Thiền

ÔNG MẬP MANG BAO VẢI

Viết cho Nguyệt San Giác Ngộ số 322 (PL2567) tháng 1. 2023

18/01/2023

Ai đi trong các Phố Tàu ở Mỹ đều thấy hình tượng một ông mập mang một bao vải. Thương nhân Trung Hoa gọi ông là Ông-Tàu-vui-tính hay Ông-Phật-cười [1].

Ông sống vào thời nhà Đường. Việc của ông là đi dọc đường phố với một bao vải lớn, trong đó chứa đầy các món như kẹo, trái cây, bánh ngọt. Đây là quà ông cho các em thường chơi với ông. Ông tạo ra một vườn trẻ trên hè phố.

Lúc nào gặp một thiền nhân ông cũng xòe tay và nói: “Cho tôi một xu”.

Một lần, ông đang sửa soạn việc-làm-chơi của mình thì một thiền khách đi ngang và hỏi:
- Thưa ông, ý nghĩa của thiền [2] là gì?

Ông im lặng vất bao vải xuống đất.

Thiền khách lại hỏi:
- Vậy hiện thực của thiền [3] là gì?

Ông lập tức xách bao, mang lên vai và đi tiếp.

Người ta vẫn nói ông là hóa thân của Bồ-tát Di-lặc. Cũng nói ông tương lai sẽ là Phật Di-lặc.

Nói sao cũng được. 

Đó cũng chính là Bồ-tát Di-Lặc trong mỗi chúng sinh. Được thể hiện thành từ tâm trong mỗi người. Khi từ tâm của ta hiện tiền, Phật Di-lặc đang có mặt.

Yếu chỉ của thiền

Ý nghĩa hay yếu chỉ của thiền, thiền này là Tổ sư thiền, chẳng thể dùng ngôn từ mà thấu được. Trong hành trạng của các thiền sư, nó thường được nhắc đến với câu "Ý Tổ sư từ Tây sang" hay "Đại ý Phật pháp". Vì ngôn từ không thấu được nên không thể dùng ngôn từ mà diễn giải hay trả lời. Nó đòi hỏi một sự trực nhận. Ngay đó liền nhận. Không nhận được thì thôi. Xem đối đáp của các thiền sư thì rõ.

Một tăng đến tham vấn Triệu Châu.

Tăng hỏi:
- Thế nào là “Ý Tổ sư từ Tây sang?

Triệu Châu bước xuống thiền sàng.

Tăng hỏi:
- Còn gì nữa không?

Triệu Châu trả lời:
- Ta còn chưa nói mà [4].
 
Trong một ngữ cảnh khác.

Thiền sư Long Nha Cư Tuần lúc còn ở nơi thiền sư Lâm Tế tham học.

Một hôm Sư xin thiền sư Lâm Tế chỉ dạy:
- Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang?

Lâm Tế bảo:
- Đem hương bản đến đây cho ta!

Khi Long Nha đem hương bản đến, Lâm Tế cầm hương bản đánh Long Nha. Long Nha nói:
- Thầy đánh con không dính dáng gì cả, nhưng thầy phải nói cho con biết thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang?

Lâm Tế trả lời:
- Vừa rồi, chẳng lẽ hương bản không nói với ông sao?

Sau này, khi Long Nha đến chỗ thiền sư Thúy Vi tham học, lại xin chỉ dạy: 

Thúy Vi nói:
- Đem bồ đoàn đến đây cho ta!

Long Nha đem bồ đoàn trao cho Thúy Vi. Thúy Vi thuận tay dùng bồ đoàn đánh lên mình Long Nha.
Long Nha nói:
- Chớ vội đánh con! Thầy chưa nói với con thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang. 

Thúy Vi nói:
- Vừa rồi chẳng lẽ bồ đoàn không nói với ông sao?

Long Nha phải trải qua mấy năm tham cứu, cuối cùng mới hiểu rõ ý Tổ sư từ Tây sang nơi hương bản và bồ đoàn.

Một hôm, tại thiền đường có vị học tăng hỏi Long Nha:
- Hòa thượng lúc hành cước, từng tham học với hai vị Đại đức Lâm Tế và Thúy Vi, đối với các ngài, Hòa thượng có ấn tượng thế nào?

Long Nha trả lời:
- Ấn tượng rất tốt, dù không nói với ta thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang.

- Vì sao hai lão ấy không nói cho thầy?

Long Nha vui vẻ đáp:
- Nhờ hương bản và bồ đoàn mà có tin tức.

