Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký Q3
LÔ XÁ NA - Phẩm 2 (Phần 1)
Giải thích văn kinh.
15/07/2017HOA NGHIÊM KINH THÁM HUYỀN KÝ
(Xem tại đây)
B. GIẢI THÍCH VĂN KINH
Phẩm này có hai phần : Đại chúng nghi thỉnh và Như Lai hiện đáp.
B/A ĐẠI CHÚNG NGHI THỈNH : Có hai : Các hội thưa hỏi và Giải thích văn kinh.
A1 CÁC HỘI THƯA HỎI : Có 4 môn.
1. Có hay không có : Trong 8 hội thì 2 hội đầu và 2 hội cuối là có thưa hỏi. Những hội còn lại đều không. Vì sao? Vì hội I nêu quả để khởi nhân nên hỏi. Hội II, vì xét từ nhân đến quả nên hỏi. Chỉ vì nhân vị có lên xuống mà phải mượn hội V để đáp quả vị không có sai khác, nên trong hội V có phần trả lời. Song giữa hội V, trong các phẩm vẫn có những câu hỏi khác, đều để hiển sự sai biệt của pháp được thuyết trong hội, theo đó mà có hỏi đáp, không phải chỉ hỏi về tướng của đại vị. Hội VII thuyết nhân quả thuần thục, nên có hỏi. Vì hạnh tu vô ngại, lục vị đốn thành, nên ngay trong hội VII cũng có phần trả lời. Hội VIII hiển nhân quả xứng tánh, nên có hỏi. Vì đều nhập pháp giới không có sai biệt, nên cũng được trả lời ngay trong hội VIII.
2. Pháp được hỏi không đồng : Hội đầu và hội VIII, tuy quả phần có nhân, song sở tín nhiếp hóa không đồng. Hội II và hội VII, tuy nhân phần có quả, song vị hạnh lại khác.
3. Người hỏi không đồng : Hội đầu và hội VIII, hai chúng Đồng sanh và Dị sanh ở mỗi hội đều có hỏi. Vì hai chúng đồng y theo pháp được hỏi đó. Hội II thì chỉ có chúng Đồng sanh hỏi, vì địa vị sở nhập của chúng Đồng sanh thù thắng hơn. Hội VII chỉ có một người hỏi, vì hạnh tu có chỗ thành tựu riêng.
4. Nghi thức thưa hỏi : Có hai : Thuộc ngôn niệm và thuộc thông biệt.
1. Ngôn niệm : Phàm nói về thưa thỉnh, có hai : Một là thưa thỉnh bằng lời. Hai là thưa thỉnh bằng niệm. Đáp cũng có hai : Một là dùng lời mà đáp. Hai là hiện tướng mà đáp. Hai thứ hỏi đáp này, theo thứ tự giao kết mà thành bốn câu. Để thành tựu tam tuệ thì có hai lệ này.
Hội đầu, hội II và hội VIII chỉ dùng niệm thưa hỏi. Đáp thì dùng cả hai thứ lời và tướng mà đáp : Phật thì hiện tướng đáp, còn Bồ-tát thì dùng lời đáp. Vì đối trước Phật mà thưa hỏi thì không đợi phải có lời. Phật trí nhận được niệm nghi của hội chúng, liền tự tại hiện thân tướng để đáp. Hội VII chỉ dùng lời mà hỏi, cũng dùng lời mà đáp, vì hạnh pháp hiển rõ qua lời nói. Lại, vì hội chúng vấn nghi Phổ Hiền, nên Phổ Hiền đáp lại.
2. Thông và biệt : Hội đầu và hội VIII hỏi riêng nhưng đáp thì chung. Hội II và hội VII hỏi riêng mà đáp cũng riêng.
A2 GIẢI THÍCH VĂN KINH : Có hai phần. Đầu tiên là văn xuôi (trường hàng). Sau, lặp lại bằng kệ tụng (trùng tụng). Đại lệ sai biệt của hai thứ này có mười :
1. Lợi - độn : Độn căn chưa ngộ nên dùng tụng lặp lại.
2. Trước - sau : Vì người sau chưa nghe nên vì họ mà tụng lại (trùng tụng).
3. Sinh - thục : Người thuần thục, ngay nơi lời nói liền khế ngộ. Kẻ chưa thuần thục thì phải có phương tiện khéo léo mới hiểu, nên có trùng tụng.
4. Văn chất : Người thích chất trực thì nói trường hàng. Người thích văn vẻ thì nói kệ tụng hoa mỹ.
5. Nhị trì : Luận nói: “Trường hàng, lời dàn trãi sinh chánh giải, nên trì nghĩa dễ thành tựu. Kệ tụng thì nhiếp hết, dễ thọ trì, nên trì văn dễ thành tựu.
6. Trợ thành : Kệ tụng giúp cho nghĩa của trường hàng thêm rõ ràng.
Những thứ trên nói chung cho tất cả văn trùng tụng.
7. Thành viên : Phần kệ tụng nêu luôn những chỗ không có trong phần trường hàng, thành tựu những gì đã nói, khiến nghĩa của trường hàng thành đầy đủ. Như phần kệ tụng của phẩm Phát Tâm Công Đức v.v...
8. Thể - tướng : Xét về tướng môn, thì trường hàng nói trực tiếp. Đây thuộc Đồng giáo và Tam thừa. Xét về thể viên dung, thì kệ tụng khéo hiển. Đây thuộc Biệt giáo. Như kệ tụng của phẩm Thập Hạnh v.v...
