Thiền

THẢY ĐỀU KHÔNG CAN HỆ

Nguyệt San Giác Ngộ số 309 (PL2565) tháng 12 năm 2021

17/02/2022

 

 

Thiền sư Pháp Loa, tên thật là Đồng Kiên Cương, sinh ngày mùng 7 tháng 5 năm Thiệu Bảo thứ sáu (1284) tại làng Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Sư có nhiều điểm rất khác người.

Trước khi sinh Sư, bà thân đã nằm mộng thấy có người trao cho thanh kiếm, bà rất thích và cầm lấy, sau đó bà có thai. Vì sinh liền một mạch tám người con gái nên bà không muốn sinh nữa. Cố tình uống thuốc phá thai cho ra, nhưng thảy đều không can hệ. Đến khi sinh, không ngờ lại được mụn con trai, bà mừng quá và đặt tên cho Sư là Kiên Cương.  

Sư từ nhỏ đã không thích ăn thịt cá, cũng không nói lời ác.      

Năm 21 tuổi, Sư tự tìm đến Điều Ngự Trần Nhân Tông xin xuất gia, lúc ấy Điều Ngự đang đi các nơi, phá các chỗ thờ tự không chính đáng. Điều ngự vừa thấy Sư đã tấm tắc trong lòng: "Kẻ này vui vẻ tự đến đây, lại là người có đạo nhãn, sau ắt là bậc pháp khí". Liền cho hiệu là Thiện Lai và dẫn Sư về liêu Kỳ Lân ở Linh Sơn cho cạo tóc và thọ giới Sa-di.

Giai đoạn này Sư được Điều Ngự dạy đến tham vấn Hòa thượng Tánh Giác ở Quỳnh Quán, nhưng vấn hoài vẫn không được khai ngộ. Chỉ khi đọc bộ kinh Hải Nhãn, có lẽ là kinh Lăng Nghiêm[1], vì nói đến bảy chỗ tìm tâm và đoạn dụ khách trần, Sư mới có chỗ vào. Sư liền tạ từ Hòa thượng Tánh Giác, trở về tham yết Điều Ngự. 

Duyên chính là ở Điều Ngự nên khi thưa hỏi cùng ngài, Sư liền có chỗ tỉnh. Được Điều Ngự cho theo hầu.

Một lần, Sư trình ba bài tụng, Điều Ngự đều lắc đầu. Sư thưa thỉnh mấy phen, Điều Ngự dạy phải tham. Sư vào phòng, đầu óc nặng trĩu, thức quá nửa đêm, trông thấy tàn đèn rụng xuống, Sư chợt đại ngộ. Liền đem chỗ ngộ trình Điều Ngự. Sư được ấn khả. Từ đó, Sư phát thệ tu theo hạnh đầu đà. Chỉ trong vòng một năm mà Sư hoàn thành bao nhiêu việc lớn, xuất gia, ngộ tâm, được ấn khả và phát thệ tu hạnh đầu đà.

Vào năm kế tiếp, Sư thọ giới Tỳ-kheo và Bồ-tát, được Điều Ngự cho hiệu là Pháp Loa.

Hai năm sau, khi đó Sư 24 tuổi, trên đỉnh Ngọa Vân Phong, sau khi làm lễ Bố-tát xong, Điều Ngự xua mọi người ra, lấy y bát và viết tâm kệ trao cho Sư, dạy khéo giữ gìn. Coi như Sư được truyền tâm ấn làm Tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm khi chỉ mới 24 tuổi.

Năm sau (1308) Sư chính thức trụ trì chùa Siêu Loại và làm chủ Sơn môn Yên Tử, là đời thứ hai của phái Trúc Lâm. Cũng trong năm nay, Điều Ngự thị tịch, tháng 11 năm Hưng Long thứ 16.

Từ năm 24 tuổi đến năm 47 tuổi là thời gian hoằng pháp độ sinh của Sư. Thời gian này, Phật giáo phát triển mạnh mẽ, người xuất gia rất đông. Chùa Vĩnh Nghiêm trở thành trụ sở Trung ương Giáo hội Trúc Lâm, chứa đủ hồ sơ của Tăng Ni cả nước. Tăng Ni có sổ bộ là từ đây. Nhiều chùa tháp đã được xây dựng trong giai đoạn này, do nhà vua và giới quý tộc triều đình ủng hộ rất mạnh. Mạnh đến mức Sư phải tự xin giảm dần số quyên cúng. 

