Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký Q3

LÔ XÁ NA - Phẩm 2 (Phần 2b)

Hiển bày pháp hải có 10 sự

15/07/2017


HOA NGHIÊM KINH THÁM HUYỀ
N KÝ

QUYỂN 3

PHẬT LÔ-XÁ-NA
Phẩm 2 - Phần 2
(Xem tại đây)

Sa môn Pháp Tạng thuyết
Chân Hiền Tâm việt dịch

B10. HIỆN BÀY PHÁP HẢI

Đầu tiên, nói đến người thuyết pháp trong các hội có khác. Chỉ hai phẩm A-tăng-kỳ và Phật Tiểu Tướng Quang Minh là Phật thuyết, còn lại đều là Bồ-tát thuyết, như giải thích ở văn sau. Theo luận Đại Trí Độ, có 5 hạng thuyết pháp: Phật, đệ tử, thần tiên, chư thiên và hạng biến hóa. Đây là y cứ vào việc xuất âm thanh, danh, cú v.v… mà phân. Nếu y cứ vào sự truyền trao thì thông cả hữu tình và vô tình. Đây thuộc Tam thừa.

Theo văn kinh sau, có 5 hạng thuyết pháp : Phật thuyết, Bồ-tát thuyết, quốc độ thuyết, chúng sinh thuyết và tam thế nhất thiết thuyết. Đây thông hết tất cả pháp như tam thế gian v.v… là thuộc Nhất thừa.

Văn kinh có hai : Đầu tiên là nói rộng về thế giới hải, là đáp câu hỏi về quả đã hỏi trước. Sau, đáp câu hỏi về nhân đã hỏi trước.

B10/a ĐÁP CÂU HỎI VỀ QUẢ : Đoạn “Lúc ấy Bồ-tát … thế giới hải thành tựu”. Trước, là thuyết riêng từng thế giới. Sau, dùng kệ tổng lại.

1. Thuyết riêng từng thế giới: Có hai. Trước, tổng luận về 10 thế giới. Sau, biệt hiển Hoa Tạng giới, là giải thích về thế giới thứ 10 (Hoại thế giới). Vì thành tức là hoại.

1a. Luận chung về 10 thế giới: Có hai. Nêu bày ý môn và y môn biệt giải thích.

1. Nêu bày ý môn : Đầu tiên là tổng nêu dẫn chứng. Kế, liệt kê 10 tên. Sau, kết luận về sự vô tận của chúng.

10 loại sự của thế giới hải :

Sự (1) : Có 4 nghĩa :

1/ Vì thể của quốc độ không tướng, do ngôn thuyết mới thành, nên nói THUYẾT THẾ GIỚI. Như cái thành trong phần 4 kham trí. Như nói phược, quán v.v… trong phần Duyên sinh sau.

2/ Do danh ngôn huân tập mà thức hiện quốc độ, nên nói THUYẾT.

3/ Trong quốc độ, ngôn âm đều như, như nói trong phần tụng sau.

4/ Thế giới có tên không đồng, nên nói thuyết.

Nghĩa đầu thì THUYẾT là thế giới. Ba nghĩa sau, là giới của THUYẾT.

Sự (2) : Tổng trì duyên giới.

Sự (3) : Nói về gốc y trụ, được lâu xa.

Sự (4) : Nói về ngoại trạng khu phần.

Sự (5) : Nói về nội thể sung mãn

Sự (6) : Đức tướng nghiêm đẹp

Sự (7) : Ly cấu, được dụng thanh tịnh

Sự (8) : Khí tịnh, Phật xuất hiện.

Sự (9) : Trải qua thời gian ngắn hay dài.

Sự (10) : Duyên tan, lìa tạo tác. Đông đúc thâm u, gọi là HẢI.

Bất cứ thế giới nào cũng đủ 10 sự trên.

Nay giải thích chung các thế giới hải, lược thành 10 môn :1/Chủng loại. 2/Cư nhân. 3/Danh thể. 4/Nhiễm tịnh. 5/Lậu vô lậu. 6/Cộng bất công. 7/Thế gian niết bàn. 8/Y chánh. 9/Nhân pháp. 10/Vô ngại.

1. Chủng loại :

A. Tiểu thừa : Chỉ đồng một loại thế giới là Sa-bà v.v… không có tịnh độ nào khác.

B. Tam thừa : Có hai.

1. Xứ tự trụ của Phật : Có ba.

1/ Pháp tánh độ.

2/ Thật đức độ : Diệu hạnh v.v…

3/ Sắc tướng độ : Báu thù thắng v.v…

Hai thứ sau là tự thọ dụng độ. Cả ba không thuộc xứ nhiếp hóa, nên đây không nói.

2. Xứ nhiếp hóa của Phật : Có ba.

1/ Hóa thân độ: Có hai.

a. Nhiễm : Thế giới Sa-bà ... ứng với Thích-ca.

b. Tịnh : Hóa độ ở các phương khác, ứng với các Phật khác.

Hóa thân độ này, nếu xét theo Thủy giáo, thì chỉ có trăm ức Diêm-phù-đề, trăm ức Thích-ca làm cảnh nhiếp hóa. Nếu xét theo Chung giáo, thì như luận Đại Trí Độ nói : Lấy Tam thiên đại thiên thế giới làm một số. Số đó nếu nhiều như cát sông Hằng thì thành một thế giới tánh. Thế giới tánh đó, nếu nhiều như cát sông Hằng thì thành một thế giới hải. Thế giới hải đó, nếu nhiều như cát sông Hằng thì thành một thế giới chủng. Thế giới chủng đó nếu nhiều như vô lượng cát sông Hằng thì chính là phần thế giới giáo hóa của một đức Phật.

2/ Biến nhiễm độ : Là túc, chỉ, án địa v.v…

3/ Tha thọ dụng độ : Là thập bát viên mãn …

Thọ dụng độ này, xét theo Thủy giáo, thì ở nơi đỉnh Sắc giới, vì dẫn dắt Tiểu thừa đồng giới mà thuyết. Xét theo Chung giáo, thì không thuộc tam giới. Kinh Niết Bàn nói: “Tây phương, cách đây ba mươi hai hằng hà sa Phật độ, có thế giới tên là Vô Thắng, là thật báo tịnh độ của Phật Thích-ca”. Lại nói “Bên cạnh tất cả thế giới Tu-di lâu sơn, luôn có một Phật độ thanh tịnh”. Đây nói chung cho cả báo hóa thân, để dẫn nhiếp chúng sinh.

C. Nhất thừa : Có hai :

1. Tự thể quốc độ hải của thập Phật thuộc quả phần : Phần này không thể nói, chỉ nương vào duyên mà nói là 10. Như hội II đã thuyết.

2. Xứ Nhiếp hóa : Có ba loại :

I : Từ Tu-di sơn giới, cây, hình … trở đi cho đến tất cả chúng sinh hình thế giới hải …

II : Ngoài tam thiên giới, có riêng 10 thế giới : Thế giới tánh, thế giới hải, thế giới luân, thế giới viên mãn, thế giới phân biệt, thế giới toàn, thế giới chuyển, thế giới Liên Hoa, thế giới Tu-di, thế giới tướng. Các thứ này tương đương với cảnh giới của Luân vương mà Vạn Tử đã nói.

