13 phẩm Trung luận
13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (3)
Phẩm PHÁ LỤC TÌNH
04/04/2017PHÁ LỤC TÌNH
Lục tình là 6 tình. Chúng thuộc 6 căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, chúng bị thức tình chi phối, nên nói 6 tình. Như tai nghe nhạc, nếu nhạc là nhạc, không can hệ gì đến mình thì lúc ấy không có thức tình. Nhưng nếu nghe nhạc mà lòng xúc động, thân nhún nhảy, hoặc bực mình khó chịu … lúc đó thức tình đã xuất hiện. Nói chung, khi căn tiếp xúc với trần mà để cho ý thức phân biệt làm chủ thì gọi là 6 tình. Nên mởđầu, Luận chủ nói:
Mắt, tai và mũi, lưỡi
Thân, ý ... là sáu tình
Mắt, tai ... sáu tình này
Theo sắc, thanh ... sáu trần (1)
MẮT TAI … LÀ SÁU TÌNH, là muốn nói 6 tình thuộc 6 căn.
THEO SẮC, THANH v.v… là tâm duyên với SÁU TRẦN.
THEO, là để cho trần cảnh chi phối lòng mình. Thấy sắc không thể rời, nghe tiếng thấy bực, nếm vị thấy ham thích v.v… là đang để cho tâm mình chạy THEO trần cảnh. Vì là 6 tình nên nó theo 6 trần.
Nguyên nhân phá 6 tình
Người đời do chấp vào 6 tình này mà khổ não và nối dài sự lưu chuyển trong lục đạo. Trong kinh Lăng Nghiêm, mười phương chư Phật đồng nói với ngài A-nan “Lành thay, này A-nan! Ông muốn biết đầu gút câu sanh vô minh khiến ông luân chuyển trong sanh tử? Chính là từ 6 căn của ông chứ không phải vật gì khác. Ông muốn biết tánh vô thượng bồđề khiến ông mau chứng an lạc giải thoát tịch tịnh diệu thường? Cũng chính là từ 6 căn của ông chứ không gì khác”. Như vậy, nói phá 6 tình chính là phá phần THỨC TÌNH nảy sinh khi CĂN tiếp xúc với TRẦN, không phải là phá CĂN. Khi CĂN tiếp xúc với TRẦN mà không chạy theo TRẦN thì THỨC TÌNH không có. Nói cách khác, khi CĂN tiếp xúc với TRẦN mà không nảy sinh THỨC TÌNH thì không cần phá.
CÁCH PHÁ
Phá 6 tình, nhưng lấy MẮT làm điển hình.
Trong cái duyên là TÂM THỨC CON NGƯỜI ở thế giới này, là thế giới không gì không bị nhân duyên chi phối, muốn thấy được, phải có ít nhất 3 duyên hội tụ. Đó là 3 thứCĂN, TRẦN và THỨC. Kể rộng thì còn Alaida, Matna, ý thức, khoảng cách thấy được v.v… có đến 10 thứ không phải chỉ có 3. Không đủ những duyên đó, cái thấy không thành lập. Đây là nói trong cái duyên là tâm thức chúng sanh ở thế giới này, không nói trong các duyên khác.
Ngoại trừ SÁT NA ĐẦU, ý thức cùng duyên và cảm nhận sắc trần như chính nhãn thức (tức thấy chỉ là thấy, không để niệm phân biệt, suy nghĩ hay cảm giác nào chi phối), còn lại đều bị ý thức làm chủ nên nói THỨC TÌNH. Duyên hợp thì không tánh. Song nếu ta chấp vào cái thấy thức tình này, tức cho cái thấy này có tánh, thì cái thấy này không còn là duyên hợp giữa căn - trần - thức nữa, mà 3 thứ này tồn tại độc lập. Đây là tính chất của pháp có tự tánh. Như vậy, con mắt tự nó có khả năng thấy? Luận chủ sẽ biện để ta thấy con mắt tự nó không có khả năng thấy. Ngoài con mắt có một cái thấy tự nó có tánh thấy? Luận chủ cũng biện để thấy, không hề tồn tại một cái thấy có tự tánh của riêng nó. Cái phá này sẽ dẫn đến không có người thấy cũng không có đối tượng bị thấy. Không có người thấy, không có đối tượng bị thấy thì thức tình nương đâu mà có? Vậy là phá xong phần thức tình. Các căn còn lại cũng phá như vậy.