Hoạt động quan trọng của Pháp Loa là mở các hội giảng kinh và in ấn các tài liệu Phật học. Kinh giảng thường tập trung ở những bộ Đại thừa Phương đẳng như Hoa Nghiêm, Niết-bànLăng Nghiêm, Viên Giác v.v... và các bộ lục như Tuyết Đậu ngữ lục, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, Đại Tuệ ngữ lục v.v... Người đi nghe khá đông. Pháp hội có khi lên đến ngàn người. Đệ tử đắc pháp cũng không ít, hơn ba ngàn. 

Năm 1311, Sư kêu gọi Tăng chúng và cư sĩ chích máu in Đại tạng kinh hơn 5.000 quyển, để tại viện Quỳnh Lâm. Đại Tạng kinh là một công trình vĩ đại, lúc đó không ai có thể làm được nếu không có sự tài trợ về nhân lực cũng như tài chính của triều đình. Tiếc là hiện nay, không còn giữ lại được bản gỗ nào của Đại tạng kinh, là do sau đó quân Minh ra lệnh thiêu huỷ hết. Năm 1322, Pháp Loa cho khắc ván quyển Tứ phần luật và in hơn 5.000 bản. Rồi mời Quốc sư Tông Kính ở núi Tiên Du và Quốc sư Bảo Phác ở núi Vũ Ninh đến chùa Siêu Loại giảng bộ luật này [2]

Ngày 11 tháng 2 năm 1330, Sư bệnh nặng.

Đêm, Huyền Quang đứng hầu, thấy Sư ngủ mà nói ra tiếng hồng hồng.

Huyền Quang thưa:

. Tôn giả nói mớ chăng?

Sư trả lời:

. Ngủ thì nói mớ. Không ngủ thì không nói mớ.

Hỏi nói mớ chăng? Chẳng khẳng định là mớ hay không mớ. Chỉ nêu hiện trạng đủ duyên của một sự việc. Nếu ngủ thì nói mớ. Không ngủ thì không nói mớ. Thực tế là như thế. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là Sư đang ngủ hay không ngủ. Nhìn dạng của Sư thì quả là đang ngủ. Nếu đang ngủ, ngủ đến nói mớ, thì khó có thể nghe được toàn bộ câu hỏi để trả lời minh bạch như thế.

Huyền Quang hỏi:

. Đâu thể ngủ với thức là một?

Giờ thì Sư khẳng định:

. Ngủ với thức là một.

Ngủ với thức, ở phàm phu không thể là một. Điều này ai cũng có thể thực nghiệm từ bản thân. Nhưng ngủ với thức ở Sư bấy giờ là một. Một là nói ở tâm thức, không phải nói ở thân. Nếu thân cũng thức thì chẳng nói ngủ với thức là một. Chính vì thấy thân thì ngủ mà tâm có phần không ngủ nên mới trả lời ngủ với thức là một. Chỉ tạm diễn tả như thế với cái nhìn trong vòng đối đãi nhị nguyên.

Một hành giả tu thiền đã kể tôi nghe về việc "thức và ngủ là một" của bạn ấy sau những năm tháng công phu miên mật. Chỉ là không phải thường xuyên, không phải niệm niệm đều được như thế, không phải bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu cũng có thể "thức và ngủ là một". Chỉ là, một chứng nghiệm duy nhất trong đời, sau một khoảng thời gian lắng tâm miên mật, thành quả là như thế. Một lần như thế chưa đủ để tự tại với sống chết, chưa đủ để tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố với những gì xảy ra trong đời, nhưng đủ để hiểu ít nhiều những gì Tổ nói, tăng trưởng lòng tin với pháp đốn giáo, với con đường mình đang đi, không bỏ cuộc khi gặp những khó khăn trong chính bản thân, với những nghiệp duyên phải đối diện trong đời, dù thuận hay nghịch.

