Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký Q1

XÉT TẠNG BỘ ĐỂ RÕ SỞ NHIẾP

II. XÉT TẠNG BỘ ĐỂ RÕ SỞ NHIẾP

11/07/2017


HOA NGHIÊM KINH THÁM HUYỀN KÝ
QUYỂN 1
Sa môn Pháp Tạng thuyết
Chân Hiên Tâm việt dịch
II. XÉT TẠNG BỘ ĐỂ RÕ SỞ NHIẾP

Nói sơ về 10 nghĩa để biết về sở nhiếp (thuộc tạng bộ nào):       

1/ Nói về ba tạng.

2/ Hiển bày sở nhiếp.

3/ Phân biệt hai tạng.

4/ Giải thích sự khác nhau.

5/ Phân chủng loại.

6/ Định sở nhiếp.

7/ Một bộ.

8/ Ba bộ.

9/ Chín bộ.

10/ Mười hai bộ.     

I. NÓI VỀ 3 TẠNG:

1. Tu-đa-la : Còn gọi là Tu-đố-lộ hay Tố-đát-lãm. Trung Hoa gọi là Khế kinh. KHẾ có hai nghĩa: Khế lý và hợp cơ. KINH cũng có hai nghĩa: Xâu suốt pháp tướng và gìn giữ việc giáo hóa.

QUÁN XUYÊN, ngài Thế Thân giải thích: “Là hay xâu suốt y, tướng, pháp, nghĩa nên gọi là Tố-đát-la. Nghĩa là, tại xứ này, do đây, vì đây mà có giáo thuyết, nên nói Y. Tướng chân đế và tục đế, gọi là TƯỚNG. Mười pháp thiện xảo v.v… gọi là PHÁP. Thuận mật ý mà thuyết các pháp, gọi là NGHĨA”. Ngài Vô Tánh thì giải thích: “Vì nối kết xâu suốt”. Giải thích: QUÁN XUYÊN là nghĩa khế nhập. NỐI KẾT là nghĩa khế hợp. Là dùng thánh ngôn xâu suốt pháp nghĩa để nó không mất, nối kết liên hợp khiến thành thuyên biểu để được còn mãi. Luận Phật Địa nói: “Hay suốt, hay nhiếp nên gọi là kinh. Vì thánh giáo của Phật xâu suốt nghĩa lý, do ứng cơ mà nói và duy trì việc giáo hóa chúng sinh, nên gọi là Khế kinh”. Khế kinh (nói ở mặt khế lý) thì thuộc về Y chủ thích. Khế kinh là tạng, thì thuộc Trì nghiệp thích. Theo luận Tạp Tập, Khế kinh có năm nghĩa : Dũng tuyền (涌泉), xuất chủ, hiển thị, thằng mặc (繩墨), kết man (結鬘). 

Tu-đa-la, dịch đúng là TUYẾN (sợi chỉ). Vì sao đây lại gọi là kinh? Vì sợi chỉ có thể xâu suốt các hoa không để chúng rời rạc. Nghĩa đây cũng như thế. Chỉ vì phương này thích chữ KINH hơn chữ TUYẾN, nên lấy KINH mà bỏ TUYẾN. Đây là từ thí dụ mà được tên.

2. Tỳ-nại-da : Đây nói là điều phục. Điều là hòa ngăn. Phục là chế diệt. Điều hòa chế ngự thân, khẩu v.v… và chế phục trừ diệt các ác hạnh. Đây là sở thuyên hạnh, là tạng điều phục. 

Cũng có khi dịch là DIỆT. Diệt có ba nghĩa : Diệt nghiệp phi pháp, diệt phiền não và đắc diệt quả. Có khi nói là THI-LA, đây gọi là THANH LƯƠNG. Lỗi của ba nghiệp giống như lửa cháy, giới có thể làm cho ngưng dứt nên gọi là thanh lương. Luật Thập Tụng gọi là TÁNH THIỆN. Có khi gọi là THỦ TÍN. Vì sở thọ chính là năng trì. Có khi nói là Ba-la-đề-mộc-xoa, đây gọi là TÙY THUẬN GIẢI THOÁT, là do trì giới mà thuận đến giải thoát. Cũng gọi là BIỆT GIẢI THOÁT.

