1 ***** PHẬT HỌC VẤN ĐÁP *****
21. SƠ KHỞI CON NGƯỜI TỪ ĐÂU SINH RA?
Chánh Thành An hỏi
30/04/2018
HỎI:
Con có thắc mắc xin cô hoan hỉ giải đáp giùm con:
- Con người từ sơ khởi được sinh ra như thế nào?
- Vì nhân duyên gì mà phải sinh ra con người và các loài chúng sanh khác?
Như theo bài giảng của chú Chánh Tấn Tuệ giảng lúc khai pháp SHTG kỳ 35 ở Bến Tre* thì con nghe chú nói con người do NGHIỆP sanh ra. Nhưng khi sơ khởi chưa có con người thì NGHIỆP ở đâu ra ạ?
*Link: https://m.youtube.com/watch?v=T_Shgsb7vsc&feature=share
ĐÁP:
Phần này đối với tri thức của đời thường là khó ah. Viết tắt và cố gắng viết cho dễ hiểu nhất thì cũng không thể tránh được các khái niệm chuyên môn và diễn tiến của tâm ở trạng thái vi tế. Nhưng vì hỏi tới chỗ tột, nếu muốn nghe thì phải làm quen thôi.
Theo luận Đại-thừa-khởi-tín thì chân thể tuy thanh tịnh nhưng không tự tánh, nên không giữ tự thể mà sinh bất giác. Bất giác thì tâm động. Động đó gọi là nghiệp hay hành. Đó là lúc Chân thể biến thành thức, như biển cả nổi sống mòi. Thức không phải là chân thể thanh tịnh nhưng không lìa chân thể thanh tịnh mà có.
Theo Thập-nhị-duyên-sinh thì Bất giác ấy là do vô minh. Động ấy là hành. Thức ấy chính là thức tạng. Từ đó mới có Danh sắc, lục nhập...
Luận Đại-thừa-khởi-tín có nói đến 9 tướng bất giác là tam tế và lục thô.
Tam tế là:
1/ VÔ MINH NGHIỆP TƯỚNG : Chỉ cho quá trình chân thể biến thành thức vừa nói trên. (Do bất giác tãm động).
2/ NĂNG KIẾN : Chỉ cho tướng năng biết của chúng sinh, nhưng lúc này năng biết ấy chỉ mới do một niệm bất giác đầu tiên mà hiện, chưa nhiễm ô do tương ưng với cảnh, nên năng biết ấy so với tâm thức của chúng sinh vẫn sáng chiếu, thanh tịnh, trùm khắp ... Đây chính là thức thứ 8, cũng là tướng Sở minh nói trong kinh Lăng nghiêm và là cảnh giới của La hán và Bích chi Phật. Trong quá trình hoàn tịnh thì LH và BCP đã trụ được đến tướng này. Chưa thấu được Căn-bản-vô-minh nhưng đã thoát ly tam giới, là tướng Cảnh-giới nói sau.
3/ CẢNH GIỚI TƯỚNG: Chỉ cho tứ đại, hư không và thân căn của chúng hữu tình.
Kinh Lăng Nghiêm nói: Do tướng Năng biết ấy chiếu rọi sinh lao lư mà xuất hiện Cảnh-giới-tướng. Chỗ này khó tin khó hiểu nhưng thật ra chỉ như ngủ rồi mộng mà thấy có cảnh giới, trong đó có mình. Trong mộng thấy mọi thứ hiện hình như thực, nhưng thật ra mọi thứ chỉ do tâm hiện... Cũng vậy, do mê mà vọng thấy mọi cảnh giới như hiện nay. Niệm tham sân thì hiện cảnh giới ba đường dưới. Niệm lành thiện thì hiện các đường trên. LH và BCP do dứt mọi niệm tưởng và nhờ có phần quán khổ-không-vô-thường-vô ngã nên thoát ly được loại vọng cảnh (tam giới) này.
Phần hiện cảnh giới này, nếu muốn biết chi tiết tạo thành Cảnh giới ra sao, như Ngài Phú-lâu-na hỏi Phật "Tánh bản nhiên thanh tịnh vì sao bỗng nhiên sinh ra núi sông, đất liền và các tướng hữu vi thứ lớp dời đổi?", thì xin xem Kinh-Thủ-lăng-nghiêm-trực-chỉ của thiền sư Hàm Thị giải thích, do thầy Thích Phước Hảo dịch.
Dựa theo quá trình trên thì biết chúng sinh xuất hiện vào thời kỳ đầu, niệm nhiễm ô chưa nhiều, nên cảnh giới và thân căn thuộc cõi các cõi trời. Có cõi chưa có sắc thân, nhưng do giao động và sau khi tiếp duyên, nhân ngã thị phi xuất hiện, huân tập thành nghiệp bất thiện mà có các cảnh giới thấp hơn. (Đây là phần NGHIỆP SINH RA NGƯỜI mà Cư sĩ CTG giảng). Đó cũng là lý do các Bà-la-môn thời xưa thường nói mình được sinh ra từ trời Phạm thiên. Diễn tiến thế nào thì xin xem bài kinh TIỂU DUYÊN thuộc Trường A-hàm Quyển 1. (Google là có ngay).
Tóm lại chúng sinh trước sau đều do nghiệp sinh ra. Thô là ba nghiệp thân-khẩu-ý. Tế là một niệm vọng động đầu tiên của tâm ban sơ, khi ấy chưa có thế giới và con người.
Các tin khác
-
» 22. VÔ TÂM (26/05)
-
» 20. THỜI GIAN CÓ KHÔNG? (30/04)
-
» 19. LÀM SAO ĐỂ TỈNH GIÁC KHI LÀM VIỆC BẰNG TRÍ ÓC? (30/04)
-
» 18. THỐNG LÝ VÀ QUẢN LÝ CÓ LÀ MỘT?. (30/04)
-
» 17. CÓ ĐẾN LỤC ĐẠI KHÔNG PHẢI TỨ ĐẠI? (30/04)
-
» 16. BÁC BỎ "KIẾN TÁNH KHỞI TU" LÀ SAI HAY ĐÚNG? (28/04)
-
» 15. KIẾN TÁNH LÀ QUẢ CỦA TÁNH BIẾT? (28/04)
-
» 14. SAO BIẾT DIỆU TÂM RỒI CON THEO CẢNH? (28/04)
-
» 13. SÁM HỐI CÓ PHẢI LÀ CÁCH CHUYỂN NGHIỆP TỐT NHẤT? (28/04)
-
» 12. SO SÁNH HẠNH ĐẦU ĐÀ VỚI CÁC HẠNH KHÁC (28/04)