III : Thập Liên Hoa Tạng trang nghiêm thế giới hải đầy đủ chủ bạn như lưới châu trời Đế Thích, là Phật cảnh giới.

Ba loại trên đều có 10 sự đứng đầu làm thành thế giới là Thuyết thế giới hải, Khởi đủ nhân duyên thế giới hải, Trụ thế giới hải, Hình thế giới hải, Thể thế giới hải, Trang nghiêm thế giới hải, Thanh tịnh thế giới hải, Như Lai xuất thế thế giới hải, Kiếp thế giới hải, Hoại phương tiện thế giới hải.

2. Sở cư - nhân (chỗ ở và người) :

A. Tiểu thừa : Chỉ có Hữu dư y chung cho cả hai vị thánh phàm.

B. Tam thừa : Có ba. Hai cõi đầu dành cho cả phàm phu, Nhị thừa, Bồ-tát chưa đăng địa cùng với Phật hóa thân. Một cõi sau, là chỗ ở của Bồ-tát từ Sơ địa trở lên cùng với Phật báo thân. Trong kinh Giải Thâm Mật, Bồ-tát Tam địa sinh vào tịnh độ Phật, là y cứ vào nghĩa của Thất địa mà nói. Nghĩa là, Sơ địa nói đây tương đương với Tam địa của Thất địa đó. Luận Đại Thừa Khởi Tín cho Bồ-tát chưa đăng địa thấy báo thân Phật là theo Chung giáo mà nói. Nương nơi tam-muội, thấy được ít phần.

C. Nhất thừa : Có ba. Đa phần khi luận thì nói đến địa vị kiến văn trước, kế là địa vị giải hạnh, sau là địa vị đắc quả. Phật thân ba chỗ đó đồng với thập Phật nói đây.

3. Danh - thể : THẾ là thời. GIỚI là phần hạn. Nghĩa là, ở trong thời, phần hạn hiển hiển. Từ tướng mà được danh. Đông đúc, thâm u, súc tích, sâu rộng, khó tận … đều gọi là HẢI. Thế giới tức là hải, là từ dụ mà được tên, thuộc Trì nghiệp thích.

A. Tiểu thừa : Lấy tử, mẫu, thất vi, bốn trần là sắc v.v… cùng với thực sắc là tứ đại năng tạo làm thể.

B. Tam thừa : Phàm phu, Tiểu thừa và Bồ-tát chưa đăng địa đều lấy thức A-lại-da làm thể. Hai nghĩa báo độ của Bồ-tát đăng địa cũng lấy thức A-lại-da làm thể. Nếu là sở hiện của nhị trí thì lấy trí duy thức làm thể, nên Nhiếp Luận nói: “Trí duy thức của Bồ-tát và Như Lai … là thể của tịnh độ”. Nếu y cứ theo Chung giáo, thì đều lấy Như Lai tạng chân như làm thể.

C. Nhất thừa : Lấy vô tận pháp giới thông cả tam thế gian, các môn nhân, pháp, lý, sự v.v… tương tức với nhau làm thể.

4. Nhiễm - tịnh :

A. Tiểu thừa : Chỉ có nhiễm.

B. Tam thừa : Có hai : Một ứng vào vị. Hai ứng vào pháp.

1. Địa vị : Có tứ đối, hiển bày nhiễm tịnh :

a. Nhân - quả : Chỗ trụ của Bồ-tát từ địa vị kim cang trở lại gọi là quả báo độ, không gọi là tịnh độ, vì lỗi hoạn chưa hết. Chỉ có chỗ ở của Phật, là người mà kiết sử và tập khí đã hết, mới gọi là tịnh. Cho nên kinh Nhân Vương nói: “Tam hiền, Thập thánh trụ quả báo, chỉ có Phật mới ở tịnh độ”.

b. Nhất hướng - không nhất hướng : Chỗ trụ của Bồ-tát Bát địa trở lên được gọi là tịnh độ. Vì đã nhất hướng xuất tam giới sự.   Vì đã đủ bốn câu nhất hướng : Nhất hướng tịnh, nhất hướng lạc, nhất hướng không lỗi, nhất hướng tự tại. Từ địa vị Thất địa trở lại chưa gọi là tịnh độ. Vì chưa nhất hướng xuất tam giới, chỉ do nguyện lực mà được xuất. Vì bốn câu nhất hướng chưa đầy đủ, bởi trí quán vô lậu còn gián đoạn, chưa có nhất hướng không lỗi v.v... Đây là y theo Nhiếp Luận mà biện.

c. Thuần - tạp : Chỗ ở của phàm phu và Nhị thừa lẫn tạp, nên không gọi là tịnh độ. Sinh xứ của Bồ-tát đăng địa mới gọi là tịnh độ. Luận Du-già nói: “Thế giới tuy vô lượng, nhưng không ngoài hai loại : Tịnh và bất tịnh. Trong thế giới thanh tịnh không có địa ngục, bàng sinh và ngạ quỉ, cũng không có Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, chỉ thuần là Bồ-tát dừng trụ trong đó, nên gọi là thế giới thanh tịnh. Bồ-tát đã nhập Tam địa, do nguyện lực nên thọ sinh nơi đó, không có dị sanh, phi dị sanh, Thanh văn và Độc giác”. Giải thích : Bồ-tát Tam địa, gọi là Tịnh ý lạc, chính là Hoan hỉ địa. Đây là nói theo cách phân của Thất địa.

d. Thối - bất thối : Nhập Thập trụ trở đi đều thuộc vị bất thối. Sinh xứ của Bồ-tát Tam hiền gọi là tịnh độ. Trong đó cũng có 4 quả của hàng Nhị thừa. Như quốc độ của Phật A-di-đà, muốn sinh ở đó đều phải trụ ở chánh định v.v… Địa vị kham nhậm trở lại, như lông phất phơ trong hư không, đều thuộc thối vị. Chỗ của tam tụ chúng sinh cộng sinh không gọi là tịnh độ.

Trong tám nghĩa của bốn đối này : Đối (a) xét về quả, chỉ có tịnh. Đối (d) xét về thối, chỉ có nhiễm. Đối (b) và (c), xét về tướng và hình, đều đủ cả nhiễm tịnh.

2. Pháp : Có 4 câu.

a. Hoặc chỉ có tịnh : Vì trong bốn môn trên, tướng hình thủ tịnh. Vì tự tánh của nơi mà hàng thối vị ở, cũng thuộc tịnh.

b. Hoặc chỉ có nhiễm : Vì trong bốn môn trên, tướng hình thủ nhiễm. Vì Phật quả tùy duyên ứng với từng căn cơ mà thuyết. Luận Khởi Tín gọi là huyễn nghiệp tùy nhiễm tạo ra.

c. Hoặc tịnh nhiễm đều đủ : Vì hai nghĩa trước không lìa nhau.

d. Hoặc tịnh nhiễm đều không : Vì hai nghĩa dung nhau mà không nhất quyết phải là một, vì hai tướng đều hết.

C. Nhất thừa : Có hai. 1/Loại. 2/Pháp.

1. Loại : Đầu là nhiễm. Sau là tịnh. Giữa đủ cả hai.

2. Pháp : Có bốn câu :

a. Hoặc đều tịnh : Vì là Phật.

b. Hoặc đều nhiễm : Vì là chúng sinh.

c. Hoặc đủ cả tịnh nhiễm : Vì hai nghĩa trước không lìa nhau.

d. Hoặc tịnh nhiễm đều không : Vì cả hai dung nhau, nên cả hai đều hết.

