HT cha mẹ trong kinh Duy-ma

HÌNH TƯỢNG CHA MẸ QUA KINH DUY MA CẬT (1)

BÀI PHÁP SƯ ÔNG BAN CHO

04/04/2017

BÀI PHÁP SƯ ÔNG BAN CHO

Khánh tuế Sư ông là ngày 24/7, nhưng chúng tôi lên trước một ngày để mong gặp được Sư ông.

Mưa lất phất …

Sư ông cười, hỏi mưa mà cũng lên thăm Sư ông sao. Dạ tụi con chỉ mong gặp được Sư ông. Đảnh lễ Sư ông rồi, Sư ông hỏi “Muốn hỏi gì?”. Không thấy ai hỏi gì, Sư ông cho bài pháp:

Các việc ác nên tránh
Các việc thiện nên làm
Giữ tâm ý thanh tịnh
Đó là lời Phật dạy

Bài pháp ban ra, nhóm bốn người chúng tôi thảy đều có phần.

Người có công phu thiền định thì câu “Giữ tâm ý thanh tịnh” chính là yếu chỉ tu hành. Tâm nếu thanh tịnh, thiện nghiệp đương nhiên phải làm, ác nghiệp nhất định phải tránh.

Người chưa có công phu thiền định thì việc ác không nên làm, thiện nghiệp cần phát huy : Cha mẹ, có bổn phận trách nhiệm của cha mẹ. Con cái, có trách nhiệm và bổn phận của con cái. Hoàn thành được bổn phận và trách nhiệm đó là việc thiện gần nhất mà ta nên làm.

Kế, là đối với thân bằng, quyến thuộc, bà con hàng xóm … Thứ gì hại người hại vật, dù chỉ là lời nói cũng không nên làm. Thứ gì lợi người, lợi mình thì cố gắng làm. Khó nhất, là nhẫn được với những điều không thuận lòng. Nhẫn được thì công đức vô lượng. Đó là gieo phước báu cho tương lai, cũng là tạo niềm vui cho mình và người trong hiện tại. Một ngày xả tâm vì người, tâm hồn thanh thản, giấc ngủ bình yên.

Thiện nghiệp còn là thứ giúp cho các ác nghiệp trong quá khứ có thể chuyển nặng thành nhẹ, nhẹ thì biến mất. Cho nên, cố gắng phát huy thiện nghiệp trong đời sống của mình sao cho thành thói quen. Thiện nghiệp một khi đã thành thói quen thì nó có LỰC bảo vệ mình không tạo các ác nghiệp.

Là phật tử, lại là phật tử thuộc Thiền tông, thì ngoài trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình và xã hội, ta còn có trách nhiệm và bổn phận đối với Tam bảo và với bản thân mình.

Đến với Tam bảo, bước đầu ai cũng phải qui y và giữ gìn 5 giới. Giữ 5 giới là việc tất yếu phải làm của một phật tử tại gia. Giới mà giữ được, ngoài việc gặt được phước báu trong hiện tại và tương lai, nó còn là cái nhân để việc tu tập thiền định được dễ dàng.

Nếu đủ cơ duyên, ta còn phải đến chùa nghe pháp và cố gắng hành thiền, người tu Tịnh độ thì niệm Phật. Chưa có điều kiện đến chùa, thì nghe băng giảng và đọc thêm kinh sách. Nghe pháp và hỏi pháp là việc tối cần thiết để việc hành thiền được đúng đắn, để chánh kiến được củng cố. Phải có chánh kiến mới có chánh ngữ, chánh mạng v.v…

Có được ít phần tu tập tương ưng rồi, ta còn có trách nhiệm lưu thông Phật pháp cho người có duyên với mình. Đừng nghĩ đó là nhiệm vụ của riêng Tăng Ni. Không, mỗi người đều có nhân duyên của riêng mình. Có thứ Tăng Ni nói không được mà Cư sĩ nói lại được. Đây không do trình độ cao thấp giỏi dỡ mà do hai chữ nhân duyên. Thuận duyên với nhau thì san sẻ với nhau dễ thành công. Duyên thuận khiến người dễ nghe mà nói không đúng pháp thì cùng nhau đọa đường dữ. Cho nên, cần củng cố định lực và trí tuệ của mình để có thể hoàn thành cái riêng cũng như cái chung được tốt đẹp. Đó là một trong các việc thiện mà ta cần ý thức và cố gắng thực hành. Có trí tuệ mới biết việc gì là thiện, việc gì là ác mà làm và tránh. Củng cố được một việc thiện đó thì mọi việc thiện khác dễ đầy đủ …