9. Thông - biệt : Trường hàng thì nói riêng. Trùng tụng thì bao quát hết. Như văn tụng của phẩm Thế Giới v.v…
10. Tâm - ngôn : Trường hàng nói thẳng vào tâm sở niệm pháp. Kệ tụng là phần tuyên thị, khiến sự thỉnh hỏi được viên mãn. Lệ này chỉ có ở phần văn kinh đây.
Phàm Phật thuyết pháp, pháp nhĩ có hai tướng : Đã có trực thuyết Khế kinh thì nhất định có Kỳ dạ tụng lại. Trùng tụng ở các phẩm sau đều lấy 10 lệ trên làm chuẩn, theo đó mà hiểu.
TRƯỜNG HÀNG
Có ba phần.
I. Nêu ra người hỏi : Đồng sanh và Dị sanh cùng có trong pháp giới, nên nói ĐỀU. Nếu có ngôn thuyết rõ rệt thì không hiển sự kỳ đặc. Niệm tâm nhập pháp, hiển sự vi tế thâm sâu, nên nói NIỆM.
II. Nói về pháp được hỏi : Trong phần pháp được hỏi này, người xưa phân thành 23 câu, chia làm hai phần. 21 câu đầu hỏi về quả pháp. 2 câu sau hỏi về nhân hạnh. 21 câu đó được trả lời trong phần 5 hải. Xem như văn kinh phân thành năm : 12 câu đầu hỏi về Phật hải, 3 câu kế hỏi về 3 hải, 6 câu cuối hỏi về căn dục tánh hải. Do căn dục không đồng mà duyên thọ nhận có sai biệt. Đây là nêu duyên để hiển căn khí. Văn sau thì nêu căn khí để hiển duyên có mặt phải trái của nó.
Nay, để giải thích, Thám Huyền Ký đây phân văn kinh thành 35 câu, cũng chia làm hai phần : 30 câu đầu hỏi về quả pháp. 5 câu sau hỏi về nhân hạnh.
@ Hỏi về quả pháp @ : 30 câu đầu phân làm ba : 10 câu đầu hỏi về nội đức, là công đức sung mãn của Phật. 10 câu kế hỏi về ngoại tướng, là công đức hiển hiện của Phật. 10 câu cuối hỏi về công đức hóa dụng trùm khắp.
a. Nội đức :
Đoạn “Thế nào là … Phật thắng pháp”. Trong 10 câu này, câu thứ nhất là tổng, 9 câu sau là biệt. Ba chữ THẾ NÀO LÀ ở câu đầu, dùng chung luôn cho 35 câu. Ba chữ TẤT CẢ CÁC dùng chung cho 30 câu hỏi về quả pháp.
Vì sao vừa vào kinh đã hỏi về Phật quả? Vì Phật quả là đích đến, là nền tảng để qui về, là cội gốc. Cũng là để hiển công đức, để sinh tín tâm, để làm kim chỉ nam. Nghĩa Phật Hoa Nghiêm (tựa kinh) bao gồm những ý này.
1. PHẬT ĐỊA : Phật Địa Luận q.1 nói: “Pháp giới thanh tịnh cùng với diệu trí thọ dụng hòa hợp một vị bình đẳng. Đó là sở y, sở hành và sở nhiếp của Phật, nên gọi là Phật địa”. Giải thích : Là dùng pháp giới thanh tịnh làm sở y, diệu trí làm sở hành, các thứ công đức v.v… đều là sở nhiếp. Chính là lấy chân lý diệu trí vô ngại làm thể. Kinh Đại Thừa Đồng Tánh nói: “Phật có mười địa, không phải là chỗ hành của Bồ-tát, Thanh văn và Độc giác. Thế nào là mười? Một là Thậm thâm nan tri quảng minh trí đức địa. Hai là … Mười là Tỳ-lô-xá-na trí hải tạng địa”. Chương Thập Địa sau sẽ giải thích đầy đủ.
2. PHẬT CẢNH GIỚI : Cùng với 8 thứ còn lại, đều mở ra từ Phật địa, nên đều thuộc biệt. Đó là pháp giới thanh tịnh, là cảnh giới mà chư Phật đã chứng. Cũng là tổng nêu phần sở tri bao gồm cả chân tục. Phẩm Bảo Vương Như Lai Tánh Khởi nói: “Tất cả chúng sinh là cảnh giới của Như Lai. Tất cả thế gian, tất cả quốc độ … vô lượng cảnh giới hư không, cảnh giới phi cảnh giới, là cảnh giới Như Lai”. Đó cũng là phần hạn cảnh giới. Phẩm Minh Nạn tụng về 10 loại Phật cảnh như sau: “Như Lai thâm cảnh giới, phần lượng đồng hư không …”. Giải thích chung thì có phần hạn cảnh giới và sở tri. Trong phẩm Bất Tư Nghị, Phật có 10 loại cảnh giới không thể thí dụ, không thể nghĩ bàn. Nên tìm ở ba phẩm đó, đều có đầy đủ.
3. PHẬT TRÌ có 4 nghĩa :
. Vì pháp giới thanh tịnh giữ gìn (nhậm trì) tất cả các công đức.
. Vì Đại viên cảnh trí và tịnh thức tương ưng đều giữ gìn các công đức.
. Môn đại Đà-la-ni thuộc hậu đắc trí tổng trì vô lượng các pháp hải.
. Chính là trì Phật tùy thuận trong thập Phật,
Phật trì này, cũng là Phật lực trì v.v… của thập trì ở địa thứ mười.
