Duyên khởi
MỘT THỜI ĐẠI THỊNH TRỊ QUA CÁI NHÌN DUYÊN KHỞI
Người dân không thể đòi hỏi một chính quyền tốt đẹp khi bản thân không tạo những cái nhân tốt đẹp. Cũng như chính quyền không thể đòi hỏi ở người dân một sự nghiêm chỉnh, khi bản thân chư vị không nghiêm chỉnh.
26/03/2017
Thiền phái Trúc Lâm được Hòa thượng Thanh Từ khôi phục lại, đang phát triển rộng ở Việt Nam. Cũng là lúc Việt Nam đang bị giặc ngoại xâm quấy phá. Chợt nghĩ đến thời thịnh trị của các vua Trần. Một dòng họ có đến 5 vị vua đều là phật tử, vừa trị vì đất nước, vừa nghiên cứu nội điển tu hành, vừa khuyến giáo dân chúng hành thập thiện. Có lẽ vì thế mà không có thời đại nào vàng son như thời đại của chư vị, nhất là vào thời của Trần Nhân Tông. Không phải chỉ ở mặt phát triển đất nước mà cả ở việc giữ gìn bờ cõi. Nhưng do đâu có sự thịnh trị đó?
DO THIỆN NGHIỆP ĐỜI QUÁ KHỨ CHI PHỐI
Nói đến sự thành công trong việc trị nước cũng như giữ gìn bờ cõi của các vua Trần, không thể không nói đến thiện nghiệp thời quá khứ.Phần thiện nghiệp đã tạo âm đức chi phối không ít đến thành quả cũng như các thiện nghiệp trong hiện tại.
Sử sách ghi, Trần Nhân Tông tướng tá uy nghi, nhan sắc như vàng, thần khí tươi sáng. Lại thông hết tam giáo và hiểu sâu Phật điển. Ngay cả thiên văn, lịch số, binh pháp, y thuật, âm luật, không thứ gì là không mau chóng nắm bắt sâu sắc.Thì biết phước nghiệp của ngài rất lớn. Kinh nói: “Phước đức của một người hơn hẳn phước đức của muôn người”. Do phần phước nghiệp đó mà chư vị thường được “Các thiên tử ở cõi trời Tam thập tam dùng lực của mình để hộ trì”[1]. Không riêng gì chư vị mà tất cả vua chúa đều có phần phước nghiệp đó, đều nhận được sự hộ trì của chư thiên. Nhưng vì sao chỉ có thời của các vua Trần là vàng son? Vì trong hiện đời, chư vị không có tâm thụ hưởng thành quả do phước nghiệp đời quá khứ mang lại, mà tiếp tục gầy dựng các thiện nghiệp để hoàn thành con đường Phật đạo của mình.
DO THIỆN NGHIỆP THỜI HIỆN TẠI CHI PHỐI
1. Có tâm kính phụng Tam bảo
Kinh Đại Tập nói, trong một quốc gia nếu vua chúa biết kính phụng Tam bảo, thì trong nước đó có ba loại tinh khí tăng trưởng:
1/ Địa khí tăng trưởng, nên ngũ cốc được mùa.
2/ Nhân khí tăng trưởng nên dân nước đó ít phiền não, dung mạo tươi nhuận.
3/ Thiện căn khí tăng trưởng, nên trong nước thường hay chuyển bánh xe pháp, Tam bảo tăng thịnh”.
Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng. Kính phụng Tam bảo thì không phải chỉ có tâm cung kính đối với Phật bảo và Tăng bảo mà còn được biểu hiện thành việc phụng hành Pháp bảo. Chính sự “phụng hành” này mới là nhân duyên chính đưa đến cái quả địa khí, nhân khí và thiện căn khí tăng trưởng. Người đời thường nói: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nói thiên thời, vì cho rằng “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.Với cái nhìn của Phật giáo, phần thiên thời đó không ngoài phước nghiệp của con người. Nhờ có phước nghiệp mà được chư thiên ủng hộ nên nói thiên thời. Thiện căn chính là gốc để có thiên thời. Đó là ba thứ giúp cho đất nước phát triển mạnh. Thiếu một thì việc xây dựng và phát triển thành gian nan.
