Hương của người đã chết
TINH TÚY CỦA ĐẠO PHẬT
18/04/2017TINH TÚY CỦA ĐẠO PHẬT
Tôi nhận được 2 bài báo của CT từ tay một người bạn. Những dòng chữ chân tình không khỏi làm tôi nao lòng. Tôi gặp Sư Trí Hải chỉ hai lần. Một là vào năm tôi 12 tuổi. Đó là những tối làm lễ cầu siêu cho cha tôi trên nốc trường Vạn Hạnh gần cầu Trương Minh Giảng. Trong cái lạnh của sương đêm và hương trầm thoang thoảng, Sư là hiện thân của đức Quán Thế Âm : thanh thản, nhẹ nhàng, ánh mắt đầy thương yêu mà đau cái đau của nhân loại. Lần hai, chỉ còn là tấm ảnh giữa ba chiếc quan tài. Tôi đã khóc như chưa bao giờ được khóc. Khóc vì tức chứ không phải vì buồn. Một bậc Thầy tuyệt vời và đáng kính! Đi rồi, Sư vẫn còn để lại nơi thế gian đầy hoa lẫn hương.
Ni Sư dịch thuật rất nhiều, Ni Sư viết rất hay, nhưng không có thứ nào thể hiện được sự tinh túy của đạo Phật bằng chính con người Sư. Sự bình thản của Sư trong mọi hoàn cảnh chính là sự tinh túy của đạo Phật. Bình thản, dững dưng, thu hẹp ... nhưng không phải với mọi người mà với cái tôi của mình để tình thương được chan hòa trải rộng. Khi làm phó của một viện Phật học hay khi nằm dài trên giường bịnh và ngay khi Sư không còn nữa … cũng vậy thôi! Cuộc sống là cuộc sống. Sư vẫn là Sư của thuở nào. Sư khoẻ hay bịnh, Sư cười hay khóc, Sư vui hay buồn, Sư viết hay làm thơ … tất cả là để cuộc sống của mọi người được hạnh phúc. Tinh túy của đạo Phật chính là đó.
“Thầy đã dạy tôi tất cả những gì tinh túy nhất của đạo Phật”. Song cái tinh túy Thầy muốn trao cho em, không nằm trong những lời dạy của Thầy mà là chính trong mỗi người chúng ta. Thầy chỉ là người đưa đường dẫn lối. Bản thân ta phải tìm lấy cái tinh túy ấy trong chính mình như Thầy đã tìm thấy nó trong chính Thầy. Khi ta sống được với cái tinh túy của chính mình mới là lúc ta đạt được cái tinh túy của đạo Phật. Và vì cái “Tinh túy của đạo Phật” chỉ có trong chính mình, không nằm trên lời dạy, nên dù Thầy đã dạy cho em tất cả, dù em vẫn nhớ đến lời dạy năm xưa của Thầy “làm ơn thì chẳng mong trả ơn”, nhưng em vẫn “thấy đau một cách kỳ lạ, nỗi đau không phải ở đôi tay mà hình như đâu đó trong tâm khảm và trái tim mình”. Quả là phủ phàng và đau đớn khi lòng nhiệt tình của mình bị chà đạp. Nhưng CT biết không, nơi cái tâm đang đau đó, chính là chỗ để ta tìm lại cái tinh túy của chính mình, cũng là cái tinh túy của đạo Phật.
Sống được với cái tinh túy ấy, mình sẽ bình thản được với mọi hoàn cảnh. TẬP bình thản với mọi biến cố xảy ra trong đời, mình sẽ dần dần nhận ra được cái tinh túy của chính mình. TẬP như vậy, chính là em đang học, học và học mãi như em đã nói. Cái học này khó hơn cái học trong trường rất nhiều. Không bản lãnh, tự tin và không đủ lòng nhân từ, mình không học được. Không học được, mình chưa phải là người đủ bản lãnh, tự tin và lòng nhân từ. BỊ TỔN THƯƠNG chính là điều kiện để mình có dịp rèn luyện sự bình thản của mình. Đừng bao giờ sợ hãi những gì có nguy cơ làm mình bị tổn thương mà hãy đối diện với nó, hãy nhìn thẳng vào đó. Mọi nỗi đau sẽ qua đi như làn gió thoảng. Sự hồn nhiên, vô lo dần dần xuất hiện : Em đang trở về với con người thật của chính mình. Đầy tình thương và trí tuệ.
Ai cũng thích cái đẹp và cái thiện. Người sống thiện luôn được mọi người thương yêu giúp đỡ và kết quả của họ luôn tốt đẹp. Không có sự giúp đỡ của mình, vẫn có vòng tay của kẻ khác. Đó là tính tất yếu của luật Nhân Quả : Ở hiền thì gặp lành. Ngược lại, không ai thích cái xấu. Những người em đã gặp đó chắc chắn không ai muốn gần gũi. Người đụng cái là gây sự, la hét lại càng bị người đời lên án và xa lánh. Tôi là một trong số những hạng người bị lên án đó. Chuyện gì trái ý là tôi phùng mang trợn mắt gầm thét như một con hổ đói, và tìm cho được những lời nặng nhất để nhục mạ và làm tổn thương đối phương. Nhưng em biết không, con người chỉ là những sinh vật bị chi phối bởi chính thói quen của mình. Quen sống như vậy, quen nghĩ như vậy và để cho thói quen dẫn dắt mà không hề ý thức được điều đó. Tôi không hề muốn gầm thét hay đay nghiến, nhưng vì quen sân giận từ nhỏ nên đụng chuyện thì mọi thứ xấu xa lại xuất hiện. Thói quen có sức mạnh rất kỳ lạ. Nó lôi mình đi như một con thiêu thân. Để rồi, sau những cơn điên luôn là sự hối hận và buồn chán. Không biết tôi đã nhủ với mình bao lần rằng “Lần sau không như vậy nữa”. Nhưng đâu rồi cũng vào đấy. Lại tiếp tục với sự dày vò vì hối hận.
