Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký Q6

THIÊN CUNG DẠ MA BỒ TÁT THUYẾT KỆ - Phẩm 16

09/07/2017


HOA NGHIÊM KINH THÁM HUYỀN KÝ

Quyển 6

THIÊN CUNG DẠ-MA BỒ-TÁT THUYẾT KỆ

Phẩm 16
(Xem tại đây)

Sa môn Pháp Tạng thuyết

Chân Hiền Tâm Việt dịch

 

Cũng có 4 môn phân biệt như trên.

I. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM


Tự thể là diệu nhân, hạnh tập văn vẻ,[1] giáo ắt hiển rõ, nên nói Bồ-tát Thuyết Kệ.

Các nghĩa còn lại cùng với Dụng ý và Tông thú đều đồng với giải thích trước.        


II. DỤNG Ý

III. TÔNG THÚ

IV. GIẢI THÍCH VĂN KINH

Phân làm ba : 1/Tập chúng. 2/Phóng quang. 3/Thuyết kệ.

I. TẬP CHÚNG : Có hai : Trước, là tại quốc độ này. Sau là kết thông mười phương.

I/A TẠI QUỐC ĐỘ NÀY : Có hai. 1/Hiển từ chỗ nào đến. 2/Bồ-tát vân tập về.

A/1 Hiển từ chỗ nào đến : Đoạn “Lúc ấy, mười phương … tịnh tu phạm hạnh”. Có hai :

Nói đến phần lượng xa gần : Trước là trăm, đây là mười vạn, là hiển hạnh vị tăng dần. Các thứ còn lại đều đồng với trước.
Hiển tướng bản xứ tam thế gian : Thế giới đồng tên Tuệ, là dùng tuệ giải trước làm chỗ y tựa (sở y) của hạnh.
Phật đồng tên Nhãn, là biểu trưng ‘Hạnh tâm thấy pháp minh bạch’, cũng biểu trưng ‘Hành các độ dẫn đạo thế gian’. 

Bồ-tát đồng tên Lâm, là biểu trưng ‘Hành hạnh pháp giới thành đức pháp giới. Đức cao đồng cây, hạnh rộng xứng với rừng, Thập độ tụ kết, đều tu vạn hạnh, rậm rạp ngầm phát, pháp dụ tương tợ, nên gọi là lâm (rừng). Phần văn kinh còn lại có thể tự hiểu.

A/2 Bồ-tát vân tập về : Đoạn “Lúc ấy, nhờ thần lực … cũng như vậy

II. PHÓNG QUANG : Đoạn “Lúc ấy, Thế Tôn … mười phương”.

Ngón chân, là chỗ xuất quang. Chỉ có ngón chân là có hai lực đi (hành) và đứng (trụ). Trước nói Trụ, đây hiển Hạnh (hành), nên có khác. Các thứ còn lại đồng với giải thích trước. 

III. THUYẾT KỆ : Kệ của mười vị Bồ-tát là 10 đoạn. Đoạn đầu là tổng, nói về sự lý của hội này. 9 đoạn sau là biệt, hiển Phật đức nghĩa môn.

PHÂN ĐOẠN 1 :

Công Đức Lâm, là nêu người biệt thuyết. Vì là chủ của hội này nên nói đầu tiên.

Nương thần lực của Phật, là muốn hiển ‘Tán thán chỗ y tựa của thuyết’.

Quán khắp mười phương, có bốn ý :

1/ Địa Luận nói: «Hiển không có tâm ngã mạn, không có tâm thiên lệch».

2/ Hiển chỗ thuyết pháp trùm khắp mười phương.

3/ Mười phương đồng giáo hóa.

4/ Mười phương Dạ-ma đồng có thuyết này. Hợp hội đồng thời rồi mới thuyết.

11 bài kệ phân làm hai : 7 bài đầu tổng trình việc của hội này. 4 kệ sau tán thán công đức tự tại của Phật.       

Tổng trình việc của hội này : 7 bài kệ

Kệ (1) : Phẩm này, việc phóng quang là gần nên nói trước.

Kệ (2) (3) :  Tụng về các việc trong phẩm trước. Kệ (2) và ½ kệ (3) : Tụng thế giới này. ½ kệ (3) sau : Tụng mười phương thế giới còn lại.

Kệ (4) (5) (6) : Nói việc của phẩm này, cũng là tụng chung mười phương xứ.

Kệ (7) : Không lìa giác thọ mà đến Dạ-ma thiên.