Thời các vua Trần, chánh pháp được phát triển mạnh, vì người chủ trì đất nước không phải chỉ kính tin Tam bảo mà chính bản thân chư vị đều thực hành chánh pháp. Không phải chư vị chỉ dừng ở 5 giới của phật tử tại gia hay hành mười thiện nghiệp cõi trời người, mà bản thân còn thấu được chỗ sâu mầu của Phật pháp. “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm”. Do đạt được chỗ sâu mầu đó, nên “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên”[2]. Chư vị đã dụng được mặt Duyên khởi của pháp một cách nhuần nhuyễn khiến quần sinh được lợi lạc.
Tăng Duệ [3], trong bài tựa viết cho Trung luận, có nói: “Quán mà không rộng thì không đủ để san bằng hữu vô, đồng nhất đạo tục. Biết mà không cùng thì chưa thể lội qua Trung đạo, dứt tuyệt nhị tế[4]. Đạo tục không san bằng, nhị tế chẳng mất, là nỗi ưu tư của Bồ-tát vậy”.«San bằng đạo tục» và «dứt tuyệt nhị tế» là vấn đề thiết yếu của một hành giả tu Phật, lấy quả vị Phật làm đích đến.
Trên mặt sự tướng, «hữu» không phải là «vô», «đạo» không phải là «tục». Nếu «đạo» là «tục», Như Lai không cần nói pháp 49 năm, chư Tổ không cần động môi lưỡi. Thì biết «hữu» không phải là «vô», «đạo» không phải là «tục». Nhưng nếu không san bằng được «hữu» và «vô», không đồng nhất được «đạo» và «tục» thì cũng có nghĩa là trên mặt Lý, người tu chưa nhận ra được tánh thể bình đẳng của tất cả pháp. Lý chưa thấu. Trên mặt Sự, người tu chưa thấy được tính như huyễn của «hữu» và «vô», «đạo» và «tục». Lý và Sự chưa viên dung vô ngại. Vì chưa viên dung nên vẫn thấy «đạo» hơn «tục».Vì chưa thấu được mặt bình đẳng của tất cả pháp, nên vẫn bị hạn chế trong việc dụng pháp lợi ích quần sinh.
Phàm phu, thích tục bỏ đạo.Đạo nhân, chấp đạo bỏ tục. Với Sơ tổ Trúc Lâm, không gì không phải là Phật pháp[5]. Trong thế giới tương đối này, là thế giới mà con người chỉ có thể chọn một phương án tốt nhất, không thể chọn một phương án toàn triệt, thì nếu đánh giặc là phương án tốt nhất, chư vị đánh giặc. Ứng với lời dạy của thiền sư Trúc Lâm, thầy của vua Trần Thái Tôn: “Phàm làm đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình”.[6] Đó là lý do để hiểu vì sao tuy nắm rất rõ về Nhân quả, lại “gìn giữ giới hạnh trong sạch không chút sao lãng”[7], chư vị vẫn cầm quân đánh giặc.
Đây, với cái nhìn Duyên khởi, cũng không thể thiếu phần phước nghiệp của chúng dân. Chính do phước nghiệp đó mà chư vị xuất hiện, việc tùy duyên lợi ích chúng sanh cũng mang lại kết quả tốt đẹp. Không phải chỉ với việc giữ nước mà còn trong việc xây dựng đất nước.
2. Thưởng phạt không thiên lệch bè phái
Cấp lãnh đạo, dù chỉ ở một tập thể nhỏ, nếu tâm thưởng phạt không công minh, lại hay bè phái thiên lệch thì tập thể đó khó có thể phát triển vững mạnh. Bởi bè phái thiên lệch xảy ra cũng đồng nghĩa với việc cấp lãnh đạo đã để tình cảm hoặc danh lợi chi phối mọi hành tác của mình. Tiêu cực đương nhiên xảy ra.Người tài không có chỗ đứng.
