Duyên khởi

PHÂN BIỆT LỜI PHẬT LỜI MA (tiếp theo)

Câu “không theo ác tri thức” sẽ giúp mình gặp được Tăng bảo. Nếu có gặp ác tri thức, qua đến mình cũng thành pháp bảo.

26/03/2017



9/ Không thân cận, cung kính, cúng dường cho Sa-môn không có đạo hạnh    

Nếu nói: “Nếu có Tỳ-kheo phạm tội Du-lan-giá, thời không nên thân cận. Những gì gọi là tội Du-lan-giá? Có Tỳ-kheo thấy cọng chỉ trong xâu hoa, không hỏi xin mà lấy, là mắc tội Du-lan-giá. Nếu vì tâm tham mà phá hoại tháp Phật thời phạm tội Du-lan-giá. Phật tử vì muốn tu bổ cúng dường xá lợi v.v.. mới mang châu báu tiền bạc gởi các Tỳ-kheo. Tỳ-kheo nhận rồi, bèn tự ý thọ dụng, đây là hạng bất tịnh, sinh nhiều đấu tranh. Cư sĩ tốt, không nên gần gũi cúng dường”, là lời Phật nói.

Nếu nói: “Nếu có Tỳ-kheo vì cầu lợi, rồi làm nhiều cách dua nịnh dối trá, tuy giữ đúng oai nghi, ở riêng nơi yên vắng nhưng chỉ với mục đích cầu lợi, khiến người đời tưởng mình là bực tốt nhất đã chứng quả thánh, là bậc phước điền lớn. Tỳ-kheo này nhiều ngu si. Nếu có Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo ni nào làm như vậy thì mắc tội đại vọng ngữ… ”, là lời Phật nói.    

Tăng bảo là bậc thay thế Phật Tổ truyền dạy pháp trừ bỏ tham-sân-si cho người đời, là bậc mô phạm của chúng sinh, vì thế mới gọi là Tăng bảo. Đó cũng là lý do để chúng sinh phải thân cận, tôn kính và cúng dường.

Gọi là Tăng bảo, thì không thể chỉ có danh mà không có chất. Nếu chỉ có danh mà không chất thì không phải là “bảo” mà là “dõm”. Vì thế không thể chỉ có danh mà đồng thời phải có chất, mới được gọi là Tăng bảo. Ở đây, Phật dạy phải thân cận, cung kính, cúng dường Tăng bảo. Không phải là Tăng bảo thì không nên thân cận, cúng dường. Không nói “không cung kính”, vì đối với tất cả chúng sinh, phật tử nên học theo hạnh của Bồ-tát Thường Bất Khinh để giữ tâm mình.        

Trong kinh Tâm Địa Quán Báo Tứ Ân, Phật phân Tăng bảo thành ba hạng vị:

1/ Bồ-tát Tăng, như Văn-thù Sư-lợi và Di-lặc…

2/ Thanh văn Tăng, như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên…

3/ Phàm phu Tăng, là những vị đã thành tựu biệt giải thoát giới, là chân thiện phàm phu, đầy đủ chánh kiến, hay vì người khác diễn thuyết, khai thị các pháp thánh đạo làm lợi lạc cho chúng hữu tình, gọi là phàm phu Tăng.

Ba hạng trên gọi là Chân thật phúc điền Tăng.

Cũng nói “Lại có một hạng gọi là Phúc điền Tăng, là đối với Xá-lợi Phật và hình tượng Phật cùng các pháp chế giới của Tăng thánh, sinh lòng kính tin sâu đậm, tự mình không có tà kiến, khiến người cũng được như vậy. Hay diễn nói chánh pháp, tán thán Nhất thừa, tin sâu nhân quả, thường phát thiện nguyện, tùy chỗ phạm lỗi của mình mà sám trừ nghiệp chướng. Phải biết lực tin Tam bảo của người này hơn hẳn các ngoại đạo trăm ngàn vạn lần, cũng hơn bốn loại Chuyển Luân Thánh Vương, hà huống là các loại chúng sinh khác. Như hoa Uất kim, dù héo úa vẫn đẹp hơn loài hoa dại. Tỷ-kheo chánh kiến cũng như vậy, vẫn hơn chúng sinh trăm ngàn vạn ức, dù hủy cấm giới cũng không hoại chánh kiến. Do nhân duyên này mà gọi là Phúc điền Tăng”.