1. Phá con mắt tự thấy
Mắt ấy ắt không thể
Tự thấy sắc của nó
Nếu không thể tự thấy
Làm sao thấy vật khác (2)
Đầu tiên Luận chủ nêu cho thấy MẮT tự nó không có khả năng thấy. Đơn giản vì, nếu nó tự thấy được, nó phải thấy nó trước rồi mới thấy các vật khác. Vì nó cũng là một sắc trần mà là sắc trần gần gũi nhất.
Luận cứ này không được ngoại nhân chấp nhận : Không cần phải tự thấy mới có thể thấy cái khác. Như lửa, có thểđốt cháy cái khác mà không hềđốt cháy bản thân nó. Lời phản bác hoàn toàn hợp lý. Nên nhớ, trong lý luận chỉ cần nêu được một chứng cứ không tuân theo qui cách mà đối phương đã đưa ra thì xem như đã bác bỏđược toàn bộ lập luận của đối phương. Phần phản bác này không có trong bài, ta chỉ hiểu ngầm qua cách trả lời ở phân đoạn sau.
Dụ lửa thì không thể
Chứng thành cho mắt thấy
Đi, chưa đi, đang đi
Đã tổng đáp việc này (3)
Luận chủ không chấp nhận việc ngoại nhân lấy lửa cháy dụ cho mắt thấy vì nguyên do sau :
LỬA, bản thân nó muốn có đã phải nhờ vào các thứ khác như nhiên liệu, chất gây cháy v.v… Gọi là ĐỐT CHÁY cũng nhờ vào nhiều duyên mới có. Như nói “lửa đốt cháy rừng” thì phải có rừng mới có cháy, không rừng thì không cháy. Tương tự như ĐANG ĐI, phải nhờ vào SỰ KIỆN ĐI mới có ĐANG ĐI. Nghĩa là, LỬA CHÁY chỉ là một pháp duyên hợp. Đây, đang phá con mắt tự thấy. Ta không thể lấy một cái KHÔNG TỰ dụ cho một cái TỰ. Thành nếu lấy lửa cháy dụ cho mắt thấy thì mắt cũng chỉ là pháp duyên hợp.
Luận cứ biện cho con mắt có thể tự thấy bị bác bỏ, nên việc con mắt có khả năng tự thấy không được thành lập. Như vậy, ngoài con mắt có một cái thấy riêng? Cái thấy này tự nó có tánh của riêng nó? Điều này được nói rõ ở phân đoạn sau.
2. Phá cái thấy có tự tánh
Thấy nếu khi chưa thấy
Thì không gọi là thấy
Mà nói thấy tự thấy
Điều ấy là không đúng (4)
Cái thấy thuộc thức tình thì luôn phải có đối tượng mới gọi là thấy. Chính vì có đối tượng mới sinh thức tình. Tức, cái thấy thức tình này phải luôn nhờ vào một cái khác mới có mặt, tức nó không tự có. Không đáp ứng được một trong 3 điều kiện của tự tánh, thì cái thấy thức tình không phải là một pháp có tự tánh.
THẤY TỰ THẤY, chỉ cho trạng thái thường hằng, tức có đối tượng hay không, vẫn có cái thấy thức tình. Như thấy SẮC rồi trong lòng xao xuyến. Nếu không có đối tượng, lòng vẫn xao xuyến thì rơi vào cái thấy TỰ THẤY nói đây, tức cho cái thấy thức tình là thường hằng, có tự tánh. Nhưng thật ra, dù không có trước mắt, SẮC vẫn hiện diện trong dạng tiềm ẩn, như tưởng hoặc nhớ mà có, kinh gọi là PHÁP TRẦN, nên tâm mới động. Lúc này, pháp trần chính là duyên khiến thức tình sinh khởi. Cho nên, khi không có duyên, cái thấy tình thức không tồn tại. Không tồn tại ngoài duyên thì biết nó không có tự tánh để nói THẤY TỰ THẤY.
3. Phá người thấy và đối tượng bị thấy
Thấy không thể có thấy
Không thấy cũng không thấy
Nếu đã phá cái thấy
Thì phá luôn người thấy (5)
Lìa thấy chẳng lìa thấy
Người thấy không thểđược
Vì không có người thấy
Sao có thấy bị thấy (6)
CÓ THẤY là diễn tả việc cái thấy có tự tánh. Do cái thấy không có tự tánh – đã biện ở trên – nên nói “Thấy không thể có thấy”. Còn trường hợp KHÔNG THẤY thì đương nhiên không có thấy.