Trần Nhân Tông trong bài phú Cư trần lạc đạo đã nói: “Cầm giới hạnh địch vô thường / Tham ái nguồn dừng…”. Do giới hạnh đầy đủ, lại không bi lụy vào tình cảm, chỉ lấy việc lợi ích muôn người làm lợi ích của mình, nên tâm thưởng phạt của ngài không rơi vào thiên lệch hay bè phái.
Khi Trần Anh Tông làm vua, Trần Nhân Tông ở ngôi Thái thượng hoàng.Trần Anh Tông có tật rượu chè. Một lần uống say đến nỗi Trần Nhân Tông từ Thiên Trường về mà không hay biết. Các quan đều ra đón, chỉ Anh Tông là còn xỉn.Nhân Tông truyền xa giá về lại Thiên Trường và hạ chiếu cho bách quan phải về đó hội nghị.Anh Tông tỉnh rượu nghe tin, sợ quá tức tốc lên ngựa chạy về dân biểu tạ tội. Nhân Tôn cho quì cả ngày trước điện, sau mới xem biểu, quở mắng răn đe rồi mới tha thứ. Từ đó Anh Tông không bao giờ uống rượu.
Chỉ một việc uống rượu của con, Nhân Tông đã có thái độ dứt khoát như thế, thành những việc hại nước hại dân không thể xảy ra. Tuy chỉ là việc nhỏ nhưng cũng đủ làm gương để quan lại trong Triều nể phục. Nó không chỉ tạo ra phần âm đức để được chư thiên ủng hộ, còn tạo ra niềm tin lãnh đạo đối với quan, quân và chúng dân. Cũng là cái nhân khiến quan quân phải nghiêm chỉnh trong phận vị của mình.Thành triều đại nhà Trần, có rất nhiều tướng tài, hết lòng phục vụ chúng dân.
3. Dùng chánh pháp giáo hóa dân chúng
Với cái nhìn Duyên khởi, mọi sự nên hư ở đời không ra ngoài trí tuệ và phước nghiệp của mỗi người. Nếu người người hành thiện nghiệp thì tai ương, hoạn nạn, giặc loạn ít hiện hình, nếu hiện hình cũng không tác động được đến bản thân.
Người trong nước, nếu chịu hành thiện nghiệp với mức độ cao, số lượng nhiều, thì vận nước đi lên.Nếu hành ác nghiệp với mức độ cao, số lượng nhiều thì vận nước đi xuống.Tuy vận nước liên quan đến phước nghiệp của số đông như thế, nhưng phần chính vẫn nằm ở người lãnh đạo. Kinh nói: “Nhân dân thịnh vượng an lạc thì quốc vương là nền tảng, phải nương quốc vương mới có. Quốc vương nếu không dùng chánh pháp trị nước thì nhân dân không có chỗ nương tựa”[8]. Cũng nói: “Đại vương khiến mọi người tu thập thiệp, gọi là ông vua phước đức. Vì sao?Vì trong nước đó, một người hành thiện thì phước đức đó chia làm bảy.Người đó được năm phần, vua được hai phần”. Đó là do quyền hành nằm trong tay chư vị. Chư vị có thể thực thi chánh pháp hay tà pháp trong phạm vi mà mình cai quản. Có thể ban bố lệnh cấm đối với những gì có liên quan đến bất thiện nghiệp. Có thể ban bố những sắc lệnh mang tính ích nước lợi dân v.v... Lòng biết ơn của chúng dân cũng tạo nên phần âm đức cho cấp lãnh đạo.Vì thế tạo điều kiện để người gầy dựng âm đức thì chính bản thân mình cũng có âm đức.