Trong ba loại trên, mỗi loại đều đầy đủ bốn câu này.

5. Lậu - vô lậu :

A. Tiểu thừa : Chỉ có hữu lậu.

B. Tam thừa : Có hai môn : Một là Tùy tướng môn. Hai là Dung thông môn.

1. Tùy tướng môn : Có bốn câu.

a. Hoặc chỉ hữu lậu : Vì là biến độ của phàm phu, Tiểu thừa và Bồ-tát chưa đăng địa.

b. Hoặc chỉ vô lậu : Vì là hiện độ của Phật.

c. Hoặc đủ cả hữu lậu và vô lậu : Vì là sở biến của nhị trí và sở hiện của A-lại-da thuộc hàng Bồ-tát đăng địa. Hai thứ này tuy nhiếp thuộc hai đế đạo và khổ, nhưng không có hai thể riêng, chỉ vì theo nghĩa mà có khác.

d. Hoặc hữu lậu và vô lậu đều không : Vì tất cả đều không, vì không rơi vào số.

Đây thuộc Thủy giáo.

2. Dung thông môn : Có bốn câu.

a. Hoặc tất cả đều vô lậu : Ngay cả địa vị phàm phu cũng vậy. Vì tánh thì ly các lậu. Như kinh nói: “Sắc vô lậu không trói buộc. Thọ, tưởng, hành, thức vô lậu không trói buộc …”.    

b. Hoặc tất cả đều hữu lậu : Ngay cả Phật cũng vậy. Vì không lìa pháp hữu lậu. Như kinh nói “Chư Phật an trụ trong tam độc, tứ đảo, ngũ dục … mà được A-nậu bồ-đề …”.

Câu a : Không khác với hữu lậu là vô lậu, nên hữu lậu chính là vô lậu.

Câu b : Không khác với vô lậu là hữu lậu, nên vô lậu chính là hữu lậu.

c. Hoặc vừa hữu lậu vừa vô lậu : Vì hai nghĩa trước không lìa nhau.

d. Hoặc lậu và vô lậu đều không : Vì đều lìa giải thoát và trói buộc. Như kinh nói: “Sắc không trói buộc cũng không giải thoát. Thọ, tưởng, hành, thức không trói buộc cũng không giải thoát …”.

C. Nhất thừa : Theo pháp giới duyên khởi, nếu không có một thì tất cả không thành. Dung nhau vô ngại, nhiếp hết trong bốn câu.

6. Cộng - bất cộng : Có hai. Trước nói về phần hạn. Sau nói về nghĩa tướng.

1. Phần hạn : Bất kỳ thế giới nào cũng đều là hữu tình. Vì do chủng tử cộng tướng đã thành thục, nên dị thục thức có lực biến ra tướng khí thế gian tương tợ như sắc v.v…

Hỏi : Phàm, một thế giới do dị thục thức của bao nhiêu hữu tình biến ra?

Đáp : Trong luận Duy Thức có ba Sư nói về việc này.

Sư I nói : Của tất cả hữu tình, vì Khế kinh nói: “Do nghiệp của tất cả hữu tình làm lực tăng thượng cộng khởi”.

Sư II phá : Nếu như vậy, trên thực tế, chư Phật và Bồ-tát nên thật biến ra tạp uế độ này, các dị sinh v.v… nên thật biến ra các tịnh diệu độ ở cõi này phương kia. Ngoài ra, các bậc thánh chán cõi hữu sắc sinh về cõi Vô sắc, chắc chắn không hạ sinh, thì biến ra cõi này để làm gì? Do ba lỗi lớn đó nên không được nói ‘tất cả hữu tình’, mà phải nói dị thục thức của kẻ hiện cư và đương sinh biến ra cõi này. Kinh y theo ít phần mà nói ‘tất cả’, là tất cả những kẻ đồng nghiệp đều cộng biến.

Sư III chuyển phá Sư II : Nếu như vậy, khi khí thế giới sắp hoại, đã không có kẻ hiện cư và đương sinh thì dị thục thức của ai biến ra cõi này? Còn các dị sinh chán lìa cõi hữu sắc sinh về cõi Vô sắc, hiện không có sắc thân thì biến ra quốc độ làm gì? Nếu có sắc thân thì cùng với khí của dị địa, thô tế cách xa, không y trì nhau, thì biến ra cõi đó được lợi ích gì? Do ba lỗi lớn đó mà không có việc kẻ hiện cư và đương sinh đều bất thành biến.

Nghĩa là : Thứ nhất, khi khí thế gian sắp hoại, kẻ đương sinh và hiện cư đều không thọ dụng. Thứ hai, nếu hiện thọ thân cõi Vô sắc, như thế ở cõi này không có nghĩa thọ dụng. Thứ ba, nếu là thân cõi hữu sắc thì cùng với đó, thô tế khác nhau, cũng không thể y trì thọ dụng. Cho nên, ba thứ này đều không có nghĩa biến. Nếu vậy thì thức của ai biến ra? Đúng nghĩa nên nói : Phàm, cõi được biến ra, vốn là để cho sắc thân y trì và thọ dụng. Vì thế, với cõi mà thân có thể có y trì và thọ dụng, nó liền biến ra đó. Do đây, nếu có sinh ở tự địa phương khác, thức đó vẫn có thể biến ra cõi này. Nên khi khí thế gian sắp hoại hay mới thành, tuy không có hữu tình mà quốc độ hiện hữu. Đây đều y theo luận Thành Duy Thức mà biện.

2. Nghĩa tướng:

A. Tiểu thừa : Đã là cực vi hợp thành, nên chỉ là cộng.

B. Tam thừa : Có bốn câu :

a. Hoặc đều là cộng : Y báo của mỗi người tuy không lìa thức mà thức thì khác, còn tướng quốc độ lại đồng. Vì chủng tử cộng tướng trong thức của mỗi người cộng hiện. Như gom bốn trần thành một cây cột. Tướng một cây cột không lìa bốn trần. Không phải cứ bốn trần là có bốn cây cột. Phải biết, đạo lý ở đây cũng vậy.

Nếu là tự thọ dụng độ, thì Phật cùng với chư Phật đồng có (cộng hữu) một quốc độ. Giống như pháp thân, chư Phật đồng nương (cộng y), vì đồng pháp tánh độ.

Nếu là tha thọ dụng độ, thì Phật cùng với Bồ-tát cộng hữu, như vua cùng với thần dân có chung một nước.

