Phổ thông

ĐÂU CŨNG CÓ PHẬT PHÁP

Chân Hiền Tâm - Viết cho Nguyệt San Giác Ngộ số 302 (PL 2564)

20/11/2021




Một năm rưỡi nay…
Nằm nhà là chính, không lang thang xứ lạ quê người, cũng không lang thang chỗ quen quê mình. Dịch một phần. Phần chính là bệnh. Thứ bệnh mà ai nghe tới đều nghĩ đến sự sa sút và đau đớn. Thực tế thì không đến nỗi. Đau đớn và sa sút không phải là nghiệp của tôi nên tôi không phải chịu những thứ đó. Từ khi có bệnh cho đến khi phải mổ và đánh thuốc, một chút gì đó nhoi nhói ở bắp chân rồi thôi. Cân nặng có xuống, cũng tăng về mức cũ.

Mổ hai lần, đánh thuốc cũng hai đợt. Vì yên được năm tháng, nó lại hiện lên một cục khác, cũng ác tính, ở chỗ gần gần đó. Không phải ở tim, gan, phèo, phổi, nên mình vẫn được quyền ăn ngon, ngủ yên. Được cái, ăn tới đâu tiêu liền tới đó, giúp bù vào những khoảng thiếu hụt do thuốc đánh vào. Là nhờ phước báu ở quá khứ. Nhờ nó, tôi gặp được một nền y học tiên tiến, cũng đủ điều kiện để tận dụng cái gọi là thuốc thang và lương y. Mọi thứ khá bình yên.

Hiện tại và quá khứ là thế. Chưa dám khẳng định gì cho những ngày sắp tới. Chưa dám nói sẽ không đau đớn, mệt mỏi, gầy sút và chết. Chưa biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Vì chưa có thần thông. Đời thì vô thường. Không có gì là không thể, khi nhân duyên hội đủ.

Đợt trước, ba tuần vào viện hai ngày. Đợt sau, ba tuần vào viện bốn ngày. Một ngày thử máu. Một ngày đánh thuốc. Máu đạt chuẩn thì đánh thuốc tiếp. Không đạt thì chích thuốc, truyền máu v.v… sao cho đạt để đánh thuốc tiếp. Không đủ nữa thì mời về. Thuốc đánh vào là thuốc độc. Đánh vào đa phần đều ói, đau đớn, rụng tóc, mất ngủ, khó ăn và gầy sút. Nhưng ai cũng mong đủ máu để đánh thuốc. Thông báo được đánh thuốc là niềm vui khá lớn đối với toàn bộ chị em trong khu viện này. Tự nguyện chọn lấy khổ nạn để vượt qua một khổ nạn lớn hơn. Như kẻ tu Phật, bằng lòng từ bỏ những thú vui đời để tương lai có một cuộc sống tốt hơn, tình nguyện chọn những con đường gian khổ để đời sống của mình và người được hanh thông hơn.

Phụ nữ quanh tôi là những người khá sinh động. Với tôi, họ là những kẻ can cường và giàu tình thương. Có khi, họ truyền nhau một câu niệm Phật hay một bài chú, có khi là một cuốn kinh Địa Tạng. Có người thích nghe nhạc, coi phim, bàn chuyện phiếm. Nhưng hết thảy đều lạc quan. Ai chưa lạc quan sẽ được người chung quanh động viên cho lạc quan. Họ trở nên biết thương mình nhiều hơn. Họ dạy nhau cách tự lo cho mình. Chồng thế nào cũng không buồn nữa. Phải tự vững chải để vượt qua chính mình. Phải biết buông bỏ để vượt qua bệnh tật. Họ san sẻ những gì họ có, cả về tinh thần lẫn vật chất.