Vì vua chúa tuy là người chịu trách nhiệm chính đối với vận mệnh của một đất nước, nhưng cũng không thể thiếu phần thiện nghiệp của chúng dân.Nhân và duyên phải đầy đủ thì quả mới tựu thành. Nên bản thân các vua Trần, nhất là Trần Nhân Tông, không những hành Thập thiện nghiệp mà còn dùng Thập thiện nghiệp giáo hóa chúng dân.
THẬP THIỆN NGHIỆP
Thập thiện nghiệp gồm bốn giới của người tại gia là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, thêm ba giới không sân nhuế, không tà kiến, không tham dục, là bảy. Giới không nói dối được triển khai thành bốn là không vọng ngữ, không nói lời thêu dệt, không nói lời chia rẻ và không nói lời ác.Tổng cộng là mười, gọi là thập thiện nghiệp.
Mười loại thiện nghiệp này không phải là việc lạ và khó làm đối với người có mức đạo đức bình thường.Vì thế chúng không phải những việc mà chỉ có phật tử mới làm được.Ai cũng có thể thực hành, dù ở bất cứ tôn giáo hay địa vị nào.Chỉ là có ý thức để thực hành không mà thôi. Đó cũng là lý do vì sao ở những nước không thấy có Tam bảo, họ vẫn duy trì được sự phát triển của mình. Vì họ thực hành được nhiều loại thiện nghiệp. Tuy vậy Tam bảo chính là nơi giúp con người hành thiện mà ý thức được việc hành thiện của mình.
1. Không sát sanh: Đứng đầu trong mười thiện nghiệp là «không sát sanh». «Không sát sinh», quả báo của nó là không yểu tử, cũng không bị người khác sát hại. Đó là cái nhân để chúng ta không mất thân mạng vì nạn tai, cướp bóc hay chiến tranh. Người người trong nước nếu ý thức mà giữ gìn được giới này thì trong nước không xảy ra các tệ nạn đáng buồn như cướp của giết người, nạn tai, hoặc những án mạng về tình cảm.
Trong một nước, nếu thấy xảy ra chết chóc nhiều vì nạn tai, chiến tranh v.v… thì biết nghiệp sát của dân nước đó nặng. Người tạo nghiệp, hiện tại đang gieo nhân để tương lai gặt quả.Nạn nhân, vì từng tạo ra cái nhân tương tợ, nên bây giờ phải gặt quả. Nếu không ý thức hồi tâm thì luân hồi nghiệp báo theo đó mà xoay vần. Gây rồi trả.Trả rồi gây.Như hiện tại đang phải gây và trả.
Do quân Mông Nguyên xâm phá, để bảo vệ quần dân, nên Trần Nhân Tông phải cầm quân đánh giặc. Nhưng ngài không có tâm sát hại, thành đại xá tù binh rất nhiều. Tù binh được thả về, có người đã xin nhập ngũ để đền ơn.
2. Không nói dối: «Không nói dối» là để ngăn tình trạng lợi mình hại người bằng miệng lưỡi. Chúng dân không gieo cái nhân nói dối, thì cũng không phải gặp cái quả lừa bịp.Các thứ như hàng gian, hàng giả là một dạng của nói dối.Ngoài ra «không nói dối» còn đưa đến quả báo là được người tín nhiệm. Đó là lợi thế của cấp lãnh đạo, của thương nghiệp v.v… Trần Nhân Tông là người tu Phật, giới hạnh giữ gìn đầy đủ, nên việc làm của ông được quan dân ủng hộ, chư thiên phò trợ.
3. Không tà kiến: Trong 5 giới của người tại gia, có giới «không uống rượu». Nó cũng là một loại thiện nghiệp. Trong thập thiện nghiệp, không thấy nói đến giới này, nhưng «uống rượu» chính là nhân tạo ra cái quả «tà kiến».[9]
Rượu, từ xưa đến giờ vẫn được coi trọng và không thể thiếu trong các nghi lễ cũng như giao tiếp.Nhưng vì sao đó lại là giới cấm của người phật tử dù còn tại gia?Vì rượu dùng nhiều thì gây xỉn, gây nghiện.Vấn đề nằm ở đó.Y học hiện nay đã nói rượu gây tổn hại đến não bộ và các cơ quan trong cơ thể. Rượu làm mất đi sự sáng suốt. Vua mà uống rượu thỉ bỏ bê việc nước. Dân mà nhậu nhẹt thì sức khỏe tổn hại, năng suất làm việc yếu kém, hay gây hấn với gia đình, chòm xóm, làm xã hội mất bình an. Nghiện rồi, phần «con» trong mỗi người sẽ trổi mạnh.