Các tạp nhiễm độ là sở hiện của hữu tình cộng (đồng) nghiệp, nên không khác.

b. Hoặc đều là bất cộng : Y quả như thế thực ra đều là bất cộng, vì đđều trong tự bản thức của mỗi người hiện ra. Luận nói: “Đều là dị thục thức của hữu tình, mỗi thứ biến ra, đồng xứ tương tợ, không chướng ngại nhau, như ánh sáng của các đèn, như nhiều giấc mộng. Loại nhân thì khác, tướng quả tương tợ, xứ sở không khác. Giả gọi là cộng mà thực ra mỗi thứ đều khác. Tịnh độ của chư Phật cũng như vậy. Mỗi thức biến riêng nhưng đều khắp pháp giới. Đồng xứ tương tợ, nên nói là cộng”. Giải thích : Nếu có một quốc độ độc lập, không tùy thuộc vào thức, thì ngoài tâm có pháp, duy thức bất thành. Luận nói: “Ta thuyết về thức, sở duyên chỉ là sở hiện của thức”. Do đây phải biết, tất cả đều từ thức biến, nên đều không đồng.

c. Hoặc vừa cộng vừa bất cộng : Vì hai thuyết trên không lìa nhau. Luận Du-già nói: “Các vật bên ngoài, hoặc do bất cộng phân biệt làm nhân, hoặc do cộng phân biệt làm nhân. Nếu là sở khởi của bất cộng phân biệt, thì khi phân biệt không, sở khởi đó cũng diệt theo. Nếu là sở khởi của cộng phân biệt thì phân biệt tuy không, nhưng nhờ tha phân biệt nhậm trì mà không diệt hẳn. Nếu không như vậy, phân biệt của tha không nên có quả của nó. Sở khởi đó tuy không diệt, đắc thanh tịnh, trong sự đó, chánh kiến thanh tịnh. Thí như hành giả tu quán nhiều, trong một sự, do định tâm trí mà có thể được vô lượng thắng giải dị kiến. Việc này cũng như vậy”. Giải thích : Đây nói về y báo tùy thuộc vào cộng phân biệt, còn bất cộng phân biệt thì như phần hai trên đã giải thích. Cho nên, bất cứ ngoại khí thế gian nào cũng đủ hai nghĩa trên mới thành, nên cả hai cùng tồn tại.

d. Hoặc cộng và bất cộng đều không : Có hai nghĩa :

. Vì hai thuyết trên hình và đoạt nhau, nhất định giữ một thì không thể được, nên cả hai đều không.

. Vì quốc độ nương nơi thức, nên tướng quốc độ không. Vì thức theo duyên mà khởi, không có tự tánh. Cho nên, cộng và bất cộng, tánh và tướng đều ly, không thể nói.

Những thứ nói trên, nếu quả báo là sở biến của thức A-lại-da, thì thuộc Sơ giáo. Nếu là sở hiện (chỉ cho A-lại-da) của Như Lai Tạng, thì thuộc Chung giáo. Nếu tất cả tướng diệt hết, chỉ là nhất tâm thanh tịnh bình đẳng, ly ngôn, tuyệt nghĩ, thì thuộc Đốn giáo.

C. Nhất thừa (Viên giáo) : Có hai nghĩa.

1/ Như các giáo đã nói trên, mà đồng với vô tận pháp giới, trùng trùng như lưới châu của trời Đế Thích, tương tức, tương nhập, vô ngại, đầy đủ chủ bạn, thì nhiếp thuộc đây.

2/ Lấy nghĩa mà xét, cũng có bốn câu :

a. Hoặc chỉ có cộng : Vì đồng nhất pháp giới, vì tương tức.

b. Hoặc chỉ có bất cộng : Vì duyên khởi, mỗi thứ riêng khác. Vì tướng không lẫn tạp.

c. Hoặc vừa cộng vừa bất cộng : Vì hai nghĩa trên không lìa nhau. Vì toàn thể tương tức mà bất hoại.

d. Hoặc cộng và bất cộng đều không : Vì hai tướng đều mất. Vì hình và đoạt dứt.

7. Thế gian - niết bàn : Có hai. Trước là Tùy tướng. Sau là Dung thông.

1. Tùy tướng : Có 4 câu.

a. Hoặc chỉ là thế gian : Là chỗ ở của phàm phu và hàng Bồ-tát chưa đăng địa.

b. Hoặc chỉ là niết bàn : Là quả vị niết bàn, chỗ trụ của chư Phật. Tự thọ dụng độ cũng thuộc đại niết bàn này.

c. Hoặc vừa thế gian vừa niết bàn : Theo luận Thật Tánh v.v… thì y nơi pháp giới vô lậu có ba loại ý sinh thân cần phải biết. Vì là sở tác của thiện căn vô lậu, nên gọi là thế gian. Không phải là sở tác của nghiệp hữu lậu phiền não, nên gọi là niết bàn. Y theo nghĩa này mà kinh Thắng Man nói: “Bạch Thế Tôn! Có thế gian hữu vi và thế gian vô vi. Có niết bàn hữu vi và niết bàn vô vi”. Giải thích : Thế gian hữu vi là phàm vị. Niết bàn vô vi là Phật quả. Niết bàn hữu vi và thế gian vô vi là biến dịch báo. Sở vọng khác nên thuộc câu “Vừa thế gian vừa niết bàn”.

d. Hoặc thế gian và niết bàn đều không : Pháp giới thanh tịnh của chư Phật thì phi thế gian phi niết bàn. Vì không phải là niết bàn của Nhị thừa, cũng không phải là Song Lâm niết bàn.

2. Dung thông : Có bốn câu.

. Hoặc chỉ là thế gian : Vì tịnh độ của Phật cũng nhiếp thuộc khí thế gian.

. Hoặc chỉ là niết bàn : Vì nhiễm độ của chúng sinh cũng tương tận, đồng tánh.                    

. Hoặc vừa thế gian vừa niết bàn : Vì lý sự vô ngại. Luận nói: “Thế gian cùng niết bàn không hào ly sai biệt”. Vì không sai biệt, nên không hai mà cả hai cùng hiện tiền.            

. Hoặc thế gian và niết bàn đều không : Vì không hào ly phân biệt, nên hai mà không hai. Hình và đoạt đều dứt, nên cả hai đều không. Kinh nói: “Như Lai không thấy sinh tử cũng không thấy niết bàn”. Kinh này nói: “Thế gian và niết bàn, cả hai bất khả đắc” là chỗ này.

8. Y báo - chánh báo :

A. Tiểu thừa : Chỉ có y báo.

B. Tam thừa : Khí thế gian tuy là sở hiện của kính trí và bản thức, nhưng chỉ nhiếp thuộc y báo.

C. Nhất thừa (Viên giáo) : Thông cả tam thế gian. Vì Phật Lô-xá-na có thân quốc độ v.v… nên thế giới đều là Phật thân. Lại có thế giới hình chúng sinh v.v… nên chúng sinh là thế giới. Đây là y và chánh dung thông vô ngại, tương tức, tự tại.

9. Nhân - pháp :

A. Tiểu thừa : Không có nhân pháp.

B. Tam thừa : Có thể có nghĩa pháp môn này.

C. Nhất thừa : Đều có đủ, như :

a. Hoặc chỉ là nhân : Là Phật, Phổ Hiền, chúng sinh v.v...

b. Hoặc chỉ là pháp : Là các thế giới. Như văn đây nói: “Diệu hình thanh tịnh, nhập vào vô lượng, các môn chánh pháp”. Đây là nói thế giới v.v… đều là pháp môn.

10. Vô ngại :

A. Tiểu thừa : Thế giới chỉ là SỰ tướng. Theo đó các thứ khổ, không, vô thường, vô ngã là LÝ.

B. Tam thừa : Chỉ có pháp tánh độ là LÝ. Các thứ còn lại đều là SỰ.

Hai tông trên, LÝ và SỰ không phải một cũng không phải khác, gọi là vô ngại.