Được một thứ gì đó khiến cơn mệt chấm dứt, là đặc ân khá lớn cho những bệnh nhân ở đây. Thuốc đó không phải rẻ, cũng không dễ kiếm ở Việt Nam. Nhưng con nhóc được tặng một lọ để vượt cơn khổ nạn. Vậy mà nó chỉ uống nửa lọ, san sẻ lại nửa lọ cho một con nhóc khác. Hai người một giường là đủ chật khi phải truyền thuốc, nó vẫn sẵn sàng nhích vào chút nữa cho người thứ ba. Tâm đó là tâm Phật. Phát huy được, chỉ nhờ vào một câu Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát. Chưa qua một trường lớp Phật giáo nào, chưa từng được học bốn chữ từ, bi, hỷ, xả, nhưng con nhóc đã thực hiện rất tốt những việc đó. Cái khí ấy lan truyền từ người này sang người kia, khơi dậy chủng tử từ bi vốn sẵn trong mỗi người. Người khó chịu nhất cũng phải buông bỏ, nhường chỗ cho tâm lượng từ bi đã có. Ở đâu cũng có Phật pháp. Những bài thuyết pháp rất sống động.

Tôi, ngoài đời cũng là loại được cung kính. Chí ít là với đám nhóc thuộc Đạo tràng. Rầy bao nhiêu, chúng vẫn thương và quý kính. Thiên hạ có ghét thì chỉ sau lưng. Trước mặt vẫn là cung kính. Vào đây, mọi thứ đảo lộn. Không phải từ bệnh nhân hay bác sĩ, là từ những cô điều dưỡng. Tuổi khá nhỏ nhưng quát thì khá to. Tôi không nghĩ đó là bản tính của họ. Môi trường chung quanh đã tạo nên những tiếng quát đó. Công việc nhiều, sinh căng thẳng, rồi nẩy sinh tình trạng không thể làm chủ bản thân. Tôi từng trải qua tình trạng đó. Biết mặt đang nhăn, âm thanh đang rất khó nghe, nhưng không thể hạ nhiệt với cái đầu đang quá stress.

Bệnh nhân đa phần dân tỉnh, không có tinh thần công nghiệp như người ở thành phố, ít ý thức được luật lệ bệnh viện đã đặt ra, lại hay cù nhưa cù nhầy trong việc chữa bệnh, là một trong những duyên khiến các cô không giữ được bình tĩnh. Phải quát. Để chấm dứt một sự cù nhưa cù nhầy. Để chấn chỉnh tinh thần ủy mị của bệnh nhân v.v...

Chỉ là, tâm có tính huân tập.
Quát hoài, thành thói quen. Thành thói quen rồi thì đụng đâu cũng quát. Không ai làm gì, cũng quát. Lớn hay nhỏ đều quát. Quát trở thành bản chất, không thể tùy duyên mà lúc quát, lúc không.

Hiểu được sự việc thì không có tâm giận dữ. Không ai giận dữ với những việc đã thành hiển nhiên. Hiểu nhân quả thì càng không buồn bực. Bởi có cái quả nào đến với mình không từ cái nhân trong chính mình? Tôi cũng hay la mấy đứa nhóc. Không phải vì bực hay không vừa lòng. Chỉ là muốn bào bớt cái tôi của chúng. Thành lâu lâu cũng nặng nhẹ vài câu. Giờ bị quát lại là chuyện bình thường. Mình làm vì lợi ích của người thì sự nhận lại của mình nhất định phải có lợi ích. Mà thiệt! Chính cô điều dưỡng hay la nhất, lại là người mang đến lợi ích cho tôi nhiều nhất. Không có cô, tôi không khỏe được như bây giờ, nhất là khi đang đánh thuốc. Cô quát kiểu gì, tôi cũng cười cười thân thiện, từ từ giải thích, cô không quát nữa. Bắt đầu hỏi đến gia đình, hoàn cảnh và chỉ cho cách ăn uống: “Ói xong, phải ăn vô liền. Buồn nôn hay mệt cũng phải ăn vô. Đừng thấy mệt mà bỏ ăn. Ăn không nổi thì xay nhỏ các thứ ra mà nuốt. Cháo, rau, củ, quả, thịt v.v… trộn chung, xay nhỏ ra. Mệt thì phải đổ vào mới khỏe. Vậy mới đủ máu đánh thuốc”. Bệnh này được cái đó. Hễ buồn nôn mà ăn vô thì hết buồn nôn. Mệt mà ăn vô thì hết mệt. Khổ là khi mệt lên, không ai muốn ăn. Chưa kể thấy thức ăn, nghe mùi đồ ăn là muốn ói, không muốn ăn. Nhưng đó là những lúc phải ăn vô. Tôi chấp hành lời dạy khá nghiêm túc. Xay cháo nhỏ ra và nuốt, chỉ một việc nuốt thôi, không cần ngon dỡ. Nhà đặt tôi là cái máy xay. Xay rất tốt những gì đưa tới. Nhờ đó, suốt thời gian đánh thuốc, tôi không bị thiếu máu dù vẫn ăn chay. Việc mà những người trong viện nghe tới là lắc đầu: “Ăn mặn đây còn thiếu máu, nói là ăn chay”. Ăn mặn thiếu máu nhưng ăn chay lại không. Vì có Bồ-tát chỉ đường.

