, ấy là chánh định”. Định mà gọi là chánh định thì định này phải có chánh kiến, chánh niệm v.v… đồng hành. Không sẽ rơi vào tà định của ngoại đạo. Đó là, lóng lòng dứt vọng trí tuệ phát sáng, nước định lóng trong soi tỏ muôn tượng, diệu tánh thiên nhiên vốn chẳng phải động [32]. Định như vậy mới gọi là chánh định.
Mọi pháp môn của Phật Tổ đều không ra ngoài việc giúp chúng sinh thành tựu Bát chánh đạo. Thành tựu được Bát chánh đạo cũng là thành tựu pháp Tứ đế, giúp Thanh văn và Duyên giác chấm dứt luân hồi sinh tử, giúp Bồ-tát vững nguyện bi từ, an vui trong sinh tử khổ đau.
[1]Tự điển Phật học Hán-Việt. Chủ biên Kim Cương Tử.
[2] Việt dịch HT Thích Thanh Từ, hiệu đính HT Thích Thiện Siêu. PL 2541 – 1997.
[3] Kinh Tăng nhất a-hàm I (PL 2541 – 1997) - Phẩm Tứ đế, trang 548. Việt dịch HT Thích Thanh Từ, hiệu đính HT Thích Thiện Siêu.
[4] Kinh Tăng nhất a-hàm I (PL 2541 – 1997) - Phẩm Tứ đế, trang 548. Việt dịch HT Thích Thanh Từ, hiệu đính HT Thích Thiện Siêu.
[5] Tự điển Phật học Hán-Việt. Chủ biên Kim Cương Tử.
[6] Luận Câu-xá - Nguyên tác Phạn ngữ Abhidharmakosá của Bồ-tát Thế Thân – Bản dịch Hán là A-tỳ Đạt-ma Câu-xá luận của Huyền Trang. Đạo Sinh Việt dịch. https://www.yumpu.com/xx/document/view/15913569/download-chua-vien-giac/17
[7] Nguyên tác Phạn ngữ Abhidharmakosá của Bồ-tát Thế Thân – Bản dịch Hán là A-tỳ Đạt-ma Câu-xá luận của Huyền Trang. Đạo Sinh Việt dịch. https://www.yumpu.com/xx/document/view/15913569/download-chua-vien-giac/17
[8] Tam tạng pháp số - phần Nhân tứ sinh – Thích Nhất Như biên dịch, bản dịch của Lê Hồng Sơn. (thuvienhoasen.org). [9] Luận Câu-xá - Nguyên tác Phạn ngữ Abhidharmakosá của Bồ-tát Thế Thân – Bản dịch Hán là A-tỳ Đạt-ma Câu-xá luận của Huyền Trang. Đạo Sinh Việt dịch. https://www.yumpu.com/xx/document/view/15913569/download-chua-vien-giac/17[10] Luận Thành duy thức, trang 379 - Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1996 - HT Thích Thiện Siêu dịch và chú.
[11] Lời phản bác của một thính giả khi nghe một thầy giảng thuyết về Thấp sinh.
[12] Luận Câu-xá - Nguyên tác Phạn ngữ Abhidharmakosá của Bồ-tát Thế Thân – Bản dịch Hán là A-tỳ Đạt-ma Câu-xá luận của Huyền Trang. Đạo Sinh Việt dịch. https://www.yumpu.com/xx/document/view/15913569/download-chua-vien-giac/17
[13] Kinh Tăng nhất a-hàm I, phẩm Tứ đế. HT Thích Thanh Từ dịch. HT Thích Thiện Siêu hiệu đính.
[14] Kinh Tăng nhất a-hàm I, phẩm Tứ đế. HT Thích Thanh Từ dịch. HT Thích Thiện Siêu hiệu đính.
[15] Ngoài Phật ra, còn lại đều gọi là chúng sinh. Luận Đại thừa khởi tín – Bồ-tát Mã Minh – Chân Hiền Tâm việt dịch.
[16] Luận Đại thừa khởi tín – Bồ-tát Mã Minh – Chân Hiền Tâm việt dịch.
