13 phẩm Trung luận
13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (2)
Phẩm PHÁ ĐI & ĐẾN
04/04/2017PHÁ ĐI VÀ ĐẾN
Giải thích đề tựa
1. PHÁ vì có chấp. ĐI và ĐẾN dùng biểu trưng cho sự vận hành dịch chuyển của vạn pháp. Chính vì thấy có sự vận hành dịch chuyển này, mà ta cho pháp là CÓ. Nó là một trong các duyên góp phần củng cố quan niệm vạn pháp thực có và làm tăng sự tham đắm của ta đối với pháp. Vì vậy nên phá.
2. Phá để hiển bày thực tướng của ĐI và ĐẾN.
LUẬN GIẢI TOÀN PHẨM
Đã đi không có đi
Chưa đi không có đi
Lìa đã đi chưa đi
Đang đi cũng không đi (1)
Mở đầu, Luận chủ khẳng định : Đã đi, đang đi, chưa đi đều không có đi. Nói khẳng định, là dùng KHÔNG để phá CÓ. Vì cho là CÓ mới lấy KHÔNG để phá, hiển bày thực tướng vượt CÓ và KHÔNG, không phải chúng thật KHÔNG. Nếu chúng thật KHÔNG thì ta không thể thấy vạn pháp vận hành dịch chuyển như hiện nay.
ĐÃ ĐI, ĐANG ĐI, CHƯA ĐI biểu trưng cho SỰ KIỆN ĐI xảy ra trong 3 thời : Quá khứ, hiện tại và vị lai.
“Ngoài đã đi, chưa đi. Đang đi cũng không đi” là hiển bày mặt nhân duyên của ĐANG ĐI. Nếu ngay đây nhận được mặt Duyên khởi giữa 3 thời của SỰ KIỆN ĐI – tức ĐI không có thực tánh - thì hiểu được lời phủđịnh trên. Song vì không nhận được, nên có sự phản bác:
Chỗ động ắt có đi
Trong ấy có đang đi
Không đã đi chưa đi
Nhưng đang đi có đi (2)
Đây là thắc mắc chung của hầu hết chúng ta khi nghe sự khẳng định ấy : ĐÃ ĐI và CHƯA ĐI nói không, có thể chấp nhận. Nhưng ĐANG ĐI chính là việc trước mắt, là cái ‘đang là’ thì không thể không. “Chỗđộng ắt có đi, trong ấy có đang đi” là bằng chứng người hỏi đưa ra để phá lập luận của Luận chủ. Đây là sự phản bác hoàn toàn hợp lý với cái nhìn hiện nay. Cần nhớ, sự phản bác chỉ có giá trịđối với hành động đang xảy ra.
Những phân đoạn sau, là lập luận của Luận chủ biện giải cho điều mình đã khẳng định ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Làm sao nơi đang đi
Mà có sự kiện đi
Nếu lìa sự kiện đi
Đang đi không thểđược (3)
Nếu nói đang đi đi
Người ấy ắt có sai
Lìa đi có đang đi
Đang đi đi một mình (4)
Không vướng trên từ ngữ mà hiểu được ý nghĩa của các khái niệm, thì phần lý luận sẽ giảm bớt mà vấn đề cũng trở nên dễ dàng.
SỰ KIỆN ĐI cùng nghĩa với pháp đi, cái đi, việc đi, hành động đi … Chúng là những khái niệm dùng để chỉ cho một sự kiện, một sự việc hay một hành động. Khi hành động này gắn liền với các từĐÃ, CHƯA hay ĐANG thì ta hình dung được thời gian mà sự kiện ấy xảy ra. Như vậy, ý nghĩa của khái niệm ĐANG ĐI có khác với SỰ KIỆN ĐI. ĐANG ĐI không phải là SỰ KIỆN ĐI nhưng không lìa SỰ KIỆN ĐI mà có. Nghĩa là, ĐANG ĐI không thể xuất hiện nếu thiếu SỰ KIỆN ĐI nhưng ĐANG ĐI và SỰ KIỆN ĐI không phải một. Một thuộc không gian, một bao gồm cả không và thời gian. Đây là chỗ cần lưu ý. Lưu ý kỹ chỗ này mới hiểu được phần lý luận sau.
ĐANG ĐI CÓ ĐI hay “Đang đi có sự kiện đi” hay “Đang đi đi” thì ý của chúng cũng đều khẳng định hành động đang diễn ra đó là CÓ. Tức cho ĐANG ĐI thực sự hiện hữu. Đây là cái nhìn của hầu hết chúng ta.