Mới hay, đâu cũng có Phật và Bồ-tát. Tại mình cứ hình dung các ngài theo kiểu từ, bi, hỷ, xả, sáng chói, quang minh v.v…, nên mình không thể nhận được lợi ích từ những hóa thân. Một bài pháp hay, không phải chỉ đến từ một bậc đạo sư đức trọng, thân tướng dạ xoa cũng có thể trao tặng mình điều đó. Không chấp trước, cuộc sống này mang lại lợi ích cho mình rất nhiều.

Luận Đại thừa khởi tín nói vầy: “Người ấy trong khoảng thời gian từ khi mới phát tâm cầu đạo cho đến khi thành Phật, đều nương nơi chư Phật và Bồ-tát. Trong đó hoặc thấy, hoặc niệm, hoặc làm quyến thuộc, cha mẹ, người thân, hoặc làm người giúp việc, hoặc làm bạn hữu hoặc làm oan gia, hoặc khởi Tứ nhiếp... cho đến tất cả duyên hạnh. Bởi do lực huân tập đại bi phát khởi nên hay khiến chúng sinh tăng trưởng thiện căn, nếu thấy nếu nghe đều được lợi ích”. Bồ-tát hiện thân, không chỉ có hình thức bạn hữu mà còn có hình thức oan gia. Oan gia, là những kẻ không làm mình vừa lòng, tranh ăn ghét ở với mình v.v… Nhưng họ là Bồ-tát, hiện ra đúng với cái duyên cần có cho sự tu học của mình. Vấn đề là mình có chịu phản quan và nhận ra đó là Bồ-tát của mình không. Khởi tâm trách cứ hay buồn phiền, tủi thân v.v… là không nhận ra. Nhận ra thì an lòng với bổn phận của mình, không tâm trách cứ cũng không có tâm muộn phiền.

Milarepa, sinh năm 1040 [1], trong một gia đình quý tộc. Chẳng may khi mới bảy tuổi, cha ông qua đời. Toàn bộ tài sản bị người thân chiếm đoạt, mẹ và em lâm vào cảnh tôi tớ bần cùng. Sự thù hận lên đến cùng cực, ông được gởi đến một vị pháp thuật nổi tiếng. Sau khi học xong, ông trở về tàn sát tất cả, trong đó có cả dân làng vô tội.

Milarepa không thể an lòng về những ác nghiệp mình đã gây tạo. Ông được giới thiệu đến Marpa để giải quyết những bất ổn trong lòng. Marpa được xem là một vị thầy khá kỳ quái trong việc giáo hóa Milarepa. Ngoài việc khất thực, Milarepa còn phải làm nhiều việc khó nhọc khác. Ông được cử đến một ngôi làng, với nhiệm vụ là làm sao để những bạn đồng môn của ông khi đi qua đó, không còn bị hành hung. Ông được lệnh một mình vác đá, xây dựng một tòa nhà hình tròn ở phía đông, một tòa nhà hình bán nguyệt ở phía nam, một tòa nhà hình tam giác ở phía tây. Khi những tòa nhà sắp hoàn tất, ông lại được lệnh tháo bỏ và đá phải được mang về chỗ cũ. Marpa hứa sẽ ban giáo pháp cho ông khi hoàn thiện xong tòa nhà thứ tư, một tòa nhà được xây trên vùng cấm của một khu làng.