Trong phẩm Ly Thế Gian cũng có thập trì, đầu tiên là Phật trì v.v… và cuối cùng là Trí trì. Thập trì thuộc cả hai phẩm, đều lấy câu đầu làm tổng. Nhiếp biệt vào tổng nên đều gọi là Phật trì. Trong phẩm Bất Tư Nghị, Phật có 10 loại xuất sinh trụ trì trí tuệ.
4. PHẬT VÔ THƯỢNG TRÍ : Là lấy theo phần trùng tụng dưới, không có trong phần trường hàng này. Đây thuộc thập trí nói sau.
5. PHẬT HẠNH : Là hạnh đại bi nhiếp hóa chúng sinh, cũng là hạnh tạo tác từ đại trí. Đây đều là tạo tác mà không tạo tác, không suy lường mà thành sự. Chính là “Hạnh vô ngại, hạnh như như v.v… là hạnh của Như Lai” mà phẩm Tánh Khởi đã nói. Chỗ này khác với công đức của Nhị thừa.
6. PHẬT LỰC : Có hai nghĩa :
1/ Không bị người khác khuất phục.
2/ Phá hủy ma oán.
Nói chi tiết thì có 10 : Xứ, phi xứ, trí lực v.v…
Phẩm Bất Tư Nghị cũng có 10 loại : Tối thắng lực, Đại lực, Vô lượng lực, Đại lực Na-la-diên tràng Phật sở trụ pháp v.v…
7. PHẬT VÔ ÚY : Sở thuyết không khiếp sợ, gọi là vô úy. Đây là công đức hàng phục ngoại đạo. Có khi là tứ vô úy, có khi là thập vô úy như phẩm Ly Thế Gian nói.
Bảy thứ trên nói về đại trí đức.
8. PHẬT TAM-MUỘI : Là các tam-muội Sư tử phấn tấn v.v... nhiều như bụi thuộc tam-muội hải, lược nói có 10, như phẩm Bất Tư Nghị đã nói. Đây là nói về công đức đại định.
9. PHẬT TỰ TẠI : Nương nơi định phát khởi vô tận thần thông. Sở tác vô ngại, nên nói TỰ TẠI. Trong phẩm Bất Tư Nghị, Phật có 10 loại chánh pháp tự tại. Trong phẩm Ly Thế Gian cũng có 10 loại tự tại. Đây là nói về công đức thần thông.
10. PHẬT THẮNG PHÁP : Công đức thù thắng này hơn hẳn các loại công đức khác, nên nói THẮNG PHÁP. Cũng có 10 loại, như phẩm Bất Tư Nghị nói. Đây là nói về công đức đại phúc.
Mười câu này nói về nội công đức sung mãn, xong.
b. Ngoại tướng : Đoạn “Thị hiện bồ đề … Phật trí hải”, có 10 câu.
1. THỊ HIỆN BỒ-ĐỀ : Tùy theo căn khí của chúng sinh mà thị hiện thành tựu đại bồ-đề. Như chỗ thành tựu bồ-đề nói trong phẩm Tánh Khởi. Trong phẩm Bất Tư Nghị cũng có nói việc này. Câu này là tổng, 9 câu sau là biệt. Vì lục căn và ba nghiệp đều là tướng thành tựu bồ-đề. Trong các phẩm Bất Tư Nghị và Ly Thế Gian, 9 thứ này đều dùng thập môn để biện thuyết.
2. PHẬT QUANG MINH : Chỉ cho thân nghiệp.
8 câu còn lại đều có thể tự hiểu.
Phần ngoại tướng, là Phật công đức hiển hiện, xong.
c. Công đức hóa dụng trùm khắp : Đoạn “Thế giới hải … thọ lượng hải” có 10 câu.
1. THẾ GIỚI HẢI : Là xứ hóa dụng, thông cả hai cõi nhiễm và tịnh, nhiếp thuộc thập Phật quốc độ thân, lược nói có 10 loại, như phần sau của phẩm này nói.
2. CHÚNG SINH HẢI : Chỉ cho chúng sinh được giáo hóa, bao gồm cả thô và diệu, không và hữu v.v... cũng nhiếp thuộc thập thân. Đây giống như 10 loại ‘nhập chúng sinh tâm hạnh’ ở phẩm Ly Thế Gian.
3. PHÁP GIỚI PHƯƠNG TIỆN HẢI : Có 4 nghĩa :
. Lý tánh pháp giới : Là giới y tựa của chúng sinh và thế giới v.v… nói trên.
. Nhiễm sự pháp giới : Là các thứ ấm, giới, pháp v.v… của chúng sinh được hóa độ.
. Ly cấu pháp giới : Là pháp v.v… tối thanh tịnh mà Phật đã được.
. Tịnh dụng pháp giới : Là dụng thiện xảo nhiếp hóa chúng sinh của Phật, gọi là PHƯƠNG TIỆN. Như trong phẩm Bất Tư Nghị, Phật có 10 loại pháp giới vô lượng vô biên …
4. ĐIỀU PHỤC HẢI : Trường hàng không có, đây là giải thích theo trùng tụng. ĐIỀU PHỤC HẢI chính là sở điều phục, nhiếp thuộc căn dục tánh hải. Song giữa tụng và trường hàng, văn gia có thêm hay bớt với nhau.
5. PHẬT HẢI : Chỉ cho Phật năng hóa, không phải chỉ có một mà như biển. Vì trùm khắp tất cả mà chuyển pháp luân.
6. BA-LA-MẬT HẢI : Có 2 nghĩa :
1/ Hạnh pháp mà Phật đã thuyết cho chúng sinh.