Chỉ là một lần, trong một khoảng thời gian, như là cái nhân để có cái quả toàn phần về sau. Như Tổ Pháp Loa nói về cái nhân kiến tánh. Là người học Phật trước phải thấy tánh. Là thấy cái nhân Phật tánh của mình. Thấy thôi. Trong một niệm. Nên niệm ấy còn có tên là nhất niệm vô sinh. Niệm ấy thế nào? "Thấy tánh, không phải là có tánh bị thấy. Nói thấy là thấy chỗ không thể thấy mà thấy. Cho nên nói thấy, thấy không phải thấy, thì chân tánh hiện[3]. Vậy đó, nói thấy tánh mà không có thứ gì để thấy, thấy cũng không phải thấy. Nghĩa là, năng thấy và sở thấy đều không. Lúc ấy mới thật là thấy tánh. Bát-nhã tâm kinh nói: "Không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý". Không hết các thứ đó thì lấy gì để thấy về cái tướng không bất di bất dịch ấy? Vậy mà thấy. Thấy mà không thấy. Cội nguồn chân thật nhất tâm vốn như thế. Luận Đại thừa khởi tín nêu khá rõ về quá trình hiện khởi tam tế và sáu thô. Chẳng phải chỉ để nói về tam tế hay sáu thô mà cũng là muốn hiển bày cái chỗ trước khi có các thứ đó. Chỗ mà Lục Tổ gọi là vô nhất vật. Tánh ấy không một vật mà cũng chẳng vật nào ngoài tánh ấy. Nhưng đã nói thấy tánh thì phải là cái duyên vô nhất vật. Chưa một lần thấy được tánh ấy thì khó mà có những bước về sau, gọi là sống được với tánh của mình. Cũng như chưa một lần thấy được tánh ấy thì khó mà được một lần "thức với ngủ là một", huống là bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào như bậc Tổ sư, bệnh đã nặng, cái chết đã cận kề, mà thức với ngủ vẫn là một.

Hành giả ấy kể rằng:

Một lần, bạn ấy bệnh.

Bác sĩ cho thuốc ngủ.

Trạng thái mà bạn ấy nhận được lúc đó là thân bạn ngủ rất say, nhưng mọi ghi nhận, hiểu biết hay nhận thức vẫn như khi chưa ngủ. Không phải là trạng thái nửa tỉnh nửa mê của người ngủ không ngon giấc. Không. Thân đang ngủ rất say. Chính người thân của bạn cũng đã nhận định như thế, khi nhìn thấy bạn ngủ: "Ngủ say rồi". Bạn nghe rõ những gì họ nói. Và ghi nhận mọi sinh hoạt quanh mình rất rõ ràng. Cho đến khi thân tỉnh dậy.

Một chút đó cũng tạo cho hành giả hiểu sơ về những gì Tổ sư đã nói, không phải là ẩn dụ cho những chuyện cao xa, chỉ là chuyện ngủ nghỉ bình thường. Nhưng do mình chưa từng trải qua, nên không hiểu được đó là việc gì. Ngủ với thức là một. Con người có khả năng đó. Có rất nhiều khả năng đặc biệt mà do vô minh, do bám chấp vào vạn pháp, chúng ta không sử dụng được những năng lực đó. 

Thức và ngủ như thế thì bệnh và không bệnh thế nào?

Ngài Huyền Quang hỏi tiếp:

. Đâu thể bệnh cùng không bệnh là một? 

Không chỉ là câu hỏi mà còn có phần phủ định trong đó. Trước và sau đều có phần phủ định như một nghi ngại, không chắc. Dù thức và ngủ là một thì bệnh và không bệnh cũng không thể một? Tổ Pháp Loa trả lời đúng như những gì chúng đang là: “Bệnh, cũng chẳng can gì y. Không bệnh, cũng chẳng can gì y". 

Thế ấy. 

Chẳng phải vô tri mà khi bệnh không biết là đang bệnh. Cũng không thể lầm giữa trạng thái không bệnh và có bệnh. Pháp thế nào tuệ tri đúng y thế ấy. Duyên nào hiện rõ pháp đó. Chỉ là không can hệ. 

Không can hệ ai? Y. 

Là ai? Là y. 

Chỉ một chút không can hệ đó mà thánh phàm phân đôi. 

Không can hệ, nên bệnh là bệnh, không bệnh là không bệnh, không thêm gì trên đó. Dù thêm gì trên đó, cũng không can hệ. 

Nói đến đây, lại nhớ đến việc hiện bệnh [4] của Như Lai. 