Phu nhân Marpa, cảm thương cho nỗi tuyệt vọng của Milarepa, đã giới thiệu ông đến tu tập với vị đệ tử của Marpa, như thể chính Marpa đã giới thiệu. Nyokton vâng lệnh, chào hỏi, ban pháp và dạy Milarepa cách thực hành. Sau một thời gian, Nyokton thấy việc thiền định của Milarepa không có kết quả. Nyokton hiểu rằng Milarepa chưa được chấp nhận bởi Marpa. Vì lòng bi mẫn bao la, phu nhân Marpa đã làm một việc mà với cái nhìn của Marpa, chỉ khiến ác nghiệp của Milarepa không thể tịnh hóa hoàn toàn.

Những bất công mà mình nhận được trong đời, có khi là những trải nghiệm giúp tịnh hóa dần thân tâm của mình. Đó là thiện pháp, không phải là bất thiện pháp. Nhưng đa phần đều không nhận được điều đó và thường sinh tâm bất mãn, thù hằn. Vĩ đại như Milarepa còn có những lúc tuyệt vọng cùng cực. Chỉ khác người ở chỗ, tuyệt vọng thế nào, ông vẫn theo thầy tới cùng, và trở thành kẻ truyền thừa sáng danh của Marpa, với danh hiệu “Cờ kim cương chiến thắng”.

Thuận duyên tuy giúp mình thích thú, nhưng không giúp mình vững chải và phát nhẫn lực như nghịch duyên. Gỗ quý chỉ mọc ở rừng núi, không có ở đồng bằng. Người đời nói “Cái khó ló cái khôn”. Xử lý được công việc trong khó khăn, sẽ giúp mình phát định, phát tuệ. Người cung kính mình, dễ khiến mình sinh tâm ngã mạn. Chửi bới tuy không vui, nhưng nhờ đó nhẫn lực phát triển, cái tôi được bào mòn. Vô ngã rồi, thuận duyên nghịch duyên đều là pháp lợi mình, lợi người. Cho nên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng cần định tĩnh, nhận cho rõ bản chất duyên khởi của các pháp. Pháp nào cũng vậy, không tốt cũng không xấu. Xấu tốt là do nhận định của chính mình. Song một khi đã thấy nó tốt thì nhất định nó cũng có mặt xấu khi đủ duyên. Một khi đã thấy mặt xấu của nó thì nhất định khi đủ duyên nó cũng có mặt tốt. Vấn đề là làm sao vận dụng cho được những gì mang lại lợi ích cho mình và người.

Tu hành không phải là được học ở trường này hay phải tu ở chùa kia. Tu, là trừ bỏ tham, sân, si, là tịnh hóa các ác nghiệp. Không tu mà muốn an vui cũng phải từ bỏ các ác nghiệp. Chúng sinh khổ vì muốn thứ gì cũng theo ý mình, muốn mọi người đối xử tốt với mình, muốn mọi việc được hanh thông, công bằng. Không hiểu rằng, công bằng chính là nhân nào quả đó, không phải công bằng là người này được thế này thì người kia cũng được thế này. Mọi cái quả đều tương ưng với cái nhân mà mỗi người từng gây tạo. Tạo nhân không đồng mà muốn có quả đồng, là bất công, không phải công bằng. Và, thánh nhân hay phàm phu đều không thoát khỏi sự chi phối của nhân quả.