2/ Hạnh mà chúng sinh (đã, đang và sẽ) hành, là hóa sở thành ích, như thập độ v.v…
7. PHÁP MÔN HẢI : Có 2 nghĩa :
1/ Giáo pháp Phật đã lập ra, thông đó du nhập.
2/ Hạnh của chúng sinh thành tựu, chứng lý pháp sở nhập. Đây cũng có 10 loại như phẩm Bất Tư Nghị nói.
8. HÓA THÂN HẢI : Do cảm ứng với nhiều căn cơ sai biệt mà thị hiện nhiều thân tướng, như kệ tụng “Các lỗ lông hiện mây hóa thân …” hay “Lô-xá-na biến khắp mười phương. Sinh tất cả hóa thân trang nghiêm …”. Trong phẩm Ly Thế Gian cũng có 10 loại biến hóa …
9. PHẬT DANH HIỆU HẢI : Vì đối cơ mà thuyết, nên danh hiệu Phật không chỉ có một. Như phẩm Danh Hiệu nói: “Mỗi một thế giới có trăm ức vạn …”
10. PHẬT THỌ LƯỢNG HẢI : Do ứng cơ có ngắn, dài, khuyết, đầy … ngàn muôn sai khác mà lược có 10 vị, như nói trong phẩm Thọ Mệnh.
Từ trên đến đây hỏi về QUẢ PHÁP xong.
@ Hỏi về nhân hạnh @: Có 5 câu. Câu đầu là tổng. 4 câu sau là biệt.
1. PHÁT TÂM ĐẠI THỪA : Chỉ cho địa vị Phát tâm trụ v.v… của Thập trụ.
2. BA-LA-MẬT : Chỉ cho thập độ hạnh trong Thập hạnh.
3. NGUYỆN : Chỉ cho đại nguyện của Thập hồi hướng.
4. TRÍ TUỆ TẠNG : Chỉ cho hàng Thập địa, lấy trí tuệ làm tánh hàm nhiếp tích chứa. Như trong phẩm Thập địa, Bồ-tát đều có tên là Tạng.
III. Gút lại phần thưa hỏi : Đoạn “Kính xin Như Lai … thuyết kệ rằng”.
KÍNH XIN NHƯ LAI TỪ BI : Đây là nhân duyên khiến Phật thuyết pháp không mệt mỏi.
PHƯƠNG TIỆN : Là Phật khéo thuyết pháp khiến chúng sinh dễ hiểu. Do TỪ BI mà KHAI PHÁT TÂM CHÚNG CON. Do PHƯƠNG TIỆN thiện xảo mà CHÚNG CON ĐƯỢC HIỂU BIẾT.
TRÙNG TỤNG
Vì hiển sự kỳ đặc nên không dùng miệng nói như thường lệ, biểu trưng cho y báo và chánh báo vô ngại, nên từ nơi phẩm vật cúng dường xuất ra lời tụng. Chính là quốc độ thuyết nói ở phần sau.
Có 9 bài kệ, phân làm hai : 3 bài đầu là tán thán công đức. 6 bài sau là nêu pháp muốn thỉnh.
1. Tán thán công đức :
Kệ (1) (2) là tán thán Phật, nói đầy đủ về NHÂN. Kệ (3) thì tán thán hội chúng, nói đầy đủ về DUYÊN.
Kệ (1) : Nói về tự đức viên mãn của Phật. Câu (1) (2) : Nhân, ở tận thời quá khứ hiện quả vô công dụng. Câu (3) (4) : Dụng, tột đến mé vị lai vô tư ứng khắp. Nói VÂN, vì tuôn mưa pháp, vì thấm nhuận mọi cơ duyên, vì tự nhiên không gốc.
Kệ (2) : Việc giáo hóa đã viên mãn. Câu (1) (2) : Khiến diệt ác sinh thiện. Câu (3) (4) : Khiến lìa khổ được lạc. Câu(1) (2) : Khiến đắc niết bàn. Câu (3) (4) : Khiến đắc bồ-đề.
Kệ (3) : Tán thán hội chúng. NHẤT TÂM, là tâm không có dị niệm. CHẤP TAY, là thân không kiêu mãn và giải đãi. QUÁN TỐI THẮNG, là một lòng hướng Phật. Câu (3) (4) : Hiển tâm niệm muốn Phật khai thị.
2. Nêu pháp muốn thỉnh :
Gồm 6 bài kệ sau, phân làm ba :
Kệ (4) (5) (6) : Nói về 10 thứ của phần Nội đức trên.
Kệ (4) : Gồm 6 thứ Phật địa, Phật cảnh, Phật trì, Phật trí, Phật lực, Phật vô úy. Câu (4) là gút lại việc thưa thỉnh.
Kệ (5) : Gồm 3 thứ Phật tam-muội, Phật hạnh, Phật tự tại (là Phật thần lực). Câu (4) là thỉnh cầu thuyết pháp.
Kệ (6) : Tụng về THẮNG PHÁP, cũng là THỊ HIỆN BỒ-ĐỀ v.v… nói trên.
Kệ (7) : Gồm 10 câu thuộc phần Ngoại tướng. Vì ba nghiệp không lìa sáu căn nên tụng chung.
Kệ (8) (9) : Gồm 10 câu thuộc phần Hóa dụng trùm khắp.
Kệ (8) : Gồm 5 hải.
Kệ (9) : Gồm 2 hải. 3 hải còn lại cùng hỏi chung với nhân hạnh, nên nói VÔ LƯỢNG VÔ BIÊN … Câu (4) : Gút lại việc thưa thỉnh.
B/B NHƯ LAI HIỆN ĐÁP
Các bậc tôn đức trước giờ có người lấy các câu đáp ở những hội sau trả lời cho các câu hỏi này. Phán quyết vậy e không đúng. Vì Hội II v.v… tự có hỏi riêng và đáp riêng. Bốn lần hỏi đáp không tạp lẫn. Thì biết, trong phẩm này đã đáp luôn những câu đã hỏi. Từ đây về sau, nói đủ hai loại quả pháp và nhân hạnh.
Phần văn kinh này phân làm 10 phần chính : 1/Diện quang tập chúng. 2/Hào quang thị pháp. 3/Pháp chủ nhập định. 4/Chư Phật gia trì. 5/Đại chúng đồng thỉnh. 6/ Trong định lược thuyết. 7/Khởi định thành ích. 8/Mao quang tán đức. 9/Hứa thuyết khiến hoan hỉ. 10/Hiện bày pháp hải.
B1. DIỆN QUANG TẬP CHÚNG
Trước là phóng quang. Sau là tập chúng.
1a. PHÓNG QUANG :
TRƯỜNG HÀNG
Phóng quang có hai là thân quang giác khắp và ngữ quang triệu tập. Hai thứ này đáp cho các câu hỏi quang minh và âm thanh của Phật trên. Thân quang cũng có hai. Trước, là quang minh chiếu soi tất cả. Sau, nhờ quang minh mà thấy thế giới hải.
QUANG MINH chiếu soi có năm :
a/1 BIẾT TÂM NIỆM, là nhận được nghi vấn của chúng hội. Vì sắp sửa đáp nên phóng quang, là sở nhân.
a/2 Chỗ xuất ra quang minh :
DIỆN MÔN, các bậc tôn đức có ba cách giải thích :
. Chỉ cho miệng.
. Chỉ cho cả mặt, không phải chỉ có miệng.
. Sư Quang Thống thì cho DIỆN MÔN là khoảng giữa dưới mũi trên miệng. Đồng với phần ‘thí tỷ’ nói ở văn kinh sau.
Thám Huyền Ký đây, y theo Phạn mà giải thích thì mặt (diện) và miệng gọi chung là môn, đều là ‘mục khư’. Dịch chữ ‘mục khư’ này thành DIỆN MÔN, là nói chung hết. MIỆNG, biểu trưng cho giáo đạo trùm khắp. DIỆN, là trực đối hướng cơ. MÔN là khai pháp nhiếp hóa chúng sinh.
RĂNG, chỉ cho thắng dụng, vì nhai nuốt pháp vị, vì nghiền nát hoặc chướng. Do duyên khởi đầy đủ đức tướng sai biệt, nên nói: “Trong từng kẻ răng đều phóng ra quang minh nhiều như bụi trong thế giới Phật”.
a/3 Nói riêng từng quang minh : Có 10 môn. Nói chung thì mỗi môn đều thông cả tam thế gian. Nói riêng thì 6 môn đầu là Phật hải, 2 môn kế là khí hải, môn (9) là chúng sinh hải, môn (10) là pháp giới phương tiện hải.
Cũng có thể phân thành : 8 môn đầu là Ý nghiệp ký thuyết luân. Môn (9) là Thân nghiệp thần thông luân. Môn (10) là Ngữ nghiệp chánh giáo luân.
a/4 Nhiếp quyến thuộc.
a/5 Xứ được soi chiếu.
PHÓNG QUANG có bốn ý :
. Hiện tướng biểu trưng cho cái chân thật.
. Khiến khởi tín tâm.
. Chiếu soi cứu khổ.
. Triệu tập chúng ở xa.
Cho nên, chúng Bồ-tát y theo quang minh đó mà biết chỗ tập hội.
TRÙNG TỤNG
Có 9 bài kệ rưỡi . Gồm 4 nghĩa : 6 bài rưỡi đầu nêu chung về Phật đức để khuyên đến chỗ Phật. Kệ (7) nêu riêng NĂNG THUYẾT để khuyên đến chỗ Phật. Kệ (8) nêu riêng SỞ THUYẾT để khuyên quán Phật. Kệ (9) kết luận chung về Phật đức, hiển sự sâu rộng. Bốn nghĩa này đều lấy sau giải thích trước. Suy nghĩ thì có thể thấy.
6 bài rưỡi đầu phân làm hai : 5 bài đầu nêu đức. Kệ (6), (6.5) khuyên đến chỗ Phật.
Kệ (1) (2) : Nói về thân nghiệp. Kệ (1) là thể. Kệ (2) là dụng.
Kệ (3) (4) : Nói về ý nghiệp. Kệ (3) là dụng. Kệ (4) là thể.
Kệ (5) : Nói về ngữ nghiệp.
Kệ (6) : Câu (1) (2) là khuyên nên vì pháp. Câu (3) (4) là khuyến khích nhiều chúng.
Kệ (6.5) : Dạy cúng dường
Tuy viên âm đốn thuyết nguyện hải trong 9 đời mà không hoại bản pháp, nên phi NHẤT NIỆM, là nêu pháp môn được nói sau. Phần còn lại có thể tự hiểu.
1b. TẬP CHÚNG :
Đầu tiên là nói về các hội. Có bốn nghĩa : 1/Có không. 2/Lai xứ gần xa. 3/Bản xứ, danh hiệu v.v… không đồng. 4/Kệ tán thán và trước sau.
1. Có không : Hội VI và Hội VII không có tập chúng, vì địa vị chứng nhập và hạnh thuần thục đều ly tướng. 6 hội còn lại đều có tập chúng. Mục đích tập chúng có thể tự hiểu. Phàm triệu tập tân chúng có bốn ý : 1/Nhiếp cơ. 2/Chứng pháp. 3/Hưng cúng. 4/Chúng viên mãn.
2. Lai xứ gần xa : 2 hội đầu là mười sát trần, Hội III là trăm sát trần, Hội IV là ngàn sát trần, Hội V là vạn sát trần. Vì còn nương vào giai vị nên tăng dần. Hội VIII thì sát trần không thể nói, để hiển việc chứng thâm pháp.
3. Bản xứ, danh hiệu v.v… không đồng : Một là xứ, hai là Phật, ba là Bồ-tát, bốn là cúng dường. Ít hay nhiều là tùy hội. Văn kinh đã nói rõ.
4. Kệ tán thán và trước sau : 2 hội đầu không có kệ tán thán, vì việc khởi tu mới bắt đầu. 4 hội sau đều có, vì nêu pháp vị tăng dần. Lại, 5 hội trước thì tập chúng trước định, vì từ tu nhập chứng. Hội VIII tập chúng sau định, vì y nơi chứng mà khởi dụng.
Giải thích văn kinh cũng có hai phần là trường hàng và trùng tụng.
TRƯỜNG HÀNG
Trước là chúng tập hội. Sau, hiển đức.
1. Chúng tập hội : Trước là tập hội. Sau là kết thúc.
a. Tập hội : Có 10 đoạn nói về 10 phương. Mỗi phương đều có 7 thứ :
1/ Tên khí hải.
2/ Tên quốc độ : Là 12 Phật quốc độ v.v…
Hai thứ này là pháp tướng sở y, chỉ do thông hay biệt mà có sai khác
3/ Tên Phật.
4/ Tên Bồ-tát.
Hai thứ này là trí năng nhập, chỉ do viên mãn hay từng phần mà có sai khác.
5/ Chủ bạn đến đủ : Nói công đức viên mãn.
6/ Hưng cúng dường : Cúng dường Phật thuận với nghĩa lợi ích, là nhân thuận quả.
7/ Y vào bản phương mà ngồi : Là nhiếp tán qui tịnh.
Hỏi : Vì sao nói PHƯƠNG ĐÔNG trước?
Đáp : Vì hiển chỗ bắt đầu khai sáng, nên thuận với phương này. Theo phương nghi của Tây vực thì phương đông là trên hết. Nhà chính và điện thờ của họ đều quay mặt về hướng đông, như chùa Kỳ Viên, chùa Bồ-đề … đều quay mặt về hướng đông. Như Lai thuyết pháp, đa phần cũng quay mặt hướng về đông, nên quang minh phát ra từ diện môn cũng hướng về đông.
Hỏi : Trong văn kinh sau, Hoa tạng giới vô biên, sao đây lại có đông, tây …?
Đáp : Vì Hoa tạng giới thì biên và vô biên không hai, nên nói vô biên, như ở văn kinh sau nói. Vô biên và biên không hai, nên nói hữu biên, như văn kinh đây nói. Đó là không hoại biên mà hằng vô biên, không phá vô biên mà hằng biên. Nếu cho vô biên nghịch với biên, biên nghịch với vô biên, thì cái thấy ấy thuộc tình kế sở chấp, không phải là chánh duyên khởi. Vì biên và vô biên này là một sự, cả hai vượt khỏi tình kế.
Thí như đường triện của gấm, chỉ trắng suốt qua mà không lẫn với đường triện tím, chỉ tím suốt qua mà không lẫn với đường triện trắng. Lại, đường triện trắng có màu tím là do đan xen. Nếu đường triện trắng không có tím, chỉ tím không đến được hai biên, thì năm màu không đan xen. Đường triện trắng không có màu tím là do đan xen. Nếu trắng có tím hiện thì hư mất hoa văn, không có đan xen. Cho nên, nhờ trắng có mà tím được thành, trắng không thì tím cũng không. Nhờ tím có mà trắng được thành, tím không thì trắng cũng không. Đạo lý ở đây cũng vậy. Suy nghĩ thì có thể hiểu.
Hỏi : Nếu vậy mười phương thế giới kia là Hoa tạng giới phải không?
Đáp : Phải mà không phải, vì do ‘tức’ nên không phải. Không phải mà phải, vì do ‘tức’ mà phải. Còn sao nữa? Vì Hoa tạng này là đông, tây v.v… nên ‘tức’ mà ‘không tức’.
Hỏi : Ngoài 10 thế giới đó, còn có cõi nào khác?
Đáp : Không còn cõi nào khác. Vì sao? Vì Hoa tạng là chủ, 10 thế giới đó là bạn. Chủ bạn viên dung trùm khắp tất cả trần đạo, trùng trùng như lưới châu trời Đế Thích. Các cõi khác đều là đó, giống như hư không.
Đồ cúng dường trong phần này đều là pháp môn.
Theo TƯỚNG thì có mười :
1. DIỆU BẢO, là nghĩa đáng quí.
2. TU-DI, là nghĩa cao đẹp. MÂY, là nghĩa nhuận ích, ngậm mưa, thẩm thấu.
3. NHẬT, là nghĩa trừ ám. LUÂN, là nghĩa công đức đủ đầy.
4. LÂU CÁC, là nghĩa trùng thành, như trên nói chánh trí khởi đại bi v.v..
5. HOA, là nghĩa thanh tịnh, khai mở.
6. HƯƠNG VÂN, là nghĩa hương thơm của giới v.v…
7. TÒA, là nghĩa nhiếp hóa lợi ích.
8. CÁI, là nghĩa che phủ.
9. TRÀNG, là nghĩa độc xuất.
10. THỌ (cây), là nghĩa kiến lập.
Các thứ còn lại cứ theo đó mà suy.
Xét về PHÁP cũng có 10 lệ :
1. Lấy sắc pháp làm mây, như 10 loại mây Bảo sắc quang minh hoa, Diệu hương hiện chúng sắc …
2. Lấy đại âm thanh làm mây, như 10 loại mây Nhất thiết diệu âm thanh, Diệu âm sung mãn tán thán vương v.v… Đây thuộc về sự.
3. Lấy vô tận Phật độ làm mây, như 10 loại mây Bất tư nghị Phật sát v.v… Đây thuộc về y báo.
4. Lấy lý tánh của chín đời làm mây, như 10 loại mây Tạp bảo tam thế chư Phật pháp thân quang minh bảo vương v.v... Đây thuộc về thể.
5. Lấy tám tướng của Phật v.v… làm mây, như 10 loại mây Phổ môn quang minh Phật biến hóa v.v... Đây thuộc về dụng.
6. Lấy pháp môn vô ngại giải thoát làm mây, như 10 loại mây Giải thoát cái v.v… Đây thuộc giải thoát bất tư nghị.
7. Lấy cảnh sở chứng của Phật làm mây, như mây Nhất thiết Phật cảnh giới luân v.v… Đây thuộc quả.
8. Lấy tất cả hạnh Bồ-tát làm mây, như 10 loại mây Nhất thiết Bồ-tát sở hành thị hiện v.v… Đây thuộc nhân.
9. Lấy tất cả dục lạc của chúng sinh làm mây, như 10 loại mây Nhất thiết chúng sinh lạc bất khả tận thị hiện v.v… Đây thuộc pháp khí.
10. Lấy đại nguyện của hiện Phật làm mây, như 10 loại mây Nhất thiết chư Phật sở nguyện thị hiện v.v… đây thuộc phó cơ.
Các thứ này, mỗi thứ đều dùng thập môn mà nói, để hiển bày nghĩa vô tận. 10 nghĩa trên, trong từng nghĩa đều có tất cả pháp duyên khởi vô ngại. Cho nên, vừa là nhân, vừa là pháp, vừa là lý, vừa là sự, vừa là cảnh, vừa là hạnh, vừa là y báo, vừa là chánh báo, vừa là nhân, vừa là quả … Trong đó, mỗi vật cúng dường đều nói PHỦ ĐẦY HƯ KHÔNG, là hiển việc xứng với bản tánh không, tập hội mà không lẫn tạp, đúng như tánh duyên khởi. Vì thế, chân lý diệu hạnh, là ngay nơi SỰ mà thành. Các sự như mây, bảo hoa v.v… là ngay nơi LÝ mà thành pháp. Đây thuộc Biệt giáo. Suy nghĩ thì hiểu.
b. Kết thúc : Đoạn “Như thế trong mười ức … theo phương vừa đến mà ngồi kiết già” là kết luận. Có 5 thứ : Quốc độ, chủ, bạn, cúng dường và tòa ngồi. (Sang văn kinh phần 2a. Xem tại đây )
2. Hiển đức dụng : Tòa ngồi có thứ tự, là muốn hiển bày : Duyên khởi vô ngại nên tập hội mà không lẫn tạp. Trong đó có hai : Đầu là nói về đức thể vô ngại. Sau, nói về diệu dụng thắng ích.
a. Đức thể vô ngại : Đoạn “Sau khi các Bồ-tát … ba đời đều hiển hiện” có 6 câu. Câu đầu là tổng. Có 6 lớp vô ngại, so với trước đều tăng gấp bội :
1/ Thân quang vô ngại.
2/ Quang nhân vô ngại.
3/ Nhân pháp vô ngại.
4/ Trần sát vô ngại.
5/ Y chánh vô ngại.
6/ Hóa dụng vô ngại.
Nếu trong một niệm, ở MỘT thế giới, giáo hóa nhất Phật sát trần số chúng sinh, thì trong một niệm này, ở TẤT CẢ thế giới, việc giáo hóa cũng như thế. Một niệm đã vậy, tất cả niệm còn lại cũng như vậy. Nếu trong một quốc độ hiện chư Phật ba đời của tất cả niệm, thì tất cả quốc độ còn lại, mỗi quốc độ cũng hiện như thế. Nếu trong một hạt bụi có tất cả quốc độ hiện Phật, thì tất cả những hạt bụi còn lại, mỗi hạt cũng đều như thế. Nếu một pháp môn của Bồ-tát trùm khắp tất cả trần đạo hiện quốc độ, thì tất cả các pháp môn còn lại của Bồ-tát, mỗi pháp môn cũng trùm khắp như thế. Nếu một quang minh xuất ra tất cả Bồ tát trùm khắp trần đạo, thì tất cả quang minh còn lại, mỗi quang minh cũng đều xuất ra như thế. Nếu một lỗ lông phóng ra tất cả quang minh đã xuất ra Bồ-tát, thì những lỗ lông còn lại, mỗi lỗ cũng phóng ra như thế.