Song, nếu CÓ thì phải có tự tánh. Có tự tánh thì khi thấy một ĐANG ĐI xảy ra, trong ấy ĐANG ĐI và SỰ KIỆN ĐI phải là 2 phần tửđộc lập với nhau. Vì pháp có tự tánh thì pháp ấy phải tự có, duy nhất và thường trụ. Tức nó luôn tồn tại độc lập với pháp khác. Đó là lý do vì sao Luận chủ nói “Làm sao nói đang đi, mà có sự kiện đi? Nếu lìa sự kiện đi, đang đi không thểđược”. Nghĩa là, làm sao nói chúng có tự tánh khi mà ĐANG ĐI và SỰ KIỆN ĐI không thể tồn tại tách lìa nhau?
Khi ĐANG ĐI và SỰ KIỆN ĐI không thể tồn tại thiếu nhau mà nói “Đang đi có đi” thì người nói đó lầm. Lầm, vì nếu cho sự kiện đang xảy ra đó là CÓ, thì cũng có nghĩa là cho ĐANG ĐI và SỰ KIỆN ĐI cùng xuất hiện nhưng pháp này lại độc lập với pháp kia. Độc lập thì ĐANG ĐI không cần đến SỰ KIỆN ĐI mà vẫn tồn tại, tức “Đang đi đi một mình”. Đó là ý nghĩa của (P.4).
Khi cho SỰ KIỆN ĐI đang xảy ra trong hiện tại là CÓ, thì sẽđưa đến lỗi sau :
Nếu đang đi có đi
Thì có hai thứđi
Một là cái đang đi
Hai là đi đang đi (5)
Nếu có hai sựđi
Thì có hai người đi
Vì lìa người đi ra
Sự đi không thểđược (6)
Nếu ĐANG ĐI có đi, thì SỰ KIỆN ĐI và ĐANG ĐI tồn tại độc lập, nên nói có 2 cái đi. Có 2 cái đi thì phải có 2 người đi. Bởi không có chủ thể thì không có hành động. Đây là hệ quả nhận được khi cho pháp không tánh thành pháp có tánh. Đáng nhẽ cái đi chỉ của 1 người, giờđến 2 người mà chỉ có một cái đi.
2. Phá người đi
Nếu lìa khỏi người đi
Cái đi không thểđược
Vì không sự kiện đi
Làm sao có người đi (7)
Đây hiển bày NGƯỜI ĐI và SỰ KIỆN ĐI (hành động đi) không thể tách lìa nhau mà tồn tại. Không có chủ thể thì không có hành động mà không có SỰ KIỆN ĐI thì cũng không có NGƯỜI ĐI. Chánh văn đã hiển rõ ý nghĩa của nó. Đây có thể dùng phương pháp phản chứng để chứng minh : Nếu không có SỰ KIỆN ĐI mà vẫn có NGƯỜI ĐI : Như người ngồi, chỉ có SỰ KIỆN NGỒI không có SỰ KIỆN ĐI, mà vẫn gọi là NGƯỜI ĐI thì không thểđược. Vì vậy, muốn có NGƯỜI ĐI thì phải có SỰ KIỆN ĐI đi kèm, NGƯỜI NGỒI thì có SỰ KIỆN NGỒI đi kèm. SỰ KIỆN không thể tách biệt khỏi CHỦ THỂ HÀNH ĐỘNG.
Người đi thì không đi
Người không đi không đi
Lìa người đi, không đi
Không người đi thứ ba (8)
Trong cả 2 trường hợp NGƯỜI ĐI hay NGƯỜI KHÔNG ĐI đều không CÓ ĐI.
NGƯỜI CÓ ĐI còn không đi, huống NGƯỜI KHÔNG ĐI.
“Không người đi, không đi …” là, ngoài 2 trường hợp trên, không còn trường hợp nào nữa để nói CÓ ĐI.
Nếu nói người đi đi
Làm sao có nghĩa này
Nếu lìa sự kiện đi
Người đi không thể có (9)
NGƯỜI ĐI ĐI đồng nghĩa với NGƯỜI ĐI CÓ ĐI. Là chỉ cho NGƯỜI ĐI có thực thể như ĐANG ĐI CÓ ĐI ở trên. Làm sao nói vậy khi NGƯỜI ĐI và SỰ KIỆN ĐI không thể tồn tại tách biệt nhau mà luôn có quan hệ mật thiết? Có cái này mới có cái kia. Có cái kia mới có cái này. Có cùng có, không cùng không.