Người trong văn kinh, là tất cả Diêm-phù-đề. Đạo tràng, là dưới cây bồ-đề.   

Tán thán công đức tự tại của Phật :

Kệ (8) : Tán thán Phật đức thì sâu, dụng thì rộng. Nửa bài kệ đã nói.

Kệ (9) (10) : Giải thích dụng rộng : Kệ (8) : Ứng với thế mà lìa thế. Nửa bài kệ đã nói. Kệ (9) : Một nhiều vô ngại. ½ kệ trên là nêu, ½ kệ dưới là giải thích. Đây là hiển một thân Lô-xá-na, tất cả ở dưới thọ vương mà hiện là đó.

Kệ (11) : Giải thích Phật đức sâu : ½ kệ trên là nêu, ½ kệ dưới là giải thích.


PHÂN ĐOẠN 2
:

Ngộ được lợi ích của nhân quả, nên gọi là Tuệ Lâm.

10 bài kệ phân làm hai :

1/ Tiêu đề: Kệ (1). ½ kệ trên nêu Phật đức khó gặp, để biết gặp thì đáng mừng. ½ kệ dưới nêu chúng khó gặp, muốn hiển gặp thì đáng vui. Đại nhân lìa cấu, là Bồ-tát.

2/ Giải thích: Kệ (2) đến (10).   

Kệ (2) : Giải thích do đâu chúng Bồ-tát khó gặp. ½ kệ trên hiển ‘Trí minh của mình’. ½ kệ dưới nói ‘lợi vật thù thắng’.

Kệ (3) đến (10) : Giải thích do đâu Phật đức khó uy bức. Trong đó, từ kệ (3) đến (8) : Chánh hiển Phật đức. Kệ (9) (10) : Ứng vào giải nêu sự so sánh.

Kệ (3) : Phật là đèn phá tối.

Kệ (4) : Lục độ viên chiếu

Kệ (5) : Thắng đức vượt khỏi tình thức.

Kệ (6) : Lợi ích của tịch dụng sinh.

Kệ (7) : Lợi ích có được từ thấy nghe.

Kệ (8) : Nhân sâu quả dày

Sau là nói về lợi ích của sự hiểu biết (tri giải).

Kệ (9) : Y vào việc cúng dường Phật, so sánh để hiển lợi ích của sự hiểu biết.

Kệ (10) : Y vào việc bố thí rộng, so sánh để hiển sự tổn hại của mê muội.     


PHÂN ĐOẠN 3
:

Do ngộ được pháp thù thắng, nên gọi là Thắng Lâm.

10 bài kệ phân làm hai : 

1/ Tán thán Phật quang sâu rộng : Kệ (1) (2) (3) (4)

Kệ (1) (2) : Nêu ví dụ. Câu (1), là dụ lúc Phật thành Phật. Câu (2), là dụ cấu chướng của Phật tâm hết. Câu (3), là dụ thân Phật phóng tịnh quang. Mặt trời, dụ cho Phật thân. Câu (4), là dụ cho quang minh chiếu khắp. Câu (5), là dụ quang minh nhiều và rộng. Câu (6), là dụ không biết bến bờ. Câu (7), là dụ trí còn chẳng biết. Câu (8), là dụ hà huống ngu si v.v…     

Kệ (2) : Vọng thủ làm ngăn chướng Phật tướng.

Kệ (3) (4) : Pháp thuyết. Kệ (3) : Hiển quang minh rộng lớn. Kệ (4) : Hiển quang minh thâm sâu. Vì đồng với pháp tánh.  

2/ Soi lý thấy Phật : 6 bài kệ sau.

Kệ (5) (6) (7) : Ly tướng.

Kệ (5) : Lìa tướng ba đời. Kệ (6) : Lìa tướng sinh diệt. ½ kệ sau, là nói lợi ích của việc quán. Các bài kệ sau đều y theo đây. Kệ (7): Lìa tướng sở hữu.

Kệ (8) : Ly tánh. Vì từ duyên hư giả, nên không tự tánh. Không tánh nên không chỗ hiểu.

Kệ (9) (10) : Giải thích nghi, hiển vô sinh.

Nghi ‘Nếu duyên khởi không tánh, do đâu có sinh? Giải thích : Do sở sinh. Sở sinh chính là vọng tưởng. Vì vọng tưởng y duyên mà khởi nên gọi là sở sinh. Do vọng tưởng chấp này nên nói có sinh, mà thật là không sinh. Đây là ứng vào tánh Sở chấp.

Cũng có thể giải thích : Sở sinh là quả. Do đối đãi với quả này mà gọi là nhân năng sinh quả. Đã nương vào tha thì không có nhân sinh cũng không đợi, nên chẳng sinh. Đây là ứng vào tánh Duyên khởi.

Cũng có thể giải thích : Nói có sinh là để rõ nghĩa Như Lai tạng tùy duyên. Do sở sinh, là vì năng huân huân. Cho nên tùy duyên. Năng huân đã hư vọng, sở huân bất động, nên cũng không sinh. Vì năng huân đó cũng là sở sinh của tâm, nên gọi là sở sinh. Đây là ứng vào tánh Viên thành.

Kệ (9) : Do chờ sở sinh mà không năng sinh.

Kệ (10) : Theo năng sinh bỏ sở sinh, nên nói “Tất cả các sở sinh, chánh quán cũng như thế”.[2]                   


PHÂN ĐOẠN 4
:

Do tin ưa thâm lý chẳng sợ đường ác, nên gọi là Vô Úy Lâm.

10 bài kệ phân làm năm.

1/ Lợi ích của việc tin nghe pháp Phật thuyết : Kệ (1) (2).

Kệ (1) : Nói về sở nghe (Pháp được nghe). Xứ này, là Hoa tạng xứ, là xứ Phật thuyết pháp. Câu (1) (2), là hiển sự rộng lớn. Câu (3), nói về tùy duyên. Câu (4), hiển sự bất biến.   

Kệ (2) : Lợi ích của việc tin nghe pháp này.    

2/ Lợi ích của việc nghe Phật pháp ở các phương khác : Kệ (3) (4)

Kệ (3) : Nói về sở nghe. ½ kệ  đầu, là hiển xứ nghe rộng. Câu (3), nói sở nghe thâm sâu. Câu (4), là nghe chẳng quên. Kệ (4) : Hiển lợi ích. ½ kệ đầu, lặp lại sở nghe trước. Câu (3), là dụng cầu Phật. Câu (4), cầu thì nhất định được, nên nói rốt ráo.   

3/ Lợi ích của việc tin nghe Phật pháp quá khứ : Kệ (5) (6). ½ kệ đầu của mỗi bài đều nêu sở tin (pháp được tin nhận). ½ kệ sau, nói về lợi ích của lòng tin.

4/ Lợi ích của việc tin nghe Phật pháp hiện tại : Kệ (7) (8).

Kệ (7) : Câu (1), là năng tin. Câu (2) (3), là sở tin (Phật). Câu (4), là pháp sở tin.

Kệ (8) : Hiển lợi ích. Vì được nghe pháp là khó.

Cũng có thể giải thích :

Kệ (7) : Câu (1) (2) : Tin Phật hiện tại. Câu (3) (4) : Lợi ích của tin. Vì do niềm tin đó mà thành Đẳng chánh giác.

5/ Tổng kết tất cả Phật pháp, khuyên tu học : Kệ (9) (10)

Kệ (9) : Khuyên thọ trì và thuyết pháp. Câu (1), lặp lại pháp trên. Câu (2), khuyên thọ trì. Câu (3) khuyên thuyết pháp. Câu (4), tán thán người được khuyên thù thắng.

Kệ (10) : Khuyên thọ trì và tu hành. ½ kệ đầu là khuyên hành trì. Do khuyên tu hành mà thành hai nghiêm. Câu (3), là khuyên trì, so với trước có khác : Trước, là do trì nên hay thuyết. Đây, do trì nên năng hành. Câu (4), nói về lợi ích của việc tu hành, là được bồ-đề.    

PHÂN ĐOẠN 5 :

Vì lìa dần phân biệt nên gọi là Tàm Quí Lâm.  

10 bài kệ phân làm hai.

1/ Tán thán riêng Phật pháp : 9 kệ đầu.

2/ Song kết hai kệ trước : Kệ (10).

Kệ (1) : Tán thán pháp Phật đã thuyết. ½ kệ đầu là tán thán pháp thù thắng. ½ kệ sau, là nói lợi ích của lòng tin.

Kệ (2) đến (9) : Tán thán trí năng chứng của Phật. Có hai :

Kệ (2) : Chứng pháp trệt để. ½ kệ đầu, là tất cả Phật thuyết pháp tự chứng. Câu (3), tuệ chứng của một Phật không gì là không tận. Cho nên khó nghĩ lường.       

Kệ (3) đến (9) : Không chứng là chứng.

Kệ (3) : Nêu chương. ½ kệ đầu là không chứng. ½ kệ sau là chứng

½ kệ đầu có năm :

1/ Ứng vào trí mà giải thích : Là chánh chứng trí vô phân biệt, không từ trí phân biệt thế gian sinh, cũng không từ ngu si và sắc pháp sinh . Nhiếp Luận nói: «Trí này không phải trí không phải phi trí». Không phải trí, là không phải trí phân biệt. Không phải phi trí, là không phải sắc pháp. Trong đó, phi trí là y vào ngu si.

 2/ Ứng vào cảnh mà giải thích : Lý mà trí chứng đó chỉ là liễu nhân, không phải sinh nhân, nên ngu si, không trí, sinh, liễu đều phi.[3] Cho nên đều nói không sinh.

3/ Ứng vào cảnh và trí chánh hội mà giải thích : Vì trí như cảnh nên chẳng phải trí, cảnh như trí nên chẳng phải không trí.

4/ Ứng vào tịch chiếu mà giải thích : Vì trí tức là tịch nên không phải trí. Không mất chiếu nên không phải không trí.

5/ Ứng vào ‘dứt đối đãi’ mà giải thích : Vì Trí tướng tận nên không phải trí. Không có trí có thể đối đãi, nên chẳng phải không trí.

½ kệ sau, như cái trí của không trí này mới có thể chiếu pháp diệt tối, nên là chứng.

Kệ (4) đến (9) : 5 kệ đầu giải thích ½ chương trên. Kệ (9) giải thích ½ chương dưới.

Trong 5 kệ đầu, ½ kệ trên nêu dụ, ½ sau là pháp hợp.  

Kệ (4) : Dụ ‘Tánh sai biệt của ngu và trí’.  

Kệ (5) : Dụ ‘Đồng thành hư vọng’.

Kệ (6) : Dụ ‘Hai tánh trái nhau’.

Kệ (7) : Dụ ‘Duyên ngu trí cách xa’.

Kệ (8) : Dụ ‘Dụng không tương thành’.

5 kệ này đều hiển sự của ngu và trí khác nhau, đều không chân thật. Mê ngộ ở đây đều dứt, Trí tướng hết. 

Kệ (9) : Giải thích thắng dụng của diệu trí. ½ kệ đầu nêu dụ. Già-đà, đây gọi là lương dược, vì có thể trừ tất cả độc. ½ kệ sau là pháp hợp.  

Kệ (10) : Song kết. ½ kệ đầu kết lại sự thù thắng của Phật trí. ½ kệ sau kết lại sự thù thắng của thượng pháp.    


PHÂN ĐOẠN 6
:

Chuyên cần quán lý sự mà không phân biệt, nên gọi là Tinh Tấn Lâm.

10 bài kệ, tổng tán thán trí chiếu vô phân biệt của Phật.

Kệ (1) là tổng. Kệ (2) đến (10) là biệt.

1/ Tổng: Kệ (1) : Nói nghĩa tánh tướng vô sai biệt của các pháp, chỉ Phật hay biết. Ngọn và tế đều biết, nên nói phân biệt biết. Câu (3), là trí đầy đủ. Câu (4), là thâm trí.

2/ Biệt: 9 kệ sau, phần đầu là dụ, phần sau là pháp.

Kệ (2) : Dụ ‘Chân vọng giao triệt’. Vì y nơi chân mà khởi vọng như vàng hiện sắc. Phi pháp là vọng, dụ như sắc vàng. Vô thể tức là chân nên tánh không sai biệt. Lại, chân tâm tùy duyên, là pháp và phi pháp. Tâm thể không đổi nên tánh không có sai biệt. Lăng-già nói: «Như Lai tạng tạo thiện và bất thiện nhân». Kinh Niết-bàn cũng nói: «Cùng với bất thiện đồng, gọi là vô minh. Cùng với thiện pháp đồng, gọi là minh. Minh cùng với vô minh, tánh chúng không hai. Tánh không hai chính là thật tánh» là nói đây. Phẩm Pháp Môn Bất Nhị của kinh Duy-ma đều nói nghĩa này. 

Kệ (3) : Dụ ‘Cả hai đều không thật’. Chúng sinh, ứng với nội báo, là dụ cho pháp. Phi chúng sinh, ứng với ngoại khí, là dụ cho phi pháp. Đều không có định tánh, đều không có.

Cũng có thể giải thích : Vì chúng sinh tức là vô ngã, nên chúng sinh chẳng chân. Vô ngã không ngại chúng sinh, nên phi chúng sinh cũng chẳng chân. Lý sự đoạt nhau, nên đều chẳng chân. Kinh nói: «Ngã và vô ngã không hai là nghĩa vô ngã». Vì chúng sinh tức phi nên phi tướng cũng lìa, nên đều chẳng chân. Phần pháp dụ có thể tự hiểu.

Kệ (4) : Dụ ‘Sinh không có tướng diệt’. Vì pháp sinh tức là không sinh, giống như không có tướng diệt.[4] Lại, vị lai, đương tướng là không, giống như vị lai không có tướng quá khứ.

Kệ (5) : Dụ ‘Diệt không có tướng sinh’. Vì pháp sinh tức là không sinh, giống như pháp đã diệt. Lại, pháp quá khứ tức là không quá khứ, giống như không có hiện tại và vị lai.   

Kệ (6) : Dụ ‘Pháp thể lìa chấp thủ’. Vì niết bàn ly tướng nên chẳng thể thủ. Ứng vào chỗ báo phiền não diệt mà nói dư và vô dư, nhưng thật thì lý diệt không có sai biệt.

Kệ (7) : Dụ ‘Tánh không sai biệt’. Vì số pháp chẳng khác pháp, đồng không tánh.

Kệ (8) : Dụ ‘Tùy duyên thành khác’. Dùng mười số làm gốc, tăng đến nhiều cái mười. Trí tuệ đối với trên, tạo thành trăm, ngàn v.v… nên nói sai biệt. Song đối với các số đó đều là các cái mười, nên nói đều là số gốc. Ví dụ chân lý tùy duyên mà thành khác. Truy tìm các dị pháp ấy không khác nhất chân. Lược không có phần pháp hợp.

Kệ (9) : Dụ ‘Thể kiên cố không hoại’. Vì tuy đồng hữu vi mà hằng thường trạm nhiên.

Kệ (10) : Dụ ‘Chấp dụ trái với đồng’. Có thể tự hiểu.         
                

PHÂN ĐOẠN 7 :

Thông đạt thế gian không, gọi là Lực Thành Tựu Lâm. Ý kệ là hội nhiễm tịnh về không, tán thán chân Phật.  

10 bài kệ phân làm hai :

1/ Hội cảnh: Kệ (1) đến (9) 

1/a Ứng vào tánh duyên khởi để hiển vô sinh : Kệ (1) đến (6). Phân làm hai :

Kệ (1) đến (4) : Hiển thế pháp không sinh. Kệ (1) (2) : Nói về ‘Sinh không’. Kệ (1) và ½ kệ (2), là truy ngọn qui về gốc. ½ kệ sau, là dùng gốc hiển ngọn. Vì tâm theo sự huân biến mà tạo chúng sinh, tâm đã như huyễn không chân, lẽ nào tâm chúng sinh có thật? Kệ (3) (4) : Nói về ‘Pháp không’. Kệ (3) : Không biết thế gian hư vọng nên lại luân chuyển ở nơi thế gian không. Kệ (4) : Do không biết thế gian khổ, nên thường lưu chuyển nơi thế gian khổ. Trong đó, thế gian không tự tác cũng không do tha tác có bốn lớp : Ứng vào ngoại đạo v.v...     

Kệ (5) (6) : Hiển xuất thế. Kệ (5) : là nêu ra. Ngược với thế gian, gọi là xuất thế gian. Thế gian đã không, sao có xuất thế gian mà có thể thủ, nên nói Cả hai không chân thật. ½ kệ đầu, nói lý thật. ½ kệ sau nói tình vọng. Kệ (6) : Câu (1) (2) (3), hiển thế gian không. Câu (4), không có cái đối với thế gian, nên xuất thế cũng chẳng chân. Y theo văn kinh đây thì, do thế gian mà gọi là xuất thế, không có biểu thị riêng, nên cũng không.           

1/b Ứng vào tánh sở chấp để hiển vô tướng: Kệ (7) đến (9). Cũng có hai.

Kệ (7) (8) : Thế gian không. Kệ (7), là hỏi về tình. Câu (1), hỏi về thể. Câu (2), hỏi về tướng. ½ kệ sau, nói về cái mê của phàm phu.   

Kệ (8), là hiển lý. ½ kệ trên, nói về tình chấp không. ½ kệ sau, nói lý tánh hiển.   

Kệ (9) : Xuất thế gian. Phật và pháp là xuất thế. Đều ứng vào tình chấp. Đều vô sở hữu.  

2/ Thành hạnh: Kệ (10). ½ kệ trên, là diệt vọng thấy chân. ½ kệ sau, nói Phật pháp thường hiện.


PHÂN ĐOẠN 8
 

Chiếu Phật pháp thân, gọi là Kiên Cố Lâm. Tán thán thể Phật pháp thân tịch diệt.

10 bài kệ phân làm hai : 7 kệ đầu là hiển pháp. 3 kệ sau là thành quán.

Hiển pháp : Kệ (1) đến (7).

Kệ (1) (2) : Nêu hai chương năng sở.

Kệ (1) : Hiển sở tán thán, là thể tịch diệt. Như đất sinh cây cỏ, nhưng ở nơi đất đó mà tìm mầm cây cỏ thì không thể được. Dụ Phật ứng cơ mà hiện thì có sai biệt, nhưng ở nơi Phật mà tìm ý sai biệt thì không thể được. Nên văn kinh sau nói : «Vô lượng thân phi Phật … ».

Kệ (2) : Hiển năng tán thán bình đẳng.

Kệ (3) đến (7) : Giải thích rộng.

Kệ (3) (4) (5) : Giải thích ‘năng tán thán’ không. Kệ (3) : Nói về nghiệp phi hữu. Kệ (4) : Dùng nghiệp để phân loại thân, thân cũng không có. Kệ (4) : Dùng nghiệp thân để phân loại thức, thức cũng không có.

Kệ (6) (7) : Giải thích thứ được tán thán (sở tán) trong phần ‘không có’ ấy. Kệ (6) : Nói về đại dụng ứng cơ. Kệ (7) : Nói về thể không có số lượng.       

Thành quán : Nói về hạnh ích. Kệ (8) đến (10). Kệ (8) : Lợi ích của việc chứng thấy pháp thân. Kệ (9) : Phá tướng qui chân. Kệ (10) : Chứng thật lìa tướng.


PHÂN ĐOẠN 9

Do quán tâm chân như nên gọi là Như Lai Lâm.

10 bài kệ phân làm hai : 6 kệ đầu nói tâm tạo phàm. 4 kệ sau nói tâm khởi thánh.  

1/ Tâm tạo phàm : Kệ (1) đến (6) : 4 kệ ½ đầu là nêu dụ. ½ kệ (5) và (6) là hợp với pháp.

1/a Nêu dụ : Kệ (1) đến ½ kệ (5)

Kệ (1) (2) : Ví dụ họa sư tạo tranh, dụ cho vọng pháp y nơi chân.

Kệ (3) (4) : Ví dụ họa tâm tạo tranh, dụ cho vọng y nơi tâm.

½  kệ (5) : Ví dụ họa sư không biết họa tâm, dụ cho duyên khởi vô tri. Ý là : Tất cả chúng sinh đều y nơi chân mà duyên khởi. Bản thức của tâm theo danh ngôn, hữu chi, ngã kiến v.v… huân tập mà hiện thân ở sáu đường. Duyên khởi thì hư vọng vô ngại, không gì không hoại có. Cho nên, hội nhiếp thì có hai môn :

. Nếu hội duyên theo thật thì tướng sai biệt hết, chỉ là nhất chân như. Nếu nhiếp ngọn về gốc thì dị hình của sáu đường chỉ từ tâm chuyển. Ứng vào sơ, thì duyên khởi không tồn tại, là môn chân như. Ứng vào hậu, tồn và hoại không hai, chỉ là nhất duyên khởi, hai môn vô ngại, chỉ là nhất tâm. Luận Khởi Tín nói: «Y nơi nhất tâm pháp mà có hai môn. Một là môn tâm chân như. Hai là môn tâm sinh diệt. Hai môn này đều tổng nhiếp tất cả pháp». Nay ở văn đây, họa cũng có hai nghĩa :

. Y trên vách nên như nhau.

. Y nơi tâm họa sư khéo nên tợ như có cao thấp.[5]

Kệ (1) (2) : Nói về môn chân như. Kệ (1) và ½ kệ (2) là tùy sự huân mà có sai khác. Câu (3) kệ (1), là hiển dị sắc còn vọng tình. Câu (4) kệ (1), là nói tướng tận đồng với chân. Tứ đại dụ cho chân tâm. Ảnh sắc dụ cho tướng duyên khởi hư vọng.

Kệ (3) và ½ kệ (4) : Chân vọng bất tức (chẳng phải). Câu (1), dụ năng tạo không phải là sở tạo : Nhiếp vọng là chân, chẳng phải là vọng, vì tánh chân. Câu (2), dụ sở tạo không phải là năng tạo : Y nơi chân là vọng, không phải chân, vì tánh hư vọng. ½ sau kệ (3), nói vọng không lìa chân. Vì vọng suốt chân, vọng hết chân hiện nên nói lìa tâm không họa sắc v.v… Cho nên bất ly, bất dị, bất tức (chẳng lìa, chẳng khác, chẳng phải).

Kệ (3) (4) : Ví dụ họa tượng y nơi họa tâm, thuộc môn sinh diệt. Tâm họa sư này dụ cho bản thức, là tâm năng biến. Họa sắc là dụ cho thân ngũ ấm, là báo sở biến.

Kệ (3) : ½ kệ đầu nói năng và sở bất tức. ½ kệ sau hiển gốc và ngọn bất ly. Vì tâm là gốc, hình là ngọn, vì thế bất tức ; Tâm biến làm báo cho nên bất ly. Đây là nói tâm hay biến cảnh, tâm thể chẳng phải là cảnh, cảnh từ tâm biến, cảnh tướng chẳng phải là tâm. Từ tâm mà biến nên cảnh chẳng lìa tâm. Hay biến cảnh nên tâm chẳng lìa cảnh. Cho nên, tuy bất tức bất ly nhưng chủ yếu chỉ là thức, chẳng phải chỉ là cảnh.

Hỏi : Kệ trước chỉ nói ảnh sắc không lìa tứ đại, chẳng nói tứ đại không lìa ảnh sắc. Sao không đồng với đây?

Đáp : Trước nói ‘chân’ không biến vọng, đây thì hiển tâm biến ra cảnh, cho nên không đồng.

Kệ (4) : ½ kệ đầu, nói công họa sư tâm xảo, dụ cho thức năng biến. Vô trụ là gốc nên khó nghĩ bàn. ½ kệ sau hiển họa sắc sở hiện, dụ cho tướng sở biến, đều từ tâm hiện, không thể tánh có thể biết nhau.

Kệ (5) : ½ kệ đầu, nói họa sư không biết các thứ họa này đều từ tâm hiện, dụ cho các chúng sinh mê tự tâm lượng.    

1/b. Hợp với pháp : ½ kệ (5) và (6) : Có thể tự hiểu.                                            

2/ Tâm khởi thánh : Kệ (7) đến (10).

Như tâm Phật cũng vậy, là dùng phàm để biết Phật. Như tâm tạo phàm, làm Phật cũng vậy, đều từ tâm khởi. Như Phật chúng sinh vậy, là dùng Phật để biết phàm. ½ sau kệ (7), là hội lại để hiển cái đồng. Vì tâm tạo Phật thì tâm và Phật không sai khác. Tâm tạo phàm phu thì tâm và phàm phu không khác. Năng sở y đồng nên nói không sai biệt.

Cũng có thể giải thích : Đây là kết luận và khuyên tu học.

Kệ (7) : Dung kết gốc và ngọn. Gốc và ngọn có ba :

. Chỉ có gốc, là chân lý, thành tựu tánh tịnh bản giác, gọi là Phật.

. Chỉ có ngọn, là chúng sinh sở biến.

. Đủ cả gốc và ngọn, là tâm năng biến. Vì y nơi chân mà hay biến.

Ba thứ trên duyên khởi dung thông vô ngại. Cứ có một là nhiếp hết hai thứ kia. Tánh không khác nên nói không sai biệt.                 

Kệ (8) : Nêu lợi ích khuyên tu. ½ kệ đầu, nói Phật đã biết. Nêu trước khuyên sau. Câu (3), là  khuyên sau đồng với trước. Câu (4) : Kết nói lợi ích của việc biết đó.      

Kệ (9) : Thân tâm bất tức bất ly. ½ kệ đầu là thân tâm khác nhau nên bất tức. ½ kệ sau là y nơi tâm mà hiện thân nên bất ly.

Kệ (10) : Khuyên tu. ½ kệ đầu, là nêu sở cầu. ½ kệ sau, là khuyên ‘Y nơi lý mà quán’. Vì ở hội này, tâm nhập thật đó là Như Lai. Ngược với đây thì bỏ.