3. A-tỳ-đạt-ma : Đạt-ma gọi là pháp. A-tỳ có 7 nghĩa:

3/1. Đối pháp : Có hai nghĩa là đối hướng và đối quán.

a. Đối hướng : Là nhân trí thú hướng quả niết bàn.

b. Đối quán : Là quả trí quán chứng niết bàn diệt. Tuy ở nhân trí cũng có Đối quán, nhưng vẫn nương vào tiến tu là chính, nên gọi là Đối hướng. Nhiếp Luận của ngài Thế Thân nói: “Pháp Đối hướng này không trụ niết bàn, hay nói về các diệu môn như các đế, Bồ-đề phần v.v…”. Đây là nhắm vào nhân trí mà nói, chỉ là sở thuyên. 

3/2. Số pháp : Lương Nhiếp Luận giải thích: “Tùy một pháp trong các pháp mà có khi dùng danh tướng, có khi dùng biệt tướng, có khi dùng tổng tướng v.v... Mỗi số đều hiển một pháp, nên gọi là số pháp”.

3/3. Phục pháp : Luận nói: “Pháp này có thể hàng phục các thuyết, có hai khả năng lập và phá. Vì thuyết về các phương tiện như y chỉ v.v… là chính, nên gọi là phục”.

4. Thông pháp : Gọi là thông pháp vì pháp này có thể giải thích thông suốt nghĩa của Khế kinh. Khế kinh là pháp. Phần thông pháp này làm cho nghĩa của Khế kinh được thông suốt, là pháp thông, nên gọi là thông pháp. Lương Nhiếp Luận gọi là GIẢI PHÁP, vì nhờ A-tỳ-đạt-ma mà nghĩa của Khế kinh thành dễ hiểu.

5. Vô tỷ pháp

6. Đại pháp

7. Trạch pháp

Ba thứ này chỉ nhắm vào sở thuyên.

Thuận Chánh Lý nói: “Có khi Khế kinh gọi là Đạt-ma luận, hay quyết liễu gọi là Đối pháp ”. Đây là lấy giáo đối giáo, đồng với Thông pháp trên. Có khi nói là Ma-đắc-lặc-già, đây gọi là Bản Mẫu, vì lấy giáo và nghĩa làm gốc, làm mẹ. Còn gọi là PHÂN BIỆT GIẢI THOÁT. Có khi nói là ƯU-BA-ĐỀ-XÁ, đây gọi là LUẬN NGHĨA, luận Tạp Tập gọi là GIẢI THÍCH.

Ba tạng Tu-đa-la v.v… nói trên đều hàm nhiếp sở thuyên xuất sinh nghĩa lý, nên đều gọi là TẠNG. Luận Trang Nghiêm q.4 nói: “Ba thứ đó cùng với hai thứ này vì sao gọi là tạng? Đó là do nhiếp, là thu nhiếp tất cả nghĩa cần biết”. Khế kinh, vừa thuộc Trì nghiệp thích vừa thuộc Y chủ thích. Hai tạng sau chỉ thuộc Y chủ thích. Vì từ sở thuyên mà gọi tên. Xuất thể tánh cùng các môn phân biệt còn lại sẽ nói chi tiết sau.    

II. HIỂN BÀY SỞ NHIẾP:  

Kinh Hoa Nghiêm này thuộc tạng nào (trong 3 tạng trên)?

Có khi chỉ thuộc Khế kinh, vì không thuộc hai thứ kia. Có khi thuộc cả Khế kinh và A-tỳ-đạt-ma vì có phần quyết trạch nghĩa lý thuộc Đối pháp. Nếu ứng vào Đồng giáo mà nói thì Hoa Nghiêm thuộc cả ba, vì phần văn kinh sau có nói đến giới hạnh. Ứng vào Biệt giáo mà nói thì Hoa Nghiêm thuộc cả mười tạng (sẽ nói ở phần văn kinh sau), vì chủ bạn đầy đủ, hiển bày nghĩa vô tận. 

Hỏi : Ba tạng là y cứ vào giáo, mười tạng lại ứng vào nghĩa, vì sao dùng nghĩa mà nói nhiếp thuộc giáo?