Như Lai, sau khi thọ ký cho Văn-thù Sư-lợi, Ca-diếp và Thuần Đà xong, nói lưng ngài có bệnh, cả mình đều đau nhức, ngài muốn nằm như trẻ nít hay như người đời đang có bệnh. Giảng đại pháp, Văn-thù Sư-lợi v.v. sẽ làm thay. Nói rồi, ngài nằm nghiêng bên phải nghỉ dưỡng. Tuy vậy, Bồ-tát Ca-diếp không đồng ý. Ông viện nhiều lý lẽ để bác việc nằm bệnh của Như Lai. 

• Chúng sinh bệnh là vì có bốn nhân, tham, sân, si và kiêu mạn. Vì bốn nhân ấy mà sinh ra các thứ hàn, nhiệt, ói mửa, bụng chướng, điên cuồng v.v... Như Lai đã hết bốn nhân ấy, sao giờ lại bảo đau lưng muốn nằm. 


• Không có bệnh khổ là nhờ hai nhân duyên. Một là thương xót chúng sinh. Hai là cung cấp thuốc men cho người bệnh. Hai việc đó Như Lai đã thực hành trong vô lượng muôn ức kiếp. Cớ sao giờ lại bảo có bệnh? 

• Bồ-tát thường phát nguyện trong vô lượng trăm ngàn muôn ức kiếp làm cho chúng sinh không còn bệnh. Cớ sao hôm nay Như Lai lại xướng có bệnh? 

• Như Lai là người có trí tuệ lớn, hiểu biết tất cả, là bậc tối tôn trong loài người, đầy đủ oai đức lớn, thành tựu đại thần thông, dứt hẳn lưới nghi, đã nhổ tên độc, đi đứng an lành, được tự tại vô sở úy, cớ sao lại nằm nghiêng bên phải, làm cho hàng trời người lo rầu khốn khổ, khiến cho chín mươi lăm phái ngoại đạo khinh mạn, cho rằng Như Lai bị vô thường chi phối v.v...

Như Lai nghe xong, liền ngồi dậy bắt kiết-già, dung nhan vui vẻ sáng rỡ như vàng ròng, hình dung thanh tịnh, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp hư không. Nói với Đại Ca-diếp rằng, từ vô lượng vô biên ức na-do-tha trăm ngàn muôn kiếp về trước, ngài đã trừ hết bệnh căn, lìa hẳn sự dựa nằm, không có tất cả bệnh khổ, do chúng sinh không biết giáo pháp bí mật Đại thừa phương đẳng, nên cho rằng Như Lai thật có bệnh. 

Đúng là không can hệ. 

Huyền Quang vẫn chưa ngừng hỏi:

. Tại sao lại có tiếng nói ra ngoài? 

Ý hỏi, nếu không ngủ sao lại phát ra tiếng hồng hồng.

Sư trả lời:

. Nghe tiếng gió thổi cây thì thế nào? 

Huyền Quang trả lời: 

. Tiếng gió thổi cây người nghe chẳng lầm. Trong khi ngủ mà nói mớ thì dễ lầm người nghe. 

Sư bảo: 

. Người ngu cũng vẫn lầm tiếng gió thổi cây. 

Mọi thứ ở thế gian đều do nhân duyên hội thành. Đủ duyên là hiện. Như gió thổi vào cây thì phát ra tiếng rì rào. Như ngủ mà đủ duyên thì ngáy. Như ngôn thuyết có, là do đầu, ngực, cổ họng, mũi, môi, lưỡi, nướu răng hòa hợp thì phát ra âm thanh [5]. Đủ trí để thấy thì việc thế nào rõ ràng thế ấy. Đã ngu không thể thấy thì việc sờ sờ trước mắt vẫn cứ nhầm. Mọi thứ là do nhận thức ở từng người, lỗi chẳng phải ở cảnh.


Đến đây Huyền Quang mới thôi: 

. Chỉ một bệnh này đến chết cũng chẳng mạnh. 

Sư bèn đạp, Huyền Quang lui ra. 