Đứng trên mặt nhân quả hiện tại mà nói, uống rượu là nhân làm phát sinh tham dục, sân giận, chết chóc, gây hấn v.v…
Đứng trên mặt nhân quả vi tế mà nói, uống rượu chính là nhân cho ra cái quả tà kiến.
Tà kiến, là đánh mất cái nhìn đúng đắn đối với những gì đang xảy ra ở thế giới này. Thế giới xảy ra đao binh, nạn tai và đủ mọi tệ nạn xã hội như hiện nay, là do chúng ta đánh mất cái nhìn nhân quả đối với thế gian, không tin “Ở hiền gặp lành”. Những thứ như hàng gian, hàng giả, khủng bố, tham nhũng v.v… đều là kết quả của tà kiến. Do không thấy được lý Nhân quả đang chi phối thế giới này, nên mới thực hành những việc như thế. Vì không thấy nên lầm nhân lộn duyên mà tạo tác những việc bất thiện.
Một quốc gia dù phồn thịnh, nếu người trong nước, nhất là giới trẻ, dùng rượu bia nhiều như một loại mốt thời thượng, thì về lâu về dài, vận nước cũng suy. Vì uống rượu là nhân sinh ra tà kiến.Tà kiến là nguyên nhân khiến nhiều việc đáng tiếc xảy ra.
Trần Anh Tông đã phải chia tay với rượu để làm một vị minh quân. Nếu ông không ngừng rượu, Trần Nhân Tông cũng phế không cho làm vua.
4. Không tà dâm: Một thiện nghiệp quan trọng nữa là «không tà dâm», là muốn nói đến những loại tình cảm không chân chánh, trái với những qui định mà pháp luật đã đặt ra. Cũng nói đến những loại tệ nạn có dính líu đến vấn đề ái dục.Tình cảm không chân chánh mang lại bất ổn cho gia đình và xã hội, làm ảnh hưởng đến tinh thần của lớp trẻ không ít.Tệ nạn ái dục, nếu phát triển mạnh cũng góp phần không nhỏ làm bất ổn xã hội và làm hư hoại lớp trẻ.
Người nghiêng về ái dục nhiều thì trí tuệ thường kém.Đó là nền tảng bất lợi cho xã hội và đất nước.Vì thế Trần Nhân Tông, ngoài việc đi khắp nơi giáo hóa chúng dân hành Thập thiện, ngài còn cho phá bỏ các dâm tự.Bởi dâm tự biểu hiện cho việc ái dục được đề cao.Ái dục nếu được đề cao thì luân thường đạo lý dễ mất. Đó không là phải là nhân tố tốt để đất nước có thể phát triển theo hướng vững mạnh.
5. Không tham dục: Nói về tham dục, không phải «không tham dục» là phải ăn chay ngủ đất. Chỉ là nên biết đủ với những gì nằm trong khả năng của mình.Thứ gì vừa phải trong khả năng của mình cũng luôn tốt hơn cho những thứ làm quá khả năng của mình.Ăn nhiều thì sinh bệnh. Ngủ nhiều sinh u mê v.v… Nói chung những gì khiến chúng ta bất an, bất ổn như bệnh tật, tai ương, tù tội v.v… thường là do mình đã đi quá phần khả năng cho phép này.