[17] Luận Đại thừa khởi tín – Bồ-tát Mã Minh. Chân Hiền Tâm việt dịch.
[18] Kinh Tăng nhất a-hàm 1, phẩm Tứ đế. HT Thích Thanh Từ dịch. HT Thích Thiện Siêu hiệu đính.
[19] Lục trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp
[20] Ngũ dục là tài, sắc, danh, thực, thùy.
[21] Luận Đại thừa khởi tín – Bồ-tát mã Minh – Chân Hiền Tâm dịch và giải thích.
[22] Thành Duy thức luận – H.T Thích Thiện Siêu dịch.
[23] Lời bàn của Đại sư Hàm Thị trong kinh Lăng-già Tâm Ấn – HT Thích Thanh Từ dịch.
[24] Thiền đốn ngộ - Thiền tông Vĩnh gia tập – thiền sư Huyền Giác – HT Thích Thanh Từ dịch và chú.
[25] Kinh Tạp a-hàm quyển 28. Kinh 764. Cầu-Na-Bạt-Ðà-La hán dịch. Thích Ðức Thắng Việt dịch. Thích Tuệ Sỹ hiệu định và chú thích. http://namo84000.org/kinh-tap-a-ham-quyen-28/
[26] Thiền đốn ngộ - Thiền tông Vĩnh gia tập – Phần Thế nào là tịnh tu ý nghiệp - Thiền sư Huyền Giác – HT Thích Thanh Từ dịch và chú.
[27] Thiền đốn ngộ - Thiền tông Vĩnh gia tập – Phần Thế nào là tịnh tu ý nghiệp - Thiền sư Huyền Giác – HT Thích Thanh Từ dịch và chú.
[28] Chứng đạo ca – Huyền Giác – HT Thích Thanh Từ dịch.
[29] Kinh Tương ưng bộ. Tập V: Thiên sáu xứ. Chương I: Tương ưng đạo. H.T Thích Minh Châu dịch. http://namo84000.org/kinh-tuong-ung-bo-thien-sau-xu-45-tuong-ung-dao/
[30] Thiền đốn ngộ - Thiền tông Vĩnh gia tập – Bài tụng về Sa-ma-tha - Thiền sư Huyền Giác – HT Thích Thanh Từ dịch và chú.
[31] Thiền đốn ngộ - Thiền tông Vĩnh gia tập – Bài tụng về Sa-ma-tha, trang 29 – Thiền sư Huyền Giác – HT Thích Thanh Từ dịch và chú. Tri Thức ấn hành năm 1974.
[32] Thiền đốn ngộ - Thiền tông Vĩnh gia tập – Bài tụng về Sa-ma-tha, trang 36 – Thiền sư Huyền Giác – HT Thích Thanh Từ dịch và chú. Tri Thức ấn hành năm 1974.
Các tin khác
-
» SÁU THÀNH TỰU TRONG KINH HOA NGHIÊM (2) - Chúng thành tựu (12/08)
-
» SÁU THÀNH TỰU TRONG KINH HOA NGHIÊM (1) (04/07)
-
» CẦU NGUYỆN qua cái nhìn duyên khởi (23/01)
-
» Y KINH GIẢI NGHĨA TAM THẾ PHẬT OAN VỚI THỰC LÝ DUYÊN KHỞI (22/09)
-
» TƯƠNG QUAN GIỮA TRUNG ĐẠO VÀ DUYÊN KHỞI (21/06)
-
» PHÁ CHẤP – CĂN BẢN CỦA SỰ TU HÀNH (tt) - Hình thành pháp hành thuộc các thừa (17/08)
-
» PHÁ CHẤP - CĂN BẢN CỦA SỰ TU HÀNH (1) (15/06)
-
» Ở ĐỜI VUI ĐẠO HÃY TÙY DUYÊN (14/05)
-
» TRIẾT LÝ GÀ VÀ TRỨNG (26/03)
-
» PHÂN BIỆT LỜI PHẬT LỜI MA (tiếp theo) (26/03)