Trong cả hai trường hợp CÓ và KHÔNG đều không tìm được cái thấy, nên cái thấy không có.
Có cái thấy mới gọi là người thấy. Vì vậy khi đã phá cái thấy tức phá luôn người thấy. Người thấy đã không thì đối tượng bị thấy cũng không.
4. Phá phần thức tình
Thấy và bị thấy không
Thức … là bốn pháp không
Bốn thủ … và các duyên
Làm sao lại có được (7)
THỨC … LÀ BỐN PHÁP, chỉ cho thức, xúc, thọ và ái. THỨC là chỉ cho nhãn thức, nhĩ thức … cho đến ý thức. XÚC là sự hòa hợp giữa căn, trần và thức. THỌ là chỉ cho sự lãnh nạp của thân tâm đối với trần cảnh, là những cảm thọ. ÁI là chỉ cho sựưa thích và không ưa thích. Như MẮT thấy SẮC, lúc đó có NHÃN THỨC. Sự gặp gỡ của 3 thứđó gọi là XÚC. Chỉ nhìn thôi thì không có gì để nói. Song do bị chi phối bởi quan niệm định kiến được huân tập từ trước, mà từ cái XÚC ấy nảy sinh vô vàn cảm THỌ như vui, buồn … rồi từđó sinh thương ghét, thích hay không thích. Những thứ như thương, ghét đó gọi chung là ÁI.
BỐN THỦ là dục thủ, ngã ngữ thủ, kiến thủ, giới cấm thủ. DỤC THỦ là chỉ cho lòng tham chấp. NGÃ NGỮ THỦ là sự tham chấp liên quan đến ngôn từ lời nói. KIẾN THỦ là ôm giữ những quan niệm không đúng như cho ‘Chết là hết, không có kiếp trước kiếp sau’. GIỚI CẤM THỦ là chấp chặt vào những giới luật phi lý, cho đó là nhân của sự giải thoát. Như giới lấy việc vùi người trong cát nóng mà cho có thể rửa sạch mọi tội lỗi v.v…
Những thứ trên đi chung với nhau biểu hiện cho phần thức tình. Trên đã hiển bày người thấy và đối tượng bị thấy đều không, tức CĂN và TRẦN đều không, thì lấy ai để có các thứ như xúc, thọ, ái? Vậy là phá xong phần thức tình.
Kết luận : Ta quen sống với thức tình và coi nó như những thứ không thể thiếu của mình. Song những thứ như cảm giác, suy nghĩ, quan niệm chỉ do huân tập mà có, không có chất thực. Tuy không có chất thực nhưng nếu để nó làm chủ thì khổđau lưu chuyển y như thực. Để tránh cái khổđau ấy, có khi mình gây nghiệp tạo tội không ít. Trong bài, Luận chủ biện cho thấy, thức tình là thứ không tánh, không tánh thì không có gì bền vững, không có gì là không thay đổi được. Chỉ cần GIÁC BIẾT khi nó khởi lên, và không để nó tiếp tục trong tâm, tức không tạo điều kiện cho nó huân tập thêm vào tạng thức, thì mọi thứ sẽ hết. Đó là lúc ta sống được với TỰ TÂM HIỆN LƯỢNG của chính mình. Sống được với tự tâm hiện lượng thì vật thế nào mình thấy đúng thếấy, không thêm cũng không bớt, không thương cũng không ghét. Như thiền sư thấy cây gậy là cây gậy. Thấy cây gậy là cây gậy, tức thấy chỉ là thấy, không phân tích nó thành không, cũng không niệm thầm nó là cây gậy. Duy thức học gọi loại cảnh y như chính nó này là HỮU CHẤT TÁNH CẢNH. Gọi là HỮU CHẤT vì còn có cảnh cây gậy cho mình thấy. Một loại tánh cảnh nữa là VÔ CHẤT TÁNH CẢNH, là chỉ cho cảnh giới chân như. Nói là cảnh giới nhưng không có cảnh giới để thấy, nên gọi là vô chất.
Các tin khác
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (04/04)
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (1) (04/04)
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (2) (04/04)
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (4) (04/04)
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (5) (04/04)
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (6) (04/04)
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (7) (04/04)
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (8) (04/04)
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (9) (03/04)
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (10) (03/04)