Không ai biết những dằn vặt đau khổ lẫn những cố gắng của tôi. Dưới mắt họ, tôi chỉ là một người nói dối và hay thất hứa. Kết cuộc là không ai muốn gần tôi. Tức chí, tôi càng sân hận và quá quắt. Nhưng trong những người xa lánh đó vẫn có người không xa lánh tôi. Tôi luôn nhận được tình thương và sự tha thứ ở người đó. Nhờ yên ả trong sự tha thứ, tôi bỏ lần được thói sân hận. Không có sự tha thứ đó, không bao giờ tôi có thể vượt thoát được chính mình để có được cuộc sống như hiện nay.
CT thấy những người như vậy đáng thương hay đáng trách? Có nên xa lánh không, hay cần tha thứ để một ngày nào đó họ có thể thoát được những thói xấu của mình. “Bằng cách thay đổi suy nghĩ, bạn có thể làm thay đổi cuộc đời của bạn”. Em rất thích câu nói này phải không? Giúp họ nhận ra và thay đổi những thói xấu là thay đổi cả cuộc đời khốn khổ của họ đó. Nếu em co mình để tránh bị tổn thương thì những người như tôi biết nương vào đâu khi lòng tham và sự vị kỷ đang ngự đầy ở thế giới này? Người ta chỉ biết nương vào tấm lòng và sự thông cảm của những người mang trong mình thứ lý tưởng như của Ni Sư hay em mà thôi. Dù đã quay lưng với em, khi có việc cô bé vẫn cầu viện đến em như một đấng cứu tinh, em không nhận thấy sao? Hãy yêu thương và tha thứ cho những si dại của người đời.
Đức Phật đã đặt tên cho thế giới này là Ta Bà. Ta Bà là Kham Nhẫn. Vì không có lòng kham nhẫn thì không sống được ở cõi giới này. Cõi giới này vốn là vậy. Bạc bẽo, vô tình, tham lam, chỉ biết nghĩ đến mình và sẵn sàng làm tổn thương người khác. Vì vậy, làm cho ai điều gì, chỉ cần mình chuẩn bị trước tinh thần bạc bẽo của họ thì không bao giờ mình bị tổn thương nữa. Có gì đâu! Cũng một lời nói đó, một hành động đó, với người bình thường mình thấy bị tổn thương, nhưng với một người điên, mình không thấy gì hết. Chẳng qua vì mình biết họ điên. Biết thế giới này như vậy thì có gì để buồn bã hay tổn thương nữa. Không còn thấy tổn thương thì mình sẽ thực hiện được lý tưởng của mình một cách trọn vẹn.
Người mang trong mình lý tưởng cao đẹp không bao giờ là người cô độc. Người đàn bà ra đi để lại một mái gia đình với 7 đứa con thơ. Người đàn ông ra đi để lại người vợ tật nguyền bịnh hoạn với hai đứa con nhỏ … Rất nhiều người như thế, chỉ vì mạng sống của những người không quen biết. Không ai ngờ, những hành động cao cả ấy lại được trả giá một cách quá đắt như vậy. Còn sự tổn thương nào hơn nữa? Nhưng vẫn hiện diện đâu đó những kẻ như vậy. Không phải em đang tiếp tục lý tưởng của mình với một cậu bé 13 tuổi sao? Bên mình luôn có những kẻ đồng hành trong im lặng.
Mà dù có cô độc chăng nữa, đứng được nơi ngưỡng cửa cô độc đó là lúc ta tìm thấy hạnh phúc thật sự cho chính mình. Đừng bao giờ không phải là hương hoa của Ni Sư.
Một lần ngang qua hội trường thiền viện Vạn Hạnh, tôi nghe giọng Sư vang ra “Kiếp sau tôi sẽ ra đời mặc lớp áo như quí vị”. Sư đã nói với mọi người như thế. Niết bàn của chư vị Bồ tát không ngoài cõi giới chúng sanh. Xoa dịu được nỗi thống khổ của muôn loài chính là niết bàn của chư vị. Sư ra đi là để trở lại với mọi người gần hơn nữa. Gần như mùi hương đang tỏa ngát quanh đây.
Các tin khác
-
» HƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ CHẾT (04/04)
-
» PHÚC ĐỨC (04/04)
-
» TỰ TỬ (04/04)
-
» ĐẠO GIÁO (04/04)
-
» SỐ TỬ VI (04/04)
-
» MẸ (04/04)
-
» SƯ HƯNG (04/04)
-
» NHÂN DUYÊN (04/04)
-
» PHẢN QUAN TỰ KỶ BỔN PHẬN SỰ (04/04)