Đáp : Tiểu thừa, giáo và nghĩa đều không dung thông. Tam thừa, nghĩa dung thông mà giáo không dung thông. Nhất thừa, giáo nghĩa đều dung thông. Nên nhiếp được. Như ý và lời không có phân biệt, quán nhập nhiếp thuộc giáo trong Tam thừa đã có huống là Nhất thừa? Chỉ cần có nêu dẫn biểu thị, liền nhiếp thuộc giáo. Suy nghĩ thì thấy.

III. PHÂN BIỆT HAI TẠNG:

Hai tạng là Thanh văn tạng và Bồ-tát tạng.

1. Thanh văn tạng : Với hàng tiểu căn Thanh văn thì lập Tam tạng giáo dạy rõ về lý, hạnh, quả v.v… của Thanh văn, là Thanh văn tạng.

2. Bồ-tát tạng : Với hàng đại căn Bồ-tát thì lập Tam tạng giáo dạy về pháp sở hành của Bồ-tát, là Bồ-tát tạng.

Trang Nghiêm Luận q.4 nói: “Tam tạng này có là do sự sai biệt cao thấp giữa các thừa, cũng gọi là Thanh văn tạng và Bồ-tát tạng”.

IV. GIẢI THÍCH SỰ KHÁC NHAU

Hỏi : Kinh nói “Vì người cầu Duyên giác mà nói Thập nhị nhân duyên”, vậy sao không gọi là Duyên giác tạng?

Đáp : Vì Duyên giác cũng chỉ đoạn được ngã chấp, chỉ chứng quả sanh không, đồng với La-hán nhập diệt không khác. So với Bồ-tát đều là thừa dưới, nên không nói riêng.

Hỏi : Đều là thừa dưới, sao chỉ có tên Thanh văn tạng?

Đáp : Vì Duyên giác ra đời lúc không Phật, không giáo. Thanh văn không như vậy. Nên nghiêng về Thanh văn mà đặt tên.

Hỏi : Giáo Tiểu thừa cũng có nói về pháp Bồ-tát, sao không gọi là Bồ-tát tạng?

Đáp : Vì chỗ đoạn, chỗ chứng, chỗ nhập niết bàn của hàng Bồ-tát thuộc tông đó không khác với Nhị thừa. Lại, vì Bồ-tát chỉ có một chứ không nhiều nên không gọi là Bồ-tát tạng.

Hỏi : Vậy cớ gì phẩm Tam Tạng trong kinh Phổ Siêu Tam-muội và luận Nhập Đại Thừa đều nói Tam thừa chính là ba tạng Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát?

Đáp : Kinh luận đó nói Đại thừa có ba tạng, không nói Tiểu thừa có ba tạng.

Hỏi : Theo đó, rõ ràng Duyên Giác có tạng. Vậy với Trang Nghiêm Luận phải giải thích thế nào?

Đáp : Trước, là y cứ vào lý quả không khác nên hợp lại. Đây, nhắm vào giáo, hạnh, tiểu, biệt nên phân ra. Vì thế, hai thuyết không trái nhau.

V. PHÂN CHỦNG LOẠI :

1. Thanh văn tạng : Theo kinh luận thì chia làm ba:

1/1. Tranh luận Thanh văn tạng : Khế Kinh, bốn bộ A-hàm, năm bộ Điều phục, Hai mươi bộ Đối pháp … tranh nghịch lẫn nhau. Tuy giáo thuyết của họ không đồng, nhưng không hề trở ngại thánh quả, nên gọi chung là Tranh luận tạng.

1/2. Xứng thật Thanh văn tạng : Du-già, Thanh Văn Địa cùng với Thanh Văn Quyết Trạch dạy về hạnh, vị, quả v.v… của hàng Thanh văn đều xứng thật, cùng với lý tương ưng, không đồng với Bà-sa cùng với các luận khác. Vì giáo thuyết bổ xứ không phải là chỗ mà các luận khác có thể tranh luận, nên gọi chung là Xứng thật Thanh văn tạng.

Hỏi : Giáo của nó đã không đồng với giáo của các bộ Tiểu thừa khác, vậy Thanh văn có hai loại sao?

