Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký Q6

PHẬT THĂNG THIÊN CUNG DẠ-MA TỰ TẠI - Phẩm 15

09/07/2017


HOA NGHIÊM KINH THÁM HUYỀN KÝ

Quyển 6

PHẬT THĂNG THIÊN CUNG DẠ-MA TỰ TẠI

Phẩm 15
(Xem tại đây)

Sa môn Pháp Tạng thuyết

Chân Hiền Tâm Việt dịch

 

 

Có 4 môn : Giải thích tên phẩm, dụng ý, tông thú và giải thích văn kinh. 
 

 I. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM

Phần này có hai:

Tên hội : Ứng vào xứ, gọi là Dạ-ma thiên hội. Ứng vào pháp, gọi là Thập hạnh hội. Theo giải thích đó thì có thể hiểu.

Tên phẩm : Phật là hóa chủ. Y thể khởi dụng, tùy cơ nên nói thăng. Ứng cảm tại đâu? Tại Dạ-ma. Dạ-ma, nói đủ là Tô-dạ-ma. , đây nói là thiện. Dạ-ma, đây nói là thời. Cõi trời này không có mặt trăng mặt trời để biết thời tiết. Kinh Đại Tập nói: «Thấy Hoa sen đỏ nở là ngày, hoa sen xanh nở là đêm». Luận Câu-xá dịch thành Xướng lạc thiên, cũng gọi là Đa hí lạc thiên. Thiên, là tịnh, là quang minh. Cõi trời này bám vào lạc thú, hoàn toàn không nhớ đến thiện nghiệp, nhờ có Bồ-tát Khổng Tước Vương và Thiên chủ cõi đó tên là Mâu-tu-lâu-đà thiên vương, thường vì họ khai đạo. Có khi Thật thiên mất bạn, thương khóc trình vua. Có khi Hóa thiên rơi xuống nước, sợ hãi khiến sinh chán.

Hỏi : Trước sau đều không lìa mà thăng thì đều nên gọi là tự tại, sao chỉ hội này nói tự tại?

Đáp : Bất động mà thăng, đây là cõi trời cư không, hơn cái trước là cư địa, nên nói tự tại. Mới hơn địa cư, không đồng với Đâu-suất, nên chỉ nêu tên. Lại, ứng với hạnh nhập, thì huyền diệu hơn cái giải trước, nên lấy chữ tự tại biểu trưng cho đó. Lại, vì giải hạnh tiếp nhau nên lần lượt Đao Lợi rồi đến Dạ-ma, đều là nội phàm chẳng đồng với tín trước. Vì cảm quả tại chỗ này, biểu trưng cho hạnh ly tướng, nên nói ở cõi trời không này.   
                       

II. DỤNG Ý

Có hai.

Dụng ý của hội : Y giải khởi hạnh. Đáp câu hỏi về Thập hạnh nói trên, nên có hội này.

Dụng ý của phẩm : Phẩm Minh Pháp là tột cùng của Trụ trong hội trước. Thăng thiên là do trí[1] của hội này. Thứ tự gần kề nên cần có phẩm này. Lại, Minh pháp là giải sâu khởi dụng nhập hạnh, cho nên thăng thiên, thành cần có phẩm này. Đây là ứng vào pháp mà nói.

III. TÔNG THÚ

Có hai.

1/ Tông thú của hội : Có hai :

a. Ứng vào Nhân, là hóa chủ và kẻ trợ hóa.

b. Ứng vào Pháp, là giáo sự và nghĩa lý, đều là thể, tướng, dụng dung nhau vô ngại. Theo trước thì biết. Chỉ ngay nơi hạnh là khác.

2/ Tông thú của phẩm : Là ‘Nghiêm xứ thỉnh cầu, Phật Như Lai phó cảm’, là sở minh.

IV. GIẢI THÍCH VĂN KINH

Hội này có 4 phẩm. 2 phẩm đầu là Tự phần. 2 phẩm sau là  Chánh thuyết.  

I/ TỰ PHẦN : Có hai : 1/Thỉnh Phật tự phần. 2/Tán Phật tự phần. Lại, trước là Phật thăng thiên. Sau, Bồ-tát vân tập. Vì Phật là hóa chủ nên ở trước, Bồ-tát là bạn nên liền sau. Lại, trước là quả, sau là nhân. Trước là năng hóa, Sau là sở hóa.

I/a Thỉnh Phật: Giải thích đồng với sơ thuyết ở hội trước. Cũng có thể giải thích. Có bảy :

- Mười phương, giác thọ pháp vương đồng hiện.

- Mười phương, chư Phật đều thăng lên Dạ-ma.

- Mười phương, Thiên vương đều trang nghiêm tòa ngồi thỉnh Phật.

- Mười phương, chư Phật nhận lời thỉnh thăng điện.

- Mười phương, Thiên vương được lợi ích tán thán Phật.

- Mười phương, chư Phật đồng thăng tòa hoa. 

- Mười phương, bảo điện đều rộng lớn.

Vì sao đều đồng nói ‘mười phương’. Vì pháp môn Viên giáo đồng khắp pháp giới. Phàm, một pháp khởi thì tất cả đều hiện, nên đồng thuyết pháp này. Hiện, không có thiên cuộc nên đến mười phương vô tận đồng thuyết. Tức, một thuyết thì tất cả thuyết v.v… Trong đó có ba lớp vô ngại:

1/ Một tức là nhiều: Một Phật dưới bồ-đề thọ tức là tất cả Phật dưới bồ-đề thọ.   

2/ Động tức là tĩnh: Phật của bồ-đề thọ liền thăng thiên.

3/ Động tĩnh ắt một nhiều.

Cho nên tất cả xứ bất động mà thăng thiên. Đây là tướng của Thập Phật cụ đức vô ngại viên dung. Không phải như các tông khác đã nói. Suy nghĩ thì có thể hiểu.

Trong văn kinh :

* Hai đoạn đầu giải thích đồng với trước.

* Đoạn thứ ba ‘Nghiêm thỉnh’, có ba:

Từ xa vừa thấy Phật …, là thắng duyên.

Trang nghiêm bảo tòa …, là tượng trưng cho căn.  

Thỉnh Phật, là hiển cái dục.           

Trong phần Trang nghiêm bảo tòa, trước là tổng, sau là biệt.

Tổng : Trong hội trước chỉ có một vạn, ở đây lại mười vạn, là biểu trưng cho tướng vị tăng. Trong phần điện nói trước, không có bảo liên hoa tạng, còn đây dùng bảo liên hoa tạng trang nghiêm, là muốn hiển : Hạnh có thể tích tụ đầy đủ công đức.[2]

Biệt : Có 23 câu.

Dùng mười vạn … trải trên tòa :  7 câu, nói về khí thế gian trang nghiêm.

Mười vạn thiên tử … diệu tướng hiển hiện : 7 câu, nói về chúng sinh thế gian trang nghiêm.

Mười vạn uy thần … diễn xuất các pháp : 9 câu, nói về Trí chánh giác thế gian trang nghiêm.

Cũng có thể giải thích :

7 câu đầu, là dùng ngoại sự trang nghiêm.

6 câu kế, là dùng nội báo trang nghiêm.

10 câu pháp môn sau, là trang nghiêm pháp môn :

Thiện căn diệu tướng, là nhân tướng.

Uy thần Như Lai hộ trì, là quả tướng.

Công đức tạng trưởng dưỡng, là đức tướng.

Tam muội trang nghiêm, là định tướng.  

Nguyện tạng lấy đó …, là nguyện tướng.

Thắng tướng kỳ đặc…, là thắng tướng.

Diệu pháp hiện ra, là pháp tướng.

Xứ xứ tự tại đều hiện, là dụng tướng.

Diệu tướng công đức đồng khởi, là diệu tướng.

Âm thanh diễn xuất, là giáo tướng.

Trong phần Thỉnh Phật, trước là kết trước, sau là chánh thỉnh.

* Trong đoạn thứ tư, Phật nhận lời thỉnh thăng điện là cơ duyê khế nhau. Trước, nói ở đất này. Sau, hiển các phương còn lại.

* Đoạn thứ năm, Thiên vương thu được lợi ích. Trước, nói về thế giới này. Sau, hiển các phương còn lại.

Trong phần thế giới này, trước là nói về lợi ích được định, sau là lợi ích phát tuệ.

Trong phần tuệ, trước là nhớ về thiện căn của mình. Sau, tán thán Thập Phật xưa, hiển sự thù thắng của xứ hiện nay. Lý thật là, tất cả chư Phật quá khứ đồng ở đây thuyết pháp Thập hạnh. Song nay vì hiển vị tướng tăng dần, nên ở hội trước, thứ lớp ngược về trước nêu danh xưng của Phật đồng với Thập Phật để tán thán. Ca-diếp trở xuống là đồng với các Phật trở về trước. Không ai không từng đồng ở xứ này thuyết pháp Thập hạnh.[3]

* Đoạn sáu là ‘Lên tòa’.

* Đoạn bảy là ‘Điện mở rộng’.

Đều y nơi trước, có thể tự hiểu.

I/b. Tán Phật : Kệ tụng

II.CHÁNH THUYẾT : Hai phẩm sau.

 

 


[1] (106, 3, -11)

[2]Không biết có do ghi thiếu không mà thấy bản Hán của ngài Hiền Thủ chỉ ghi: “Điện trước không phải báu. Điện này dùng báu trang nghiêm là ...” Song theo chánh văn của hai  phẩm Phật Thăng đỉnh Tu-diPhật thăng Dạ-ma thiên thì thấy đều dùng báu trang nghiêm, chỉ khác nhau: Phẩm Phật thăng Dạ-ma thiên có thêm phần ‘liên hoa tạng’, nên đây thêm vào như thế.  

[3] (107, 1, -1)