Như vậy tiêu chuẩn thấp nhất mà Tăng bảo cần có để chúng sinh có thể y đó thân cận, cung kính, cúng dường là phải có giới luật, có chánh kiến, thường phát thiện nguyện, tin sâu nhân quả, nếu có lỗi thì phải phát lồ sám hối, không bẻ quẹo kinh luận theo chỗ hiểu biết cũng như phạm giới của mình. Ngoài ra thì không nên thân cận và cúng dường.

Kinh Đại bát Niết bàn I, phẩm Tứ Y cũng dạy rõ: “Này Ca-diếp ! Trong chư Tăng, có chân thật Tăng, có giả danh Tăng, có trì giới Tăng, có phá giới Tăng. Trong Đại chúng ấy, phải bình đẳng cúng dường, cung kính, lễ bái. Vì với mắt thịt, hàng cư sĩ không thể phân biệt được vị nào trì giới, vị nào phá gíới, ai là chân thật Tăng, ai là giả danh Tăng... Này Ca-diếp ! Nếu đã biết rõ đó là Tỳ-kheo phá giới, th̀ời chẳng nên cung kinh cúng dường. Nếu trong chư Tăng có người phá giới, chẳng nên vì đắp Ca-sa mà cung kính lễ bái”.

10/ Phép tắc hàng Sa-môn

Nếu nói: “Trong Phật pháp, phép tắc của hàng Sa-môn là phải sinh lòng từ bi lợi ích chúng sinh, cho đến loài trùng kiến cũng phải ban sự vô úy. Xa lìa uống rượu cho đến ngửi mùi. Không được vọng ngữ cho đến trong giấc mộng cũng không nghĩ đến sự vọng ngữ. Không sinh lòng dục cho đến trong giấc mộng cũng không nghĩ đến lòng dục”, là lời Phật nói.

Đã nói là phép tắc của Sa-môn, nên nếu không có những phép tắc đó đi kèm thì không gọi là Sa-môn, là Tăng bảo của Phật. Phép tắc đó là gì?

. Phải có lòng từ với chúng sinh. Không nên vì việc ăn uống, ngủ nghỉ v.v… của bản thân mà giết hại chúng sinh dù chỉ là những con vật nhỏ như kiến v.v… Không theo phép tắc này thì không phải là Tăng bảo.

. Không uống bia, uống rượu, dùng các chất gây nghiện v.v… Vì các chất đó ngoài việc không lợi ích cho bản thân và chúng sinh, nó còn là tác nhân đưa đến quả xấu trong tương lai. Như uống rượu, sẽ bị quả báo là sinh vào nhà tà kiến, khiến bản thân không thoát được tà kiến. Tà kiến là đầu mối của mọi tệ hại ở thế gian này. Luận Đại Trí Độ tập I có kể câu chuyện nói về việc này.

. Không sinh lòng dục. Với loại dục thuộc ái thì không sinh lòng dục với người khác giới cũng như người cùng giới. Thành đã là Tăng bảo thì không thể có vợ con. Đang có vợ con thì lúc đó không thể gọi là Tăng bảo.

Đây nói “không sinh lòng dục”, nghĩa là không chạy theo những dục niệm đang dấy khởi trong lòng. Vì một khi đã có nhân duyên với chúng sinh trong quá khứ thì việc sinh khởi dục tâm khó tránh khỏi. Nhưng sinh khởi mà đình chỉ sự sinh khởi ấy khác với việc buông trôi theo nó. Đây nói “không sinh lòng dục” là đình chỉ dục tâm khi nó đủ duyên sinh khởi. Kinh nói: “Tỳ-kheo chiêm bao hành dâm dục có phạm giới chăng? Không phạm giới. Nếu chiêm bao hành dâm, lúc thức dậy phải hổ thẹn ăn năn, nếu móng lòng dâm dục phải kịp trừ bỏ”.