Người bạn đã thưa với Sư ông: “Cư sĩ được mời đi giảng thiền cho Tăng Ni tại một trường hạ có phạm vào luật nghi hay qui tắc nào của Phật giáo không?”.

Sư ông cười và trả lời: “Ai là người nắm được lý đó thì cứ mang ra giảng cho người khác cùng hiểu, không luận đó là Tăng Ni hay Cư sĩ. Như Cư sĩ Mai Thọ Truyền trước đây …”

Người bạn lại thưa: “Vậy, xin Sư ông cho con biết, một người như vậy cần phải hoàn chỉnh bản thân thế nào để việc giảng dạy được tốt hơn?”.

Sư ông trả lời: “Nếu có gia đình thì cần phải hoàn chỉnh gia đình cho tốt đẹp, như dạy bảo con cái cho ngoan, cho biết đạo v.v…”.

Sư ông không dạy phải xuất gia hay củng cố thiền định cho thâm sâu, mà dạy cần hoàn thiện bổn phận và trách nhiệm trong nhân duyên của một Cư sĩ có gia đình. Bởi ta nói nhiều mà con cái bê tha, sống không nhân quả, gia đình lộn xộn v.v… thì việc giảng nói của ta không có giá trị. Nói được mười thì cố gắng làm cho được năm. Đó là hình ảnh cần thiết để gây niềm tin với mọi người …

Sư ông không dạy củng cố thiền định, vì đó là việc mà một thiền sinh đương nhiên phải làm như việc ăn cơm uống nước hằng ngày. Bởi có thiền định trí tuệ, ta mới có thể dừng đi nghiệp tập của chính mình. Nghiệp tập có dừng thì trí tuệ mới sáng, kinh luận mới thông, việc cần làm mới làm được, việc không nên làm mới không làm, gặp thuận duyên mới không tham đắm sa ngã, gặp nghịch duyên mới không đau khổ nản lòng. Đó là điều kiện để “thế giới ta” bình yên, việc truyền pháp mới có tác dụng lâu dài. Tự lợi lợi tha mới được đầy đủ.

Không dạy xuất gia vì tu là ngay thân tâm, không phải do đầu áo hay chùa chiền. Nếu ngoài đời mà đủ thuận duyên để tu thì không cần phải vào chùa mới tu được. Thuận duyên, là có thể buông bỏ tiền tài danh vọng, cũng không bị công ăn việc làm, gia đình v.v… trói buộc khiến việc hành thiền bị trở ngại. Nếu đủ thuận duyên như thế thì không cần phải vào chùa mới tu được. Song không được duyên như thế thì thời khóa tu tập ở chùa chính là duyên giúp việc tu hành của mình có kết quả.

Vì tu là ở thân tâm, nên dù chưa đủ thuận duyên để việc hành thiền có kết quả mỹ mãn thì người tại gia vẫn có thể tùy lực tùy phần của mình mà tu.

Vì tu là ở thân tâm, nên cạo đầu, thay y, thọ giới rồi mà không chịu nhiếp tâm thiền định thì vẫn không có định tuệ. Cần phải giữ giới, thực hành công phu thiền định mới có định tuệ. Định tuệ được rồi, còn phải có “Định tuệ bình đẳng”. Không phải chỉ cạo đầu, thay áo, thọ giới là xong.    

Một bài pháp ban ra, mọi người đều có phần, không phải chỉ chúng tôi mà có lẽ tất cả phật tử tại gia, xuất gia v.v… đều có phần. Chỉ tùy nhân duyên của mỗi ngươi mà việc nhận hiểu có sai khác. Nhân đây, xin chia sẻ đến mọi người những gì chúng tôi đã nhận được qua lời dạy mà Sư ông đã ban cho.