Từ trên đến đây là tổng biện về SỰ trong một thân Bồ-tát. Như một Bồ-tát đó, tất cả Bồ-tát còn lại cũng đều như thế. Chủ bạn cũng vậy. Trùng trùng vô tận. Chẳng phải là chỗ tâm ngôn có thể đến được. Đây là pháp giới Nhất thừa pháp nhĩ duyên khởi thật đức, không phải biến hóa. Các thứ đó đều là công đức của vị Phổ Hiền. Bồ-tát đã vậy, thì đức dụng của Phật quả không phải là thứ có thể so sánh tư duy mà thấu được.
b. Diệu dụng thắng ích : Có ba : 1/Nói về chúng sở hóa. 2/Nói về pháp năng hóa. 3/Nói về lợi ích giáo hóa.
1. Chúng sở hóa : Câu “Trong từng niệm … trong một Phật độ”.
2. Pháp năng hóa : “Dùng pháp môn Mộng … giáo hóa họ” trở đi. Có 10 câu, 9 câu đầu là nói riêng. 1 câu sau là tổng kết.
Câu (1) : MỘNG TỰ TẠI : Tức thật tức không. Một niệm hiện nhiều pháp.
Câu (2) : Thanh tịnh, hóa sinh.
Câu (3) : Giáo nghĩa.
Câu (4) : Hiển thần thông thù thắng để người qui y, làm cho sợ hãi khiến người nhập pháp. Động tướng qui chân.
Câu (5) : Nguyện lực nhiếp sinh.
Câu (6) : Nhiễm âm không tánh nên nhiễm âm mà dụng thanh tịnh. Hiển tịnh âm thu khắp pháp giới.
Câu (7) : Viên âm phổ giáng, như đầu, miệng v.v… khắp pháp giới.
Câu (8) : Thể dụng khai ngộ mọi căn cơ.
Câu (9) : Kiến lập nhân vị Viên giáo.
3. Lợi ích giáo hóa : Đoạn “Trong khoảng một niệm … Phật Lô-xá-na”. Có 6 câu. Phần giải thích có 4 lớp, vì văn kinh bao hàm nhiều thế.
LỚP I
Câu (1) : Khiến lìa các trọng khổ.
Câu (2) : Có thể thành tựu căn khí xuất thế.
Câu (3) : Khiến được quả vị giải thoát của Nhị thừa hướng về thập vị. Nhị thừa trong Đại thừa này không phải là Nhị thừa ngu pháp. Lại Ngũ đình tâm quán của Tiểu thừa trước vẫn còn thuộc tà định. Theo Thành Thật tông, noãn đỉnh trở lên đều gọi là chánh định, vì không còn thối lui. Theo Tỳ-đàm tông, nhẫn tâm trở lên mới gọi là bất thối. Theo Địa Luận, địa vị kiến đạo trở lên mới gọi là chánh định, nên kia nói chánh vị. Tức chánh định là kiến đạo trở lên mới gọi là chánh vị . Nói BẤT ĐỊNH là chỉ cho khoảng giữa hai thứ này.
Câu (4) : Nhập địa vị Tam hiền của Đại thừa.
Câu (5) : Chứng nhập Thập địa.
Câu (6) : Thành tựu Phật quả.
Đây thuộc Đồng giáo.
LỚP II :
Câu (1) (2) (3) : Y như trên.
Câu (4) : Nhập Sơ giáo.
Câu (5) : Nhập Chung giáo.
Câu (6) : Nhập Đốn giáo.
Đây là ứng vào chỗ hết bệnh mà nói ba.
LỚP III :
Câu (1) : Nói về Nhân Thiên.
Câu (2) (3) : Nói về Tiểu thừa.
Câu (4) : Nói về Tiệm giáo.
Câu (5) : Nói về Đốn giáo.
Câu (6) : Nói về Viên giáo.
Đây ứng vào quả hiển viên mãn mà nói bốn.
LỚP IV :
Câu (1) : Nói về Nhân Thiên.
Câu (2) (3) (4) : Nói về Tam thừa.
Câu (5) (6) : Nói về Nhất thừa.
Đây là theo nhân quả mà phân hai.
Những thứ nêu trên đều là lợi ích trong một niệm. Các niệm khác đều y đó mà hiểu.
TRÙNG TỤNG
Có 10 bài kệ : 5 bài đầu tán thán chung về công đức của Bồ-tát. 5 bài sau nói về các pháp môn ở phần trường hàng.
Kệ (1) (2) (3) : Nói về tự phần công đức. Kệ (1) là tự lợi. Kệ (2) là giáo hóa tha nhân. Kệ (3) là đắc pháp.
Kệ (4) (5) : Thắng tiến. Kệ (4) : Ngoài làm lợi ích. Kệ (5) : Nội đức viên mãn.
Kệ (6) : Hiện pháp.
Kệ (7) : Chấn động quốc độ.
Kệ (8) : Trang nghiêm tự thân.
Kệ (9) : Vô lượng kiếp nhập nhất niệm.
Kệ (10) : Thuyết pháp.
Những thứ trên đều là SỰ trong lỗ lông. Tụng chỉ khéo lược sơ.
Các tin khác
-
» LÔ XÁ NA - Phẩm 2 (31/03)
-
» LÔ XÁ NA - Phẩm 2 (Phần 2a) (31/03)
-
» LÔ XÁ NA - Phẩm 2 (Phần 2b) (31/03)
-
» LÔ XÁ NA - Phẩm 2 (Phần 2 & 3) (31/03)