Với thiền sư Lâm Tế, khi ông đến Đại Ngu.

Đại Ngu hỏi:
- Ở chỗ nào đến?

Sư thưa:
- Ở Hoàng Bá đến.

Đại Ngu hỏi tiếp:
- Hoàng Bá có dạy lời gì?

Lâm Tế trả lời:
- Con ba phen hỏi đại ý Phật pháp, ba lần bị đánh. Chẳng biết con có lỗi hay không lỗi?

Đại Ngu nói:
- Bà già Hoàng Bá đã vì ngươi chỉ chỗ tột cùng, lại đến trong ấy hỏi có lỗi không lỗi?

Ngay câu nói ấy, Sư đại ngộ.

"Ý Tổ sư từ Tây sang" hay "Đại ý Phật pháp" dùng để chỉ cho cội nguồn từ đó xuất hiện các pháp. Đó là chỗ ngôn từ luận lý không đến được, nên không thể dùng lời nói để diễn giải. Những gì có ngôn từ đều thuộc cửa phương tiện. Khi Phật đưa cành sen lên, không có ngôn từ lý giải, mọi người đều ngơ ngác. Chỉ Ca-diếp là trực nhận và mỉm cười. Tương tợ, khi được hỏi về yếu chỉ của thiền, Ông-Phật-cười cũng không có câu trả lời. Lời giải đáp, chỉ là hành vi lấy bao tải ra khỏi vai và đặt xuống. Như hương bản và bồ đoàn, nếu không thể ngay đó trực nhận thì không bao giờ có câu trả lời chính xác cho vấn đề đó. 

Tuy vậy...

Ở cửa phương tiện, chúng ta có thể nhìn  thấy ý nghĩa thực hành, thấy được con đường giúp ta nhận ra ý nghĩa đích thực của thiền. Bao vải được đặt xuống khỏi lưng. Nó khiến ta liên tưởng đến chữ “Buông”, một từ khá quen thuộc trong nhà thiền.

Buông, cũng có nghĩa là dừng lại. Đừng tiếp tục gánh cái bao nặng nề đó trên vai. Nhưng bao vải đó là gì? Là sự nghiệp, tiền bạc, con cái hay cha mẹ và gia đình? Không, đó chỉ là những hiện tượng bên ngoài, biểu hiện phần nào cho sự ràng buộc nặng nề bên trong. Thứ mà nhà thiền muốn bạn đặt xuống chính là nghiệp tập trong chính mỗi người. Nói dễ hiểu hơn, đó chính là phần sở tri và phiền não đang chất đầy trong mỗi chúng sinh. Biểu hiện qua các thứ như phân biệt, tham, sân v.v. từ thô đến tế, từ phân biệt đến câu sinh. 

Nghiệp tập, chính là Tập đế nói trong Tứ diệu đế. Chính vì cái “Tập” đó mà chúng ta có và vướng vào những thứ dây mơ rễ má kia. Từ đó gây tội tạo nghiệp không ít. Rồi cứ thế mà biến và huân, huân và biến [5] mà thành gánh nặng ở trần gian.

Chúng ta xa lìa gia đình, tiền bạc v.v. để vào thiền viện tu hành, không phải là đã đặt được gánh nặng của mình xuống. Đó chỉ là bước đầu giúp mình có điều kiện đặt gánh nặng xuống mà thôi. Những thứ tham lam, sân hận, ngã mạn v.v. nếu không chịu từ bỏ thì gánh nặng vẫn y đó. Dù áo đã thay, đầu đã cạo, gánh nặng vẫn còn nguyên khối như ban đầu. Nhưng thường, vào thiền viện rồi, chịu được giới luật và thời khóa nghiêm khắc của thiền viện thì cũng có nghĩa là ta đã đầy lùi được ít nhiều phần tập nghiệp của mình. Gánh nặng đã được đặt xuống ít nhiều. 