Nếu người đi có đi
Thì có hai sựđi
Một là người đi đi
Hai là cái đi đi (10)
NGƯỜI ĐI ĐI là chỉ cho NGƯỜI ĐI có thực thể. CÁI ĐI ĐI là chỉ cho CÁI ĐI có thực thể. Nếu cho NGƯỜI ĐI có thực thể thì NGƯỜI ĐI và SỰ KIỆN ĐI phải là 2 phần tửđộc lập, nên nói có 2 sựđi.
Nếu nói người đi đi
Người ấy ắt có sai
Lìa đi có người đi
Nói người đi có đi (11)
Ai cho NGƯỜI ĐI có thực thể, tức cho có người đi là không đúng. Không đúng, vì cho như vậy tức cho NGƯỜI ĐI độc lập với SỰ KIỆN ĐI, không cần đến sự kiện đi mà người đi vẫn tồn tại. Điều này không thể.
Khi nào không cần SỰ KIỆN ĐI mà vẫn có NGƯỜI ĐI, tức NGƯỜI ĐI tự có, không nhờ pháp khác mới hiện hình, thì hãy nói NGƯỜI ĐI CÓ ĐI.
3. Phá thời điểm khởi đầu
Đã đi không xuất phát
Chưa đi không xuất phát
Đang đi không xuất phát
Xuất phát vào lúc nào? (12)
Một hành động muốn CÓ thì phải tìm thấy chỗ khởi đầu của nó. Xuất phát là chỉ cho cái khởi đầu đó. Luận chủ khẳng định trong 3 thời đều không tìm thấy sự khởi đầu.
Chưa phát không đang đi
Cũng không có đã đi
Cả hai nên xuất phát
Chưa đi sao xuất phát? (13)
Chưa có sự bắt đầu, thì không có ĐANG ĐI và ĐÃ ĐI. Tức nơi ĐÃ ĐI và ĐANG ĐI mới hy vọng tìm thấy sự khởi đầu. CHƯA ĐI, tức chưa có hành động, thì sự khởi đầu không có. Song, ngay cái ĐANG ĐI, điểm khởi đầu không còn hiện diện, nên không thể tìm. ĐANG ĐI còn không tìm được điểm khởi đầu, huống ĐÃ ĐI là hành động đã qua, sao có thể tìm được điểm khởi đầu?
Đây là mượn ngôn từ hí luận để hiển bày vạn sự vạn vật dịch chuyển ở thế gian không hề có điểm khởi thủy chính xác. Không bao giờ có thể tìm thấy thực sự một điểm khởi thủy cho sự dịch chuyển cũng như xuất hiện của vạn pháp ở thế gian. Mọi thứđều hạn cuộc trong duyên. Trong duyên thì giá trị của nó không mang tính trùm khắp, chỉ mang tính tương đối.
Không đã đi chưa đi
Cũng là không đang đi
Tất cả không xuất phát
Vì sao lại phân biệt? (14)
Cả 3 thời đều không tìm thấy điểm xuất phát, nên không có thời điểm khởi đầu.
4. Phá thời điểm chấm dứt
Người đi thì không đứng
Người không đi không đứng
Lìa người đi không đi
Người thứ ba nào đứng?(15)
Người đi nếu là đứng
Làm sao có nghĩa này
Nếu lìa sự kiện đi
Người đi không thể có (16)
Nếu một hành động thực sự tồn tại thì phải tìm thấy chỗ chấm dứt của nó. Đây dùng khái niệm ĐỨNG LẠI để diễn tả sự kiện này. Như vậy, từĐỨNG LẠI chỉ xảy ra với NGƯỜI ĐI. Nhưng NGƯỜI ĐI - tức hành động đi đang tiếp diễn - thì không có việc đứng lại. (P.16) giải thích : NGƯỜI ĐI thì không thểđứng lại. Vì nếu không có SỰ KIỆN ĐI thì không có NGƯỜI ĐI. Muốn có ĐỨNG LẠI thì phải là sự kiện đứng lại. Nhưng đi kèm với SỰ KIỆN ĐỨNG LẠI thì đó là NGƯỜI ĐỨNG LẠI không phải là NGƯỜI ĐI. Không phải NGƯỜI ĐI thì không có việc đứng lại.