Những thứ mà chúng ta thấy hiện nay như tham nhũng, làm hàng gian hàng giả, cắt xén, ép người để lợi mình đều là biểu hiện của tham dục và trộm cắp.Đó là những loại tệ nạn khiến dân nghèo nước tổn.Mọi công ích tốt đẹp cho xã hội không thể thực hiện hoàn mãn. Bệnh tật tai ương cũng từ đó phát sinh. Chính vì thế, những gì có liên quan đến tham dục, bản thân Trần Nhân Tông đã tự hạn chế, được thể hiện rất rõ trong bài phú Cư trần lạc đạo: “Mình ngồi thành thị, nết dùng sơn lâm… Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quí… Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay… Ba phiến ngói gạch yêu hơn lầu gác”.Bài phú cho thấy dù đang ngồi ở địa vị đế vương, ngài vẫn sống đạm bạc như kẻ ở núi rừng, không phải chỉ ở mặt vật chất mà cả về mặt tình cảm, ái dục. Đó là những duyên giúp Trần Nhân Tông có được những nhận định sáng suốt và những quyết định đúng đắn trong việc trị nước và đánh thắng đại quân Nguyên Mông.
6. Không sân giận: Thiện nghiệp cuối cùng không thể bỏ qua là «không sân giận». Sân giận là đầu mối của những tệ nạn chết chóc hiện nay, cũng là cái nhân chia rẻ mọi quan hệ tốt đẹp v.v... Sân giận rồi thì không còn tỉnh táo để nhận định vấn đề cho được đúng đắn.Rượu và tham dục có liên quan đến sân giận. Sân giận lại có liên quan đến thân nghiệp thân và khẩu nghiệp : Chửi bới, đánh đập v.v… Người khôn ngoan hoặc có chánh kiến sẽ biết kiềm chế cơn sân giận của mình.
LIÊN HỆ THỰC TẠI …
Chế độ chính trị hiện nay không còn như xưa. Quyền hành không chỉ tập trung trong tay một người. Điều đó có nghĩa, phước đức cũng như trách nhiệm của cấp lãnh đạo không còn như thời vua Trần. Tuy vậy, cấp lãnh đạo vẫn là những vị có trách nhiệm lớn trong việc xây dựng và gìn giữ đất nước. Bởi việc thưởng phạt, tham nhũng, ban hành các điều luật, tạo niềm tin đối với chúng dân v.v… đều nằm trong tay chư vị, chỉ chư vị mới làm được.
Trong một quốc gia, thường không tồn tại chỉ một tôn giáo.Đứng về mặt nghi lễ hình tướng và mục đích đến thì thấy chúng có sự khác nhau. Nhưng đứng trên mặt thiện nghiệp, như Thập thiện nghiệp nói đây, không phải chỉ có đạo Phật mới nói tới, gần như tôn giáo nào thực sự vì lợi ích của con người cũng có ít nhiều các tính chất đó. Vì thế, nếu y cứ nơi Thập thiện nghiệp mà hành xử, thì mọi tôn giáo vẫn có tiếng nói chung. Cũng là nền tảng cho mặt đạo đức bình thường ở đời, không cần phải có tôn giáo. Cho nên, thưởng phạt công minh dứt khoát kẻ có công, người có tội; ban hành những điều luật ích nước lợi dân; khuyến khích ủng hộ các việc làm mang tính tương thân tương ái; phát huy tinh thần biết ơn và đền ơn; cũng như ngăn cấm các tệ nạn xấu như rượu chè, cờ bạc, cá độ v.v… đều là hình thức dùng chánh pháp trị nước. Là đang giúp tạo âm đức cho đất nước phát triển trong hiện tại và tương lai.
Hiện nay, thiền phái Trúc Lâm của Hòa Thượng Thanh Từ đang được khôi phục và phát triển khá rộng. Không chỉ có thiền phái Trúc Lâm, mà còn rất nhiều Tông phái Phật giáo khác, cũng đang thắp sáng ngọn đuốc chánh pháp, dạy người hành thiện. Tam bảo có điều kiện để phát triển mạnh như thế, chính là thiện khí tăng trưởng, là phước lành của đất nước.
Vấn đề khó khăn hiện nay, cũng là nhân duyên khiến mọi tệ nạn xảy ra, là khá nhiều người trong chúng ta không có niềm tin đối với nhân quả. Trong khi nó là qui luật đang chi phối thế giới này.
Không tin nhân quả nên mới sinh tham nhũng, giết người, mua bán ma túy, sống không có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Khiến quả xấu hiện hình thêm nhiều.Trên những hiện hình đó, lại xảy ra những việc lầm nhân lộn quả khác. Ngay trong môi trường giáo dục hay y học cũng xảy ra các tệ nạn. Đều là do không tin có nhân quả. Tin có nhân quả, không ai dám làm những việc hại người chỉ vì lợi mình.
Tuy vậy, hiện nay không phải không có những lợi thế giúp hiển rõ qui luật nhân quả đang chi phối thế giới này. Trong các ngành khoa học như vật lý, y học v.v… cho thấy mọi hành tác đều đang diễn biến theo tiến trình nhân quả. Chỉ đối với vấn đề thiện ác trong đời sống bình thường, vì nó vi tế, việc gây nhân gặt quả có khi không diễn ra trong một đời mà nhiều đời, thành ngoại trừ những người từng bị quả báo tức khắc, là tin vào nhân quả, còn lại, đa phần không tin. Nhưng điều đó không có nghĩa là vấn đề nhân quả không tồn tại trong tâm mỗi người.
Một lần, chúng tôi trên đường từ thiền viện về nhà. Một người đàn ông vừa đi xe vừa nghe điện thoại. Vì thế xe anh xém va vào xe chúng tôi. Nhưng anh không nhận ra điều đó. Anh dí xe theo chúng tôi đến tận nhà với một thái độ rất hung hăng. Ông bạn không nói, chỉ yên lặng đứng nhìn và nghe.Người đàn ông càng có thái độ lấn lướt. Anh chỉ vào mặt ông bạn và nói: “Tao thấy mày già, không thì oánh bỏ mẹ mày từ nãy giờ”. Tôi đẩy ông bạn vào nhà. Và nói với người đàn ông trung niên: “Trên đời này, không phải muốn làm gì là làm. Còn có quả báo nữa”. Thái độ hung hăng lập tức biến mất. Người đàn ông tái mặt lên xe rồ máy. Có lẽ vừa bị một việc gì đó mà bây giờ mới có duyên để nhớ, nên mới có thái độ mất bình tỉnh như vậy. Việc đó cho thấy, không hẳn chúng ta không tin có nhân quả. Chỉ là không ý thức và không được nhắc nhỡ để ý thức mà thôi.
Vấn đề còn lại cần giải quyết là làm sao để tất cả chúng ta ý thức về qui luật nhân quả trong đời sống thường nhật của mình, ngay từ khi còn bé. Nếu không được huân tập từ bé thì khó mà có thể dùng pháp luật cản ngăn khi chúng lớn lên, dù đó án tử hình.
Hiện nay, không phải không có điều kiện để làm việc đó.Ngoài Tam bảo còn có những nhà ngoại cảm. Chứng minh cho thấy mọi sự mọi việc rõ ràng hơn. Tôi được bạn bè chia xẻ cho một bài đọc của tiến sĩ Vũ Thế Khanh, tổng giám đốc Hội Liên Hiệp Khoa Học UIA. Nó chứng minh cho thấy, cuộc sống này không phải chỉ có đời sống hiện tại.Mọi thứ vẫn đang tiếp diễn sau khi chết.Nghĩa là chết chưa hết.Thành khi sống, nếu chúng ta chỉ biết tranh giành, hưởng thụ… khiến người khác phải đau khổ, thì không thể tránh được sự báo thù.Mọi thứ đều có cái giá để trả. Một thiền sư Nhật Bản đã nói: “Khi ta thấy rõ vạn pháp trong thế giới này đều hạn cuộc và tương đối thì ta sẽ hài lòng trong mái nhà tranh đơn sơ nhất”[10]. Mọi thứ đều có cái giá của nó.Đều không qua khỏi “lưới trời”. Pháp luật, chúng ta có thể lướt qua, nhưng “lưới trời” thì một con vi trùng cũng không thể lọt.