Cũng nói: “Tỳ-kheo đi khất thực, lúc nhận cúng dường, phải có ý tưởng như ăn thịt con đẻ trong thời kỳ đói kém”. Thì biết lòng dục nói đây còn chỉ cho ngũ dục. Là Tăng bảo thì sẽ làm chủ được các loại dục này. Chưa được thì sẽ được. Được rồi thì không sinh khởi.

. Không được vọng ngữ. Những gì nói quá sự thật, gọi là vọng ngữ. Loại vọng ngữ này có hai: Một là do lầm lẫn mà thành vọng ngữ. Hai là do chủ ý lừa gạt mà sinh vọng ngữ. Phạm vi phần này nói về loại thứ hai. Tuy vậy, việc nói quá sự thật này chỉ trở thành lỗi khi nó được thực hiện với mục đích danh lợi. Như kinh nói: “Có Tỳ-kheo vì cầu lợi, vì việc ăn uống… mà có những cách gian trá, khiến người đời tưởng ta là bậc khất sĩ. Tỳ-kheo này nhiều ngu si, tự biết mình chưa chứng bốn quả thánh nhưng luôn nghĩ cách để mọi người nghĩ ta đã chứng thánh. Tỳ-kheo này vì cầu lợi không vì cầu pháp mà nghĩ tưởng phải đi đứng đoan nghiêm, chấp trì y bát, giữ đúng oai nghi, ở riêng nơi yên vắng như La-hán, khiến người đời lầm lẫn…”. Chỉ vì lợi lộc của bản thân mà vọng ngữ nên thành lỗi mà Như Lai nói “Không được vọng ngữ”. Nếu việc vọng ngữ này nhằm mục đích “hướng chúng sinh vào đạo, có thể khiến các Tỳ-kheo và cư sĩ phá giới trở thành người giữ giới, chánh pháp được kiến lập, pháp vô thượng của Như Lai thành rạng rỡ, khai hiển Phương đẳng Đại thừa, độ thoát vô lượng chúng sinh, khéo hiểu nghĩa khinh trọng trong kinh luật mà Như Lai đã nói v.v…” thì Như Lai không cấm và gọi đó là Bồ-tát. Tuy vậy, những vị được gọi là Bồ-tát đây ắt không cần, cũng không thích dối trá hay vọng ngữ. Mình thế nào hiện y thế ấy. Chỉ là tùy chúng sinh nghĩ tưởng mà thôi.

Một dạng vọng ngữ nữa là, dù đọc tụng giải thuyết Đại thừa, cũng nói tin nhận Đại thừa, nói tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, nói phá kiết sử liền đặng thấy Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nhưng tâm lại chẳng tin những lời mình nói. Chỉ vì lợi dưỡng mà nói theo văn kinh. Hạng này Phật gọi là người ác. Hạng ác này Phật nói “không thọ quả báo liền, như sữa thành lạc”.

Việc không thọ quả báo liền này, kinh Đại-bát Niết-bàn, phẩm Sư Tử Hống nói có hai hạng:

1/ Hạng có nghiệp bất định làm thành quả báo quyết định, quả báo hiện đời làm thành quả báo đời kế, quả báo nhẹ làm thành quả báo nặng, đáng nhẽ thọ báo trong loài người lại thọ báo trong địa ngục.

2/ Hạng người với định nghiệp làm thành bất định nghiệp, đáng nhẽ thọ báo ở đời kế thì thọ báo ở đời hiện tại, báo nặng làm thành báo nhẹ, đáng thọ báo địa ngục lại thọ báo nhẹ trong loài người.