C. Nhất thừa : Lược có 10 thứ :

1/ Tình sự vô ngại : Ứng tình mà hiển hiện SỰ siêu vượt ngoài tình. Kinh này nói kệ: “Thí như huyễn không phương, đều từ vọng tưởng sinh”.

2/ Lý sự vô ngại : Toàn đồng chân tánh mà tướng quốc độ rõ ràng. Kinh này nói kệ: “Pháp giới không thể hoại. Liên Hoa thế giới hải …”.

3/ Tương nhập vô ngại : Kinh này nói kệ: “Vì một Phật độ khắp mười phương. Mười phương nhập một cũng không dư …”.

4/ Tương tức vô ngại : Kinh này nói “Vô lượng thế giới tức một thế giới v.v…”.

5/ Trùng hiện vô ngại : Trong hạt bụi thấy tất cả cõi. Trong cõi đó, thấy hạt bụi chứa tất cả cõi cũng như thế. Cứ vậy mà trùng trùng như lưới châu trời Đế Thích.

6/ Chủ bạn vô ngại : Phàm, một thế giới nhất định có tất cả thế giới, lấy đó làm quyến thuộc.

7/ Thể dụng vô ngại : Một sát hải tất phải có đại dụng, tùy cơ thuyết pháp.

8/ Ẩn hiện vô ngại : Nhiễm tịnh ẩn hiện, khác loài ẩn hiện v.v... Ứng duyên ắt hiểu.

9/ Thời xứ vô ngại : Hoặc trong một cõi hiện tam thế kiếp. Hoặc trong một niệm hiện vô lượng cõi. Như vậy mà vô ngại.

10/ Thành hoại vô ngại : Vì thành tức là hoại, hoại tức là thành v.v… hiển hiện vô ngại tự tại khó biết, vượt khỏi tình lự.

Mười thứ này vô ngại, đồng thời, đầy đủ. Phải lấy 6 tướng phương tiện mới dung hội được chúng.

Mười nghĩa thế giới lược nêu như vậy. Các nghĩa tướng còn lại, tùy văn sẽ hiển.

2. Y môn biệt giải thích : Trong 10 sự, sự đầu không giải thích. Vì giải thích 9 sự sau chính là giải thích Thuyết thế giới hải. Văn kinh, đầu tiên giải thích 8 sự. Sau, giải thích sự thứ mười. Trong 8 sự đó thì 7 sự đầu, mỗi sự đều có hai phần là trường hàng và trùng tụng.

2/1 THUYẾT THẾ GIỚI HẢI : Không có trùng tụng.

2/2 KHỞI ĐỦ NHÂN DUYÊN THẾ GIỚI HẢI :
Đoạn "Lúc ấy, Bồ-tát Phổ Hiền nói với các Bồ-tát rằng... vì có đủ nhân duyên nhiều ..."

TRƯỜNG HÀNG

Có bốn : 1/Nêu. 2/Thành. 3/Biện. 4/Kết.

TẤT CẢ THẾ GIỚI HẢI : Là ba loại, đều không như nhau.

ĐÃ THÀNH TỰU … : Thứ nhất, các duyên này thành tựu hết thảy thế giới trong ba đời, nhưng các thế giới đã, chưa … thì có khác. Thứ hai, thành tựu một thế giới thì trùm khắp ba đời. Phần thứ nhất, là duyên chung mà thế giới riêng. Phần thứ hai, thì thế giới chung mà duyên riêng. Đây thuộc Nhất thừa.

Ý tám duyên :

1/ Hậu đắc thông tuệ.

2/ Pháp nhĩ duyên khởi.

3/ Nghiệp lực của kẻ được hóa độ.

4/ Bồ-tát hạnh viên mãn, ngay nơi thế giới đó mà được thành Phật. Chính do lực này mà thế giới đó được thành tựu.

5/ Phổ nhân thành tựu.

6/ Bồ-tát vì nghiêm tịnh cõi vô dư mà tu nguyện hạnh. Quốc độ tùy nguyện hạnh mà chứa giữ vô ngại, nên nói GIẢI THOÁT TỰ TẠI.

7/ Chánh nhân đại giác.

8/ Phổ nguyện nhiếp thành.

Trong 8 duyên trên, 4 duyên đầu là quyền thành, tướng của nó còn thô, chung cho cả nhiễm. 4 duyên sau là thật thành, tướng của nó vi tế, chỉ thuộc tịnh. Như kinh nói: “Cõi này của ta thường an ổn …”. Nhưng một thế giới có đủ cả thô tế.

8 duyên này, tổng lại thành 4 đối :

. Duyên (1) và (7) : Ứng vào Phật, để rõ quyền thật.

. Duyên (8) và (5) : Ứng riêng vào Phổ Hiền, để rõ quyền thật. Vì duyên (8) là vì chúng sinh.

. Duyên (4) và (6) : Ứng chung cho tất cả Bồ-tát, để rõ quyền thật.

. Duyên (2) và (3) : Ứng vào lý sự, làm quyền thật. Vì nghiệp hạnh là do duyên mà thành, không thật.

Vì sao cần phải đủ 4 duyên như vậy? Vì Phật là giáo chủ. Phổ Hiền là trợ hóa. Bồ-tát và chúng sinh là kẻ được giáo hóa. Hai duyên đầu, nếu không có quyền thì không lấy gì thành thục chúng sinh, nếu không có thật thì không do đâu ứng hợp với chân. Hai duyên sau, tuy duyên nghiệp báo của chúng sinh hư vọng, nhưng lại có chân tánh làm sở y. Có vô lượng nhân duyên như 8 duyên đó thành tựu một thế giới, không chướng ngại nhau, toàn thể biến thu. Tác, bất tác v.v… đều theo tánh duyên khởi. Tức không tức có, tức một tức nhiều, dung thông không phân biệt. Mỗi thế giới còn lại, theo đó mà suy.

TRÙNG TỤNG

Gồm 20 bài kệ. Phân thành 7 phần.

4 bài đầu tụng về thần lực của Phật đã nói trên.

Kệ (1) : Cõi giới y nơi kính trí mà hiện.

Kệ (2) : Quốc độ do hạnh tu mà thành.

Kệ (3) : Hóa độ Bồ-tát.

Kệ (4) : Giác ngộ chúng sinh.

4 bài kệ kế là Bồ-tát ứng đắc đạo lực.

Kệ (5) : Nửa bài đầu, nói về nhân hạnh. Nửa bài sau, nói về quả trí. ĐỘ là đến.

Kệ (6) : Nửa bài đầu, là cái nhân để có quốc độ. Nửa bài sau, quả quốc độ xuất hiện.  

Kệ (7) : Nửa bài đầu, là thành tựu cái nhân của y và chánh báo. Nửa bài sau, chứng nhập quả cảnh của y và chánh báo đó.

Kệ (8) : Nửa bài đầu, nói cái quả rộng khắp. Nửa bài sau, nói cái nhân lâu xa.

Kệ (9) và (10) : Nghiệp lực của chúng sinh.

Kệ (11) và (12) : Lực nguyện hạnh của Bồ-tát nghiêm tịnh Phật độ.

Kệ (13) và (14) : Lực thiện căn của Phổ Hiền.  

Kệ (15) (16) (17) (18) : Nguyện lực tự tại của Phổ Hiền.

Kệ (19) và (20) : Quả y báo (y quả) của Phật.