Đã, chưa đi không đứng
Đang đi cũng không đứng
Mọi biến hành đình chỉ
Đều đồng với nghĩa đi (17)
Trong cả 3 thời đều không tìm thấy chỗ chấm dứt của hành động, nên không có sự chấm dứt. Mọi biến hành đình chỉ khác ở thế gian đều như thế.
Với cái nhìn của người xưa, những lý giải ở các (P.3) và (P.4) tuy trên ngôn từ không thể phản bác, nhưng so với thực tế thì kết luận của nó khó có thể chấp nhận. Vì rõ ràng, bất cứ một hành động nào xảy ra, ta đều thấy có sự khởi đầu và chấm dứt. Nhưng thực ra, không bao giờ có thể xác định chính xác thời điểm khởi đầu cũng như chấm dứt này. Ngày nay, với sự tiến triển của khoa học hiện đại, điều này đã được xác minh.
Đối với một hành động mà sự hiện khởi, thời điểm khởi đầu, thời điểm chấm dứt lẫn chủ thể của hành động đó, đều không thể tìm thấy chính xác thì không thể cho tiến trình ấy là CÓ.
5. Phá thuyết Kết hợp
Đây là cái phá cuối cùng. Qua cách phá ta hiểu chỗ chấp của người thời ấy : Các pháp đều có tự tánh mà vẫn có thể hòa hợp để tạo thành một pháp mới nhờ thuyết Kết hợp. Như NGƯỜI ĐI và SỰ KIỆN ĐI là hai thực thể, chúng vẫn có thể kết hợp với nhau thành NGƯỜI ĐI. Vì vậy, NGƯỜI ĐI cũng là pháp có tự tánh. Tức cho các sự thểđang vận hành đây đều là thực có. Luận chủ sẽ chứng minh để ta thấy không có việc ấy.
Hỏi : Phá thuyết Kết hợp cũng chỉ là phá NGƯỜI ĐI. Trên đã phá sao giờ còn lập lại?
Đáp : Khi nhìn một người ĐANG ĐI, người đời cho rằng có một thực thểđang hoạt động. Qua phần phá trên, Luận chủ cho thấy cái “thực thể” ấy chỉ là một pháp nhân duyên. NGƯỜI ĐI nhơn nơi SỰ KIỆN ĐI mà có nên SỰ KIỆN ĐI là nhân, NGƯỜI ĐI là quả. Ngược lại, SỰ KIỆN ĐI nhơn nơi NGƯỜI ĐI mà hiện hữu nên NGƯỜI ĐI là nhân, SỰ KIỆN ĐI là quả. Như vậy, NGƯỜI ĐI và SỰ KIỆN ĐI là pháp duyên khởi. Duyên khởi thì không tánh. Vì vậy, người đi không thể là một thực thể.
Đến đây vấn đề kết hợp mới xuất hiện. Người hỏi không thểphản bác lập luận trên, nhưng để cứu vãn tình thế, đã đưa ra thuyết Kết hợp, hầu giải quyết vấn đề thực tánh của mình. Nghĩa là, người hỏi dùng pháp kết hợp thay cho pháp duyên sanh để biện cho vấn đề có tánh của pháp.
Hỏi : Tại sao không kết hợp giữa NGƯỜI và SỰ KIỆN ĐI để thành NGƯỜI ĐI, mà lại kết hợp NGƯỜI ĐI với SỰ KIỆN ĐI?
Đáp : Theo thuyết Kết hợp, muốn kết hợp 2 pháp lại với nhau thì 2 pháp ấy phải có rồi mới nói đến chuyện kết hợp. SỰ KIỆN ĐI chỉ có khi có NGƯỜI ĐI. Vì vậy, chỉ có thể kết hợp giữa NGƯỜI ĐI với SỰ KIỆN ĐI mà không thể kết hợp giữa NGƯỜI và SỰ KIỆN ĐI. Đây là chỗ tinh tế của vấn đề. Chính vì cái lắc léo này mà Luận chủ nêu bày chúng là MỘT hay là KHÁC khi nói chúng kết hợp? Trong cả 2 trường hợp đều không thểđược. Các phân đoạn sau, Luận chủ luận để thấy cái không thểđược này.