Hai hạng đó, hạng thứ nhất chỉ cho người ngu, hạng thứ hai chỉ cho kẻ trí. Kẻ trí biến nghiệp nặng thành nghiệp nhẹ. Người ngu biến nghiệp nhẹ thành nghiệp nặng. Một trong những thứ làm thành nặng và nhẹ đó là người trí sẽ nhận được quả báo tức thì, còn người ngu thì dời quả báo sang các đời sau. Do cái “tức thì” đó mà nhận ra mặt nhân quả ở thế gian rõ ràng, thêm tin sâu nhân quả, rút kinh nghiệm tránh được các lầm lẫn. Vì thế, với hạng người ác, Phật nói “không thọ quả báo liền, như sửa thành lạc”, là phải chờ đủ duyên của nó vào những kiếp sau mới thọ ác quả.      

Một hạng người ác không bị thọ quả báo tức thì nữa là chư vị Tỳ-kheo Nhất-xiển-đề.

Nhất-xiển-đề có hai loại. Một là kẻ không tin. Không tin Phật pháp, không tin mình có Phật tánh, đoạn tuyệt hết mọi thiện căn. Hai là Bồ-tát đại bi đã viên mãn, nhưng chưa chịu thành Phật, vì còn muốn trải dài sinh tử độ sinh[1]. Nhất-xiển-đề nói đây thuộc loại thứ nhất. Không tin mình có Phật tánh, phỉ báng kinh điển Đại thừa, đoạn tuyệt giòng giống Phật. Kinh nói: “Có kẻ Nhất-xiển-đề làm dạng A-la-hán, chê bai kinh điển Đại thừa. Người phàm phu thấy đó đều cho thật là A-la-hán, là đại Bồ-tát. Bọn ác Tỳ-kheo Nhất-xiển-đề này ở nơi A-lan-nhã phá hoại pháp A-lan-nhã, thấy người khác được lợi, sinh lòng ganh ghét, cho kinh điển Đại thừa là lời của Thiên ma Ba Tuần, chẳng phải là lời lành, lời thuận. Họ nói Như Lai là pháp vô thường. Họ hủy diệt chánh pháp, phá hoại chúng Tăng. Hạng này làm ác nhưng không thọ quả báo liền, như sữa thành lạc”.    

Trên ghi lại những lời Phật thuyết trong kinh Đại Bát Niết-bàn, để phân biệt lời Phật nói, lời ma nói. Việc đó cho thấy vào thời mạt pháp, trong Tăng đoàn không phải chỉ thuần là Tăng bảo. Đối với người đã có phước báu từ kiếp trước, hoặc đã sẵn có chút trí tuệ thì không khó để phân biệt thế nào là Tăng bảo và Pháp bảo. Cái khó là đối với người phước thiếu, trí không. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể tránh được đại nạn này, là nương vào lời nguyện.

Lời nguyện có thể giúp tránh được ma pháp

Trong kinh Tăng Nhất A-hàm, phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi Về Bát Chánh, kinh số 2, sau khi dạy về việc thọ Bát quan trai, Phật có dạy đại chúng phát nguyện, cũng nói về tầm quan trọng của phát nguyện. Nguyện ấy như vầy: “Nay con do pháp Bát quan trai này, không rơi vào ba đường dữ, không rơi vào Bát nạn, không ở biên địa, không rơi vào chỗ hung ác, không theo ác tri thức, thờ phụng cha mẹ, không tu tập tà kiến, sinh vào trung tâm quốc gia nghe pháp lành này. Phân biệt suy nghĩ thành tựu từng pháp. Đem công đức giữ gìn trai pháp này nhiếp thủ điều lành cho tất cả chúng sinh. Đem công đức này bố thí cho người, khiến cho tất cả cùng thành tựu đạo quả Bồ-đề vô thượng. Cũng đem phước báu thệ nguyện này bố thí cho hàng Tam thừa, khiến không thối chuyển nửa chừng”. Câu “không theo ác tri thức” sẽ giúp mình gặp được Tăng bảo. Nếu có gặp ác tri thức, qua đến mình cũng thành pháp bảo. Vì thế làm bất cứ thiện nghiệp nào cũng nên phát lời nguyện gặp được Minh sư, Chánh pháp, chỉ thân cận các bậc Thiện tri thức để tránh các nạn trong thời Mạt pháp.    

 

 



[1] Tự điển Phật học Hán Việt – Chủ biên Kim Cương Tử – Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội.