Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký Q4
NHƯ LAI QUANG MINH GIÁC - Phẩm 5
13/07/2017
( xem tại đây )
Sa môn Pháp Tạng thuyết
Cũng có 4 môn phân biệt như trên.
I. GIẢI THÍCH ĐỀ TỰA
NHƯ LAI QUANG MINH là quang minh của Như Lai. QUANG MINH GIÁC, là quang minh khai mở tính giác. Đó là y thể khởi dụng, y dụng thành lợi ích. Đều thuộc Y chủ thích trong Lục thích.
II. DỤNG Ý
Có bảy.
1. Trước đã nói về thân và ngữ nghiệp. Nay, nói về ý nghiệp, nên có phần này.
2. Để đáp riêng các câu hỏi về thế lực công đức v.v… đã hỏi trước.
3. Hai phẩm trước nói riêng về nhân và pháp trùm khắp. Đây, cả hai cùng hiển, cả hai cùng trùm khắp.
4. Trước, chỉ nói về Phật hiệu trùm khắp. Đây, hiển thật đức Phật thân cũng trùm khắp. Trước, chỉ thuyết về Tứ đế quyền giáo trùm khắp. Đây biện về thập kệ thật giáo cũng trùm khắp. Đó là trường hàng và kệ tụng.
5. Để đoạn nghi. Phẩm trước, Văn-thù đã thuyết Phật hiệu pháp danh sai biệt trùm khắp. Nay, vì sợ chúng nghi, Phật dùng thân quang chiếu hiện sự đó, để đại chúng thấy tận mắt, khiến lưới nghi tự diệt. Vì thế có phần này.
6. Không như trước, chỉ có Phật hiệu và danh tự Tứ đế là trùm khắp các thế giới như hư không, pháp giới v.v… Đây, Như Lai và ngay thời thuyết Hoa Nghiêm này cũng theo đó mà khắp hết tất cả hư không giới như thế. Tất cả đều thời đồng, xứ đồng, chúng đồng và thuyết đồng. Tức từ “Nghiệm kiến vi …” trở đi là quĩ tắc, nên có phần này.
7. Trước thì Phật hiệu và danh tự Tứ đế nhiều, từng thứ trùm khắp, vì đều thuộc quyền. Nay chỉ nói một pháp một hội mà viên dung biến khắp, vì ứng với thật. Trước, là sai biệt biến khắp. Đây, là vô sai biệt biến khắp. Nên cần có phần này.
III. TÔNG THÚ
Trước là tông, sau là thú.
A. TÔNG : Có hai : Khai và hợp.
1. Khai : Có ba.
a. Quang minh năng chiếu.
b. Cảnh sở chiếu của quang minh đó.
c. Chiếu sở thành giác.
Ba thứ này mỗi thứ có hai :
1/ Thân quang chiếu sự cảnh, khiến đại chúng giác thấy : Sự không có giới hạn. Được nói trong phần trường hàng.
2/ Trí quang chiếu lý cảnh, khiến đại chúng giác thấy : Lý không có sai biệt. Được nói trong phần trùng tụng.
2. Hợp : Vì lý và sự, cảhai đều viên dung, chỉ là một cảnh, nên được một sự thì liền trùm khắp vô biên mà không hoại bản tướng. Do cảnh không hai, nên thân quang tức là trí quang, là quang minh vô ngại duy nhất. Kinh Niết Bàn nói “Quang này không tướng, không phải xanh mà thấy xanh”. Nên sự giác tức là lý giác, ình đẳng chỉ là một giác. Lại, quang minh này không khác giác cảnh. Ba pháp viên dung chỉ là nhất pháp giới. Tuy bình đẳng tuyệt tướng mà đầy đủ tất cả, thường không tạp loạn. Vì không có chướng ngại.
B. Ý THÚ : Là hiển, lý sự vô ngại này có nhiều ý thú. Lược thì có năm loại:
1. Gần, giúp làm cảnh sở tín cho Bồ-tát thuộc tín vị.
2. Xa, giúp làm quĩ tắc cho một bộ văn kinh sau. Từ đây trở đi, trong các hội đều kết thông rằng “Tất cả thế giới cũng thuyết như vậy” là chỉ cho văn kinh phần này.
3. Hiển Như Lai xuất thế. Vì Nhất thừa Viên giáo là phần hạn thí hóa nơi một loại thế giới Tu-di lâu sơn v.v…
4. Hiển một hội tức là tất cả hội. Phẩm Tịnh Nhãn nói “Thân ấy ngồi khắp tất cả đạo tràng” là đây.
5. Hiển lý sự đều vô ngại. Khiến chúng sinh xả chấp mà y pháp.
IV. GIẢI THÍCH VĂN KINH
Quang minh này theo xứ mà chiếu, không có giới hạn. Ứng vào tổng số thì có 25 lớp : 9 lớp trước, thuyết riêng. 16 lớp sau, đồng nói. Tổng thành 10 đoạn. Trong đó, không phải 25 độ phóng quang, cũng không phải là một quang minh phóng ra thứ lớp trước sau chiếu 25 xứ. Chỉ một quang minh phóng ra, đốn chiếu tất cả, đồng thời hiển hiện. Vì dẫn nhiếp chúng sinh nhập pháp, khiến cái thấy đi dần từ gần đến xa, nên có thứ lớp.
LỚP 1 : Đoạn “Lúc ấy, Thế Tôn từ … vô sở úy (kệ)” có hai : 1/Quang minh năng chiếu khiến đại chúng được thấy. 2/Văn-thù dùng trí quang thuyết pháp khiến đại chúng được nghe.
A. PHẬT DÙNG THÂN QUANG CHIẾU SỰ : Đoạn “Lúc ấy, Thế tôn … tu phạm hạnh”. Phân làm hai :
1. Quang minh năng chiếu : Đoạn “Lúc ấy, Thế Tôn … quang minh” : Đầu tiên, nói về người phóng quang. Kế, nói xuất xứ của quang minh. Sau, nói về số quang minh.
TỪ NƠI LUÂN TƯỚNG … có ba ý :
a. Sơ nghĩa : Biểu trưng Tín là đầu của vạn hạnh.
b. Ti nghĩa : Biểu trưng tín hạnh tối vi.
c. Bản nghĩa : Biểu trưng tín là gốc của vạn hạnh. Luận Đại Trí Độ q.9 nói: “Dưới chân phóng quang là thân được trụ xứ, đều do ở chân” chính là đây.
TRĂM ỨC QUANG MINH : Vì thế giới sở chiếu tuy vô biên, nhưng đều là thế giới thuộc Tu-di lâu sơn, đều có trăm ức tứ thiên v.v… làm sở chiếu, cho nên quang minh cũng có trăm ức.
2. Cảnh sở chiếu : Đoạn “Chiếu khắp tam thiên … tu phạm hạnh”. Có hai :
2/1. Chiếu hiện các sự nhiễm tịnh v.v… trong bản thế giới. Có 4 :
1/ Hiện nhân giới : Đoạn “Chiếu khắp Tam thiên … cang vi sơn” : Mé của hải này có một cây lớn gọi là DIÊM-PHÙ-ĐỀ. Nhân đó mà lấy làm tên châu. PHẤT-BÀ-ĐEà, đây gọi là Thắng Thân. Vì sinh ra ở đó, thân đều thù thắng. CÂU-GIÀ-NI, đây gọi Ngưu Hóa. Vì châu đó lấy trâu (ngưu) làm của cải giao dịch. UẤT-ĐƠN-VIỆT, đây nói Thắng Sinh. Vì ở đó, tuổi thọ định đến ngàn năm, y phục và thức ăn thì tự nhiên.
Như xứ này, quang minh chiếu vô biên thế giới, tất cả chúng hội thảy đều hiển hiện, thì ở tất cả các hội kia cũng như vậy. Quang chiếu vô biên, vì pháp không hai cùng với đây không khác. Lại, các quang minh giao chiếu mà không chạm chướng nhau. Lại, mỗi người thấy quang minh của đương xứ chiếu tha mà không thấy quang minh của tha xứ chiếu mình. Vì sao? Vì chủ chủ và bạn bạn đều không đồng. Vì chủ bạn, bạn chủ đều không trái.
a. Dùng quang minh xứ này chiếu xứ kia, khiến xứ kia hiện, đây nhiếp thành một hội. Xứ kia cũng vậy. Đây đồng với chư Phật phân thân của Pháp Hoa.
b. Một hội này, Phật cùng với Văn-thù v.v… dung khắp pháp giới, là tất cả hội. Vì trong Viên giáo, chưa có một pháp nào không phải là tất cả. Cho nên, một Văn-thù từ phương đông đến, chính là Văn-thù của tất cả xứ một lúc cùng đến. Dù nay ở phương tây, qua vô biên thế giới, là xứ thuyết Hoa Nghiêm, thì vẫn thấy Văn-thù từ phương đông ngoài 10 cõi đến. Phương đông cũng vậy. Chưa có ai thấy Văn-thù qua hướng tây. Ngay cả Hiền Thủ cũng vậy. Vì là Nhất thừa duyên khởi môn, nên không lẫn tạp.
B. VĂN-THÙ DÙNG TRÍ QUANG THUYẾT PHÁP : Đoạn “Lúc ấy Văn-thù … ”. Có hai : Trước, là tại xứ này. Sau, là kết thông. Trong đó ý của bài kệ chỉ là dung hội các sự mà quang minh đã chiếu trước. Có hai nghĩa :
1. Tại xứ này :
1/1. Ứng vào cảnh : Có ba.
Kệ (1) : Pháp, ly tình thuyết
Kệ (2) đến (9) : Hội sự đồng với lý.
Kệ (10) : Hiển sự vô ngại.
Đều là y trước khởi sau.
1/2. Ứng vào tâm :
1. Sợ đại chúng theo tướng chấp vào các sự quang minh đã chiếu trước, nên kệ (1) nhắm vào Phật vị , quở trách các tướng, khiến đại chúng xả tướng, lìa đi lỗi của cái lý thiên lệch. Kinh Niết Bàn nói: “Như Lai không phải vô lậu. Vì sao? Vì Như Lai thường hành trong hữu lậu”. Luận Phật Địa cũng nói: “Phật không phải lậu, không phải vô lậu”.
2. Sợ đại chúng nghi : Vì sao việc này được trùm khắp? Nên 8 bài kệ tiếp hội sự đồng với lý, khiến đại chúng thấy chân hiển, thuận với pháp đã được
3. Sợ đại chúng nghi : Sự đã đồng lý thì bình đẳng không hai, sao có thể có sự sự trùm khắp? Nên bài kệ (10) nói về sự của lý. Nếu được một sự thì có vô lượng sự.
8 bài kệ :
Kệ (2) : Bài kệ đầu đã ‘biết Phật là pháp vô lậu’ thì liền thành lỗi, chưa biết nếu là không thì lỗi chăng? Nay nói quán Phật vô sở hữu thì không lỗi. Vì pháp công đức của Phật theo duyên, không tánh, tự tán diệt. Cũng là giải thích quán Phật và pháp đều ly tánh. Đây là hội Phật phóng quang trước để lìa kiến.
Kệ (3) : Hội những xứ mà quang minh đã chiếu trước. Cũng là nói, y và chánh báo đều dứt trụ trước.
Kệ (4) : Y báo và chánh báo không hai. Cũng là nói, Phật thân và pháp vô lậu đều vô sở hữu, nên không hai. TÂM TÙY, chỉ cho phương tiện quán. NHẬP, chỉ cho chánh chứng quán.
Kệ (5) : Hội chung cả tam thế gian. TA (ngã), là ngã chấp của chúng sinh. PHẬT, là trí chánh giác. Hai thứ này, chủ và bạn bình đẳng. Chỗ trụ (sở trụ) của hai thứ đó là khí thế gian. VÔ SỞ TRUï nên XA LÌA TẤT CẢ HỮU (cõi). Lại, TA là vọng chấp. PHẬT là chân trí. Hai thứ này bình đẳng, lấy đó làm tiêu xí. Hai câu sau giải thích về chân trí. Nơi lý trụ vô sở trụ, đương thể của vọng ngã xa lìa các hữu.
Kệ (6) : Hội chung ngũ ấm. SỐ, là tướng tục số duyên khởi : Ngũấm nếu có, thì có tục số. Vì ngũấm không, nên KHÔNG CÓ SỐ. Cũng là hội trăm ức quang minh đã phóng ra và các thế giới, các số lượng v.v… mà quang minh đã chiếu trước. Tất cả đều y nơi ngũấm sắc tâm mà lập. Tìm cầu ngũấm thì thật là không có số đó, nên nói KHÔNG CÓ SỐ.
Kệ (7) : Dứt bặt năng quán và sở quán. Không phải chỉ có thế giới sở kiến đồng với không mà trí năng quán cũng vô sở hữu. KIẾN GIẢ là người, cái này cũng không.
Kệ (8) : Là dụng thường tịch quán : Phật xuất thế mà không có chỗ khởi. Như vậy, lý không hiện tiền gọi là Phật xuất thế. Không Phật, gọi là không khởi.
Kệ (9) : Nói về nhị không quán. Câu (1) là nhân không. Câu (2) là pháp không. CHUYỂN NHƯ THỊ TƯỚNG : Một là ứng vào chấp, chuyển bỏ tướng của hai chấp. Hai, chuyển hiện lý tướng hai không. Câu cuối nói về quán ích.
Kệ (10) : TRONG MỘT HIỂU VÔ LƯỢNG : Trong một hội này v.v… có vô lượng hội. Tuy vô lượng hội v.v… mà chỉ là một hội. Đây là xứ mà quang minh đã chiếu trước.
Câu (1) (2) : Là tiêu xí. Luận chung thì có đồng thể và dị thể. Mỗi thứ đều có tương dung, tương tức. Cứ theo giải thích trên thì hiểu. Đây nói tương dung, nên nói vô lượng trong một, nhưng là chung cho cả đồng thể và dị thể.
Câu (3) : Là giải thích. Lược nêu hai nhân để giải thích : Một, do TRIỂN CHUYỂN SINH. Hai, do KHÔNG THẬT.
A. TRIỂN CHUYỂN SINH : Hội các duyên sai biệt tận cùng pháp giới như thế thành một duyên khởi. Cho nên, tất cả các duyên gặp nhau, đều có hai nghĩa :
a. Ứng vào thể : Đầy đủ hai nghĩa không và hữu, nên có tương tức. Nghĩa là, nếu không có ‘một tức tất cả,’ thì duyên hoàn toàn mất tự thể. Vì sao? Vì khi không có một thì nhiều cũng không chỗ thành. Không sở thành nên không phải là duyên. Vì thế, có một tức có tất cả. Bỏ một tức bỏ tất cả. Cái ‘tức tất cả’ này là nghĩa không. Mất tự tức là tha. Vì một là nghĩa hữu, nên nhiếp tha tức là tự. Ngược lại với trên, cái ‘tức một’ này là nghĩa không, nên cũng mất tự tức là tha. Vì nhiều là nghĩa hữu, nên nhiếp tha tức là tự. Do hai không hai hữu đều mất, nên thời không gì là không tương tức. Vì một không, một hữu không ngại nhau, nên hằng thời có tương tức. Lại, do trong mỗi duyên không và hữu không hai, nên không hoại tự mà tức là tha. Diệu nghĩa có thể suy nghĩ lấy.
b. Ứng vào dụng : Có nghĩa hữu lực và vô lực, nên có tương nhập. Vì các duyên khởi không phải mỗi thứ ít lực mà là cộng sinh. Ngay ở mỗi duyên đều có đủ nghĩa tác và bất tác. Vì sao? Nếu không có một duyên, các duyên khác đều bất tác, thì một có lực, các duyên khác đều không lực. Các duyên khác cũng vậy. Đó là một có lực nên hay dung nhiều. Nhiều không lực nên tiềm nhập nơi một. Nhiều có lực v.v… cũng vậy. Do cả hai vừa có lực vừa không lực và cả hai đều mất, nên không gì là không tương nhập. Vì một hữu lực, một vô lực vô ngại, nên thường hằng tương nhập. Lại, trong mỗi duyên đều do hữu lực và vô lực không hai, nên ở ngoài không hoại mà hằng tương nhập. Vì trong môn duyên khởi có nghĩa tương tác này v.v… mà thành một và nhiều, nên nói TRIỂN CHUYỂN SINH. Đây là một và nhiều triển chuyển tương sinh, nên được vô lượng trong một, một trong vô lượng.
B. KHÔNG THẬT : Cũng có hai môn:
a. Nghĩa tương tức : Một không phải thật một, nên hay nhiếp nhiều. Nhiều không phải thật nhiều, nên hay ‘tức là một’. Lại, nhiều không phải thật nhiều, nên hay nhiếp một. Một không phải thật một, nên hay ‘tức là nhiều’. Lại, một của ‘tức là nhiều’ thì không phải một. Nhiều của ‘tức là một’ thì không phải nhiều. Vì sao? Vì không thật. Lại nữa, một của ‘tức là nhiều’ mới gọi là một. Nhiều của ‘tức là một’ mới gọi là nhiều. Vì sao? Vì không thật một. Nhiều cũng vậy. Lại, cũng vừa một vừa không một, vừa nhiều vừa không nhiều. Vì sao? Vì không thật, nên đủ cả hai nghĩa. Lại, không phải một, không phải không một, không phải nhiều, không phải không nhiều. Vì sao? Vì không thật, nên dứt bặt hai tướng.
b. Môn tương dung : Một sự thì không thật, vì không tánh. Chân lý không tánh đã không phần hạn, nên ở trên một sự, khi quán không tánh, không gì không phải là pháp giới chân như viên tận. Nếu khi quán một ít sự không tự tánh, không được pháp giới viên tận chân thật thì chân như có phần hạn, liền đồng với hữu vi. Cho nên, một sự không tánh, liền nhiếp hết chân. Khi nhiếp hết chân, tất cả pháp khác đã tồn tại không chướng ngại mà chính là chân, nên đồng với lý, đều trong một sự mà hiện. Ở nhiều cũng như vậy. Lại, do cả hai đều không hoại bản sự, nên không phải là môn tương tức. Do sự không thật, nhiếp chân lý, nên được tương nhập. Lại, cái triển chuyển sinh trước ứng vào dị thể tương tức tương nhập. Môn này ứng vào đồng thể tương tức tương nhập.
Riêng kinh này, nghĩa tương tức tương nhập, giải thích đều có hai môn : 1/Duyên khởi tương do môn. 2/Pháp tánh dung thông môn. Nên là hai đoạn văn này. Do TRIỂN CHUYỂN SINH nên KHÔNG THẬT. Tức hai môn không khác. Lại, do hai môn tương tức tương dung đều nhiếp hết các pháp, nên cũng không khác. Không khác nhưng nghĩa không lẫn tạp. Phần văn sau đồng với đây thì nên nói đó mà hiểu. Văn đây ứng vào nghĩa tương dung mà nói, nên nói vô lượng trong một v.v...
Câu (4) : Là lợi ích. Liễu đạt chánh lý này, nơi duyên không sợ hãi nên nói VÔ SỞ ÚY. Vì cảnh và pháp vô ngại nên khiến chó trí không sợ hãi (vô sở úy).
2. Kết thông : Chỉ kết trăm ức xứ Diêm-phù-đề trong thế giới Sa-bà này, không phải tận hết hư không, thế giới v.v… ở văn sau.
LỚP 2 : Đoạn “Như Văn-thù thuyết … pháp Như Lai”.
TẤT CẢ XỨ mà Văn-thù thuyết kệ nói đây, chỉ là trăm ức xứ thuộc quốc độ của thập Phật ở mười phương, không phải là các xứ nói ở lớp 3 v.v… Đến lớp cuối cùng mới là tận hết pháp giới. Ý của văn kinh là vậy, cần nên biết. Lớp hai chiếu mười phương, mỗi phương, mỗi phương mười thế giới. Phần trường hàng thì đồng với trước. Còn kệ tụng thì phân làm hai.
Kệ (1) : Tán thán công đức báo thân. Câu (1) (2) : Đại trí đức. Câu (3) : Đại định đức. Câu (4) : Đại bi đức. Vì lý trí chiếu chân, nên giác biết các pháp như hư không, được tâm thanh tịnh vô ngại. Vì lượng trí liễu tục, nên giác biết các pháp hư huyễn, điều phục được quần sinh.
Kệ (2) đến (9) : Tán thán công đức hóa thân.
Cách giải thích 2 :
Kệ (1) : Tổng. Do ứng cơ hiện khởi. Do NHƯ HUYỄN nên khiến thấy sai biệt, vì thế không khởi. NHƯ HƯ KHÔNG, nên bình đẳng một vị. Do khởi và không khởi không hai, nên ĐIỀU PHỤC CHÚNG SINH, thì thường TÂM TỊNH, nên nói KHÔNG CHƯỚNG NGẠI.
Kệ (2) đến (9) : Biệt. Mỗi bài đều có đầy đủ nghĩa không hai đó, nên dụng mà thường tịch.
Ba câu đầu kệ (1) nói về thể thanh tịnh của duyên khởi. Một câu sau nói về duyên. 9 bài kệ sau cho thể theo duyên, chính là nói về tướng duyên khởi.
HOẶC THẤY, có ba nghĩa :
. Ngay ở một người nhưng khác thời mà thấy : Như thời đầu thấy mới sinh, thời sau thấy niết bàn. Tức thứ lớp mà thấy.
. Nhiều người đồng thời thấy : Ngay khi người này thấy lúc thuyết pháp, thì người khác thấy niết bàn v.v… đều không có chướng ngại, không thấy lẫn nhau.
. Một người đồng thời thấy : Khi thấy lúc mới sinh thì ngay đó cũng thấy niết bàn v.v... Như tám tướng vi tế mà văn kinh sau sẽ nói. Đó là do tịnh tâm vô ngại, nên được viên dung ứng khắp.
Kệ (2) : Mới sinh.
Kệ (3) : Đi bảy bước.
Kệ (4) : Ngoái nhìn mười phương.
Kệ (5) : Sư tử hống thuyết thiên thượng thiên hạ.
Kệ (6) : Xuất gia.
Kệ (7) : Thành đạo.
Kệ (8) : Chuyển pháp luân.
Kệ (9) : Hiện thần lực.
Kệ (10) : Nhập niết bàn.
LỚP 4 : Đoạn “Lúc ấy, quang minh qua khỏi trăm thế giới… pháp thanh tịnh”.
Kệ tụng phân làm ba :
Kệ (1) (2) : Nói về pháp thân.
Kệ (1) : Lý ứng thành duyên khởi. Câu (1) nói về sự thậm thâm. Sau giải thích không có tướng sở thủ cũng không có trí năng thủ. Không trụ đó, nên ứng cơ liền hiện.
Kệ (2) : Hiện tức là không hiện, nên LÌA CÁC TRẦN.
Kệ (3) đến (6) : Nói về giải thoát.
Kệ (3) : Ai giải thoát? Câu (1) nói về thể của giải thoát. Câu (2) (3) (4) nói về dụng của giải thoát. Cơ cảm tương ưng gọi là HÒA HỢP KHỞI.
Kệ (4) (5) và nửa kệ (6) : Giải thoát ở đâu?
Kệ (4) : Lìa khổ phược, lìa phần đoạn sinh tử, nên không trụ thế gian. Lìa biến dịch sinh tử, nên có hiệu là NHÂN SƯ TỬ.
Kệ (5) : Lìa nghiệp phược. Căn cảnh vốn không, nghiệp hư vọng hết, nên ĐỀU GIẢI THOÁT.
Kệ (6) : Câu (1) : Lìa phiền não phược. Câu (2) : Thông kết vĩnh tận, nên TRƯỜNG LƯU THƯỜNG KHÔNG CHUYỂN. Câu (3) và (4) : Do đâu giải thoát? Do hai lợi viên mãn, như kệ đã nói.
Kệ (7) đến (10) : Nói về Bát-nhã.
Kệ (7): Chiếu chân.
Kệ (8) (9) : Liễu tục.
Kệ (10) : Song kết chân tục viên dung vô ngại.
LỚP 5 : Đoạn “Lúc ấy, quang minh qua khỏi ngàn thế giới… tịnh diệu nghiệp”.
Khuyên các Bồ-tát tu 10 loại nghiệp :
Kệ (1) : Nghiệp từ bi.
Kệ (2) : Nghiệp tín tâm niệm Phật.
Kệ (3) : Nghiệp thiện tâm.
Kệ (4) : Nghiệp vô gián.
Kệ (5) : Nghiệp thường thời
Kệ (6) : Nghiệp quán thật tướng của thân.
Kệ (7) : Nghiệp quán tâm thật cảnh.
Kệ (8) : Nghiệp thần thông.
Kệ (9) : Nghiệp phân biệt Phật độ.
Kệ (10) : Nghiệp liễu tri nhiều Phật.
Kệ (1) : Duyên chúng sinh hạnh.
Kệ (2) (3) (4) (5) : Duyên Phật hạnh.
Kệ (2) : Tín.
Kệ (3) : Tuệ.
Kệ (4) : Quán.
Kệ (5) : Cầu.
Kệ (6) (7) : Nhập quán hạnh : Trước là tự, sau là tha. Hoặc trước là thân, sau là tâm.
Kệ (8) (9) (10) : Khởi dụng hạnh.
Kệ (8) : Thần thông dụng.
Kệ (9) (10) : Trí dụng. Một, biết quốc độ. Hai, biết Phật.
LỚP 6 : Đoạn “Lúc ấy, quang minh qua khỏi vạn thế giới… thấy đạo sư”.
Theo bản Phạn thì mỗi bài kệ có 4 câu. Có 11 bài kệ tất cả. Phân làm hai : 6 kệ đầu có bảy chữ, nói về tánh tịch diệt của Phật thể. 5 kệ sau năm chữ, nói về diệu dụng tự tại.
Kệ (5) : Phật không có ngũ ấm. Theo Tiểu thừa, Phật có ngũ ấm hữu lậu, như Bà-sa v.v… đã nói. Theo Thủy giáo, Phật có ngũ ấm vô lậu, như luận Thành Duy Thức v.v… nói . Theo Chung, Đốn và Viên giáo, Phật không có ngũ ấm vô lậu, như Phật Địa Luận nói. Nghĩa NHƯ THẬT, là Như Lai thân độ thậm thâm vi diệu cho đến các giới phi uẩn v.v… nhiếp thuộc pháp môn. Chỉ tùy sở nghi mà có mọi thứ dị thuyết.
Kệ (6) : Ngoại thân nội tâm của Phật không khác, vì đều giải thoát, vì không hai, vì dứt hết sắc tâm vậy.
Kệ (7) : Trí quang chiếu.
Kệ (8) (9) : Thân ứng cảm vô ngại.
Kệ (8) : Một nhiều vô ngại.
Kệ (9) : Lý sự vô ngại.
Kệ (10) (11) : Nêu vọng hiển chân. Kệ trước nêu vọng. Kệ sau hiển chân.
CHÂN THẬT NHƯ VẬY, là chỉ cho tướng vọng tưởng nói trên. Vì người mê cho vọng là thật, không thấy cái thật của vọng. Người ngộ thấy vọng không thật, chính là thấy cái thật của vọng, nên gọi là vọng pháp. Người mê có vọng, không biết vọng, nên không thấy được cái thật của vọng. Người ngộ không vọng, nên biết vọng. Biết vọng nên đạt được cái thật của vọng. Cứ suy nghĩ thì thấy.
Các tin khác
-
» DANH HIỆU NHƯ LAI - Phẩm 3 (31/03)
-
» TỨ ĐẾ - Phẩm 4 (31/03)
-
» MINH NẠN - Phẩm 6 (31/03)
-
» TỊNH HẠNH - Phẩm 7 (31/03)
-
» BỒ TÁT HIỀN THỦ - Phẩm 8 (31/03)