Chúng ta thay đổi một hoàn cảnh, vì lực dứt bỏ của mình trong hiện tại không đủ. Nếu đủ thì cứ y tâm mà tu, chẳng cần loanh quanh tới lui cho đời thêm nhọc. Như thiền sư Trúc Lâm nói với Trần Thái Tông "Trong núi vốn không có Phật. Phật ở tại tâm. Tâm lặng mà biết gọi là chân Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài" [6]. Nhưng vì không đủ lực nên chúng ta cần những duyên tốt hơn để dễ dàng với việc từ bỏ các nghiệp tập của mình. Vì thế mà cần một chốn thanh tịnh. Cần những duyên phụ trợ từ một tập thể thanh tịnh. Cần sự chỉ dạy trực tiếp của Thầy Tổ. Cần một thời khóa nhất định. Không phải rời bỏ cuộc sống ngoài đời là đã xong tất cả. Chỉ mới là bước đầu cho một hành trình rất dài. Một khi tập nghiệp của mình hết lực thì tâm ở vị trí tâm, cảnh ở vị trí cảnh. Cảnh không hề làm nhiễu loạn tâm nên không cần tránh cảnh. Chỉ vì tập khí còn nhiều mà cảnh trở thành nhiễu tâm. Đó là lý do phải mượn duyên bên ngoài hỗ trợ để tiêu trừ các tập nghiệp bên trong.

Đã có lúc tôi nhìn thấy vài người hiểu chữ “buông” này theo cách khá hời hợt. Thay vì đặt gánh nặng bên trong xuống, họ chỉ đặt gánh nặng bên ngoài xuống. Họ thấy mình không còn dính mắc với gia đình hay con cái nữa. Họ thấy thật khỏe khoắn khi mọi thời gian của họ trở thành của chính họ, không phải để tu tập thiền định hay dành thời gian cho câu niệm Phật, mà là chúi mũi vào tivi, điện thoại v.v. còn lại thì đi chu du ở các chùa và làm việc phước thiện, rồi cho đó là thiền. Mọi gánh nặng đều được đặt hết lên vai của người phụ nữ trong gia đình. Mẹ hay vợ. Con cái trở nên bê tha vì thiếu bàn tay của một người cha. Nếu thiền dạy con người trở thành những kẻ vô trách nhiệm như thế thì Phật Tổ có cần nhiều lời dạy bảo và khuyên nhắc không? Hành giả tu thiền có cần phải ngồi thiền, xem kinh, đọc luận và mất nhiều nỗ lực của bản thân cho việc tu hành thế không? Chắc không cần nhiều như thế.

Cái đáng nói, là dưới con mắt của những vị này, những người có trách nhiệm với gia đình và xã hội được coi là những kẻ đang dính mắc. Cái nhìn như thế góp phần hủy tiếp một phần công đức vốn đã rất ít của họ. 

Muốn nhận được yếu chỉ của thiền, chúng ta phải buông cho được đống tập nghiệp trong mình. Nói nôm na là buông cho được các thói quen đời. Điển hình là dòng vọng tưởng. Đó là loại tập nghiệp chi phối mọi hành vi của con người. Phật gọi là ý nghiệp. Lên voi, xuống chó, lưu lạc trong sáu đường cũng chính từ đó mà ra. Nó là loại tập cần buông nhất. Buông làm sao để cái lực của nó không còn, để có thể thấu được thực tướng của dòng vọng tưởng. Đó mới là gánh nặng cần đặt xuống nếu muốn nhận ra yếu chỉ của thiền.

Một khi dòng vọng tưởng này còn tương tục, chưa hiển rõ được bản chất là vọng của nó, một niệm xấu xuất hiện, ta liền theo niệm ấy hành xử, nói chung là ta chưa thể làm chủ được dòng vọng tưởng của mình, thì tất cả mọi việc làm đều không ra ngoài dính mắc. Vì thế khi chưa từng hàng phục được dòng vọng tưởng mà bạn nghĩ bạn đang tự tại là một sai lầm khá lớn. Schopenhauer, một triết gia người Đức thuộc thế kỷ 19, đã có thể viết một câu khá hay: “Bề ngoài, con người hình như có cái gì ở trước mắt thúc đẩy họ đi tới, kỳ thực họ bị thúc tới từ đằng sau ... Họ bị thúc dục bởi những gì họ cảm thấy, bởi những bản năng mà về sự vận hành của chúng, họ không hoàn toàn ý thức được” [7]. Sự thúc dục hay cái gọi là bản năng đó, chính là lực nghiệp. Chúng ta đang bị dẫn dắt bởi nghiệp của chính mình nhưng không hề ý thức được điều đó. Vì thế nói đến hai chữ tự tại là điều không thể có một khi chúng ta chưa hàng phục được dòng nghiệp lực của mình. Chúng ta không dính mắc vào cái này thì dính mắc vào cái khác. Chúng ta thấy tự do, thực sự chỉ là hình thức trá hình của một loại nghiệp tập khác mà thôi. 