CUỐI CÙNG LÀ…
Hoàn cảnh của một người, những mối liên hệ trong xã hội của người đó, cũng như sự tồn vong của một đất nước không phải tự nhiên mà có, đều do nhân duyên của chính người đó tạo nên. Người dân không thể đòi hỏi một chính quyền tốt đẹp khi bản thân không tạo những cái nhân tốt đẹp. Cũng như chính quyền không thể đòi hỏi ở người dân một sự nghiêm chỉnh, khi bản thân chư vị không nghiêm chỉnh. Vì thế, việc cần làm hiện nay của mỗi người là cần làm tròn bổn phận và trách nhiệm mình đang đảm nhiệm ở thế giới này. Trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Hoàn thành trách nhiệm của mình cũng là hoàn thành thiện nghiệp. Thêm vào đó, cần chú ý và thực hành mười thiện nghiệp.Nhiều chừng nào tốt chừng đó. Đó là nhân duyên để chúng ta có được hoàn cảnh và điều kiện tốt đẹp trong hiện đời và tương lai. Hành thiện nghiệp cũng giúp chuyển đi những nhân xấu mà mình đã lỡ gây tạo trong quá khứ. Dùng đó để tự hộ thân và hộ quốc trong hiện tại và tương lai.
Viết cho Nguyệt San Giác Ngộ
[1] Kinh Đại thừa bản sanh tâm địa quán. Phẩm Báo Ân. Đại Chánh Tạng tập 3.
[2] Bài kệ cuối trong bài phú Cư trần lạc đạo phú của vua Trần Nhân Tông.
[3] Một trong bốn đệ tử xuất sắc của ngài Cưu-ma-la-thập, cùng thời với Tăng Triệu.
[4] Nhị tế : Sanh tử và Niết-bàn, thuộc nhị biên phân biệt.
[5] Trung luận – Bồ-tát Long Thọ.
[6] Thiền sư Việt Nam – HT Thích Thanh Từ.
[7] Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục. Trong Cư trần lạc đạo phú cũng ghi: “Dừng hết tham sân mới lưu lòng màu viên giác”..
[8] Kinh Đại thừa bản sanh tâm địa quán. Phẩm Báo Ân.Đại chánh tạng tập 3.
[9] Luận Đại trí độ cuốn 1 – Bồ-tát Long Thọ - HT Thích Thiện Siệu dịch.
[10] Bạch Ẩn thiền định ca – thiền sư Sessan - Ni sư Thuần Bạch và Hạnh Huệ dịch.
Các tin khác
-
» SÁU THÀNH TỰU TRONG KINH HOA NGHIÊM (2) - Chúng thành tựu (12/08)
-
» SÁU THÀNH TỰU TRONG KINH HOA NGHIÊM (1) (04/07)
-
» CẦU NGUYỆN qua cái nhìn duyên khởi (23/01)
-
» Y KINH GIẢI NGHĨA TAM THẾ PHẬT OAN VỚI THỰC LÝ DUYÊN KHỞI (22/09)
-
» TƯƠNG QUAN GIỮA TRUNG ĐẠO VÀ DUYÊN KHỞI (21/06)
-
» TỨ SINH VÀ TỨ ĐẾ (20/04)
-
» PHÁ CHẤP – CĂN BẢN CỦA SỰ TU HÀNH (tt) - Hình thành pháp hành thuộc các thừa (17/08)
-
» PHÁ CHẤP - CĂN BẢN CỦA SỰ TU HÀNH (1) (15/06)
-
» Ở ĐỜI VUI ĐẠO HÃY TÙY DUYÊN (14/05)
-
» TRIẾT LÝ GÀ VÀ TRỨNG (26/03)