Đáp : Xét về giáo mà nói, thì đối với pháp Thanh văn, giáo đã cùng mà lý thì chưa tận, nên phân thành hai, không phải Thanh văn có sai biệt.   

1/3. Giả lập Thanh văn tạng: Như trong kinh Đại thừa, vì dẫn dắt hàng Thanh văn muốn họ hồi tâm về Đại thừa, nên lập ra pháp môn cũng có danh số đồng với kinh Tiểu thừa như Vô tác Tứ đế, Đạo phẩm v.v… Trong kinh Đại thừa đã nói đủ, đây không dẫn nhiều. Không phải là chỗ học của Bồ-tát nên gọi là Giả lập Thanh văn tạng.

Hỏi : Tên tuy đồng với Tiểu thừa mà nghĩa thì thật là Đại thừa, sao lại gọi là Thanh văn tạng?

Đáp : Chính vì chỗ đó mới nói giả lập.

Hỏi : Nếu là hàng Thanh văn có căn tánh thuần thục hồi tâm hướng Đại thừa thì chỗ học của họ phải thuộc về Bồ-tát tạng, vậy cái Giả lập tạng này, với họ dùng thế nào?

Đáp : Thanh văn hồi tâm có hai hạng : Một là thắng căn, hai là liệt căn. Hạng thắng căn một khi đã nhập Đại thừa thì không còn nương vào tạng này. Hạng liệt căn thì vẫn còn sợ Đại thừa nên mới phải phương tiện đồng với danh số kia để họ dễ tin nhận. Cho nên, lập ra môn này.

2. Bồ tát tạng : Dựa theo thánh giáo cũng có 3 :

2/1. Bồ-tát tạng thuộc Tiểu thừa : Dạy Bồ-tát y theo 34 tâm v.v… thứ lớp thành Phật, không luận hạnh vị Thập địa mà không đồng với hàng Thanh văn. Như luận Bà-sa, Câu-xá nói.

2/2. Bồ-tát tạng thuộc Đại thừa cộng giáo : Dạy về thứ tự hạnh vị của Bồ-tát. Tuy nói có hồi tâm và tiến thẳng không đồng nhưng đều y nơi thứ lớp Thập địa tiệm tu cho đến quả Phật. Như Du-già, Bồ-tát Địa và các kinh luận Đại thừa khác.

2/3. Bồ-tát tạng thuộc Đại thừa bất cộng giáo: Dạy rõ Bồ-tát y nơi hạnh vị Phổ Hiền được ngũ vị viên dung. Một vị là tất cả vị. Một hạnh là tất cả hạnh. Pháp giới tròn đầy vô ngại tự tại, trước sau như nhau. Mỗi vị đều viên mãn, liền thành Thập Phật, chủ bạn đầy đủ … Luận Trí Độ nói: “Bát-nhã Ba-la-mật có hai. Một là CỘNG BÁT-NHÃ, là kinh Đại Phẩm cùng với các kinh Phương Đẳng khác, thuyết cả cho hàng Thanh văn. Hai là BẤT CỘNG BÁT-NHÃ, là kinh Bất Tư Nghị, chỉ thuyết cho hàng Bồ-tát”, thì có thể hiểu, phần tiểu của Đại thừa Cộng giáo không phải là ngu pháp. Phần đại của Tiểu thừa Cộng giáo không phải là Biệt giáo. Cho nên có ba thứ Bồ-tát tạng.

Hỏi : Bồ-tát và Thanh văn đã là hai tạng riêng thì quả chứng của họ cũng phải khác. Bồ-tát tạng đã phân làm ba vị thì cũng nên có ba loại Bồ-tát, mỗi loại thành Phật riêng?

Đáp : Thành Phật chỉ có một nhưng do căn cơ có sâu cạn mà giáo nói thành ba, không phải thành Phật, thể của nó thật có ba. Nay khai triển thì ngay nơi giáo mà khai triển, không phải ở nơi Phật thể.

Hỏi : Nếu ba thuyết đó đều tương ưng với lý thì Phật thể phải có ba. Nếu lý thành Phật chỉ một, thì phải có hai thuyết hư ngụy.

Đáp : Thành Phật là một nhưng có đủ 3 nghĩa :

1/ Môn dùng gốc theo ngọn : Như giáo của Tiểu thừa, vì đồng với Thanh văn.

2/ Môn khai gốc khác với ngọn : Như giáo của Cộng giáo, vì cùng với Thanh văn tương đối nói có khác.

3/ Môn ngọn hết chỉ còn gốc : Như giáo của Bất cộng giáo, chỉ vì Nhị thừa đui điếc, chứ không có đối và khác.

Phật thể viên dung đầy đủ cả ba nghĩa ấy. Cho nên, ba thuyết đều khác mà Phật không có can hệ. Vì thế, nay trong Bồ-tát tạng có ba thứ này.                                                

VI. ĐỊNH RA SỞ NHIẾP :

Kinh này nhiếp vào tạng nào?

Với Tam tạng giáo của Thanh văn, không thuộc tạng nào.

Với Tam tạng giáo của Bồ-tát, đúng ra chỉ thuộc một tạng sau. Vì luận Trí Độ nói kinh này thuộc Bất cộng giáo. Song có khi chỉ trừ một tạng đầu. Vì kinh này có đủ phổ và biệt.

Có khi thuộc luôn phần Giả lập Thanh văn tạng, vì kinh có nói đến Tứ đế v.v… Có khi thuộc luôn cả hai tạng, vì pháp của Thanh văn đều y nơi pháp giới Nhất thừa mà lưu xuất, đồng một vị không khác.       

VII. THUỘC 1 BỘ:

Trong 12 bộ, kinh này chỉ thuộc một bộ Phương quảng. Luận Đối Pháp nói: “Vì làm chỗ nương tựa an lạc lợi ích cho loài hữu tình, vì tuyên thuyết pháp thậm thâm quảng đại, nên gọi là Phương quảng”. Trong khi đó, Du-già lại nói: “Trong Thanh văn tạng không có Phương quảng”. Đề tựa “Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm Kinh” đã hiển rõ điều đó.      

VIII. THUỘC 3 BỘ : Là Ký biệt, Tự thuyết và Phương quảng. Vì kinh Pháp Hoa nói 9 bộ còn lại đều thuộc Tiểu thừa. Kinh này không thuộc Tiểu thừa nên chỉ thuộc 3 bộ.        

IX. THUỘC 9 BỘ : Trừ Nhân duyên, Thí dụ và Luận nghị. Vì trong kinh Niết Bàn q.3 nói: “Kẻ hộ trì Đại thừa thọ trì 9 bộ”. Nên trừ 3 thứ kia ra.   

X. THUỘC ĐỦ 12 BỘ :

1. Khế kinh : Vì kinh Niết Bàn nói: “Từ đầu chí cuối như thế mà phụng hành là Khế kinh”.

2. Ứng tụng : Vì văn sau có đủ cả trùng tụng.

3. Biệt ký : Vì có cả việc thọ ký thành Phật.

4. Phúng tụng : Vì có cả trực thuyết kệ tụng.

5. Tự thuyết : Vì từ định khởi lên liền thuyết về bổn phận v.v…

6. Duyên khởi : Như văn dưới nói do thỉnh nguyện mới nói.

7. Thí dụ : Vì nói nhiều thí dụ.

8. Bản sự : Như phần văn kinh sau có nói đến Lô-xá-na v.v… cùng với bản sự và bản sở kinh của Phổ Hiền.

9. Bản sinh : Như nói đến tướng bản sinh của Lô-xá-na v.v…

10. Phương quảng : Đã nói trên.

11. Hy pháp : Như văn kinh sau nói lỗ lông thuyết pháp, tòa xuất hiện chúng và các bảo trụ hiện Phật v.v…  

12. Luận nghĩa : Du-già q.81 nói: “Các kinh điển tham cứu xoay quanh Ma-đát-lý-ca”. Tất cả kinh liễu nghĩa đều gọi là Ma-đát-lý-ca. Nghĩa là, đối với chỗ này Thế Tôn tự phân biệt rộng các pháp tướng v.v… Như phẩm Minh Nạn v.v… nói.

Cho nên, kinh này thuộc đủ 12 bộ. Đến phần 12 bộ kinh, sẽ nói thêm các nghĩa khác. Phần tạng bộ xong.