Pháp đi là người đi
Việc ấy là không đúng
Pháp đi khác người đi
Việc ấy cũng không đúng (18)
Nếu nói sự kiện đi
Cũng chính là người đi
Tác giảvà tác nghiệp
Việc ấy ắt là một (19)
Nếu nói sự kiện đi
Có khác với người đi
Lìa người đi có đi
Lìa đi có người đi (20)
Tác giả là chỉ cho NGƯỜI ĐI, tác nghiệp là chỉ cho HÀNH ĐỘNG ĐI. 2 thứ này không thểlà MỘT. Nếu KHÁC, thì NGƯỜI ĐI và SỰ KIỆN ĐI phải tách nhau được. Không có cái này, cái kia vẫn hiện diện một mình. Trên thực tế, không có cái này, cái kia cũng không. Vì thế, chúng không thể khác.
Sau là tổng kết.
Đi người đi là hai
Nếu một, khác được thành
Hai món đều không thành
Làm sao lại có thành? (21)
Nếu người đi và sự kiện đi tồn tại được trong dạng hoặc MỘT hoặc KHÁC thì thuyết kết hợp mới có giá trị. Song luận ra thì MỘT và KHÁC đều không thểđược. Không được, làm sao thuyết Kết hợp có giá trị? LÀM SAO THÀNH là chỉ cho cái giá trịấy.
6. Hiển bày thực tướng của người đi
Nhơn đi biết người đi
Không thể dùng đi khác
Trước không có pháp đi
Nên không người đi đi (22)
NHƠN ĐI BIẾT NGƯỜI ĐI là chỉ cho NGƯỜI ĐI và SỰ KIỆN ĐI hình thành theo quan hệ nhân duyên. Theo quan hệ này thì chúng không tánh.
KHÔNG THỂ DÙNG ĐI KHÁC là, hình thành theo quan hệ nhân duyên thì nhân và quả không lìa nhau, chúng không phải là các thực thể.
Vì không tự tánh nên không thể tồn tại độc lập để cái này có thể xuất hiện trước cái kia. Vì thế, TRƯỚC KHÔNG CÓ PHÁP ĐI là chỉ cho việc NGƯỜI ĐI và SỰ KIỆN ĐI không phải là pháp có tánh.
NÊN KHÔNG NGƯỜI ĐI ĐI là muốn nhấn mạnh NGƯỜI ĐI không có tánh.
Nhơn đi biết người đi
Chẳng thể dùng đi khác
Vì trong một người đi
Không có hai sự đi (23)
Là pháp nhân duyên nên chúng không phải là các thực thể. Vì vậy, NGƯỜI ĐI và SỰ KIỆN ĐI không phải là 2 pháp tách biệt. Nên nói “Vì trong một người đi, không có hai sựđi”.
Tổng kết
Người đi quyết định có
Không dùng ba sựđi
Người đi quyết định không
Không dùng ba sự đi (24)
Sự đi định không định
Người đi chẳng dùng ba
Nên sự đi người đi
Chỗ đi đến đều không (25)
Quyết định có, quyết định không là chỉ cho pháp thực có hay thực không.
3 SỰĐI là chỉ SỰ KIỆN ĐI xảy ra trong 3 thời quá khứ, hiện tại và vị lai.
Khi cho NGƯỜI ĐI thực không thì không có 3 SỰĐI.
Khi cho NGƯỜI ĐI thực có, tức có tự tánh thì NGƯỜI ĐI không cần đến SỰ KIỆN ĐI vẫn tồn tại, nên nói không dùng 3 SỰĐI.
SỰĐI ĐỊNH, KHÔNG ĐỊNH” tức SỰĐI quyết định có, quyết định không. Khi SỰ KIỆN ĐI là một thực thể thì SỰ KIỆN ĐI và NGƯỜI ĐI tồn tại độc lập với nhau, nên nói NGƯỜI ĐI CHẲNG DÙNG BA.
Trên thực tế, không có SỰ KIỆN ĐI thì không có NGƯỜI ĐI, không có NGƯỜI ĐI thì không có SỰ KIỆN ĐI. Chúng hình thành theo quan hệ nhân duyên nên tánh chúng là không. NGƯỜI ĐI đã không thì chỗđi và đến cũng không. Vì thế nói “Nên sựđi người đi, chỗ đi đến đều không”.
Các tin khác
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (04/04)
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (1) (04/04)
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (3) (04/04)
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (4) (04/04)
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (5) (04/04)
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (6) (04/04)
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (7) (04/04)
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (8) (04/04)
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (9) (03/04)
-
» 13 PHẨM TRUNG QUÁN LUẬN (10) (03/04)