Cho nên

Với cái nhìn của tôi, tăng hay tục không quan trọng. Quan trọng là có hàng phục được dòng vọng tưởng không? Có chí hướng để hàng phục dòng vọng tưởng không? Và dù là thứ mà người ta cho là dính mắc vào Phật sự hay trách nhiệm đối với gia đình, vẫn hơn là dính mắc vào những thứ mang tính qui ngã thong thả vui chơi, chỉ để giải quyết những "bận rộn" của loại tâm thức vọng động đang hiện diện nơi mỗi người. 

Hoạt dụng của thiền

Khi được hỏi yếu chỉ của thiền là gì, Ông-Phật-cười đã im lặng và đặt bao vải xuống. Nhưng khi được hỏi về hiện thực của thiền, tức hoạt dụng của thiền trong đời sống thường nhật là gì, Ông-Phật-cười lại vác bao vải lên. Bao vải đó giờ trở thành phương tiện với người đã thấu được yếu chỉ của thiền. Thỏng tay vào chợ…


Rồi cũng không có gì thay đổi. Vẫn ăn, vẫn uống, vẫn làm việc, vẫn gánh vác. Có lẽ còn phải gánh vác nhiều hơn gấp bội người thường. Còn phải làm cái việc mà người đời ít ai làm được. “Chịu thay thế mọi khổ nạn cho chúng sinh lấy đó làm pháp cúng dường” [8]. Bởi “trí tuệ là căn bản của thiền và từ bi là kết quả” [9]. Nhưng việc gánh vác bây giờ không còn như việc gánh vác trước đây. Mọi thứ đã được thanh lọc. Vì thế gánh vác mà không gánh vác. Gánh vác mà không vướng mắc, không vì đó mà tạo nghiệp. Chỉ là phương tiện để mình và người cùng hướng về đạo vô thượng. Tùy duyên tiêu nghiệp cũ. Hồn nhiên mặc áo xiêm [10]. Thiền sư Sessan nói: “Nơi an trụ cuối cùng của thiền, tức mạch sống của Phật giáo, là thiền trong hoạt động, không lạc ra ngoài sinh hoạt tự nhiên của đời sống bình thường hằng ngày. Như vậy, dù không để ý đến ngày và đêm, chúng ta đều sống trong Phật pháp và áp dụng Phật pháp. Nếu vậy thì cần gì phải giác ngộ và tu tập? Nhưng không phải thế, vì nước đã đun sôi sau đó để nguội, chắc chắc phải khác nước thường, mặc dù cả hai đều nguội. Phải có sự khác biệt giữa một phàm phu và một hành giả đã trải qua công phu tu tập dài lâu” [11].  

Lời chúc nguyện

Trong pháp giới này
Mỗi người một nghiệp.
Hoá thân của chư Phật và Bồ-tát cũng không ít. Ngay cả như Đề-bà-đạt-đa vẫn là hoá thân của một đại Bồ-tát. Chỉ vì pháp giới này hình thành theo duyên, Bồ-tát và ma vương tùy duyên mà hiện tướng, nên khó mà nhận định được mọi việc chính xác nếu tâm chưa không, cái không mà kinh Bát-nhã đã nói. Vì thế nhìn ra là để quay vào. Lo các niệm tưởng trong chính mình. Lo cho tròn bổn phận và trách nhiệm trong vòng nghiệp lực của mình. 

Sang năm mới, chỉ mong tất cả đều được an vui. Tâm từ, bi, hỉ, xả ngày một rộng mở để cuộc đời càng được bình yên. 



 


 



[1]
Lấy từ bản tiếng Anh ‘Happy Chinaman’, trang web Đọt chuối non.

[2] Significance of zen.

[3] Actualization of zen.

[4] Triệu Châu ngữ lục.

[5] Kinh Lăng-già tâm ấn ghi ‘Bất tư nghì huân và bất tư nghì biến là nhân của hiện thức’.

[6] Thiền sư Việt Nam, HT Thích Thanh Từ biên soạn.

[7] Câu chuyện triết học. Will Durant. Trí Hải và Bửu Đích dịch.

[8] Kinh Hoa Nghiêm.

[9] Bạch Ẩn Thiền Định Ca – Thiền sư Amakuki Sessan – Hạnh Huệ và Thuần Bạch dịch.

[10] Lời của thiền sư Lâm Tế.

[11] Bạch Ẩn Thiền Định Ca – Thiền sư Amakuki Sessan – Hạnh Huệ và Thuần Bạch dịch.