Sau đó bệnh tình Sư có thuyên giảm. Hai ngày sau, Sư trở về phương trượng cũ nghỉ dưỡng. Đệ tử các nơi dồn về thưa hỏi và xin kệ. Sư vẫn đối đáp và tuỳ người cho kệ không biết mệt mỏi. Được chừng nửa tháng như thế, vào ngày mùng 1 tháng 3 năm 1330, bệnh Sư trở nặng. 

Huyền Quang thưa:

. Xưa nay đến chỗ ấy, buông đi là tốt hay nắm lại là tốt? 

 Sư trả lời: 

. Thảy đều không can hệ.  

Khi Bồ-tát Chân Nguyệt hỏi Phật về việc thức rời khỏi thân như thế nào sau khi chết? Phật trả lời: “Chúng sanh tùy nghiệp thọ quả báo. Dòng thức tương tục giữ thân chẳng dứt, đến khi báo hết, thức liền xả tứ đại. Tùy nghiệp mà chuyển nhận. Thí như đem sữa lẫn nước mà nấu. Do lực của nhiệt, nước sữa và chất béo mỗi mỗi phân tán. Cũng vậy, chúng sinh khi mạng chung, do nghiệp lực nên hình hài, thức và các giới nhập mỗi mỗi phân tán. Thức là sở y, giữ lấy pháp giới và pháp giới niệm cùng nghiệp thiện ác mà dời nhận báo khác. Giống như loại tô thượng hạng được sắc chung với vị của các lương dược khác, khiến tô bỏ đi tánh của nó mà giữ các vị đắng, cay, lạt, mặn của các lương dược, trợ giúp cho thân, liền cùng thân tạo thành vị sắc hương. Thức bỏ thân này, giữ gìn nghiệp thiện ác và pháp giới v.v. chuyển nhận dư báo cũng như vậy. Này Chân Nguyệt! Chất tô như thân, các vị lương dược hòa hợp tốt khéo, giống như các pháp các căn hòa hợp thành nghiệp. Tô trợ thành vị và xúc cho lương dược, như nghiệp trợ cho thức. Uống thuốc khéo tốt thì khoan khoái sung mãn, thần sắc sáng sủa đẹp đẽ, an ổn không lo, như thiện nghiệp trợ thức gặt được các lạc báo. Uống tô trái phép, dung mạo thành xấu ác, không có khí huyết, sắc diện bệch bạc, như bất thiện nghiệp trợ thức gặt các khổ báo” [6].  

Nghiệp thiện và bất thiện trợ cho thức hiện cảnh giới tương ưng, trong là tâm cùng các chủng tử, ngoài là thân có các căn và thế giới. Nhân đã có, đủ duyên, quả theo đó mà hiện. Dòng nhân duyên cứ thế mà tương tục nối tiếp. Nhân trước quả sau thứ lớp nối tiếp không ngừng. Trong quá trình sinh diệt ấy vẫn tồn tại cái không sinh diệt. Chẳng phải đó mà cũng chẳng lìa đó. 

Phàm phu chấp vào dòng nhân duyên ấy cho đó là đời mình. Hình thành nên một cái tôi với những buồn, vui, sướng, khổ v.v. Rồi theo đó mà tiếp tục tạo nghiệp thiện ác. Thiện nghiệp thì có quả lành. Ác nghiệp thì có quả dữ. Theo dòng mà sinh tử triền miên. 

Thánh nhân cũng theo dòng ấy mà đi. Chỉ là biết: Tạo nhân, đủ duyên thì quả hình thành. Trong cái sinh diệt vẫn là cái không sinh diệt. Ngay đó mà chẳng phải đó, nên không có gì can hệ. Đã không can hệ thì buông là tốt hay nắm là tốt? Buông cũng được mà nắm cũng được. Không buông không nắm cũng được. Thảy đều không can hệ. Sinh tử đã như hoa đốm trong hư không, lành dữ có gì sai khác mà cần chú ý đến buông hay nắm? Cận tử nghiệp đối với người đời là quan trọng, bởi nó góp phần quyết định cảnh giới lành dữ kế tiếp. Cảnh giới lành thì vui thích. Cảnh giới dữ thì sợ hãi khổ não. Nên thích lành sợ dữ, y đó mà tạo ác nghiệp, y đó mà nói nắm hay buông. Thánh nhân, lành dữ đều không can hệ. Lành thì có duyên giáo hóa cõi lành. Dữ thì có duyên giáo hóa cõi dữ. Tùy duyên tiêu nghiệp cũ. Đủ duyên thì đến. Hết duyên thì đi. Nhân quả đã tự có lối của nó. Có gì can hệ? Trong cái đến đi vẫn là cái không đến đi. Lăng-già có kệ:

Thế gian lìa sinh diệt

Ví như hoa trong không

Trí chẳng thấy có không

Mà khởi tâm đại bi

 

Tất cả pháp như huyễn 

Xa lìa nơi tâm thức

Trí chẳng thấy có không

Mà khởi tâm đại bi


Xa lìa chấp đoạn thường

Thế gian hằng như mộng

Trí chẳng thấy có không

Mà khởi tâm đại bi

Đại sư Hàm Thị bàn rằng: "Thế gian như không hoa, tất cả pháp như huyễn, thế gian hằng như mộng, là ngay nơi nhật dụng của chúng sinh, thấy ngay cảnh giới khó nghĩ bàn của Như Lai. Đó chẳng phải là cái trí thuộc năng-sở, có-không[7]

Cũng phải là chỗ thực nghiệm. Chẳng thể là lời nói suông.

Huyền Quang hỏi tiếp:

. Khi thảy đều không can hệ thì thế nào?

Sư bảo:

. Tùy xứ tát-bà-ha.

Nếu ngay đó chẳng thể tự ngộ cũng chẳng tạo thành khối nghi, chỉ theo ngôn từ mà hiểu thì tát-bà-ha biểu thị cho sự thành tựu viên mãn [8]. Tuỳ duyên mà thành tựu viên mãn trong duyên ấy.

Sau đó đệ tử đồng đến thỉnh:

. Người xưa lúc sắp tịch, đều có để kệ dạy đệ tử, sao riêng thầy không có?

Sư lên tiếng quở trách. Nhưng giây lâu sau cũng ngồi dậy, bảo mang giấy bút lại, làm bài kệ:

Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn

Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng

Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi

Bên kia trăng gió rộng thênh thang

Viết xong, Sư ném bút, an nhiên thị tịch, thọ 47 tuổi.

Di ngôn và hành vi của Sư đã hiển rõ cái gọi là “Tùy xứ tát-bà-ha”, kết quả tất yếu của việc “Thảy đều không can hệ”.

Sau khi Sư tịch, Thái thượng hoàng ngự bút ban hiệu là Tịnh Trí Tôn Giả, đặt tên tháp là Viên Thông và cảm tác bài thơ sau: [9

Đã hết duyên trần thỏng tay đi

Giác Hoàng kim tuyến được truyền y

Thanh Sơn cỏ mọc che phần mộ

Cây biếc trong sương để xác ve

Đêm phủ giảng đường trăng kim cổ

Ngày ngày trượng thất khói mờ che

Thân mến biết bao ôi luyến tiếc

Nhớ công giáo hóa lệ đầy mi   


 

 


 

[1] HT Thích Thanh Từ chú. 

[2] Đóng góp của Pháp Loa đối với Phật giáo Việt Nam, Nguyễn Minh Tường, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam. 

[3] Thiền sư Việt Nam, Thiền sư Pháp Loa (1284-1330), bài Khuyên chúng thượng thừa tam học, HT Thanh Từ biên soạn.

[4] Kinh Đại bát Niết-bàn quyển I, phẩm Hiện bệnh, HT Thích Trí Tịnh dịch.

[5] Kinh Lăng-già tâm ấn, phần Chỉ Như Lai tàng đệ nhất nghĩa lìa ngôn thuyết vọng tưởng, Đại sư Hàm Thị trực giải, HT Thanh Từ dịch và chú.

[6] Kinh Đại bửu tích, phẩm Pháp hội trưởng giả Hiền Hộ thứ 39, HT Thích Trí Tịnh dịch.

[7] 世間如虛華。一切法如幻。世間恆如夢。此卽眾生日用。頓見如來不思議境界。非智之所能有無也。Kinh Lăng già tâm ấn, Đại sư Hàm Thị trực giải.   

[8] Tự điển Phật học Huệ Quang. HT Thích Minh Cảnh chủ biên.

[9] Tài liệu ở bài viết này đều được lấy ra từ cuốn Thiền sư Việt Nam, do HT Thích Thanh Từ biên soạn.