Cũng có thể giải thích : Cũng do tâm biến mà Phật tướng hiện.
 

PHÂN ĐOẠN 10 

Biết thể và dụng của Phật sâu rộng nên gọi là Trí Lâm.

10 bài kệ phân làm ba.

1/ Tán thán pháp thân Phật lìa tướng : Kệ (1) đến kệ (3).

Kệ (1) : Lìa tướng sáu trần. Câu (1), là lìa ba trần hương, vị và xúc, nên nói không thể thủ. Câu (2), là lìa sắc trần. Câu (3), là lìa thanh trần. Câu (4), là lìa pháp trần.   

Kệ (2) : Lìa tướng hữu lượng và vô lượng. Vô lượng là nhiều, hữu lượng là ít, đều là vọng chấp, cả hai đều không thể thủ.    

Kệ (3) : Lìa tướng ngôn thuyết. Có hai nghĩa :

1/ Như tám thời không nên thuyết mà thuyết, nên mình và người không có ích lợi.

2/ Không biết cảnh giới pháp thân phi ngôn thuyết mà cho là như ngôn rồi vì người mà thuyết thì rơi vào hữu vô. Bốn hủy báng v.v… nên lừa dối mình và người. Như năm lỗi theo thanh mà thủ nghĩa v.v… nói ở sau.

Kệ (1) và (2), nói về pháp thân ‘Tâm hành xứ diệt’, kệ (3) thì nói ‘Ngôn ngữ lộ tuyệt’, nên không thể nghĩ bàn.      

2/ Tán thán đại công đức Phật đã được: Kệ (4).

3/ Tán thán Phật ứng hiện sắc thanh : Kệ (5) đến kệ (10). Phân làm hai.

1/ Thân tướng của Phật : Kệ (5) đến (7). Không thân mà hiện thân. Thân mà không thân.

Kệ (5) : Ví dụ ‘Sở hiện không chân’. Như châu như ý, nếu y màu vàng chiếu thì thành sắc vàng. Đây có hai nghĩa: 1/Châu không có màu vàng mà hiện màu vàng. 2/Màu vàng vậy hiện đó không đúng là màu vàng. Phật thân cũng như vậy. Tùy cơ chiếu mà hiện. Hai nghĩa đều đồng với ví dụ. Nên câu sau mới nói Chư Phật cũng như thế. Kinh Trí Tuệ Trang Nghiêm đã nói rộng về ví dụ này, cần nên biết.

Kệ (6) : Ví dụ ‘Năng hiện lìa kiến’. Y nơi ‘không’ hiện sắc mà ‘không’ chẳng thể thấy. Dụ cho Phật ứng cơ hiện sắc mà Phật chẳng phải sắc, chẳng thể thấy.

Kệ (7) : Nếu pháp hợp, là Phật địa. Đại trí có hai nghĩa : 1/Nghĩa viên minh. Ví dụ trước đã hiển. 2/Nghĩa ly tướng. Ví dụ sau sẽ hiển. Đều do ứng cơ mà hiện sắc nhưng không phải sắc, nên nói không thể thấy. Y vào văn đây thì biết Tự thọ dụng thân không có sắc cùng các công đức thô.             

2/ Ngữ tướng của Phật : Kệ (8) đến (10). Không tiếng mà hiện tiếng. Tiếng mà không tiếng.   

Kệ (8) : Không có tiếng mà không phải không có tiếng. ½ của mỗi kệ đều nói việc này. Vì y nơi lời giải thích mà hội được thật, nên nói Lìa tiếng lại không biết.

Kệ (9) : Tán thán pháp sâu xa và khuyên học. Trang nghiêm Đạo vô thượng, là lợi ích hướng thật. Chóng lìa các vọng, là lợi ích xả hư vọng.

Kệ (10) : Không nói mà không phải không nói. ½ của mỗi kệ đều nói việc này. Cũng là để rõ, Phật địa thì không ngôn thuyết, có ngôn thuyết là tại cơ duyên.   

       

 


 

[1] (107, 2, 5) ‘Hạnh tập’, là gom các hạnh lại thành tập, như ‘thi tập’ là tập thơ.

[2] (108,1,7)

[3] (108, 2, 15)

[4] ‘Diệt’ nói đây, ý như ‘diệt’ nói trong Tứ diệu đế.

[5] Có hai nghĩa : 1/Họa sư khéo tay. 2/Tâm khéo như họa sư