Milarepa là Tổ truyền thừa kế tiếp Marpa. Ngay đêm trước khi ông xuất hiện, phu nhân Marpa đã mơ thấy Đại thành tựu giả Naropa ban cho Marpa chiếc bình vàng và một bảo tháp bằng pha lê. Marpa đã rửa sạch chúng bằng nước của bình vàng và đặt bảo tháp lên đỉnh núi. Ở đó, luôn phát ra những tia sáng mặt trời và mặt trăng chiếu khắp thế giới. Đêm đó, Marpa cũng có giấc mộng tương tợ. Thay vì bảo tháp, ông thấy một chiếc chày bẩn. Ông đã dùng nước của bình vàng để rửa sạch chiếc chày và đặt nó lên một ngọn cờ chiến thắng, phóng quang khắp mọi nơi. Sáng hôm sau Marpa ra cánh đồng ngồi chờ Milarepa tới. Thầy trò gặp nhau và xuất hiện một quá trình tu học đầy gian khổ.

Dù đã được báo mộng như thế, thực chất là một bảo tháp nhưng là chiếc chày bẩn trong kiếp này, ông vẫn không được đón tiếp nồng hậu và nhận mọi thuận lợi cho việc tu học hay thiền định. Đời sống tu học của ông vất vả hơn nhiều so với các học nhân khác. Mọi thứ có vẻ bất công và phí sức. Nhưng đó là những gì đã tạo nên một Milarepa về sau.

Cho nên,
Dù trong hoàn cảnh nào cũng phải đưa tâm về trạng thái bình thường. Buồn bực bất mãn hay vui sướng thỏa mãn đều không phải là chất liệu của bình thường. Hãy đặt chúng thành đối tượng bị biết một khi chúng xuất hiện. Tất cả đều không phải là ta, chỉ là những vọng tưởng được huân tập từ lâu xa, giờ đủ duyên thì khởi. Được thế, dù còn niệm tưởng, tâm vẫn được coi là bình thường. Đó là tu. Không phải cứ ở chùa mới là tu, được học hành hay ngồi thiền mới là tu. Ở chùa, được học hành và ngồi thiền là phương tiện ban đầu giúp người tu dễ điều phục thân tâm. Nhưng không được thế thì phải ngay tâm mà tu. Tâm thì lúc nào cũng có. Có thân là có tâm [2]. Có tâm là có thể tu. Thuận cảnh cũng tu được. Nghịch cảnh cũng tu được. Trong chùa cũng tu được. Ở chợ cũng tu được. Vô bệnh viện cũng tu được. Đâu cũng tu được. Miễn đừng hướng ra ngoài. Cứ y tâm mà quán sát. Cứ y tâm mà niệm Phật. Chưa bình thường thì điều phục cho bình thường. Chỉ là nhất tâm, không có cảnh giới bên ngoài. Đó là tu. Đại sư Hàm Thị nói: “Việc hằng ngày của kẻ tầm thường chính là chỗ để tâm của hàng thượng triết. Việc có không của phàm phu và ngoại đạo là chỗ ngậm miệng của bậc thánh nhân. Động cũng không phải là vọng. Tánh tri vốn tự yên lặng” [3]. Việc hằng ngày của kẻ tầm thường là ăn, uống, ngủ, nghỉ, làm việc v.v… Không lúc nào không tu được. Ăn trong chánh niệm là tu. Đi trong chánh niệm là tu. Nhổ cỏ trong chánh niệm là tu v.v… Có lúc nào không tu được? Chỉ cần tâm không lăng xăng theo việc thị phi, ngay đó là tu. Không tính toán sao người này được vậy, ta lại phải như vậy, là tu. Lỡ khởi tâm rồi liền buông, là tu.

Ngược với các cô điều dưỡng, bác sĩ trưởng khoa là một người rất nhẹ nhàng và trầm tính. Chưa bao giờ thấy ông nhăn nhó hay có thái độ khó chịu với ai. Cười cười như trẻ con.  Được cái là nói vừa đủ. Lắng nghe và nói vừa đủ. Không thắc mắc bệnh nhân ăn chay hay ăn mặn. Chỉ trên nền tảng đã có của bệnh nhân mà giải quyết mọi việc. Bệnh sắp chết mà gặp được trưởng khoa là lên tinh thần. Ông là thần tượng của mấy bà trong khu ung bướu. Một con người có lương tâm thực sự.