Các bài kệ này tụng chung duyên khởi dị nghĩa. Vì pháp vốn như vậy, nên không tụng riêng.

2/3 TRỤ THẾ GIỚI HẢI
Đoạn "Lúc ấy, Bồ-tát Phổ Hiền nói với các Bồ-tát rằng... Chỗ y trụ của mỗi thế giới..."

TRƯỜNG HÀNG

Có hai phần

1. Nêu số đầy đủ : Phàm là một thế giới, đều có đủ sát trần sở y như thế, nên nói MỖI.

2. Liệt kê 7 việc :

1/ Y trụ lực thiện tịnh.

2/ Y trụ vô ngại.

3/ Y trụ báu như ý hoặc y trụ tất cả báu.

4/ Y trụ quang minh thông suốt.

5/ Y trụ lực duyên khởi.

6/ Y trì pháp thân.

7/ Y trụ pháp giới nguyện.

Theo luận Đại Trí Độ thì “MA-HA gọi là đại. NA là không. GIÀ là tội”. Đây là xét về nghĩa KHÔNG LỖI mà giải thích. Lại nói: “Hoặc gọi là đại tượng, là loài có lực lớn trên cạn. Hoặc gọi là đại long, là loài có lực lớn dưới nước”. Trước, như khéo điều phục đại tượng phá tan quân địch, là nói tự lợi. Sau, như đại long giáng mưa, là nói lợi tha.

TRÙNG TỤNG

Gồm 16 bài kệ rưỡi. Phân làm 9 phần :

Kệ (1) : Y trụ trang nghiêm.

Kệ (2) : Y trụ hư không.

Kệ (3) và (4) : Y trụ báu.

Kệ (5) : Nói về Phật quang, chính là UY THẦN.

Kệ (6) : Y trụ lực sĩ Kim Cang.

Kệ (7) (8) (9) (10) (11) : Nói về sát trần sở y đã nêu trong phần “Nêu số” trên. Đây có lược bớt.

Kệ (12) và (13) : Y trụ huyễn nghiệp.  

Kệ (14) : Nguyện lực Phổ Hiền.

Kệ (15) (16) (16.5) : Hiển chung tướng an trụ lưới Nhân-đà-la.

Kệ (15) : Trong một hạt bụi hiện y và chánh báo.

Kệ (16) (16.5) : Nhiều hạt bụi hiện y và chánh báo.

2/4 HÌNH THẾ GIỚI HẢI
Đoạn "Lúc ấy Bồ-tát Phổ Hiền nói với các Bồ-tát rằng... có nhiều loại hình...". 

TRƯỜNG HÀNG

Nêu riêng 7 loại hình. 4 loại đầu và loại thứ (7) là ngay nơi tướng mà nói hình trạng. Loại (5) và (6) là dùng thí dụ hiển hình trạng.

1. VUÔNG, như cái đấu.

2. TRÒN, như hạt châu.

3. KHÔNG VUÔNG, như hình ba phương.

4. KHÔNG TRÒN, như hình tám góc.

5. HÌNH XOÁY NƯỚC.

6. HÌNH HOA.

7. HÌNH CHÚNG SINH, có hai nghĩa :

. Có thế giới tợ như hình chúng sinh.

. Mọi loại chúng sinh đều là thế giới. Như tám vạn hộ trùng trong thân, mỗi hộ có chín ức con trùng v.v… Đây chính là thế giới. Theo văn sau, đó cũng là chỗ mà Phật Lô-xá-na chuyển pháp luân. Cho nên, văn kinh chỉ nói HÌNH CHÚNG SINH mà không nói NHƯ HÌNH CHÚNG SINH, là vì lấy chúng sinh làm giới. Các thứ này, mỗi loại hình đều biến khắp pháp giới.

TRÙNG TỤNG

Gồm 17 bài rưỡi. Phân làm hai :

# 3 bài kệ đầu tụng lại phần trường hàng trước.

Kệ (1) : Lặp lại tổng số đã nói trên.

Kệ (2) : Lặp lại từng hình đã nói trên. Chỉ nói về bốn dạng đầu, bỏ qua ba dạng sau. Theo luận Trí Độ, châu ma-ni có tám góc, dụ cho hình có tám góc đây.  

Kệ (3) : Nửa bài đầu, hiển nhân khác nhau. Nửa bài sau, nói về quả tướng.

# 14 bài kệ rưỡi sau nói về đức dụng của quốc độ. Phân làm hai :

Kệ (4) đến (9.5) : Nói về đức tự tại.

Kệ (4) (5) (6) là ứng vào Phật hiển quốc độ, để rõ khả năng ứng cơ.

Kệ (4) : THỂ ứng thành pháp môn.

Kệ (5) : TƯỚNG hiển soi cơ.

Kệ (6) : Lô-xá-na quang chiếu là thứ thuộc Phật.

Kệ (7) (8) (9) (9.5) là ứng vào căn cơ. Do ứng cơ mà thành sai biệt.

Kệ (7) : Căn cơ và tâm nghiệp khác nhau, cảm ra quốc độ với nhiều hình tướng.

Kệ (8) : Phật độ tự tại, có thể tùy theo cơ cảm mà ứng hiện khác nhau.

Kệ (9) : Tuy ứng thành nhiễm tịnh mà pháp lưu chẳng đoạn.

Kệ (9.5) : Kết luận : Nghiệp có nhiều môn, cảm hiện khó lường.

Kệ (10) đến (17) : Nói về dụng tự tại của quốc độ.

Kệ (10) (11) (12) (13) : Y báo và chánh báo tự tại.

Kệ (10) (11) : Lỗ lông hiện quốc độ. Nơi đó, Phật vì chúng sinh thuyết pháp. LỖ LÔNG, là nói chánh báo nhiếp y báo, Phật vẫn tự tại trong lỗ lông.

Kệ (12) (13) : Trong hạt bụi hiện mọi loại hình giới. Cũng tại nơi đó, Phật chuyển phổ pháp luân. HẠT BỤI, là nói y báo nhiếp chánh báo …

Kệ (14) (15) : Xuất sở nhân. Do đâu mà được cái tự tại chứa giữ này? Một, do lực thệ nguyện tự tại của Phật. Hai, do tâm nghiệp của chúng sinh không thể nghĩ bàn.

Kệ (16) (17) : Kết dụng về chủ.

Kệ (16) : Phật trong hạt bụi.

Kệ (17) : Nửa bài đầu, nêu quốc độ trong hạt bụi nhỏ. Nửa bài sau, kết qui về chủ.

2/5 THỂ THẾ GIỚI HẢI
Đoạn "Lúc ấy Bồ-tát Phổ Hiền nói với các Bồ-tát rằng... có nhiều thứ thể..."

TRƯỜNG HÀNG

Trong biệt, cả 5 đều ứng vào sự mà hiển. Luận về thể của quốc độ, có 5 lớp : Chân như, chân trí, bản thức, ngũ trần, các sự. Các sự là pháp môn.

TRÙNG TỤNG

Gồm 10 bài kệ nói về Thập hạnh.

Kệ (1) : Thể hoa báu.

Kệ (2) : Thể hư không rực rỡ.

Kệ (3) : Thể Quang minh.

Kệ (4) : Thể nguyện lực và ánh chớp

Kệ (5) : Thể nhật châu.

Kệ (6) : Thể báu rực rỡ và biến hóa.

Kệ (7) : Thể Phật hóa.

Kệ (8) : Thể tâm nghiệp : Có khi nghiệp khởi tâm hải thành quốc độ. Có khi tâm nghiệp khởi quốc độ. Có khi vọng niệm là thể.

Kệ (9) : Thể quang minh của Phật thân.

Kệ (10) : Thể Phổ Hiền hóa nguyện.

Các thứ này đều tùy ý biện tài mà thuyết, nên không cần thứ lớp.

2/6 TRANG NGHIÊM THẾ GIỚI HẢI
Đoạn "Lúc ấy Bồ-tát Phổ Hiền nói với các Bồ-tát rằng... có các loại Trang nghiêm..."

TRƯỜNG HÀNG

Trong biệt có 4 :

1/ Nêu tướng chung của mây.

2/ Nghiệp hạnh nhiễm ô.

3/ Nhân quả thanh tịnh.

4/ Kết luận.

TRÙNG TỤNG

Gồm 10 bài kệ, phân làm 5.

Kệ (1) : Tụng lại tổng số đã nói trên.

Kệ (2) (3) : Nói về mây trang nghiêm.

Kệ (4) : Nghiệp chúng sinh trang nghiêm.

Kệ (5) (6) (7) (8) (9) : Tụng lại Phật trang nghiêm đã nói trên.

Kệ (5) và (6) : Trang nghiêm y báo.

Kệ (7) : Trang nghiêm chánh báo. Vì Phật số đồng với chúng sinh, hoặc số chúng sinh đồng với Phật.

Kệ (8) (9) : Nhiều loại trang nghiêm.

Kệ (10) : Phổ Hiền trang nghiêm.

2/7 THANH TỊNH THẾ GIỚI HẢI
Đoạn "Lúc ấy Bồ-tát Phổ Hiền nói với các Bồ-tát rằng... có các loại Thanh tịnh..."

TRƯỜNG HÀNG

Trong biệt có 5 :

1/ Hạnh duyên thanh tịnh.

2/ Tự lợi thanh tịnh.

3/ Lợi tha thanh tịnh.

4/ Hạnh mãn thanh tịnh.

5/ Đắc vị thanh tịnh.

Đều là từ phần trước khởi phần sau.

Bàn rộng về quốc độ thanh tịnh thì có 7 :

1/ Đương thể thanh tịnh : Lấy tịnh thức làm tướng v.v…

2/ Sự tướng thanh tịnh : Báu thanh tịnh v.v…

3/ Thọ dụng thanh tịnh : Vì thọ dụng cõi này chính là diệt hoặc thành tựu công đức.

4/ Trụ xứ chúng sinh thanh tịnh : Vì chúng sinh có đức đầy khắp thế giới này, nên nói thanh tịnh.

5/ Chủ thanh tịnh : Vì là quốc độ của Phật v.v…

6/ Nhân tịnh hạnh xuất sinh : Như kệ nói: “Vô lượng hạnh hải được tu tập …”

7/ Tịnh hạnh là quốc độ, nên nói thanh tịnh. Là lấy hạnh làm chỗ y chỉ. Theo văn kinh thì có thể hiểu.

TRÙNG TỤNG

Gồm 9 bài kệ. Phân làm 6 :

Kệ (1) : Tụng tổng số.

Kệ (2) : Thân gần thiện tri thức.

Kệ (3) (4) : Nói về tự lợi.

Kệ (3) : Tam-muội hạnh.

Kệ (4) : Tín nhẫn hạnh.

Kệ (5) : Nói về lợi tha.

Kệ (6) (7) : Hai hạnh tự lợi và lợi tha đều viên mãn.

Kệ (8) (9) : Đắc vị được lợi ích.

2/8 NHƯ LAI XUẤT THẾ THẾ GIỚI HẢI
Đoạn "Lúc ấy, Bồ-tát Phổ Hiền... Mỗi thế giới hải có chư Phật xuất thế ..."

TRƯỜNG HÀNG

Phân làm ba.

Câu đầu, là hiện thân trùm khắp. Một thân trùm khắp tất cả pháp giới sai biệt. Mỗi một chỗ, thân đều toàn hiện mà không phân thân cũng không có phần hạn.

THỌ MỆNH NGẮN … VÔ LƯỢNG KIẾP : Như Phật Tu-phiến-đa sớm thành tối diệt, Ca Diếp bảy ngày, Thích-ca tám mươi năm v.v… Đó là thọ mệnh ngắn. Di Lặc tám vạn, Di Đà tính không xuể v.v… là thọ mệnh dài. Đều do cơ cảm mà như vậy.

Câu đầu, là ứng vào tất cả XỨ mà hiện. Hai câu sau, là ứng vào tất cả THỜI mà hiện. Vì ngắn dài đều đủ, nên là tất cả thời.

Hỏi : Nếu vậy, sao xứ sao không như thế ?

Đáp : Pháp giới sai biệt có cả ít nhiều, thông cả có không, nên nói TRÙM KHẮP.

TRÙNG TỤNG : Gồm 10 bài kệ.

. Kệ (1) (2) (3) tụng về phần trường hàng khác.

Kệ (1) : Nói tổng quát.

Kệ (2) : Thân trùm khắp.

Kệ (3) : Thời gian ngắn dài.

. Kệ (4) đến (10): Phật xuất hiện với thắng dụng không cố định.

Kệ (4) : Nghiêm tịnh quốc độ lúc nhiều, lúc ít.

Kệ (5) : Thuyết về thừa lúc nhiều, lúc ít.

Kệ (6) : Độ sinh lúc nhiều, lúc ít.

Kệ (7) : Hóa hiện lúc rộng, lúc hẹp.

Kệ (8) : Viên âm ứng khắp.

Kệ (9) : Chủ bạn đầy khắp.

Kệ (10) : Biển từ hiện khắp và tổng kết.

Trong đó, có khi thọ mệnh ngắn mà độ nhiều chúng sinh. Có khi thọ mệnh dài mà độ ít chúng sinh. Có khi thọ mệnh dài mà độ nhiều chúng sinh. Có khi thọ mệnh ngắn mà độ ít chúng sinh. Có khi thọ mệnh ngắn mà thuyết ít thừa. Hoặc ngược lại. Có khi thọ mệnh dài mà thuyết nhiều thừa. Hoặc ngược lại. Các thứ như thế đồng với hư không, pháp giới v.v... đều là chỗ thị hiện của lực từ hải (biển từ).

2/9 KIẾP THẾ GIỚI HẢI
Đoạn " Lúc ấy Bồ-tát nói với các Bồ-tát rằng: "Này các Phật tử! Phải biết thế giới hải có các kiếp trụ như số thế giới hải... "

TRƯỜNG HÀNG

Câu tổng : KIẾP TRỤ NHƯ BỤI : Không phải mỗi thế giới đều trụ số kiếp như bụi, mà kiếp trụ của mỗi thế giới không đồng, khi ít (kiếp trụ ngắn) khi nhiều ( kiếp trụ dài) sai biệt như bụi.

Biệt : Đoạn “Nghĩa là, … có thể tính”, là nêu hai môn.

Đoạn “Như thế … thế giới hải”, là tổng kết kiếp trụ sai biệt. Nghĩa, như đã giải thích.

TRÙNG TỤNG

Không có.

2/10 HOẠI PHƯƠNG TIỆN THẾ GIỚI HẢI

(Giải thích riêng về Hoa Tạng giới)

HOẠI có hai loại :

. Thành tức là hoại : Vì các duyên đều vô tác. Vì tánh tự hoại.

. Tam tai hoại : Là sự hoại.

Phần trường hàng, biện về nghĩa đầu. Phần trùng tụng, nói về nghĩa sau.

Giải thích : Nghĩa đầu là HOẠI thành. Nghĩa sau là THÀNH và HOẠI hoại, nên gọi là HOẠI PHƯƠNG TIỆN. Do nghĩa hoại sau cũng theo duyên, không tánh. Vì sao cả hai đều phải hoại? Vì muốn khiến kiến tâm hết, thành và hoại viên thông.

Hỏi : Nếu vậy, nghĩa đầu cũng có thể nói “Bất thành nên thành thành”, nghĩa sau là “Bất hoại nên thành hoại”. Đây là hoại và thành, cả hai đều thành. Sao không như thế?

Đáp : Lý thì đúng như vậy. Chỉ vì văn kinh đây giải thích nghĩa hoại mà không giải thích nghĩa thành, nên không nói.

Văn kinh có hai :

A. Nêu ý tổng : Phân biệt Hoa tạng, khai thị quần cơ.

B. Phần Phổ Hiền thuyết. Có ba : Nêu chủ nói nhân. Nhân thành quả. Kết quả qui về chủ.

I. Nêu chủ nói nhân: Đoạn “Liên Hoa tạng … hải vi trần”.

Có hai : Tổng biện và biệt biện.

1. Tổng biện : Từ Sơ phát tâm đã tu nhân này, để rõ nhân dày quả lớn.

Hỏi : Luận Du-già nói: “Tất cả chư Phật đều phải trải qua ba a-tăng xí-da kiếp tu hành thành Phật, không tăng không giảm”, sao đây lại nói a-tăng-kỳ thế giới? Nếu mỗi thế giới đều băm thành bụi nhỏ (vi trần), mỗi bụi nhỏ là một kiếp, thì sẽ có số a-tăng-kỳ kiếp không thể nói. Sao có việc không đồng như vậy?

Đáp : Đó là ứng vào Tam thừa, y cứ theo hóa nghi của một phương, chỉ ngay thế giới Tu-di lâu sơn này mà nói. Kinh Bảo Vân nói: “Ta vì chúng sinh có căn cơ cạn mỏng mà nói ba a-tăng-kỳ kiếp tu hành. Thật ra, ta đã tu hành vô lượng a-tăng-kỳ kiếp”. Nói như vậy, vì muốn hội Tam thừa về Nhất thừa. Văn kinh đây, ứng vào Nhất thừa khai thông mười phương đồng với lưới Nhân-đà-la và các loại thế giới như hình, cây v.v… mà nói. Cũng ứng vào pháp mà nói về thời. Vì pháp vô tận nên thời cũng vô tận. Trong kinh, vừa lấy 10 số lớn đầu làm chuẩn, vừa lấy cả lưới nhân-đà-la làm dụ, nên là vô tận.

Hỏi : Nếu vậy, một kiếp tức là vô tận. Sao không chỉ nói một kiếp?

Đáp : Trong đó, vô tận và vô tận.

Đức không gì không toàn, nên nói NGHIÊM. Cấu không gì không sạch, nên nói TỊNH. Câu đầu, là phước trí trang sức lẫn nhau. Câu sau, là đoạn đức lìa nhiễm. Được nghiêm chính là TỊNH NGHIÊM.

2. Biệt biện : Bàn rộng về nhân của quốc độ, có hai thứ :

1. Y nhân : Là chân như, tịnh thức và kính trí.

2. Sinh nhân : Là các hạnh nguyện vi diệu. Có ba loại :

1/ Phước lớn : TRONG MỖI KIẾP là thời gian rộng lớn. CUNG KÍNH CÚNG DƯỜNG … là cái nhân rộng lớn. Vì là Phật, nên ruộng phước thù thắng sâu dày. Phẩm Thập Địa sau, còn có tất cả vật cúng dường, là vật cúng dường rộng lớn. Dùng thượng tâm thâm tâm, là tâm cúng dường rộng lớn. Văn đây lược bớt, nên chỉ còn vậy.

Theo Địa Luận, CUNG KÍNH CÚNG DƯỜNG, mỗi thứ có ba loại. Nên tìm đọc ở luận đó.  

Theo luận Tân Kim Cang Bát-nhã quyển thượng, CÚNG DƯỜNG cũng có ba loại :

. Cung cấp, hầu hạ hai bên.

. Nghiêm biện sở tu.

. Tuân thừa pháp yếu.

2/ Đại nguyện : Mỗi một kiếp là thời gian dài. MỖI CHỖ PHẬT là nói thắng duyên lớn. TỊNH TU NGUYỆN … là nói nguyện lớn, là dùng lời thề lớn muốn tự mình phải thành tựu quả này, là cần phải nguyện. Tu phước hạnh mà muốn thành tựu quả này thì nhớ phải nguyện. Đối trước Phật phát hoằng thệ nguyện, là TU. Chân thật lìa nhiễm, là TỊNH. 10 đại nguyện, gồm lời nguyện nghiêm tịnh Phật độ và các lời nguyện còn lại, nên tìm mà so sánh.

3/ Diệu hạnh : Tu thì thời gian lâu xa, duyên sâu, hạnh lớn, việc nhiều. Đối duyên tiến tạo, là TU. Tu thành lìa nhiễm, là TỊNH. HẠNH gồm thập độ, lục độ … cho đến tất cả hạnh, cứ theo đó mà suy.

Trong 3 thứ trên, PHƯỚC LỚN là tự lợi, DIỆU HẠNH là lợi tha, ĐẠI NGUYỆN là cho cả hai. Cũng đầy đủ bốn thứ nhiều, là bốn thứ tu :

a. Số kiếp nhiều như bụi (vi trần), là thời gian nhiều, tức tu hành lâu xa.

b. Cúng dường Phật nhiều như bụi, là cúng dường Phật nhiều, là tu hành cung kính.

c. Phát nguyện nơi chỗ của mỗi Phật, là nguyện nhiều, là tu không ngừng, tức nguyện tâm tương tục.

d. Hạnh nhiều như bụi, là khởi hạnh nhiều, là tu không sót thứ gì.

II. Nhân thành quả: Đoạn “Có phong luân nhiều…”.

Phân làm hai : Nói về chủ thế giới này và kết thông.

Nói về CHỦ THẾ GIỚI này có ba.

. Hiển bản thế giới làm chỗ y trì.

. Thứ lớp hiển lại nhiều loại tánh thế giới.

. Lặp lại 12 Phật độ và 7 tánh thế giới.

Như vậy, cảnh giới Phật bổn sư nhiếp hóa và các giáo được thuyết, phần hạn không đồng:

- Nếu là Tiểu thừa, thì chỉ có một thế giới Sa-bà này.

- Nếu là Tam thừa, thì có hai :

. Hóa cảnh của hóa thân, là thế giới Sa-bà v.v...

. Hóa cảnh của thân tha thọ dụng, là thập bát viên mãn tịnh độ v.v...

- Nếu là Nhất thừa, thì đó là hóa cảnh của thập Phật.