HT cha mẹ trong kinh Duy-ma

HÌNH TƯỢNG CHA MẸ QUA KINH DUY MA CẬT (2)

BỊ MẮNG HẾT NGHIỆP

04/04/2017

BỊ MẮNG HẾT NGHIỆP

Một ai đó đã nói với tôi “Thiên hạ mắng mình, mình hết nghiệp”. Tôi thấy câu đó có gì không ổn. Vì sao mắng mình mà mình hết nghiệp? Vậy mà vừa rồi đây, tôi lại được chứng nghiệm về điều ấy. Ừ, nhờ một câu mắng thật nặng, tôi được giải thoát. Đương nhiên chỉ trong một sự đó thôi, còn những nghiệp khác thì chưa biết.

Có những mối quan hệ bắt nguồn từ những nhân duyên quá khứ rất lạ lùng. Nó cứ bắt mình phải nghĩ ngợi về một nhân vật mà đáng nhẽ mình không nên nghĩ ngợi. Cũng chẳng có gì đáng cho mình phải nghĩ ngợi. Thế mà ... nó lại cứ nghĩ ngợi. Mình có thể bỏ qua mọi nỗi buồn của người khác, nhưng lại không thể bình yên với nỗi buồn của người này. Mình có thể không quan tâm đến lời nói của người khác, nhưng với người này, lời nói nào cũng khiến mình lo toan. Mình làm một thứ gì đó chỉ vì nghĩ rằng để người ấy vui v.v... Đại khái là như thế. Cái dây nhân duyên quái gỡ đó, nó biểu trưng cho một loại nghiệp phiền não mà mình phải đối mặt trong kiếp này.

Thế mà ân đức thay, chính nhân vật đó đã mắng mình. Có lẽ đó là những lời khiến hắn hả dạ nhất. Thật đau xót! Nhưng cùng lúc đó, chính ngay cái lúc sự đau xót trào ra, cái cảm giác trôi tuồn tuột cũng trào theo. Mọi thứ trôi tuồn tuột. Từ giây phút ấy, không còn lo âu nghĩ ngợi gì nữa. Mọi vướng bận qua đi. Trời đã trong trở lại.

Phiền não tức bồ đề! Ngay nơi phiền não, có bồ đề. Chỉ vì mình quen với phiền não nhiều đời, mình cứ chạy theo được, mất, hơn, thua bên ngoài, nên không nhận thấy mặt “bồ đề” lồng trong đó. Mình chỉ thấy người ta thế này hay thế kia, chỉ thấy thiên hạ kỳ cục, xảo trá, bất nhân, mà không thấy những thứ ấy giúp mình gỡ đi dây ái không tốt đã ràng buộc mình với người trong bao đời.  

Bạch đức Thế Tôn! Con đã chiêm nghiệm được cái gọi là "Người ta mắng mình, mình hết nghiệp" . Nghiệp hết, ngay lúc đó là giải thoát.

Một lần nữa, con lại chiêm nghiệm được “Hạnh phúc không phải là được yêu thương, được thuận lòng mọi thứ mà là không vướng mắc vào bất cứ thứ gì”. Không vướng mắc thì thuận và nghịch không hai. Thuận hay nghịch không dính gì đến mình. Mong thuận bỏ nghịch, ngán nghịch thích thuận là tại mình còn dính mắc vào thuận. Còn dính mắc vào thứ gì là còn đau khổ ở thứ đó.     

Wa! Mắng, đúng là hết nghiệp, nhưng phải có điều kiện đi kèm:

1/ Phải có một sự hiểu biết tương đối nào đó để nhận hiểu vấn đề theo hướng tích cực, trong đó nhân quả là thứ mình cần lưu tâm. Đó là qui luật đang chi phối thế giới này. Phật dạy không có nhân, không bao giờ có quả. Đã có quả nhất định phải có nhân. Nhân ấy ở trong chính mình. Khi mình gặp những việc như thế thì cần coi lại mình đã từng làm với ai thế chưa. Nếu có thì cần thành tâm sám hối và trừ bỏ. Nếu không thì gắng bình tâm cho qua, đồng thời làm các việc phước thiện. Được như thế thì mọi việc mới xong.

2/ Phải có chút công phu quán tâm : Cố gắng tỉnh giác với những niệm khởi trong tâm như Phật đã dạy : Tâm sân biết tâm đang sân, tâm tham biết tâm đang tham. Tương tự, tâm đang dính mắc biết tâm đang dính mắc, tâm buồn biết tâm đang buồn v.v...

Có vậy, thì khi thiên hạ mắng mình, mình mới hết nghiệp. Còn với một tâm thức phàm tình đầy dẫy tham dục và vọng tưởng thì việc mắng chửi không những không hết nghiệp mà còn tăng thêm nghiệp. Nghiệp sân sẽ xuất hiện, sự uất hận sẽ nhen nhúm, sự trả thù sẽ bộc phát khi có cơ hội ... Và như thế, đó chỉ là đầu mối khiến ta tạo thêm nghiệp.

Dù nhẫn được mà không dùng trí tuệ để buông cho dứt - Dùng trí tuệ là ứng dụng sự hiểu biết về nhân quả (như đã nói ở phần 1) v.v… để đả thông tư tưởng của mình - thì nghiệp có hết, cũng chỉ mới ngoài da. Bởi mọi thứ xảy ra trong hiện tại, nhờ nhẫn lực tuy bị vùi sâu, nhưng nó lại được lưu lại trong tiềm thức, đủ duyên, lại tiếp tục vận hành vào những kiếp sau. Cho nên, bình thường hãy nên quán sát tâm mình như Phật đã dạy và dùng trí tuệ chiếu soi để “một buông là tất cả buông”. Buông được như thế thì khi thiên hạ mắng mình, mình mới hết nghiệp, không thì phiền não thêm lớn chứ không thể hết.