Việc đầu tiên của ông khi tiếp xúc với bệnh nhân, là nhắc bệnh nhân mua bảo hiểm. Loại bảo hiểm mua thì không cao nhưng có thể dùng sau một tháng và có giá trị rất lớn trong quá trình trị bệnh. Trị bệnh có thể trễ một chút, để chờ bảo hiểm. Từ bác sĩ đến điều dưỡng đều nhắc bệnh nhân việc này. Nhắc tới nhắc lui mãi. Thấy chư vị có lương tâm là đó. Thành dù có gắt hay quát, tôi vẫn thấy họ đáng yêu. Họ thật sự là những người có lương tâm với nghề nhiệp và bệnh nhân của mình. Không thể đòi hỏi họ như thánh nhân. Dù là thánh nhân, đâu phải khi nào các ngài cũng im, không la, không hét. Chỉ là la đúng duyên, hét đúng chỗ, vì lợi ích của người, không phải do thói quen hay tập khí của mình.

Thể loại nhẹ nhàng từ hành vi đến ngôn từ như thế khiến tôi siêu lòng. Tứ nhiếp pháp, Phật đã dạy cho kẻ học hạnh Bồ-tát, người đời cũng nói “Mật ngọt chết ruồi”, tự bản thân cũng thấy tác dụng của ái ngữ. Nhưng để thực sự mong muốn và phát tâm làm theo thì giờ mới đủ duyên. Tôi thực sự mong muốn được như thế. Cũng đã phát tâm hồi hướng công đức nguyện thành tựu như thế. Một sự nhẹ nhàng không gắng gượng, không vụ lợi, không vì cái gì hết, bản chất là thế, tự nhiên như thế. Ngôn ngữ từ cái tâm ấy phát ra trở nên thong thả nhẹ nhàng một cách kỳ lạ, đi vào lòng người không mấy khó khăn.

Thời buổi mà đa phần đều bị chi phối bởi đồng tiền, lại xuất hiện những con người tài năng, nhưng không dùng tài năng đó để có chỗ đứng cao hơn, để được tiền bạc nhiều hơn, chỉ một lòng phục vụ mọi người, phải nói là đáng kính.

Bệnh một chuyến…
Có duyên thấy được nhiều điều đáng học, cũng có duyên giúp phát nguyện thực hành Tứ nhiếp pháp tốt hơn. Xem ra, bệnh không phải không có giá trị của nó. Có giá trị rất nhiều. Vụ ở yên một chỗ, với một người tu thiền là khá tốt. Bởi bình thường dễ gì chịu yên một chỗ như hiện nay. Đánh thuốc vô, không muốn yên cũng không được. Sức đâu mà động cho lắm. Vừa đủ để bình thường. Cảm cúm coi vậy mà mệt, nằm yên mới khó, còn tình trạng ung thư này, chỉ cần nằm yên một chỗ hay chỉ đi tới đi lui trong phòng thì mọi thứ vẫn bình thường như không hề bệnh. Có thể nằm yên dài lâu mà không thấy mệt hay nặng đầu như khi không bệnh. Nếu không bám vào sách vở hay điện thoại thì điều kiện như thế rất tốt cho việc tĩnh tâm. Cũng là điều kiện giúp huân tập thêm việc “độc hành độc bộ” sau này. Mọi thứ đều có mặt lợi mặt hại của riêng nó. Chỉ mong tất cả mọi người luôn tìm thấy an vui và thoải mái trong những điều kiện mà người đời cho là bức ngặt, không như ý. Rất mong mọi người được vậy. An vui với bệnh tật của mình. 

 
 

 


 

 

[1] Y cứ tài liệu Cuộc đời của Đại thành tựu giả Milarepa – Thanh Liên Việt dịch - thuvienhoasen.org
[2] Không nói trường hợp chết rồi.
[3] Thủ Lăng Nghiêm trực giải – Đại sư Hàm thị.